Bản án 26/2020/HS-PT ngày 20/02/2020 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH B  

 BẢN ÁN 26/2020/HS-PT NGÀY 20/02/2020 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 20 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh B xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 220/2019/TLPT-HS ngày 30 tháng 12 năm 2019 đối với bị cáo Đinh Văn Q; do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 54/2019/HSST ngày 30/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh B.

- Bị cáo có kháng cáo:

Đinh Văn Q - Sinh ngày 10 tháng 10 năm 1971 tại: Huyện T, tỉnh B; nơi ĐKHKTT: Làng A, thôn M, xã B, huyện T, tỉnh B; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 0/12; dân tộc: Bana; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đinh Bót T – Sinh năm: 1930 và bà Đinh Giá T – Sinh năm: 1940; có vợ: Đinh Thị L – Sinh năm: 1974; con: Có 02 con, lớn nhất sinh năm 1997, nhỏ nhất sinh năm 2001; tiền án: Không, tiền sự: Không; bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 12/4/2019 cho đến nay. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 4/2016, Đinh Văn Q vào khu rừng có tục danh “Đá trắng” thuộc thôn M, xã B, huyện T, tỉnh B để chăm sóc cây đào và cây mì trồng trên đám rẫy của bị cáo trước đó. Tại đây, Q biết và thấy khu vực rừng tự nhiên phòng hộ tại tiểu khu 228, xã B, huyện T, tỉnh B do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T, tỉnh B quản lý (theo Quyết định phê duyệt quy hoạch số 2937/QĐ- UBND ngày 24/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh B) nằm gần đám rẫy của bị cáo có khu đất tương đối bằng phẳng nên bị cáo nảy sinh ý định chặt phá cây rừng trên khu vực đất rừng nói trên để lấy đất trồng cây hoa màu. Tại thời điểm đó, trên đất có nhiều cây bụi, dây leo và một số cây cầy, cây dền, cây nhãn…; cây cao nhất khoảng 04m, đường kính cây to nhất khoảng 16cm, còn sống mọc rải rác.

Sau đó, hằng ngày vào buổi sáng, Q điều khiển xe mô tô đi từ nhà mang theo 01 cái rựa dài 61cm, 01 máy cưa cầm tay (không rõ đặc điểm), thức ăn và nước uống đến rẫy của bị cáo để xe ở đó rồi đi bộ đến khu vực rừng tự nhiên nói trên để chặt phá cây rừng; theo bản đồ hiện trạng rừng năm 2015 thì bị cáo chặt cây tại khu vực rừng thuộc lô 19, khoảnh 5, tiểu khu 228 thuộc thôn M, xã B, huyện T, tỉnh B. Q sử dụng rựa chặt phát dọn cây dây leo, cây bụi trước rồi sau đó sử dụng máy cưa cưa hạ những cây gỗ lớn theo hướng từ Đông sang Tây; bị cáo làm trong khoảng 20 ngày, có ngày làm, ngày nghỉ, có ngày làm 01 buổi và tổng diện tích rừng mà bị cáo đã chặt phá là 10.724m2. Q dự định khoảng 01 tháng sau sẽ đốt dọn cây rừng đã khô để lấy đất canh tác thì bị Hạt kiểm lâm huyện T, tỉnh B kiểm tra phát hiện và yêu cầu Q chấm dứt hành vi vi phạm. Bị cáo không đốt dọn và trồng trọt trên diện tích đất rừng đã chặt phá trái phép mà để cây rừng tái sinh tự nhiên, không thu lợi gì từ việc chặt phá cây rừng nói trên.

Trong khoảng thời gian chặt phá rừng, vợ Q là chị Đinh Thị L nghĩ bị cáo vào đám rẫy của gia đình để chăm sóc cây đào nên có 01 lần khoảng 11 giờ (không xác định ngày cụ thể) chị L mang cơm lên rẫy cho Q. Khi đến nơi, chị L thấy Q đang chặt phá rừng tự nhiên tại khu vực rừng phòng hộ nên có khuyên can Q không chặt phá rừng nữa nhưng Q không nói gì; sau đó chị L đi về. Những ngày sau đó, một mình Q tiếp tục đi vào khu vực rừng nói trên để chặt phá cây rừng và không nói cho chị L biết.

Theo các Thông báo giám định thiệt hại về rừng ngày 27/12/2017 và 26/01/2018 của Trung tâm quy hoạch nông nghiệp nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh B thì địa điểm rừng bị thiệt hại thuộc lô 19, khoảnh 5, tiểu khu 228 thuộc thôn M, xã B, huyện T, tỉnh B (theo bản đồ hiện trạng rừng năm 2015); diện tích rừng bị thiệt hại là 10.724m2; là rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh có trạng thái rừng nghèo thuộc quy hoạch chức năng rừng phòng hộ, tổng trữ lượng rừng thiệt hại là 11,3m3; hiện trường rừng tại thời điểm giám định là cây rừng đã chặt hạ, còn gốc chặt và thực bì tái sinh cao khoảng 02m.

Tại Kết luận định giá tài sản ngày 11/10/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện T đã kết luận giá trị lâm sản, giá trị môi trường của diện tích rừng bị thiệt hại là 8.576.700 đồng.

Trong quá trình điều tra, bị cáo đã tự nguyện nộp 200.000 đồng cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T để khắc phục một phần hậu quả; Ban quản lý rừng phòng hộ huyện T yêu cầu bị cáo tiếp tục bồi thường số tiền còn lại là 8.376.700 đồng.

* Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 54/2019/HSST ngày 30 tháng 10 năm 2019, Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh B đã quyết định:

- Tuyên bố bị cáo Đinh Văn Q phạm tội “Hủy hoại rừng”.

Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; các điểm b, k, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt bị cáo Đinh Văn Q 03 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

- Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về phần dân sự; nghĩa vụ thi hành án; phần vật chứng; phần án phí; quyền kháng cáo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

*/- Ngày 13/11/2019, bị cáo có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

*/- Tại phiên tòa, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

*/- Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện T;

Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện T; Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo có trong hồ sơ vụ án và phù hợp với các chứng cứ khác nên có đủ cơ sở xác định:

Trong khoảng tháng 4/2016, Đinh Văn Q đã có hành vi sử dụng rựa, máy cưa cầm tay chặt phá, đốt trái phép các cây gỗ trong khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện T quản lý, bảo vệ. Theo các Thông báo giám định thiệt hại về rừng ngày 27/12/2017 và 26/01/2018 của Trung tâm quy hoạch nông nghiệp nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh B thì địa điểm rừng bị thiệt hại thuộc lô 19, khoảnh 5, tiểu khu 228 tọa lạc tại thôn M, xã B, huyện T, tỉnh B (theo bản đồ hiện trạng rừng năm 2015); diện tích rừng bị thiệt hại là 10.724m2; thuộc quy hoạch chức năng rừng phòng hộ và tổng trữ lượng rừng thiệt hại là 11,3m3. Giá trị lâm sản, giá trị môi trường của diện tích rừng bị thiệt hại theo Kết luận định giá tài sản ngày 11/10/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện T là 8.576.700 đồng.

Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Đinh Văn Q về tội “Hủy hoại rừng” với tình tiết định khung là hủy hoại rừng phòng hộ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 189 của Bộ luật hình sự năm 1999 là phù hợp.

[3] Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại lớn về môi trường sinh thái, ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương; do đó, bị cáo phải nhận mức hình phạt tương xứng với hành vi do mình gây ra.

Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đã tự nguyện bồi thường thiệt hại khắc phục một phần hậu quả; bị cáo là người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên nhận thức còn lạc hậu; người bị hại có yêu cầu xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo… quy định tại các điểm b, k, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử phạt bị cáo 03 năm tù bằng mức khởi điểm của khung hình phạt liền kề là đã xem xét, chiếu cố cho bị cáo. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho được hưởng án treo của bị cáo; giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt để có tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo và phòng ngừa chung tội phạm.

[4] Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Đinh Văn Q là người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì bị cáo thuộc trường hợp được miễn tiền án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần hình phạt.

1. Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; các điểm b, k, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Xử phạt: Bị cáo Đinh Văn Q 03 (Bằng chữ: Ba) năm tù về tội “Hủy hoại rừng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi thi hành án.

2. Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Đinh Văn Q không phải chịu.

3. Các quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Hiệu lực Bản án phúc thẩm: Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

294
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 26/2020/HS-PT ngày 20/02/2020 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:26/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bến Tre
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 20/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về