Bản án 26/2019/HS-PT ngày 24/06/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 26/2019/HS-PT NGÀY 24/06/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 24 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 26/2019/TLPT-HS ngày 08 tháng 4 năm 2019 đối với bị cáo Võ Vương P do có kháng cáo của người bị hại anh Phạm Thế M đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 16/2019/HS-ST ngày 01 tháng 3 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.

- Bị cáo bị kháng cáo:

Võ Vương P, sinh ngày 24 tháng 01 năm 1991 tại Quảng Ngãi; Nơi cư trú: Thôn V, xã P, huyện Đ, tỉnh Quảng Ngãi; nghề nghiệp: Nông; trình độ học vấn: 10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Võ D và bà Trần Thị D; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; về nhân thân: Ngày 20/02/2014, bị Công an huyện Đ xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng” theo Quyết định số 26/QĐ-XPVPHC ngày 20/02/2014, bị cáo đã chấp hành xong; bị bắt tạm giam từ ngày 21/8/2018 cho đến nay; có mặt tại phiên tòa.

- Người bị hại: Ông Phạm Thế M, sinh năm: 1987.

Nơi cư trú: Thôn L, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi; có mặt tại phiên tòa.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Ông Phạm Trùng D, sinh năm: 1990.

Nơi cư trú: Tổ X, phường C, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; vắng mặt tại phiên tòa.

+ Ông Ngô Văn Th, sinh năm: 1989.

NĐKNKTT: Thôn A, xã N, huyện T, tỉnh Quảng Ngãi; nơi cư trú: Tổ H, phường N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; vắng mặt tại phiên tòa.

- Người làm chứng: Bà Huỳnh Ngọc B, sinh năm: 1993.

Nơi cư trú: Đội V, thôn G, xã T, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi; vắng mặt tại phiên tòa.

- Người giám định: Ông Lý Trường T – Giám định viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi; có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 19 giờ 00 phút ngày 10/4/2018, Phạm Thế M cùng với Phạm Trùng D, T, H, V và một số thanh niên khác (không xác định được nhân thân lai lịch) cùng tham gia đá bóng tại sân bóng N thuộc Tổ H, phường N, thành phố Q.Trong quá trình đá bóng thì M và D có xảy ra mâu thuẫn, xô xát với V nhưng được mọi người can ngăn và không xảy ra thương tích gì. Lúc này, Võ Vương P nghe tin V bị đánh nên điều khiển xe mô tô BKS XXNX-XXXXX đi một mình đến sân bóng xem tình hình như thế nào. Khi Võ Vương P đến nơi thì giữa M và P xảy ra mâu thuẫn, cãi vả với nhau, sau đó M và D xông vào đánh P thì P, V và bạn của P cũng xông vào đánh M và D nhưng không gây thương tích gì. Sau đó, M bỏ chạy về hướng nhà nghỉ tại địa chỉ XXX/X hẻm Bùi Thị X thuộc tổ H, phường N, thành phố Q, P đuổi theo sau, khi thấy M vào nhà nghỉ đi ra có cầm 01 cây kiếm, có vỏ dài khoảng 80cm (cây kiếm dài 80cm, cán dài 22 cm, rộng 4cm, dày 02cm, trên bề mặt cán kiếm có hình hoa văn, cán kiếm bằng kim loại màu đồng; lưỡi kiếm bằng kim loại màu trắng sáng, mũi nhọn, một bên lưỡi sắc, rộng nhất 3cm; vỏ kiếm bằng kim loại màu vàng đồng dài 57,5cm, vỏ kiếm hơi cong, rộng nhất 4,5cm, hẹp nhất 0,4cm, trên vỏ kiếm có in hình hoa văn, chữ, mặt bên vỏ kiếm có đính 02 chốt quai đeo cách nhau 17 cm) nên P chạy ngược về đến ngã tư ở góc sân bóng N lấy 01 (một) cây đao dài khoảng 60cm, cán bằng gỗ dài khoảng 20cm, lưỡi bằng inox dài khoảng 40cm, dọc trên sống lưỡi có khoan nhiều lỗ và quay lại đi về hướng của M, lúc này M cũng đi về hướng ngược lại với P vừa đi vừa rút kiếm ra, khi cả hai đến gần đối diện với nhau thì M nói: “Mày một cây tao một cây” rồi cả hai xông vào dùng hung khí chém nhau. M cầm cây kiếm bằng tay phải chém từ trên xuống, còn P dùng đao đỡ thì bị thương ở vùng mắt trái, P dùng tay trái bịt mắt trái lại và cầm đao bằng tay phải chém M 02 đến 03 nhát làm đứt lìa bàn tay trái và gây thương tích ở cổ tay phải. Khi M ngã xuống đất thì P vứt cây đao và được bạn gái là Nguyễn Thị X chở đi bệnh viện cấp cứu, còn M được mọi người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, sau đó điều trị tại các Khoa ngoại bỏng và phục hồi chức năng tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Sau khi xảy ra sự việc, Phạm Thế M đã có đơn yêu cầu đề nghị giám định tỷ lệ thương tích và khởi tố vụ án, khởi tố đối tượng đã gây thương tích cho M.

Kết luận giám định pháp y về thương tích số 130/2018/GĐPY ngày 14/8/2018 của Phòng giám định pháp y – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi xác định tỷ lệ thương tích của Phạm Thế M như sau:

- 01 (một) sẹo mu bàn tay trái kích thước lớn: 4,95% (cộng lùi);

- Điện cơ: Tổn thương dây thần kinh trụ trái, giữa trái, mức độ hoàn toàn: 24,35% (cộng lùi);

- 01 (một) sẹo cổ-gan bàn tay phải kích thước lớn: 8,32% (cộng lùi);

- Điện cơ: Tổn thương thần kinh trụ phải mức độ hoàn toàn: 5,38% (cộng lùi);

 Tổng cộng: 43% (Bốn mươi ba phần trăm).

Căn cứ Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế quy định, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 43% (bốn mươi ba phần trăm). Tổn thương phù hợp vật sắc gây thương tích.

Bản án hình sự sơ thẩm số: 16/2019/HS-ST ngày 01/3/2019 của Toà án nhân dân thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi quyết định:

Tuyên bố: Bị cáo Võ Vương P phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng: Điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54; Điều 38; điểm a Khoản 1 Điều 47; Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

- Căn cứ Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;

- Căn cứ các Điều 584, 585, 586, 590 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Căn cứ khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án:

Xử phạt: Bị cáo Võ Vương P 04 (bốn) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21/8/2018.

Về dân sự: Buộc bị cáo Võ Vương P có nghĩa vụ bồi thường cho ông Phạm Thế M 92.922.929đ (Chín mươi hai triệu, chín trăm hai mươi hai nghìn, chín trăm hai mươi chín đồng). Gia đình bị cáo P đã bồi thường cho ông M số tiền là 75.000.000đ (Bảy mươi lăm triệu đồng), vậy bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường thêm 17.922.929đ (Mười bảy triệu, chín trăm hai mươi hai nghìn, chín trăm hai mươi chín đồng).

Về án phí: Buộc bị cáo Võ Vương P phải nộp 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 896.147đồng (Tám trăm chín mươi sáu nghìn, một trăm bốn mươi bảy đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra, còn tuyên về xử lý vật chứng và quyền kháng cáo theo luật định.

- Ngày 12/3/2019 và ngày 25/3/2019, người bị hại anh Phạm Thế M có đơn kháng cáo với nội dung yêu cầu khởi tố các đối tượng V, T, H, Th là đồng phạm với Võ Vương P về tội “Cố ý gây thương tích”; yêu cầu giám định lại thương tích; xem xét lại các khoản chi phí bồi thường như anh đã yêu cầu tại cấp sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Phạm Thế M vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

*Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc giải quyết vụ án: Bản án sơ thẩm xét xử bị cáo Võ Vương P 04 (bốn) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Xét kháng cáo của người bị hại anh Phạm Thế M, thì thấy:

- Đối Kết luận giám định pháp y của Phòng giám định pháp y – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi là phù hợp với thương tích của người bị hại Phạm Thế M và không vi phạm quy định tại Điều 29, Điều 30 Luật Giám định pháp y số: 11/2012/L-CTN ngày 02/7/2012. Nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của người bị hại Phạm Thế M.

- Đối với hành vi của các đối tượng H, Th, T, V: Tại phiên tòa phúc thẩm anh Phạm Thế M khai khi anh và P chém nhau thì H, T, V đứng cách đó khoảng 15m đến 20m và không tham gia cùng P gây thương tích cho anh. Đối với hành vi của Ngô Văn Th thì anh Phạm Thế M khai rằng ý định của Th khi xông vào ôm anh là để can ngăn chứ không phải muốn giúp P gây thương tích cho anh. Theo Điều 17 Bộ luật hình sự quy định “Đồng phạm là trường hợp có 02 người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”; do đó, xét thấy cấp sơ thẩm không khởi tố, truy tố, xét xử đối với các đối tượng H, Th, T, V là có căn cứ. Nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của người bị hại anh Phạm Thế M.

- Về phần bồi thường thiệt hại: Tại phiên tòa phúc thẩm người bị hại anh Phạm Thế M yêu cầu xem xét lại phần bồi thường cho anh như đơn yêu cầu anh đã nêu tại cấp sơ thẩm nhưng không được Tòa án chấp nhận như: Tiền thuê xe, tiền mất thu nhập sau khi ra viện không lao động được, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, tiền tập vật lý trị liệu; riêng tiền bồi thường tổn thất tinh thần tại phiên tòa sơ thẩm anh M yêu cầu bồi thường 65.000.000 đồng nhưng tại phiên tòa phúc thẩm anh M yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật. Xét yêu cầu của anh M thì thấy, mặc dù tại cấp sơ thẩm anh M không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp lệ về chi phí cho việc cứu chữa như yêu cầu của anh nhưng các khoản chi phí nêu trên là khoản chi phí hợp lý, có thật và cần thiết để phục vụ cho việc cứu chữa thương tích của anh M. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Võ Vương P cũng đồng ý bồi thường cho anh Phạm Thế M theo quy định của pháp luật. Nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại của người bị hại, sửa phần dân sự của bản án sơ thẩm; đồng thời, ghi nhận sự thỏa thuận của bị cáo Võ Vương P và anh Phạm Thế M.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét hành vi của bị cáo Võ Vương P: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Võ Vương P đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ thu thập tại hồ sơ vụ án, nên đủ cơ sơ xác định: Ngày 10/4/2018, bị cáo Võ Vương P đã sử dụng đao là hung khí nguy hiểm chém anh Phạm Thế M gây tổn thương cơ thể là 43%. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Võ Vương P 04 (bốn) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của người bị hại anh Phạm Thế M:

[2.1] Đối với hành vi của các đối tượng H, Th, T, V: Theo nội dung đơn kháng cáo ngày 12/3/2019, ngày 25/3/2019 và tại phiên tòa phúc thẩm, thì anh Phạm Thế M cho rằng sau khi sự việc xảy ra vào ngày 10/4/2018 anh đã làm đơn trình báo gửi Công an thành phố Q yêu cầu điều tra làm rõ và khởi tố đối bị cáo Võ Vương P cùng đồng bọn T, V, H, Th; vì cho rằng đối tượng T là người trực tiếp gây ra sự cãi vã, xô xát với nhau do mâu thuẫn đá bóng, sau đó T là người trực tiếp gọi P đến gây ra vụ án này; V, H cũng tham gia đánh anh và bạn của anh (D). Th là người trực tiếp ôm, gạt chân anh M té ngã để P thực hiện hành vi chém anh đứt lìa bàn tay trái, đứt nữa bàn tay phải; đồng thời, anh cung cấp chứng cứ T, V, H, Th là đồng phạm với bị cáo P. Nhưng cấp sơ thẩm không khởi tố, truy tố, xét xử đối với các đối tượng T, V, H, Th là đồng phạm với bị cáo P là bỏ lọt tội phạm; Hội đồng xét xử thấy rằng:

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Võ Vương P khai: Bị cáo thấy ngay chỗ ngã tư sân bóng không có ai đứng cả chỉ có thằng Th ở phía dưới nhà nghỉ G đi bộ lên thì Th có hỏi đi đánh lộn với ai mà cầm hàng vậy, thì bị cáo không trả lời và tiếp tục đi tới chỗ M. Đồng thời, P khẳng định thương tích của M là do một mình P gây ra, ngoài ra không có ai xúi dục và tham gia cùng P.

Lời khai của Ngô Văn Th tại hồ sơ vụ án: “Tôi khẳng định từ lúc cả 02 chuẩn bị đánh nhau đến lúc M bị chém đứt tay tôi đưa lên cấp cứu thì chỉ có M và P tham gia đánh nhau, ngoài ra không có ai khác”; đồng thời, tại biên bản đối chất với Phạm Thế M thì Th cũng khẳng định “tôi không tác động gì anh M cả, anh M và anh P cầm hung khí xông vào chém nhau và gây thương tích cho nhau. Tôi đứng gần đó nhưng tôi không nghĩ 02 người này chém nhau nên không kịp can ngăn” và khai chính Th là người đưa M đi cấp cứu.

Tại phiên tòa phúc thẩm anh Phạm Thế M thống nhất với lời khai của bị cáo Võ Vương P diễn biến sự việc xảy ra tại sân bóng N. Nhưng anh cho rằng khi anh chạy về đến trước nhà nghỉ đứng thở thì thấy P cầm một cây mã tấu đuổi theo, theo sau P là có Th và 05-06 thanh niên cùng đuổi theo nên anh chạy vào nhà nghỉ lấy 01 cây kiếm đi ra gặp nhóm P và nói “Tụi bay ý gì mà cầm hàng đến đây”, thì anh và P có cự cãi và thách đố nhau. Lúc này, Th xông tới ôm và gạt chân anh té ngã, khi thấy anh ngã thì P cầm mã tấu xông tới chém anh, anh cũng cầm kiếm chém lại P 01 cái nhưng không biết trúng hay không, lúc này anh bị ngã và rớt kiếm thì bị P dùng mã tấu chém đứt bàn tay trái và thương tích ở cổ tay phải. Nhưng anh Phạm Thế M khai trong lúc anh và P chém nhau thì H, T, V đứng cách đó khoảng 15m đến 20m không tham cùng P gây thương tích cho anh. Đối với Ngô Văn Th thì anh Phạm Thế M khai rằng ý định của Th khi xông vào ôm anh là để can ngăn chứ không phải muốn giúp P nhưng do Th làm anh ngã nên P xông vào chém anh gây thương tích; do đó, anh cho rằng hành vi của Th cũng là đồng phạm với P và yêu cầu khởi tố về hành vi của Th. Ngoài ra, anh Phạm Thế M không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh Th, H, T, V là đồng phạm với bị cáo Võ Vương P.

Xét lời khai của người bị hại anh Phạm Thế M, bị cáo Võ Vương P, Ngô Văn Th và các tài liệu, chứng cứ thu thập tại hồ sơ vụ án, thì thấy: Căn cứ theo Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định “Đồng phạm là trường hợp có 02 người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm” nên đủ cơ sở để khẳng định hành vi của Th, H, T, V chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”. Do đó, Cấp sơ thẩm không khởi tố, truy tố, xét xử đối với các đối tượng H, Th, T, V là có căn cứ. Nên không chấp nhận kháng cáo của anh Phạm Thế M.

[2.2] Đối với đề nghị giám định lại thương tích của người bị hại anh Phạm Thế M: Anh Phạm Thế M cho rằng Kết luận giám định pháp y về thương tích số 130/2018/GĐPY ngày 14/8/2018 của Phòng giám định pháp y – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của Phạm Thế M 43% là không đúng với thương tật và sức khỏe của anh nên yêu cầu giám định lại. Hội đồng xét xử phúc thẩm, xét thấy Kết luận giám định pháp y của Phòng giám định pháp y – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi là phù hợp với thương tích của người bị hại Phạm Thế M và không vi phạm quy định tại Điều 29, Điều 30 Luật Giám định pháp y số: 11/2012/L-CTN ngày 02/7/2012. Nên không chấp nhận kháng cáo của anh Phạm Thế M.

[2.3] Về phần bồi thường thiệt hại:

- Tiền thuê xe và bác sĩ đưa anh Phạm Thế M đi cấp cứu và điều trị: Sau khi bị thương tích ngày 10/4/2018 anh Phạm Thế M được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi rồi tiếp tục được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu và điều trị, đến ngày 24/4/2018 xuất viện về nhà; sau đó được hẹn tái khám, anh M tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng 02 lần, lần 1 là từ ngày 21/5/2018 đến ngày 29/5/2018, lần 2 là từ ngày 15/7/2018 đến ngày 16/7/2018. Mặc dù, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm anh M không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc thuê xe và bác sĩ. Nhưng đây là khoản chi phí hợp lý, có thật và cần thiết để phục vụ cho việc cứu chữa thương tích của anh M, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không buộc bị cáo Võ Vương P bồi thường tiền xe chuyển anh M từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng (đi và về) 03 lần là thiệt hại đến quyền lợi của anh M. Do đó, cần buộc bị cáo Võ Vương P phải bồi thường cho anh M tiền xe đi lại 03 lần là: Tiền thuê xe cấp cứu, y tá theo bệnh nhân, thuốc chuyền nước là 2.600.000 đồng; tiền xe taxi cho bệnh nhân về nhà khi ra viện là 1.200.000 đồng; tiền xe đi lại cho 02 lần phẫu thuật của bệnh nhân và người chăm sóc là 1.500.000 đồng; tổng cộng: 5.300.000 đồng.

- Tiền tập vật lý trị liệu: Anh M bị chém đứt lìa bàn tay trái và được nối lại nên phải tập vật lý trị liệu để hồi phục chức năng bị mất nhưng cấp sơ thẩm không chấp nhận tiền bồi thường vật lý trị liệu cho anh M là không đúng. Do đó, cần buộc bị cáo P phải bồi thường tiền tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho anh Phạm Thế M là 3.000.000 đồng.

- Tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe: Anh M bị tổn thương cơ thể 43%. Do đó, cần có một khoản tiền bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; anh M yêu cầu số tiền 1.400.000 đồng (100.000 đồng/ngày x 14 ngày) là phù hợp nên được chấp nhận.

- Tiền thu nhập thực tế bị mất của người bị hại anh Phạm Thế M: Ngày 10/4/2018 anh Phạm Thế M được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu và điều trị, đến ngày 24/4/2018 xuất viện về nhà; sau đó được hẹn tái khám, anh M tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng 02 lần, lần 1 là từ ngày 21/5/2018 đến ngày 29/5/2018, lần 2 là từ ngày 15/7/2018 đến ngày 16/7/2018. Tổng thời gian anh M điều trị là 98 ngày. Tuy nhiên, sau khi ra viện về nhà với tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh M 43% (bị đứt lìa bàn tay trái và được nối lại, tay phải cũng bị thương tích ở cổ-gan bàn tay) nên anh M không thể lao động ngay để có thu nhập. Do đó, cần phải có thêm một khoảng thời gian nữa để anh tiếp tục điều trị mới phục hồi sức khỏe và lao động có thu nhập được. Nên Hội đồng xét xử thấy cần tính thêm 04 (bốn) tháng mất thu nhập cho anh sau khi xuất viện về nhà tiếp tục điều trị. Tổng thời gian mất thu nhập của anh M được tính lại là 218 ngày (98 ngày + 120 ngày) x 250.000 đồng/ngày = 54.500.000 đồng.

- Tiền bồi thường tổn thất về tinh thần: Tại cấp sơ thẩm anh M yêu cầu số tiền 65.000.000 đồng nhưng tại phiên tòa phúc thẩm anh M thay đổi và yêu cầu xem xét theo quy định của pháp luật. Xét yêu cầu của anh M là phù hợp với quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Buộc bị cáo Võ Vương P phải bồi thường cho anh Phạm Thế M số tiền 69.500.000 đồng (1.390.000 đồng x 50 tháng lương cơ sở).

- Tiền mất thu nhập của người chăm sóc người bị hại trong thời gian điều trị từ ngày 10/4/2018 đến ngày 16/7/2018: Cấp sơ thẩm xem xét buộc bị cáo Võ Vương P bồi thường cho người bị hại anh Phạm Thế M số tiền 24.500.000 đồng (98 ngày x 250.000 đồng/ngày) là có cơ sở, đúng pháp luật.

- Đối với Chi phí thuốc men, viện phí trong thời gian điều trị: Cấp sơ thẩm xem xét, đối chiếu với các hóa đơn, chứng từ hợp lệ buộc bị cáo Võ Vương P bồi thường cho người bị hại anh Phạm Thế M số tiền 9.897.238 đồng là có cơ sở, đúng pháp luật.

- Đối với khoản tiền mua chăn, gối, khăn để chuyển viện: 230.000 đồng; tiền mua đồ dùng cho bệnh nhân, giường chiếu cho người chăm sóc: 1.500.000 đồng; tiền xe đi lại để thay đổi người chăm sóc: 600.000 đồng x 5 lần = 3.000.000 đồng; tiền thuê người chăm sóc cho vợ người bị hại bị bệnh ung thư tại Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh từ ngày 10/4/2018 đến ngày 10/6/2018 là 210.000 đồng x 60 ngày = 12.600.000 đồng; tiền ăn cho 02 người chăm sóc người bị hại trong thời gian 14 ngày là không phù hợp với quy định nên không được chấp nhận.

Như vậy, tổng chi phí hợp lý cần tính cho anh Phạm Thế M là 168.097.238 đồng, gồm các khoản sau:

- Chi phí thuốc men, viện phí: 9.897.238 đồng.

- Tiền thuê xe và bác sĩ phục vụ cho việc cứu chữa: 5.300.000 đồng.

- Tiền tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng là 3.000.000 đồng.

- Tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe là 1.400.000 đồng.

- Tiền mất thu nhập của người bị hại anh Phạm Thế M trong thời gian điều trị và sau khi xuất viện là 54.500.000 đồng.

- Tiền mất thu nhập của người chăm sóc người bị hại trong thời gian điều trị từ ngày 10/4/2018 đến ngày 16/7/2018 là 24.500.000 đồng.

- Tiền bồi thường tổn thất tinh thần là 69.500.000 đồng.

Tổng thiệt hại của người bị hại anh Phạm Thế M đã xem xét ở trên là 168.097.238 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm anh Phạm Thế M thừa nhận mình cũng có một phần lỗi nên căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự thì bị cáo chỉ bồi thường phần thiệt hại tương ứng với phần mức độ lỗi của mình, phần còn lại thuộc trách nhiệm của anh Phạm Thế M, cụ thể: Bị cáo phải chịu 3/4 chi phí thiệt hại, tương ứng số tiền là 126.072.929 đồng; anh M chịu 1/4 chi phí thiệt hại, tương ứng số tiền là 42.024.309 đồng. Gia đình bị cáo đã bồi thường trước cho anh M số tiền 75.000.000 đồng nên bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường cho anh M số tiền 51.072.929 đồng.

[3] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[4] Phần dân sự của bản án sơ thẩm được sửa nên án phí dân sự sơ thẩm cũng được sửa theo qui định của pháp luật.

Bị cáo Võ Vương P phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 2.553.646 đồng (51.072.929 đồng x 5%) án phí dân sự sơ thẩm.

[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b Khoản 1 Điều 355; điểm b khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của người bị hại anh Phạm Thế M. Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 16/2019/HS-ST ngày 01/3/2019 của Toà án nhân dân thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.

Áp dụng: Điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Xử phạt: Bị cáo Võ Vương P 04 (bốn) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam 21/8/2018.

2. Về bồi thường thiệt hại: Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; các Điều 584, 585, 586, 590 Bộ luật Dân sự năm 2015; Buộc bị cáo Võ Vương P phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại anh Phạm Thế M số tiền là 126.072.929 đồng (Một trăm hai mươi sáu triệu không trăm bảy mươi hai nghìn chín trăm hai mươi chín đồng). Gia đình bị cáo P đã bồi thường số tiền là 75.000.000 đồng (Bảy mươi lăm triệu đồng). Bị cáo Võ Vương P còn phải tiếp tục bồi thường cho anh Phạm Thế M số tiền là 51.072.929 đồng (Năm mươi mốt triệu không trăm bảy mươi hai nghìn chín trăm hai mươi chín đồng).

3. Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án chậm thi hành thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải trả cho người được thi hành án khoản tiền lãi suất theo qui định tại Điều 357 Bộ luật dân sự 2015 tương ứng với khoản tiền và thời gian chậm thi hành án, cho đến khi thi hành xong bản án.

Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án.

4. Bị cáo Võ Vương P phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 2.553.646 đồng (Hai triệu năm trăm năm mươi ba nghìn sáu trăm bốn mươi sáu đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

530
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 26/2019/HS-PT ngày 24/06/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:26/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 24/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về