Bản án 253/2017/DS-PT ngày 29/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 253/2017/DS-PT NGÀY 29/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 29 tháng 9 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 446/2017/TLPT-DS ngày 05/12/2016 về tranh chấp: “Hợp đồng vay tài sản”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 277/2016/DS-ST ngày 22/09/2016 của Toà án nhân dân huyện T bị kháng cáo. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 607/2016/QĐ-PT ngày 14/12/2016 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1/ Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1970 (có mặt);

2/ Anh Nguyễn Hữu L1, sinh năm 1974 (có mặt);

Cùng địa chỉ: số A, tổ B, ấp M, xã Đ, huyện T, tỉnh Tiền Giang;

- Bị đơn:

1/ Chị Phạm Thị B, sinh năm 1970 (có mặt);

2/ Anh Nguyễn Văn N, sinh năm 1965 (có mặt);

Cùng địa chỉ: số C, tổ E, ấp P, xã H, huyện T, tỉnh Tiền Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Lê Trần Hồng T – Văn phòng luật sư T thuộc Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang (có mặt);

* Người kháng cáo: bị đơn Phạm Thị B, Nguyễn Văn N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo án sơ thẩm, nguyên đơn anh Nguyễn Hữu L1, chị Nguyễn Thị L trình bày:

Vợ chồng anh chị mua bán nhỏ lẻ dưa và khoai lang sinh sống, còn vợ chồng chị B, anh N mua bán sỉ dưa và khoai lang nên quen biết nhau. Chị B, anh N nói có nhiều vựa mua dưa ở chợ đầu mối Đ, M, huyện Đ, Tp. Hồ Chí Minh lấy số lượng dưa rất lớn nhưng không đủ tiền thu mua sỉ dưa bán cho các vựa đầu mối trên, nên thuyết phục kêu vợ chồng anh chị cho vợ chồng chị B, anh N (vợ chồng B – N) mượn tiền để vợ chồng bà B – N trực tiếp đi mua dưa bán sỉ kiếm lời và chia theo tỷ lệ 7/3 (vợ chồng bà B, ông N được 7).

Tin tưởng theo lời vợ chồng B - N, năm 2014 vợ chồng anh chị đã cho vợ chồng B - N mượn tổng cộng 990.000.000 đồng. Cụ thể như sau:

- Ngày 12/9/2014 (âm lịch): Vợ chồng anh L, chị L có ký Hợp đồng hùn vốn với vợ chồng B – N, tổng số tiền hùn vốn là 120.000.000 đồng. Thực chất số tiền này là vợ chồng B – N vay của vợ chồng anh chị 02 lần, lần đầu cách ngày 12/9/2014 (âm lịch) là khoảng hơn 01 tuần, vay 60.000.000 đồng; lần thứ hai, hai vợ chồng B – N lại vay thêm 60.000.000 đồng và đồng thời đưa Hợp đồng hùn vốn cho vợ chồng anh chị ký. Mặc dù thể hiện là hợp đồng hùn vốn nhưng thực chất là vay, vì khi hai bên giao nhận tiền xong thì anh L1, chị L không có cùng đi mua dưa hay mua khoai gì với vợ chồng B – N. Hợp đồng hùn vốn này do chị B và anh N tự làm và tự cầm đến nhà anh chị, cả hai bên cùng ký tên vào hợp đồng. Lãi suất thỏa thuận miệng là 2%/tháng, anh N và chị B trả lãi được 02 tháng rồi ngừng trả lãi cho đến nay, nợ gốc vẫn chưa trả. Anh N, chị B hẹn đến 30 Tết năm 2014 sẽ trả cả nợ gốc và tiền lãi.

- Ngày 06/10/2014 (âm lịch) và ngày 19/10/2014 (âm lịch), được thể hiện trên cùng 01 biên nhận: Anh chị lại tiếp tục cho vợ chồng B – N vay tổng cộng 02 lần tiền là 150.000.000 đồng + 110.000.000 đồng = 260.000.000 đồng. Vợ chồng bị đơn nói là do có thêm mối làm ăn và khoai đang lên giá, cần thêm vốn nhập hàng và bán cho người ta theo dạng gối đầu, nên điện thoại nhờ anh chị cho vay 02 lần tiền vào 02 ngày như đã trình bày. Lãi suất thỏa thuận miệng là 2%/tháng. Mỗi khoản vay trả lãi được 02 tháng tiền lãi và ngừng trả lãi cho đến nay, nợ gốc vẫn chưa trả. Anh N, chị B hẹn đến 30 Tết năm 2014 sẽ trả cả nợ gốc và tiền lãi.

- Ngày 15/10/2014 (âm lịch): Anh N, chị B vay tiếp vợ chồng anh chị50.000.000 đồng. Chị B nói là đang cắt dưa ở  rẫy, thiếu tiền nên chạy lên nhà anh chị vay tiền, lúc này không có anh N đi cùng. Lãi suất thỏa thuận miệng là 2%/tháng. Tới ngày 15/12/2014 âm lịch, chị B trả được 01 tháng tiền lãi và ngừng trả lãi cho đến nay, nợ gốc chưa trả. Anh N, chị B hẹn đến 30 Tết năm 2014 sẽ trả cả nợ gốc và tiền lãi.

  - Ngày 04/11/2014 (âm lịch): Anh N, chị B vay 200.000.000 đồng để đi đặt cọc dưa, chuẩn bị hàng bán Tết. Chị B nói là đưa tiền cho người trồng mua hạt giống, phân, thuốc và công thuê 5 người trồng, mỗi người là 100.000.000 đồng, nhưng vợ chồng anh N, chị B thiếu vốn nên vay vợ chồng anh chị 200.000.000 đồng. Chị B còn cầm theo 01 bản hợp đồng có chữ ký của 05 người này đưa cho vợ chồng anh chị xem làm tin, để vợ chồng anh chị cho vay tiền. Lãi suất thỏa thuận miệng cũng là 2%/tháng, nhưng kể từ khoản vay này cho đến các lần vay tiếp, vợ chồng B - N không trả cho anh chị bất cứ khoản tiền lãi nào mà tất cả đều hẹn tới 30 Tết năm 2014 cắt dưa xong bán lấy tiền trả luôn 01 lần cho các khoản nợ gốc và nợ lãi. Lý do hẹn 30 Tết năm 2014 trả là vì từ lúc gieo hạt tới lúc thu hoạch từ khoảng 55 ngày trở lên, nhưng vợ chồng B – N nói dưa để chưng Tết thì khoảng 27 âm lịch là cắt được, bán xong và thu tiền kết toán lại là khoảng 30 Tết năm 2014 xong. Vợ chồng bị đơn nói là lời khoảng 1.500.000.000 đồng, nên hẹn tới 30 Tết năm 2014 trả luôn tất cả các khoản vay và lãi suất.

Mặc dù hợp đồng ghi là “Hợp đồng bỏ cọc dưa” nhưng giữa anh chị và vợ chồng bị đơn không có bất kỳ giao dịch mua bán dưa từ hợp đồng này. Việc vợ chồng chị B, anh N đi bỏ cọc dưa với ai đó thì anh chị không biết, việc có 02 chỗ được sửa trong Hợp đồng này là tự bên anh N, chị B sửa rồi đưa cho anh chị. Ghi nhận là hùn vốn làm ăn nhưng thực chất là quan hệ vay tiền, vợ chồng anh N chị B vay tiền của vợ chồng anh chị để làm ăn với người khác.

- Ngày 08/12/2014 và 12/12/2014 (âm lịch) được thể hiện trên cùng 01 biên nhận: Anh N, chị B vay tiếp tổng cộng 200.000.000 đồng. Vào 02 ngày này, chỉ chị B lên gặp anh chị, chị B nói là đặt cọc mua dưa của người ta hết 500.000.000 đồng, vừa rút vốn 300.000.000 đồng, do thiếu vốn làm ăn nên chị B lên nhà vay tiếp 200.000.000 đồng. Lãi suất cũng thỏa thuận miệng là 2%/tháng. Hai vợ chồng anh N, chị B hẹn đến 30 Tết năm 2014 sẽ trả cho anh chị toàn bộ số tiền vay và tiền lãi nhưng đến nay vợ chồng anh N, chị B vẫn chưa trả được khoản tiền nào cho anh chị.

- Ngày 22/12/2014 và 25/12/2014 (âm lịch): Anh N, chị B vay tiếp 110.000.000 đồng + 50.000.000 đồng. Vào ngày 22/12/2014, chị B nói dạo nàyTết mua dưa nhiều, loại dưa dài để bán ở Sài Gòn nên lên nhà mượn tạm  110.000.000 đồng, không làm giấy tờ, không lãi suất. Sáng ngày 25/12/2014, anh L1 đưa cho chị B mượn thêm 50.000.000 đồng tại trước cổng Trung tâm y tế huyện T, Tiền Giang với lý do chị B nói đang cắt dưa thiếu tiền. Hai khoản vay tổng cộng 160.000.000 đồng, anh chị cho mượn tạm, không lãi suất, không làm giấy tờ vì thời gian này cũng đã gần 30 Tết năm 2014. Đến ngày 30 Tết năm 2014, không thấy chị B và anh N trả tiền vay như lời đã hứa nên vợ chồng anh chị yêu cầu chị B làm giấy tờ ghi nhận có nhận của anh chị 160.000.000 đồng của 02 lần vay tiền này, lúc đó anh N không có ở nhà nên chỉ chị B viết giấy và ký tên. Giấy nợ này lập sau ngày 30 Tết năm 2014, nhưng lại lấy ngày 25/12/2014 (âm lịch). Chuyện ghi ngày 24/12 âm lịch thì anh chị không để ý, vì thấy chị B có ghi nội dung “1 trăm 60 chục triệu” là được. Chị U trong giấy này là tên thường gọi của chị B ở nhà.

Nay anh L1, chị L yêu cầu vợ chồng anh N, chị B trả cho anh chị 990.000.000 đồng tiền vốn gốc và tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tính từ thời điểm 04/11/2014 (âm lịch) cho đến khi xét xử.

* Bị đơn chị Phạm Thị B trình bày:

- Đối với khoản vay 120.000.000đồng vào ngày 12/9/2014 (âm lịch):

Chị chỉ có vay của vợ chồng nguyên đơn số tiền 60.000.000 đồng vào ngày cách ngày 12/9/2014 (âm lịch) là khoảng 01 tháng (chị không nhớ rõ ngày cụ thể), nhưng vợ chồng chị đã trả xong khoản vay này và có trả lãi cho nguyên đơn được hơn 01 tháng. Tiền lãi được tính, cứ 1.000.000 đồng thì trả lãi 120.000 đồng/ngày. Sau đó, vào ngày 12/9/2014 âm lịch, vợ chồng chị có xuống tận nhà vợ chồng nguyên đơn vay 60.000.000 đồng khác và cầm theo Hợp đồng hùn vốn hợp tác mua bán để cả 4 người cùng ký. Chị B thừa nhận, mặc dù ký kết hợp đồng hùn vốn nhưng thực chất là quan hệ vay tiền, trả lãi được hơn 01 tháng, cũng với cách tính lãi như trên. Hiện tại, vợ chồng anh chị đã trả xong cho vợ chồng nguyên đơn số tiền 60.000.000 đồng, nhưng khi trả đôi bên không có làm biên nhận.

- Đối với hai khoản vay vào ngày 06/10/2014 (âm lịch) và ngày 19/10/2014 (âm lịch), được thể hiện trên cùng 01 biên nhận:

Đối với số tiền 150.000.000 đồng mà anh N - chồng chị viết biên nhận, chị chỉ nhận được 50.000.000 đồng. Tiền lãi được tính, cứ 1.000.000 đồng thì chị trả lãi cho anh L1, chị L là 120.000 đồng/ngày.

Còn đối với khoản tiền 110.000.000 đồng do chị viết và ký nhận vào ngày 19/10/2014 (âm lịch), thực tế chị chỉ nhận 60.000.000 đồng từ anh L1, chị L và cộng chung với số tiền 50.000.000 đồng mà anh N đã vay là 110.000.000 đồng. Đối với khoản tiền lãi trên số tiền 60.000.000 đồng cũng được tính là cứ 1.000.000 đồng thì anh chị trả lãi 120.000 đồng/ngày.

Khoản tiền 110.000.000 đồng này, chị vay để mua bán dưa, khoai, chị đã trả xong, sau đó chị mới vay lại các khoản tiền khác của vợ chồng anh L1, chị L. Khi trả tiền vợ chồng chị không xé bỏ biên nhận nhận tiền, cũng không có bất kỳ ký nhận nào với vợ chồng nguyên đơn vì toàn bộ giao dịch đều được thỏa thuận miệng. Biên nhận này do anh N viết và cùng ký tên, riêng nội dung liên quan đến ngày, tháng, năm và số tiền mượn thêm là do chị viết và ký, nhưng chị không có nhận 260.000.000 đồng mà chỉ có nhận 110.000.000 đồng.

- Đối với khoản vay 50.000.000 đồng vào ngày 15/10/2014 (âm lịch):

Khoản vay này do chính chị vay của vợ chồng anh L1, chị L để đi mua dưa, chị tự viết và ký tên vào biên nhận, anh N hoàn toàn không biết. Tiền lãi được tính, cứ 1.000.000 đồng trả lãi 120.000 đồng/ngày, không nhớ trả lãi được bao nhiêu nhưng khoản vay này chị đã trả xong cho vợ chồng nguyên đơn.

- Đối với khoản vay 200.000.000 đồng vào ngày 04/11/2014 (âm lịch):

Khoản vay này mặc dù thể hiện trong hợp đồng là 200.000.000 đồng, nhưng vợ chồng anh L1, chị L chỉ đưa cho chị vay 100.000.000 đồng để chị đi bỏ cọc dưa với người khác. Việc bỏ cọc dưa này là chị quan hệ làm ăn với người khác, không phải làm ăn với anh L1, chị L. Tiền lãi được tính, cứ 1.000.000 đồng trả lãi 120.000 đồng/ngày. Đối với khoản vay này, chị đã trả được 50.000.000 đồng, tiền lãi trả được bao nhiêu thì chị không nhớ, đến nay còn nợ lại 50.000.000 đồng.

Toàn bộ nội dung tờ hợp đồng này do chính anh N viết, chỉ có hai chỗ do chị viết là “L hùng” và “L đưa B 200.000.000 đi đặt cọt”.

- Đối với khoản tiền 200.000.000đồng của 02 lần vay vào ngày 08/12/2014 (âm lịch) và 12/12/2014 (âm lịch), được thể hiện trên cùng 01 biên nhận:

Chị B thừa nhận biên nhận này do chị viết và ký tên, nhưng thực tế chị chỉ nhận 100.000.000 đồng. Tiền lãi được tính, cứ 1.000.000 đồng trả lãi 120.000 đồng/ngày. Hàng chữ “12/ch/014” là do chị L viết, theo chị hiểu chị L ghi là 12/12/2014 (âm lịch) vì tất cả các giấy tờ được xác lập giữa vợ chồng chị và vợ chồng anh L1, chị L đều sử dụng ngày âm lịch. Đến nay, chị vẫn chưa trả được vốn gốc cho nguyên đơn.

- Đối với khoản vay 160.000.000 đồng vào ngày 25/12/2014 (âm lịch):

Vào ngày 25/12/2014 (âm lịch), do vợ chồng anh L1, chị L xuống tận nhà vợ chồng chị hăm dọa, lúc đó chị ở nhà một mình, vì sợ mà chị đã viết giấy và ký tên có nhận của vợ chồng anh L1, chị L 160.000.000 đồng, tuy nhiên chị hoàn toàn không biết đó là tiền gì. Còn chuyện anh L1 cho chị vay tiền trước cổng Trung tâm y tế huyện T, tỉnh Tiền Giang là có, nhưng số tiền anh L1 đưa chị chỉ có 40.000.000 đồng. Đây là số tiền mượn tạm không tính lãi và đến nay chị chưa trả.

Nay, chị B chỉ thừa nhận có vay của anh L1, chị L tổng số tiền là 90.000.000 đồng, vì vợ chồng anh L1, chị L đã hăm dọa và ép buộc chị nên chị đã ký giấy tờ có nhận của hai người số tiền 160.000.000 đồng, nhưng do chữ nghĩa không rành nên chị viết biên nhận vào ngày 25/12/2014 (âm lịch) là “có nhận 1 trăm 60 chục triệu để đi cắt dưa”. Chị chỉ đồng ý trả 160.000.000 đồng, xin trả dần hàng tháng là 5.000.000 đồng, bắt đầu trả từ tháng 9/2016 cho đến khi trả xong 160.000.000 đồng, không trả lãi.

* Bị đơn anh Nguyễn Văn N trình bày:

- Đối với khoản vay 120.000.000đồng vào ngày 12/9/2014 (âm lịch):

Vào ngày 12/9/2014 (âm lịch), anh và vợ anh có cầm Hợp đồng hùn vốn hợp tác làm ăn đến nhà anh L1, chị L để vay tiền, nhưng vay bao nhiêu thì anh không biết. Việc anh cùng vợ ký tên vào hợp đồng này là vì anh L1, chị L yêu cầu như thế.

- Đối với hai khoản vay vào ngày 06/10/2014 (âm lịch) và ngày 19/10/2014 (âm lịch), được thể hiện trên cùng 01 biên nhận:

Anh N thừa nhận biên nhận này do anh viết và anh có ký tên phần nội dung liên quan đến số tiền 150.000.000 đồng vay của anh L1, chị L nhưng tiền thì anh không có nhận. Còn đối với khoản tiền 110.000.000 đồng mà vợ anh vay thêm thì anh hoàn toàn không biết.

- Đối với 03 khoản vay 50.000.000 đồng vào ngày 15/10/2014 (âm lịch), 200.000.000 đồng của 02 lần vay vào ngày 08/12/2014 (âm lịch) và 12/12/2014 (âm lịch) được thể hiện trên cùng 01 biên nhận, khoản vay 160.000.000 đồng vào ngày 25/12/2014 (âm lịch): Anh hoàn toàn không biết gì.

- Đối với khoản vay 200.000.000đồng vào ngày 04/11/2014 (âm lịch):

Anh N thừa nhận toàn bộ nội dung “Hợp đồng bỏ cọc dưa” là do anh viết và cùng chị B ký tên, chị B có sửa 02 chỗ như chị B trình bày, nhưng anh không có nhận bất kỳ khoản tiền nào từ số tiền 200.000.000 đồng này. Lý do anh ký vào là theo yêu cầu của vợ chồng anh L1, chị L.

Tóm lại, tất cả các khoản vay mà vợ chồng anh L1, chị L yêu cầu vợ chồng anh trả, anh hoàn toàn không nhận bất cứ khoản tiền nào. Mặc dù anh có biết việc vợ anh có vay tiền của anh L1, chị L để mua bán dưa hay mua bán khoai gì đó nhưng chuyện làm ăn của chị B anh không can thiệp. Nay với yêu cầu của nguyên đơn, anh không đồng ý.

Bản án dân sự sơ thẩm số: 277/2016/DS-ST ngày 27/9/2016 của Tòa án nhân dân huyện T đã áp dụng Điều 471, khoản 5 Điều 474, khoản 2 Điều 476, khoản 2 Điều 305, Điều 298, Điều 299 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.

Xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Thị L và Nguyễn Hữu L1.

Buộc bị đơn Nguyễn Văn N và Phạm Thị B có nghĩa vụ liên đới trả cho nguyên đơn Nguyễn Thị L, Nguyễn Hữu L1 tổng cộng số tiền là 1.134.187.500 đồng (trong đó nợ gốc là 990.000.000 đồng và tiền lãi là 144.187.500 đồng), ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

2. Về án phí: Anh N và chị B liên đới chịu 23.012.812 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn lại cho anh L1 và chị L 20.850.000 đồng đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 24987 ngày 29/7/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Tiền Giang.

* Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

* Ngày 03/10/2016, anh Nguyễn Văn N và chị Phạm Thị B kháng cáo không đồng ý trả số tiền nợ gốc 990.000.000 đồng cho anh L1 và chị L, chỉ đồng ý còn nợ số tiền 160.000.000 đồng.

* Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Phạm Thị B kháng cáo chỉ đồng ý trả cho anh L1 và chị L số tiền 160.000.000 đồng, xin trả dần mỗi tháng 2.000.000 đồng cho đến khi hết nợ số tiền 160.000.000 đồng.

Anh N không đồng ý liên đới cùng chị B trả nợ cho anh L1, chị L vì anh không nhận bất cứ khoản tiền nào. Anh đồng ý cùng vợ - chị B trả số tiền 160.000.000 đồng.

Anh L1, chị L không đồng ý theo yêu cầu kháng cáo của chị B và anh N, yêu cầu giữ y án sơ thẩm.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho anh N chị B có nhiều lập luận cho rằng: Chị B và anh N chỉ buôn bán nhỏ, không thể vay của chị L, anh L1 số tiền lớn đến như vậy, không có việc cho vay 2%/tháng. Anh N, chị B ở chung với chị chồng, chỉ mua bán nhỏ trong thời gian ngắn không thể vay số tiền lớn 990.000.000 đồng như trên. Mặc dù, chị L có ký biên nhận vay nhưng thực tế chị B chỉ nhận 160.000.000 đồng. Biên nhận cũng không rõ ràng, có biên nhận viết thêm, có biên nhận ghi không đúng thời gian. Sự việc xảy ra xô xác giữa anh L1 với chị B chỉ nói số tiền 160.000.000 đồng, không đề cập số tiền khác. Do đó, việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả số tiền 990.000.000 đồng là không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị B, anh N.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang phát biểu quan điểm:

+ Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, không kiến nghị gì.

+ Về nội dung vụ án: Án sơ thẩm đã xử là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị B và anh N không cung cấp chứng cứ gì mới. Các chứng cứ nguyên đơn cung cấp thể hiện bị đơn ký nhận thể hiện rõ thời gian cụ thể. Việc bị đơn cho rằng không có nhận tiền là không có cơ sở để chấp nhận. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của chị B, anh N, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn chị Phạm Thị B và anh Nguyễn Văn N, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Bị đơn chị Phạm Thị B cho rằng thực tế chỉ nhận từ các lần vay tiền của vợ chồng anh L1, chị L là 480.000.000 đồng, đã trả được 398.000.000 đồng, còn nợ lại 160.000.000 đồng tiền nợ gốc. Tuy nhiên, các biên nhận nợ (bút lục 06 – 11) thể hiện chị B ký nhận mượn và còn nợ số tiền 990.000.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị B không cung cấp được chứng cứ gì mới để chứng minh. Phía anh L1 và chị L không thừa nhận.

Mặt khác, chị B có đơn yêu cầu thu thập chứng cứ. Tòa án đã thu thập chứng cứ theo yêu cầu của chị B tại Đội điều tra hình sự Công an tỉnh Tiền Giang; Và thu thập lời khai của những người làm chứng gồm: Bà Ngô Thị H, bà Phạm Thị Thu T, ông Phạm Văn Th. Những chứng cứ trên cũng không thể hiện việc chị B chỉ mượn của chị L, anh L1 số tiền 480.000.000 đồng, đã trả còn nợ lại 160.00.000 đồng.

Ngoài ra, chị B còn yêu cầu thu thập Biên bản giải quyết vụ việc xảy ra xô xác giữa phía chị B với anh L1 vào ngày 03/6/2017 tại Công an xã B. Tòa án đã thu thập chứng cứ theo yêu cầu nhưng Công an xã B không cung cấp được, do không có lập biên bản tại thời điểm xảy ra xô xác mà Công an ấp xác minh và chỉ lập “Biên bản sự việc đánh người mất ANTT” ngày 04/6/2017, sau khi sự việc xảy ra 02 ngày (bút lục 134, 135)

[2] Anh N cho rằng không nhận bất cứ khoản tiền nào từ anh L1, chị L, tuy nhiên anh N thừa nhận có cùng chị B ký tên các biên nhận ngày 06/10/2014 âm lịch, Hợp đồng bỏ cọc dưa ngày 04/11/2014 âm lịch, Hợp đồng hùn vốn hợp tác mua bán ngày 12/9/2014 âm lịch, tổng cộng số tiền 470.000.000 đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, anh N thừa nhận chị B có sử dụng số tiền hàng ngày kiếm được từ việc mua bán dưa hấu, khoai lang để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình và trong thời gian chị B vay tiền của vợ chồng anh L1, chị L thì khi anh L1 và chị L đến nhà đòi nợ anh có biết và có gặp chị L, anh L1. Tại phiên tòa phúc thẩm, anh N cũng không cung cấp được chứng cứ gì mới.

[3] Án sơ thẩm đã xử: Buộc anh N và chị B có nghĩa vụ liên đới trả cho chị L, anh L1 tổng cộng số tiền là 1.134.187.500 đồng (trong đó nợ gốc là 990.000.000 đồng và tiền lãi là 144.187.500 đồng), là có căn cứ.

Từ phân tích trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh N và chị B, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[4] Xét lời phát biểu của luật sư bảo vệ quyền lợi cho anh N, chị B không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[5] Ý kiến Kiểm sát viên là có cơ sở phù hợp nhận định Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ vào Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30/12/2016.

Căn cứ vào Điều 471, khoản 5 Điều 474, khoản 2 Điều 476, khoản 2 Điều 305, Điều 298, Điều 299 Bộ luật dân sự năm 2005.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh Nguyễn Văn N và chị Phạm Thị B.

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 277/2016/DS - ST ngày 27/9/2016 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Tiền Giang.

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Nguyễn Thị L và Nguyễn Hữu L1.

Buộc bị đơn Nguyễn Văn N và Phạm Thị B có nghĩa vụ liên đới trả cho nguyên đơn Nguyễn Thị L, Nguyễn Hữu L1 tổng cộng số tiền là 1.134.187.500 đồng (trong đó nợ gốc là 990.000.000 đồng và tiền lãi là 144.187.500 đồng). Thực hiện làm một lần sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày chị L, anh L1 có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi anh N, chị B thi hành án xong, tất cả các khoản tiền hàng tháng anh N, chị B còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Về án phí:

Anh Nguyễn Văn N và chị Phạm Thị B có nghĩa vụ phải nộp số tiền 200.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, nhưng được trừ vào số tiền 200.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 25055 ngày 03/10/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, nên xem như nộp xong án phí dân sự phúc thẩm.

Anh N và chị B có nghĩa vụ liên đới nộp số tiền 23.012.812 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Hoàn lại cho anh L1 và chị L số tiền 20.850.000 đồng đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 24987 ngày 29/7/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Tiền Giang.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

239
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 253/2017/DS-PT ngày 29/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:253/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về