Bản án 25/2018/HS-ST ngày 30/08/2018 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN B, TỈNH SƠN LA

BẢN ÁN 25/2018/HS-ST NGÀY 30/08/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 30 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Sơn La; xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 27/2018/TLST-HS ngày 25 tháng 7 năm 2018, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 26/2018/QĐXXST-HS ngày 20 tháng 8 năm 2018 đối với bị cáo:

Mùa A C, sinh ngày 12 tháng 9 năm 1995; tại huyện B, tỉnh Sơn La. Nơi cư trú: bản M, xã T, huyện B, tỉnh Sơn La; nghề nghiệp: Trồng trọt; trình độ học vấn: lớp 12/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Mông; giới tính: Nam; tôn giáo: không; con ông Mùa A L, sinh năm 1952 và bà Tráng Thị M, sinh năm 1960; có vợ: Vàng Thị D, sinh năm 1994 và 01 con sinh năm 2012; tiền án: không; tiền sự: không; Nhân thân: chưa có án tích hoặc xử lý, xử phạt vi phạm hành chính; bị cáo bị tạm giữ, giam từ ngày 12/4/2018 đến nay; có mặt.

- Bị hại: Giàng A V, sinh năm 1983, nơi cư trú: bản T, xã T, huyện B, tỉnh Sơn La, có mặt.

- Người làm chứng: Mùa A S, Mùa A N, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 12 giờ ngày 17/01/2018, Giàng A V đến nhà Mùa A C ăn cơm, uống rượu được một lúc thì C nghỉ trước rồi điều khiển xe ô tô BKS: 26C-049.xx của anh trai C đi cách nhà khoảng 01km rồi để ô tô ở đó và mượn xe máy của anh Mùa A D quay về nhà với mục đích xem có ai tán tỉnh vợ mình là Vàng Thị D hay không. Khi về nhà là khoảng 14 giờ 30 phút, C dừng xe ở cổng, tắt máy, đi vòng qua phía sau nhà vào nấp bên trong kho ngô của gia đình, nhìn qua khe cửa C nhìn thấy chị D nói chuyện với Giàng A V, nghĩ V đang tán tỉnh vợ mình, C dùng tay phải nhặt lấy 01 con dao nhọn (bị sứt mẻ, hoen rỉ) ở trong kho ngô đi ra tiến đến chỗ Vg và D rồi nói “Mày đến ăn cơm nhà tao mà còn tán tỉnh vợ tao, mày không xem tao ra gì”, V trả lời “Tôi không được tán”, C dùng mặt bản rộng của dao đập vào người D, V không nói gì rồi đi về phía kho ngô, C đi theo sau V đến gần kho ngô, V quay người lại vừa khua tay vừa giải thích với C về sự hiểu lầm. Lúc này, C dùng tay phải đang cầm con dao nhọn vung lên mục đích chém vào tay phải của V, nhưng V lùi về phía sau và bị vấp vào một hòn đá nên ngã nghiêng người về phía sau nên C đã chém trúng phần đỉnh đầu của V làm V bị thương tích và chảy máu. Thấy vậy, C gọi mọi người từ trong nhà ra, C dùng vải cuốn băng vết thương lại cho V. Sau đó, V được mọi người đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện B từ 17 giờ ngày 17/01/2018 đến 17 giờ ngày 01/02/2018 ra viện.

Ngày 18/01/2018 Cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, xem xét dấu vết thân thể đối với Giàng A V: Tại vùng đỉnh đầu có vết thương bờ gọn, kích thước 07 cm x 03 cm, sâu vỡ nền sọ, đang chảy máu; Vàng Thị D: không phát hiện thấy có dấu vết trên thân thể; thu giữ vật chứng là 01 chuôi dao kích thước dài 14cm, đường kính 3cm, bên ngoài chuôi dao được cuốn dây cao su màu đen; 01 con dao nhọn bằng kim loại đã hoen rỉ, dao có kích thước 45cm; phần lưỡi dao dài 32cm đã sứt mẻ 02 chỗ, lưỡi dao chỗ rộng nhất 9cm, chỗ hẹp nhất 02cm và 02 quần áo mà V, C đã mặc khi sự việc xảy ra; đồng thời trưng cầu giám định pháp y về thương tích.

Ngày 02/02/2018 Giàng A V có đơn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Mùa A C, yêu cầu C trả tiền viện phí, bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tổn thất tinh thần với tổng số tiền là 100.000.000VNĐ.

Tại kết luận giám định pháp y số 27/TgT ngày 22/02/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Sơn La, kết luận: sẹo vết thương phần mềm vùng đầu (xếp: 02%); vỡ xương vòm sọ vùng trán- đỉnh trái (xếp: 10%). Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên theo nguyên tắc cộng trừ lùi tại thời điểm giám định là 11,8% (Mười một phẩy tám phần trăm), làm tròn số là 12%; Cơ chế hình thành dấu vết thương tích vùng đầu Giàng A V là do tác động tương hỗ với vật sắc gây ra.

Ngày 18/7/2018, Mùa A N (anh ruột của bị cáo C) và Giàng A V tự nguyện thỏa thuận bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho Giàng A V số tiền 30.000.000VNĐ.

Bản cáo trạng số: 21/CT-VKS-BY ngày 23/7/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện B truy tố bị cáo Mùa A C về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự.

Tại phiên toà bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã nêu đó là do nhận thức hạn chế, ghen tuông nên đã vi phạm pháp luật, bị cáo xin hưởng sự khoan hồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện B giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo Mùa A C. Đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích”, áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm a, b, s khoản 1, 2 Điều 51; khoản 1, 2 Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt Mùa A C từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách từ 04 năm đến 05 năm. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm c khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: tịch thu và tiêu hủy 01 con dao nhọn bằng kim loại đã hoen rỉ, dao có kích thước dài 45cm của bị cáo; trả lại bị cáo C 01 áo khoác màu ghi đậm, phần ngực áo bên trái in chữ NIEK màu trắng và 01 quần vải dáng dài màu đen; trả lại Giàng A V 01 áo sơ mi cộc tay màu trắng, kẻ ca rô vuông nhỏ màu tím; 01 áo sơ mi dài tay màu trắng, kẻ ô vuông to màu đen và 01 quần vải dáng dài màu đỏ thẫm. Căn cứ Điều 584; 585; 590 Bộ luật Dân sự chấp nhận bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho bị hại số tiền 30.000.000VNĐ. Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, miễn án phí sơ thẩm cho bị cáo.

Bị cáo tự bào chữa, tranh luận: nhất trí với cáo trạng và luận tội của Viện kiểm sát nhân dân huyện B; xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo, xin nhận lại quần áo, đề nghị ghi nhận sự thỏa thuận.

Bị hại tranh luận: nhất trí với đề nghị của Viện kiểm sát, cho bị cáo mức án thấp nhất cho hưởng án treo, gia đình bị cáo đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường thiệt hại về sức khỏe số tiền 30.000.000VNĐ, xin nhân lại quần áo và không yêu cầu gì thêm.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu có trong hồ sơ đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện B, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện B, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người khác không có ý kiến, khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.

[2] Về chứng cứ xác định hành vi phạm tội: Lời khai của bị cáo tại phiên toà phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với nội dung kết luận điều tra, cáo trạng, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản xem xét dấu vết trên thân thể, kết luận giám định, lời khai bị hại, chứng cứ, tài liệu đã được thu thập và phản ánh trong hồ sơ của vụ án, được thẩm tra, xác minh tại phiên toà, xác định: khoảng 14 giờ 30 phút ngày 17/01/2018 bị cáo C nhìn thấy vợ Vàng Thị D nói chuyện với Giàng A V, nghi ngờ D và V có quan hệ ngoại tình nên đã nhặt lấy 01 con dao nhọn ở trong kho ngô đi đến chỗ V và D rồi nói “Mày đến ăn cơm nhà tao mà còn tán tỉnh vợ tao, mày không xem tao ra gì”, V trả lời “Tôi không được tán” rồi đi về phía kho ngô; C đi theo sau V đến gần kho ngô, V quay người lại vừa khua tay vừa giải thích với C về sự hiểu lầm, thì C vung dao lên chém về phía tay phải của V với mục đích gây thương tích phần tay của V, nhưng cùng lúc V bị vấp chân ngã nghiêng người về phía sau nên C đã chém trúng phần đầu của V. Theo Kết luận giám định pháp y về thương tích số 27/TgT ngày 22/02/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Sơn La, kết luận: sẹo vết thương phần mềm vùng đầu (xếp: 02%); vỡ xương vòm sọ vùng trán- đỉnh trái (xếp: 10%). Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên theo nguyên tắc cộng trừ lùi tại thời điểm giám định là 11,8% (Mười một phẩy tám phần trăm), làm tròn số là 12%; Cơ chế hình thành dấu vết thương tích vùng đầu Giàng A V là do tác động tương hỗ với vật sắc gây ra. Như vậy, bị cáo Mùa A C là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đã cố ý xâm phạm quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người, gây thương tích cho anh V với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 11,8% nên Hội đồng xét xử có đủ cơ sởkết luận bị cáo Mùa A C phạm tội “Cố ý gây thương tích”, theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo đã cố ý sử dụng dao nhọn là “hung khí nguy hiểm” được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, chém anh V, gây hậu quả tỷ lệ tổn thương cơ thể 11,8% là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015; tội phạm và hình phạt được quy định như sau: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phát cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm: đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”.

[3] Về tính chất mức độ của hành vi: Hành vi cố ý gây thương tích của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bản thân bị cáo nhận thức được việc sử dụng dao chém vào cơ thể người khác là vi phạm pháp luật, thấy trước được hậu quả nhưng chỉ vì nghi ngờ không có nguyên cớ mà ý thức coi thường kỷ cương xã hội, pháp luật của Nhà nước, với lỗi cố ý trực tiếp, mục đích gây thương tích cho anh V bị cáo đã cầm dao của gia đình chém một lần về phía tay phải của nạn nhân, hậu quả đã gây tổn thương cơ thể 11,8% tại vùng trán- đỉnh trái đầu anh V. Tội phạm bị cáo thực hiện là nghiêm trọng, đã hoàn thành, hậu quả đã xảy ra không những xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân, làm tổn hại đến sức khoẻ, tinh thần của người khác mà còn ảnh hưởng về trật tự an toàn xã hội, trật tự trị an ở địa phương nên Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện B truy tố bị cáo theo tội danh và điều luật áp dụng là đúng người, đúng tội; tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát luận tội quy kết bị cáo phạm tội và đề nghị hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ và phù hợp.

[4] Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không phạm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015.

[5] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sư, nhân thân: Bị cáo không có tiền án, tiền sự; ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đã tự thực hiện hành vi băng bó vết thương cầm máu cho người bị hại làm giảm bớt tác hại của tội phạm; tự nguyện bồi thường thiệt hại; phạm tội lần đầu (từ trước tới nay chưa phạm tội lần nào); bị cáo thành khẩn khai báo (khai đầy đủ, đúng sự thật tất cả những gì liên quan đến hành vi phạm tội), ăn năn hối cải (sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo luôn thể hiện sự cắn rứt, dày vò lương tâm, mong muốn sửa chữa, cải tạo mình thành người tốt). Do đó, xét cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm a, b, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo là người dân lao động, người dân tộc thiếu số, sống ở vùng sâu, xa, vùng ba, nhận thức pháp luật hạn chế, bị cáo phạm tội cũng một phần do sự vô ý của người bị hại tạo ra hoàn cảnh dễ hiểu lầm, thực hiện hành vi phạm tội bột phát, bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, xin cho bị cáo hưởng án treo được chính quyền địa phương xác nhận; tuổi đời còn trẻ cần thiết giúp đỡ bị cáo sửa chữa sai lầm phát triển lành mạnh trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, xét cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, nhân thân tốt được chính quyền địa phương xác nhận là chấp hành tốt quy định nơi cư trú, chịu khó lao động làm ăn; có nơi cư trú cụ thể rõ ràng, có khả năng tự cải tạo nên cho bị cáo hưởng sự khoan hồng của pháp luật theo khoản 1, 2, 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, cho bị cáo tự cải tạo tại địa phương nhưng ấn định thời gian thử thách cũng nhằm răn đe, phòng ngừa giáo dục chung cho các hành vi tương tự xảy ra ở địa phương hiện nay.

[6] Về biện pháp ngăn chặn: Bị cáo bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo nên cần áp dụng khoản 4 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo, nếu không bị tạm giam về tội phạm khác.

[7] Đối với Vàng Thị D, qua xem xét không phát hiện thấy có dấu vết trên thân thể, không đề nghị, yêu cầu gì, hiện bỏ đi khỏi địa phương nên không có căn cứ giải quyết theo vụ án.

[8] Vật chứng của vụ án:

01 con dao nhọn bằng kim loại đã hoen rỉ, dao có kích thước dài 45cm; 01 chuôi dao kích thước dài 14cm, được cuốn dây cao su màu đen là vật dụng của bị cáo, đã sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật không có giá trị nên cần tịch thu và tiêu hủy; căn cứ điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, điểm c khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

01 áo khoác màu ghi đậm, phần ngực áo bên trái in chữ NIEK màu trắng; 01 quần vải dáng dài màu đen là tư trang cá nhân của Mùa A C nên cần trả lại bị cáo C, căn cứ điểm a khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

01 áo sơ mi cộc tay màu trắng, kẻ ca rô vuông nhỏ màu tím; 01 áo sơ mi dài tay màu trắng, kẻ ô vuông to màu đen; 01 quần vải dáng dài màu đỏ thẫm là tư trang cá nhân của Giàng A V nên cần trả lại cho V, căn cứ điểm a khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

[9] Về trách nhiệm dân sự: Đại diện gia đình bị cáo, bị hại anh Giàng A V đã tự nguyện thỏa thuận bồi thường thiệt hại về sức khỏe là 30.000.000VNĐ (Tiền viện phí, thuốc điều trị 10.000.000VNĐ; tiền mất thu nhập 8.000.000VNĐ; chi phí đi giám định 2.000.000VNĐ và tổn thất tinh thần 10.000.000VNĐ). Bị hại V đã nhận đủ số tiền bồi thường, không yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại thêm; bị cáo đề nghị Toà án ghi nhận việc bồi thường trên. Hội đồng xét xử thấy đó là sự tự nguyện thoả thuận, không trái đạo đức và có căn cứ theo Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015 và các Điều 584; 585; 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên ghi nhận việc bồi thường thiệt hại.

[10] Về án phí: Tài liệu trong hồ sơ xác định bị cáo là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, bị cáo xin miễn nộp tiền án phí; theo quy định tại điểm đ khoản 1Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; bị cáo thuộc trường hợp được miễn án phí.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm a, b, s khoản 1, 2 Điều 51;khoản 1, 2, 5 Điều 65; điểm a khoản 1 Điều 47; Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm  2015; điểm c khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 106; khoản 4 Điều 328 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; các Điều 584; 585; 590 Bộ luật Dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Tuyên bố: Bị cáo Mùa A C phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

2. Xử phạt bị cáo Mùa A C 02 (Hai) năm tù cho hưởng án treo, thử thách 04 (Bốn) năm, thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án 30/8/2018.

Giao bị cáo Mùa A C cho Uỷ ban nhân dân xã T, huyện B, tỉnh Sơn La; giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu bị cáo Mùa A C không bị tạm giam về một tội phạm khác.

4. Về vật chứng:

Tịch thu và tiêu hủy: 01 con dao nhọn bằng kim loại đã hoen rỉ, dao có kích thước dài 45cm; 01 chuôi dao kích thước dài 14cm, bên ngoài chuôi dao được cuốn dây cao su màu đen của Mùa A C.

Trả lại Mùa A C: 01 áo khoác màu ghi đậm, phần ngực áo bên trái in chữ NIEK màu trắng; 01 quần vải dáng dài màu đen.

Trả lại Giàng A V: 01 áo sơ mi cộc tay màu trắng, kẻ ca rô vuông nhỏ màu tím; 01 áo sơ mi dài tay màu trắng, kẻ ô vuông to màu đen; 01 quần vải dáng dài màu đỏ thẫm.

(Chi tiết theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 24/7/2018 giữa Công an huyện B và Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Sơn La).

5. Về trách nhiệm dân sự: Ghi nhận bị cáo Mùa A C đã bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho Giàng A V tổng số tiền 30.000.000VNĐ (Ba mươi triệu đồng) gồm: tiền viện phí, thuốc điều trị 10.000.000VNĐ; tiền mất thu nhập 8.000.000VNĐ; chi phí đi giám định 2.000.000VNĐ và tổn thất tinh thần 10.000.000VNĐ, anh V đã nhận đủ số tiền bồi thường.

6. Về án phí: Miễn nộp tiền án phí sơ thẩm cho bị cáo Mùa A C. 

7. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (30/8/2018).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

196
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 25/2018/HS-ST ngày 30/08/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:25/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bắc Yên - Sơn La
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về