Bản án 242/2018/DS-PT ngày 29/11/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 242/2018/DS-PT NGÀY 29/11/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong các ngày 28 và 29 tháng 11 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 39/2018/TLPT- DS ngày 07 tháng 3 năm 2018 về việc tranh chấp quyền sử dụng đất. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2017/DS-ST ngày 15/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 92/2018/QĐPT-DS ngày 16 tháng 4 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Lưu Thị T1, sinh năm 1947 (Có mặt)

Địa chỉ: xã T, huyện T, tỉnh Cà Mau.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà T1: Ông Đặng Huỳnh Quốc, là Luật sư của Văn phòng Luật sư Đặng Huỳnh Quốc, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau (Có mặt).

2. Bà Phan Thị D (đã chết).

Người kế thừa quyền, nghĩa vụ của bà D:

+ Bà Nguyễn Thị Lệ T2 (Vắng mặt)

+ Bà Nguyễn Thị Mỹ L1 (Vắng mặt)

+ Ông Nguyễn Vũ Â (Vắng mặt)

+ Bà Nguyễn Thị Mỹ X (Vắng mặt)

+ Ông Nguyễn Vũ Nguyên (Vắng mặt)

+ Bà Nguyễn Thị Mỹ C (Vắng mặt)

Cùng địa chỉ: xã V, huyện V, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Mỹ L1, ông

Nguyễn Vũ Â, ông Nguyễn Vũ Nguyên, bà Nguyễn Thị Mỹ C: Bà Lưu Thị T1 (Văn bản ủy quyền ngày 18/11/2014).

- Bị đơn:

1. Ông Trần Văn M (đã chết).

2. Bà Nguyễn Thị S (đã chết).

Người kế thừa quyền, nghĩa vụ của ông M và bà Sậm:

+ Ông Trần Quốc H1 (Có mặt)

+ Ông Trần Quốc K1 (Có mặt)

+ Bà Trần Hồng T3 (Có mặt)

+ Bà Trần Thị Út N1 (Vắng mặt)

+ Bà Trần Thanh T4 (Vắng mặt)

Cùng địa chỉ: xã T, huyện T, tỉnh Cà Mau.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông H1, bà T4, bà T3, ông K1, bà N1: Ông Lê Anh Tuấn là Luật sư của Văn phòng Luật sư Lê Anh Tuấn, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau (Có mặt)

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ủy ban nhân dân huyện Thới B

Địa chỉ: thị trấn T, huyện T, tỉnh Cà Mau.

Đại diện hợp pháp theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thới B: Ông Lê Chí T8, chức vụ Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thới Bình (Văn bản ủy quyền ngày 25 tháng 3 năm 2016 – Vắng mặt).

2. Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam

Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền: Ông Nguyễn Thanh T là Giám đốc chi nhánh huyện Thới Bình (Vắng mặt)

3. Ông Trần Quốc H1 (Có mặt)

4. Bà Nguyễn Kim T5 (Có mặt)

5. Ông Trần Quốc K1 (Có mặt)

6. Bà Lý Thị L2 (Vắng mặt)

7. Bà Trần Thị Út N1 (Vắng mặt)

8. Ông Trương Băng N3 (Vắng mặt)

9. Bà Trần Thanh T4 (Vắng mặt)

10. Ông Nguyễn Văn H3 (Vắng mặt)

11. Bà Trần Hồng T3 (Có mặt)

12. Bà Nguyễn Kim Anh (Vắng mặt)

Cùng địa chỉ: xã T, huyện T, tỉnh Cà Mau.

- Người kháng cáo: Bà Lưu Thị T1, là nguyên đơn

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Theo đơn khởi kiện ngày 05/4/2007 và quá trình giải quyết vụ án bà T1, bà D trình bày:

Bà T1 và bà D khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Trần Văn M và bà Nguyễn Thị S trả lại phần đất thổ cư và đất vườn theo đo đạc diện tích 2.823,1 m2, tọa lạc tại xã T, huyện T, tỉnh Cà Mau. Nguồn gốc phần đất tranh chấp là của cha mẹ bà D, cha mẹ chồng bà T1 là ông Phan Văn H và bà Trần Thị L khai phá để lại. Năm 1968, chính quyền ấp phân chia phần đất của cha mẹ hai bà để lại, bà T1 và bà D mỗi người ½ diện tích đất. Năm 1968, do chiến tranh nên hai bà gửi lại đất cho ông M và bà S quản lý; lúc đó bà D có nợ ông M và bà S 20 giạ lúa nên để cho ông M và bà S sản xuất 07 công đất ruộng trong một năm để trừ nợ. Năm 1975, hai bà về cất nhà ở thì ông M và bà S ngăn cản không cho nên hai bà yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết. Hai bà cho rằng lúc cha mẹ hai bà còn sống có hứa cho ông M và bà S một phần đất để cất nhà ở, chứ không có chuyển nhượng đất cho ông M và bà S.

- Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của ông M và bà S là ông H1, ôngK1, bà T3, bà T4 và bà Út Nhỏ trình  bày: 

Phần đất bà T1 và bà D khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Trần Văn M và bà Nguyễn Thị S trả lại theo đo đạc diện tích 2.823,1 m2, tọa lạc tại xã T, huyện T, tỉnh Cà Mau có nguồn gốc của vợ chồng ông H và bà L. Năm 1964, ông H và bà L có cho ông M và bà S một nền nhà nhưng không rõ diện tích đất bao nhiêu. Cùng thời gian này bà D chuyển nhượng cho ông M phần đất diện tích 1.000 m2 với giá 70 giạ lúa. Năm 1972, bà D chuyển nhượng tiếp cho ông M phần đất diện tích 1.000 m2 với giá 50 giạ lúa. Tổng diện tích đất ông M nhận chuyển nhượng của bà D bằng 2.000 m2 với giá 120 giạ lúa. Phần đất còn lại ông M nhận chuyển nhượng của ông Bò Lạc (không xác định được họ tên và địa chỉ) một phần và được bà Nguyễn Kim Anh cho một phần. Ông M và bà S quản lý sử dụng ổn định liên tục, đến năm 1993 ông M được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2005, ông M và bà S chia cho các con là ông K1, bà T3, bà T4 và bà N1 mỗi người một phần trong diện tích đất nói trên để cất nhà ở nhưng chưa tách quyền sử dụng đất. Phần còn lại khi ông M và bà S chết do ông H1 quản lý sử dụng. Những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của ông M và bà S không đồng ý trả lại đất theo yêu cầu của bà T1 và bà D.

- Theo bà Nguyễn Kim T5 (vợ ông H1), bà Lý Thị L2 (vợ ông K1) trình bày: Bà T5 và bà L2 thống nhất với lời trình bày của người kế thừa quyền, nghĩa vụ của ông M và bà S. Bà T5 và bà L2 không đồng ý trả lại đất theo yêu cầu của bà T1 và bà D.

- Theo bà Nguyễn Kim A trình bày:

Trước năm 1975, bà có cho ông M và bà S một phần đất để ở và lập vườn diện tích khoảng ½ công tầm cấy, phần đất này hiện nay nằm trong diện tích đấtđang tranh chấp với bà T1 và bà D. Phần đất này bà đã cho ông M và bà S nên bà không còn quyền lợi và không có yêu cầu gì trong vụ án.

- Theo đại diện Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam trình bày:

Vào ngày 23/4/2014, Ngân hàng có cho ông Trần Quốc K1 vay số tiền 35.000.000 đồng, thời hạn trả nợ cuối cùng ngày 20/4/2015. Ông K1 có thế chấp quyền sử dụng đất tổng diện tích 6.550 m2 do ông Trần Văn M đứng tên, cấp ngày 29/7/1993 để đảm bảo số tiền vay. Ngân hàng yêu cầu ông H1 thanh toán vốn, lãi cho Ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký. Ngày 12/12/2017, Ngân hàng có đơnxin rút lại yêu cầu độc lập đối với ông K1 do ông K1 đã thanh toán dứt điểm khoản tiền vay này.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2017/DS-ST ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình quyết định:

Không chấp nhận khởi kiện của bà Lưu Thị T1, bà Phan Thị D yêu cầu ông Trần Văn M, bà Nguyễn Thị S trả lại quyền sử dụng đất.

Giữ nguyên hiện trạng phần đất tranh chấp cho những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của ông ông Trần Văn M, bà Nguyễn Thị S là ông Trần Quốc H1, ông Trần Quốc K1, bà Trần Hồng T3, bà Trần Thanh T4, bà Trần Thị Út N1 tiếp tục quản lý sử dụng có diện tích 2.823,1 m2, thuộc thửa số 375, tờ bản đồ số 07 (theo bản đồ mới là thửa 139, 140, tờ bản đồ số 21), tọa lạc tại xã T, huyện T, tỉnh Cà Mau, theo bản vẽ trích đo địa chính thửa đất ngày 17/6/2014 của Phòng tài nguyên và môi trường huyện Thới Bình có tứ cận và kích thước như sau: Hướng đông giáp sông Bạch Ngươu, dài 73 mét; Hướng tây giáp bà Lưu Thị T1, ông Phạm Văn Hạnh, dài 35 mét; Hướng nam giáp đất ông Trần Văn Tưởng, một cạnh dài 29 mét, một cạnh dài 20,2 mét và một cạnh dài 31 mét; Hướng bắc đoạn tiếp giáp đất ông Nguyễn Văn Hài, dài 49 mét.

Đình chỉ giải quyết khởi kiện độc lập của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam yêu cầu ông Trần Quốc K1 trả nợ tại hợp đồng tín dụng ngày 23/4/2014.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về chi phí đo đạc, định giá, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 27/12/2017 bà Lưu Thị T1 có đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T1, bà D đòi lại quyền sử dụng đất đối với ông

Trần Văn M, bà Nguyễn Thị S. Buộc những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông M, bà S giao trả lại cho bà T1 và những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà D phần đất có diện tích 2.823,1m2 tọa lạc tại xã T, huyện T, tỉnh Cà Mau.

Tại phiên tòa phúc thẩm bà T1 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

* Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà T1 phát biểu: Phần đất tranh chấp có nguồn gốc là của cụ H và cụ L (là cha mẹ ruột bà D, cha mẹ chồngbà T1). Cụ H, cụ L chết năm 1962 chôn trên phần đất này; ông Ngàn (chồng bà T1) chết năm 1974 cũng chôn trên phần đất này. Năm 1975, bà T1 và bà D đã có yêu cầu địa phương giải quyết phần đất tranh chấp này với ông M. Bà cũng xác nhận năm 1968 có tham gia phân chia phần đất cụ H, cụ L để lại cho bà D, bà T1. Phần đất tranh chấp được địa phương giải quyết vào các năm 1982, 1983, 2002, 2006 nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; như vậy phần đất này bà D, bà T1 tranh chấp liên tục từ năm 1975 đến nay, án sơ thẩm cho rằng ông M sử dụng đất ổn định là không đúng, quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện Thới B cấp cho ông M là trái pháp luật. Việc ông H1 cho rằng phần đất này ông M sang nhượng của bà D là không có căn cứ. Từ phân tích trên có căn cứ chứng minh phần đất tranh chấp là của cụ H, cụ L để lại cho bà T1, bà D. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà T1, sửa bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T1 và bà D. Do phần đất này hiện nay các con ông M đã có xây nhà cơ bản trên đất nên bà T1 đồng ý giao phần đất cho các con ông M tiếp tục sử dụng, các con ông M phải trả lại bằng giá trị theo giá ngang 1m bằng 15 triệu đồng, nhưng để lại ngang 1m làm lối đi vào khu mồ mã.

* Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho ông H1, bà T4, bà T3, ông K1, bà N1 phát biểu: Phần đất tranh chấp có nguồn gốc của cụ H và cụ L khai phá. Cụ H cho ông M một phần cất nhà ở từ năm 1964, phần còn lại ông M chuyển nhượng của bà D. Lời trình bày của bà T1 cũng thừa nhận cụ H có cho ông M phần đất cất nhà ở, phù hợp với lời trình bày của ông H1. Quá trình giải quyết vụ án lời trình bày của bà D và bà T1 không thống nhất nhau. Bà T1 cũng thừa nhận trước năm 1975 chồng bà T1 (ông Ngàn) đi lính cho chế độ Sài Gòn, bà T1 có đi theo sống cùng với chồng bà, nên không thể cho rằng gia đình bà T1 do chạy giặc nên mới bỏ đất đi. Nếu đất của cha mẹ bà T1, bà D để lại cho bà T1, bà D thì bà T1, bà D tự chia, làm gì có việc mời chính quyền địa phương lại phân chia; hơn nữa bà Hạnh lúc đó là Bí thư chi bộ ấp làm gì có việc đứng ra chia đất. Trong quá trình giải quyết, Tòa án nhân dân huyện Thới Bình đã có ghi lời khai bà Hạnh, bà Hạnh trình bày năm1968 chính quyền giải quyết tranh chấp giữa bà T1, bà D với ông M; không thểhiện năm 1968 chính quyền có chia đất cho bà T1, bà D. Thực tế chứng minh, phần đất nêu trên bà D đã chuyển nhượng cho ông M. Từ những căn cứ trên, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà T1, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Công nhận sự tự nguyện của ông H1 chừa lại lối đi chung ngang 01 từ mặt tiền vào khu mộ chung và hỗ trợ cho bà T1 số tiền bằng 20.000.000 đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm: Về tố tụng, Thẩm phán và Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và các đương sự đã chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ theo pháp luật quy định. Về nội dung, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bà T1, giữ nguyên bản án sơ thẩm; công nhận sự tự nguyện của ông H1 hỗ trợ cho bà T1 số tiền 20 triệu đồng và chừa lối đi chung ngang 1m từ mặt tiền vào khu mộ chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Xét kháng cáo của bà T1, Hội đồng xét xử xét thấy:

Về nguồn gốc phần đất tranh chấp các đương sự đều thừa nhận là của cụ Phan Văn H và cụ Trần Thị L (là cha mẹ ruột bà D, cha mẹ chồng bà T1). Bà T1 cho rằng đầu năm 1968 bà mời chính quyền địa phương gồm bà Nguyễn Thị Hạnh (Bí thư chi bộ ấp 9), ông Phạm Văn Hóa (ấp đội trưởng), ông Nguyễn Văn Nhung (Tổ trưởng Hội nông dân), ông Nguyễn Văn Thành (Tổ phó Hội nông dân) để phân chia đất cho bà và bà D; cũng năm 1968 do chiến tranh gia đình bà đi nơi khác nêngửi đất lại cho ông M và bà S; đến khi giải phóng năm 1975 bà về phần đất cất nhàở thì ông M và bà S ngăn cản, năm 1975 bà yêu cầu chính quyền ấp 9 giải quyết.Ông H1 cho rằng phần đất tranh chấp do bà D chuyển nhượng cho cha mẹ ông (ông M và bà S) diện tích 2.000m2; phần còn lại là ông H cho cha mẹ ông 01 nền nhà, bà Kim A cho 01 phần và cha mẹ ông chuyển nhượng của ông Bò Lạc.

Quá trình giải quyết vụ án, bà T1 cũng không có chứng cứ chứng minh việc gửi đất cho ông M và bà S; ông H1 cũng không có chứng cứ chứng minh việc ông M và bà S chuyển nhượng đất của bà D. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà T1 trình bày do chiến tranh, gia đình bà bỏ đi nơi khác, ông M và bà S vào ở trên phần đất này.

Việc bà T1, bà D yêu cầu giải quyết phần đất tranh chấp với ông M và bà S từ năm 1975 và tiếp theo vào những năm 1982, 1983, 2002, 2006 là có thực tế, ôngH1 cũng thừa nhận. Tuy nhiên, việc bà T1, bà D yêu cầu ông M và bà S trả lại đất có căn cứ chấp nhận hay không là vấn đề cần xem xét. Thấy rằng:

Tuy phần đất có nguồn gốc của cụ H và cụ L, nhưng thực tế tại thời điểm đó cụ Hộ và cụ Lãnh cũng chưa có giấy tờ gì thể hiện Nhà nước công nhận giao phần đất này cho cụ H và cụ L, kể cả bà T1, bà D cũng đều như vậy. Phần đất này bà T1, bà D cũng không có thời gian quản lý sử dụng đất, vì theo bà T1 trình bày đầu năm 1968 bà và bà D mời chính quyền địa phương để phân chia đất thì cũng trongnăm 1968 do chiến tranh nên bỏ đi nơi khác, ông M và bà S vào ở trên đất. Giã sử nếu thật sự do chiến tranh bà T1 và bà D phải bỏ đất đi, không ở được thì vì sao ông M và bà S vào ở trên phần đất bà bỏ lại được. Điều này chứng minh chỉ có thể là do các bà không có nhu cầu sử dụng đối với phần đất này. Đồng thời, tại phiêntòa bà T1 cũng trình bày ông Ngàn là chồng bà có đi lính cho chính quyền Ngụy từnăm 1970, thời gian ông Ngàn đi lính cả gia đình đi theo sống cùng ông Ngàn. Như vậy, việc bà T1 bỏ đất đi không thể cho là do chiến tranh không ở được; phần đất này do bà T1, bà D bõ đất đi nên ông M và bà S vào quản lý sử dụng đất;không có căn cứ chứng minh phần đất này bà D, bà T1 gửi cho ông M và bà S, đồng thời cũng không có căn cứ chứng minh do bà D chuyển nhượng cho ông M và bà S.

Quá trình giải quyết yêu cầu tranh chấp của bà T1 và bà D, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chỉ hòa giải động viên các bên thương lượng thỏa thuận nhưng không thành, phía ông M cũng không đồng ý trả đất; không thể hiện có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền buộc ông M trả lại đất. Mặc dù bà T1 và bà D có yêu cầu giải quyết từ năm 1975 và các năm 1982, 1983, 2002, 2006; tuy nhiên việc yêu cầu của bà T1 và bà D có khoản thời gian gián đoạn rất lâu (từ1982, 1983 đến 2002, thời gian gần 20 năm) mới tiếp tục yêu cầu. Từ năm 1975đến nay, đã trải qua thời kỳ thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước ta, phần đất này Nhà nước cũng không buộc ông M trả lại đất cho bà D và bà T1 mà vẫn đượcgiao cho ông M sử dụng; năm 1993 ông M được cấp quyền sử dụng đất, đây là căncứ pháp lý chứng minh Nhà nước thừa quyền sử dụng của ông M đối với phần đất này. Pháp luật đất đai nước ta quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý …, Nhà nước giao đất cho người sử dụng đất.

Từ phân tích trên, xét thấy án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T1, bà D về việc yêu cầu ông M và bà S trả lại diện tích đất tranh chấp theo đo đạc thực tế 2.823,1m2 là có cơ sở; do đó, kháng cáo của bà T1 không có căn cứ chấp nhận.

Tuy nhiên qua xem xét thực tế, hiện tại trên phần đất tranh có hai khu mộ: khu mộ thứ nhất gồm có mộ của cha mẹ ông H1 (ông M, bà S); khu mộ thứ hai gồm: mộ em ông H1, mộ ông, bà ông M, mộ chồng bà T1, mộ cha, mẹ chồng bà T1, đây là khu mộ chung cần phải có lối đi cho các bên để vào khu mộ. Tại phiên tòa ông H1 đồng ý giành ra khu nền mộ và lối đi chung ngang 1m từ mặt tiền thẳng vào khu mộ chung (khu mộ gồm 06 ngôi mộ) và hỗ trợ cho bà T1 số tiền bằng20.000.000 đồng, đây là sự tự nguyện của ông H1 nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Miễn cho bà T1 và bà D (người cao tuổi được miễn).

Bà T1 phải chịu chi phí xem xét thẩm định giai đoạn phúc thẩm 500.000đồng, đã nộp xong.

Án phí dân sự phúc thẩm bà T1 được miễn (người cao tuổi được miễn).

Các quyết định khác của án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Áp dụng Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án;

Không chấp nhận kháng cáo của bà Lưu Thị T1. Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2017/DS-ST ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lưu Thị T1 và bà Phan Thị D về việc yêu cầu ông Trần Văn M và bà Nguyễn Thị S trả lại diện tích đất tranh chấp theo đo đạc thực tế 2.823,1m2 tọa lạc tại xã T, huyện T, tỉnh Cà Mau.

Giữ nguyên diện tích đất tranh chấp 2.823,1m2 nêu trên cho những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của ông Trần Văn M và bà Nguyễn Thị S là ông Trần Quốc H1, ông Trần Quốc K1, bà Trần Hồng T3, bà Trần Thanh T4, bà Trần Thị Út N1 tiếp tục quản lý sử dụng.

- Ghi nhận sự tự nguyện của ông H1 giành ra khu nền mộ và lối đi chung ngang 01m (kích thước tính từ vị trí giáp với khu nền mộ của cha mẹ ông H1 đo trở qua chiều ngang 01m) chiều dài từ mặt tiền thẳng vào khu mộ chung (khu mộ gồm 06 ngôi mộ) và hỗ trợ cho bà T1 số tiền bằng 20.000.000 đồng. (Kèm theo bản vẽ trích đo địa chính ngày 17/6/2014 và sơ đồ đo đạc ngày12/10/2018).

 Kể từ ngày bà T1 có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong số tiền nêu trên, hàng tháng ông H1 còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

- Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam về việc yêu cầu ông Trần Quốc K1 thanh toán nợ cho Ngân hàng theo hợp đòng tín dụng ngày 23/4/2014.

- Chi phí đo đạc, định giá bà T1 và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà D (gồm Nguyễn Thị Lệ T2, Nguyễn Thị Mỹ L1, Nguyễn Vũ Â, Nguyễn Thị Mỹ X, Nguyễn Vũ N, Nguyễn Thị Mỹ C) phải chịu 5.683.000 đồng, đã nộp xong.

- Bà T1 phải chịu chi phí xem xét thẩm định giai đoạn phúc thẩm 500.000 đồng, đã nộp xong.

- Án phí dân sự sơ thẩm bà T1 và bà D được miễn; Ngày 03/10/2007 bà T1 và bà D mỗi người đã dự nộp 50.000 đồng biên lai thu số 004133, 004134 đượcnhận lại.

- Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, ngày 13/5/2016 Ngân hàng đã dự nộp 980.000 đồng biên lai thu số 03354 được nhận lại.

- Án phí dân sự phúc thẩm bà T1 được miễn. Bà T1 đã dự nộp 300.000 đồng theo biên lai thu số 0018953 ngày 28/12/2017 của Chi cục Thi hành án huyện Thới Bình được nhận lại.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

289
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 242/2018/DS-PT ngày 29/11/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:242/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về