Bản án 241/2019/DS-PT ngày 12/09/2019 về tranh chấp vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 241/2019/DS-PT NGÀY 12/09/2019 VÊ TRANH CHẤP VAY TÀI SẢN 

Trong ngày 12 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 186/2019/TLPT-DS ngày 23 tháng 7 năm 2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 57/2019/DS-ST ngày 14/06/2019 của Toà án nhân dân huyện T bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số:193/2019/QĐPT-DS ngày 08 tháng 8 năm 2019 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Chị D, sinh năm 1970;

Nơi cư trú: huyện T, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện hợp pháp cho chị Diệu: Anh Đ, sinh năm 1993;

Nơi cư trú: huyện T, tỉnh Cà Mau là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 11/9/2019)

- Bị đơn:

+ Anh M, sinh năm 1975;

Nơi cư trú: huyện T, tỉnh Cà Mau.

+ Chị N, sinh năm 1975;

Nơi cư trú: huyện T, tỉnh Cà Mau.

- Người kháng cáo: Anh M, là bị đơn.

Ti phiên tòa: Anh M, chị N, anh Đ có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Đơn khởi kiện ngày 20/12/2018 chị D trình bày: Trước đây chị có vay của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam – Chi nhánh huyện T (viết tắt Ngân hàng chính sách) 30.000.000 đồng, sau đó vợ chồng anh M ( anh M và chị N) mượn lại, với thỏa thuận vợ chồng anh M trả lãi hàng tháng. Đến thời hạn trả nợ gốc, chị đã trả nợ cho Ngân hàng xong, nay chị yêu cầu anh M và chị N có nghĩa vụ trả lại 30.000.000 đồng.

Anh M trình bày: Gia đình đang gặp khó khăn về tiền do chuộc đất cố nên nhờ chị D đứng tên hồ sơ vay giùm (hộ) 30.000.000 đồng. Chị D đồng ý và ký vào thủ tục hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng chính sách 30.000.000 đồng do anh thiết lập. Ngay khi nhận được tiền vay, chị D giao lại cho vợ chồng anh mà người trực tiếp nhận là chị N. Ngày hôm sau anh viết biên nhận nợ 30.000.000 đồng cho chị D. Anh thừa nhận, vợ chồng anh nợ chị D 30.000.000 đồng; anh đồng ý cùng chị N trả lại chị D 30.000.000 đồng.

Chị N trình bày: Anh M thỏa thuận vay nợ với chị D, chị không hay biết. Đến khi ly hôn anh M kê số nợ này, chị không thừa nhận. Chị không biết anh M vay để làm gì, anh M không có đem số tiền này chi xài trong gia đình. Nay chị không đồng ý cùng anh M trả cho chị D.

Từ nội dung trên, bản án dân sự sơ thẩm số 57/2019/DS-ST ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện T quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 463, Điều 466, khoản 1 Điều 469 Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của UBTV Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Toà án.

Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị D đòi nợ số tiền 30.000.000 đồng:

Buộc anh M có nghĩa vụ trả cho chị D 30.000.000 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu của chị D về việc yêu cầu chị N có nghĩa vụ cùng anh M trả cho chị D 30.000.000 đồng.

Án phí dân sự sơ thẩm anh M phải chịu 1.500.000 đồng. Chị D không phải chịu án phí.

Ngày 23/6/2019 anh M là bị đơn nộp đơn kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xử buộc chị N cùng có nghĩa vụ với anh trả 30.000.000 đồng cho chị D.

Tại phiên tòa phúc thẩm anh M giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau: Về trình tự thủ tục tố tụng: Hội đồng xét xử, đương sự đã tuân thủ và thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về nội dung: Khoản nợ 30.000.000 đồng phát sinh trong thời gian anh M và chị N ly thân; Biên nhận nợ không có chị N ký tên xác nhận. Do đó, yêu cầu kháng cáo của anh M không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh M. Căn cứ khoản 1 Điều 308 – Bộ luật tố tụng dân sự; Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 57/2019/DS-ST ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện T.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Anh M là bị đơn trong vụ án. Đơn kháng cáo của anh M kháng cáo trong thời hạn luật định, được chấp nhận xem xét, giải quyết.

[2] Anh M kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xử buộc chị N có nghĩa vụ cùng anh trả 30.000.000 đồng cho chị D. Chị N không chấp nhận và cho rằng đây là nợ riêng của anh M.

Hi đồng xét xử xét thấy: Khoản nợ 30.000.000 đồng chị D yêu cầu vợ chồng anh M có nghĩa vụ trả là có thật, thực tế có xảy ra. Khoản nợ này phát sinh trong thời kỳ hôn nhân anh M và chị N đang tồn tại, chưa có bản án hay quyết định ly hôn của Tòa án.

Chị N cho rằng, thời điểm phát sinh nợ là trong khoản thời gian vợ chồng có mâu thuẫn trầm trọng và đã ly thân, không còn trách nhiệm gì với nhau. Giấy nhận nợ chỉ mình anh M ký tên, chị không có ký tên xác nhận nên chị không phải chịu trách nhiệm. Lời trình bày này của chị N là không có cơ sở. Bởi vì, thời điểm phát sinh nợ đến thời điểm anh M có Đơn xin ly hôn là hơn 02 năm. Trong khoản thời gian này anh chị vẫn có giao dịch dân sự chung, phát sinh, như: Ký Tờ giao kèo cố đất của anh chị cho ông H vào ngày 20/4/2014. Và không có chứng cứ gì để chứng minh khoản thời gian này mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng và anh chị ly thân. Đồng thời, tại phiên hòa giải ngày 08/3/2019 chị N thừa nhận chị có biết việc anh M làm hồ sơ vay 30.000.000 đồng và người đứng tên người vay là chị D. Lúc này, chị làm tổ trưởng tổ vay vốn nên chị biết (BL: 32, 150). Do đó, chị N cho rằng, chị không biết gì về khoản nợ 30.000.000 đồng này là không có căn cứ chấp nhận.

Mặt khác, trong các giấy tờ giao dịch dân sự khác trong khoản thời gian này như: Tờ giao kèo ông O mướn đất của anh chị vào ngày 02/3/2014, Hợp đồng cho ông S thuê đất vào ngày 30/4/2015, Tờ giao kèo cho anh L cố đất vào ngày 30/3/2005 hay Biên nhận nhận vàng của anh L do anh chị cố đất, đều do một mình anh M ký tên. Do đó, chị N cho rằng, chị không có ký tên nên chị không có trách nhiệm gì về khoản nợ này là không có cơ sở chấp nhận.

Tại Tòa án, chị N không có chứng cứ nào để chứng minh, kể từ năm 2014, đời sống kinh tế gia đình, anh chị đã phân chia trách nhiệm và quyền lợi riêng của mỗi người và anh chị đã độc lập về tài chính (tiền bạc). Chị N cũng không đưa ra được chứng cứ chứng minh trong khoản thời gian này mỗi người đã có cuộc sống riêng không còn liên quan gì về quyền lợi và nghĩa vụ đối với nhau.

Điều 27 và Điều 37 – Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Tại Tòa án, chị N cũng không chứng minh được 30.000.000 đồng này anh M đã chi xài cá nhân. Do đó, án sơ thẩm xác định khoản nợ này là nợ riêng và buộc anh M có nghĩa vụ trả toàn bộ khoản nợ này là không đủ căn cứ và chưa đánh giá toàn diện hết các chứng cứ.

Từ phân tích và nhận định trên, xét thấy: Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau và yêu cầu của chị N không có cơ sở chấp nhận. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh M; Buộc chị N và anh M cùng có nghĩa vụ trả chị D 30.000.000 đồng. Do anh M và chị N đã ly hôn và đã phân chia tài sản chung nên phân định mỗi người có nghĩa vụ trả chị D 15.000.000 đồng.

[3] Do yêu cầu kháng cáo của anh M được chấp nhận nên anh M không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Do sửa án sơ thẩm nên án phí dân sự sơ thẩm được tính lại. Anh M, chị N mỗi người phải chịu án phí có giá ngạch đối với số tiền phải trả cho chị D.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 273, khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309, khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 148 – Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 27, Điều 37 – Luật Hôn nhân và Gia đình;

Căn cứ Điều 463, Điều 466, khoản 1 Điều 469 – Bộ luật dân sự;

Căn cứ khoản 1 và 2 Điều 26, khoản 2 Điều 29 - Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Toà án.

Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của anh M; Sửa bản án dân sự sơ thẩm 57/2019/DS-ST ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện T.

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị D đòi 30.000.000 đồng, cụ thể:

- Buộc anh M có nghĩa vụ trả chị D 15.000.000 đồng;

- Buộc chị N có nghĩa vụ trả chị D 15.000.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong khoản tiền phải thi hành án, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

- Án phí:

+ Án phí dân sự phúc thẩm anh M không phải chịu; hoàn trả lại anh M 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 0003320 ngày 23/6/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T.

+ Án phí dân sự có giá ngạch anh M phải chịu 750.000 đồng.

+ Án phí dân sự có giá ngạch chị N phải chịu 750.000 đồng.

+ Chị D không phải chịu án phí dân sự; hoàn trả lại chị D 750.000 đồng tiền tạm ứng án phí có giá ngạch đã nộp theo biên lai số 0002553 ngày 25/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự T.

Bn án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

516
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 241/2019/DS-PT ngày 12/09/2019 về tranh chấp vay tài sản

Số hiệu:241/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về