TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 237/2017/DS-PT NGÀY 19/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 19 tháng 9 năm 2017 tại tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 176/2017/TLPT- DS ngày 22 tháng 8 năm 2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2017/DS-ST ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 195/2017/QĐPT-DSngày 24 tháng 8 năm 2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Lê Thị N, sinh năm 1966 (có mặt);
Địa chỉ: ấp A, xã X, huyện G, tỉnh Bến Tre.
- Bị đơn:
Ông Lê Văn H, sinh năm 1957 (có mặt); Bà Phạm Thị T, sinh năm 1966 (có mặt);Cùng địa chỉ: ấp A1, thị trấn X1, huyện G, tỉnh Bến Tre.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
Bà NLQ1, sinh năm 1979 (vắng mặt); Ông NLQ2, sinh năm 1977 (vắng mặt) ; Cùng địa chỉ: ấp A, xã X, huyện G, tỉnh Bến Tre.
- Người làm chứng:
1. Bà NLC1, sinh năm 1939 (có mặt);
2. Ông NLC2, sinh năm 1958 (có mặt);
3. Bà NLC3, sinh năm 1964 (có mặt);
4. Bà NLC4, sinh năm 1968 (có mặt);
5. Bà NLC5, sinh năm 1974 (có mặt)
Cùng địa chỉ: ấp A, xã X, huyện G, tỉnh Bến Tre.
6. Ông NLC6, sinh năm 1986 (có mặt);
Địa chỉ: ấp A1, thị trấn X1, huyện G, tỉnh Bến Tre.
- Người kháng cáo: bị đơn bà Phạm Thị T, ông Lê Văn H.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo án sơ thẩm và các tài liệu,chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ ánnguyên đơn bà Lê Thị N trình bày:
Do là hàng xóm quen biết nên là vào ngày 08 tháng 8 năm 2013 bà có cho bà Phạm Thị T và ông Lê Văn H vay số tiền 220.000.000 đồng với lãi suất 02%/tháng, thời hạn vay là 03 năm. Khi vay bà T, ông H có nhờ con trai là NLC6 viết hợp đồng dùm, ông H và bà T trực tiếp nhận số tiền này của bà.
Từ ngày vay đến nay ông H, bà T có trả lãi được 05 tháng với số tiền tổng cộng là 22.000.000 đồng. Đến ngày 08 tháng 02 năm 2014 thì ông H, bà T ngưng không đóng lãi cho bà nữa. Trước đây bà có khởi kiện yêu cầu ông H, bà T trả số tiền trên cho bà nhưng chưa đến thời hạn trả nợ nên bà rút đơn và cũng để cho bà T, ông H có thời gian trả nợ. Nhưng đến nay đã quá thời hạn ghi trong hợp đồng mà bà T, ông H không thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền trên. Do đó, nay bà khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông H, bà T có trách nhiệm liên đới trả cho bà số tiền 220.000.000 đồng, trả một lần và không yêu cầu tính lãi.
Theo án án sơ thẩm và các tài liệu chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn bà Phạm Thị T và ông Lê Văn H trình bày:
Vào ngày 08 tháng 8 năm 2013 tại nhà bà NLC1, là mẹ ruột của bà Phạm Thị T, đồng thời cũng là mẹ ruột của ông NLQ2, ông Lê Văn H và bà Phạm Thị T có làm hợp đồng nhận nợ số tiền 220.000.000 đồng của bà Lê Thị N. Đây là số tiền nhận nợ thay cho em của bà T là ông NLQ2 và vợ là bà NLQ1, ở ấp A, xã X. Ông bà không có nhận tiền trực tiếp từ bà N. Khi thỏa thuận nhận nợ thay tại nhà bà NLC1 có mặt các anh chị em khác của ông bà là NLC4, NLC2, NLC5, NLC3 và con ruột ông bà là NLC6, NLQ2 cùng vợ là NLQ1. Hợp đồng giữa hai bên do ông NLC6 là con ông, bà viết thay. Trước đây khi ông NLQ2, bà NLQ1 vay của bà N thì bà N tính lãi suất là 06%/tháng và vay vào thời gian nào ông bà không rõ. Nhưng khi làm hợp đồng vay tiền lại giữa ông, bà với bà N thì chỉ ghi lãi suất 02%/tháng. Mục đích cả hai nhận nợ thay cho bà NLQ1 và ông NLQ2 là để giảm lãi suất lại. Vì ông NLQ2, bà NLQ1 đang bị vỡ nợ, không có khả năng chi trả tiền lãi với lãi suất 06%/tháng. Nếu ông bà đồng ý nhận nợ thay cho ông NLQ2, bà NLQ1 thì bà N đồng ý giảm lãi suất còn lại 02%/tháng. Sau khi ông NLQ2 bỏ đi khỏi địa phương thì ông bà có đóng lãi cho bà N được 05 tháng như lời bà N trình bày. Sau đó cả hai có kêu bà N qua nhà để thỏa thuận sẽ trả trước cho bà 100.000.000 đồng tiền nợ gốc, còn lại 120.000.000 đồng xin trả dần mỗi tháng5.000.000 đồng và xin không trả lãi nữa, nhưng bà N không đồng ý. Sau một thời gian ông NLQ2 trở về địa phương thì ông bà có mời bà N qua để giao lại số tiền nợ 220.000.000 đồng cho ông NLQ2, bà N tự giải quyết, nhưng bà N không đồng ý qua bàn bạc. Vào ngày 28 tháng 8 năm 2014 ông NLQ2 có viết bản hợp đồng nhận lại số tiền nợ nêu trên. Do đó, nay trước yêu cầu khởi kiện của bà N thì ông, bà không đồng ý trả vì ông bà không có vay của bà N, mà số tiền nợ trên là ông NLQ2, bà NLQ1 vay của bà N nên ông NLQ2, bà NLQ1 có trách nhiệm trả.
Theo án sơ thẩm và các tài liệu chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ ánngười có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà NLQ1 trình bày:
Bà không có vay tiền của bà Lê Thị N. Còn đối với bà Phạm Thị T và ông Lê Văn H thì bà có nợ 523.000.000 đồng nhưng đã được Tòa án giải quyết bằng vụ án khác, không liên quan đến số tiền 220.000.000 đồng này. Nếu bà T, ông H cho rằng bà có vay tiền từ bà N thì đề nghị cung cấp giấy tờ vay tiền có chữ ký của bà. Còn việc ông NLQ2 có làm hợp đồng nhận lại nợ với ông H và bà Phạm Thị T như thế nào thì bà không rõ, đó là việc của ông NLQ2 nên ông NLQ2 tự chịu trách nhiệm, bà không có liên quan đến sự việc này. Theo như lời bị đơn trình bày thì vào ngày 08 tháng 8 năm 2013, bà cũng không có mặt tại nhà bà NLC1 và cũng không biết việc nhận nợ thay.
Theo án sơ thẩm và các tài liệu chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông NLQ2 trình bày:
Khoảng thời gian trước đây, không rõ thời gian cụ thể, giữa ông và bà N có làm ăn vay nợ với nhau. Và ông có vay của bà N một số tiền nhưng không rõ là bao nhiêu. Vào năm 2012 do việc làm ăn giữa ông và ông NLC6 (ông NLC6 là con của ông H, bà Phạm Thị T) có xảy ra mâu thuẫn nên ông có bỏ địa phương đi một thời gian. Công việc làm ăn và nợ nần ông giao lại cho vợ ông là bà NLQ1 và ông NLC6 quản lý, giải quyết. Theo giấy tay “Hợp đồng nhận lại nợ” do bà T, ông H cung cấp là do ông NLC6 viết và bắt buộc ông ký tên và ghi kèm theo nội dung: “anh chị bàn giao lại số nợ cho tôi thì tôi nhận lại nhưng bên cho vay nợ không có mặt nhưng tôi vẫn đồng ý nhận lại số nợ trên nhưng tôi không có khả năng chi trả, nếu có chi trả thì tôi trả lại từ từ”. Ngoài ra, ông cũng đã nhận nợ của ông Lê Văn H và bà Phạm Thị T số nợ 600.000.000 đồng đã được Tòa án giải quyết xong rồi nên ông và vợ là bà NLQ1 không còn liên quan gì đến việc vay mượn nợ với ông H và bà Phạm Thị T nữa. Do đó, đối với ý kiến của ông H, bà Phạm Thị T yêu cầu ông phải có trách nhiệm trả số tiền 220.000.000 đồng cho bà N thì ông không đồng ý.
Sau khi hòa giải không thành, Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm đưa vụ án ra xét xử, tại bản án số 33/2017/DSST ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm đã tuyên:
Căn cứ Điều 147, Điều 227 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Điều 471 và 474 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án. Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị N về việc yêu cầu ông Lê Văn H, bà Phạm Thị T phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ. Buộc ông Lê Văn H và bà Phạm Thị T phải có nghĩa vụ liên đới trả một lần cho bà Lê Thị N số tiền 220.000.000 đồng.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về lãi suất chậm thi hành án, án phí, quyền kháng cáo bản án và quyền yêu cầu thi hành án của các đương sự.
Ngày 20 tháng 5 năm 2017 bà Phạm Thị T và ông Lê Văn H có đơn khángcáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm bà Phạm Thị T và ông Lê Văn H vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo. Theo đơn kháng cáo và trình bày tại phiên tòa phúc thẩm bà T, ông H kháng cáo toàn bộ nội dung bản án dân sự sơ thẩm số 33/2017/DS- ST ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm theo hướng buộc ông NLQ2 và bà NLQ1 có trách nhiệm trả cho bà Lê Thị N số tiền 220.000.000 đồng. Vì thực tế ông bà không có vay tiền và nhận tiền từ bà N. Ông bà chỉ nhận nợ thay cho ông NLQ2 và bà NLQ1. Mục đích nhận nợ thay là để giảm lãi suất vì ông NLQ2 và bà NLQ1 đang vỡ nợ không có khả năng chi trả.
Nguyên đơn bà Lê Thị N yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm vì cho rằng số tiền 220.000.000 đồng bà cho bà Phạm Thị T, ông Lê Văn H vay, không liên quan đến ông NLQ2, bà NLQ1.
Những người làm chứng bà NLC1, ông NLC2, bà NLC3, bà NLC4, bà NLC5 trình bày: bà NLC1 là mẹ ruột của bà Phạm Thị T, ông NLQ2. Những người còn lại là anh chị em của bà Phạm Thị T, ông NLQ2. Hợp đồng ngày 08 tháng 08 năm2013 giữa bà Phạm Thị T, ông Lê Văn H với bà Lê Thị N được ký tại nhà bà NLC1, có sự chứng kiến của các ông bà. Ông Lê Văn H, bà Phạm Thị T làm hợp đồng nhận nợ số tiền 220.000.000 đồng của bà Lê Thị N, thực chất là nhận nợ thay cho em của bà T là ông NLQ2 và vợ là bà NLQ1, ở ấp A, xã X. Mục đích nhận nợ thay là để giảm lãi suất từ 6%/tháng xuống còn 2%/tháng. Do ông NLQ2 và bà NLQ1 bị vỡ nợ, không có khả năng chi trả tiền lãi với lãi suất 6%/tháng. Ông Lê Văn H và bà Phạm Thị T không có nhận tiền trực tiếp từ bà N.
Người làm chứng ông NLC6 trình bày: ông là con của ông Lê Văn H và bà Phạm Thị T. Hợp đồng ngày 08 tháng 8 năm 2013 giữa ông H, bà T với bà N là do ông viết thay cho cha mẹ ông. Mục đích ông H, bà T ký hợp đồng nhận nợ số tiền 220.000.000 đồng của bà Lê Thị N là nhận nợ thay cho cậu của ông là ông NLQ2 và vợ là bà NLQ1. Nhằm mục đích giảm lãi suất từ 6%/tháng xuống còn 2%/tháng. Do cậu ông và vợ bị vỡ nợ, không có khả năng chi trả tiền lãi với lãi suất 6% mỗi tháng. Ông H, bà T không có nhận tiền trực tiếp từ bà N. Sau khi ông NLQ2 bỏ địa phương đi thì bà NLQ1 có đóng lãi cho ông NLQ2 được 05 tháng.
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa phát biểu cho rằng: Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Người liên quan vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm không có lý do là chưa thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ. Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị T, ông Lê Văn H. Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 33/2017/DSST ngày 09/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các đương sự, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Xét kháng cáo của bà Phạm Thị T, ông Lê Văn H và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông NLQ2, bà NLQ1 vắng mặt, dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ hai lần. Căn cứ Điều 227 Bộ luật Tố tụng Dân sự Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt ông NLQ2 và bà NLQ1.
[2] Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và trình bày của các đương sự tại phiên tòa xác định quan hệ tranh chấp là hợp đồng vay tài sản.
[3] Vào ngày 08 tháng 8 năm 2013 giữa bà Lê Thị N với ông Lê Văn H, bà Phạm Thị T có làm “ Hợp đồng cho mượn”, nội dung bà Phạm Thị T, ông Lê Văn H có mượn của bà Lê Thị N số tiền 220.000.000 đồng, thời gian 03 năm, lãi suất 02%/tháng. Sự kiện này được phía ông H, bà T thừa nhận là hợp đồng này do ôngNLC6 (là con trai của ông H, bà T) viết và ông bà có ký tên vào. Do đó đây là chứng cứ nguyên đơn không phải chứng minh theo Điều 92 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
[4] Tuy nhiên, ông H, bà T cho rằng vào ngày 08 tháng 8 năm 2013 tại nhà bà Lê Thị Năm, ông, bà có làm hợp đồng nhận nợ số tiền 220.000.000 đồng của bà N. Đây là số tiền nhận nợ thay cho em của bà Tuyết là ông NLQ2 và vợ là bà NLQ1. Mục đích nhận nợ thay là để giảm lãi suất từ 6% xuống còn 2%, vì ông NLQ2, bà NLQ1 đang vỡ nợ, không có khả năng chi trả. Tuy nhiên, lời trình bày này của bà T và ông H không được phía bà N thừa nhận. Mặc dù 06 người làm chứng tại phiên tòa phúc thẩm đều trình bày số tiền trên là do bà T và ông H nhận nợ thay cho ông NLQ2 và bà NLQ1, nhưng cũng chưa đủ cơ sở để chứng minh. Bởi lẽ, theo “ Hợp đồng cho mượn” đề ngày 08 tháng 08 năm 2013 ông H và bà Phạm Thị T thừa nhận có ký tên, nội dung thể hiện ông H và bà T có mượn của bà Lê Thị N có tiền 220.000.000 đồng. Bà T, ông H kháng cáo cho rằng bà N đã ép buộc ông bà ký hợp đồng nên hợp đồng này là vô hiệu. Tuy nhiên, ông H và bà T không cung cấp được chứng cứ chứng minh có sự nhầm lẫn, đe dọa hay ép buộc khi ký kết hợp đồng và cũng không có căn cứ cho rằng tại thời điểm xác lập hợp đồng ông H, bà T không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Do đó, hợp đồng này là hợp pháp và các bên phải thực hiện nghĩa vụ như đã thỏa thuận. Hơn nữa, theo lời trình bày của bà T, ông H thì hợp đồng vay tại nhà của mẹ bà T và có sự chứng kiến của các anh chị em của bà T. Và theo lời trình bày của bà T, ông H thì nội dung sự thỏa thuận ngày 08 tháng 8 năm 2013 không phải ông bà nhận nợ thay cho ông NLQ2, bà NLQ1 mà là sự chuyển giao quyền và nghĩa vụ từ ông NLQ2, bà NLQ1 sang cho bà Phạm Thị T và ông Lê Văn H được sự đồng ý của người có quyền là bà Lê Thị N. Như vậy việc chuyển giao nghĩa vụ trả số tiền 220.000.000 đồng cho bà N từ ông NLQ2, bà NLQ1 sang cho ông H, bà T thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 370 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể: “ Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý …” nên ông H, bà T phải có nghĩa vụ trả số tiền220.000.000 đồng này.
[5] Ông H và bà Phạm Thị T kháng cáo cho rằng vào ngày 28 tháng 8 năm 2014 ông NLQ2 có ký tên vào “Hợp đồng nhận lại nợ”, theo nội dung hợp đồng thì ông NLQ2 đồng ý nhận lại số nợ mà ông đã giao cho bà T, ông H trả cho bà Lê Thị N với số tiền 220.000.000 đồng vào ngày 08 tháng 08 năm 2013. Nên ông H, bà T yêu cầu ông NLQ2 và vợ là bà NLQ1 có trách nhiệm liên đới trả số tiền này. Thấy rằng, mặc dù ông NLQ2 thừa nhận có ký tên vào “ Hợp đồng nhận lại nợ” ngày 28 tháng 8 năm 2014, tuy nhiên không có chữ ký của bà N và bà N cũng không đồng ý để ông NLQ2 trả nợ thay cho vợ chồng ông H, bà T. Như vậy việc chuyển giao nghĩa vụ trả số tiền 220.000.000 đồng cho bà N từ ông H, bà T qua ông NLQ2 là không thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 370 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể: “ Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý …”. Do đó, ông H, bà T vẫn phải có nghĩa vụ trả số tiền 220.000.000 đồng theo “Hợp đồng cho mượn” đã ký với bà N ngày 08 tháng 8 năm 2013.
[6] Từ những căn cứ nêu trên, nguyên đơn bà N khởi kiện yêu cầu bà T, ông H trả cho bà số tiền 220.000.000 đồng và Tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N là có căn cứ. Bà Phạm Thị T và ông Lê Văn H kháng cáo nhưng không cung cấp chứng cứ gì mới có tính thuyết phục để chứng minh cho yêu cầu của mình nên không có căn cứ chấp nhận, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát phù hợp với Hội đồng xét xử nên được chấp nhận. Tuy nhiên, phần quyết định của bản án sơ thẩm tuyên “Buộc ông Lê Văn H và bà Phạm Thị T phải có nghĩa vụ liên đới trả một lần cho bà Lê Thị N số tiền 220.000.000 đồng” là chưa phù hợp nên cần điều chỉnh lại cho phù hợp”.
[7] Do kháng cáo không được chấp nhận nên bà Phạm Thị T, ông Lê Văn H phải chịu án phí phúc thẩm theo Điều 148 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
Căn cứ Điều 147, Điều 227 của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Điều 471 và 474 Bộ luật dân sự năm 2005, Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thị T, ông Lê Văn H.
Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 33/2017/DS-ST ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cụ thể tuyên:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị N về việc yêu cầu ông Lê Văn H, bà Phạm Thị T phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ. Buộc ông Lê Văn H và bà Phạm Thị T phải có nghĩa vụ liên đới trả cho bà Lê Thị N số tiền 220.000.000 đồng (hai trăm hai mươi triệu đồng).
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thanh toán xong khoản tiền thì còn phải chịu lãi suất chậm trả theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án cho đến khi thi hành xong.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch:
Ông Lê Văn H, bà Phạm Thị T phải có nghĩa vụ liên đới chịu số tiền 11.000.000 đồng (mười một triệu đồng).
Chi cục Thi hành án Dân sự huyện G phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Lê Thị N số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 5.500.000 đồng (năm triệu năm trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0016782 ngày 12 tháng 10 năm 2016.
3. Án phí dân sự phúc thẩm: bà Phạm Thị T, ông Lê Văn H phải chịu số tiền 300.000 đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0011097 ngày 24 tháng 5 năm 2017 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện G, tỉnh Bến Tre.
Trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành ánđược thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 237/2017/DS-PT ngày 19/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 237/2017/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bến Tre |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 19/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về