Bản án 23/2018/HS-ST ngày 19/09/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CÙ LAO DUNG, TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 23/2018/HS-ST NGÀY 19/09/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 19 tháng 9 năm 2018 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện CLD, tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 11/2018/TLST-HS, ngày 19 tháng 6 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 15/2018/QĐXXST-HS ngày 24 tháng 7 năm 2018 đối với bị cáo:

Nguyễn T (Phạm Văn K), sinh năm: 1976 tại huyện HT, tỉnh Bình Thuận; Nơi cư trú: Thôn N, xã TĐ, huyện HT, tỉnh Bình Thuận (trước đây là Thôn H, xã TM, huyện HT, tỉnh Bình Thuận); nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ văn hóa: 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Th (còn sống) và bà Nguyễn Thị D (còn sống); anh chị em ruột: có 06 người, lớn nhất sinh năm 1971, nhỏ nhất sinh năm 1985; Vợ: Trà Thị S, sinh năm 1972 (sống chung như vợ chồng, không có đăng ký kết hôn); Con: Trà Minh T (Phạm Minh T), sinh năm 2002; tiền án: Không có; tiền sự: Không có.

Bị cáo bị tạm giam kể từ ngày 09/7/2012, sau đó chấp hành án hình phạt 02 (hai) năm tù theo bản án hình sự số: 26/2012/HSST ngày 26/11/2012 của Tòa án nhân dân huyện CLD. Đến ngày 09/4/2014 thì chấp hành xong. Tuy nhiên, bị cáo đang bị tạm giam từ ngày 10/10/2015 cho đến nay tại Trại giam Công an tỉnh Bình Thuận, vì bị cáo bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên xử 20 năm tù về tội giết người và cướp tài sản theo bản án hình sự sơ thẩm số 22/2016/HSST ngày 26/8/2016 (có mặt).

* Bị hại: Ông Nguyễn Văn H, sinh năm: 1961; Cư trú tại: Ấp AN, xã An Thạnh B, huyện CLD, tỉnh Sóc Trăng (có đơn xin xét xử vắng mặt).

* Người làm chứng: Bà Trà Thị S, sinh năm: 1972; Cư trú tại: Ấp TL, xã LP, huyện LP, tỉnh Sóc Trăng (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn T (tên gọi khác là Phạm Văn K) sinh năm 1976; trú tại thôn H, xã TM, huyện HT, tỉnh Bình Thuận (nay là thôn N, xã TĐ, huyện HT, tỉnh Bình Thuận).

Vào ngày 23/4/1998, Nguyễn T và bạn cùng thôn tên Hồ Thanh V có hành vi giết người và cướp tài sản của bà Lê Thị B (Năm T) ngụ tại Thôn H, xã TM, huyện HT, tỉnh Bình Thuận. Sau khi thực hiện hành vi giết người và cướp tài sản, Nguyễn T bán tài sản cướp được, sau đó T đi xe ôm vào Căn cứ 3 để mua bẫy thú rừng với mục đích sẽ làm phương tiện kiếm sống khi đi trốn. Sau khi mua 05 chiếc bẫy thú rừng, T ra Quốc lộ 1A đón xe vào Thành phố Hồ Chí Minh, T xuống xe tại ngã 4 Bình Phước, sau đó tiếp tục đón xe đi huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước và thuê được một người đàn ông dân tộc dẫn bộ vượt biên giới qua Campuchia. Tại Campuchia, T làm nghề cưa cây thuê được hơn 01 năm thì bị bệnh sốt rét nên quay về Thành phố Hồ Chí Minh rồi đi đến thành phố Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ để sinh sống, sau đó Nguyễn T thay tên đổi họ tên và tự đặt cho mình tên Phạm Văn K, sinh năm 1968 vào xin làm thuê cho cơ sở sản xuất kem Tấn Phát tại số 01, đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ được 01 tháng thì có người cùng làm chung rủ đi thành phố Vũng Tàu làm bánh kem với tiền công cao hơn nên T đồng ý đi Vũng Tàu làm thuê cho tiệm kem Sài Gòn tại số 127, đường Lê Lai, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại đây, T làm quen với chị Trà Thị S, trú tại ấp TL, xã LP, huyện LP, tỉnh Sóc Trăng là người nấu ăn cho tiệm bánh kem. Sau khi làm tại tiệm kem được khoảng 7 tháng thì Nguyễn T và Trà Thị S cùng nhau về ấp TL, xã LP, huyện LP, tỉnh Sóc Trăng sống chung với nhau như vợ chồng. Đến năm 2002, Nguyễn T và chị Trà Thị S sinh được một người con trai đặt tên là Trà Minh T (nay là Phạm Minh T), do cuộc sống khó khăn và phát sinh mâu thuẫn với nhau nên vào năm 2010, Nguyễn T không chung sống với chị Trà Thị S nên Nguyễn T cùng với chị Sơn Thị H sang huyện CLD, tỉnh Sóc Trăng để làm thuê và sống chung với nhau như vợ chồng.

Đến ngày 08/7/2012, Nguyễn T (lúc này lấy tên là Phạm Văn K, sinh năm 1968) tạm trú tại ấp AN, xã An Thạnh B, huyện CLD, tỉnh Sóc Trăng tổ chức uống rượu với hai người bạn thuộc ấp AN, xã An Thạnh B hết 01 lít rượu trắng thì mọi người nghỉ uống đi về nhà, T tiếp tục uống thêm 01 xị rượu trắng thì nghỉ uống. Do nhớ lại việc Nguyễn Văn H thường xuyên kiếm chuyện đánh chị Sơn Thị H (H là người sống chung như vợ chồng với chị H và trước đó T cũng có thời gian sống chung như vợ chồng với chị Sơn thị H) nên khoảng 13 giờ cùng ngày thì T lấy cây kéo bằng kim loại (dùng để làm cá trong sinh hoạt) đi tìm Nguyễn Văn H trả thù cho chị H. Để thực hiện ý định thì T giấu cây kéo vào trong túi quần và đi bộ ra chợ Rạch Tráng thuộc ấp AN, xã An Thạnh B, huyện CLD, tỉnh Sóc Trăng thì gặp Nguyễn Văn H đi đám về, lúc này H cũng đã có uống rượu thì T và H xảy ra cự cải với nhau dẫn đến xô xát. Trong lúc đánh nhau thì H dùng tay đánh vào mặt T nhiều cái làm cho T té nằm ngữa người xuống lộ đal, H ngồi lên người của T tiếp tục dùng tay đánh vào mặt của T hai ba cái thì T vừa dùng tay đở đòn đánh của H, vừa đẩy H ra, đồng thời lấy cây kéo đã chuẩn bị trước ra đâm trúng vào vùng ngực trái của Nguyễn Văn H gây thương tích. Sau khi bị gây thương tích Nguyễn Văn H được mọi người đưa đến Trạm y tế xã An Thạnh B băng bó vết thương sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng để điều trị thương tích từ ngày 08/7/2012 đến ngày 13/7/2012 thì xuất viện.

Tại Bản kết luận pháp y về thương tích số: 196/TgT.PY.2012 ngày 17 tháng 8 năm 2012 của Trung tâm pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận “sẹo ngang đường nách giữa, liên sườn IV-V ngực trái, kích thước 07 x 0,4 cm; Sẹo ngang đường nách giữa, liên sườn V-VI ngực trái, kích thước 02 x 0,3 cm”, tỷ lệ tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên là 21%.

Quá trình điều tra vụ án, Nguyễn T khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, lời khai của Nguyễn T phù hợp với lời khai của bị hại, lời khai của người làm chứng và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, Nguyễn T đã khai báo gian dối về nhân thân của mình nên Nguyễn T khai tên là Phạm Văn K, sinh năm 1968, sinh tại tỉnh Thừa Thiên Huế, con ông Phạm Thanh P và bà Nguyễn Thị H là nhằm mục đích che giấu hành vi giết người của mình vào năm 1998.

Từ lời khai gian dối của Nguyễn T về nhân thân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện CLD đã khởi tố bị can Nguyễn T với tên Phạm Văn K, sinh năm 1968, ngụ tại Thừa Thiên H. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Tòa án nhân dân huyện CLD tuyên bố bị cáo Phạm Văn K phạm tội cố ý gây thương tích và áp dụng khoản 2 Điều 104, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) xử phạt Nguyễn T 02 năm tù, thời hạn chấp hành án phạt tù tính từ ngày 09 tháng 7 năm 2012 theo bản án hình sự sơ thẩm số: 26/2012/QĐ-HSST, ngày 26/11/2012 của Tòa án nhân dân huyện CLD, tỉnh Sóc Trăng. Sau khi bản án có hiệu lực, Nguyễn T (Phạm Văn K) đã chấp hành án xong vào ngày 09 tháng 4 năm 2014 (được giảm 01 lần bằng 03 tháng tù). Sau khi chấp hành án xong, Nguyễn T (Phạm Văn K) đến sinh sống tại huyện HN, tỉnh Đồng Tháp. Đến ngày 10/10/2015, Nguyễn T đầu thú về hành vi giết người và cướp tài sản của bà Lê Thị B vào ngày 23/4/1998 với Công an huyện HN, tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, Nguyễn T đã thừa nhận việc khai gian dối nhân thân của T với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện CLD trong vụ án cố ý gây thương tích cho anh Nguyễn Văn H xảy ra ngày 08/7/2012 tại ấp AN, xã An Thạnh B, huyện CLD, tỉnh Sóc Trăng.

Tại bản kết luận giám định số: 136/KLGĐ-PC54 ngày 23 tháng 3 năm 2016 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Thuận kết luận “Vân tay in trên Danh chỉ bản số 893, lập ngày 15/12/2015, tại PC81B- Công an tỉnh Bình Thuận, của người có tên Nguyễn T (tên gọi khác: Phạm Văn K), sinh năm 1976, ĐKNKTT: Thôn N – TĐ – huyện HT – tỉnh Bình Thuận) với vân tay in trên 02 Chỉ bản số 26082983, 16323 (được ghi trong mục 2.2. Mẫu so sánh) là vân tay của cùng một người”. Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 22/2016/HSST, ngày 26/8/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên bố Nguyễn T phạm tội giết người và tội cướp tài sản, xử phạt Nguyễn T 20 năm tù về tội “giết người” và 03 năm tù về tội “cướp tài sản”. Tổng hợp hình phạt của 02 tội là 20 năm tù, thời hạn chấp hành án phạt tù tính từ ngày 10/10/2015. Hiện tại, Nguyễn T đang bị tạm giam tại Trại giam Công an tỉnh Bình Thuận.

Do có tình tiết mới phát sinh, làm thay đổi cơ bản nội dung Bản án hình sự sơ thẩm số: 26/2012/HSST, ngày 26/11/2012 của Tòa án nhân dân huyện CLD, tỉnh Sóc Trăng nên Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã kháng nghị tái thẩm Bản án hình sự sơ thẩm số: 26/2012/QĐ-HSST, ngày 26/11/2012 của Tòa án nhân dân huyện CLD, tỉnh Sóc Trăng theo hướng hủy bản án để điều tra, xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật và được Tòa án nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận.

Tại Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số: 01/QĐ.CQCSĐT ngày 12/02/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện CLD thay đổi Quyết định thay đổi bị can số: 31 ngày 09 tháng 7 năm 2012 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện CLD đối với bị cáo Nguyễn T (tên gọi khác: Phạm Văn K) về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Tại bản Cáo trạng số: 07/CT-VKS.CLD, ngày 04 tháng 6 năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện CLD đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện CLD để xét xử bị cáo Nguyễn T (Phạm Văn K) về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ quyền công tố Nhà nước đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận Cáo trạng số: 07/CT-VKS.CLD, ngày 04 tháng 6 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện CLD. Bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ là: Bị cáo không có tiền án, không có tiền sự; trong quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay bị cáo thành thẩn khai báo, bị cáo tự nguyện bồi thường số tiền điều trị thương tích theo yêu cầu của người bị hại. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017); điểm p, khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 33 của Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009); tuyên phạt bị cáo Nguyễn T (Phạm Văn K) 02 (hai) năm tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 09/7/2012, bị cáo đã chấp hành xong hình phạt theo Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù số: 423/GCN-CHXHPT ngày 09/4/2014 của Trại giam Cái Tàu thuộc Tổng cục VIII của Bộ Công an; Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo đồng ý bồi thường cho bị hại số tiền điều trị tại bệnh viện là 5.500.000 đồng.

- Tại đơn xin xét xử vắng mặt, người bị hại Nguyễn Văn H trình bày: Về trách nhiệm hình sự yêu cầu Tòa án xét xử theo quy định của pháp luật; về trách nhiệm dân sự yêu cầu bị cáo bồi thường các khoản điều trị tại bệnh viện là 5.500.000 đồng.

- Ý kiến của bị cáo Nguyễn T: Xin Hội đồng xét xử xem xét xét xử bị cáo bằng với mức hình phạt tù trước đây là 02 năm tù.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện CLD, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện CLD, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Đối với người bị hại ông Nguyễn Văn H có đơn xin xét xử vắng mặt, còn đối với người làm chứng bà Trà Thị S vắng mặt tại phiên tòa không rõ lý do. Do việc vắng mặt người bị hại và người làm chứng tại phiên tòa hôm nay không ảnh hưởng đến việc xét xử, nên Hội đồng xét xử căn cứ vào các Điều 292 và Điều 293 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tiến hành xét xử vắng mặt đối với người bị hại và người làm chứng nêu trên theo quy định của pháp luật.

[3] Về hành vi của bị cáo: Tại phiên tòa hôm nay bị cáo Nguyễn T (Phạm Văn K) thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời nhận tội của bị cáo tại phiên tòa là phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng, phù hợp biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, bản ảnh hiện trường và các chứng cứ khác mà Cơ quan điều tra đã thu giữ trong hồ sơ vụ án.

Như vậy, đã có đủ căn cứ xác định: Vào khoảng 13 giờ ngày 08/7/2012, bị cáo Nguyễn T (tên gọi khác: Phạm Văn K) sau khi uống rượu tại nhà thì nhớ lại sự việc Nguyễn Văn H thường xuyên kiếm chuyện đánh chị Sơn Thị H (vì H là người sống chung như vợ chồng với chị H và trước đó bị cáo cũng có thời gian sống chung như vợ chồng với chị Sơn thị H) nên bị cáo lấy cây kéo bằng kim loại (dùng để làm cá trong sinh hoạt) bỏ trong túi quần đi tìm Nguyễn Văn H trả thù. Sau khi Nguyễn T đi đến chợ Rạch Tráng thuộc ấp AN, xã An Thạnh B, huyện CLD, tỉnh Sóc Trăng thì gặp Nguyễn Văn H đi đám về, lúc này H cũng đã có uống rượu thì T và H xảy ra cự cải với nhau dẫn đến xô xát. Trong lúc đánh nhau thì H dùng tay đánh vào mặt T nhiều cái làm cho T té nằm ngữa người xuống lộ đal, H ngồi lên người của T tiếp tục dùng tay đánh vào mặt của T hai ba cái thì T vừa dùng tay đở đòn đánh của H, vừa đẩy H ra, đồng thời T lấy cây kéo đã chuẩn bị trước ra đâm trúng vào vùng ngực trái của Nguyễn Văn H gây thương tích. Sau khi bị gây thương tích Nguyễn Văn H được mọi người đưa đến Trạm y tế xã An Thạnh B băng bó vết thương sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng để điều trị thương tích từ ngày 08/7/2012 đến ngày 13/7/2012 thì xuất viện. Đối với bị cáo, sau khi bị Nguyễn Văn H dùng tay đánh vào mặt thì bị thương tích nhẹ, nhưng bị cáo từ chối giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe và không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn H.

Tại Bản kết luận pháp y về thương tích số: 196/TgT.PY.2012 ngày 17 tháng 8 năm 2012 của Trung tâm pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận “sẹo ngang đường nách giữa, liên sườn IV-V ngực trái, kích thước 07 x 0,4 cm; Sẹo ngang đường nách giữa, liên sườn V-VI ngực trái, kích thước 02 x 0,3 cm”, tỷ lệ tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên là 21%.

Hành vi của bị cáo gây ra như đã nêu trên là nguy hiểm cho xã hội, cụ thể là bị cáo trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe của bị hại Nguyễn Văn H. Việc bị cáo dùng cây kéo đâm vào vùng ngực trái của bị hại H để gây thương tích là loại hung khí nguy hiểm, nên bị cáo T phạm tội thuộc trường hợp “Dùng hung khí nguy hiểm” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo là người đủ tuổi và đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã gây ra, hành vi của bị cáo nêu trên đã đủ yếu tố cầu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Tuy nhiên, để áp dụng các quy định của pháp luật có lợi cho bị cáo theo quy định tại Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì bị cáo Nguyễn Thọ được áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi bổ sung năm 2017) để xét xử.

Vì vậy, với hành vi phạm tội đã thực hiện, bị cáo phải bị trừng trị đích đáng theo quy định pháp luật, Hội đồng xét xử sẽ áp dụng một mức án nghiêm khắc đối với bị cáo, để có tác dụng trừng trị, giáo dục bị cáo thành người có ích cho xã hội và có tác dụng phòng ngừa chung cho toàn xã hội. Cho nên Cáo trạng số: 07/CT-VKS.CLD, ngày 04 tháng 6 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện CLD truy tố bị cáo Nguyễn T (tên gọi khác: Phạm Văn K) phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai cho bị cáo, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[4] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, bị cáo tự nguyện khắc phục bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của người bị hại. Do vậy, khi lượng hình Hội đồng xét xử sẽ áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), tương ứng điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Nguyễn T (Phạm Văn K) nhằm giảm nhẹ một phần hình phạt mà lẽ ra bị cáo phải chịu. Đồng thời, cũng thể hiện chính sách khoan hồng của nhà nước đối với bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo được khấu trừ vào thời gian mà bị cáo đã chấp hành án trước đây theo bản án hình sự số: 26/2012/QĐ - HSST ngày 26/11/2012 của Tòa án nhân dân huyện CLD, tỉnh Sóc Trăng.

[5] Đối với hành vi giết người và cướp tài sản của bị cáo Nguyễn T (Phạm Văn K) đối với bà Lê Thị B vào ngày 23/4/1998 đã được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử bằng bản hình sự số: 22/2016/HSST ngày 26/8/2016.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ vào các Điều 584, 585, 586 và 590 của Bộ luật dân sự năm 2015 Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo về việc đồng ý bồi thường số tiền điều trị tại bệnh viện cho bị hại là 5.500.000 đồng.

[7] Về vật chứng: Đã được xử lý xong tại Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2012/HSST ngày 26/11/2012 của Tòa án nhân dân huyện CLD nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.

[8] Xét lời đề nghị của Vị Kiểm sát viên là phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[9] Về án phí: Bị cáo là người bị kết án nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Nguyễn T (Phạm Văn K) phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

2. Áp dụng: Điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017); điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 và Điều 33 của Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009), tương ứng điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Xử phạt bị cáo Nguyễn T (Phạm Văn K) 02 (hai) năm tù, thời gian chấp hành hình phạt tù kể từ ngày 09/7/2012, bị cáo đã chấp hành án xong theo Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù số: 423/GCN-CHXHPT ngày 09/4/2014 của Trại giam Cái Tàu thuộc Tổng cục VIII của Bộ Công an.

3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 584, 585, 586 và 590 của Bộ luật dân sự năm 2015, buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại Nguyễn Văn H số tiền là 5.500.000 đồng (năm triệu năm trăm ngàn đồng).

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày bị hại ông Nguyễn Văn H có đơn yêu cầu thi hành án thì hàng tháng bị cáo Nguyễn T (Phạm Văn K) còn phải trả lãi cho ông Nguyễn Văn H theo mức lãi suất 10%/năm, đối với số tiền chậm thi hành án. Trường hợp tại thời điểm trả tiền, mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự có thay đổi theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì lãi suất chậm trả tiền được thực hiện bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

4. Về xử lý vật chứng: Đã xử lý tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 26/2012/HSST ngày 26/11/2012 của Tòa án nhân dân huyện CLD, tỉnh Sóc Trăng nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.

5. Về án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và điểm a khoản 1 Điều 23, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội xử buộc bị cáo Nguyễn T (Phạm Văn K) phải nộp án phí hình sự sơ thẩm là 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) và án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng).

6. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

7. Về quyền kháng cáo đối với bản án: Căn cứ vào Điều 331 và Điều 333 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, bị cáo có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án, đối với người bị hại vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết, để yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

264
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 23/2018/HS-ST ngày 19/09/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:23/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về