Bản án 22/2020/HS-ST ngày 14/05/2020 về tội bắt, giữ người trái pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ QUẢNG NGÃI, TỈNH QUẢNG NGÃI

 BẢN ÁN 22/2020/HS-ST NGÀY 14/05/2020 VỀ TỘI BẮT, GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

 Ngày 14 tháng 05 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Quảng Ngãi xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 09/2020/TLST- HS ngày 18/02/2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 23/2020/QĐXXST-HS ngày 19/03/2020, Thông báo về việc mở lại phiên tòa số: 26/TB-TA ngày 27/04/2020 đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Đặng P, sinh ngày 22/06/2001 tại tỉnh Quảng Ngãi. Nơi cư trú: Thôn T, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; nghề nghiệp: không; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đặng C và bà Trần Thị T1; chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29/11/2019 đến nay; bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.

2. Họ và tên: Lê Thành P, sinh ngày 06/10/2001 tại tỉnh Quảng Ngãi. Nơi cư trú: Thôn T, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; nghề nghiệp: không; trình độ học vấn: 11/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Thanh Đ và bà Phan Thị Kiều N; chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29/11/2019 đến nay; bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.

3. Họ và tên: Lê Thành Đ, sinh ngày 06/10/2001 tại tỉnh Quảng Ngãi. Nơi cư trú: Thôn T, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; nghề nghiệp: không; trình độ học vấn: 11/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Thanh Đ và bà Phan Thị Kiều N; chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 25/12/2019 đến nay; bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.

4. Họ và tên: Trần Tấn C, sinh ngày 21/07/2001 tại tỉnh Quảng Ngãi. Nơi cư trú: Thôn C, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; nghề nghiệp: không; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn C và bà Lê Thị L; chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29/11/2019 đến nay; bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.

5. Họ và tên: Phan Văn H, sinh ngày 25/08/2001 tại tỉnh Quảng Ngãi. Nơi cư trú: Thôn C, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; nghề nghiệp: không; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phan B và bà Võ Thị H; chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 29/11/2019 đến nay; bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Tấn C và bị cáo Đặng P: Ông Nguyễn Công Tuân, sinh năm 1954 – Trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi; xin vắng mặt chiều ngày 14/5/2020.

- Người bào chữa cho bị cáo Phan Văn H, bị cáo Lê Thành P và bị cáo Lê Thành Đ: Ông Trần Việt Ngữ – Trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi; có mặt.

Bị hại: Anh Nguyễn Chí B, sinh ngày 25/3/2001; địa chỉ: Thôn T, xã N, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi; có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Anh Hồ Văn T, sinh năm 2001; địa chỉ: Thôn T, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; có mặt.

2. Anh Trần Nguyễn Tấn H, sinh ngày 30/7/2004; địa chỉ: Thôn C, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; có mặt.

Người đại diện hợp pháp: Ông Trần C, sinh năm 1980 và bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1976; Cùng địa chỉ: Thôn C, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; ông C vắng mặt, bà H có mặt.

3. Anh Nguyễn Hoài T, sinh ngày 9/9/2004; địa chỉ: Thôn P, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; có mặt.

Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Hoài P, sinh năm 1978 và bà Trần Thị Hương L, sinh năm 1984; Cùng địa chỉ: Thôn P, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; có mặt.

4. Anh Trần T, sinh ngày 15/11/2003; địa chỉ: Thôn P, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; có mặt.

Người đại diện hợp pháp: Ông Trần T, sinh năm 1969 và bà Nguyễn Thị V, sinh năm 1971; Cùng địa chỉ: Thôn P, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; ông T vắng mặt, bà V có mặt.

5. Anh Trịnh Công T, sinh ngày 06/02/2003; địa chỉ: Thôn Thanh An, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; có mặt.

Người đại diện hợp pháp: Ông Trần Công A, sinh năm 1967 và bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1971; Cùng địa chỉ: Thôn T, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; vắng mặt.

6. Anh Lê Thành V, sinh năm 2001; địa chỉ: Thôn C, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; vắng mặt.

7. Anh Trần Nguyễn Anh T, sinh năm 2001; địa chỉ: Thôn C, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; vắng mặt.

8. Bà Trần Thị T1, sinh năm 1972; địa chỉ: Thôn T, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; vắng mặt.

9. Chị Trần Thị T2, sinh năm 1993; địa chỉ: Thôn P, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; vắng mặt.

10. Ông Trần C; địa chỉ: Thôn C, xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 20/5/2019, Trần T ở thôn P, xã N, thành phố Q đang ngồi uống nước với cả nhóm tại quán cà phê BQ thuộc xã N, thành phố Q, tại đây Trần T nói với cả nhóm là nghi Nguyễn Chí B, Hồ Văn T liên quan đến việc đánh nhóm của mình vào đêm 19/5/2019, thì cả nhóm gồm Trần T, Đặng P, Trần Tấn C, Lê Thành Đ, Trần Nguyễn Tấn H, Lê Thành P, Nguyễn Hoài T cùng bàn bạc, thống nhất qua trường THPT T ở xã N bắt và giữ Nguyễn Chí B, để hỏi nguyên nhân vì sao nhóm của B đuổi đánh nhóm của Trần T và yêu cầu B phải gọi Hồ Văn T ra để nói chuyện. Sau đó cả nhóm cùng nhau đi đến trường THPT T, nhưng B còn học, cả nhóm vào quán cà phê Đ bên hông trường THPT T ngồi uống cà phê đợi B. Trong khi ngồi uống cà phê thì Lê Thành P điện thoại rủ Phan Văn H qua trường THPT T để tìm B, H đồng ý. H điều khiển xe Suzuki Xipo đến quán cà phê Đ gặp nhóm của P. Trần Nguyễn Tấn H nhắn tin trên mạng xã hội Facebook rủ Trịnh Công T đến quán cà phê Đ để uống nước, Trịnh Công T đồng ý và đi qua. Quá trình ngồi uống nước ở quán cà phê Đ thì cả nhóm không bàn bạc gì đến việc bắt B. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, khi thấy B ra đến cổng trường thì Đặng P, Trần Tấn C, Lê Thành P đến dùng tay đánh nhiều cái vào người B nhưng không gây thương tích gì cho B. Sau khi đánh B xong, Đặng P, Trần Tấn C, Lê Thành P bắt và dẫn B đến quán cà phê Đ và cả nhóm ép B lên xe của Phan Văn H để chở về xã N, thành phố Q, vì sợ bị đánh nên B lên xe của Phan Văn H. Sau đó H điều khiển xe Suzuki Xipo, màu đen (xe H mượn của một người thanh niên tên T nhà ở xã N, thành phố Q). H không nhớ biển số xe chở B về xã N, thành phố Q. Trần T điều khiển xe Sirius, màu đỏ đen, biển số 76N1- 001.49 (xe Trần T mượn của chị gái là Trần Thị T2). Trần Tấn C điều khiển xe Sirius màu đen bạc, biển số 76B1-422.54 (xe của Đặng P) chở Đặng P và Lê Thành Đ. Trần Nguyễn Tấn H điều khiển xe Wave, màu bạc, biển số 76X3-5694 chở Lê Thành P. Khi đó có Trịnh Công T chở Trần Nguyễn Anh T, Lê Thành V điều khiển xe đi theo sau để coi (V, T là học sinh trường THPT T khi tan trường thấy B bị bắt, giữ nên đi theo coi). Khi đến quán cà phê BQ thuộc xã N, thành phố Q thì cả nhóm dừng lại, do quán cà phê BQ đóng cửa nên Phan Văn H chở Nguyễn Chí B đến bên hông quán cà phê C thuộc xã N, thành phố Q thì cả nhóm dừng lại. Khi giữ B bên hông quán cà phê C, Lê Thành P điều khiển xe mô tô đến xưởng gỗ gần trường mầm non Nghĩa Phú lấy 03 cây gỗ đem đến quán cà phê C. P cầm một cây còn hai cây P vứt xuống đường. Thấy vậy, Trần T tới nhặt một cây còn một cây nằm dưới đường. Sau đó cả nhóm ép B phải điện thoại cho Hồ Văn T đến để gặp nói chuyện lý do vì sao vào tối ngày 19/5/2019 đánh nhóm của Trần T, vì sợ bị đánh nên B đã điện thoại cho T qua. Khi nghe tin con mình bị một nhóm thanh niên đánh và bắt giữ ở bên hông quán cà phê C ở xã N, thành phố Q thì bà Trịnh Thị T là mẹ ruột của B đến can ngăn và yêu cầu thả B về nhưng cả nhóm không đồng ý thả B về và cãi nhau với bà T. Khoảng 20 phút sau T điều khiển xe mô tô đến phía trước quán cà phê C theo lời điện thoại của B. T đến và ngồi trên xe để nói chuyện. Khi T đang nói chuyện được vài câu thì bất ngờ Trần T dùng 01 (Một) cây gỗ dài 71cm, rộng 4cm, dày 1,4cm đánh mạnh vào đầu T làm T ngất xỉu và ngã xuống đường. Thấy T nằm dưới đường bất tỉnh nên cả nhóm bỏ đi. T được đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi để cấp cứu và chuyển đến bệnh viện đa khoa thành phố Đà Nẵng để điều trị, xuất viện ngày 24/5/2019. Vật chứng vụ án cơ quan điều tra thu giữ gồm: 02 (Hai) khúc gỗ dài 71cm, rộng 4cm, dày 1,4cm; 01 (Một) khúc gỗ dài 71,5cm, rộng 4cm, dày 2cm; 01 (Một) viên gạch bằng đất nung bị bể dài 15cm, rộng 9cm, dày 6cm. Ngày 27/6/2019, Trung Tâm pháp y tỉnh Quảng Ngãi có kết luận giám định tỉ lệ phần trăm thương tích của Hồ Văn T như sau: Máu tụ ngoài màng cứng vùng thái dương phải đã điều trị không có di chứng thần kinh. Tổn thương phù hợp với vật tày gây thương tích. Căn cứ Thông tư số: 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế quy định, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra hiện tại là 22% (hai mươi hai phần trăm).

Bản cáo trạng số 11/CT-VKS ngày 18/02/2020 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Quảng Ngãi truy tố các bị cáo Đặng P, Lê Thành P, Lê Thành Đ, Trần Tấn C, Phan Văn H về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Đối với Trịnh Công T, Lê Thành V và Trần Nguyễn Anh T về bản thân Trịnh Công T, Lê Thành V, Trần Nguyễn Anh T không có mâu thuẫn gì với Nguyễn Chí B và Hồ Văn T. Khi nhóm Trần T đi đến trường Trung học phổ thông T ở xã N để đánh, bắt Nguyễn Chí B thì Trịnh Công T, Lê Thành V, Trần Nguyễn Anh T không biết. Trong quá trình đánh, bắt Nguyễn Chí B thì Trịnh Công T, Lê Thành V, Trần Nguyễn Anh T cũng không có hành vi tham gia đánh, bắt Nguyễn Chí B. Trịnh Công T, Lê Thành V, Trần Nguyễn Anh T không tham gia vào việc đánh gây thương tích cho anh Hồ Văn T. Do đó, hành vi của Trịnh Công T, Lê Thành V, Trần Nguyễn Anh T không đồng phạm trong việc bắt, giữ B và đánh gây thương tích cho T nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Quảng Ngãi không xử lý hình sự là có căn cứ.

Đối với hành vi gây thương tích của Trần T, xuất phát từ việc nhóm của Trần T nghi ngờ Nguyễn Chí B, Hồ Văn T liên quan đến việc đánh nhóm của Trần T, nên nhóm Trần T đã bắt, giữ B và ép B phải điện thoại cho Hồ Văn T đến để gặp nói chuyện lý do vì sao vào tối ngày 19/5/2019 đánh nhóm của Trần T. Khi T đến và đang ngồi trên xe nói chuyện được vài câu thì bất ngờ Trần T dùng cây gỗ tay phải đánh một cái trúng vào đầu T với tỉ lệ thương tích là 22%. Hành vi của Trần T là bộc phát cá nhân, không có sự bàn bạc từ trước. Do đó chỉ mình Trần T phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích với hậu quả 22% đối với T . Tuy nhiên khi thực hiện hành vi đánh gây thương tích cho Hồ Văn T thì Trần T mới 15 tuổi 6 tháng 5 ngày. Căn cứ Điều 12 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì Trần T không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Quảng Ngãi không có căn cứ xử lý Trần T về hành vi “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự.

Đối với hành vi của Lê Thành P, Đặng P đi lấy 03 (ba) cây gỗ tại xưởng gỗ gần trường mầm non Nghĩa Phú với mục đích để phòng thủ vì sợ T kéo người qua đánh, Đặng P không có mục đích lấy cây gỗ để Trần T đánh Hồ Văn T. Các đối tượng trong nhóm cũng không có mục đích đánh T, mà chỉ muốn gọi T ra để nói chuyện, nên khi thấy T đến một mình cả nhóm chỉ đứng nói chuyện, Trần T thực hiện hành vi gây thương tích cho Hồ Văn T là nằm ngoài ý chí của cả nhóm, không có ai trong nhóm cùng tham gia thực hiện việc đánh T. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Quảng Ngãi không có căn cứ xử lý Lê Thành P cũng như các đối tượng trong nhóm về hành vi “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự là đúng quy định pháp luật.

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 230 của Bộ luật tố tụng hình sự. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Quảng Ngãi ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự xảy ra ngày 20/5/2019 tại xã N, thành phố Q là có căn cứ.

Đối với hành vi của các đối tượng Trần T, Nguyễn Hoài T, Trần Nguyễn T H là đồng ý và cùng đồng bọn đi đánh, bắt Nguyễn Chí B. Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi trên, các đối tượng Trần T, Nguyễn Hoài T, Trần Nguyễn Tấn H chưa đủ 16 tuổi. Căn cứ Điều 12 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì các đối tượng Trần T, Nguyễn Hoài T, Trần Nguyễn Tấn H chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Căn cứ khoản 2, Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Quảng Ngãi đã chuyển toàn bộ tài liệu có liên quan đến các đối tượng Trần T, Nguyễn Hoài T, Trần Nguyễn Tấn H trong vụ án trên đến công an các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An để tiến hành lập hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Đối với 01 (Một) xe mô tô hiệu Yamaha Sirius, biển số 76B1- 216.73 là xe của bà Trần Thị T1 là mẹ ruột của Đặng P. Vào ngày 20/5/2019, Đặng P mượn xe mô tô hiệu Yamaha Sirius, biển số 76B1- 216.73 của bà Tiến để đi chơi, bà Tiến không biết Đặng P đã sử dụng xe mô tô trên làm phương tiện đi đánh, bắt Nguyễn Chí B. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Quảng Ngãi không tiến hành thu giữ và xử lý vật chứng là phù hợp.

Đối với 01 (Một) xe mô tô hiệu Yamaha Sirius, biển số 76N1- 001.49 là xe chị Trần Thị T2 mượn của em chồng là anh Trần Văn H. Khi Trần T mượn xe của chị T2 đi thì chị T2 không biết Trần T đã sử dụng xe mô tô trên làm phương tiện đi đánh, bắt Nguyễn Chí B. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Quảng Ngãi không tiến hành thu giữ và xử lý vật chứng là phù hợp.

Đối với 01 (Một) xe mô tô hiệu Wave, biển số 76X3-5694 là xe của ông Trần C là chủ sở hữu. Khi Hưng mượn xe của ông C đi thì ông C không biết con mình đã sử dụng xe mô tô trên làm phương tiện đi đánh, bắt Nguyễn Chí B. Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Quảng Ngãi không thu giữ và xử lý vật chứng.

Đối với xe Suzuki Phan Văn H mượn của một người thanh niên tên T ở xã N, thành phố Quảng Ngãi, H không nhớ được biển số xe và không biết cụ thể nhà của anh T ở đâu. Cơ quan Công an thành phố Quảng Ngãi không xác định được xe và chủ xe nên không tiến hành làm việc và thu giữ được.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Quảng Ngãi vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, đề nghị: Áp dụng: Khoản 1 Điều 157, điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65, khoản 1 Điều 101 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (đối với 5 bị cáo); xử phạt bị cáo Đặng P, Lê Thành P, Lê Thành Đ, Trần Tấn C, Phan Văn H mỗi bị cáo từ 12 tháng tù đến 18 tháng tù cho hưởng án treo.

Về trách nhiệm dân sự: Anh Nguyễn Chí B và anh Hồ Văn T và đại diện hợp pháp của anh T có đơn xin bãi nại về dân sự và hình sự cho Trần T và các đối tượng tham gia không có yêu cầu khiếu nại gì.

Về xử lý vật chứng: Hai khúc gỗ và 01 viên gạch bằng đất nung bị bể đề nghị tịch thu, tiêu hủy.

Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo Trần Tấn C, bị cáo Đặng P:

Về tội danh: Cáo trạng và luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Quảng Ngãi truy tố các bị cáo Trần Tấn C, Đặng P về tội danh “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là phù hợp.

Về hoàn cảnh, nhân thân, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho 02 (hai) bị cáo: Các bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội là người dưới 18 tuổi, tuổi đời còn trẻ, thiếu suy nghĩ khi hành động, không nghĩ đến việc làm không đúng của bản thân sẽ có hậu quả xảy ra như hôm nay. Nhân thân chưa có tiền án tiền sự, thành khẩn khai báo về hành vi phạm tộị, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 157, điểm i, s khoản 1, 2 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (đối với hai bị cáo) không cần cách ly hai bị cáo khỏi xã hội mà xử phạt bị cáo Trần Tấn C, Đặng P mỗi bị cáo từ 6 tháng đến 12 tháng tù cho bị cáo hưởng án treo.

Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo Phan Văn H, bị cáo Lê Thành P, Lê Thành Đ:

Về tội danh: Cáo trạng và luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Quảng Ngãi truy tố các bị cáo Phan Văn H, Lê Thành P, Lê Thành Đ về tội danh: “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là phù hợp.

Về hoàn cảnh, nhân thân, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho 03 (ba) bị cáo: Các bị cáo là người dưới 18 tuổi khi thực hiện hành vi phạm tội, hành vi phạm tội là bộc phát, không nghĩ đến đến hậu quả xảy ra. Nhân thân đều chưa có tiền án tiền sự, thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo Lê Thành P, Lê Thành Đ cha ruột có công cách mạng, người bị hại là anh Nguyễn Chí B quá trình điều tra đều xin miễn trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, gia đình các bị cáo chủ yếu làm nghề biển. Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 157, điểm i, s khoản 1, 2 Điều 51, Điều 36, Điều 101 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 không cần cách ly các bị cáo khỏi xã hội, xử phạt mỗi bị cáo 18 tháng cải tạo không giam giữ để các bị cáo có cơ hội phấn đấu lao động có điều kiện giúp gia đình, thấy sự khoan hồng của pháp luật để khắc phục lỗi lầm trở thành công dân tốt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

[2] Tại phiên tòa các bị cáo khai nhận: Do mâu thuẫn cá nhân, bức xúc bị nhóm của Hồ Văn T, Nguyễn Chí B đánh các bị cáo vào tối ngày 19/5/2019 nên vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 20/5/2020 cả nhóm gồm Đặng P, Lê Thành P, Trần Tấn C, Phan Văn H, Lê Thành Đ đã bàn bạc thống nhất cùng nhau từ xã N đến trường Trung học phổ thông T ở xã N chờ Nguyễn Chí B tan học đón đường, dùng tay đánh vào đầu và cổ, nắm cổ áo B để bắt, giữ B phải lên xe để nhóm Đặng P chở đến bên hông quán cà phê C ở xã N thì cả nhóm dừng lại tiếp tục giữ B. Tại đây các bị cáo vẫn giữ B, đe dọa và buộc B gọi điện cho T đến, mục đích bắt, giữ B để B liên lạc buộc T ra nói chuyện việc đêm trước đã đánh nhóm bị cáo, sợ bị đánh nên B đã gọi điện cho T đến gặp, trong khoảng thời gian đó gia đình của B đến và có yêu cầu thả B ra nhưng các bị cáo không đồng ý vẫn tiếp tục giữ B, khoảng 20 phút sau T điều khiển xe mô tô đến nói chuyện với nhóm các bị cáo thì Trần T dùng cây tay phải đánh từ trên xuống một nhát trúng vào đầu của T gây thương tích cho T tỷ lệ 22%, lúc này các bị cáo mới để cho B về nhà. Hành vi của các bị cáo đã bắt, giữ Nguyễn Chí B trái pháp luật trong khoảng thời gian khoảng 45 phút, từ khoảng 16 giờ 30 đến 17 giờ 15 phút đã đủ yếu tố cấu thành tội: “Bắt, giữ người trái pháp luật”, quy định tại khoản 1 Điều 157 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Quảng Ngãi truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[3] Xét tính chất, vai trò của từng bị cáo: Trong vụ án các bị cáo Đặng P, Lê Thành P, Trần Tấn C là người khống chế dùng tay đánh nhiều cái vào người B để bắt và dẫn B đến chỗ nhóm các bị cáo đang đứng và ép B lên xe của H để chở về bên hông quán cà phê C thuộc xã N, thành phố Q. Phan Văn H là người trực tiếp điều khiển xe chở B dẫn B về đến xã N để tiếp tục giữ B ép B liên lạc cho T. Lê Thành Đ không trực tiếp đánh B nhưng tại quán cà phê BQ bị cáo đã thống nhất cùng đồng bọn đi đến trường T để đánh, bắt Nguyễn Chí B. Khi đến bên hông quán cà phê C bị cáo Lê Thành Đ cũng tham gia vào việc giữ B không cho B về. Như vậy, các bị cáo Đặng P, Lê Thành P, Trần Tấn C, Phan Văn H tham gia thực hiện hành vi bắt, giữ Nguyễn Chí B trái pháp luật với tính chất, vai trò ngang nhau, riêng bị cáo Lê Thành Đ có vai trò ít nguy hiểm hơn so với các bị cáo khác.

Hành vi phạm tội của các bị cáo Đặng P, Lê Thành P, Lê Thành Đ, Trần Tấn C, Phan Văn H được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tự do cá nhân của công dân được pháp luật bảo vệ, thể hiện sự xem thường pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi. Do đó, cần phải áp dụng mức hình phạt nghiêm minh đối với các bị cáo nhằm răn đe, giáo dục riêng cho các bị cáo và đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

[4] Xét, hành vi của 5 (năm) bị cáo là đồng phạm giản đơn, không có sự tổ chức, phân công vai trò trong thực hiện hành vi phạm tội, nhân thân của các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú ổn định. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo thể hiện sự ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Người bị hại là anh Nguyễn Chí B vắng mặt tại phiên tòa nhưng trong quá trình điều tra anh B có đơn không yêu cầu về trách nhiệm dân sự và hình sự, xin giảm hình phạt cho các bị cáo. Mặt khác, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội cả năm bị cáo là người chưa thành niên (Đặng P 17 tuổi 10 tháng 28 ngày, Lê Thành P và Lê Thành Đ 17 tuổi 7 tháng 14 ngày, Trần Tấn C 17 tuổi 9 tháng 29 ngày, Phan Văn H 17 tuổi 8 tháng 25 ngày) nên nhận thức có phần hạn chế. Bị cáo Lê Thành P và Lê Thành Đ có cha ruột tham gia cách mạng. Tại Điều 91 của Bộ luật hình sự quy định việc xử lý người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, áp dụng Điều 91, khoản 1 Điều 101 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; điểm b tiểu mục 11.1 mục 11 Nghị Quyết 01/2006/HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với các bị cáo khi quyết định hình phạt. Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hành vi các bị cáo thực hiện để lại hậu quả không lớn nên không cần thiết phải cách ly các bị cáo khỏi đời sống xã hội mà áp dụng điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 (đối với cả 5 bị cáo), Điều 65 về án treo (đối với bị cáo Đặng P, Lê Thành P, Trần Tấn C, Phan Văn H), Điều 36 (cải tạo không giam giữ, đối với bị cáo Lê Thành Đ) của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng đủ điều kiện giáo dục các bị cáo. Bị cáo Lê Thành Đ chưa có nghề nghiệp, thu nhập nên không khấu trừ thu nhập của của bị cáo.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Anh Nguyễn Chí B có đơn không yêu cầu về dân sự đối với các bị cáo và không có yêu cầu khiếu nại gì. Tại phiên tòa anh Hồ Văn T và đại diện hợp pháp của anh T có đơn không yêu cầu gì về dân sự và hình sự đối với Trần T và các đối tượng tham gia, không có yêu cầu khiếu nại gì liên quan trong vụ án nên Hội đồng xét xử không giải quyết.

[6] Về xử lý vật chứng:

Đối với 02 (hai) khúc gỗ dài 71cm, rộng 4cm, dày 1,4cm và 01 (một) khúc gỗ dài 71,5cm, rộng 4cm, dày 2cm, 01 (một) viên gạch bằng đất nung bị bể dài 15cm, rộng 9cm, dày 6cm thu giữ tại hiện trường là công cụ bị cáo Thành P lấy để đánh trả và phòng vệ nếu bị T và nhóm bạn T đến đánh và Trần T đã sử dụng để gây thương tích cho T, tuy nhiên cơ quan điều tra đình chỉ vụ án cố ý gây thương tích đối với Trần T do không đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 của của Bộ luật hình sự. Do đó, tịch thu và tiêu hủy các công cụ liên quan đã thu giữ nêu trên.

[7] Đề nghị của Kiểm sát viên về tội danh, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt, về dân sự và xử lý vật chứng đối với các bị cáo là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận. Đối với bị cáo Lê Thành P và Lê Thành Đ là hai anh em ruột, so với Lê Thành P hành vi của Lê Thành Đ có tính chất ít nguy hiểm hơn nên áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với Lê Thành Đ cũng đảm bảo tương xứng với hành vi bị cáo đã thực hiện.

[8] Đề nghị của người bào chữa cho các bị cáo Đặng P, Lê Thành P, Lê Thành Đ, Trần Tấn C, Phan Văn H về việc áp dụng giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo có phần phù hợp với nhận định đã nêu của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.

[9] Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào:

Khoản 1 Điều 157, điểm i, s khoản 1, 2 của Điều 51, Điều 65, Điều 17, Điều 58, Điều 91, khoản 1 Điều 101 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (đối với các bị cáo Đặng P, Lê Thành P, Trần Tấn C, Phan Văn H); Khoản 1 Điều 157, điểm i, s khoản 1, 2 của Điều 51, Điều 36, Điều 17, Điều 58, Điều 91, khoản 1 Điều 101 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (đối với bị cáo Lê Thành Đ);

Khoản 1 Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Khoản 2 Điều 106, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự;

Điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Tuyên bố: Các bị cáo Đặng P, Lê Thành P, Lê Thành Đ, Trần Tấn C, Phan Văn H phạm tội: “Bắt, giữ người trái pháp luật”.

Xử phạt bị cáo Đặng P 9 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một năm) 6 (sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Xử phạt bị cáo Lê Thành P 9 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một năm) 6 (sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Xử phạt bị cáo Trần Tấn C 9 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một năm) 6 (sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Xử phạt bị cáo Phan Văn H 9 (chín) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một năm) 6 (sáu) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Các bị cáo phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự. Giao các bị cáo Đặng P, Lê Thành P, Trần Tấn C, Phan Văn H cho Ủy ban nhân dân xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi giám sát và giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Xử phạt bị cáo Lê Thành Đ 9 (chín) tháng cải tạo không giam giữ, thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ giám sát, giáo dục nhận được bản án và quyết định thi hành án. Giao bị cáo Lê Thành Đ cho Ủy ban nhân dân xã N, thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi giám sát và giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.

3. Về xử lý vật chứng: Tịch thu và tiêu hủy: 02 (hai) khúc gỗ dài 71cm, rộng 4cm, dày 1,4cm; 01 (một) khúc gỗ dài 71,5cm, rộng 4cm, dày 2cm; 01 (một) viên gạch bằng đất nung bị bể.

(Vật chứng nêu trên có đặc điểm theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 13/05/2020 giữa cơ quan điều tra Công an thành phố Quảng Ngãi với Chi cục thi hành án dân sự thành phố Quảng Ngãi).

4. Về án phí: Buộc các bị cáo Đặng P, Lê Thành P, Lê Thành Đ, Trần Tấn C, Phan Văn H mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

5. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

295
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án 22/2020/HS-ST ngày 14/05/2020 về tội bắt, giữ người trái pháp luật

Số hiệu:22/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Quảng Ngãi - Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về