Bản án 217/2017/DS-PT ngày 07/09/2017 về tranh chấp hợp đồng mua bán, đầu tư, vay và bồi thường thiệt hại

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

BẢN ÁN 217/2017/DS-PT NGÀY 07/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN, ĐẦU TƯ, VAY VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI  

Ngày 07/9/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 50/2017 /TLPT-DS ngày 18 tháng 4 năm 2017 về tranh chấp hợp đồng mua bán, hợp đồng đầu tư, vay và bồi thường thiệt hại.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2017/DS-ST ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Toà án nhân dân huyện T bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 179/2017/QĐ-PT ngày 18 tháng 7 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1953. Địa chỉ: Tổ 8, ấp H, xã N, huyện T, Đồng Tháp.

2. Bị đơn: Ông Huỳnh Văn S (7 C), sinh năm 1961. Địa chỉ: Ấp A, xã P, huyện T, Đồng Tháp.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1 Bà Huỳnh Thị H1, sinh năm 1963.

Địa chỉ: Ấp A, xã P, huyện T, Đồng Tháp.

Người đại diện theo ủy quyền của ông S và bà H1: Bà Võ Kim M, sinh năm 1963; Địa chỉ: Ấp T1, xã P1, huyện T, tỉnh Đồng Tháp.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Huỳnh Văn S: Luật sư Thái

Q.R – Văn phòng luật sư G, thuộc đoàn luật sư tỉnh Đồng Tháp.

Địa chỉ: Số 279 Nguyễn Thị Minh K, phường 1, thành phố L, tỉnh Đồng Tháp.

3.2 Ông Huỳnh Văn Đ1, sinh năm 1977.

Địa chỉ: Ấp A1, xã N, huyện T, Đồng Tháp

4. Người kháng cáo: Ông Huỳnh Văn S là bị đơn.

 (Bà Đ, bà M có mặt, ông Đ1 vắng mặt tại phiên tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, tại phiên tòa, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Đ trình bày:

Năm 2007-2009 bà có bán thức ăn nuôi cá cho vợ chồng ông Huỳnh Văn S (tên thường gọi là 7 C), bà Huỳnh Thị H1. Đến năm 2009 vợ chồng ông S còn nợ lại tiền mua thức ăn là 321.881.340đ và trong năm 2009 vợ chồng ông S còn có mượn của bà 200.000.000đ, ông S hứa vay được tiền ngân hàng trả lại, nhưng sau đó không trả.

Ngày 27/4/2009 ông S có ký xác nhận nợ của bà hai khoản trên, tổng cộng là 521.881.340đ.

Vì năm 2009 vợ chồng ông S còn nợ tiền của bà, nên bà không tiếp tục đầu tư thức ăn để ông S tiếp tục nuôi cá. Đến năm 2011 ông Huỳnh Văn Đ1 là em vợ ông S đề nghị bà đầu tư tiếp thức ăn để ông Đ1 và ông S cùng nuôi, nên nhằm tạo điều kiện cho ông S trả được nợ và với sự bảo lãnh của ông Đ1, bà đồng ý đầu tư thức ăn cho ông Đ1. Từ tháng 3/2011 đến tháng 8/2012 bà đầu tư thức ăn cho ông Đ1 và ông S nuôi cá và bán 04 vụ cá, tất cả đều quyết toán qua ông Đ1, có gửi giấy tờ quyết toán cho ông Đ1 và có gửi một bộ cho ông S; các lần bán cá này đều chưa trừ tiền nợ cũ của ông S vào năm 2009. Vụ cá bán lần thứ 4, ông Đ1 để lại 103.000.000đ để bà cấn trừ một phần nợ của ông S, nhưng nhiều lần bà yêu cầu vợ chồng ông S đến để tính toán nợ, ông S đều không đến.

Sau đợt bán cá thứ 4 thì ông Đ1 ngưng không cùng nuôi cá với ông S, nhưng do bà không biết thông tin, nên bà vẫn tiếp tục đầu tư từ ngày 31/7/2012 đến tháng 10/2012, thì ông Đ1 báo là không cùng nuôi với ông S nữa, nên lúc đó bà cũng ngưng không đầu tư tiếp. Nên số tiền thức ăn cá và tiền thuốc cho cá bà đầu tư từ tháng 7/2012 đến tháng 10/2012 cho ông S là 156.660.000đ, bà cấn trừ số tiền ông Đ1 để lại 103.000.000đ, ông Sái còn nợ 53.660.000đ.

Trước đây, khi làm đơn khởi kiện, tại các phiên hòa giải và phiên tòa trước bà yêu cầu vợ chồng ông S liên đới trả: 1.022.618.000đ (lấy số tròn). Trong đó:

- Tiền thức ăn còn thiếu năm 2007 - 2009: 321.881.340đ;

- Tiền mượn năm 2009: 200.000.000đ;

- Tiền lãi (của 2 khoản 321.881.340 và 200.000.000đ) là: 447.077.000đ;

- Tiền thức ăn nuôi cá còn thiếu năm 2012 là 53.660.000đ.

Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay 10/3/2017 bà không yêu cầu vợ chồng ông S trả tiền lãi của hai khoản tiền còn nợ năm 2009 là: 447.077.000đ; bà chỉ yêu cầu ông S và bà H1 liên đới trả tiền nợ (vốn) còn thiếu vào năm 2009, gồm hai khoản: tiền mua thức ăn còn nợ: 321.881.340đ, tiền mượn 200.000.000đ và tiền nợ thức ăn nuôi cá năm 2012 là: 53.660.000đ, tổng cộng ba khoản là: 575.541.000đ (lấy số tròn).

Các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bà Võ Kim M trình bày:

Năm 2009 bà Đ có đầu tư cho ông S nuôi cá, khi kết sổ ông S còn nợ lại 321.881.340đ. Sau đó bà Đ tiếp tục đầu tư từ năm 2010 đến năm 2011, bà Đ đứng ra bán 03 vụ cá ông S nuôi được: 6.402.500.000đ. Số tiền này, bà Đ không thanh quyết toán với ông S, đồng thời bà Đ lấy lại các sổ ký nhận khối lượng thức ăn đã mua của ông S giữ và sổ theo dõi số lượng các công ty mua cá của ông S. Bà Đ nói giữa bà Đ và ông S đã xong, ông S nghĩ rằng nợ của ông S trước đó là 321.881.340đ đã được cấn trừ xong, hai bên không còn nợ gì nhau.

Sau này bà Đ lại đi kiện đòi số tiền năm 2009 ông S còn nợ là 321.881.340đ. Do đó, nếu bà Đ kiện đòi số tiền này, thì ông S yêu cầu bà Đ trả tiền chênh lệch lợi nhuận do bà Đ bán 03 vụ cá của ông S năm 2010 và 2011 là 348.086.400đ. Số tiền chênh lệch lợi nhuận này ông S chỉ phỏng đoán sau khi cấn trừ tiền thức ăn và tiền thuốc bà Đ đã bỏ ra đầu tư cho 03 vụ cá, do toàn bộ sổ sách bà Đ đã lấy về hết. Ông S, bà H1 đồng ý trả cho bà Đ số tiền nợ tiền thức ăn nuôi cá năm 2009 là 321.881.340đ, nhưng không Đ1 ý trả tiền lãi.

Năm 2012, bà Đ đầu tư tiếp khoảng 03 đợt thức ăn và tiền thuốc được khoảng 12 tấn, theo như bà Đ trình bày thì tiền thức ăn và tiền thuốc là 156.660.000đ. Nhưng bà Đ lại ngưng giữa chừng không đầu tư tiếp, ông S phải mua thức ăn nơi khác và bán cá bị lỗ. Do đó, ông S yêu cầu bà Đ bồi thường thiệt hại do bà Đ không đầu tư thức ăn tiếp là 485.650.000đ. Ông S đồng ý trả cho bà Đ số tiền thức ăn đã đầu tư năm 2012 còn thiếu là 156.660.000đ.

Ông S không thừa nhận có hùn nuôi cá với ông Đ1, nên cũng không thừa nhận có việc ông Đ1 để lại 103.000.000đ là tiền của ông S, để cấn trừ vào số tiền 156.660.000đ. Nếu Tòa xác định có việc hai ông Đ1 và ông S hùn nuôi cá, thì ông S cũng không có yêu cầu gì đối với ông Đ1.

Ngoài ra, ông S không đồng ý trả tiền 200.000.000đ mà bà Đ cho rằng ông S mượn năm 2009. Vì ông S ký nhận mượn tiền, nhưng đây là ký nhận nợ trước số nợ để bà Đ đầu tư thức ăn sau đó, nay bà Đ kiện đòi tiền thức ăn, lại kiện đòi tiền mượn thì ông S không đồng ý.

Đồng thời, vì bà Đ bán thức ăn lãi cao hơn người khác nên ông S không đồng ý trả tiền lãi như bà Đ yêu cầu.

Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay ngày 10/3/2017 bà đại diện cho vợ chồng ông S không đồng ý trả cho bà Đ số tiền 321.881.340đ, vì theo vợ chồng ông S trình bày, về sau này vợ chồng ông S tìm thấy một “tờ giấy” phía bà Đ tự tính toán giao cho ông S (bà đã nộp “tờ giấy” bản chính cho Tòa án sau phiên tòa ngày 16/11/2016), theo tờ giấy này thì ông S đã trả xong số tiền 321.881.340đ.

Như vậy, với yêu cầu của bà Nguyễn Thị Đ về việc yêu cầu vợ chồng ông S trả tất cả 03 khoản nợ, thì vợ chồng ông S đồng ý trả khoản nợ tiền mua thức ăn còn thiếu vào năm 2012 là 156.660.000đ, nhưng bà Đ chỉ yêu cầu trả 53.660.000đ. Không đồng ý trả số tiền nợ 321.881.340đ và 200.000.000đ.

Vợ chồng ông S phản tố, yêu cầu bà Đ trả chênh lệch lợi nhuận của các vụ cá do bà Đ bán từ năm 2010 đến năm 2011 là: 348.086.400đ theo hợp đồng đầu tư mà bà Đ đã ký với vợ chồng ông S và bà Đ bồi thường thiệt hại số tiền: 485.650.000đ cho vợ chồng ông S, do bà Đ không đầu tư thức ăn nuôi cá tiếp vào năm 2012. Tổng cộng hai khoản, bà Đ phải trả cho vợ chồng ông S: 833.736.400đ.

Trong quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Hunh Văn Đ1 trình bày:

Ông thừa nhận có hùn nuôi cá với ông Huỳnh Văn S là anh rễ của ông, trong quá trình nuôi, bán được 03 vụ cá, thời gian cụ thể thì không nhớ; thức ăn nuôi cá mua của bà Nguyễn Thị Đ. Vụ bán cá cuối cùng qua quyết toán, ông đồng ý để bà Đ giữ lại 103.000.000đ để cấn trừ tiền nợ với ông S. Còn ông S nợ tiền gì với bà Đ thì ông không biết rõ.

- Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2017/DS-ST ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện T đã quyết định:

- Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn; không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

- Buộc ông Huỳnh Văn S và bà Huỳnh Thị H1 trả cho bà Nguyễn Thị Đ tổng số tiền: 575.541.000đ (năm trăm bảy mươi lăm triệu năm trăm bốn mươi mốt ngàn đồng).

Kể từ khi có đơn yêu cầu thi hành án của bà Nguyễn Thị Đ mà ông Huỳnh Văn S và bà Huỳnh Thị H1 chưa thi hành xong số tiền trên, thì ông S và bà H1 còn phải trả tiền lãi đối với số tiền chưa thi hành, với lãi suất bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, cho đến khi thi hành xong.

Án phí: Ông Huỳnh Văn S và bà Huỳnh Thị H1 phải nộp 27.139.000đ án phí, được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 9.253.000đ theo biên lai thu số 00029 ngày 22/9/2015 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T; ông S và bà H1 còn phải nộp tiếp 17.886.000đ án phí.

Bà Nguyễn Thị Đ được nhận lại tiền tạm ứng án phí: 9.900.000đ theo biên lai thu số 028836 ngày 22/12/2014 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền và thời hạn kháng cáo; quyền và thời hiệu yêu cầu thi hành án; nghĩa vụ thi hành án của các đương sự.

- Ngày 21/3/2017, bị đơn ông Huỳnh Văn Skháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu xem xét lại vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Từ năm 2007, giữa bà Nguyễn Thị Đ với vợ chồng ông Huỳnh Văn S, bà Huỳnh Thị H1 có hợp đồng đầu tư nuôi cá nguyên liệu, theo đó phía bà Đ đầu tư về thức ăn, thuốc điều trị cho cá; phía ông S, bà H1 đầu tư ao nuôi, con giống, nhân công; khi thu hoạch thì phía bà Đ nhận lại toàn bộ số tiền bằng giá trị thức ăn, thuốc đã đầu tư và được nhận một khoản tiền trên số lượng cá xuất bán theo thỏa thuận; còn phía ông S thì lợi nhuận còn lại hoặc bị lỗ thì phía ông S được hưởng hoặc chịu toàn bộ. Những nội dung trên được các bên đương sự thừa nhận.

Xét kháng cáo của ông Huỳnh Văn S, Hội đồng xét xử xét thấy: Ông S kháng cáo cho rằng ông không còn nợ bà Đ khoản tiền 321.881.340đồng xuất phát từ hợp đồng đầu tư trong thời gian 2007-2009, 200.000.000 đồng tiền vay ngày 27/7/2009; chỉ thừa nhận còn nợ 156.660.000 đồng xuất phát từ hợp đồng đầu tư trong thời gian 2011-2012 nhưng do phía bà Đ chỉ yêu cầu 53.660.000 đồng và yêu cầu phía bà Đ phải bồi thường thiệt hại cho ông số tiền chênh lệch lợi nhuận của các vụ cá do bà Đ bán từ năm 2010 đến năm 2011 là 348.086.400 đồng theo hợp đồng đầu tư mà bà Đ đã ký với vợ chồng ông và 485.650.000đ là số tiền thiệt hại do bà Đ không đầu tư thức ăn nuôi cá tiếp vào năm 2012, tổng cộng 02 khoản bồi thường thiệt hại là 833.736.400 đồng. Xét thấy, yêu cầu kháng cáo của ông S là không có căn cứ, bởi lẽ: Căn cứ vào Biên bản xác nhận nợ ngày 27/4/2009 có nội dung phía ông S còn nợ phía bà Đ 521.881.340 đồng và một biên nhận cùng ngày có nội dung ngày 27/4/2009, ông S có mượn bà Đ 200.000.000 đồng để trả nợ ngân hàng (trong biên nhận ghi tên thường gọi của bà Đ là bà Đ2); bà Đ cho rằng trong Biên bản xác nhận nợ bao gồm số tiền nợ từ hợp đồng là 321.881.340 đồng và nợ tiền vay 200.000.000 đồng; ông S cũng như đại diện hợp pháp của ông S đều thừa nhận chữ ký trên biên bản và biên nhận trên là của ông S, thừa nhận tại thời điểm ký tên vào biên nhận thì phía ông S còn nợ tiền bà Đ xuất phát từ hợp đồng đầu tư là 321.881.340 đồng nhưng khi thì khai rằng sau đó đã được quyết toán xong theo lời nói của bà Đ, khi thì khai rằng sau đó phía ông S đã trả xong, còn đối với số tiền 200.000.000 đồng thì cho rằng chỉ ký tên vay chứ thực tế là không có vay trong khi vẫn thừa nhận chữ ký trên biên nhận đó, Hội đồng xét xử xét thấy ông S không chứng cứ gì để chứng minh và lời trình bày trên là mâu thuẫn nhau nên không có cơ sở để chấp nhận, do đó lời trình bày của bà Đ cho rằng phía vợ chồng ông S, bà H1 còn nợ bà số tiền nợ từ hợp đồng đầu tư giai đoạn 2007-2009 là 321.881.340 đồng và nợ tiền vay ngày 27/4/2009 là 200.000.000 đồng, là có căn cứ. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử chấp nhận yêu cầu của bà Đ về 02 khoản tiền này đối với ông S, bà H1 là phù hợp.

Đối với số tiền 53.660.000đ, bà Đ cho rằng đây là số nợ tiền đầu tư của phía ông S trong thời gian từ 31/7/2012 đến tháng 10/2012, tổng cộng là 156.660.000đ được trừ 103.000.000đ mà ông Đ1 giao lại khi ông Đ1 không tiếp tục nuôi cá cùng với ông S; việc này được ông Đ1 xác nhận; mặt khác ông S cũng thừa nhận trong giai đoạn nuôi cá này thì phía ông còn nợ bà Đ tổng cộng 156.660.000đ, nhưng bà Đ chỉ yêu cầu 53.660.000đ thì ông đồng ý trả 53.660.000đ. Như vậy, lời trình bày và yêu cầu của bà Đ đối với số tiền này là phù hợp do phía ông S thừa nhận và đồng ý. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử chấp nhận yêu cầu của bà Đ về khoản tiền này là có căn cứ.

Đối với yêu cầu phản tố của ông S, yêu cầu bà Đ phải bồi thường thiệt hại cho ông số tiền chênh lệch lợi nhuận của các vụ cá do bà Đ bán từ năm 2010 đến năm 2011 là 348.086.400 đồng theo hợp đồng đầu tư mà bà Đ đã ký với vợ chồng ông và 485.650.000đ là số tiền thiệt hại do bà Đ không đầu tư thức ăn nuôi cá tiếp vào năm2012, tổng cộng 02 khoản bồi thường thiệt hại là 833.736.400đ. Xét thấy, yêu cầu này của ông S là không căn cứ để chấp nhận, bởi vì phía ông S không đưa ra được bất kỳ tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh có thiệt hại và mức thiệt hại như trên, cũng như không chứng minh được bà Đ có lỗi gì để gây ra thiệt hại đó, nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông S là căn cứ.

 [2] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện hợp pháp của ông S cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh cho lời trình bày và yêu cầu kháng cáo của ông S là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông S.

 [3] Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông S trình bày việc bà Đ lấy thức ăn của công ty về bán lại cho ông S nên xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại. Đối với khoản tiền 200.000.000đ ông S không đồng ý trả lý do là thời điểm đó ông S không có vay tiền ở ngân hàng nên không thể vay tiền của bà Đ và khoản tiền lợi nhuận giữa ông Đ1 và ông S cụ thể bao nhiêu thì chưa được làm rõ. Ông S yêu cầu số tiền chênh lệch lợi nhuận do bà Đ bán cá là 348.086.400 đồng và tiền thiệt hại do bà Đ không đầu tư tiếp là 485.650.000 đồng thì cũng chưa đến số tiền là 1tỷ đồng mà bà Đ đã bán cá nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của phía bị đơn. Hội đồng xét xử xét thấy lời trình bày và đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông S là không có căn cứ, bởi lẽ: phía ông S không có đăng ký kinh doanh nên hợp đồng mua bán giữa bà Đ với ông S vẫn là giao dịch dân sự, tức án tranh chấp dân sự; việc tại thời điểm của biên nhận vay tiền, ông S có vay tiền hay đáo nợ ngân hàng hay không cũng không phải là căn cứ duy nhất để xác định ông S có vay tiền của người khác hay cụ thể là của bà Đ hay không; lợi nhuận của giai đoạn giữa ông Đ1 với ông S thì đã có chứng cứ rõ ràng thông qua xác nhận của ông Đ1 và vì ông Đ1 là người trực tiếp quản lý, thực hiện giao dịch mua bán với bà Đ và nuôi cá; còn về thiệt hại thì cũng không có gì để chứng minh, nên không chấp nhận lời trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông S.

 [4] Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp phát biểu việc tuân thủ pháp luật từ khi thụ lý vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và các đương sự đều thực hiện đúng quy định của pháp luật và đề xuất hướng giải quyết là giữ nguyên bản án sơ thẩm. Xét thấy, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp là có căn cứ, nên chấp nhận.

 [5] Do kháng cáo của ông S không được chấp nhận nên ông S phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các Điều 428, 438, 471 và 474 Bộ luật dân sự năm 2005; Nghị quyết số 326/2016/QH của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án,

Tuyên xử:

- Không chấp nhận kháng cáo của ông Huỳnh Văn S.

- Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

- Buộc ông Huỳnh Văn S và bà Huỳnh Thị H1 phải có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị Đ tổng số tiền 575.541.000đ (năm trăm bảy mươi lăm triệu năm trăm bốn mươi mốt ngàn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Về án phí:

+ Ông Huỳnh Văn S và bà Huỳnh Thị H1 phải liên đới chịu 27.139.000đ án phí dân sự sơ thẩm, nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 9.253.000đ theo biên lai thu số 00029 ngày 22/9/2015 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T; ông S và bà H1 còn phải nộp tiếp 17.886.000đ án phí.

+ Bà Nguyễn Thị Đ được nhận lại tiền tạm ứng án phí: 9.900.000đ theo biên lai thu số 028836 ngày 22/12/2014 của Chi cục thi hành án dân sự huyện T.

+ Ông Huỳnh Văn S phải chịu 300.000 đồng án phí phúc thẩm, nhưng được khấu trừ vào 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 10588 ngày 24/3/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T. Ông S đã nộp xong án phí phúc thẩm.

- Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

378
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 217/2017/DS-PT ngày 07/09/2017 về tranh chấp hợp đồng mua bán, đầu tư, vay và bồi thường thiệt hại

Số hiệu:217/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Tháp
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về