Bản án 19/2020/HS-ST ngày 06/03/2020 về tội cố ý làm hư hỏng tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 19/2020/HS-ST NGÀY 06/03/2020 VỀ TỘI CỐ Ý LÀM HƯ HỎNG TÀI SẢN

Ngày 06 tháng 3 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 92/2019/TLST-HS ngày 04 tháng 12 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 24/2019/QĐXXST-HS ngày 06 tháng 02 năm 2020 đối với:

* Bị cáo: Chu Đức L, sinh năm 1991.

Nơi ĐKHKTT: xóm ĐX, xã SC, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Nghề nghiệp: Lái xe; Trình độ học vấn: 12/12; Dân tộc: Sán Dìu; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Chu Đức Th, sinh năm 1960 và bà Trần Thị H, sinh năm 1964, Gia đình có 03 anh chị em, bị cáo là thứ ba; Có vợ là Lâm Thị Đ, sinh năm 1992; Có 02 con: con lớn sinh năm 2015, con nhỏ sinh năm 2019; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 17/7/2019 đến nay. Hiện đang tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh B Ninh. Có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo L: Luật sư Nguyễn Mạnh Hùng- Công ty Luật TNHH số 1 B Ninh- Đoàn Luật sư tỉnh B Ninh và Luật sư Nguyễn Ngọc Thụy- Văn phòng luật sư Thụy Hoàng- Đoàn luật sư tỉnh Thái Nguyên (Các luật sư đều có mặt)

* Bị hại: Công ty cổ phần tập đoàn HANAKA.

Đa chỉ: khu công nghiệp Hanaka, thị xã Từ S, tỉnh B Ninh.

Đại diện theo pháp luật: ông Mẫn Ngọc Anh- Chức vụ: Tổng giám đốc Đại diện theo ủy quyền: ông Vũ Văn Đăng- Chánh văn phòng (Có mặt)

* Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

1. Công ty TNHH Cho thuê tài chính Quốc tế Việt Nam (VILC) Địa chỉ: phòng 902, Centec Tower, 72- 74 Nguyễn Thị Minh Khai, P6, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện theo pháp luật: Ông Jeong Tae Hun. Chức vụ: Tổng giám đốc Đại diện theo ủy quyền: Công ty Cổ phần tập đoàn HANAKA (Có mặt)

2. Ông Chu Đức Thanh, sinh năm 1960 (Có mặt) Địa chỉ: thôn Đồng Xe, xã S Cẩm, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

* Những người làm chứng:

1. Anh Đặng Văn B, sinh năm 1960 (Đề nghị xét xử vắng mặt) Trú tại: thôn Hòa Lạc, phường Nam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

2. Chị Mẫn Thị TH, sinh năm 1996 (Đề nghị xét xử vắng mặt) Trú tại: thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh B Ninh

3. Từ Văn S, sinh năm 1964 (Vắng mặt) Trú tại: khu đô thị mới, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh B Ninh

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Chu Đức L sinh năm 1991 trú tại xóm Đồng Xe, xã S Cẩm, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có bằng lái máy lu thi công công trình. Ngày 12/3/2019 L được Công ty cổ phần bất động sản Hồng Kông có trụ sở tại khu công nghiệp Hanaka, thị xã Từ S, tỉnh B Ninh (gọi tắt là công ty Hồng Kông) ký hợp đồng lao động lái máy lu tại công trường tỉnh lộ 277 thuộc khu Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh B Ninh và được giao lái máy lu nhãn hiệu Volvo SD 110 58588. Quá trình làm việc từ ngày 12/3/2019 đến ngày đầu tháng 5/2019 L chưa được công ty trả lương và khi được chị Mẫn Thị TH - nhân viên hành chính nhân sự công ty Hồng Kông thông báo bảng tạm tính lương của tháng 3, tháng 4 thì L nhận thấy việc trả lương của công ty không hợp lý, do vậy L đã nảy sinh ý định làm hư hỏng máy lu của công ty. Khoảng 7 giờ 30 phút, ngày 07/5/2019 L vẫn lái máy lu đi làm bình thường và đăng bài lên mạng xã hội với nội dung nói xấu tập đoàn Hanaka để anh em trong hội lái máy xúc Việt Nam biết tránh xa, sau đó đến buổi chiều đi làm L đã bốc 02 nắm cát để dưới sàn xe lu L lái với mục đích để cho cát khô sẽ đổ vào khoang máy động cơ xe lu của công ty để làm máy hỏng. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, khi lái xe lu về khu tập kết của công trường, L nhặt 01 vỏ chai nhựa ở rìa đường cho chỗ cát đã khô ở sàn xe lu vào chai và đi đến xe lu nhãn hiệu Volvo SD110, BKS 50SA- 1356 có số khung VCEOS110C00058590E20, đỗ gần xe L. Tại đây, L dùng tay mở lẫy chốt hai bên xe lu rung để mở nắp capô, trèo lên máy lu dùng tay trái mở nắp nơi đổ dầu động cơ đổ hết chỗ cát trong chai nhựa vào khoang động cơ. Sau đó L xuống xe kéo nắp capô xuống cài lại như cũ rồi về lán công trường sinh hoạt bình thường. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi được chị TH yêu cầu gỡ bài đăng trên mạng xã hội nói xấu công ty buổi sáng thì L đã gỡ bài. Sáng ngày 08/5/2019, L bàn giao xe lu đang quản lý cho Công ty rồi bỏ về quê không làm việc tại Công ty Hồng Kông nữa.

Ngày 16/5/2019, Công ty Hồng Kông thuê anh Nguyễn Tiến Ngọc lái xe lu Volvo SD 110 BKS 50SA- 1356 khi đi được khoảng 50m thì phát hiện xe lu bị trục trặc không hoạt động được, nghi ngờ có người cố ý làm hư hỏng tài sản nên đã viết đơn trình báo Công an để giải quyết theo quy định pháp luật.

Ngày 11/7/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong ra yêu cầu định giá tài sản bị thiệt hại. Tại Bản kết luận định giá số 61/KL-ĐG ngày 25/7/2019 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự UBND huyện Yên Phong kết luận: “Giá trị thiệt hại của 01 xe lu nhãn hiệu Volvo SD 110 58590, có số seri 11987693 bị hư hỏng tại thời điểm xảy ra vụ việc là: 633.436.000 đồng”.

Ngày 14/7/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong ra Quyết định trưng cầu giám định số 200, trưng cầu Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh B Ninh tiến hành giám định nguyên nhân dẫn đến việc hư hỏng động cơ xe lu nhãn hiệu Volvo SD 110 58590.

Tại Bản kết luận giám định số: 80/KLGĐ-PC09 ngày 22/7/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh B Ninh kết luận: “Dấu vết trà xước hình thành trên các chi tiết: Trục cam, bạc cam, cổ trục cơ, bạc trục cơ, xéc măng, mặt trong xi lanh của động cơ xe lu SD110-58590. Có số máy 11987693 là do ma sát với các tinh thể cát lẫn trong dầu bôi trơn chứa trong khoang động cơ và các te dầu bôi trơn động cơ khi tiến hành khởi động, dẫn đến làm hỏng động cơ xe lu nêu trên”.

Ngày 17/7/2019, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nên Chu Đức L đã đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Phong đầu thú khai nhận toàn bộ hành vi của mình.

Với nội dung trên, bản cáo trạng số: 92/CT-VKS-P3 ngày 29/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B Ninh đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân tỉnh B Ninh để xét xử đối với bị cáo Chu Đức L về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo khoản 4 Điều 178 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, bị cáo L khai nhận: do bức xúc với công ty trong việc chậm trả lương và cách thức tính lương nên bị cáo đã có hành vi đổ cát vào khoang động cơ của chiếc xe lu BKS 50SA- 1356 với mục đích làm hỏng máy lu. Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai, nhưng bị cáo không biết đã gây thiệt hại lớn cho công ty. Bị cáo rất ân hận và nhất trí bồi thường thiệt hại cho công ty.

Đi với số tiền lương bị cáo làm cho công ty từ ngày 13/3 đến 07/5/2019 bị cáo chưa được nhận, bị cáo đề nghị được khấu trừ vào thiệt hại đã gây ra cho công ty.

Đại diện ủy quyền của bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Ông Vũ Văn Đăng yêu cầu bị cáo Chu Đức L bồi thường thiệt hại máy lu bị hư hỏng trị giá 633.436.000 đồng và khấu trừ vào tiền lương công ty chưa trả cho L là 15.996.730 đồng, L còn phải trả cho công ty cổ phần tập đoàn Hanaka số tiền là 617.439.270 đồng. Đồng thời ông Đăng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Chu Đức Thanh trình bày: ngày 03/3/2020 ông đã nộp thay bị cáo số tiền 17.700.000 đồng tại Cục thi hành án dân sự tỉnh B Ninh để khắc phục một phần hậu quả cho hành vi phạm tội của bị cáo. Ông Thanh không yêu cầu bị cáo phải trả lại cho ông.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B Ninh thực hành quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Chu Đức L và đề nghị Hội đồng xét xử:

Về tội danh: tuyên bố bị cáo Chu Đức L phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” Về hình phạt: áp dụng khoản 4 Điều 178; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54, Điều 38 Bộ luật hình sự: xử phạt bị cáo Chu Đức L từ 07 đến 08 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 17/7/2019.

Về hình phạt bổ sung: Đề nghị miễn hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự: áp dụng các điều 48 BLHS, Điều 589 Bộ luật dân sự: buộc bị cáo phải bồi thường cho Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka số tiền tương ứng với thiệt hại về tài sản là: 633.436.000 đồng. Khấu trừ vào tiền lương của bị cáo tại công ty là 15.996.730 đồng và 17.700.000đ do bố bị cáo đã nộp tại Cục thi hành án dân sự tỉnh B Ninh, bị cáo còn phải trả cho công ty cổ phần tập đoàn Hanaka số tiền là: 599.739.270 đồng.

Về xử lý vật chứng: trả lại cho bị cáo 02 chiếc điện thoại gồm: 01 điện thoại Nokia 105 màu đen và 01 điện thoại Iphone 6 màu vàng trắng có ốp nhựa màu đen nhưng cần tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

Bị cáo không tranh luận với Đại diện Viện kiểm sát về tội danh và điều luật áp dụng mà chỉ đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Các Luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho bị cáo:

Luật sư Thụy trình bày:

- Về nội dung vụ án và tội danh của bị cáo là rõ ràng. Về tố tụng đã được các cơ quan tiến hành đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.

- Về xác định tư cách tham gia tố tụng: đề nghị HĐXX xem xét đến tư cách tố tụng của Công ty tài chính Quốc tế Việt Nam phải được xác định là Bị hại trong vụ án mà không phải là Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka. Bởi lẽ, mặc dù công ty tài chính Quốc tế Việt Nam đã trao quyền quản lý, sử dụng cho công ty cổ phần tập đoan Hanaka, nhưng quyền sở hữu đối với tài sản vẫn thuộc Công ty tài chính Quốc tế Việt Nam.

- Về việc định giá tài sản: quá trình định giá chưa đảm bảo quy định của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ và Thông tư số 43/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP. Vì theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì Hội đồng định giá chỉ dựa vào báo giá và chứng thư thẩm định giá của 01 tổ chức Thẩm định giá và trong hồ sơ vụ án chưa có báo giá làm căn cứ định giá. Do đó, kết luận định giá là không khách quan. Đồng thời, quá trình điều tra chưa xem xét đến giải pháp sửa chữa để khắc phục mà hoàn toàn thay thế mới. Vậy nếu phải thay thế toàn bộ cụm động cơ bị hư hỏng, thì cụm đó còn có giá trị để khẩu trừ cho bị cáo không thì chưa được làm rõ.

- Về trách nhiệm bảo hiểm là của Tập đoàn Hanaka, trong vụ án này tập đoàn cũng có lỗi một phần trong việc khi phát hiện sự cố máy lu không thông báo kịp thời cho công ty bảo hiểm, dẫn đến sự việc không được bồi thường thiệt hại.

- Về các tình tiết giảm nhẹ TNHS cho bị cáo: do nhận thức được hành vi trái pháp luật nên ngày 17/7/2019, bị cáo đã đến Công an huyện Yên Phong khai báo. Tuy nhiên, ngày 26/7 Cơ quan điều tra mới khởi tố vụ án nên phải áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ “tự thú” quy định tại điểm r khoản 1 Điều 51 BLHS mà không phải là “đầu thú” theo khoản 2 Điều 51 BLHS. Bị cáo thành khẩn khai báo sự việc và xuất phát từ lý do chậm lương của công ty nên bị cáo đã có hành động bột phát. Ngoài ra bị cáo là người dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Bản thân ở địa phương luôn chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật. Phía công ty cũng đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo đã tích cực giúp đỡ cơ quan điều tra làm rõ vụ án nên đề nghị áp dụng thêm điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS.

Từ những căn cứ trên, đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung để tiến hành định giá lại và xem xét lại vụ án một cách khách quan, toàn diện vụ án. Nếu HĐXX thấy không có căn cứ để trả hồ sơ thì đề nghị HĐXX áp dụng các điểm b, r, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS tuyên bị cáo mức án thấp nhất.

Luật sư Hùng trình bày:

Nguyên nhân dẫn bị cáo phạm tội là vì không được công ty trả lương, vợ bị cáo sắp sinh con nhỏ nên không có tiền chi trả cho cuộc sống. Vì vậy dẫn đến hành vi bột phát của bị cáo.

Về tình tiết giảm nhẹ: gia đình bị cáo chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của nhà nước, sau khi phạm tội bị cáo ăn năn hối cải và đã đầu thú. Bị cáo bị truy tố theo điểm a khoản 4 điều 178 BLHS. Bị cáo không nhận thức được thiệt hại với mức như trên. Nên thiệt hại cho công ty là ngoài nhận thức của bị cáo. Bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 và khoản 2 Điều 51 BLHS. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng TNHS. Luật sư bổ sung thêm ý kiến cho bài bào chữa của luật sư đồng nghiệp là giá trị cụm động cơ hỏng đó sau khi bị cáo bồi thường phải xử lý thế nào, đề nghị cơ quan điều tra phải làm rõ.

Đi diện ủy quyền của bị hại- Ông Đăng trình bày:

Về mức hình phạt đại diện VKS đề nghị, công ty không có ý kiến gì.

Về mức giá xe Vonvo là xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ, trong nước không có, do vậy cũng có rất ít công ty trong nước có sản phẩm thay thế. Theo kết luận giám định thì cụm động cơ của chiếc xe trên xác định là không sửa được mà phải thay mới. Từ khi chiếc xe bị hư hỏng đến nay, phía công ty vẫn phải trả tiền thuê cho công ty cho thuê tài chính Quốc tế. Kết luận định giá là giá của sản phẩm thay mới mà chưa bao gồm các chi phí khác mà phía công ty phải chịu. Do vậy, công ty giữ nguyên mức đề nghị bị cáo bồi thường như đã trình bày.

Về Hợp đồng với công ty bảo hiểm có 2 lý do mà phía tập đoàn Hanaka không được bồi thường, trong đó lý do quan trọng nhất là do phạm tội gây ra thì không được bồi thường. Do đó, trong vụ án nãy lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo L và bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan- ông Thanh vẫn giữ nguyên quan điểm nộp tiền để thay bị cáo bồi thường cho phía công ty và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đi đáp của Kiểm sát viên:

- Về xác định tư cách tố tụng: theo hợp đồng đã ký giữa công ty tài chính và công ty Hanaka thì công ty tài chính đã bàn giao máy lu cho Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka là máy mới 100%. Từ đó công ty Hanaka được toàn quyền quản lý, sử dụng đối với xe lu trên. Tại thời điểm xảy ra sự việc làm hư hỏng tài sản, phía tập đoàn Hanaka là công ty bị thiệt hại trực tiếp bởi hành vi phạm tội, nên xét về tư cách tố tụng thì tập đoàn Hanaka là bị hại trong vụ án này. Ngoài ra, nội dung ủy quyền đã nêu rõ công ty Hanaka có thể ủy quyền cho bên thứ 3. Do vậy việc ông Đăng tham gia tố tụng vừa với tư cách đại diện ủy quyền của bị hại- công ty cổ phần tập đoàn Hanaka vừa với tư cách đại diện của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan- Công ty cho thuê tài chính Quốc tế Việt Nam là đúng quy định.

- Về xác định thiệt hại: máy lu Volvo SD 11058590 là xe nhập khẩu nguyên chiếc, trên thị trường tỉnh B Ninh hoàn toàn không có sản phẩm thay thế. Khi HĐĐG khảo sát giá đã ghi rõ: do đặc thù loại thiết bị này là hàng nhập khẩu, không giao dịch phổ biến trên thị trường. Chỉ có Công ty cổ phần máy và phụ tùng T & C có địa chỉ ở số 14, phường Thụy Khuê, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đại lý ủy quyền của hãng Volvo tại Việt Nam là có sản phầm động cơ thay thế. Do vậy, HDĐG đã có văn bản gửi Công ty TNHH thẩm định và tư vấn Tâm Tín Nghĩa đề nghị định giá tài sản. trên cơ sở kết quả của công ty thẩm định và căn cứ theo báo giá phía công ty Cổ phần tập đoàn Hanaka cung cấp thì HĐĐG đã xác định giá trị tài sản như vậy là đúng quy định pháp luật.

- Về các tình tiết giảm nhẹ: Luật sư bào chữa đề nghị áp dụng tình tiết tự thú. Nhưng theo quy định tại Công văn 81 ngày 10/6/2002 của TANDTC xác định rõ hành vi tự thú, tại bút lục số 193- 194 có ghi lời khai của anh S là giám sát công trường đã nghi ngờ đối với người thực hiện hành vi này Chu Đức L và lời khai chị TH là kế toán công ty đã xác định rõ có mẫu thuẫn với L trong việc chi trả lương. Như vậy hành vi của bị cáo đã bị người khác biết được nên việc áp dụng người phạm tội tự thú là không có cơ sở. Đối với đề nghị của luật sư áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm t “người phạm tội tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án” cũng không có căn cứ, bởi khi bị cáo đã ra đầu thú thì trách nhiệm của bị cáo là phải phối hợp với cơ quan điều tra. Do đó, Viện kiểm sát bác bỏ quan điểm của luật sư đề nghị áp dụng điểm t và điểm r khoản 1 Điều 51 BLHS đối với bị cáo.

- Về mức hình phạt: trên cơ sở xem xét toàn bộ nội dung vụ án mức hình phạt VKS đưa ra là hoàn toàn phù hợp.

- Về trách nhiệm dân sự: Theo nguyên tắc bồi thường thì bị cáo phải bồi thường toàn bộ. Về xác định giá trị cụm động cơ sau khi thay mới còn giá trị hay không đó là việc giữa bị cáo và công ty, nếu bị cáo có nhu cầu xin lại là quyền của bị cáo. Đó là quan hệ pháp luật khác được xác định sau khi thi hành án. Như vậy, VKS giữ nguyên quan điểm luận tội đối với bị cáo.

Luật sư bào chữa và đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm và không tranh luận gì thêm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: đối với đề nghị của luật sư bào chữa cho rằng việc xác định tư cách tố tụng của Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka là bị hại trong vụ án là chưa đúng mà phải là Công ty cho thuê tài chính Quốc tế Việt Nam. HĐXX thấy rằng: giữa Công ty cho thuê tài chính và tập đoàn Hanaka có ký kết hợp đồng cho thuê máy lu rung, trong đó có chiếc máy lu nhãn hiệu Volvo SD110 BKS 50SA- 1356, số khung VCEOS110C00058590E20. Mặc dù công ty cho thuê tài chính là chủ sở hữu của tài sản này, tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra sự việc hư hỏng tài sản, tập đoàn Hanaka đang là công ty quản lý và sử dụng đối với tài sản, do đó thiệt hại xảy ra được xác định là thiệt hại trực tiếp đối với tập đoàn Hanaka. Sau đó, trách nhiệm giữa tập đoàn Hanaka và công ty cho thuê tài chính sẽ được giải quyết sau theo hợp đồng hai bên đã ký kết. Do đó, HĐXX xác định Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka là bị hại trong vụ án này mà không phải là công ty cho thuê tài chính như ý kiến của luật sư bào chữa.

Về thủ tục định giá tài sản, Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, quá trình định giá tài sản là chưa đảm bảo quy định của Thông tư 43/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, xét thấy, chiếc xe lu nhãn hiệu Volvo SD110 BKS 50SA- 1356, số khung VCEOS110C00058590E20 là xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ. Do đó, các thiết bị, phụ tùng của xe không giao dịch phổ biến trên thị trường. Hiện nay trên địa bản tỉnh B Ninh không có cơ sở nào có loại thiết bị trên. Hội đồng định giá đã khảo sát ngoài địa phận tỉnh B Ninh chỉ có Công ty cổ phần máy và phụ tùng T & C có địa chỉ ở số 14, phường Thụy Khuê, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội đại lý ủy quyền của hãng Volvo tại Việt Nam là có sản phầm động cơ thay thế. HĐGĐ đã có công văn đề nghị Công ty TNHH Thẩm định và tư vấn Tâm Tín Nghĩa thẩm định giá trị thiệt hại của xe theo khảo sát trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời căn cứ theo tài liệu phía bị hại cung cấp về chiếc xe trên. HĐXX xét thấy: giá trị thiệt hại của xe theo Kết luận định giá tài sản là phù hợp và trình tự định giá tài sản là đúng quy định của pháp luật. Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của phía luật sư bào chữa đề nghị định giá lại tài sản.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời trình bày của phía bị hại, người làm chứng và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận: Chu Đức L là công nhân lái xe lu của Công ty cổ phần bất động sản Hồng Kông. Do bức xúc việc thanh toán và chi trả lương của công ty, nên khoảng 18 giờ ngày 07/5/2019, tại công trường ở khu Mẫn Xá, xã Văn môn, huyện Yên Phong, tỉnh B Ninh, Chu Đức L đã có hành vi đổ cát vào động cơ xe lu nhãn hiệu Volvo SD110 BKS 50SA- 1356, số khung VCEOS110C00058590E20 mục đích để làm cho động cơ bị hỏng. Hành vi của bị cáo thực hiện với lỗi cố ý, gây thiệt hại về tài sản cho công ty với số tiền là 633.436.000 đồng. Vì vậy, hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” với tình tiết định khung quy định tại khoản 4 Điều 178 Bộ luật hình sự. Cáo trạng của VKSND tỉnh B Ninh truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[2] Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của pháp nhân được pháp luật bảo vệ, gây hoang mang lo lắng cho người có tài sản, gây bất bình trong quần chúng nhân dân và dư luận xấu trong xã hội. Bị cáo biết rõ hậu quả xảy ra nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội với mục đích trả thù cá nhân. Đồng thời thiệt hại về tài sản do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là rất lớn. Điều đó thể hiện thái độ coi thường pháp luật của bị cáo. Vì vậy, cần phải áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mới có tác dụng giáo dục riêng đối với bị cáo và phòng ngừa chung.

Xét về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo thì thấy: bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa đã thể hiện thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn. Sau khi hành vi xảy ra, bị cáo đã tự giác đến cơ quan điều tra để đầu thú, đồng thời tự nguyện sử dụng số tiền lương để bồi thường một phần thiệt hại gây ra và gia đình bị cáo đã thay bị cáo nộp số tiền 17.700.000đ để khắc phục một phần thiệt hại do bị cáo gây ra. Mặc dù số tiền không lớn, nhưng so với hoàn cảnh hiện tại của bị cáo thì HĐXX vẫn chấp nhận áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ “bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”. Đồng thời, phía bị hại đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo ở mức thấp nhất. Do đó, bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại các điểm b, s khoản 1 khoản 2 Điều 51 BLHS. Bị cáo không có tình tiết tăng nặng TNHS. Quan điểm của luật sư bào chữa cho rằng bị cáo phải được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS là “tự thú” quy định tại điểm r khoản 1 Điều 51 BLHS và “tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ án” quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS. HĐXX xét thấy: sau khi sự việc xảy ra, phía công ty cổ phần tập đoàn Hanaka đã có đơn trình báo đến cơ quan điều tra, đồng thời công ty cũng rà soát tất cả những lái xe làm việc trong công ty kể cả đang làm việc và đã nghỉ việc. Do trước đó đã có người nghi ngờ L là người đã thực hiện hành vi. Đồng thời, bản thân bị cáo “biết không thể trốn tránh được nên đã đến cơ quan có thẩm quyền trình diện” nên căn cứ theo hướng dẫn tại Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân Tối cao giải đáp các vấn đề nghị vụ thì áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ đầu thú quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS năm 1999 (nay là khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015). Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của bị cáo khi đến làm việc với cơ quan điều tra. Mặc khác, lời khai của bị cáo không phải để giúp cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới…đồng thời việc bị cáo thành khẩn khai báo đã là tình tiết giảm nhẹ được HĐXX áp dụng cho bị cáo được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS. Do đó không có căn cứ áp dụng cho bị cáo hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ án” quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS như đề nghị của luật sư bào chữa.

Từ những phân tích, đánh giá nêu trên, xét thấy bị cáo phạm tội vào khung hình phạt đặc biệt nghiêm trọng nên cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới có tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS nên HĐXX quyết định xử phạt bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Về hình phạt bổ sung: Xét thấy bị cáo hiện không có việc làm, không có tài sản riêng, đồng thời còn phải bồi thường thiệt hại với số tiền rất lớn cho Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka, do vậy HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

[3] Về trách nhiệm dân sự: buộc bị cáo phải bồi thường cho Công ty cổ phần tập đoàn Hanaka số tiền tương ứng với thiệt hại về tài sản là: 633.436.000 đồng nhưng được khấu trừ vào tiền lương của bị cáo tại công ty là 15.996.730 đồng. Bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường cho công ty số tiền còn lại là: 617.439.270 đồng. [4] Về xử lý vật chứng: đối với 02 chiếc điện thoại đã thu giữ của bị cáo do không liên quan đến hành vi phạm tội nên cần trả lại cho bị cáo nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án. Đối với số tiền 17.700.000đ do bố bị cáo đã nộp tại Cục thi hành án dân sự tỉnh B Ninh để bồi thường khắc phục hậu quả cho bị cáo cần tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

[5] Về án phí: bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Đối với án phí dân sự sơ thẩm, do hoàn cảnh kinh tế gia đình bị cáo rất khó khăn nên HĐXX miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo.

* Liên quan trong vụ án:

Đi với ông Nguyễn Văn B là người lái máy lu của công ty, theo L khai nhận là người được L thông báo việc đổ cát vào máy lu, cũng như thông báo cho L biết việc máy lu bị hỏng khi di chuyển sau này. Nhưng qua đấu tranh xét hỏi và đối chất với L, ông B không thừa nhận do vậy Cơ quan CSĐT không có căn cứ và không xử lý là phù hợp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 4 Điều 178; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54, Điều 38, Điều 48 Bộ luật hình sự; các Điều 357, 584, 585, 589 Bộ luật dân sự; Các Điều 76, 136, 329, 331, 333 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

1. Tuyên bố bị cáo Chu Đức L phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.

2. Hình phạt: Xử phạt bị cáo Chu Đức L 09 (Chín) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam 17/7/2019.

Quyết định tạm giam bị cáo 45 ngày, kể từ ngày tuyên án để đảm bảo thi hành án.

3. Về trách nhiệm dân sự: buộc bị cáo phải bồi thường cho công ty cổ phần tập đoàn Hanaka số tiền: 617.439.270 đồng (Sáu trăm mười bảy triệu bốn trăm ba mươi chín nghìn hai trăm bảy mươi đồng).

Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự, nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

4. Về xử lý vật chứng: tạm giữ số tiền 17.700.000 đồng theo biên lai thu số AA/2014/0001148 ngày 03/3/2020 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh B Ninh để đảm bảo thi hành án; Trả lại cho bị cáo 02 chiếc điện thoại gồm: 01 điện thoại Nokia 105 màu đen, số Imei: 355839094991140 và 01 điện thoại Iphone 6 màu vàng trắng có ốp nhựa màu đen số Imei 355899068021084 nhưng tạm giữ để đảm bảo thi hành án.

5. Về án phí: bị cáo Chu Đức L phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm. Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo.

6. Quyền kháng cáo: bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1006
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 19/2020/HS-ST ngày 06/03/2020 về tội cố ý làm hư hỏng tài sản

Số hiệu:19/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/03/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về