Bản án 16/2019/DS-ST ngày 22/10/2019 về tranh chấp chia thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHONG ĐIỀN, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

BẢN ÁN 16/2019/DS-ST NGÀY 22/10/2019 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ

Từ ngày 18/10/2019 đến ngày 22/10/2019 tại Tòa án nhân dân huyện Phong Điền (số 49 đường Phò Trạch, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 09/2017/TLST-DS ngày 24/4/2017 về việc "Tranh chấp chia di sản thừa kế", theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2019/QĐXX-DS ngày 23 tháng 8 năm 2019 giữa các bên đương sự :

Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Kim H, sinh năm: 1950. Địa chỉ: thôn Đ A, xã P A, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (có mặt).

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị H: Ông Dương Tiến D - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 1 (có mặt);

Bị đơn: Ông Nguyễn P, sinh năm 1961. Địa chỉ: thôn Đ A, xã P A, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (có mặt).

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan :

1. Bà Nguyễn Thị H1, sinh năm 1957; trú tại: Khu phố 1, phường X, thị xã Đ H, tỉnh Quảng Trị (có mặt);

2. Ông Nguyễn H2, sinh năm 1959; trú tại: Thôn Đ A, xã P A, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (có mặt);

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn H2: Ông Hồ Ngọc L - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 1 (có mặt).

3. Bà Nguyễn Thị H3, sinh năm 1968; trú tại: Thôn P T, xã P B, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (có mặt);

4. Bà Phan Thị L, sinh năm 1977; trú tại: Thôn Đ A, xã P A, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (vắng mặt);

5. Chị Nguyễn Thị Kim C, sinh năm 1983; địa chỉ: Thôn 4, xã Đ H, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (vắng mặt);

6. Anh Đặng Phước C1; sinh năm 1982; địa chỉ: Thôn 4, xã Đ H, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (vắng mặt);

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung đơn khởi kiện ngày 21/3/2017 và lời khai ngày 25/5/2017 của bà Nguyễn Thị Kim H: Bố bà Hoa là cụ ông Nguyễn Đ, sinh năm 1928 và chết năm 1966 do ốm đau; mẹ bà Hoa là cụ bà Lê Thị Y, sinh năm 1928 và chết năm 2003 do già yếu. Không để lại di chúc, nên bà H khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ bà Lê Thị Y theo pháp luật.

Bố mẹ bà sinh được 06 người con gồm:

1. Nguyễn Thị Kim H, sinh năm: 1950. Trú tại: thôn Đ A, xã P A, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Bà Nguyễn Thị H1, sinh năm 1957; trú tại: Khu phố 1, phường X, thị xã Đ H, tỉnh Quảng Trị.

3. Ông Nguyễn H2, sinh năm 1959; trú tại: Thôn Đ A, xã P A, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

4. Ông Nguyễn P, sinh năm 1961. Trú tại: thôn Đ A, xã P A, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

5. Ông Nguyễn L, sinh năm 1964 (đã chết năm 1977, do tai nạn bom mìn) không có vợ con.

6. Bà Nguyễn Thị H3, sinh năm 1968; trú tại: Thôn P T, xã P B, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về nguồn gốc thửa đất 134, tờ bản đồ Đ A được Cụ bà Lê Thị Y (mẹ bà H) tạo lập và kê khai với diện tích đất 1.300,0 m2. Năm 2003 bà Y già yếu chết không để lại di chúc. Đến năm 2014, bà H thuộc diện gia đình chính sách được nhà nước hổ trợ để sửa chữa lại ngôi nhà mà bà H đã làm ở tạm từ năm 1987 trên thửa đất này. Bà H đã nhiều lần đề nghị ông P cắt lại một phần đất trên để sinh sống, nhưng ông P không đồng ý, sự việc đã được chính quyền địa phương hòa giải nhiều lần nhưng không thành, vì vậy bà H khởi kiện yêu cầu chia di sản của mẹ mình là thửa đất số 134, tờ bản đồ Đ A, xã P A với diện tích 1.300,0 m2 theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất còn sống gồm 05 người, mỗi người được nhận phần diện tích đất tương ứng (1.300,0 m2/5) = 260 m2.

Phía những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đều có yêu cầu độc lập đứng về phía nguyên đơn là ông Nguyễn H2, bà Nguyễn Thị H1 và bà Nguyễn Thị H3 trình bày: Trước đây cả gia đình chúng tôi gồm có bố mẹ và các anh chị em sống ở Quảng Bình cho đến năm 1955 thì vào sống ở Đông Hà, Quảng Trị. Đến 1974 thì về sinh sống tại thôn Đ A, P A, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bố chúng tôi là Cụ Nguyển Đ, sinh năm 1928, mất năm 1966 tại Đông Hà, Quảng Trị; còn mẹ chúng tôi là Cụ bà Lê Thị Y, sinh năm 1928 cùng với các con vào sinh sống tại thôn Đ A, xã P A từ năm 1974. Mẹ chúng tôi sinh được 06 người con gồm: Nguyễn Thị Kim H, sinh năm 1950, Nguyễn Thị H1, sinh năm 1957, Nguyễn H2, sinh năm 1959, Nguyễn P, sinh năm 1961, Nguyễn L, sinh năm 1964 (chết vào năm 1977, chưa có vợ con) và Nguyễn Thị H3, sinh năm 1968.

Mẹ chúng tôi là bà Lê Thị Y đã tạo lập thửa đất số 134 tại thôn Đ A, xã P A với diện tích 1.300m2 và đã kê khai đăng ký, được thể hiện trong sổ Mục kê và bản đồ địa chính thiết lập theo Chỉ thị 299/1986 của Chính phủ. Do đó, nguồn gốc thửa đất số 134 tờ bản đồ thôn Đ A, xã P A, được hình thành từ năm 1975. Đến năm 2003 thì mẹ chúng tôi (bà Y) chết không để lại di chúc, thời điểm đó vì tình cảm anh chị em nên chúng tôi chưa phân chia di sản của mẹ; Năm 2004 UBND huyện Phong Điền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất đứng tên trong giấy là tên mẹ tôi Lê Thị Y và ông Nguyễn P là không đúng nên UBND huyện đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai.

Nay do có nhu cầu về chổ ở, vì vậy, ông H2, bà H1 và bà H3 yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia di sản thừa kế của bà Y để lại theo pháp luật cho 05 anh chị em đều được hưởng phần di sản là diện tích đất 1.300,0m2/5 = 260,0m2/mi người. Và yêu cầu được hưởng phần di sản bằng hiện vật.

Tại đơn kiến nghị ngày 03/5/2017 và biên bản ghi lời khai ngày 06/6/2017 bị đơn ông Nguyễn P trình bày:

Về nguồn gốc thửa đất số 134, tờ bản đồ Đ A là do ông P và mẹ cụ bà Lê Thị Y tạo lập ở từ năm 1975 đến nay, có diện tích là 1.547,0 m2 đã được UBND huyện Phong Điền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số V316005 vào ngày 02/6/2004. Việc UBND huyện Phong Điền ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên là không đúng.

Theo ông P trước đó bà H lấy chồng và ở trên mãnh đất khác, sau đó bán nhà đất để vào Sài gòn làm ăn sinh sống. Năm 1987 bà H quay trở về và ra Đông Hà sinh sống làm ăn, đến năm 2011 bà Hoa trở vào quê và ông P đã cho bà H ở tạm trên phần đất này, hai bên đã làm giấy thỏa thuận vào ngày 19/8/2004. Bà H cam kết không mua, bán, thế chấp, tặng cho bất cứ một ai, nếu không có sự đồng ý của ông P. Đồng thời các chị em khác đã có chỗ ở khác và không có công sức gì trong việc tạo lập thửa đất kể trên. Do vậy ông không đồng ý việc bà H và những người khác khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Tại biên bản ghi lời khai ngày 12/9/2019 chị Nguyễn Thị Kim C (con ông P) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phí bị đơn trình bày: Chị C là con đẻ của ông Nguyễn P và bà Nguyễn Thị G (đã ly hôn, hiện không rõ tung tích). Bà Nguyễn Thị Kim H, bà Nguyễn Thị H1, ông Nguyễn H2 và bà Nguyễn Thị H3 là anh chị em ruột của bố chị là ông P. Bà Phan Thị L là vợ sau của bố (vợ ông P).

Về nguồn gốc nhà, đất chị C cho rằng khi chị sinh ra thì được biết ông P đã bỏ tiền ra xây ngôi nhà hiện ông P đang sinh sống với cô L và các em cùng cha với chị. Còn về nguồn gốc nhà đất do ông P tạo lập nên các Bác và Cô của chị C không có quyền yêu cầu.

Năm 2007 chị C kết hôn với anh Đặng Phước C1, sinh năm 1982, hiện ở thôn 4, xã Đ H, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Do điều kiện làm ăn sau khi cưới chị C về quê chồng sinh sống và đến khoản giữa năm 2013 vợ chồng chị có xin phép ông P làm một căn nhà cấp 4 với diện tích khoảng 18 m2 phía sau lưng nhà bà H. Về số tiền bỏ ra mua vật liệu xây dựng thì chị không nhớ. Khi làm nhà bố chị có cho một ít vật liệu tre để làm rui mèn đòn tay và phụ công để xây.Về tài sản là ngôi nhà vợ chồng chị xây dựng trên thửa đất của ông P nếu khi Tòa án giải quyết có ảnh hưởng thì chị C yêu cầu người nhận tài sản đó phải bồi hoàn cho vợ chồng chị theo giá trị và theo quy định pháp luật.

Về việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Điền có ý kiến: Quá trình từ khi thụ lý giải quyết vụ án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và các bên đương sự đều chấp hành đúng quy định pháp luật. Việc xác định quan hệ tranh chấp pháp luật của Tòa án đối với vụ án này là đúng thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Trong quá trình thụ lý vụ án tòa án đã triệu tập hợp lệ nhiều lần đối với bà Phan Thị L (vợ ông P), chị Nguyễn Thị Kim C (con riêng ông P) và anh Đặng Phước C1 (con rể ông P) là những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn ông P, nhưng những người này không đến để cung cấp tài liệu chứng cứ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Căn cứ khoản 1 Điều 207 và Điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự, đề nghị Tòa án tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.

Về nội dung giải quyết vụ án: Về nguồn gốc thửa đất tranh chấp là do cụ bà Lê Thị Y khai hoang, sử dụng thửa đất số 134 tại thôn Đ A, xã P A, từ năm 1975. Năm 1987 cụ bà Lê Thị Y đứng tên kê khai đăng ký theo Chỉ thị 299/1986 của Chính phủ với diện tích 1.300m2 được thể hiện trong sổ Mục kê và bản đồ địa chính, là di sản thừa kế chưa chia của cụ Y để lại. Do cụ bà Lê Thị Y, sinh ngày: 01/02/1928 và chết ngày 03/5/2003 không để lại di chúc, nên chia di sản theo pháp luật. Trong đó hàng thừa kế thứ nhất của cụ Y là bà H, bà H1, ông H2, ông P và bà H3. Đồng thời đề nghị chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, có yêu cầu độc lập đứng về phía nguyên đơn. Tuy nhiên cần xem xét về công sức đóng góp của từng người và những tài sản khác gắn liền với đất bị ảnh hưởng khi phân chia di sản thừa kế để đối trừ nghĩa vụ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ thu thập có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; qua ý kiến tranh luận của các bên đương sự. Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng: Sau năm 1975 cụ bà Lê Thị Y khai hoang, sử dụng thửa đất số 134 tại thôn Đ A, xã P A. Năm 1987 cụ bà Lê Thị Y đứng tên kê khai đăng ký theo Chỉ thị 299/1986 của Chính phủ với diện tích 1.300m2 được thể hiện trong sổ Mục kê và bản đồ địa chính. Năm 2003 cụ Y chết không để lại di chúc. Vì vậy bà H, bà H1, ông H2 và bà H3 khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, nên Tòa án căn cứ khoản 5 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự để thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền.

Trong quá trình thụ lý vụ án tòa án đã triệu tập hợp lệ nhiều lần đối với bà Phan Thị L (vợ ông P), chị Nguyễn Thị Kim C (con ông P) và anh Đặng Phước C1 (con rể ông P) là những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn ông P, nhưng những người này không đến để cung cấp tài liệu chứng cứ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Căn cứ khoản 1 Điều 207 và Điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự, nên Tòa án tiếp tục đưa vụ án ra xét xử là đúng quy định pháp luật.

[2] Về đánh giá chứng cứ:

Hi đồng xét xử xét thấy về nguồn gốc thửa đất 134, tờ bản đồ Đ A, do cụ bà Lê Thị Y khai hoang canh tác từ tháng 6/1975 và kê khai đăng ký từ năm 1987 theo Chỉ thị 299/1986 của Chính phủ với diện tích 1.300,0 m2 được thể hiện trong sổ Mục kê và bản đồ địa chính. Tại thời điểm khai hoang từ tháng 6/1975 thì các người con là bà H1, ông H2, ông P và bà H3 đều đang chung sống với cụ Y. Bà H1 đến năm 1979 mới đi lấy chồng ở thành phố Đông Hà; ông H2 đến năm 1978 bị tai nạn bom mìn, nhưng vẫn sinh sống từ đó đến nay; bà H3 đến năm 1999 mới lập gia đình ở xã P B; đối với ông P có thời gian đi bộ đội từ năm 1984 đến 1986 mới xuất ngũ. Tiếp đó vào năm 2001 cụ Y đã làm đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến ngày 02/6/2004 UBND huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số V 316005 cho cụ Y và ông Nguyễn P thửa đất số 134 tại thôn Đ A, xã P A, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế,với diện tích 1.547,0 m2 (trong đó đất ở là 400,0 m2; đất vườn 1.147,0 m2).

Đến ngày 30/10/2015 UBND huyện Phong Điền đã ban hành Quyết định số: 6473/QĐ-UBND về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Lý do việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng theo quy định của pháp luật về đất đai vì quá trình cấp Giấy chứng nhận diễn ra từ năm 2001 đến 2004 và tại thời điểm cấp giấy thì bà Lê Thị Y đã chết năm 2004. Tại thời điểm cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Lê Thị Y và con là ông Nguyễn P thì trên thửa đất đã hình thành tài sản của bà Nguyễn Thị Kim H.

Tại công văn số 84/TNMT-ĐĐ ngày 23/7/2018 và công văn số 127/PTNMT- ĐĐ ngày 28/12/2018 của phòng Tài nguyên và môi trường UBND huyện Phong Điền điều khẳng định thửa đất số 134, tờ bản đồ Đ A có đủ điều kiện theo Điều 101 Luật đất đai năm 2013 và Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên vào năm 2013, UBND huyện Phong Điền có chủ trương thu hồi đất mở rộng Quốc lộ 1A theo Quyết định số: 5870/QĐ-UBND ngày 15/11/2015 đã thu hồi một phần diện tích của thửa đất số 134 là 67,5 m2. Như vậy phần di sản của cụ bà Lê Thị Y để lại là 1574,0 m2 – 67,5 m2 = 1506,5 m2. Nên có thể khẳng định thửa đất 134 thuộc tờ bản đồ Đ A là di sản thừa kế chưa chia của cụ Y để lại. Do cụ bà Lê Thị Y, sinh ngày: 01/02/1928 và chết ngày 03/5/2003 không để lại di chúc, nên cần xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Y được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật gồm:

Chồng cụ Y là cụ ông Nguyễn Đ, sinh năm 1928 và chết ngày 18/4/1966 do cụ Đ chết trước thời điểm cụ Y tạo lập di sản, nên không được hưởng.

Cụ Y sinh được 06 người con là:

1. Nguyễn Thị Kim H, sinh năm: 1950. Trú tại: thôn Đ A, xã P A, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Bà Nguyễn Thị H1, sinh năm 1957; trú tại: Khu phố 1, phường X, thị xã Đ H, tỉnh Quảng Trị.

3. Ông Nguyễn H2, sinh năm 1959; trú tại: Thôn Đ A, xã P A, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

4. Ông Nguyễn P, sinh năm 1961. Trú tại: thôn Đ A, xã P A, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

5. Ông Nguyễn L, sinh năm 1964 (đã chết năm 1977, do tai nạn bom mìn) không có vợ con.

6. Bà Nguyễn Thị H3, sinh năm 1968; trú tại: Thôn P T, xã P B, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Căn cứ Điều 613 và Điểm a khoản 1 Điều 651 của Bộ luật dân sự nên hàng thừa kế của cụ Y gồm có 05 người con là: Bà Nguyễn Thị Kim H; bà Nguyễn Thị H1; ông Nguyễn H2; ông Nguyễn P và bà Nguyễn Thị H3.

Tại phiên tòa ông Nguyễn P trình bày nguồn gốc thửa đất kể trên là do ông tạo lập cùng với mẹ mình là cụ bà Lê Thị Y từ tháng 6/1975 và tự mình bỏ tiền của ra xây dựng ngôi nhà chính, nhà phụ hiện ông đang sử dụng, đồng thời ông là người trực tiếp chăm sóc cụ Y đến khi cụ Y chết năm 2003 do vậy ông yêu cầu chỉ chia một nữa diện tích phần di sản của cụ Y để lại cho cả 05 anh chị em. Nhưng không có căn cứ như đã viện dẫn về phần nguồn gốc di sản kể trên.

Tại phiên tòa bà H, bà H1, ông H2 và bà H3 thừa nhận việc tôn tạo, duy tu thửa đất này là có một phần công sức đóng góp của ông P. Đồng thời để đảm bảo tình cảm anh chị em ruột thịt về lâu dài sau này, nên thống nhất và đề nghị phân chia di sản theo bản vẽ trích đo địa chính thửa đất ngày 19/6/2019 như sau: cắt một phần đất phía trước của thửa đất 134, có mặt tiền giáp Quốc lộ 1A chiều dài là 34,73 m; chiều sâu kéo từ QL 1A vào trong thửa đất 134 ở phía Đông, liền kề thửa đất của ông Nguyễn Đình C2 là 18,31 m; chiều ngang phía sau (phía Bắc) lấy từ mốc M9 và M8 kéo thành đoạn thẳng giáp với cạnh dài (phía Tây) của thửa 134 và chia 05 phần tương đối bằng nhau và mỗi người đều được chia phần diện tích đất ở bằng nhau (400,0 m2: 5) = 80,0 m2 đất ở trong phần di sản được chia. Phần diện tích còn lại có phần tài sản gắn liền đất do ông P đang quản lý sử dụng đều giao lại cho ông P. Bà H, bà H1, ông H2 và bà H3 tự nguyện thỏa thuận mỗi người bồi thường phần tài sản gắn liền đất bị ảnh hưởng do phân chia là ngôi nhà cấp 4 của vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim C và phần tài sản là 04 cây xoan do ông P trồng theo quy định pháp luật.

[3] Về nội dung giải quyết vụ án:

Xét yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của nguyên đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, có yêu cầu độc lập đứng về phía nguyên đơn là có căn cứ vừa phù hợp quy định pháp luật, vừa phù hợp với đạo đức phong tục tập quán của địa phương, do đó cần được chấp nhận. Nên Hội đồng xét xử phân chia như sau: bà Nguyễn Thị Kim H được hưởng phần di sản thừa kế là (lô 1) có diện tích 116,6 m2; ông Nguyễn H2 được hưởng phần di sản thừa kế là (lô 2) diện tích 123,0 m2; bà Nguyễn Thị H1 được hưởng phần di sản thừa kế là (lô 3) diện tích 127,6 m2; bà Nguyễn Thị H3 được hưởng phần di sản thừa kế là (lô 4) diện tích 131,7 m2 và ông Nguyễn P được hưởng phần di sản thừa kế là (lô 5) 136,2 m2 cùng phần diện tích còn lại (lô 6) diện tích 844,4 m2 (có phần tài sản gắn liền đất do ông P đang quản lý sử dụng). Tổng diện tích ông Nguyễn P được chia là: (136,2 m2 + 844,4 m2) = 980,6 m2. Mỗi người đều được giao một phần diện tích đất là 80,0 m2 đất ở trong phần di sản được chia. Bà H, ông H2, bà H1, ông P và bà H3 có nghĩa vụ liên hệ cơ quan có thẩm quyền để kê khai đăng ký quyền sở hữu đất ở, nhà ở theo quy định pháp luật (có trích thửa đo vẽ kèm theo).

Căn cứ biên bản định giá tài sản ngày 19/6/2019 và kết luận định giá tài sản tranh chấp ngày 05/7/2019 của Hội đồng định giá tài sản. Buộc bà H, bà H1, ông H2 và bà H3 mỗi người bồi thường phần tài sản gắn liền đất bị ảnh hưởng cho vợ chồng chị C là (40.333.624 đồng: 4) = 10.083.406 đồng/người (làm tròn số: 10.083.500 đồng/người); Phần tài sản là 04 cây xoan do ông P trồng theo là (87.900 đồng: 4) = 21.975 đồng/người (làm tròn số: 22.000 đồng/người).

Riêng phần tài sản là ngôi nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Kim H cũng bị ảnh hưởng khi phân chia di sản thừa kế, tuy nhiên quá trình giải quyết và tại phiên tòa bà H không yêu cầu, nên Hội đồng xét xử không xét. Đối với phần lối đi vào nhà ông P từ ngoài Quốc lộ 1A vào nhà là đoạn đường đất (lối mòn tự tạo trong quá trình sử dụng), mặt khác ông P cũng có thể tạo lối đi khác từ phần diện tích đất được chia để đi vào, nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[4] Về chi phí thẩm định, định giá: Bà Nguyễn Thị Kim H đã tạm nộp chi phí 1.500.000 đồng, đã chi phí hết, nay bà H không yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không xét.

[5] Về án phí dân sự sơ thẩm: Căn cứ biên bản định giá tài sản ngày 19/6/2019 và kết luận định giá tài sản tranh chấp ngày 05/7/2019 của Hội đồng định giá tài sản.

- Bà Nguyễn Thị Kim H phải chịu án phí {[( phần di sản được hưởng 116,6 m2 x 800.000 đồng) = 93.280.000 đ] x 5% = 4.664.000 đồng + [phần án phí bồi thường (10.083.500 + 22.000 đồng)] x 5% = 505.275 đồng} = (4.664.000 đồng + 505.275 đồng) = 5.169.000 đồng (đã làm tròn số). Do bà H thuộc hộ nghèo nên căn cứ điểm đ, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016, nên bà H được miễm nộp án phí.

- Bà Nguyễn Thị H1 phải chịu án phí {[( phần di sản được hưởng 127,6 m2 x 800.000 đồng) = 102.080.000 đ] x 5% = 5.104.000 đồng + [phần án phí bồi thường (10.083.500 + 22.000 đồng) x 5%] = 505.275 đồng} = (5.104.000 đồng + 505.275 đồng) = 5.609.000 đồng (đã làm tròn số). Bà H1 đã nộp tạm ứng án phí là 2.600.000 đồng theo biên lai số 001339 ngày 25/7/2017, nên được trừ vào tiền án phí (5.609.000 đồng – 2.600.000 đồng) = 3.009.000 đồng. Nên buộc bà H1 phải nộp thêm số tiền 3.009.000 đồng án phí.

- Ông Nguyễn H2 phải chịu án phí {[( phần di sản được hưởng 123.0 m2 x 800.000 đồng) = 98.400.000 đ] x 5% = 4.920.000 đồng + [phần án phí bồi thường (10.083.500 + 22.000 đồng)] x 5% = 505.275 đồng} = (4.920.000 đồng + 505.275 đồng) = 5.425.000 đồng (đã làm tròn số). Do ông H2 thuộc diện tàn tật nên căn cứ điểm đ, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016, nên ông H2 được miễn nộp án phí.

- Bà Nguyễn Thị H3 phải chịu án phí {[( phần di sản được hưởng 131,7 m2 x 800.000 đồng) = 105.360.000 đ] x 5% = 5.268.000 đồng + [phần án phí bồi thường (10.083.500 + 22.000 đồng)] x 5% = 505.275 đồng} = (5.268.000 đồng + 505.275 đồng) = 5.773.000 đồng (đã làm tròn số). Do bà H3 thuộc hộ nghèo nên căn cứ điểm đ, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016, nên bà H3 được miễm nộp án phí.

- Ông Nguyễn P phải chịu án phí {[( phần di sản được hưởng 980.6 m2 x 800.000 đồng) = 784.480.000 đ] = 20.000.000 đồng + (384.480.000 x 4% = 15.379.200 đ) = 35.379.000 đồng (đã làm tròn số). vì vậy buộc ông P phải nộp số tiền 35.379.000 đồng án phí.

Từ những nhận xét trên Hội đồng xét xử.

QUYẾT ĐỊNH

- Áp dụng Điều 613; Điểm a khoản 1 Điều 651; Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Áp dụng khoản 1, Điều 100; Điều 101; Điều 202 và khoản 1 Điều 203 Luật đất đai năm 2013;

- Căn cứ khoản 5 Điều 26; Điều 35; Điều 147; khoản 1 Điều 207 và Điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Căn cứ điểm đ, khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Kim H và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, có yêu cầu độc lập đứng về phía nguyên đơn là bà Nguyễn Thị H1, ông Nguyễn H2 và bà Nguyễn Thị H3. 1. Phân chia phần di sản chia của cụ bà Lê Thị Y để lại là thửa đất 134, thuộc tờ bản đồ Đ A, có diện tích 1506,5 m2 (trong đó có 400,0 m2 đất ở; 1.106,5 m2 đất vườn) cho hàng thừa kế thứ nhất của cụ Y theo phần:

- Bà Nguyễn Thị Kim H được hưởng phần di sản thừa kế là (lô 1) có diện tích 116,6 m2;

- Ông Nguyễn H2 được hưởng phần di sản thừa kế là (lô 2) có diện tích 123,0 m2;

- Bà Nguyễn Thị H1 được hưởng phần di sản thừa kế là (lô 3) có diện tích 127,6m2;

- Bà Nguyễn Thị H3 được hưởng phần di sản thừa kế là (lô 4) có diện tích 131,7 m2;

- Ông Nguyễn P được hưởng phần di sản thừa kế là (lô 5) có diện tích 136,2 m2 cùng phần nhà, đất còn lại (lô 6) diện tích 844,4 m2 (có phần tài sản gắn liền đất do ông P đang quản lý sử dụng). Tổng diện tích ông Nguyễn P được hưởng là: (136,2 m2 + 844,4 m2) = 980,6 m2.

Mỗi người (Bà H, ông H2, bà H1, ông P và bà H3) đều được giao một phần diện tích đất là 80,0 m2 đất ở trong phần di sản được chia. Bà H, ông H2, bà H1, ông P và bà H3 có nghĩa vụ liên hệ cơ quan có thẩm quyền để kê khai đăng ký quyền sở hữu đất ở, nhà ở theo quy định pháp luật (có trích thửa đo vẽ kèm theo).

2. Buộc bà Nguyễn Thị Kim H, bà Nguyễn Thị H1, ông Nguyễn H2 và bà Nguyễn Thị H3 mỗi người phải bồi thường phần tài sản gắn liền đất bị ảnh hưởng cho vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim C là 10.083.500 đồng/người (Mười triệu không trăm tám mươi ba ngàn năm trăm đồng); Buộc bà Nguyễn Thị Kim H, bà Nguyễn Thị H1, ông Nguyễn H2 và bà Nguyễn Thị H3 mỗi người bồi thường tài sản (04 cây Xoan) cho ông Nguyễn P là 22.000 đồng/người (Hai mươi hai ngàn đồng).

Kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản tiền lãi tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, được bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự năm 2014, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự và Điều 7a, 7b Luật sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự năm 2014; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

3. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Bà Nguyễn Thị Kim H được miễm nộp tiền án phí theo qui định pháp luật.

- Ông Nguyễn H2 được miễm nộp tiền án phí theo qui định pháp luật.

- Bà Nguyễn Thị H3 được miễm nộp tiền án phí theo qui định pháp luật.

- Buộc bà Nguyễn Thị H1 phải nộp thêm số tiền 3.009.000 đồng án phí theo qui định pháp luật.

- Buộc Ông Nguyễn P phải nộp số tiền 35.379.000 đồng án phí theo qui định pháp luật.

Án xử công khai báo cho nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và có yêu cầu độc lập có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

344
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 16/2019/DS-ST ngày 22/10/2019 về tranh chấp chia thừa kế

Số hiệu:16/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phong Điền - Thừa Thiên Huế
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/10/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về