Bản án 16/2018/DS-PT ngày 07/02/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (do sức khỏe bị xâm phạm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 16/2018/DS-PT NGÀY 07/02/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG (DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM

Trong các ngày 01, 07 tháng 02 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án Dân sự thụ lý số: 116/2017/TLPT-DS ngày 02/11/2017 về việc: “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (do sức khỏe bị xâm phạm)”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2017/DS-ST ngày 19/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã P bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 130/2017/QĐ-PT ngày 19 tháng 12 năm 2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Dương Công T, sinh năm 1957 (đã chết).

Bà Đào Thị Hồng C, sinh năm 1960 (Có mặt).

Cùng địa chỉ: Khu phố Bình Giang 1, phường S, thị xã P, tỉnh Bình Phước.

Người thừa kế quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn ông Dương Công T:

1. Bà Trần Thị N, sinh năm 1939 (Vắng mặt).

2. Bà Đào Thị Hồng C, sinh năm 1960 (Có mặt).

3. Bà Dương Thị Thanh T, sinh năm 1984 (Có mặt).

4. Bà Dương Thị Ánh Đ, sinh năm 1989 (Vắng mặt).

5. Bà Dương Thị Hà T, sinh năm 1993 (Vắng mặt).

Cùng địa chỉ: Khu phố Bình Giang 1, phường S, thị xã P, tỉnh Bình Phước.

Đại diện theo ủy quyền của bà Trần Thị N, bà Dương Thị Ánh Đ, bà Dương Thị Hà T là bà Dương Thị Thanh T (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Đào Thị Hồng C là Luật sư Trần Quốc V, Luật sư của Công ty luật TNHH MTV C – Thuộc đoàn luật sư tỉnh Bình Phước (Có mặt).

Địa chỉ: Đường H, phường T, thị xã Đ, tỉnh Bình Phước.

2. Bị đơn: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1969 (Có mặt).

Địa chỉ: Khu phố 3, phường T, Thị xã P, tỉnh Bình Phước.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn bà Nguyễn Thị H là Luật sư Nguyễn Thị Q - Luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt).

Địa chỉ: Công ty luật H số 23/2/8A đường 27, khu phố 9, phường H, quận T, thành phố Hồ Chí Minh.

3. Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T và bị đơn bà Nguyễn Thị H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 03/5/2007 của ông Dương Công T và bà Đào Thị Hồng C, đơn thay đổi và bổ sung yêu cầu khởi kiện đề ngày 02/6/2016 của những người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông Dương Công T, lời khai của bà Đào Thị Hồng C – Đại diện nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa:

Ngày 08/9/2001, bà Nguyễn Thị H không có giấy phép lái xe điều khiển phương tiện giao thông là xe môtô Dream Trung Quốc, biển kiểm soát 93F1-6577 gây tai nạn giao thông cho ông Dương Công T. Tại biên bản giám định pháp y ngày 08/4/2002 của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Bình Phước kết luận ông Dương Công T mất 94% sức lao động. Tại Bản án phúc thẩm số 522/HSPT ngày 23/3/2005 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 180/HSST ngày 02/11/2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, buộc bà Nguyễn Thị H phải bồi thường cho ông Dương Công T với tổng số tiền là 89.761.726 (Tám mươi chín triệu bảy trăm sáu mươi mốt nghìn bảy trăm hai mươi sáu) đồng. Theo đơn khởi kiện ngày 03/5/2007, ông Dương Công T khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Thị H tiếp tục bồi thường cho ông chi phí điều trị và các chi phí phát sinh kể từ ngày 02/11/2004 đến ngày 31/3/2007 với số tiền là 88.142.000 đồng.

Trong quá trình Tòa án nhân dân thị xã P xem xét giải quyết vụ án, ngày 08/5/2016 ông Dương Công T chết, những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Dương Công T thống nhất thay đổi một phần nội dung khởi kiện của đơn khởi kiện ngày 03/5/2007. Cụ thể, rút yêu cầu về tiền thuốc điều trị cho ông Dương Công T sau khi ông Dương Công T bị tai nạn, đồng thời yêu cầu bà Nguyễn Thị H có trách nhiệm bồi thường các khoản sau:

1. Yêu cầu bà Nguyễn Thị H phải thanh toán số tiền công lao động cho bà Đào Thị Hồng C hàng ngày phải chăm sóc cho ông Dương Công T, thời gian từ ngày 23/04/2004 đến ngày 08/05/2016, mỗi ngày theo công lao động thực tế thời điểm này là 200.000đ/1ngày, 1 tháng 30 ngày công.

2. Tiền ăn của ông Dương Công T, thời gian tính từ ngày 23/04/2004 đến ngày 08/05/2016, mỗi ngày ăn 3 buổi là 100.000đ/ngày, 1 tháng 30 ngày.

3. Tiền tổn thất tinh thần của người thân 60 tháng nhận theo mức lương tối thiểu 1.120.000 đồng.

Số tiền cụ thể như sau:

Số tiền công lao động cho người chăm sóc: 951.600.000 đồng.

Tiền ăn của ông Dương Công T: 475.800.000 đồng.

Tiền tổn thất tinh thần của người thân: 72.600.000 đồng.

Tổng cộng các khoản: 1.500.000.000 đồng (Một tỷ năm trăm nghìn đồng).

Tại bản tự khai và trong quá trình xét xử sơ thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn là bà Nguyễn Thị Q trình bày:

Bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì các lý do sau đây:

- Về thời hiệu khởi kiện: Quyền khởi kiện của nguyên đơn trong trường hợp này là 02 năm được bắt đầu tính từ ngày 01/01/2005 và thời hạn 02 năm kết thúc vào ngày 30/12/2006. Tuy nhiên, đến ngày 03/05/2007 nguyên đơn mới nộp đơn khởi kiện (sau ngày 30/12/2006) là đã quá thời hạn hai năm nên nguyên đơn mất quyền khởi kiện.

-Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại các khoản theo yêu cầu của nguyên đơn:

1. Bị đơn là bà Nguyễn Thị H không có lỗi trong việc làm cho ông Dương Công T bị liệt phải nằm một chỗ, căn cứ vào: Nội dung xác định trong Giấy chứng nhận bị thương số 01/GCN-BT của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước ngày 16/12/1999 với nội dung xác nhận: Có vết thương “bị gãy 1/3 xương đùi phải, một mảng đạn vào đầu, một mảng đạn ở bụng” và Biên bản giám định thương tật số 111/2000/GĐYK ngày 22/06/2000 (trước thời điểm xảy ra va chạm giữa bà Nguyễn Thị H và ông Dương Công T) của Hội đồng y khoa Quân khu 7 thì ông Dương Công T có các vết thương gồm:

“VT vùng chậu, VT thấu bụng, gãy xương đòn” 

Kết quả khám bệnh: “VT thấu bụng có biến chứng xa tắc ruột cơ học VT liên sườn VIII, đường nách giữa sẹo lồi xấu VTPM xương đòn phải, VTPM vùng chậu suy nhượng thần kinh”

Trước khi bị tai nạn, ông Dương Công T là thương binh mất sức lao động 61%, căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư Số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 09 năm 2013 nội dung “Tổng tỷ lệ phần trăm (%) tổn thương cơ thể của một người không được vượt quá 100%”, ông Dương Công T có nhiều thương tật dẫn đến việc bị liệt cũng như sự thừa nhận của nguyên đơn về việc một người không thể có hơn 100% tỷ lệ tổn thương cơ thể cho thấy việc nguyên đơn khởi kiện nhưng không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của bị đơn và việc nguyên đơn bị liệt là kết quả tất yếu nên việc yêu cầu bị đơn chi trả các khoản tiền công chăm sóc, tiền ăn và tổn thất tinh thần là không đủ cơ sở về mặt pháp lý.

2. Theo đại diện nguyên đơn trình bày trước thời điểm xảy ra tai nạn giao thông, ông Dương Công T là thương binh mất sức lao động 61% đã được hưởng trợ cấp mất sức một lần do Nhà nước chi trả và hàng tháng ông được hưởng tiền trợ cấp thương binh nên khoản thu nhập này trước hay sau khi bị tai nạn đều không thể giảm sút. Đối với người chăm sóc người bị hại là bà Đào Thị Hồng C tại phiên tòa hôm nay cũng xác định trong gia đình chỉ mình bà là người chăm sóc ông Dương Công T, ngoài việc chăm sóc ông Dương Công T bà vẫn kinh doanh buôn bán tại nhà là mở quán bán cà phê và nước mía với thu nhập mỗi ngày khoảng 400.000 đồng và có những thời gian bà bán cả bún riêu để có thêm thu nhập. Điều này cho thấy bà Đào Thị Hồng C không phải sử dụng toàn bộ thời gian để chăm sóc ông Dương Công T. Việc bà Đào Thị Hồng C yêu cầu bị đơn bồi thường tiền công người chăm sóc cho ông Dương Công T với mức 200.000 đồng/1 ngày đối với toàn thời gian 30 ngày/1 tháng là hoàn toàn không có cơ sở theo quy định của pháp luật, nên nguyên đơn không có căn cứ để yêu cầu bà Nguyễn Thị H phải bồi thường tiền công lao động của người chăm sóc và tiền ăn hàng ngày của ông Dương Công T.

3. Ông Dương Công T đã chết ngày 08/5/2016 nên bà Đào Thị Hồng C không còn quyền khởi kiện, bản thân bà Đào Thị Hồng C không được quyền khởi kiện đối với quan hệ đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe ông Dương Công T bị xâm phạm, mặt khác giấy ủy quyền ngày 03/5/2007 của ông Dương Công T không có nội dung ủy quyền cho bà Đào Thị Hồng C thay mặt ông Dương Công T khởi kiện và từ thời điểm ông Dương Công T chết thì giấy ủy quyền cũng hết hiệu lực.

Bị đơn bà Nguyễn Thị H: Thống nhất với lời trình bày của bà Nguyễn Thị Q -

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2017/DS-ST ngày 19/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã P đã quyết định:

[1] Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu bà Nguyễn Thị H bồi thường tiền thuốc điều trị và tiền mua đệm nước cho ông Dương Công T sau khi ông Dương Công T bị tai nạn.

[2] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Đào Thị Hồng C và ông Dương Công T (Những người thừa kế của ông Dương Công T là bà Trần Thị N, bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T, bà Dương Thị Ánh Đ, bà Dương Thị Hà T).

Buộc bà Nguyễn Thị H phải bồi thường cho bà Đào Thị Hồng C số tiền 155.466.667 đồng.

Buộc bà Nguyễn Thị H phải bồi thường cho những người thừa kế của ông Dương Công T là bà Trần Thị N, bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T, bà Dương Thị Ánh Đ, bà Dương Thị Hà T số tiền 202.533.333 đồng.

Tổng cộng bà Nguyễn Thị H phải bồi thường cho bà Đào Thị Hồng C và những người thừa kế của ông Dương Công T là bà Trần Thị N, bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T, bà Dương Thị Ánh Đ, bà Dương Thị Hà T số tiền là 358.000.000 (Ba trăm năm mươi tám triệu) đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo luật định.

Ngày 04/10/2017, nguyên đơn bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T kháng cáo đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước sửa bản án sơ thẩm buộc bà Nguyễn Thị H bồi thường cho gia đình bà Đào Thị Hồng C tổng số tiền 1.500.000.000 đồng.

Ngày 03/10/2017, bị đơn bà Nguyễn Thị H kháng cáo đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước sửa bản án sơ thẩm theo hướng đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì hết thời hiệu khởi kiện.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước phát biểu:

Về việc tuân theo pháp luật: Kể từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm xét xử phúc thẩm, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c, khoản 1, Điều 289; khoản 2, Điều 308 BLTTDS; Điều 309 BLTTDS năm 2015: Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T sửa bản án dân sự sơ thẩm. Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị H.

Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án dân sự sơ thẩm theo hướng buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn tổng số tiền 844.200.000 đồng.

Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử sửa Bản án dân sự sơ thẩm theo hướng đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì hết thời hiệu khởi kiện.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, trên cơ sở xem xét đầy đủ những tài liệu, chứng cứ được thẩm vấn công khai các đương sự tại phiên toà, kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên và của các đương sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 [1] Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay nguyên đơn bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T rút một phần yêu cầu kháng cáo, cụ thể nguyên đơn rút yêu cầu buộc bị đơn bồi thường số tiền thu nhập mà bà Đào Thị Hồng C bị mất do chăm sóc ông Dương Công T, tiền bồi dưỡng sức khỏe cho ông Dương Công T tổng số tiền là 655.800.000 đồng. Xét thấy, việc rút một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn là tự nguyện không trái với quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử, căn cứ điểm c, khoản 1, Điều 289 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 đình chỉ một phần kháng cáo của nguyên đơn bà Đào Thị Hồng C, bà Thảo đối với số tiền 655.800.000 đồng.

[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị đơn bà Nguyễn Thị H phải bồi thường cho nguyên đơn tổng số tiền 844.200.000 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy:

[2.1] Về căn cứ xác định lỗi phải bồi thường: Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Bản án Hình sự sơ thẩm số 180/2004/HS-ST ngày 02/11/2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước và Bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao số 522/2005/HS-PT ngày 23/3/2005 xác định vụ tai nạn giao thông giữa bà Nguyễn Thị H và ông Dương Công T lỗi chính là do bà Nguyễn Thị H điều khiển phương tiện giao thông không đúng quy định, dẫn đến việc ông Dương Công T bị tổn thất về sức khỏe. Tuy nhiên do ông Dương Công T cũng có một phần lỗi nên ông Dương Công T chịu 1/3 tổng thiệt hại, bà Nguyễn Thị H chịu 2/3 tổng thiệt hại. Điều 609 BLDS năm 1995 quy định “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, của cá nhân thì phải bồi thường”. Tại bản án Hình sự sơ thẩm số 180/2004/HS- ST ngày 02/11/2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã giải quyết vấn đề bồi thường từ ngày xảy ra tai nạn đến ngày 02/11/2004. Nguyên đơn yêu cầu bồi thường tổng số tiền là 1,5 tỷ với mốc thời gian từ ngày 23/04/2004 đến ngày 08/05/2016 (Ngày ông Dương Công T chết) là không chính xác. Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết yêu cầu bồi thường với mốc thời gian từ ngày 03/11/2004 đến ngày 08/5/2016 (Ngày ông Dương Công T chết) là phù hợp với quy định tại điểm a, mục 4, phần II Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng “Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền bồi thường cho đến khi chết”.

[2.2] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bà Nguyễn Thị H bồi thường cho gia đình ông Dương Công T, bà Đào Thị Hồng C thu nhập mà bà Đào Thị Hồng C (vợ ông Dương Công T) bị mất 410.000.000 đồng vì phải ở nhà chăm sóc cho ông Dương Công T do ông Dương Công T bị tai nạn nằm liệt một chỗ. Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Dương Công T trước khi bị tại nạn là thương binh hạng 2/4, tỷ lệ thương tật mất 61% sức khỏe, ông Dương Công T vẫn tự chăm sóc bản thân, tham gia sinh hoạt tại địa phương và phụ giúp việc nhà, tai nạn xảy ra vào năm 2001 khiến ông Dương Công T mất 94% sức lao động, tất cả sinh hoạt ăn uống hàng ngày đều cần có người trực tiếp chăm sóc. Theo Nghị quyết số 01/2004/NQ- HĐTP thì bà Nguyễn Thị H phải có trách nhiệm bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc ông Dương Công T gồm chi phí hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí người chăm sóc người bị thiệt hại.

Tại biên bản xác minh của Tòa án cấp sơ thẩm (Bút lục 464) ngày 01/3/2017 tại Ủy ban nhân dân phường S, thị xã P thì trước khi bị tai nạn giao thông ông Dương Công T vẫn có thể đi lại sinh hoạt tại địa phương, lao động phụ giúp việc gia đình bình thường. Mặc dù thu nhập không ổn định nhưng cũng đảm bảo việc ông Dương Công T có thể tự chăm sóc cho bản thân và có thể góp sức cùng bà Đào Thị Hồng C lo cho kinh tế gia đình. Tai nạn giao thông xảy ra khiến ông Dương Công T mất 94% sức lao động và cần người chăm sóc, trên thực tế điều này đã dẫn đến việc ông Dương Công T từ một người còn sức khỏe lo cho gia đình trở thành một người không còn khả năng lao động, không thể tự chăm sóc bản thân, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người khác, dẫn đến bà Đào Thị Hồng C - vợ ông Dương Công T buộc phải dành một phần thời gian ở bên cạnh ông Dương Công T hàng ngày để có thể chăm sóc chồng, ảnh hưởng đến kinh tế, cuộc sống và tinh thần của các thành viên gia đình. Do đó, cần xem xét giải quyết yêu cầu của bà Đào Thị Hồng C về việc yêu cầu bà Nguyễn Thị H có trách nhiệm bồi thường một phần thu nhập bị mất của bà Đào Thị Hồng C trong thời gian chăm sóc ông Dương Công T để đảm bảo quyền lợi cho bà Đào Thị Hồng C.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định từ năm 2004 đến năm 2011 ngày công lao động phổ thông bình quân tại địa phương có sự thay đổi thành 3 giai đoạn (theo Biên bản xác minh ngày 01/3/2017 (BL465) thể hiện tiền công lao động phổ thông bình quân tại địa phương từ năm 2004 đến 2006 là 100.000 đồng/ngày. Từ 2007 đến 2014 là 150.000 đồng/ngày, từ năm 2015 đến 2016 là 200.000 đồng/ngày. Đây là mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người già/trẻ em tại địa phương). Mặt khác, bà Đào Thị Hồng C cho rằng sau khi ông Dương Công T bị tai nạn đến nay, bà Đào Thị Hồng C kinh doanh buôn bán tại nhà để tiện chăm sóc ông Dương Công T. Ông Dương Công T nằm liệt không hoàn toàn chiếm hết thời gian trong ngày của bà Đào Thị Hồng C. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà Nguyễn Thị H bồi thường một khoản tiền hợp lý cho bà Đào Thị Hồng C trong việc chăm sóc ông Dương Công T theo mức bằng 1/2 tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người già/trẻ em tại địa phương, cụ thể: từ năm 2004 đến 2006 là 50.000 đồng/ngày, từ năm 2007 đến năm 2014 là 75.000 đồng/ngày và năm 2015 đến năm 2016 là 100.000 đồng/ngày. Xác định 01 tháng sẽ được tính 25 ngày lao động. Tòa án cấp sơ thẩm xác định tổng thu nhập thực tế mà bà Đào Thị Hồng C bị mất từ ngày 03/11/2004 đến ngày 08/5/2016 là 233.200.000 đồng là hoàn toàn phù hợp đúng quy định pháp luật (2/3 tổng thiệt hại của 233.200.000 đồng = 155.466.667 đồng). Do đó, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn về phần này không được chấp nhận.

[2.3] Xét kháng cáo của nguyên đơn yêu cầu Tòa án buộc bị đơn bồi thường tiền bồi dưỡng sức khỏe cho ông Dương Công T 410.000.000 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy, theo quy định tại tiểu mục 1.1 mục 1 phần II Nghị quyết 01/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thì dựa theo chỉ định của Bác sĩ để xác định mức chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; bà Đào Thị Hồng C - Đại diện nguyên đơn thừa nhận bà đưa ra mức yêu cầu là 100.000 đồng/ngày dựa trên trung bình chi phí mà gia đình bà chi trả cho 03 bữa ăn/ngày và tiền sữa để bồi dưỡng cho ông Dương Công T mỗi ngày không theo một chỉ định y khoa nào mà chỉ dựa vào kinh tế của gia đình tùy từng giai đoạn để có thể bồi dưỡng cho ông Dương Công T một cách tốt nhất. Xét thấy, việc ông Dương Công T từ một người còn sức khỏe trở thành người không còn khả năng lao động, nằm liệt một chỗ thì cần phải có chế độ dinh dưỡng tốt hơn bình thường để có thể giảm bớt phần nào những đau đớn do vết thương gây nên để hồi phục hồi sức khỏe. Vì vậy, yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường chi phí cho việc ăn uống, bồi dưỡng cho ông Dương Công T hàng ngày là phù hợp. Tuy nhiên, mức yêu cầu tính 100.000 đồng/ngày cho khoản thiệt hại này là chưa phù hợp vì giá cả thay đổi nhiều từ năm 2004 đến 2016 nên cần xét lại mức chi phí ăn uống của ông Dương Công T mỗi ngày bằng 1/2 tiền công lao động phổ thông bình quân tại địa phương. Cụ thể, từ năm 2004 đến 2006 là 50.000đồng/ngày, từ năm 2007 đến năm 2014 là 75.000 đồng/ngày và năm 2015 đến năm 2016 là 100.000 đồng/ngày, 01 tháng được tính là 30 ngày.

 Tòa án cấp sơ thẩm xác định chi phí cho việc ăn uống, bồi dưỡng sức khỏe của ông Dương Công T từ ngày 03/11/2004 đến ngày 08/5/2016 là 279.600.000 đồng là phù hợp đúng quy định pháp luật (2/3 của 279.600.000 đồng là 186.400.000 đồng). Do đó, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn về phần này không được chấp nhận.

[2.4] Đối với kháng cáo về tiền bồi thường tổn thất tinh thần: Ông Dương Công T bị tai nạn dẫn đến phải nằm liệt một chỗ kéo dài nhiều năm, không thể sinh hoạt bình thường như trước phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của cả ông Dương Công T và người thân của ông nên cần được xem xét bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn yêu cầu bồi thường 20 tháng lương tối thiểu (tức là 2/3 của 30 tháng theo quy định của pháp luật) và số tiền bồi thường là 1.210.000đ/01 tháng. Tại điểm c mục tiểu mục 1.5 mục 1 phần II Nghị quyết số 01 thì “Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần nhưng tối đa không quá 30 tháng lương, tính theo mức tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”. Mức yêu cầu bồi thường này là không trái quy định theo Nghị quyết số 01/204/NQ-HĐTP và Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ nên được chấp nhận. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà Nguyễn Thị H bồi thường tổn thất tinh thần là 2/3 của 20 tháng lương tối thiểu là chưa hợp lý nên kháng cáo của nguyên đơn về phần này được chấp nhận, sửa án sơ thẩm theo đó bà Nguyễn Thị H phải bồi thường tiền tổn thất tinh thần là 24.200.000 đồng (20 tháng x 1.210.000 đồng) cho những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn là phù hợp. Như vậy, tổng số tiền bà Nguyễn Thị H phải bồi thường cho bà Đào Thị Hồng C và những người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Dương Công T là: 155.466.667 đồng + 186.400.000 đồng + 24.200.000 đồng = 366.066.667 đồng.

Do đó, kháng cáo nguyên đơn bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T được chấp nhận một phần.

[3] Đối với kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị H đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước sửa bản án sơ thẩm theo hướng đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì hết thời hiệu khởi kiện. Bản án hình sự sơ thẩm số 180/HS-ST ngày 02/11/2004 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước và Bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao số 522/HS-ST ngày 23/3/2005 đã buộc bà Nguyễn Thị H phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm cho ông Dương Công T, tổng thiệt hại được tính đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 02/11/2004), các bản án trên đã nhận định “Còn các khoản chi phí điều trị thương tích cũng như các chi phí hợp lý khác phát sinh sau khi xét xử sơ thẩm sẽ được tách ra để giải quyết bằng vụ án khác khi ông Dương Công T có yêu cầu” do ông Dương Công T vẫn phải tiếp tục điều trị vết thương do tai nạn. Việc điều trị vết thương do tai nạn của ông Dương Công T là liên tục từ ngày xảy ra tai nạn cho đến ngày ông Dương Công T chết (08/5/2016) nên thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn vẫn còn.

Bị đơn cho rằng nguyên đơn không chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của bị đơn và việc nguyên đơn bị liệt là kết quả tất yếu nên việc yêu cầu bị đơn chi trả các khoản tiền công chăm sóc, tiền ăn và tổn thất tinh thần là không hợp lý. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định Biên bản giám định pháp y số 71/2002/GĐPY ngày 08/4/2002 của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Bình Phước xác định ông Dương Công T mất 94% sức lao động do thương tích gây ra, đồng thời đã được quyết định tại bản án số 1488/HSPT ngày 23/6/2004 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực pháp luật nên bà Đào Thị Hồng C không phải chứng minh theo điểm b, khoản 1 Điều 80 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2004 (điểm b, khoản 1, Điều 92 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015). Do đó, kháng cáo của bị đơn là không có căn cứ nên không được chấp nhận.

[4] Án phí dân sự phúc thẩm: Do sửa án sơ thẩm bị đơn bà Nguyễn Thị H không phải chịu.

Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn được chấp nhận một phần.

Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn không có căn cứ không được chấp.

Quan điểm của Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước tham gia phiên tòa có căn cứ nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 289; khoản 2 Điều 308, Điều 309, Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T.

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Nguyễn Thị H.

Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 08/2017/DS-ST ngày 19/9/2017 của Toà án nhân dân thị xã P, tỉnh Bình Phước.

Áp dụng Điều 609, Điều 613 Bộ luật dân sự 1995, mục 1 phần II Nghị quy 01/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 1995 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; Nghị định số 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

[1] Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu bà Nguyễn Thị H bồi thường tiền thuốc điều trị và tiền mua đệm nước cho ông Dương Công T sau khi ông Dương Công T bị tai nạn. Đình chỉ một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T đối với việc rút yêu cầu bồi thường số tiền thu nhập mà bà Đào Thị Hồng C bị mất do chăm sóc ông Dương Công T, tiền bồi dưỡng sức khỏe cho ông Dương Công T tổng số tiền 655.800.000 đồng.

[2] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Đào Thị Hồng C và ông Dương Công T (Những người thừa kế của ông Dương Công T là bà Trần Thị N, bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T, bà Dương Thị Ánh Đ, bà Dương Thị Hà T).

Buộc bà Nguyễn Thị H phải bồi thường cho bà Đào Thị Hồng C số tiền 155.466.667 đồng.

Buộc bà Nguyễn Thị H phải bồi thường cho những người kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn số tiền là 186.400.000 đồng.

Buộc bà Nguyễn Thị H phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho những người kế thừa quyền nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn số tiền là 24.200.000 đồng.

Tổng cộng bà Nguyễn Thị H phải bồi thường cho bà Đào Thị Hồng C và những người thừa kế của ông Dương Công T là bà Trần Thị N, bà Đào Thị Hồng C, bà Dương Thị Thanh T, bà Dương Thị Ánh Đ, bà Dương Thị Hà T số tiền là 366.066.667 đồng (Ba trăm sáu mươi sáu triệu không trăm sáu mươi sáu nghìn sáu trăm sáu mươi bảy đồng).

[3] Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Nguyễn Thị H phải chịu số tiền án phí dân sự sơ thẩm là 18.303.000 đồng (Mười tám triệu ba trăm lẻ ba nghìn đồng).

- Án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn bà Nguyễn Thị H không phải chịu. Chi cục thi hành án dân sự thị xã P hoàn trả lại cho bị đơn bà Nguyễn Thị H số tiền 300.000 đồng theo Biên lai thu tiền số 0005764 ngày 05/10/017 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã P.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án ./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1249
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 16/2018/DS-PT ngày 07/02/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (do sức khỏe bị xâm phạm

Số hiệu:16/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Phước
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 07/02/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về