Bản án 154/2019/HS-PT ngày 30/09/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG 

BN ÁN 154/2019/HS-PT NGÀY 30/09/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 30 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 100/2019/HS-PT ngày 12 tháng 7 năm 2019 đối với bị cáo Nguyễn Văn M do có kháng cáo của bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 59/2019/HS-ST ngày 11 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Kiên Giang.

- Bị cáo bị kháng cáo:

Nguyễn Văn M (Long A), sinh năm: 1991, tại: Hậu Giang; Nơi cư trú: Ấp P, xã T, huyện V, thành phố Cần Thơ; nghề nghiệp: Làm tH; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Phật giáo; quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Văn M và bà Nguyễn Thị U; tiền án: Không; tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giữ tạm giam từ ngày 11/10/2018 đến nay (Bị cáo có mặt tại phiên tòa).

- Bị hại: Ông Cao Hữu T, sinh năm 1965 (có mặt) Nơi cư trú: Tổ 2, khu phố 8, thị trấn D, huyện P, tỉnh Kiên Giang.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại: Lut sư Nguyễn Thái H - Văn phòng luật sư Trần Luật, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Những người làm chứng:

1. Ông Hồng Nhựt T1, sinh năm 1978 (có mặt)

2. Bà Nguyễn Thị Trà M1, sinh năm 1978 (có mặt)

Cùng cư trú: Khu phố 8, thị trấn D, huyện P, tỉnh Kiên Giang

3. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1946 (vắng mặt) Cư trú: Khu phố 8, thị trấn D, huyện P, tỉnh Kiên Giang

4. Bà Trần Thanh T2 (vắng mặt) Cư trú: Khu phố 8, thị trấn D, huyện P, tỉnh Kiên Giang

5. Ông Võ Châu P, sinh năm 1990 (vắng mặt)

6. Ông Võ Trung N, sinh năm 1997 (vắng mặt) Nơi ĐKTT: Ấp P, xã T, huyện V, TP. Cần Thơ.

Tạm trú: Khu phố 8, thị trấn D, huyện P, tỉnh Kiên Giang.

7. Ông Nguyễn Hồng V1 (có mặt) Cùng cư trú: Khu phố 8, thị trấn D, huyện P, tỉnh Kiên Giang

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 10 giờ ngày 02/10/2018 Cao Hữu T và Hồng Nhựt T1 xảy ra cự cãi đánh nhau trước nhà của T thuộc khu phố 8, thị trấn D, huyện P, tỉnh Kiên Giang. Nguyễn Thị Trà M1 thấy chồng mình là T1 và T đánh nhau nên vừa chạy la lớn để mọi người nghe thấy đến can ngăn. Lúc này Nguyễn Văn M là người ở nhờ nhà của T1 chạy đến can ngăn thì M bị ông T đánh vào mặt, M nhìn thấy một cây dao để ở chậu hoa gần đó nên đã cầm lấy, cùng lúc ông T xông đến nên M đã đâm ông T một nhát trúng vào bụng. Sau khi đâm ông T M vứt cây dao tại chỗ và bỏ đi. Ông Cao Hữu T được đưa đến bệnh viện đa khoa huyện P cấp cứu.

* Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 575/KL-PY ngày 07/11/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Kiên Giang kết luận về thương tích của Cao Hữu T như sau:

1. Dấu hiệu chính qua giám định: Sẹo xơ cứng vùng rốn phải và sẹo mổ, rách mạc treo, thủng ruột non một lỗ đã phẫu thuật khâu mạc treo và ruột non.

2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 42%.

* Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 59/2019/HS-ST ngày 11/6/2019 của Tòa án nhân dân huyện P đã quyết định:

Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 134, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tuyên bố: Nguyễn Văn M phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt: Nguyễn Văn M 05 (năm) năm tù. Thời điểm chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 11/10/2018.

2. Về xử lý vật chứng: không thu hồi được vật chứng nên Hội đồng xét xử không xem xét.

3. Về trách nhiệm dân sự: Ông Cao Hữu T sẽ khởi kiện yêu cầu bồi thường thành một vụ án khác nếu có yêu cầu nên HĐXX không xem xét trong vụ án này.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí và báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

* Ngày 11 tháng 6 năm 2019 bị hại Cao Hữu T có đơn kháng cáo với nội dung yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm với các lý do như: Cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như lời khai của bị cáo và người làm chứng mâu thuẫn nhưng không cho đối chất; Cơ quan điều tra đã làm việc với nhân chứng Nguyễn Hồng V1 nhưng trong hồ sơ không có biên bản nào thể hiện lời khai của ông V1; Toà án sơ thẩm chưa xem xét văn bản làm chứng và clip ghi âm ghi hình của ông Nguyễn Hồng V1 do ông cung cấp; Tất cả lời khai của bị cáo cũng mâu thuẫn; Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, bản án tuyên bị cáo mức án 5 năm tù là quá thấp, không khách quan.

* Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn M đã thừa nhận bản án của Tòa án nhân dân huyện P xét xử bị cáo về tội “C g y thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự là đúng tội của bị cáo. Bị hại ông Cao Hữu T giữ nguyên nội dung kháng cáo.

* Tại phiên tòa Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm giải quyết vụ án như sau: Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo về tội „Cố ý gây thương tích” là đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật.

Xét kháng cáo của bị hại yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo, xét thấy hành vi của bị cáo rất nguy hiểm, mặc dù nguyên nhân xảy ra vụ việc không có liên quan gì tới bị cáo, đáng lẽ ra bị cáo phải là người can ngăn bị hại và ông T1 xô xát nhau nhưng bị cáo lại dùng dao đâm trúng người bị hại gây thương tích cho bị hại; đến nay bị cáo cũng chưa khắc phục bồi thường gì cho bị hại, mức án mà cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 05 năm tù là chưa tương xứng với hành vi và hậu quả phạm tội của bị cáo gây ra, nên yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ chấp nhận.

Xét kháng cáo của bị hại yêu cầu hủy án sơ thẩm: Xét thấy đây là vụ án cố ý gây thương tích đã xác định được người gây thương tích, không ai xúi giục bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Bị hại cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, cần phaỉ xử lý T1, M1, P, N là đồng phạm với bị cáo, tuy nhiên đối chiếu các chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của những người làm chứng ông V1, ông T1, bà M1 tại phiên tòa phúc thẩm thì không có căn cứ xác định những người này có liên quan và có đồng phạm. Việc bà M1 có kêu la để mọi người đến can ngăn là có thật nhưng bị hại cho rằng bà M1 la lên là để kêu bị cáo, P, N cùng đến gây thương tích cho bị hại, đây là suy nghĩ suy diễn của bị hại, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này của bị hại là có căn cứ.

Về phần trách nhiệm dân sự, do bị hại không yêu cầu giải quyết nên cấp sơ thẩm không xem xét là phù hợp.

Từ những nhận định trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo, sửa án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt của bị cáo từ 5 năm tù lên 6 năm tù, không chấp kháng cáo của bị hại yêu cầu hủy án sơ thẩm.

* Tại phiên tòa, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại phát biểu quan điểm cho rằng:

Cấp sơ thẩm chưa xem xét hết các tình tiết trong vụ án, xử phạt bị cáo 5 năm tù là quá thấp so với hành vi phạm tội của bị cáo, cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không trả hồ sơ điều tra bổ sung là sai sót, bỏ lột tội phạm; cơ quan điều tra có làm việc với ông V1 nhưng không đưa biên bản làm việc vào hồ sơ vụ án trong khi nhân chứng ông V1 là người trực tiếp chứng kiến sự việc, tại phiên tòa sơ thẩm Kiểm sát viên cho rằng khi làm việc ông V1 say xỉn nên không lấy lời khai được là không có căn cứ. Biên bản bàn giao hồ sơ giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát không ghi rõ nội dung trong biên bản là vi phạm tố tụng.

Lời khai của bị cáo khai mâu thuẫn nhau khi thì khai lấy dao taị vị trí này nhưng khi lại khai lấy dao tại vị trí khác. Cơ quan điều tra đáng lẽ phải dựng lại hiện trường thực nghiệm điều tra lại để xác định lời khai của bị cáo lấy con dao để gây thương tích cho bị hại, đến nay cơ quan điều tra cũng không chứng minh được con dao bị cáo dùng để gây thương tích cho bị hại là loại dao gì. Do đó, cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm. Bà Trà M1 cố tình chạy đi đến kêu ba người thanh niên giúp đỡ cho ông T1 và ba người M, P, N cũng chạy ra, cho thấy họ đã chấp nhận ý chí của ông T1, nên họ cũng là đồng phạm.

Bị cáo chưa thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, chưa ăn năn hối cải nhưng cấp sơ thẩm cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS là không khách quan, sai sót, cần thiết tăng hình phạt đối với bị cáo mới Tơng xứng với hành vi của bị cáo.

Từ những căn cứ trên, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra bổ sung lại vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo:

Xét đơn kháng cáo của bị hại Cao Hữu T về nội dung, quyền kháng cáo, thủ tục kháng cáo và thời hạn kháng cáo đã đúng quy định tại các Điều 331, 332 và 333 Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo của bị hại theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về quyết định của bản án sơ thẩm: Vào khoảng 10 giờ ngày 02/10/2018 Cao Hữu T và Hồng Nhựt T1 xảy ra cự cãi đánh nhau nên Nguyễn Văn M là người ở nhờ nhà của T1 chạy đến can ngăn thì M bị ông T đánh vào mặt, M nhìn thấy một cây dao để ở chậu hoa gần đó nên đã cầm lấy đâm vào bụng ông T một nhát, hậu quả khiến ông T rách mạc treo và thủng ruột non, gây thương tích với tỷ lệ thương tật là 42%. Do đó, cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Văn M về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

[3] Về yêu cầu kháng cáo của bị hại:

Xét kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo: Xét thấy, nguyên nhân dẫn đến vụ án xuất phát từ đường dây điện nhà ông T1 mắc đi qua nhà bị hại, bị hại đã nhiều lần nhắc nhở di dời nhưng phía ông T1 chưa di dời nên hai bên đã xảy ra cãi vạ và xô xát nhau, bị cáo M không có liên quan gì đến sự việc này và cũng không có bất kỳ mâu thuẫn nào với bị hại. Khi vợ ông T1 là bà M1 thấy ông T1 và bị hại xô xát nên đã la lên để mọi người đến can ngăn. Đúng ra, khi bị cáo đến can ngăn ông T đánh ông T1, ông T có hành vi không đúng với bị cáo thì bị cáo phải bình tĩnh để giải quyết hoặc nhờ đến người có thẩm quyền can thiệp nhằm tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra khi bị cáo không kiềm chế được bản thân, trái lại với bản chất hung hăng, thích giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực cộng với việc bực tức vì bị bị hại đánh một cái vào mặt nên bị cáo đã dùng cây dao đâm trúng bụng bị hại gây thương tích với tỷ lệ 42%. Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm, thể hiện bản chất hung hăng, côn đồ, coi thường sức khoẻ, tính mạng của người khác, xem thường pháp luật. Hành vi của bị cáo không những gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bị hại, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính bị hại và gia đình người bị hại mà còn gây mất trật tự trị an tại địa phương, gây căm phẫn bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân. Vì vậy, đứng trước phiên toà hôm nay bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những gì bị cáo đã gây ra.

Xét thấy, mức án 05 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo là chưa phù hợp, chưa đánh giá hết tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo đã gây nên. Mặt khác, mặc dù trong vụ án này người bị hại chưa có yêu cầu giải quyết về phần trách nhiệm dân sự, nhưng đến nay bị cáo vẫn chưa bồi thường, khắc phục khoản tiền nào để bù đắp được tổn thất cho người bị hại, điều này cho thấy bị cáo chưa có sự ăn năn hối cải về hành vi của mình. Do đó, Hội đồng xét xử thiết nghĩ cần tuyên cho bị cáo mức án nghiêm hơn mới đủ tác dụng ngăn đe, giáo dục bị cáo, đồng thời phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này. Nên kháng cáo của bị hại yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ để chấp nhận.

Về kháng cáo yêu cầu hủy án trả hồ sơ điều tra bổ sung lại vụ án: Xét thấy, đây là vụ án cố ý gây thương tích, bị cáo cũng đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của các nhân chứng, của bị hại và phù hợp với các chứng cứ khác trong hồ sơ; bị hại ông T cũng xác định người gây thương tích cho ông là chỉ một mình bị cáo M.

Việc bị hại cho rằng cấp sơ thẩm có bỏ lọt tội phạm, cần xử lý vợ chồng ông T1, bà M1, P và N cùng đồng phạm với bị cáo M là không có căn cứ, bởi: Lời khai của các nhân chứng như bà H, bà M1, P, N và lời khai của ông V1 tại phiên tòa phúc thẩm đều khai rằng, khi bị hại ông T và ông T1 đánh nhau bà Trà M1 có la lên là đánh nhau quá trời rồi chứ không nghe bà M1 gọi trực tiếp tên M, P và N đến để đánh ông T; ông T cũng không có căn cứ gì để xác định bà M1 đi kêu ba người thanh niên lại đánh ông T. Do đó không có căn cứ để xác định là bà M1 đi kêu ba người M, P, N lại để đánh ông T. Lời khai của bị cáo M cũng khai rằng bà M1 không có kêu M đến đánh ông T, khi bị cáo đang chuẩn bị đi làm thì nghe có tiếng ồn ào nên bị cáo đi ra ngoài xem thì thấy ông T1 đang đánh nhau với ông T nên bị cáo đi đến can ngăn thì bị ông T đánh vào mặt, bị đánh nên bị cáo lùi ra và thấy có một cây dao ở chậu hoa gần đó nên cầm cây dao đi đến cùng lúc ông T lao đến nên M cầm dao bằng hai tay đâm về phía ông T. Mặt khác, phía ông T1, bà M1 cũng không có hành vi nhờ, thuê, mướn bị cáo đánh ông T. Nên không có căn cứ để xác định N, P, Trà M1 và ông T1 có đồng phạm. Bị hại cho rằng cơ quan điều tra có làm việc với nhân chứng ông V1 nhưng lại không có biên bản làm việc trong hồ sơ. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông V1 khai rằng ông không biết cán bộ làm việc với ông là ai, chỉ biết mời ông lên làm việc tại Công an thị trấn; mặt khác ông V1 cũng khai rằng lời khai của ông tại phiên tòa phúc thẩm và tại công an thị trấn trước đây là giống nhau. Do đó, kháng cáo của bị hại yêu cầu hủy án sơ thẩm là không có căn cứ chấp nhận.

[4] Về quan điểm của Kiểm sát viên: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo, sửa án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt của bị cáo từ 5 năm tù lên 6 năm tù, không chấp kháng cáo của bị hại yêu cầu hủy án sơ thẩm. Xét thấy, đề nghị của Viện kiểm sát phù hợp với nhận định của HĐXX nên cần chấp nhận

[5] Về quan điểm của Luật sư: Về đề nghị tăng hình phạt của bị cáo phù hợp với nhận định của HĐXX nên chấp nhận đề nghị này. Đối với đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra bổ sung vì cho rằng: Lời khai của nhân chứng với lời khai của bị cáo có mâu thuẫn nhưng không được đối chất, chính lời khai của bị cáo cũng có mâu thuẫn; Biên bản giao nhận hồ sơ giữa điều tra và viện kiểm sát không ghi rõ nội dung là vi phạm tố tụng; Có lấy lời khai ông V1 nhưng cơ quan điều tra không đưa vào hồ sơ vụ án; Cơ quan điều tra chưa dựng lại hiện trường để xác định cây dao lấy tại đâu tại chậu hoa trong sân hay là của bị cáo thủ sẵn trong người, vì lời khai của bị cáo là mâu thuẫn với nhau; cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm, cần xử lý ông T1, bà M1, P và N có đồng phạm với bị cáo. Xét thấy, quan điểm của Luật sư là không có căn cứ như phân tích trên của Hội đồng xét xử nên không chấp nhận là thỏa đáng.

[6] Về án phí: Căn cứ Điều 135 và 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bị hại không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm do kháng cáo được chấp nhận một phần.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự. Chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại ông Cao Hữu T.

Sửa bản án sơ thẩm số 59/2019/HS-ST ngày 11/6/2019 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Kiên Giang.

1. Áp dụng: điểm c khoản 3 Điều 134, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn M 6 (sáu) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời điểm chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 11/10/2018.

2. Về án phí: Căn cứ Điều 135 và 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của y ban thường vụ Quốc hội.

Bị hại ông Cao Hữu T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của Bản án số 59/2019/HS-ST ngày 11 tháng 6 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện P, tỉnh Kiên Giang không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

206
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 154/2019/HS-PT ngày 30/09/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:154/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về