Bản án 15/2019/KDTM-ST ngày 30/11/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN CẨM LỆ, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 15/2019/KDTM-ST NGÀY 30/11/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 30 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 13/2019/TLST-KDTM ngày 24 tháng 9 năm 2019 về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 87A/2019/QĐXX-ST ngày 18 tháng 11 năm 2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 68/2019/QĐST-KDTM ngày 25/11/2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng Ph; địa chỉ: số 25A phố C, quận Đ, thành phố Hà Nội.

Đại diện theo pháp luật: Ông Đào Quang Tr; chức vụ: Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền ông Nguyễn Đắc Q; chức vụ: Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Ph Khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng (theo Giấy ủy quyền số: 1111/GUQ.NHPT-PC ngày 26 tháng 6 năm 2019 của Tổng Giám đốc NHPh); Địa chỉ: Số 74 đường Q, quận H, thành phố Đà Nẵng; có mặt.

2. Bị đơn: Công ty TNHH H; địa chỉ: Tổ 27, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng. Đại diện theo pháp luật ông Nguyễn T; chức vụ: Giám đốc; có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Công ty TNHH Nhân Mộc L; địa chỉ: Tổ 27, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng. Đại diện theo pháp luật ông Nguyễn L; chức vụ: Giám đốc; có mặt.

- Ngân hàng N – Chi nhánh quận C; địa chỉ: Số 349 đường C, quận C, thành phố Đà Nẵng; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 31 tháng 5 năm 2019, đơn khởi kiện bổ sung ngày 03/9/2019, bản tự khai, biên bản hòa giải cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn Ngân hàng Ph là ông Nguyễn Đắc Q trình bày:

Công ty TNHH H vay vốn tín dụng xuất khẩu (TDXK) của Nhà nước tại Chi nhánh Ngân hàng Ph, nay là Chi nhánh Ngân hàng Ph Khu vực Quảng Nam- Đà Nẵng (Chi nhánh) theo Hợp đồng TDXK theo hạn mức số 269/2009/HĐXKHM-NHPT ngày 17/4/2009, giá trị hạn mức 11.200.000.000 đồng (Mười một tỷ hai trăm triệu đồng). Mục đích sử dụng vốn vay: thực hiện phương án sản xuất hàng gỗ xuất khẩu. Sau đó, Chi nhánh và Công ty đã ký các Hợp đồng TDXK theo hạn mức sửa đổi bổ sung một số điều khoản theo từng thời kỳ. Tổng số tiền đã giải ngân là 17.148.160.662 đồng. Thời điểm giải ngân đầu tiên là ngày 17/4/2009. Thời điểm giải ngân lần cuối là ngày 23/3/2010. Tổng số 24 lần giải ngân với 34 bảng kê rút vốn kiêm khế ước nhận nợ (trong đó 10 bảng kê rút vốn kiêm khế ước nhận nợ vay theo lãi suất thỏa thuận). Thời hạn cho vay theo từng khế ước nhận nợ, khoảng 160 ngày kể từ ngày nhận nợ.

Công ty TNHH H đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ vốn TDXK cho Chi nhánh Ngân hàng Ph theo Điều 6 trả nợ tiền vay của Hợp đồng TDXK theo hạn mức số 269/2009/HĐXKHM-NHPT ngày 17/4/2009 và các Hợp đồng tín dụng sửa đổi bổ sung và các cam kết thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Công ty đã vi phạm Điều 280 "Thực hiện nghĩa vụ trả tiền" của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tạm tính đến 20/9/2019, số tiền Công ty TNHH H phải trả cho VDB là 24.221.599.237 đồng, gồm : Nợ gốc chưa trả là 7.823.102.258 đồng (quá hạn 100%), nợ lãi tính trên số dư nợ gốc là 10.436.372.269 đồng, nợ lãi tính trên số dư nợ lãi chậm trả là 5.962.124.710 đồng.

Công ty đã vi phạm khoản 4, Điều 2 (tài sản thế chấp), vi phạm khoản 2 Điều 8 và các điều khoản khác của Hợp đồng thế chấp tài sản số 513/2010/TCTS-NHPT ngày 15/7/2010. Theo khoản 3 Điều 2 của hợp đồng này, giấy tờ chứng minh tài sản là các hợp đồng mua bán, các hóa đơn chứng từ ký kết giữa bên B và bất kỳ Bên thứ 3 nào. Do đó sau khi ký hợp đồng, Công ty phải cung cấp cho Chi nhánh các tài liệu trên khi phát sinh giao dịch nhưng Công ty bất hợp tác, không cung cấp. Vì vậy, Ngân hàng Phát triển hiện vẫn chưa thể xác định được cụ thể nhà nhập khẩu, khách nợ hay hàng tồn kho luân chuyển theo hợp đồng này hiện nay là gì. Đối với Hợp đồng thế chấp tài sản số 753/2009 TCTS-NHPT ngày 12/10/2009. Chi nhánh đăng ký GDBĐ ngày 15/10/2009. Chi nhánh đã xử lý tài sản thu hồi nợ. Tuy nhiên, số thu nợ từ xử lý tài sản của hợp đồng này không đủ thanh toán phần dư nợ của Công ty tại Ngân hàng Ph. Hồ sơ pháp lý lưu giữ tại Chi nhánh gồm 02 bản gốc hợp đồng thế chấp và đơn đăng ký giao dịch bảo đảm.

Trong quá trình vay vốn TDXK của Nhà nước từ năm 2009, Chi nhánh thường xuyên đôn đốc, làm việc quyết liệt nhiều lần và hàng tháng gửi Thông báo thu nợ yêu cầu Công ty thực hiện trả nợ nhưng Công ty chỉ trả nợ cầm chừng, nhỏ giọt. Khi Công ty gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh, về tài chính, Chi nhánh NHPh đã xem xét trình các cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn nợ 02 lần. Ngày 30/10/2009, Chi nhánh gia hạn nợ lần 1 cho các khế ước đến hạn trả nợ trong tháng 9,10,11,12/2009 (8.739.383.437 đồng) với lý do Công ty bị thiệt hại sau cơn bão số 9 và nhà nhập khẩu điều chỉnh thời gian giao hàng. Ngày 23/12/2009, Chi nhánh gia hạn nợ lần 2 cho các khế ước đến hạn trả nợ trong tháng 11,12/2009 và tháng 01,02,3/2010 (9.326.685.016 đồng) với lý do nhà nhập khẩu thay đổi lịch xuất hàng và tạm ngừng nhận hàng đối với một số mặt hàng xuất trong tháng 12/2009, 01/2010 và tháng 03/2010. Sau khi gia hạn nợ, Công ty vẫn tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng các Hợp đồng tín dụng đã ký, phát sinh nợ quá hạn. Chi nhánh đã có nhiều văn bản, biên bản làm việc, thông báo trả nợ hàng tháng yêu cầu Công ty trả nợ, yêu cầu thực hiện báo cáo thông tin về tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng Công ty vẫn không thực hiện đầy đủ. Khi khoản nợ chuyển sang nợ quá hạn thì ngân hàng tiến hành xử lý tài sản thế chấp, việc xử lý tài sản thế chấp bắt đầu từ năm 2010 đến năm 2014 là kết thúc. Ngân hàng đã xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ gồm những tài sản sau: Tài khoản tiền gửi, máy móc thiết bị, hàng tồn kho (gồm bán thành phẩm và thành phẩm) bán đấu giá, thu hồi nợ từ quyền đòi nợ là hàng xuất khẩu.

Để bảo toàn và thu hồi vốn cho Nhà nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Ngân hàng Ph, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra do Công ty có hoạt động kinh doanh tạo nguồn thu nhưng không trả nợ vốn vay TDXK của Nhà nước, Ngân hàng Ph kính đề nghị Quý Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng: Buộc Công ty TNHH H phải trả ngay cho Ngân hàng Ph số tiền nợ (gốc+lãi) tạm tính đến 30/11/2019, số tiền Công ty TNHH H phải trả cho VDB là 24.723.779.324đồng, gồm : Nợ gốc chưa trả là 7.803.102.258 đồng (quá hạn 100%), nợ lãi tính trên số dư nợ gốc là 10.657.856.331đồng, nợ lãi tính trên số dư nợ lãi chậm trả là 6.262.820.735đồng. (lãi tiếp tục được tính cho đến ngày thanh toán hết nợ). Xử lý tài sản bảo đảm của Hợp đồng thế chấp tài sản số 513/2010/TCTS-NHPT ngày 15/7/2010 ký giữa Công ty TNHH H và Chi nhánh Ngân hàng Ph (nay là Chi nhánh Ngân hàng Ph).

Tại bản tự khai ngày 08/11/2019 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty TNHH H là ông Nguyễn T trình bày:

Trước đây Công ty TNHH H có thế chấp vay vốn của Ngân hàng Ph để sản xuất kinh doanh. Tài sản thế chấp là nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất và xuất bán cho khách nước ngoài khi tiền về tài khoản ở Ngân hàng thì Ngân hàng thu nợ gốc và lãi như ngân hàng đã trình bày. Từ năm 2008, do khủng hoảng kinh tế xảy ra Công ty làm ăn thua lỗ và đã cố gắng trả nợ cho Ngân hàng nhưng đến nay Công ty còn nợ gốc là 7.803.102.258đồng (quá hạn 100%), nợ lãi tính trên số dư nợ gốc là 10.657.856.331đồng, nợ lãi tính trên số dư nợ lãi chậm trả là 6.262.820.735đồng. Hiện nay Công ty gặp nhiều khó khăn, không sản xuất kinh doanh nên đề nghị trả nợ chậm tiền gốc cho Ngân hàng Ph mỗi tháng với số tiền là 30.000.000 đồng/ tháng, đối với tiền lãi quá hạn và lãi phạt chậm trả lãi, Công ty không có khả năng thanh toán, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Đi với tài sản thế chấp tại Hợp đồng thế chấp tài sản số 753 ngày 12/10/2009 và Hợp đồng thế chấp tài sản số 513/2010/TCTS-NHPT ngày 15/7/2010 thì từ năm 2010 đến năm 2014 Ngân hàng đã xử lý hết toàn bộ tài sản thế chấp như: Tài khoản tiền gửi của Công ty TNHH H, máy móc thiết bị, hàng tồn kho (gồm bán thành phẩm và thành phẩm) bán đấu giá để thu hồi nợ, thu hồi nợ từ quyền đòi nợ đối với nhà nhập khẩu, khách hàng. Hiện nay tài sản thế chấp của hai hợp đồng trên không còn tài sản gì để xử lý. Do không có vốn để mua nguyên liệu và ngân hàng đã xử lý hết nguyên liệu, máy móc nên từ năm 2010 đến nay Công ty TNHH H không còn hoạt động sản xuất kinh doanh, không có đơn hàng, không ký kết hợp đồng mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu nào và hiện nay đang nợ thuế Nhà nước và đang bị cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

* Tại bản tự khai ngày 15 tháng 11 năm 2019, biên bản hòa giải và tại phiên tòa, đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty TTHH Nh là ông Nguyễn L trình bày:

Công ty TNHH Nh được thành lập vào năm 2017, có trụ sở chính tại Lô 39, kiệt 02 đường Tr, tổ 27, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng, ngành nghề kinh doanh là sản xuất đồ gỗ gia dụng. Từ ngày thành lập cho đến tháng 01 năm 2019, công ty mới chính thức thuê lại một phần nhà kho, xưởng của Công ty TNHH H để hoạt động sản xuất với giá 15.00.000đ/tháng, được sự chấp thuận của Thành ủy Đà Nẵng, nhưng chưa ký kết hợp đồng thuê nhà kho.

* Tại văn bản ngày 18 tháng 11 năm 2019, của Ngân hàng N – Chi nhánh quận Cẩm Lệ thể hiện:

Đơn vị Công ty TNHH H; địa chỉ: Tổ 27, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng; chủ tài khoản: Nguyễn T; số tài khoản VNĐ 20052110300093 có số dư 399.554VND tính đến thời điểm ngày 18/11/2019; số tài khoản USD 2005221370030001 có số dư 203,42 USD tính đến thời điểm ngày 18/11/2019.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án:

I. Việc tuân theo pháp luật tố tụng:

- Việc tuân theo pháp luật trong thời gian chuẩn bị xét xử: Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thẩm quyền thụ lý vụ án; về quan hệ pháp luật tranh chấp, xác định tư cách pháp lý và mối quan hệ giữa những người tham gia tố tụng; về thời hạn chuẩn bị xét xử, quyết định đưa vụ án ra xét xử, thời hạn gửi hồ sơ cho VKS nghiên cứu, cấp tống đạt các văn bản tố tụng cho VKS và người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

- Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa: Đã tuân thủ theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc xét xử sơ thẩm vụ án.

- Việc tuân theo pháp luật tố tụng của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án:

- Việc chấp hành pháp luật của đương sự:

+ Đối với nguyên đơn, bị đơn: Đã tuân thủ đúng các quy định tại Điều 70, 71 Bộ luật Tố tụng dân sự.

+ Đối với đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chưa tuân thủ đúng quy định tại các điều 70, 73 BLTTDS.

II. Ý kiến về việc giải quyết vụ án:

- Đi với Hợp đồng thế chấp tài sản số 513/2010/TCTS-NHPT ngày 15/7/2010: Qua xem xét thẩm định tại chỗ, hàng hóa tồn kho gồm nguyên liệu gỗ, nguyên vật liệu phụ, vật tư kim khí, bán thành phẩm hiện không còn gì.

- Đề nghị HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng Ph về yêu cầu Công ty TNHH H trả số tiền nợ gốc 7.803.102.258đồng, nợ lãi 10.657.856.331đồng. Không chấp nhận yêu cầu nợ lãi tính trên số dư nợ lãi chậm trả của Ngân hàng phát triển số tiền 6.262.820.735đồng.

- Các đương sự chịu án phí DSST theo quy định của pháp luật.

III. Những yêu cầu, kiến nghị để khắc phục vi phạm tố tụng ở giai đoạn sơ thẩm: Không có.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Ngân hàng N -Chi nhánh quận Cẩm Lệ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án không có yêu cầu độc lập có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án vắng mặt.

[2] Về nội dung vụ án:

[2.1] Ngày 17/4/2009, Công ty TNHH H ký hợp đồng tín dụng xuất khẩu theo hạn mức số 269/2009/HĐXKHM-NHPT với Chi nhánh Ngân hàng Ph, nay là Chi nhánh Ngân hàng Ph Khu vực Quảng Nam- Đà Nẵng, giá trị hạn mức là 11.200.000.000 đồng (Mười một tỷ hai trăm triệu đồng); mục đích sử dụng vốn vay: thc hiện phương án sản xuất hàng gỗ xuất khẩu, lãi suất 6,9%/năm, điều chỉnh theo thông báo của Bộ tài chính; lãi quá hạn 150% x lãi suất trong hạn. Sau đó, Chi nhánh Ngân hàng Phát Ph và Công ty đã ký các Hợp đồng TDXK theo hạn mức sửa đổi bổ sung một số điều khoản theo từng thời kỳ. Tổng số tiền Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty TNHH H là 17.148.160.662 đồng (Mười bảy tỷ một trăm bốn mươi tám triệu một trăm sáu mươi nghìn sáu trăm sáu mươi hai đồng); thời điểm giải ngân đầu tiên là ngày 17/4/2009, thời điểm giải ngân lần cuối là ngày 23/3/2010. Tổng số 24 lần giải ngân với 34 bảng kê rút vốn kiêm khế ước nhận nợ (trong đó 10 bảng kê rút vốn kiêm khế ước nhận nợ vay theo lãi suất thỏa thuận). Thời hạn cho vay theo từng khế ước nhận nợ, 160 ngày kể từ ngày nhận nợ. Trong thời gian thực hiện hợp đồng tín dụng, đến ngày 30/3/2010 Công ty TNHH H đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ vốn tín dụng xuất khẩu cho Ngân hàng Ph – Chi nhánh Đà Nẵng như đã cam kết, thời điểm Ngân hàng nộp đơn khởi kiện toàn bộ khoản nợ gốc đã quá hạn 100%. Như vậy, Công ty TNHH H đã vi phạm cam kết trong hợp đồng tín dụng về thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

Tại phiên tòa, đại diện hợp pháp của ngân hàng đề nghị Công ty TNHH H phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng Ph số tiền nợ tính đến ngày 30/11/2019, số tiền nợ gốc là 7.803.102.258đồng, tiền nợ lãi quá hạn là 10.657.856.331đồng. Đại diện hợp pháp của Công ty TNHH H ông Nguyễn T cũng thừa nhận do suy thoái kinh tế, Công ty H làm ăn thua lỗ nên không trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Ông T đề nghị ngân hàng cho Công ty được trả dần tiền gốc, mỗi tháng trả 30.000.000đ và đề nghị Ngân hàng xem xét khoản tiền lãi quá hạn nhưng không được đại diện hợp pháp của Ngân hàng đồng ý. Do vậy, buộc Công ty TNHH H phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng Ph số tiền gốc là 7.803.102.258đ, tiền lãi 10.657.856.331đồng. Tổng cộng tiền gốc và tiền lãi là 18.460.958.589đ ( Mười tám tỷ bốn trăm sáu mươi triệu chín trăm năm mươi tám nghìn năm trăm tám mươi chín đồng) là phù hợp với Điều 91 của Luật các tổ chức tín dụng và Điều 471, Điều 474 và Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005.

[2.2] Xét yêu cầu của ngân hàng về việc buộc Công ty TNHH H phải trả khoản tiền lãi phạt trên lãi chậm trả với số tiền là 6.262.820.735đ thì thấy: Hợp đồng tín dụng số 269/2009/HĐXKHM-NHPT được ký kết giữa Công ty TNHH H và Chi nhánh Ngân hàng Ph nay là Chi nhánh Ngân hàng Ph Khu vực Quảng Nam- Đà Nẵng vào ngày 17/4/2009, Ngân hàng phạt Công ty TNHH H chậm trả lãi từ năm 2009 đến năm 2019 với số tiền là 6.262.820.735đ là không đúng pháp luật, vì đây là lãi chồng lãi. Do vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng Ph về việc buộc Công ty TNHH H trả khoản tiền lãi phạt trên lãi chậm trả với số tiền là 6.262.820.735đ ( Sáu tỷ hai trăm sáu mươi hai triệu tám trăm hai mươi nghìn bảy trăm ba mươi lăm đồng).

[2.3] Xét yêu cầu xử lý hợp đồng thế chấp tài sản số 513/2010/TCTS-NHPT ngày 15/7/2010 của Ngân hàng Ph thì thấy:

Ngày 17/4/2009, Ngân hàng Ph - Chi nhánh Ngân hàng Ph Đà Nẵng và Công ty TNHH H ký Hợp đồng tín dụng số 269/2009/HĐXKHM-NHPT, đến ngày 12/10/2009 Ngân hàng Ph - Chi nhánh Ngân hàng Ph Đà Nẵng và Công ty TNHH H ký Hợp đồng thế chấp tài sản số 753/2009/TCTS-NHPT, tài sản thế chấp là “ Hàng tồn kho luân chuyển gồm nguyên liệu gỗ, nguyên vật liệu phụ, vật tư kim khí, bán thành phẩm...cấu thành nên các sản phẩm gỗ của hợp đồng số 1,2009/2010 ký ngày 20/4/2009 (sau đây gọi là hợp đồng xuất khẩu nguyên tắc) giữa Công ty TNHH H và S và /hoặc V và tài sản thế chấp là quyền thụ hưởng, quyền đòi nợ số tiền mà nhà nhập khẩu phải thanh toán cho Bên B từ các đơn hàng xuất khẩu của hợp đồng số 1,2009/2010 ký ngày 20/4/2009”. Đến ngày 15/7/2010, Ngân hàng Ph - Chi nhánh Ngân hàng Ph và Công ty TNHH Hải Vân ký Hợp đồng thế chấp tài sản số 513/2010/TCTS-NHPT, tài sản dùng để thế chấp là “Quyền thụ hưởng, quyền đòi nợ toàn bộ số tiền mà nhà nhập khẩu hoặc khách nợ phải thanh toán cho bên B từ các đơn hàng xuất khẩu, hợp đồng mua bán hoặc bất kỳ chứng từ nào thể hiện sự mua bán giữa bên B và bên thứ 3 nào khác; và tài sản dùng để thế chấp là hàng hóa tồn kho luân chuyển bao gồm nguyên liệu gỗ, nguyên vật liệu phụ, vật tư kim khí, bán thành phẩm cấu thành nên các sản phẩm gỗ với giá trị tương ứng giá trị vay vốn của bên B tại bên A”. Theo khoản 3 Điều 2 của hợp đồng này, giấy tờ chứng minh tài sản là các hợp đồng mua bán, các hóa đơn chứng từ ký kết giữa nên B và bất kỳ bên thứ 3 nào. Do đó sau khi ký hợp đồng, Công ty H phải cung cấp cho Chi nhánh các tài liệu trên khi phát sinh giao dịch.

Theo các tài liệu, chứng cứ do ngân hàng cung cấp thể hiện: Tại phiên tòa, đại diện Ngân hàng và đại diện Công ty H xác nhận khi khoản nợ của công ty chuyển sang nợ quá hạn (sau tháng 3/2010), Ngân hàng đã tiến hành xử lý tài sản thế chấp của Hợp đồng thế chấp số 753/2009/TCTS-NHPT với quy mô nhỏ lẻ, đến năm 2014 Ngân hàng mới tiến hành xử lý tài sản thế chấp với quy mô lớn hơn. Ngày 27/8/2014, Ngân hàng Ph- Chi nhánh Ngân hàng Ph khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng và Công ty TNHH H lập biên bản thỏa thuận về việc bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Theo biên bản căn cứ hợp đồng tín dụng xuất khẩu theo hạn mức số 269/2009/HĐXKHM-NHPT ngày 17/4/2009 và các Hợp đòng tín dụng xuất khẩu theo hạn mức sửa đổi bổ sung còn hiệu lực; căn cứ hợp đồng thế chấp tài sản số 753/2009/TCTS-NHPT ngày 12/10/2009, Chi nhánh NH Ph Đà Nẵng và Công ty TNHH H thống nhất loại tài sản xử lý: hàng tồn kho gồm bán thành phẩm và chi tiết gỗ lưu kho tại nhà xưởng Công ty TNHH H; phương thức xử lý tài sản: xử lý tài sản bảo đảm thông qua phương thức bán đấu giá tài sản; thời gian xử lý tài sản từ 2014 đến khi hoàn thành công việc; số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý cần thiết cho quá trình bán tài sản được dùng để trả nợ vay cho ngân hàng phát triển; địa điểm xử lý tài sản: tại kho hàng của Công ty TNHH H. Sau đó, ngân hàng tiến hành xử lý tài sản thế chấp là tài khoản tiền gửi, vật tư kim khí (máy móc thiết bị), quyền thụ hưởng, quyền đòi nợ số tiền mà nhà nhập khẩu phải thanh toán cho Công ty H từ các đơn hàng xuất khẩu của hợp đồng số 1,2009/2010, các tài sản thế chấp của Hợp đồng thế chấp tài sản số 753/2009/TCTS-NHPT được Ngân hàng xử lý từ năm 2010 đến năm 2015 là kết thúc, toàn bộ tài sản thế chấp đã được xử lý hết.

Hợp đồng thế chấp tài sản số 513/2010/TCTS-NHPT ngày 15/7/2010, tài sản dùng để thế chấp là “Quyền thụ hưởng, quyền đòi nợ toàn bộ số tiền mà nhà nhập khẩu hoặc khách nợ phải thanh toán cho bên B từ các đơn hàng xuất khẩu, hợp đồng mua bán hoặc bất kỳ chứng từ nào thể hiện sự mua bán giữa bên B và bên thứ 3 nào khác; và tài sản dùng để thế chấp là hàng hóa tồn kho luân chuyển bao gồm nguyên liệu gỗ, nguyên vật liệu phụ, vật tư kim khí, bán thành phẩm cấu thành nên các sản phẩm gỗ với giá trị tương ứng giá trị vay vốn của bên B tại bên A”. Ngày 14/11/2019, Tòa án đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ đối với tài sản thế chấp tại Công ty TNHH H thì hiện nay Công ty TNHH H trong tình trạng không hoạt động sản xuất, các tài sản thế chấp là hàng hóa tồn kho luân chuyển bao gồm nguyên liệu gỗ, nguyên vật liệu phụ, vật tư kim khí, bán thành phẩm cấu thành nên các sản phẩm gỗ hiện nay không còn. Một phần nhà kho, xưởng của Công ty H đang cho Công ty TNHH Nh thuê sản suất đồ gỗ gia dụng.

Đi với tài sản thế chấp là quyền thụ hưởng, quyền đòi nợ toàn bộ số tiền mà nhà nhập khẩu hoặc khách nợ phải thanh toán cho bên B từ các đơn hàng xuất khẩu, hợp đồng mua bán hoặc bất kỳ chứng từ nào thể hiện sự mua bán giữa bên Công ty H và bên thứ 3 nào khác thì theo khoản 3 Điều 2 của hợp đồng thế chấp số 513/2010/TCTS-NHPT ngày 15/7/2010 thể hiện: giấy tờ chứng minh tài sản là các hợp đồng mua bán, các hóa đơn chứng từ ký kết giữa nên B và bất kỳ bên thứ 3 nào. Do đó sau khi ký hợp đồng, Công ty H phải cung cấp cho Chi nhánh các tài liệu trên khi phát sinh giao dịch. Trong quá trình giải quyết cũng như tại phiên tòa, Ngân hàng không cung cấp được cho Tòa án các hợp đồng mua bán, các hóa đơn chứng từ ký kết giữa Công ty H và bất kỳ bên thứ 3 nào. Đồng thời, ông T xác nhận Công ty H chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, từ sau tháng 3/2010 đến năm 2015 thì ngân hàng đã tiến hành xử lý tài sản thế chấp, ngân hàng đã bán toàn bộ máy móc, thiết bị, hàng tồn kho luân chuyển bao gồm nguyên liệu gỗ, nguyên vật liệu phụ, bán thành phẩm, quyền thụ hưởng, quyền đòi nợ mà nhà nhập khẩu thanh toán...nên Công ty không có vốn để mua nguyên liệu, máy móc hoạt động, từ sau khi ký hợp đồng thế chấp tài sản số 513 đến nay thì Công ty H không có ký kết bất kỳ đơn hàng xuất khẩu, hợp đồng mua bán hoặc bất kỳ chứng từ nào thể hiện sự mua bán giữa Công ty H và bên thứ 3 nào khác. Hiện nay tài sản thế chấp không còn. Công ty bị Chi cục thuế quận C áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng từ năm 2017.

Mặt khác, qua xác minh tại Chi cục thuế quận C về hoạt động kinh doanh của Công ty H thì: Trong năm 2017, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp là 535.090.914đ, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 231.359.702đ, được chuyển lỗ từ các năm trước sang, không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2017. Trong năm 2018, doanh nghiệp không phát sinh hoạt động kinh doanh nào, không phát sinh doanh thu. Đến ngày 31/10/2019, Công ty H đang còn nợ ngân sách Nhà nước số tiền là 382.590.241đ (tiền chậm nộp).

Ngân hàng N – Chi nhánh quận C cung cấp: Đơn vị Công ty TNHH H; địa chỉ: Tổ 27, phường H, quận C, thành phố Đà Nẵng; chủ tài khoản: Nguyễn T; số tài khoản VNĐ 20052110300093 có số dư 399.554VND tính đến thời điểm ngày 18/11/2019; số tài khoản USD 2005221370030001 có số dư 203,42 USD tính đến thời điểm ngày 18/11/2019. Theo ông T đây là số dư để duy trì tài khoản và hai tài khoản này đang bị Ngân hàng Ph Việt Nam giám sát, Công ty muốn rút tiền thì phải làm văn bản gửi Ngân hàng Ph, ngân hàng đồng ý thì Công ty mới rút được.

Do vậy, toàn bộ tài sản thế chấp theo hợp đồng thế chấp tài sản số 513/2010/TCTS-NHPT ngày 15/7/2010 được ký kết giữa Ngân hàng Ph - Chi nhánh Ngân hàng Ph Đà Nẵng và Công ty TNHH H đã được xử lý hết trong hợp đồng thế chấp tài sản số 753/2009/TCTS-NHPT ngày 12/10/2009, hiện nay không còn tài sản để xử lý.

[3] Về án phí, lệ phí:

- Án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm Công ty TNHH H phải chịu là: [112.000.000đ + (0,1% x 14.460.958.589đ)] = 126.460.958đ.

- Do không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng Ph về việc buộc Công ty HNHH H trả lãi phạt trên lãi chậm trả với số tiền là 6.262.820.735đ nên Ngân hàng Ph phải chịu án phí là [112.000.000đ + (0,1% x 2.262.820.735đ)] = 114.262.820đ.

Lệ phí xem xét thẩm định tại chỗ Ngân hàng Ph tự nguyện chịu.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng;

Căn cứ các điều 471, 474, 476, khoản 3 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2005;

Căn cứ các điều 147, 266, 267, 273 và khoản 2 Điều 227, Điều 228, Điều 269 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên bố: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Ph đối với Công ty TNHH H về tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Xử:

1. Buộc Công ty TNHH H phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng Ph số tiền nợ là 18.460.958.589đồng (Mười tám tỷ bốn trăm sáu mươi triệu chín trăm năm mươi tám nghìn năm trăm tám mươi chín đồng). Trong đó, nợ gốc là 7.803.102.258đ, nợ lãi là 10.657.856.331đ.

2. Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng Ph về việc buộc Công ty TNHH H phải trả khoản tiền lãi phạt trên lãi chậm trả với số tiền là 6.262.820.735đ (Sáu tỷ hai trăm sáu mươi hai triệu tám trăm hai mươi nghìn bảy trăm ba mươi lăm đồng).

3. Công ty TNHH H có nghĩa vụ tiếp tục trả lãi quá hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng xuất khẩu theo hạn mức số 269/2009/HĐXKHM-NHPT ngày 17/4/2009 kể từ ngày 01/12/2019 cho đến ngày thanh toán hết khoản nợ vay cho Ngân hàng Ph.

4. Về xử lý tài sản thế chấp: Tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 513/2010/TCTS-NHPT ngày 15/7/2010 được ký kết giữa Ngân hàng Ph - Chi nhánh Ngân hàng Ph Đà Nẵng đã được xử lý hết trong hợp đồng thế chấp tài sản số 753/2009/TCTS-NHPT ngày 12/10/2009, hiện nay không còn tài sản để xử lý.

5. Về án phí, lệ phí:

- Án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm Công ty TNHH H phải chịu là 126.460.958đ ( Một trăm hai mươi sáu triệu bốn trăm sáu mươi nghìn chín trăm năm mươi tám đồng).

- Ngân hàng Ph phải chịu án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm là 114.262.820đ (Một trăm mười bốn triệu hai trăm sáu mươi hai nghìn tám trăm hai mươi đồng), nhưng được khấu trừ vào 64.864.032đ (Sáu mươi bốn triệu tám trăm sáu mươi bốn nghìn không trăm ba mươi hai đồng) tiền tạm ứng án phí, đã nộp tại biên lai thu số 739 ngày 20/9/2019 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Cẩm Lệ.

Như vậy, Ngân hàng Ph còn phải nộp tiếp số tiền là 49.398.788đ (Bốn mươi chín triệu ba trăm chín mươi tám nghìn bảy trăm tám mươi tám đồng).

- Lệ phí xem xét thẩm định tại chỗ Ngân hàng Ph nguyện chịu.

6. Án xử công khai; nguyên đơn; bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Riêng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày niêm yết bản án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự .

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

353
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 15/2019/KDTM-ST ngày 30/11/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:15/2019/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Cẩm Lệ - Đà Nẵng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 30/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về