Bản án 15/2019/KDTM-PT ngày 05/06/2019 về tranh chấp hợp đồng đại lý

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 15/2019/KDTM-PT NGÀY 05/06/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẠI LÝ

Vào các ngày 29 tháng 5 và ngày 05 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh, thương mại thụ lý số 11/2019/TLPT-KDTM ngày 22/02/2019 về việc “tranh chấp hợp đồng đại lý”.

Do Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 27/2018/KDTM-ST ngày 27/11/2018 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 19/2019/QĐ-PT ngày 23/4/2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần B; địa chỉ: Đường B1, khu phố B2, phường B3, thị xã A, tỉnh Bình Dương.

Người đại diện theo pháp luật: Ông B4, chức vụ: Tổng Giám đốc Công ty. Những người đại diện theo ủy quyền: Ông B5 và bà B6; cùng địa chỉ liên hệ: Số b7, đường B8, Phường B9, Quận B10, Thành phố Hồ Chí Minh, có mặt.

2. Bị đơn: Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ C; địa chỉ: Số C1, đường C2, phường C3, thành phố C4, tỉnh Nam Định.

Người đại diện theo pháp luật: Bà C5, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty. Địa chỉ: Số C6, đường C7, phường C8, thành phố C4, tỉnh Nam Định, có đơn xin xét xử vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Bà T và ông H, là Luật sư Công ty Luật TNHH MT và Cộng sự, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định, cùng địa chỉ: Số TH1, đường TH2, phường TH3, thành phố C4, tỉnh Nam Định, có mặt tại phiên tòa ngày 29/5/2019, có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa ngày 05/6/2019.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

3.1. Công ty Cổ phần Vận tải D; địa chỉ: Lầu D1, số D2, Phường D3 Quận D4, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông D5, chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông D6, sinh năm 1980, địa chỉ: Số D7, đường D8, Phường D9, Quận D10, Thành phố Hồ Chí Minh, có đơn xin xét xử vắng mặt.

3.2. Công ty TNHH E; địa chỉ: Số E1, đường E2, Phường E3, quận E4, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông E5, sinh năm 1959, chức vụ: Giám đốc Công ty, vắng mặt.

3.3. Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất F; địa chỉ: Khu F1, phường F2, thành phố F3, tỉnh Phú Thọ.

Người đại diện theo pháp luật: Ông F4, sinh năm 1971, chức vụ: Giám đốc Công ty, vắng mặt.

3.4. Ông G, sinh năm 1975; địa chỉ liên lạc: Tòa nhà G1,đường G2, phường G3, quận G4, Thành phố Hà Nội, vắng mặt.

3.5. Ông I - Giám đốc I1 (Chủ Doanh nghiệp Tư nhân); địa chỉ: Số I2, đường I3, phường I4, thị xã I5, tỉnh Bắc Ninh, vắng mặt.

4. Người làm chứng:

4.1. Bà K, sinh năm 1989; địa chỉ: Số nhà K1, tập thể K2, ngõ K3, đường K4, phường K5, quận K6, Thành phố Hà Nội, vắng mặt.

4.2. Bà L; địa chỉ: Số L2, ngõ L2, đường l3, quận L4, Thành phố Hà Nội, vắng mặt.

5. Người kháng cáo: Bị đơn Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung bản án sơ thẩm:

* Theo đơn khởi kiện ngày 22/5/2018, lời khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông B5 và bà B6 thống nhất trình bày:

Từ năm 2014 đến năm 2016, Công ty Cổ phần B (viết tắt là Công ty B) và Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ C (viết tắt là Công ty C) có giao dịch mua bán hàng hóa là tôn do Công ty B sản xuất. Ngày 03/01/2017, Công ty B và Công ty C ký Hợp đồng đại lý số: HĐĐL201701-007PT với một số nội dung như sau: Công ty B đồng ý giao cho Công ty C làm đại lý kinh doanh các sản phẩm tôn do Công ty B sản xuất, đơn hàng đặt chủ yếu bằng fax hoặc email, địa điểm giao hàng là nhà máy của Công ty B, hạng mức xuất hàng là 3.000.000.000 đồng, thanh toán tiền mua hàng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng, cơ sở thanh toán tiền là căn cứ vào số lượng hàng thực tế thể hiện trên phiếu giao vận hàng và hóa đơn tài chính, lãi suất chậm thanh toán là 0,07%/ngày/tổng số tiền thanh toán chậm, đối chiếu công nợ vào mỗi tháng hoặc khi cần thiết, thời gian phản hồi đối chiếu công nợ là 05 ngày kể từ ngày nhận được bản đối chiếu công nợ, ngoài ra hợp đồng còn quy định về chế độ chiết khấu, giải quyết khiếu nại hàng hóa… Sau nhiều đơn hàng đã thực hiện hoàn tất, ngày 06/9/2017 và ngày 12/9/2017, Công ty C và Công ty B đã ký kết 02 Bảng xác nhận đặt hàng với tổng giá trị là 4.610.785.918 đồng, tuy nhiên do hạn mức xuất hàng theo Hợp đồng và Thư bảo lãnh thanh toán tối đa là 3.000.000.000 đồng nên giá trị hàng mà Công ty C được giao chỉ khống chế dưới ba tỷ đồng. Quá trình giao dịch, Công ty C liên lạc bằng điện thoại với Văn phòng đại diện của Công ty B tại Hà Nội, sau đó Văn phòng đại diện của Công ty B tại Hà Nội sẽ ghi nhận và lập Bảng xác nhận đặt hàng chi tiết gửi cho Công ty B để người có thẩm quyền ký xác nhận, sau đó scan và gửi mail cho Văn phòng đại diện để Văn phòng đại diện gửi cho Công ty C ký xác nhận việc đặt hàng và gửi lại cho Văn phòng đại diện của Công ty B, Văn phòng đại diện của Công ty B sẽ gửi bản gốc lại cho Công ty B. Căn cứ Bảng xác nhận đặt hàng, ngày 06/9/2017, Công ty B đã giao 03 container hàng cho Công ty C thông qua công ty vận chuyển là Công ty TNHH E (viết tắt là Công ty E) và ngày 16/9/2017 Công ty B đã giao 02 container hàng cho Công ty C thông qua công ty vận chuyển là Công ty Cổ phần Vận tải D (viết tắt là Công ty D). Tổng giá trị 05 container hàng được giao là 2.990.981.708 đồng tương ứng với 119.488 kg hàng. Công ty B đã xuất tổng cộng 05 hóa đơn giá trị gia tăng và gửi qua đường bưu điện vào ngày 14/9/2017 và ngày 21/9/2017 cho Công ty C.

Theo yêu cầu của Công ty C, Công ty B giao hàng cho người mua của Công ty C là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại F (viết tắt là Công ty F) theo Hợp đồng mua bán hàng hóa ngày 29/8/2017 giữa Công ty F và Công ty C, đồng thời hai công ty vận chuyển là Công ty E và Công ty D đều do Công ty F ký hợp đồng vận chuyển. Sau khi đặt hàng, Công ty B được biết Công ty F đã tạm ứng thanh toán trước cho Công ty C số tiền 1.700.000.000 đồng để mua 5 container hàng từ Công ty C, nhưng sau đó Công ty F chỉ lấy 14 cuộn tôn và trả lại cho C 14 cuộn, đồng thời Công ty C đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng với số tiền 1.700.000.000 đồng cho Công ty F, trong 14 cuộn nhận lại Công ty C đã bán cho I1 02 cuộn theo hợp đồng mua bán vật tư 19/10/2017 và I1 đã thanh toán 02 cuộc tôn đã mua cho Công ty C.

Theo quy định của Hợp đồng thì thời hạn thanh toán là 30 ngày kể từ ngày thể hiện trên Phiếu giao nhận hàng nên ngày cuối cùng Công ty C phải có trách nhiệm thanh toán tiền hàng là vào ngày 06/10/2017 và ngày 16/10/2017. Vào ngày 14/10/2017 và ngày 21/10/2017, Công ty B đã gửi văn bản yêu cầu Công ty C đối chiếu công nợ và yêu cầu thanh toán nợ quá hạn. Vào ngày 25/10/2017, ngày 30/10/2017 và ngày 07/11/2017 Công ty C đã thanh toán cho Công ty B số tiền là 1.442.402.560 đồng, còn nợ lại 1.548.579.148 đồng. Công ty B đã nhiều lần yêu cầu nhưng Công ty C không thanh toán số tiền còn lại đồng thời đưa lý do Công ty C đã hủy 02 đơn hàng ngày 06/9/2017, ngày 12/9/2017 và không nhận hàng đối với 05 hóa đơn trong hai ngày trên. Công ty B xét thấy việc Công ty C đưa ra lý do đã hủy 02 đơn hàng ngày 06/9/2017, ngày 12/9/2017 và không nhận hàng để không thanh toán tiền nợ mua hàng cho Công ty B là hoàn toàn vô lý. Công ty B khởi kiện yêu cầu Công ty C thanh toán tiền mua hàng còn nợ là 1.548.579.148 đồng và yêu cầu bồi thường tiền lãi do vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ tính từ ngày 01/11/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 27/11/2018) là 1.548.579.148 đồng x 0.07% x 392 ngày = 424.930.118 đồng tương đương mức lãi suất làm căn cứ bồi thường là 0,07%/ngày. Tổng cộng số tiền yêu cầu thanh toán là 1.973.509.266 đồng.

* Tại bản tự khai ngày 05/7/2018 người đại diện theo pháp luật của bị đơn là ông P trình bày:

Thng nhất với trình bày của đại diện nguyên đơn về nội dung hợp đồng mua bán đã ký kết. Sau khi ký Bảng xác nhận đặt hàng thì Công ty C nhận thấy mặt hàng tôn không đúng chủng loại nên Công ty C đã thông báo hủy 02 đơn hàng đã đặt cho ông G là Trưởng Văn phòng đại diện của Công ty B tại Hà Nội. Tuy nhiên, ông G báo không thể hủy được 02 đơn hàng đã đặt nên ông G đề nghị vẫn thực hiện thủ tục lấy hàng ra để bán, nếu bán được thì sẽ chuyển tiền cho Công ty C để Công ty C chuyển trả lại cho Công ty B. Chứng cứ chứng minh cho việc này là bản giải trình của ông G đề ngày 30/11/2017 với nội dung ông G cam kết sẽ hoàn trả số tiền hàng là 1.548.579.148 đồng cho Công ty B và bản ghi âm giọng nói của ông G và C5 là Phó Giám đốc Công ty C trao đổi về trách nhiệm trả tiền. Thực tế sau khi lấy hàng ra, ông G có chuyển 12 cuộn tôn và số tiền 230.000.000 đồng cho Công ty C. Trên cơ sở số hàng và tiền ông G đã giao thì vào các ngày 25/10/2017, ngày 30/10/2017 và ngày 07/11/2017, Công ty C đã thanh toán cho Công ty B số tiền 1.442.402.560 đồng tương ứng với Hóa đơn số 0001479 ngày 06/9/2017 và Hóa đơn số 0001478 ngày 06/9/2017 và số tiền 230.000.000 đồng mà ông G đã chuyển cho Công ty C.

Đi với số hàng còn lại mà ông G đã xuất ra tương ứng với 03 Hóa đơn giá trị gia tăng: Số 0001480 ngày 06/9/2017, số 0001610 ngày 16/9/2017 và số 0001611 ngày 16/9/2017 thì Công ty C không biết và không có nhận nên ngày 12/4/2018 Công ty C đã trả lại cho Công ty B 03 hóa đơn giá trị gia tăng đối với lượng hàng mà Công ty C không nhận. Trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn không đồng ý vì thực tế không nhận số hàng, nguyên đơn cũng không cung cấp được bản chính giấy giới thiệu của người đến nhận hàng như trong hợp đồng đại lý mà hai bên đã thỏa thuận.

* Tại biên bản lấy lời khai ngày 02/11/2018 và bản tự khai ngày 15/11/2018 người đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty F là ông F4 trình bày:

Công ty F không giao dịch, mua bán với Công ty B, giữa Công ty F và Công ty C có ký Hợp đồng số 29082017-PT ngày 29/8/2017 về việc mua bán tôn, mạ kẽm, mạ màu, cùng ngày 29/8/2017 Công ty F đã chuyển cho Công ty C số tiền 1.700.000.000 đồng để tạm ứng tiền hàng, đến ngày 08/9/2017 giữa Công ty F và Công ty C ký bảng xác nhận đơn hàng sẽ mua là 16 cuộn tôn của Công ty B với giá tiền 1.694.634.314 đồng, địa điểm nhận hàng là tại kho Công ty B. Để thực hiện hợp đồng, ngày 05/9/2017 Công ty F ký hợp đồng vận chuyển với Công ty E để vận chuyển 03 container hàng với 17 cuộn tôn, ngày 16/9/2017 Công ty F ký hợp đồng vận chuyển với Công ty D để vận chuyển 02 container hàng với 11 cuộn tôn.

Tuy nhiên, thực tế Công ty F chỉ nhận 14 cuộn tôn, số tôn còn lại đã giao tại địa điểm giao hàng của Công ty C. Cùng với việc mua 14 cuộn tôn của Công ty B sản xuất, Công ty F đã mua thêm một số sản phẩm khác của Công ty C nên Công ty C đã xuất hóa đơn mua hàng cho Công ty F số tiền 1.700.000.000 đồng. Công ty F đã mua hàng của Công ty C và đã thanh toán tiền đầy đủ nên không có quyền lợi gì trong vụ án này, yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

* Tại bản tự khai ngày 08/8/2018 và 12/11/2018 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông G trình bày:

Thng nhất với trình bày của đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn về quá trình giao dịch mua bán, việc ký hợp đồng đại lý giữa Công ty B và Công ty C, số lượng, việc ký xác nhận 02 đơn đặt hàng vào ngày 06/9/2017 và ngày 12/9/2017 cũng như cách thức trao đổi để đặt hàng và nhận hàng giữa Công ty B và Công ty C. Ông G xác nhận không nhận được bất cứ thông báo nào về việc hủy đơn đặt hàng của Công ty C. Qua sự giới thiệu của ông G, Công ty F đã mua lại toàn bộ 05 container với 28 cuộn tôn mà Công ty C đã nhận của Công ty B, bằng chứng là Công ty C và Công ty F có ký hợp đồng mua bán thép mạ kẽm - mạ màu vào ngày 29/8/2017 . Trước khi lấy hàng, Công ty F ứng trả trước tiền hàng là 1.700.000.000 đồng, Công ty C đã xuất hóa đơn cho Công ty F, tuy nhiên do nhu cầu hàng của Công ty F thay đổi nên Công ty F chỉ lấy 14 cuộn, trả lại 14 cuộn cho Công ty C, trong số 14 cuộn mà Công ty C nhận lại có 02 cuộn ông G giới thiệu khách hàng là I1 mua và I1 đã thanh toán tiền mua 02 cuộn hàng cho Công ty C theo ủy nhiệm chi ngày 23/10/2017 với số tiền 230.834.635 đồng.

Đi với bản giải trình của ông G đề ngày 30/11/2017 mà Công ty C gửi cho Tòa án đây là bản cam kết ông G đã gửi cho nội bộ Công ty B và gửi qua Zalo cho C5 là Phó Giám đốc của Công ty C, mục đích của bản cam kết nhằm đảm bảo uy tín và chứng minh trách nhiệm của ông G trước lãnh đạo Công ty B về việc sẽ thu hồi được số tiền hàng mà Công ty C còn thiếu, không phải việc ông G cam kết trả thay số tiền nợ cho Công ty C. Việc Công ty C còn nợ tiền hàng Công ty B là đúng nên yêu cầu Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

* Tại bản tự khai ngày 02/8/2018, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty D là ông D5 trình bày:

Vào ngày 16/9/2017, Công ty D có ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa với Công ty F. Thực hiện hợp đồng, ngày 16/9/2017 Công ty D đã vận chuyển 02 container hàng số TCKU 274673-0 và số VNLU 2094383 cho Công ty F. Theo yêu cầu, Công ty D đã giao 01 container số VNLU 2094383 đến Công ty N và giao 01 container số TCKU 274673-0 đến Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Q. Công ty D đã thực hiện xong hợp đồng vận chuyển và đã nhận đủ tiền vận chuyển và không có quyền lợi gì trong vụ án nên yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

* Tại bản tự khai ngày 02/8/2018, người đại diện theo pháp luật của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty E là ông E5 trình bày:

Vào ngày 05/9/2017, Công ty E có ký Hợp đồng vận chuyển hàng hóa với Công ty F. Thực hiện hợp đồng, ngày 06/9/2017 Công ty E đã vận chuyển 03 container hàng số TSLU6216608, số DRYU2288239 và số GEUSU3454315 cho Công ty F. Theo yêu cầu thì Công ty E đã giao 03 container trên đến Công ty N. Công ty E đã thực hiện xong hợp đồng vận chuyển và đã nhận đủ tiền vận chuyển và không có quyền lợi gì trong vụ án nên yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

* Tại bản tự khai ngày 05/11/2018, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông I - Chủ doanh nghiệp tư nhân I1 trình bày:

Vào ngày 19/10/2017, I1 ký hợp đồng mua bán vật tư với Công ty C 02 cuộn tôn do Công ty B sản xuất với giá 230.834.835 đồng, sau khi nhận hàng thì I1 đã thanh toán số tiền 230.834.835 đồng cho Công ty C theo ủy nhiệm chi vào ngày 23/10/2017. I1 đã thực hiện xong hợp đồng mua bán và đã thanh toán đủ tiền và không có quyền lợi gì trong vụ án nên yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

* Người làm chứng bà K trình bày:

Bà K là nhân viên của Công ty B từ tháng 5/2015. Vào ngày 05/9/2017 đến ngày 12/9/2017, Công ty C đặt hàng của Công ty B và giữa các bên ký kết 02 bảng xác nhận đơn hàng tương ứng với 05 container được xuất kho tại Bình Dương vào ngày 06/9/2017 và 16/9/2017. Khi nhận được thông tin từ Công ty C bán hàng cho Công ty F, bà K đã hỗ trợ khách hàng bằng cách liên hệ với Công ty vận chuyển và hướng dẫn các đơn vị vận chuyển ký hợp đồng trực tiếp với Công ty F.

* Người làm chứng bà L trình bày:

Bà L không được chứng kiến sự việc ông G đã thực hiện thuê người nhận hàng từ Công ty B và chỉ định giao đi các nơi khác, tuy nhiên trong thời gian còn mua bán hàng hóa với ông G, thì được biết ông G có mua bán tôn lạnh màu của Công ty B với Công ty C nhưng không rõ về khoảng thời gian, số lượng và giá trị hàng hóa. Có lần ông G đề nghị gửi hàng của Công ty B tại kho của công ty bà L làm Giám đốc và vay tiền của bà để trả cho Công ty C nhưng bà không đồng ý. Vào khoảng tháng 10/2017, bà L chứng kiến việc nói chuyện giữa ông G và C5 – Giám đốc Công ty C, ông G đề nghị C5 trả tiền cho nhà máy trước rồi ông G sẽ trả lại tiền cho C5 sau.

Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 27/2018/KDTM-ST ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã A, tỉnh Bình Dương đã tuyên xử:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần B với Công ty TNHH đầu tư và dịch vụ C về việc tranh chấp hợp đồng đại lý.

Buộc Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ C phải thanh toán cho Công ty Cổ phần B tiền bán hàng tôn của đại lý chưa thanh toán là: 1.973.509.266 đồng.

Tiền lãi tiếp tục được tính từ ngày 28/11/2018 cho đến Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ C thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ cho Công ty Cổ phần B theo mức lãi suất thỏa thuận Hợp đồng đại lý số HĐĐL201701-007PT ngày 03/01/2017.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo, quyền và nghĩa vụ thi hành án của đương sự.

Ngày 28/12/2018, Tòa án nhân dân thị xã A nhận được đơn kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ C kháng cáo đối với Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 27/2018/KDTM-ST ngày 27 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân thị xã A, đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Ti phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa nhưng có văn bản ghi ngày 02/4/2019 gửi cho Tòa án trình bày ý kiến như sau: Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng khi không hoãn phiên tòa do vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn; thu thập chứng cứ là bản photo; sử dụng chứng cứ không đầy đủ và đánh giá chứng cứ không khách quan, mang tính suy diễn, áp đặt, quyết định theo hướng có lợi cho bị đơn.

Nhng người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn cho rằng tại phiên tòa sơ thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn mới được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, việc chứng minh sự kiện bất khả kháng chỉ được thực hiện khi triệu tập hợp lệ lần thứ hai. Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng khi xét xử vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn. Về nội dung vụ án: Lần giao hàng vào hai ngày 06/9/2017 và 16/9/2017 không có người nhận của bị đơn, không có căn cứ chứng minh Công ty C nhận hàng, người nhận hàng là ông G. Ông G là người làm các thủ tục cho Công ty F nhận hàng. Do Công ty B vi phạm quy trình quản lí giao nhận hàng nên Ngân hàng từ chối thanh toán theo chứng thư bảo lãnh. Số tiền 1.700.000.000 đồng là tiền thanh toán của Công ty F cho Công ty C đối với các hóa đơn vào tháng 7/2017. Bản án sơ thẩm căn cứ hợp đồng mua hàng giữa Công ty C và Công ty F là không đủ cơ sở. Bản án sơ thẩm không tuyên trách nhiệm của ông G, đề nghị tuyên buộc trách nhiệm của ông G. Theo hợp đồng, nếu bị đơn không thanh toán thì phải thực hiện chứng thư bảo lãnh tại Ngân hàng, đề nghị hủy bản án sơ thẩm để làm rõ.

Ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương:

- Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm, kể từ khi thụ lý cho đến khi đưa vụ án ra xét xử, những người tham gia tố tụng và những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Đối với Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Tại phiên tòa, trong phần hỏi, Luật sư T thực hiện việc hỏi nguyên đơn chưa thật sự rõ ràng dẫn đến khi nguyên đơn trả lời nhưng không đặt câu hỏi tiếp lại trình bày và diễn giải là chưa đúng nguyên tắc quy định tại Điều 249 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, sau khi được Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên nhắc nhở, góp ý thì sau đó Luật sư T đã thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.

- Về nội dung kháng cáo:

Phiên tòa ngày 27/11/2018, được mở là lần thứ hai, bị đơn và tất cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án có đơn xin xét xử vắng mặt nên Tòa án cấp sơ thẩm xét xử theo quy định. Đối với Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn xin hoãn phiên tòa với lý do bị bệnh và ở vị trí địa lý xa nhưng tài liệu chứng cứ đưa ra không thuộc trở ngại khách quan nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn đề nghị hoãn của Luật sư và xét xử vắng mặt Luật sư là đúng quy định của tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ các vấn đề sau:

- Người ký nhận hàng ở mục “Lái xe” của tất cả 05 Phiếu giao vận hàng có phải là người của Công ty E và Công ty D không? Sau đó, những lái xe này chở hàng giao cho ai? Tại đâu? Theo yêu cầu của ai? Các phiếu giao nhận hàng để có cơ sở xác định ai là người nhận số hàng này?

- Vì sao người tiếp thị giao hàng trong ngày 06/9/2017 của nguyên đơn là ông M? M có liên quan gì đối với nguyên đơn hoặc Văn phòng đại diện của nguyên đơn tại Hà Nội?

- Số tiền 217.279.347 đồng theo Thông báo số 20112017-001KD ngày 22/11/2017 của nguyên đơn có liên quan đến việc thanh toán số tiền của các đơn hàng ngày 06/9/2017 và ngày 12/9/2017 hay không? - Đối với số tiền do Công ty F thanh toán cho bị đơn 1.700.000.000 đồng có liên quan đến số hàng nguyên đơn đã xuất kho các ngày 06 và 12/9/2017 hay không; vì sao các ngày 06 và 12/9/2017 bị đơn mới đặt hàng chốt số lượng mua của nguyên đơn 28 cuộn tôn nhưng trước đó, ngày 29/8/2017 đã ký hợp đồng mua bán tôn với Công ty F và sau đó, ngày 05/9/2017, Công ty F ký hợp đồng vận chuyển với Công ty E để vận chuyển 03 container hàng với 17 cuộn tôn và ngày 6/9/2017 và ngày 16/9/2017, Công ty F ký hợp đồng vận chuyển với Công ty D để vận chuyển 02container hàng với 11 cuộn tôn vào ngày 16/9/2017?

- Vì sao ngày 06/2017 và ngày 12/9/2017 nguyên đơn đã giao 28 cuộn tôn cho bị đơn thông qua Công ty E và Công ty D và đã chốt nợ với bị đơn nhưng đến ngày 30/10/2017 mới thông tin cho bị đơn biết việc giao hàng? Tòa án cấp sơ thẩm chưa điều tra, thu thập chứng cứ đầy đủ để chứng minh thực tế bị đơn có thông báo cho ông G biết việc hủy đơn hàng ngày 06/9/2017 và ngày 12/9/2017 không? Có hay không việc ông G không hủy đơn hàng theo yêu cầu của bị đơn nhưng vẫn làm thủ tục lấy hàng ra bán và thông qua bị đơn chuyển trả tiền cho nguyên đơn? Những tình tiết và chứng cứ nêu trên chưa được Tòa án cấp sơ thẩm làm rõ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể bổ sung, khắc phục được, vì vậy, có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị đơn, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm và giao hồ sơ vụ án về cho Tòa án nhân dân thị xã A xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa; sau khi nghe các đương sự trình bày ý kiến và Kiểm sát viên phát biểu quan điểm; sau khi thảo luận, 

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Về tố tụng:

[1] Ngày 27 tháng 11 năm 2018, Tòa án nhân dân thị xã A xét xử sơ thẩm vụ án và ban hành Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 27/2018/KDTM- ST. Ngày 14/12/2018, bị đơn Công ty C nhận được bản án của Tòa án nhân dân thị xã A. Ngày 28/12/2018, bị đơn Công ty C có đơn kháng cáo đối với toàn bộ bản án. Người kháng cáo nộp đơn kháng cáo trong thời hạn, đóng tạm ứng án phí đúng quy định tại các Điều 271, 273, 276 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Người đại diện hợp pháp của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện hợp pháp của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông G, ông I, ông D5, ông E5, ông F4, người làm chứng bà L, bà K đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt tại phiên tòa, trong đó, người đại diện hợp pháp của bị đơn, người đại diện hợp pháp của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Vận tải D có đơn xin xét xử vắng mặt, căn cứ khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự.

Xét nội dung kháng cáo: Về thủ tục tố tụng:

[3] Về việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Phiên tòa ngày 27/11/2018 của Tòa án nhân dân thị xã A là phiên tòa mở lần thứ hai, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn là bà T có đơn xin hoãn phiên tòa nhưng không vì lý do bất khả kháng. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận việc xin hoãn phiên tòa của bà Thu và vẫn tiến hành xét xử là phù hợp với quy định tại Điều 227 và Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[4] Về việc thu thập chứng cứ: Tất cả các tài liệu Tòa án cấp sơ thẩm thu thập đều là bản sao có công chứng, chứng thực hoặc có xác nhận đã đối chiếu bản chính của Thẩm phán, phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự nên có giá trị pháp lý.

Về nội dung:

[5] Nguyên đơn, bị đơn thống nhất việc ký kết Hợp đồng đại lý số HĐĐL201701-007PT ngày 03/01/2017, hình thức và nội dung của hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật nên phát sinh hiệu lực.

[6] Theo nội dung hợp đồng, nguyên đơn Công ty B giao cho bị đơn Công ty C làm đại lý kinh doanh các sản phẩm tôn do Công ty B sản xuất. Quá trình thực hiện hợp đồng nêu trên, Công ty C và Công ty B thống nhất: Ngày 06/9/2017 và ngày 12/9/2017, Công ty B với Công ty C ký 02 bảng xác nhận đặt hàng có tổng giá trị 4.610.785.918 đồng. Tuy nhiên, do hợp đồng đã giao kết có hạn mức 3.000.000.000 đồng nên Công ty B giao hàng cho Công ty C có giá trị thấp hơn tổng giá trị của 02 bảng xác nhận đặt hàng. Số tiền bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn theo các đơn hàng trên là 1.442.402.560 đồng. Những nội dung các đương sự thống nhất là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ni dung tranh chấp:

[7] Nguyên đơn cho rằng vào ngày 06/9/2017 và ngày 16/9/2017 đã giao cho bị đơn 05 container hàng với 28 cuộn tôn, tương đương trị giá 2.990.981.708 đồng, địa điểm giao hàng tại kho của nguyên đơn. Sau khi nhận hàng, bị đơn chỉ thanh toán được số tiền 1.442.402.560 đồng, sau đó mặc dù được nguyên đơn thông báo bằng văn bản nhiều lần nhưng vẫn không thanh toán số tiền còn lại. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền 1.548.579.148 đồng và tiền lãi chậm trả.

[8] Bị đơn không đồng ý thanh toán số tiền 1.548.579.148 đồng vì cho rằng sau khi ký bảng xác nhận đặt hàng vào các ngày 06/9/2017 và 12/9/2017 với nguyên đơn thì phát hiện chủng loại tôn không phù hợp nên đã điện thoại báo cho ông G (Trưởng Văn phòng đại diện của nguyên đơn tại Hà Nội) để hủy và không mua hàng đã ký. Vì vậy, khi nhận được 05 hóa đơn GTGT do nguyên đơn gửi yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền mua tôn 2.990.981.708 đồng, bị đơn có gặp và hỏi ông G vì sao đã hủy đơn mua hàng nhưng sao lại yêu cầu bị đơn thanh toán. Ông G giải thích rằng không hủy được đơn hàng nên ông G đã tự làm thủ tục lấy hàng ra và sẽ chuyển tiền hoặc hàng đầy đủ cho bị đơn thanh toán giúp ông G khắc phục hậu quả đối với nguyên đơn, sau đó, ông G chuyển cho bị đơn 02 chuyến hàng có giá trị là 1.442.402.560 đồng (trong đó có khoản tiền mặt 230.000.000 đồng). Vì vậy, bị đơn đã giúp ông G chuyển qua tài khoản trả cho nguyên đơn 230.000.000 đồng ngày 25/10/2017; 320.000.000 đồng ngày 30/10/2017 và 892.584.000 đồng ngày 07/10/2017. Sau đó, ông G không chuyển hàng cũng như chuyển tiền cho bị đơn nên bị đơn không biết do không nhận số hàng có giá trị 1.548.579.148 do nguyên đơn khởi kiện. Do đó, ngày 12/4/2018, sau khi đối chiếu số lượng hàng hóa đã nhận thực tế và các hóa đơn tài chính (hóa đơn GTGT) do nguyên đơn gửi, bị đơn đã trả lại cho nguyên đơn 03 hóa đơn số: 0001480 ngày 06/9/2017; 0001610 ngày 16/9/2017; 0001611 ngày 16/9/2017 (BL 62, 63 và 64).

Xét diễn biến thực hiện giao dịch giữa các bên, thấy rằng: Về đặt hàng:

[9] Bị đơn thừa nhận có xác nhận hai đơn đặt hàng (Bảng xác nhận đặt hàng) vào ngày 06/9/2017 và ngày 12/9/2017 với số lượng hàng 183.318 kg tương đương 4.610.785.918 đồng. Tuy nhiên do hạn mức xuất hàng hai bên đã ký kết chỉ ở hạn mức 3.000.000.000 đồng nên nguyên đơn chỉ giao hàng cho bị đơn 119.488 kg, tương đương với 2.990.981.708 đồng. Bị đơn cho rằng đã hủy đơn hàng bằng cách điện thoại báo ông G (đại diện cho Văn phòng của nguyên đơn tại Hà Nội) để hủy, tuy nhiên ông G không thừa nhận, bị đơn không có chứng cứ chứng minh việc hủy đơn hàng.

Về việc giao nhận hàng:

[10] Nguyên đơn cho rằng ngày 06/9/2017 và ngày 16/9/2017, nguyên đơn đã giao 28 cuộn tôn cho bị đơn thông qua hai đơn vị vận chuyển là Công ty E và Công ty D. Bị đơn cho rằng không nhận số hàng nêu trên.

[11] Theo các phiếu giao vận hàng do nguyên đơn cung cấp và lời khai của Công ty E và Công ty D thì ngày 06/9/2017, nguyên đơn đã giao 03 container hàng gồm 17 cuộn tôn cho Công ty vận tải E, Công ty E đã chuyển số hàng trên đến kho của Công ty N tại Khu công nghiệp O, tỉnh Bắc Ninh; ngày 16/9/2017, nguyên đơn đã giao 02 container hàng gồm 11 cuộn tôn cho Công ty vận tải D, khi ra đến cảng Hải Phòng, Công ty D đã chuyển 01 container cho Công ty TNHH Thương mại P vận chuyển đến kho của Công ty N tại Khu công nghiệp O tỉnh Bắc Ninh, 01 container còn lại được Công ty D giao cho công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Q tại địa chỉ số Q1, đường Q2, phường Q3, quận Q4, thành phố Hải Phòng.

[12] Công ty E và Công ty D xác định việc vận chuyển số hàng nêu trên theo hợp đồng vận chuyển đã ký với Công ty F. Công ty F xác nhận việc thuê hai công ty nói trên vận chuyển 28 cuộn tôn theo hợp đồng đã ký với Công ty C số 29082017-PT ngày 29/8/2017. Theo hợp đồng này, Công ty C sẽ bán cho Công ty F hàng hóa là tôn B theo bảng xác nhận ngày 08/9/2017 (BL 253). Do ban đầu Công ty F dự kiến mua nhiều hàng của Công ty C nên đã bỏ tiền thuê vận chuyển cả 05 container hàng, song do việc tiêu thụ gặp khó khăn nên Công ty F chỉ mua số hàng đã đặt (bảng tự khai ngày 15/11/2018 – BL 289). Công ty F đã thanh toán trước 1.700.000.000 đồng tiền mua hàng cho Công ty C. Lời khai của Công ty F phù hợp với lời khai của Công ty D, Công ty E và Công ty B. Đồng thời, theo bảng xác nhận ngày 08/9/2017 (BL 253) giữa Công ty C và Công ty F thể hiện 16 danh mục tôn do hai bên xác nhận trùng khớp với danh mục tôn do Công ty F thuê vận chuyển và gửi hàng tại Khu công nghiệp O, tỉnh Bắc Ninh theo biên bản gửi hàng ngày 26/9/2017 (BL 153). Bị đơn cho rằng số tiền 1.700.000.000 đồng mà Công ty F thanh toán cho Công ty C là cho đơn hàng khác trước đó giữa hai bên. Công ty C nêu ra các hóa đơn số 000441, 000451, 000452, 000908 mà Công ty B xuất cho Công ty C trong tháng 7/2017 để cho rằng số tiền 1.700.000.000 đồng là thanh toán cho các đơn hàng theo các hóa đơn này, ý kiến này là không phù hợp bởi lẽ các hóa đơn này thể hiện việc mua bán tôn giữa Công ty B và Công ty C mà không phải hóa đơn mua bán giữa Công ty F và Công ty C, đồng thời, Công ty F xác định Hợp đồng mua bán ký giữa Công ty C và Công ty F ngày 29/8/2017 là hợp đồng duy nhất giữa hai bên và 1.700.000.000 đồng là tiền ứng trước thanh toán cho Công ty C để mua tôn của 05 container hàng của Công ty B (bản tự khai ngày 2/11/2018 – BL 260), giá trị 04 hóa đơn nêu trên do Công ty B xuất cho Công ty C trong tháng 7/2017 có tổng giá trị là 2.328.557.638 đồng (không phải 1.700.000.000 đồng theo Hóa đơn số 0002144 ngày 09/9/2017 mà Công ty C đã xuất cho Công ty F – BL 254). Do vậy, không có cơ sở chấp nhận ý kiến này của Công ty C, đồng thời có cơ sở xác định Công ty C đã mua hàng của Công ty B và bán cho Công ty F 14 cuộn, Công ty C đã được Công ty F thanh toán tiền.

Đi với 14 cuộn tôn còn lại:

[13] Công ty C thừa nhận có nhận 12 cuộn tôn với tổng khối lượng 48.824 kg nhưng cho rằng do ông G đã tự làm thủ tục lấy hàng ra và bán, sau đó chuyển tiền hoặc hàng cho Công ty C thanh toán cho nguyên đơn giúp ông G, sau đó ông G chuyển cho bị đơn 02 chuyến hàng có giá trị là 1.442.402.560 đồng (trong đó có khoản tiền mặt 230.000.000 đồng). Vì vậy, Công ty C đã giúp ông G chuyển qua tài khoản trả cho nguyên đơn 230.000.000 đồng ngày 25/10/2017; 320.000.000 đồng ngày 30/10/2017 và 892.584.000 đồng ngày 07/10/2017. Công ty C cung cấp chứng cứ là người làm chứng bà L và đoạn băng ghi âm. Đối với người làm chứng bà L không chứng kiến việc ông G đã thực hiện thuê người nhận hàng từ Công ty B cũng như không chứng kiến việc ông G chỉ định giao hàng đi các nơi khác; đối với thẻ nhớ ghi âm không có nội dung thể hiện việc ông G thừa nhận đã lấy hàng và cam kết thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Công ty B thay cho Công ty C nên lời làm chứng của bà L và thẻ nhớ không có cơ sở để xem xét. Ý kiến của Công ty C không được ông G thừa nhận, Công ty C không có chứng cứ chứng minh sự thỏa thuận với ông G như đã trình bày. Theo các biên bản giao nhận hàng ngày 30/10/2017 (BL 227, 228), Công ty C do bà C5 đại diện đã trực tiếp ký xác nhận giao nhận tôn với Công ty Q mà không phải là ông G, ông G chỉ là người giao tôn cho Công ty C, thời điểm này ông G đang là Trưởng chi nhánh Văn phòng của B tại Hà Nội nên việc ông G đại diện cho Công ty B giao hàng cho Công ty C là hoàn toàn phù hợp. Mặt khác, theo danh sách hàng hóa ngày 30/10/2017 do Công ty C cung cấp từ email của bà K thì danh mục 12 cuộn tôn trùng khớp với danh mục tôn theo bảng xác nhận ngày 29/10/2017 của Công ty F gửi cho Công ty C và được Công ty C xác nhận (BL 179), danh mục 11/12 cuộn tôn trùng khớp với danh mục tôn do Công ty F thuê vận chuyển và gửi hàng tại Khu công nghiệp O, tỉnh Bắc Ninh (BL 153). Công ty C thừa nhận đã nhận 12 cuộn tôn này và số tiền bán hàng đã được chuyển trả cho nguyên đơn.

[14] Ngoài ra, ngày 19/10/2018, Công ty C ký với ông I – Chủ doanh nghiệp tư nhân I1 ký Hợp đồng mua vật tư số ...../HĐKT, tại Điều 1 của hợp đồng thỏa thuận Công ty C bán cho I1 02 loại hàng màu đỏ đậm có khối lượng 4.618 kg và màu xanh rêu có khối lượng 4.638 kg tương đương với 02 cuộn tôn với giá tiền 230.834.893 đồng. Công ty C đã giao hàng và xuất giá đơn cho I1 thể hiện tại phiếu xuất kho số 000040 (bút lục số 204), Xí nghiệp I1 đã thanh toán cho Công ty C giá trị đơn hàng bằng hình thức ủy nhiệm chi vào số tài khoản và đơn vị hưởng là Công ty C. Danh mục hai cuộn tôn này cũng trùng khớp với danh mục tôn do Công ty F thuê vận chuyển và gửi hàng tại Khu công nghiệp O, tỉnh Bắc Ninh nên đủ căn cứ xác định Công ty C đã bán cho Xí nghiệp I1 02 cuộn tôn trong số tôn được Công ty F nhận của Công ty B và được thanh toán đầy đủ.

[15] Từ những phân tích trên, đủ cơ sở xác định Công ty C đã nhận hàng của Công ty B theo các phiếu giao vận hàng ngày 06/9/2017 và ngày 16/9/2017 với 28 cuộn tôn, trị giá 2.990.981.708 đồng. Công ty F không nhận trực tiếp toàn bộ hàng hóa mà việc nhận hàng thông qua các Công ty vận chuyển do Công ty F thuê để nhận tại kho của Công ty B. Công ty C không có văn bản thông báo cho Công ty B trước khi nhận hàng là chưa phù hợp với thỏa thuận tại hợp đồng đại lý và nguyên đơn cũng thừa nhận là có sai sót khi thực hiện thủ tục giao hàng. Tuy nhiên, việc Công ty C không nhận hàng trực tiếp tại kho của Công ty B không làm thay đổi bản chất của đại lý thương mại. Bởi lẽ, Công ty C là bên đại lý đã bán hết 28 cuộn tôn của Công ty B đã giao đại lý, do đó Công ty C phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán của bên đại lý đối với bên giao đại lý theo quy định tại Điều 175 Luật Thương mại.

[16] Theo thỏa thuận tại hợp đồng, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thể hiện trên phiếu giao nhận hàng của Công ty B thì Công ty C có nghĩa vụ thanh toán giá trị hàng hóa của Công ty B đã giao đại lý. Do đó, thời hạn cuối cùng Công ty C phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán là ngày 06/10/2017 và ngày 16/10/2017 nhưng đến nay Công ty C chưa thanh toán cho Công ty B số tiền 1.548.579.148 đồng là vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

[17] Về lãi suất: Như đã phân tích tại các mục [15] và [16], có căn cứ xác định bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán số tiền 1.548.579.148 đồng từ ngày 17/10/2017, do đó, bị đơn có nghĩa vụ trả lãi do vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận tại Hợp đồng đại lý số HĐĐL201701-007PT ngày 03/01/2017: “Nếu bên B thanh toán chậm sẽ chịu lãi suất là 0,07%/ngày/tổng số ngày thanh toán chậm.” Nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán tính từ ngày 01/11/2017 đến ngày 17/10/2018 là 392 ngày là thấp hơn số ngày vi phạm, với mức lãi suất 0,07%/ngày tính trên số tiền nợ gốc chậm thanh toán 1.548.579.148 đồng là phù hợp với quy định tại Điều 306 Luật Thương mại. Cụ thể: 1.548.579.148 x 0,07% x 392 ngày = 424.930.118 đồng. Do vậy, Công ty C có trách nhiệm thanh toán cho Công ty B: 1.548.579.148 đồng giá trị hàng hóa và 424.930.118 đồng tiền lãi, tổng cộng là 1.973.509.266 đồng.

Đi với ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, xét thấy:

[18] Về người lái xe của tất cả 05 Phiếu giao vận hàng: Tại Bản tự khai ngày 10/8/2018 của ông D5, đại diện Công ty D khai rằng: “Sau khi nhận được yêu cầu giao hàng (...), ngày 16/9/2017, nhân viên của tôi đến B nhận 02 container hàng theo phiếu giao nhận vận hàng ngày 16/9/2017 (Container hàng số TCKU 274673-0 và VNLU 2094383)”. Tại 02 phiếu giao hàng ngày 16/9/2017 ghi rõ tại phần “Phương thức vận chuyển” có ghi mã 02 container là TCKU 274673-0 và VNLU 209438-3. Theo phiếu giao vận hàng ngày 16/9/2017, lời khai của Công ty B và Công ty D hoàn toàn phù hợp và trùng khớp về ngày giao hàng, số container. Công ty D xác nhận đã nhận hàng tại kho của Công ty B theo phiếu giao vận hàng với mã container rõ ràng cụ thể. Ngoài ra, đối với Công ty vận tải E cũng khai và cung cấp chứng cứ trùng khớp với Công ty B. Mặt khác, như đã phân tích ở trên, danh mục các loại tôn theo bản kê chi tiết của Công ty B đối với danh mục các loại tôn đã giao cho các công ty vận tải đều trùng khớp với danh mục các loại tôn đã giao cho các kho tại khu công nghiệp O, tỉnh Bắc Ninh và cho Công ty Q tại Hải Phòng. Do vậy, không cần thiết phải làm rõ thêm tình tiết này.

[19] Về việc làm rõ ông M có liên quan gì đối với nguyên đơn hoặc Văn phòng đại diện của nguyên đơn tại Hà Nội: Theo lời trình bày của người đại diện cho nguyên đơn tại phiên tòa thì ông M là người lao động của Công ty B, làm việc cho Văn phòng đại diện của Công ty B tại Hà Nội từ ngày 14/9/2016 đến 01/4/2018 thì nghỉ việc. Ý kiến này phù hợp với chứng cứ do nguyên đơn cung cấp tại phiên tòa là hai bản Hợp đồng lao động số HĐTC-04880-16 ngày 14/11/2016 và số HĐTC-04880-17 ngày 14/11/2017 nên có cơ sở chấp nhận. Cũng như ông G, ông M cũng là người lao động của Công ty B nên việc có tên M trên phiếu giao vận hàng là phù hợp, không cần thiết phải làm rõ thêm.

[20] Về số tiền 217.279.347 đồng theo Thông báo số 20112017-001KD ngày 22/11/2017 của nguyên đơn: Tại phiên tòa, nguyên đơn trình bày thực tế việc thanh toán tiền hàng từ Công ty C là họ sẽ chuyển khoản một hoặc nhiều lần cho đến khi trả đủ cho số tiền hàng mà họ đã đặt Công ty B. Chi tiết lệnh chuyển khoản thường không ghi rõ cho hóa đơn cụ thể nào mà chỉ ghi “Công ty C trả tiền hàng”. Khi nhận được tiền, bộ phận kế toán của Công ty B sẽ tự động khấu trừ vào nợ của Công ty C theo từng hóa đơn theo nguyên tắc hóa đơn nào xuất trước thì sẽ trừ nợ trước cho đến khi nào trừ hết nợ. Qua xem xét các tài liệu thanh toán giữa Công ty C và Công ty B nhận thấy số tiền phân bổ 271.279.347 đồng được khấu trừ cho Hóa đơn số 0001480, Số tiền 271.279.347 đồng là số dư còn lại từ khoản sthanh toán 892.584.000 đồng của Công ty C vào ngày 07/11/2017 sau khi đã trừ vào Hóa đơn 0001479. Vì vậy, số tiền 271.279.347 đồng không phải là khoản tiền cụ thể mà Công ty C chuyển khoản cho Công ty B mà đây chỉ là số dư sau khi phân bổ, không nằm trong số tiền nợ mà Công ty B đang khởi kiện.

[21] Đối với số tiền 1.700.000.000 đồng bị đơn cho rằng Công ty F thanh toán cho C là theo đơn hàng khác trước đó giữa hai bên: Nội dung này đã được phân tích ở mục [12].

[22] Về việc tại sao Công ty B giao hàng từ ngày 6/9/2017 và 16/9/2017 mà đến tận ngày 30/10/2017 bà K mới gửi email thông báo giao hàng cho Công ty C (giao 12 cuộn mà Công ty C trực tiếp nhận và thừa nhận đã nhận từ Công ty B): Theo giải trình của nguyên đơn tại phiên tòa thì thực tế thì việc vận chuyển hàng mất trung bình khoảng 10 ngày. Sau khi ra đến kho ngoài Bắc, các công ty khách mua hàng của Công ty C và Công ty C mới phân bổ hàng đến địa điểm từng công ty nhận hàng cuối cùng. Đối với đợt hàng này thì việc tiêu thụ gặp khó khăn nên nhu cầu hàng giữa các bên có sự thay đổi so với đặt hàng ban đầu. Do đó việc phân bổ mất nhiều thời gian và cuối cùng thì C đã nhận lại 12 cuộn vào ngày 30/10/2017, không phải đến ngày 30/10/2017 hàng mới ra đến nơi. Theo thông tin và hồ sơ do Công ty D và Công ty E cung cấp thì đối với lô hàng giao ngày 06/9/2017 thì đến kho ngoài Bắc vào ngày 19/9/2017. Còn đối với lô hàng giao ngày 16/9/2017 thì đến kho ngoài Bắc vào ngày 22/9/2017 và ngày 25/9/2017, đồng thời, Công ty C xác nhận đã nhận 12 cuộn tôn theo đúng với email ngày 30/10/2017 của bà K nên ý kiến của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận.

[23] Về việc Tòa án cấp sơ thẩm chưa điều tra, thu thập chứng cứ đầy đủ để chứng minh thực tế bị đơn có thông báo cho ông G biết việc hủy đơn hàng ngày 06/9/2017 và ngày 12/9/2017 không? Có hay không việc ông G không hủy đơn hàng theo yêu cầu của bị đơn nhưng vẫn làm thủ tục lấy hàng ra bán và thông qua bị đơn chuyển trả tiền cho nguyên đơn. Các nội dung này đều đã được Tòa án cấp sơ thẩm làm rõ và Hội đồng xét xử đã phân tích nên không cần thiết phải thu thập thêm chứng cứ.

[24] Từ những phân tích trên, xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty B về việc buộc Công ty C thực hiện thanh toán giá trị hàng hóa còn lại và tiền lãi do vi phạm nghĩa vụ thanh toán là đúng quy định của pháp luật. Công ty C kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình nên không có cơ sở chấp nhận. Đề nghị hủy bản án sơ thẩm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và của đại diện Viện Kiểm sát là không phù hợp.

[24] Về án phí sơ thẩm và phúc thẩm: Công ty C phải nộp theo quy định.

Bởi các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng:

- Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ C.

2. Giữ nguyên Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 27/2018/KDTM-ST ngày 27/11/2018 của Tòa án nhân thị xã A, tỉnh Bình Dương:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty Cổ phần B đối với bị đơn Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ C về việc tranh chấp hợp đồng đại lý.

Buộc Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ C phải thanh toán cho Công ty Cổ phần B tiền bán hàng tôn của đại lý chưa thanh toán và lãi suất chậm trả là 1.973.509.266 đồng, trong đó 1.548.579.148 đồng giá trị hàng hóa và 424.930.118 đồng tiền lãi.

Tiền lãi tiếp tục được tính từ ngày 28/11/2018 cho đến khi Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ C thi hành án xong với mức lãi suất 0,07%/ngày tính trên số tiền nợ gốc chưa thanh toán.

3. Về án phí:

3.1. Án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm:

Công ty Cổ phần B không phải chịu, hoàn trả cho Công ty Cổ phần B 32.580.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tiền số 0019518 ngày 01/6/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã A, tỉnh Bình Dương.

Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ C phải chịu 71.205.278 đồng án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm.

3.2. Án phí kinh doanh, thương mại phúc thẩm:

Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ C phải chịu 2.000.000 đồng, được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0027986 ngày 14/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã A, tỉnh Bình Dương.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

3200
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 15/2019/KDTM-PT ngày 05/06/2019 về tranh chấp hợp đồng đại lý

Số hiệu:15/2019/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 05/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về