Bản án 13/2017/KDTM-PT ngày 13/07/2017 về tranh chấp hợp đồng đại lý

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 13/2017/KDTM-PT NGÀY 13/07/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẠI LÝ

Ngày 13 tháng 7 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 06/2017/TLPT-KDTM ngày 27 tháng 4 năm 2017 về tranh chấp hợp đồng đại lý.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 12/2017/KDTM-ST ngày 02 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 365/2017/QĐ-PT ngày 31 tháng 5 năm 2017 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 457/2017/QĐ-PT ngày 27 tháng 6 năm 2017 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty D

Đia chi: Đường X, Phương Y, Quân Z, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Trung T, địa chỉ: phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 14 tháng 9 năm 2016. Có mặt.

2. Bị đơn: Công ty T

Đia chi: đương E, xã F, huyên H, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Cao Thị N, Giám đốc Công ty T là người đại diện theo pháp luật và Ông Nguyễn Hồng G, địa chỉ: Phường M, Quận N, Hà Nội là người đại diện theo ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 05 tháng 6 năm 2017, đều có mặt.

3. Người kháng cáo: Công ty T - Bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 14 tháng 9 năm 2016, các lời khai tại Tòa án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ngày 02 tháng 01 năm 2015, Chi nhánh Công ty D tại thành phố Hải Phòng (sau đây gọi là Chi nhánh D) và Công ty T ký kết hợp đồng đại lý số 05-15/HĐMB/DA- D-XHP và các phụ lục hợp đồng, theo đó Chi nhánh D bán cho Công ty T các sản phẩm sữa mang nhãn hiệu Abbott, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm đối với hàng hóa giao nhận, phương thức, thời hạn thanh toán, thời hạn và hiệu lực của hợp đồng. Thực hiện hợp đồng đại lý, Chi nhánh D đã nhiều lần giao hàng theo các đơn đặt hàng của Công ty T.

Quá trình thực hiện hợp đồng bị đơn đã không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn theo các thỏa thuận về thời hạn thanh toán như trong hợp đồng đại lý đã ký kết mặc dù nguyên đơn đã đôn đốc, thương lượng nhiều lần nhưng bị đơn vẫn không trả được nợ. Bảng đối chiếu công nợ lập ngày 02 tháng 11 năm 2015 do hai bên đã xác nhận thì tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2015 bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền là 3.319.105.841 đồng. Sau các đợt thanh toán thêm và cấn trừ công nợ giữa hai bên thì tại bảng đối chiếu công nợ lập ngày 22 tháng 8 năm 2016 do hai bên đã xác nhận thì tính đến ngày 22 tháng 8 năm 2016 bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền là 2.541.918.320 đồng. Vì vậy nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn một lần số tiền còn nợ là 2.541.918.320 đồng.

Trong các lời khai tại Tòa án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Thừa nhận lời trình bày của nguyên đơn về việc hai bên ký kết hợp đồng đại lý số 05-15/HĐMB/DA- D-XHP và các phụ lục hợp đồng là đúng. Quá trình thực hiện hợp đồng Công ty Tvẫn thực hiện đúng hợp đồng, thư bảo lãnh của ngân hàng với số tiền 450.000.000 đồng và định mức công nợ là 900.000.000 đồng. Ngày 25 tháng 9 năm 2015, Chi nhánh D đã tự động gửi đơn hàng cho Công ty T và ép Công ty T nhận hàng trị giá hơn 1.800.000.000 đồng, trong khi Công ty T đang sửa chữa nhà kho và hàng hóa vẫn còn nhiều, nếu Công ty Ttừ chối nhận hàng thì Chi nhánh D sẽ chấm dứt hợp đồng nên Công ty Tđã phải nhận và ký vào đơn hàng, đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho kho chứa hàng của Công ty T bị cháy, thiệt hại nghiêm trọng. Chi nhánh D đã vi phạm hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nay nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn một lần số tiền còn nợ là 2.541.918.320 đồng, bị đơn thừa nhận còn nợ nguyên đơn số tiền như trên nhưng bị đơn không đồng ý đối với yêu cầu của nguyên đơn và đề nghị Tòa án xem xét các hành vi vi phạm hợp đồng của nguyên đơn và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án sơ thẩm số sô 12/2017/KDTM-ST ngay 02 tháng 3 năm 2017, Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên áp dụng Điều 30, Điều 35, Điều 39, Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166, Điều 167, Điều 168, Điều 169, Điều 171, Điều 172, Điều 173, Điều 174, Điều 175, Điều 176, Điều 177, Điều 292 của Luật Thương mại; khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án; Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty D, buộc Công ty T phải trả ngay cho Công ty D số tiền còn nợ là 2.541.918.320 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án mà bên phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền phải thi hành, thì còn phải thanh toán thêm khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành xong theo mức lãi suất mà các bên đã thỏa thuận tại Điểm 7.3 Điều 7 của Hợp đồng đại lý số 05-15/HĐMB/DA- D-XHP ngày 02 tháng 01 năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

2. Về án phí: Công ty T phải nộp 82.838.366 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Trả lại cho Công ty D số tiền 41.400.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000367 ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Ngày 14 tháng 3 năm 2017, Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên ban hành Quyết định sửa chữa, bổ sung bản án sơ thẩm quyết định: Sửa chữa, bổ sung Bản án số 12/2017/KDTM-ST ngày 02 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng như sau: Tại dòng thứ 03 từ trên xuống trang thứ 05 của bản án đã ghi: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty D buộc Công ty T phải trả ngay cho Công ty D số tiền còn nợ là 2.541.918.320 đồng. Nay sửa chữa, bổ sung như sau: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty D, buộc Công ty T phải trả ngay cho Công ty D số tiền còn nợ là 2.541.918.320 đồng. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà bên phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền phải thi hành, thì còn phải thanh toán thêm khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành xong mà các bên đã thỏa thuận theo mức lãi suất nợ quá hạn cho các khoản vay ngắn hạn do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thông báo tại thời điểm phát sinh nợ quá hạn tính từ ngày quá hạn cho đến khi thanh toán xong (Điểm 7.3 Điều 7 của Hợp đồng đại lý số 05 - 15/HĐMB/DA- D-XHP ngày 02 tháng 01 năm 2015).

Ngày 13 tháng 3 năm 2017, Công ty Tcó đơn kháng cáo đề nghị Toa an câp phúc thẩm giải quyết: Hủy bản án sơ thẩm số 12/2017/KDTM-ST ngay 02 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên với lý do: Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng không triệu tập và không đưa người làm chứng là Đàm Thị T, Cao Thị D, Trương Mậu Q, Nguyễn Văn H tham gia tố tụng. Về nội dung Công ty cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm nhận định Công ty D giao hàng vượt quá định mức bảo lãnh, mặc dù Công ty Tkhông có đơn đặt hàng nhưng Tòa án không đánh giá lỗi của Công ty D và không xem xét yếu tố khách quan là sự kiện hỏa hoạn dẫn đến Công ty T không trả được nợ; việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý của Công ty D là không đúng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người kháng cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo, bổ sung ý kiến: Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Chi nhánh D tại Hải Phòng tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bản án sơ thẩm tuyên yêu cầu Công ty Tphải trả lãi chậm trả trong giai đoạn thi hành án là không đúng vì nguyên đơn không yêu cầu khởi kiện, như vậy Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vượt quá yêu cầu khởi kiện. Về đơn đặt hàng ngày 25/9/2015 thì Công ty không có đơn đặt hàng nhưng Công ty D vẫn giao hàng và ép Công ty T nhận hàng.

Nguyên đơn giữ nguyên ý kiến đã trình bày tại Tòa án cấp sơ thẩm và đề nghị Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Quan điểm Đại diện VKSND thành phố Hải Phòng: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán và HĐXX đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, việc chấp hành pháp luật của các đương sự cơ bản tuân theo quy định của pháp luật. Việc kháng cáo của bị đơn thực hiện trong thời hạn quy định. Về đường lối giải quyết vụ án: Việc bị đơn yêu cầu triệu tập những người làm chứng xét thấy không cần thiết vì trong hồ sơ có 2 bản tự khai của bà Cao Thị D và chị Đàm Thị T đều thể hiện việc Công ty D mang hàng đến mà không có đơn đặt hàng của Công ty T. Đối với việc kháng cáo cho rằng Công ty D đã chấm dứt hợp đồng đại lý không tuân thủ quy định của hợp đồng, xét thấy vấn đề này không nằm trong nội dung khởi kiện. Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, các lần đối chiếu công nợ đều được lập thành văn bản và đều được người có thẩm quyền của cả hai bên ký xác nhận, ngày 22/8/2016, hai bên xác nhận nợ và tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn cũng thừa nhận tính đến ngày 22/8/2016 bị đơn còn nợ nguyên đơn 2.541.918.320 đồng. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty D buộc Công ty T phải trả cho Công ty D số tiền còn nợ là 2.541.918.320 đồng là có căn cứ. Đối với yêu cầu đưa chi nhánh Công ty D tại Hải Phòng vào tham gia tố tụng là không có căn cứ chấp nhận vì chi nhánh không có tư cách pháp nhân. Còn việc Tòa án cấp sơ thẩm tính lãi chậm trả trong giai đoạn thi hành án là đúng theo quy định của Thông tư liên tịch số 01/1997 ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Tư pháp – Bộ Tài chính. Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

* Về tố tụng:

- Về thẩm quyền giải quyết: Đây là vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về hợp đồng đại lý và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Căn cứ Điều 30, Điều 35, Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Về việc triệu tập người làm chứng: Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án tại bút lục số 81, 82 đã có các bản tự khai của bà Cao Thị D và chị Đàm Thị T là người làm chứng mà Công ty T đề nghị triệu tập. Như vậy, Tòa án huyện Thủy Nguyên không cần thiết phải triệu tập người làm chứng để lấy lời khai bổ sung.

Căn cứ Khoản 8 Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án xét thấy không phải thực hiện công khai tại phiên tòa việc lấy lời khai của người làm chứng nên Tòa án không triệu tập người làm chứng đến phiên tòa là phù hợp quy định của pháp luật.

- Về việc xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Trong vụ án này, Chi nhánh Công ty D tại Hải Phòng là đơn vị phụ thuộc của Công ty D, không có tư cách pháp nhân.

Theo quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp, Điều 92 Bộ luật Dân sựPháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện” thì Công ty D là pháp nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc ký kết hợp đồng của Chi nhánh Công ty D tại Hải Phòng nên trong vụ án này, Công ty D đã đại diện cho quyền lợi cũng như nghĩa vụ của Chi nhánh Công ty D tại Hải Phòng nên Tòa án cấp phúc thẩm xác định Chi nhánh Công ty D tại Hải Phòng không phải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

* Về nội dung:

Hợp đồng đại lý và các phụ lục hợp đồng được ký kết trên cơ sở tự nguyện, nội dung không trái pháp luật, đạo đức xã hội và được ký kết bởi người đại diện hợp pháp của hai Công ty làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia ký kết. Quá trình thực hiện hợp đồng Chi nhánh D đã giao hàng đầy đủ và đúng theo các đơn đặt hàng của Công ty T. Hai bên đều đối chiếu công nợ bằng văn bản và được người có thẩm quyền của hai bên xác nhận.

Riêng đối với đơn hàng ngày 25 tháng 9 năm 2015, Công ty T cho rằng Chi nhánh D đã tự động gửi đơn hàng cho Công ty T và ép Công ty T nhận hàng là không có căn cứ bởi lẽ:

Theo bảng kê đơn đặt hàng ngày 25 tháng 9 năm 2015 có chữ ký người lập bảng của chị Đàm Thị T và có xác nhận của bà Cao Thị N, Giám đốc Công ty T, đóng dấu Công ty thể hiện có đơn đặt hàng của Công ty T ngày 25 tháng 9 năm 2015 với giá trị đơn hàng 1.902.876.000 đồng. .

Thực tế, ngày 25/9/2015, Chi nhánh D giao hàng cho Công ty T với giá trị của đơn hàng 1.898.101.198 đồng, Công ty T mặc dù biết vượt quá định mức nợ theo hợp đồng nhưng vẫn nhận hàng và ký vào đơn hàng cũng như xác nhận số công nợ ở bảng đối chiếu. Hơn nữa, Công ty T không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc Chi nhánh D đã ép Công ty T nhận hàng. Ngoài ra, theo lời trình bày của bà Cao Thị D, Phó Giám đốc Công ty và bà Đàm Thị T là kế toán của Công ty thì mặc dù không có đơn đặt hàng từ trước nhưng sau khi trao đổi với ông Th là người bên Chi nhánh D thì bà Cao Thị N là Giám đốc đã chỉ đạo bà D và chị T nhận hàng vào kho, bà D ký vào biên bản nhận hàng, chị T hoàn thiện thủ tục nhận hàng.

Điều đó thể hiện Công ty T chấp nhận nợ vượt quá định mức và kể từ thời điểm nhận hàng Công ty T phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với hàng hóa cũng như các rủi ro của hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Ngoài ra, việc thỏa thuận về định mức giao hàng không vượt quá giới hạn bảo lãnh trong hợp đồng thuộc về quyền của bên giao hàng chứ không phải là nghĩa vụ của bên giao hàng, khi bên giao hàng chấp nhận giao vượt quá giới hạn bảo lãnh thì rủi ro thuộc về bên giao hàng chứ không phải là bên nhận hàng.

Căn cứ vào Bảng đối chiếu công nợ lập ngày 02 tháng 11 năm 2015 thì tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2015 Công ty T nợ Chi nhánh D số tiền là 3.319.105.841 đồng. Hợp đồng đại lý và các phụ lục hợp đồng hết hiệu lực sau ngày 31 tháng 12 năm 2015, đơn hàng cuối cùng theo hợp đồng mà hai bên đã thực hiện là đơn hàng ngày 25 tháng 9 năm 2015. Sau khi hợp đồng đại lý số 05-15/HĐMB/DA- D-XHP hết hiệu lực, các bên không sửa đổi, bổ sung hợp đồng nhưng vẫn tiến hành thực hiện việc giao nhận hàng và thanh toán tiền ngay khi nhận hàng. Sau các lần thanh toán nợ thì đến ngày 22 tháng 8 năm 2016 hai bên đã xác nhận nợ và người đại diện hợp pháp của bị đơn cũng thừa nhận tính đến ngày 22 tháng 8 năm 2016 bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền là 2.541.918.320 đồng.

Đối với việc Công ty T kháng cáo cho rằng Công ty D đã chấm dứt hợp đồng đại lý không tuân thủ quy định của hợp đồng: Căn cứ nội dung khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu buộc thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với Hợp đồng số 05-15/HĐMB- D/XHP chứ không phải đối với Hợp đồng số 03-16/HĐMB- D/XHP. Mặt khác, bị đơn không có yêu cầu phản tố đối với Hợp đồng số 03-16/HĐMB- D/XHP nên không có căn cứ để xem xét nội dung kháng cáo này.

Về lãi chậm trả trong giai đoạn thi hành án: Căn cứ quy định tại Thông tư liên tịch số 01/1997 ngày 19/6/1997 của Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp - Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản thì việc Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Công ty T phải trả cho Công ty D lãi chậm trả trong giai đoạn thi hành án là đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ các Điều 166, 167, 168, 169, 171, 172, 173, 174, 175, 176, 177, 292 của Luật Thương mại, không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị đơn, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Về án phí phúc thẩm: Người kháng cáo phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự,

QUYẾT ĐỊNH

Giữ nguyên Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 12/KDTM-ST ngày 02 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên.

Áp dụng Điều 166, 167, 168, 169, 171, 172, 173, 174, 175, 176, 177, 292 Luật Thương mại; khoản 1 Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án,

1. Buộc Công ty T phải trả ngay cho Công ty D số tiền còn nợ là 2.541.918.320 đồng. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà bên phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền phải thi hành, thì còn phải thanh toán thêm khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành xong mà các bên đã thỏa thuận theo mức lãi suất nợ quá hạn cho các khoản vay ngắn hạn do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam thông báo tại thời điểm phát sinh nợ quá hạn tính từ ngày quá hạn cho đến khi thanh toán xong (Điểm 7.3 Điều 7 của Hợp đồng đại lý số 05-15/HĐMB/DA- D-XHP ngày 02 tháng 01 năm 2015).

2. Án phí:

- Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Công ty T phải nộp 82.838.366 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Trả lại cho Công ty D số tiền 41.400.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000367 ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

- Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty T phải nộp 2.000.000 đồng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, được trừ 300.000 đồng số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm Công ty T đã nộp tại Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án số 0000770 ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hải Phòng, Công ty T còn phải nộp 1.700.000 đồng (một triệu bảy trăm nghìn đồng).

3. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.

4. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1115
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 13/2017/KDTM-PT ngày 13/07/2017 về tranh chấp hợp đồng đại lý

Số hiệu:13/2017/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:13/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về