Bản án 151/2018/DS-PT ngày 15/08/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 151/2018/DS-PT NGÀY 15/08/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 15 tháng 8 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 95/2018/TLPT-DS ngày 14 tháng 6 năm 2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Toà án nhân dân thành phố X bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 178/2018/QĐ-PT ngày 17 tháng 7 năm 2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông A, sinh năm 1950, Nơi cư trú: số 76/1 đường Q, phường T, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà D, sinh năm 1960, nơi cư trú: 199-XI, L, khóm K 3, phường K, thành phố X, tỉnh An Giang (theo giấy ủy quyền ngày 10/10/2017).

2. Bị đơn:

- Ông B, sinh năm 1952,

- Bà C, sinh năm 1957

Cùng cư trú: số 183/4 đường Đ, phường L, thành phố X, tỉnh An Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Đ, sinh năm 1977, nơi cư trú: số 370 ấp T, xã B, huyện C, tỉnh An Giang (theo giấy ủy quyền ngày 30/11/2017).

Người kháng cáo: Ông Đ là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trong vụ án.

Các đương sự: Bà D, ông Đ có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nội dung án sơ thẩm:

- Theo đơn khởi kiện và bản tự khai cùng ngày 04/10/2017 của nguyên đơn, các biên bản làm việc trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là bà D trình bày:

Với quan hệ quen biết trong làm ăn nên ngày 14/4/2009 ông A có cho ông B mượn 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng). Đến ngày 31/12/2010, ông B có trả được 41.500.000 đồng, ông A và ông B có lập biên bản để xác định lại số tiền đã mượn. Tại biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2010 thì hai bên thống nhất ông B còn nợ ông A là 958.500.000 đồng (Chín trăm năm mươi tám triệu, năm trăm nghìn đồng). Sau đó, ngày 21/8/2011, ông A tiếp tục cho ông B cùng vợ là bà C mượn số tiền là 1.400.000.000 đồng. Mục đích mượn là để ông B, bà C nộp mỏ cát cho ông Sáu Thi ở Campuchia được ghi tại biên nhận ngày 21/8/2011. Tổng cộng, ông B, bà C còn nợ ông A tổng số tiền là 2.358.500.000 đồng. Do chỗ quen biết và do việc kinh doanh của ông B, bà C gặp khó khăn nên ban đầu ông không yêu cầu trả. Thời gian gần đây, ông B và bà C đã kinh doanh trở lại, có nguồn thu nên ông có đến nhà của ông B, bà C để yêu cầu thanh toán nợ. Ông B, bà C hứa hẹn nhưng không thực hiện nên ông A khởi kiện. Tại phiên tòa, bà D xác định chỉ yêu cầu ông B và bà C liên đới trách nhiệm trả số tiền 1.400.000.000đồng. Đối với số tiền 958.500.000 đồng thì xác định không yêu cầu bà C liên đới với ông B trả vì tại biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2010 bà C không có ký tên xác nhận. Ông B và bà C khi mượn tiền của ông A thì không có thế chấp tài sản mà chỉ dựa trên uy tín với nhau. Chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của ông A là: Biên nhận ngày 21/8/2011 với nội dung ông B, bà C có mượn 1.400.000.000 đồng (Một tỷ bốn trăm triệu đồng) và Biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2010 với số tiền mượn là 958.500.000 đồng (Chín trăm năm mươi tám triệu, năm trăm triệu đồng).

- Theo bản tự khai ngày 05/12/2017 của ông B và bà C là đồng bị đơn trong vụ án, lời khai tại các biên bản làm việc trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của bị đơn là ông Đ trình bày:

Giữa ông B, bà C với ông A có mối quan hệ làm ăn lâu năm. Ông B làm nghề khai thác cát, có Công ty khai thác cát tên là B. Ông A làm nghề mua bán cát, có Công ty tên là A. Giữa ông B, bà C và ông A có hợp tác làm ăn với nhau, ông A mua cát của ông B, bà C bán lại cho các đối tác khác.

Đối với khoản tiền 985.500.000 đồng: Giữa ông A và ông B có thỏa thuận, mỗi khối cát ông A cho ông B là 2.000 đồng để chi tiêu riêng. Ông A nhiều lần giao cho ông B trước một khoản tiền. Mỗi khi ông B chuyển cát về Việt Nam thì C bên tính toán trừ vào phần tiền mà ông B đã nhận trước. Đến ngày 31/12/2010, tại công ty của ông A là Công ty A, ông A và ông B thống nhất thanh lý các khoản tiền đã giao trước nên đến lúc 16 giờ ngày 31/12/2010, ông B ông A đã không còn nợ nhau nữa, thể hiện qua biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2010.

Đối với số tiền 1.400.000.000 đồng: Ông B và bà C thừa nhận có ký tên và nhận số tiền này. Tuy nhiên, số tiền này ông bà nhận không phải để sử dụng riêng. Tiền này sử dụng để lo cho ông Sáu Thi ở Campuchia để ông Sáu Thi tác động cho khai thác cát trở lại. Nguyên nhân là giữa công ty của ông B, bà C có thỏa thuận với công ty của ông A là C bên thống nhất, công ty B (công ty của ông B) chịu trách nhiệm khảo sát, khai thác, vận chuyển cát từ Campuchia về Việt Nam để giao cho Công ty A (công ty của ông A). Công ty A thì chịu trách nhiệm xuất cát cho các đối tác khác. Năm 2011, chính phủ Campuchia cấm xuất cát, ông A không có cát để giao cho đối tác nên ông A giao tiền cho ông B, bà C qua Campuchia đưa cho ông Sáu Thi để lo các thủ tục để các bộ ngành ở Campuchia cho xuất cát lại. Thỏa thuận giữa công ty B và công ty A không có lập hợp đồng mà chỉ trao đổi bằng miệng với nhau. Chứng cứ chứng minh cho lời trình bày này là 25 tờ khai hàng hóa xuất khẩu trong hai năm 2008 – 2009 thể hiện ông Lâm Quang Liêm là con ruột của ông A là Phó Giám đốc công ty B. Ngoài những chứng cứ này ra thì ông B và bà C không còn chứng cứ nào khác. Đồng thời phía bị đơn cũng xác định không yêu cầu Tòa án triệu tập ông Sáu Thi để làm rõ. Đối với số tiền 1.400.000.000 đồng, phía bị đơn mong muốn nguyên đơn chịu tiếp một phần. Ông B bà C không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông A.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 16/4/2018 của Tòa án nhân dân thành phố X đã quyết định:

- Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bà C cùng liên đới nghĩa vụ trả số tiền 958.500.000 đồng (Chín trăm năm mươi tám triệu, năm trăm ngìn đồng).

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Buộc ông B có nghĩa vụ trả cho ông A số tiền là 958.500.000 đồng (Chín trăm năm mươi tám triệu, năm trăm ngìn đồng).

Buộc ông B và bà C có trách nhiệm liên đới trả cho ông A số tiền là 1.400.000.000 đồng (Một tỷ bốn trăm triệu đồng).

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm, lãi suất chậm trả, quyền kháng cáo, quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm ngày 20 tháng 4 năm 2018, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông B, bà C có đơn kháng cáo với nội dung: Yêu cầu xem xét lại toàn bộ nội dung Bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố X.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn vẫn giữ yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và không cung cấp tài liệu, chứng cứ mới.

Nội dung tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm:

Ông Đ, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, người kháng cáo trình bày:

- Về biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2010: theo trình bày của nguyên đơn vào năm 2009 có cho ông B vay 01 tỷ đồng, đã trả 41.500.000 đồng, còn lại 958.500.000 đồng. Chứng cứ là biên bản xác nhận công nợ do nguyên đơn lập tại Công ty TNHH A. Tại sao không lập biên bản ở nơi khác mà lập tại Công ty, có phải là do các bên có quan hệ làm ăn với nhau. Biên bản này thể hiện ngày 14/4/2009 đã vay 958.500.000 đồng, nhưng tại sao lập biên bản ngày 21/12/2010. Ở phần tiêu đề là biên bản xác nhận công nợ nhưng phần cuối biên bản ghi thanh lý. Theo bị đơn, thanh lý là đã trả xong nợ. Do nợ đã trả nên một thời gian dài phía nguyên đơn không đòi. Đại diện phía nguyên đơn cũng thừa nhận C bên có quan hệ làm ăn nên nguyên đơn cho bị đơn nợ số tiền lớn vậy.

- Về Biên nhận ngày 21/8/2011: đại diện ủy quyền của nguyên đơn cũng thừa nhận hai bên có quan hệ làm ăn. Vì vậy, giữa hai công ty có mua bán cát với nhau, không có việc mua bán cát giữa cá nhân với cá nhân. Biên nhận ngày 21/8/2011 thể hiện tiền mượn là để nộp cho mỏ cát ở Campuchia. 25 tờ khai hàng hóa xuất khẩu thể hiện ông A cử con trai là Lâm Quang Liêm đến Công ty B để xuất cát. Việc nhận tiền này giữa các bên là với tư cách cá nhân hay pháp nhân, cấp sơ thẩm chưa làm rõ mà buộc trách nhiệm ông B, bà C trả nợ cho ông A là chưa thuyết phục.

- Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không buộc ông B trả cho ông A số tiền 958.500.000. Đối với số tiền 1.400.000.000 đồng, cần làm rõ việc nhận tiền của ông B, bà C là tư cách cá nhân hay pháp nhân. Dù đương sự không yêu cầu nhưng Tòa án sơ thẩm cần đưa Công ty B và Công ty A tham gia tố tụng. Vì vậy, đề nghị hủy một phần nội dung bản án sơ thẩm để xem xét lại đối với số tiền 1.400.000.000 đồng.

Bà D, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tranh luận: Công ty A và Công ty B có mối quan hệ làm ăn là thật, nhưng không liên quan nội dung vụ án. Nợ mà nguyên đơn kiện đòi là nợ giữa cá nhân với cá nhân. Biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2010 thể hiện rõ. Dù lập tại Công ty nhưng là xác nhận công nợ giữa cá nhân với cá nhân. Đối với khoản nợ này đến ngày 31/12/2010, còn lại 958.500.000 đồng chưa trả. Biên nhận ngày 21/8/2011 là giữa cá nhân và cá nhân, không liên quan Công ty. Vì vậy, đề nghị của người đại diện bị đơn là không có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ông Đ tranh luận: nếu gộp hai biên nhận, nhìn tổng thể thì thấy dấu hiệu pháp nhân. Bởi vì, biên bản ngày 31/12/2010 lập tại Công ty A - chủ Công ty là ông A, chủ Công ty B là ông B. Số tiền ông B, bà C nhận theo biên nhận ngày 21/8/2011 là để nộp cho mỏ cát Sáu Thi ở Campuchia. Mối quan hệ mật thiết như vậy nên nói là mượn với tư cách cá nhân là không hợp lý. Tờ khai xuất cát do Lâm Quang Liêm - Phó Giám đốc Công ty B- là con ông A: vấn đề này chưa được làm rõ. Chức năng khai thác cát chỉ có ở pháp nhân và hai Công ty có mối quan hệ làm ăn. Thời điểm tháng 8 năm 2011, Campuchia đã cấm xuất cát. Vì vậy, kết lại các vấn đề có mối liên quan, một bên có giao cát, một bên có xuất cát là thật. Do đó, đã đủ cơ sở chứng minh số tiền 958.500.000 đồng đã thực hiện xong, số tiền 1.400.000.000 đồng trình bày liên quan Công ty nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ.

Bà D tranh luận: tư cách hai Công ty là độc lập. Người đại diện ủy quyền của bị đơn, đồng thời cũng là luật sư, phải biết giao dịch nào là giữa Công ty và Công ty, giao dịch nào là giữa cá nhân và cá nhân. Ngày 14/4/2009, ông B mượn tiền để kinh doanh. Ngày 21/8/2011, ông B, bà C mượn tiền để nộp mỏ cát Sáu Thi ở Campuchia. Hai biên nhận đều không thể hiện tư cách Công ty, không đóng dấu Công ty. Lập luận đề nghị đưa Công ty tham gia tố tụng của đại diện bị đơn là không có căn cứ.

Ông Đ tranh luận: tuy là cá nhân ký nhưng mục đích giao dịch là vì lợi ích pháp nhân. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang phát biểu ý kiến:

- Về thủ tục tố tụng: Thư ký, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý đến khi xét xử, các đương sự cũng đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

- Căn cứ vào chứng cứ trong hồ sơ vụ án và diễn biến tranh luận tại phiên tòa, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án như sau: nguyên đơn căn cứ vào hai biên nhận để khởi kiện yêu cầu bị đơn trả tiền vay. Hai biên nhận này, bị đơn là ông B, bà C đều thừa nhận có ký tên. Đối với biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2010: ông B cho rằng giữa hai bên có thỏa thuận về việc ông A sẽ chi cho ông B số tiền 2.000 đồng/m3 cát, căn cứ số lượng cát giao để tính toán; nhưng biên bản ngày 31/12/2010, không thể hiện có cấn trừ tiền hoa hồng này; ông A không thừa nhận. Nội dung biên nhận thể hiện “ngày 14/4/2009 ông B vay để làm vốn kinh doanh”, tính đến ngày 31/12/2010 còn nợ 958.500.000 đồng. Ông Đ - đại diện ủy quyền của ông B chỉ căn cứ vào chữ “thanh lý” để cho rằng ông B đã trả xong số tiền trên cho ông A là không có cơ sở chấp nhận. Đối với biên nhận ngày 21/8/2011, bị đơn cho rằng là xác lập giữa Công ty với Công ty, trong khi biên nhận thể hiện ông B, bà C mượn tiền ông A là 1.400.000.000 đồng. Các chứng từ về xuất cát do bị đơn cung cấp không phải là chứng cứ trực tiếp để phản bác yêu cầu của nguyên đơn. Các biên nhận đều không thể hiện bất cứ thỏa thuận nào giữa 02 Công ty, không thể hiện người đại diện theo pháp luật, không đóng dấu Công ty. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố X tuyên buộc ông B có nghĩa vụ trả cho ông A số tiền là 958.500.000 đồng (Chín trăm năm mươi tám triệu, năm trăm ngìn đồng); buộc ông B và bà C có trách nhiệm liên đới trả cho ông A số tiền là 1.400.000.000 đồng (Một tỷ bốn trăm triệu đồng) là có căn cứ đúng theo quy định pháp luật. Bởi các lẽ trên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Đ là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông B, bà C; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 16/4/2018 của Tòa án nhân dân thành phố X.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Ông Đ, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn, kháng cáo và nộp tạm ứng án phí trong thời hạn, nên Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm là đúng quy định tại Điều 285 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

[2] Về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp:

Biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2010 giữa ông A và ông B; Biên nhận ngày 21/8/2011 giữa ông A và vợ chồng ông B, bà C, được xác lập trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, phù hợp với quy định về hợp đồng vay tài sản không kỳ hạn và không có lãi của Bộ luật dân sự.

Quy định về hợp đồng vay tài sản tại Bộ luật dân sự 2005Bộ luật dân sự 2015 về nội dung và hình thức là phù hợp với nhau, chỉ khác quy định về lãi suất. Do giao dịch này được xác lập và thực hiện trước ngày Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực nên áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự 2015, dù giao dịch được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì “thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”. Ngày 04/10/2017, ông A khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản, Tòa án nhân dân thành phố X thụ lý ngày 25/10/2017. Thời điểm này Bộ luật dân sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành, theo quy định tại khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015, khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc”. Đối với tranh chấp này, trong quá trình giải quyết ở Tòa án sơ thẩm, các bên đều không có yêu cầu áp dụng thời hiệu nên Tòa án không được áp dụng quy định về thời hiệu. Do vậy, việc Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định thời hiệu khởi kiện hợp đồng vay không còn là không đúng.

Mặt khác, Hội đồng xét xử sơ thẩm chuyển sang xác định đây là tranh chấp quyền sở hữu theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, áp dụng quyền đòi lại tài sản theo Điều 256 Bộ luật dân sự 2005 là có sự nhầm lẫn trong áp dụng luật. Bởi lẽ, đây là tranh chấp hợp đồng vay tài sản, không phải tranh chấp quyền sở hữu. Trong hợp đồng vay tài sản, bên vay nhận tài sản từ bên cho vay trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận và trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó, được quy định tại Điều 471, Điều 472 Bộ luật dân sự năm 2005. Vì vậy, trong giao dịch này không có việc chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Do bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ (quy định tại Điều 474 Bộ luật dân sự 2005) nên bên cho vay thực hiện quyền đòi lại tài sản.

[3] Xét kháng cáo của bị đơn:

[3.1] Chứng cứ để nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả số tiền vay còn nợ là hai văn bản. Một là: Biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2010 thể hiện ông B còn nợ ông A số tiền 958.500.000 đồng. C là: Biên nhận ngày 21/8/2011 thể hiện ông B và bà C mượn ông A số tiền 1.400.000.000 đồng. Các biên bản, biên nhận này đều được ông B, bà C thừa nhận ký tên. Trong các văn bản này không thỏa thuận thời hạn trả và không thỏa thuận lãi suất. Vì vậy, chứng tỏ giữa các bên đã xác lập hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi theo quy định tại Điều 471, Điều 477 Bộ luật dân sự năm 2005.

[3.2] Do đoạn cuối biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2010 có sử dụng từ “thanh lý” nên dẫn đến những cách hiểu khác nhau về nghĩa của từ này. Người đại diện ủy quyền bị đơn cho rằng “thanh lý” nghĩa là đã trả hết nợ. Người đại diện ủy quyền của nguyên đơn cho rằng “thanh lý” nghĩa là xác nhận phần nợ còn lại. Tòa án xét xử dựa trên chứng cứ, không phán xét theo suy nghĩ các bên. Ông B cho rằng đã trả hết tiền nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh đã trả cho ông A số tiền 958.500.000 đồng. Vì vậy, ông A yêu cầu ông B trả số tiền còn nợ 958.500.000 đồng là có cơ sở.

[3.2] Biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2010 và biên nhận ngày 21/8/2011 rõ ràng là giao dịch dân sự được ký kết giữa cá nhân với cá nhân. Do đó, không cần phải làm rõ là tư cách cá nhân hay pháp nhân, nên cũng không cần phải đưa Công ty A và Công ty B tham gia tố tụng như đề nghị của người đại diện ủy quyền của bị đơn. Tòa án cấp sơ thẩm không có thiếu sót về vấn đề này.

[3.3] 25 tờ khai hàng hóa xuất khẩu mà bị đơn xem là chứng cứ cung cấp cho Tòa án, chỉ thể hiện Công ty TNHH dịch vụ TM B có xuất cát vàng tự nhiên cho Công ty ở Singapore, không chứng minh được việc ông B, bà C đã trả nợ cho ông A. Vì vậy, 25 tờ khai này không đủ giá trị chứng cứ để phản bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[3.4] Chính vì vậy, việc Tòa án nhân dân thành phố X tuyên buộc ông B có nghĩa vụ trả cho ông A số tiền là 958.500.000 đồng (Chín trăm năm mươi tám triệu, năm trăm ngìn đồng); buộc ông B và bà C có trách nhiệm liên đới trả cho ông A số tiền là 1.400.000.000 đồng (Một tỷ bốn trăm triệu đồng) là có căn cứ.

[4] Về áp dụng pháp luật trong tính án phí sơ thẩm:

[4.1] Vụ án được Tòa án nhân dân thành phố X thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm ngày 25 tháng 10 năm 2017, nhưng phần quyết định của bản án căn cứ Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, là không chính xác. Tuy nhiên, kết quả tính án phí sơ thẩm đúng theo quy định Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, không làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm nêu để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm.

[4.2] Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009 quy định “người cao tuổi được quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Các đương sự trong vụ án này đều từ đủ 60 tuổi trở lên, là người cao tuổi theo quy định của luật. Tuy nhiên, các đương sự đều không có đơn đề nghị được miễn tạm ứng án phí, án phí theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của đương sự cũng không có yêu cầu xét miễn, giảm án phí cho đương sự. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không thể xem xét để miễn án phí cho đương sự do không thể làm trái quy định pháp luật.

Về vấn đề này, Tòa án cũng cần rút kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn, tạo điều kiện để các đương sự thực hiện và hưởng quyền theo quy định pháp luật.

[5] Mặc dù Tòa án cấp sơ thẩm xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp, dẫn đến áp dụng chưa đúng luật nội dung, căn cứ pháp luật tính án phí sơ thẩm chưa chính xác, nhưng không làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Tòa án cấp phúc thẩm có thể khắc phục được bằng cách sửa căn cứ áp dụng pháp luật để tuyên xử. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Đ là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông B, bà C; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 16/4/2018 của Tòa án nhân dân thành phố X như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm về những sai sót trên.

[6] Về án phí phúc thẩm: Do giữ nguyên bản án sơ thẩm bị kháng cáo nên căn cứ vào khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông B, bà C mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí phúc thẩm, được khấu trừ vào 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai thu số 0008163, 0008445 ngày 23/4/2018 và ngày 12/6/2018 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố X.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 184, khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 471, Điều 474, Điều 477 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 27, Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; khoản 2 Điều 26 và khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Đ là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông B, bà C.

Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 14/2018/DS-ST ngày 16/4/2018 của Tòa án nhân dân thành phố X.

Tuyên xử:

- Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bà C cùng có trách nhiệm liên đới trả số tiền 958.500.000 đồng (Chín trăm năm mươi tám triệu, năm trăm ngìn đồng).

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Buộc ông B có trách nhiệm trả cho ông A số tiền là 958.500.000 đồng (Chín trăm năm mươi tám triệu, năm trăm ngìn đồng).

Buộc ông B và bà C cùng có trách nhiệm liên đới trả cho ông A số tiền là 1.400.000.000 đồng (Một tỷ bốn trăm triệu đồng).

- Về án phí sơ thẩm:

Ông B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 40.755.000 đồng (Bốn mươi triệu, bảy trăm năm mươi lăm nghìn đồng); Ông B và bà C phải liên đới chịu án phí dân sự sơ thẩm là 54.000.000 đồng (Năm mươi bốn triệu đồng).

Ông A được nhận lại số tiền 39.585.000 đồng (Ba mươi chín triệu, năm trăm tám mươi lăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0018727 ngày 24/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố X.

- Về án phí phúc thẩm: Ông B và bà C mỗi người phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) án phí phúc thẩm, được khấu trừ vào 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai thu số 0008163, 0008445 ngày 23/4/2018 và ngày 12/6/2018 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố X.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

670
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 151/2018/DS-PT ngày 15/08/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:151/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân An Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 15/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về