TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 144/2017/HCPT NGÀY 08/09/2017 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG
Vào ngày 08 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 132/2017/TLPT-HC ngày 14 tháng 6 năm 2017 về việc “Kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về lĩnh vực khen thưởng”. Do Bản án hành chính sơ thẩm số 30/2017/HC- ST ngày 03/5/2017 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 132A/2017/QĐ-PT ngày 15 tháng 8 năm 2017, giữa các đương sự:
1. Người khởi kiện: Ông Lê Công N, sinh năm 1947. Địa chỉ: xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Huỳnh Tấn V, sinh năm 1975. (Theo Hợp đồng ủy quyền ngày 20/6/2017).
Địa chỉ: phường Đ, thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
2. Người bị kiện: UBND thành phố H, tỉnh Quảng Nam.
Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn D - Chức vụ: Chủ tịch.
Ông Dũng ủy quyền cho ông Nguyễn Văn S; chức vụ: Phó chủ tịch UBND thành phố H tham gia tố tụng (theo văn bản ủy quyền số 2689/UBND ngày 20/7/2017). Ông S có văn bản xin xét xử vắng mặt.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho UBND thành phố H: ông Nguyễn Đ, Phó trưởng phòng nội vụ thuộc UBND thành phố H. Có mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Ủy ban nhân dân xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam.
Đại diện theo pháp luật: Ông Lê T - Chức vụ: Chủ tịch UBND xã. Có mặt.
4. Người làm chứng:
4.1. Ông Trương Minh C, sinh năm 1946. Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng. Cómặt.
4.2. Ông Nguyễn Hải S, sinh năm 1936. Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng. Có mặt.
4.3. Ông Phạm Quốc T, sinh năm 1942. Địa chỉ: thị xã Đ, tỉnh Quảng Nam.
Có mặt.
4.4. Ông Lương Thanh G, sinh năm 1945. Địa chỉ: phường S, thành phố H,tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
4.5. Ông Nguyễn Văn K, sinh năm 1938. Địa chỉ: xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
4.6. Bà Lê Thị N, sinh năm 1942. Địa chỉ: xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
4.7. Ông Trần Văn C, sinh năm 1943. Địa chỉ: xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
4.8. Bà Ngô Thị C, sinh năm 1948. Địa chỉ: xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam. Có ủy quyền cho ông Nguyễn Văn T (theo văn bản ủy quyền ngày22/7/2017), ông T có mặt.
4.9. Bà Phùng Thị Q sinh năm 1939. Địa chỉ: xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
4.10. Ông Lê Văn T, sinh năm 1939. Địa chỉ: xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam. Vắng mặt.
4.11. Bà Lê Thị D sinh năm 1939. Địa chỉ: xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
4.12. Bà Quảng Thị X, sinh năm 1947. Địa chỉ: xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
4.13. Ông Nguyễn Hữu S. Địa chỉ: đường N, phường H, quận H, thành phố Đà Nẵng. Có mặt.
4.14. Ông Cao Quang H - Cán bộ Thanh tra Nhà nước thành phố H, tỉnh Quảng Nam (Nay là Cán bộ của Ủy ban kiểm tra Thành ủy thành phố H). Có mặt.
4.15. Bà Phạm Thị T. Địa chỉ: xã C, thành phố H, tỉnh Quảng Nam. Vắng mặt.
4.16. Bà Đặng Thị L. Địa chỉ: phường A, thành phố T, tỉnh Quảng Nam. Vắng mặt.
5. Người kháng cáo: Ông Lê Công N.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 08/7/2016, qua các buổi đổi thoại và lời trình bày của người khởi kiện - ông Lê Công N tại phiên tòa như sau:
Sau năm 1975, ông nhiều lần kê khai thành tích hoạt động của mình để đề nghị Nhà nước xét khen thưởng thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng không được ủy ban nhân dân (UBND) thị xã H (nay là UBND thành phố H) xem xét giải quyết. Ngày 16/12/2015, UBND thành phố H có Văn bản số 4538/UBND trả lời hồ sơ của ông không đảm bảo tiêu chuẩn để xét khen thưởng. Sau đó, ông tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh Quảng Nam. Ngày 04/02/2016, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Thông báo số 42/TB-UBND với nội dung nếu ông Lê Công N không thống nhất với Văn bản số 4538/UBND của UBND thành phố H thì có quyền gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND thành phố H. Ngày 20/6/2016, UBND thành phố H ban hành Thông báo số 378/TB-UBND với nội dung không chấp nhận khiếu nại của ông.
Do đó, ông Lê Công N khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: Hủy Công văn số 4538/UBND ngày 16/12/2015 và Thông báo số 378/UBND ngày 20/6/2016 của UBND thành phố H; buộc UBND thành phố H lập thủ tục hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước khen thưởng cho ông vì đã có thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Lê Công N trình bày thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ông như sau: Từ năm 1964 -1966 ông tham gia cách mạng ở Trung đội 2, Đại đội 4, R20 của tỉnh Quảng Nam. Tháng 8/1966 khi tham gia trận đánh sân bay Đà Nẵng ông bị thương, đơn vị cho về địa phương an dưỡng, ông tham gia du kích xã C và làm Y tá. Ngày 09/02/1967, ông bị địch bắt đưa vào trại chiêu hồi và ông giả chiêu hồi ở lại là để hoạt động cho cách mạng theo sự chỉ đạo của đồng chí Đặng C lúc đó là Trưởng ban binh vận thị xã, thường vụ Thị ủy H. Ông được ông C giao nhiệm vụ tìm cách giết địch gây tiếng vang trong lòng địch, đặt mật mã là Fg. Ngày 01/5/1967 ông dùng lựu đạn M26 đánh vào trại tuần gian thám báo làm chết một số cố vấn Mỹ được phong tặng danh hiệu vẻ vang dũng sỹ diệt Mỹ. Ngày 26/6/1967, ông dẫn đường cho An ninh đánh vào nhà Bùi Quang S chỉ bắt được một số tình báo của địch, bắt được một số nợ máu đưa ra vùng giải phóng. Ông cũng được đưa ra vùng giải phóng, ông gặp đồng chí Trương Minh C, Đặng Xuân T, Phạm Văn T và Đặng C, các đồng chí này giao nhiệm vụ cho ông phải ở lại hoạt động hợp pháp, nên đưa ông lên trại giam của Cách mạng ở cùng với bọn tội phạm, đưa đi học tập, ông ở trại giam khoảng 02 tháng thì tổ chức đưa ông đi cõng gạo cùng ông S và một người nữa. Trên đường đi, ông trốn về H vào trại chiêu hồi khai báo việc ông bị Việt cộng bắt, bị đưa đi cải tạo và việc bỏ trốn về với Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (tháng 09/1967), ông xin ý kiến của ông C và giả khai báo chiêu hồi là để có điều kiện hoạt động hợp pháp. Đầu năm 1968 được sự đồng ý của ông C, ông N tham gia lực lượng cán bộ bình định nông thôn, thời gian này ông N thực hiện việc nắm tin tức tình hình của địch, vẽ sơ đồ đóng quân và các cuộc hành quân, báo cáo cho ông C qua đường dây của bà Nguyễn Thị B là mẹ vợ của ông và bà Phùng Thị X, ngoài ra ông còn cùng với em gái Lê Thị N móc nối lợi dụng tên Trần D làm ở kho tiếp liệu Tây Hồ lấy vũ khí như lựu đạn, đạn, pin, thuốc, gạo đưa ra cho cách mạng. Năm 1969 ông C chuyển giao người phụ trách trực tiếp ông qua cho ông Phạm Văn T là An ninh thị xã, ông Tài đặt mật danh cho ông N là A7. Ngày 02/9/1969 ông nhận nhiệm vụ và chất nổ từ ông Phạm Văn T đánh chất nổ tại Miếu Ông Cọp giết 06 tên ác ôn, bọn giã chiến và bọn 51 và lần thứ 02 ông nhận thuốc nổ để đánh nhưng kíp bị hỏng, ông đã gửi lại thuốc nổ cho ông Tài. Từ năm 1968 - 1971, địch nghi ngờ ông là Việt Cộng đã bắt ông 06 lần, 02 lần tại ty hoạt vụ, 04 lần ty cảnh sát bắt xét hỏi, gia đình ông đã chạy tiền để ông được thả, ông vẫn tiếp tục nắm tình hình địch và báo cáo ra cho cách mạng qua đường dây của bà Nguyễn Thị B và bà Phùng Thị X. Năm 1971 địch đưa ông chuyển vùng khác, ông đã tự hủy bàn tay để không phải chuyển đi và tiếp tục ở lại H, địch đã truy tố ông ra Tòa án binh, nhưng gia đình đã chạy tiền và ông được thả về, ông tiếp tục thực hiện nắm tình hình địch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Phạm Văn T, cung cấp thuốc men, vũ khí, gạo thông qua đường dây bà Nguyễn Thị B và bà Phùng Thị X. Năm 1973 đường dây liên lạc qua bà X, bà B bị đứt do xã C là vùng trắng, ông ra Cù Lao Chàm làm nghề thuốc và tìm cách bắt liên lạc. ông N cho rằng ông đã đóng góp một phần công sức trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước từ năm 1964 đến 1966 là bộ đội R20 của tỉnh, năm 1966 - 1967 là du kích xã C, từ tháng 02/1967 bị bắt, từ 02/1967 đến 1969 hoạt động là cơ sở nội tuyến cho cách mạng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Đặng C T ban binh vận Thị xã và từ năm 1969 đến năm 1973 tiếp tục là cơ sở nội tuyến cho cách mạng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Phạm Văn T.
Tại phiên tòa, ông N khai nhận ông có 2 lần chiêu hồi, lần thứ nhất vào ngày 09/2/1967, sau đó được kêu gọi ông tiếp tục theo cách mạng làm cơ sở cho ông Đặng C, ngày 26/6/1967 ông có dẫn đường cho lực lượng an ninh của ta đánh vào trại tuần gian thám báo tại C C và nhà tên Bùi Quang S, cùng đêm được đưa ra vùng giải phóng và đưa vào trại giam, khi bố trí ông đi cõng gạo ông đã bỏ trốn về vùng tạm chiếm và vào trung tâm chiêu hồi khai báo ngày 22/9/1967. Ngày 01/5/1967, ông có dùng lựu đạn M26 đánh vào trại tuần gian thám báo làm chết 13 tên trong đó có cố vấn Mỹ được tuyên phong danh hiệu vẻ vang Dũng sỹ diệt Mỹ. Khi mất liên lạc ông ra Cù Lao Chàm, năm 1974 ông có vào lại H có gặp tên P, P có đưa cho ông 2 tờ khai để ông ghi tên tham gia vào Đảng dân chủ, ông có khai, sau đó P yêu cầu ông đem xuống A cho tên Hồ L xác nhận rồi nộp lại cho P, nhưng ông khai xong thì đi ra Cù Lao Chàm mà không nộp lại tờ khai trên cho P.
Theo Văn bản số 3428/UBND ngày 31/8/2016 và lời trình bày của ông Nguyễn Văn S - Đại diện theo ủy quyền của người bị kiện UBND thành phố H tại phiên tòa như sau:
Hồ sơ đề nghị khen thưởng của ông Lê Công N đã được xét nhiều lần từ cấp cơ sở (cấp xã) và cấp thành phố nhưng không đủ điều kiện. Việc ông N đề nghị UBND thành phố H khen thưởng thành tích kháng chiến chống Mỹ là không đủ điều kiện theo các quy định của Nhà nước về khen thưởng thành tích kháng chiến chống Mỹ như Nghị quyết 47-NQ/HĐNN7 ngày 29/9/1981 của Hội đồng Nhà nước ban hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ; Thông tư số 39-BT ngày 21/4/1982 của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thi hành Điều lệ khen thưởng và Hướng dẫn số 109/VHC của Hội đồng Bộ trưởng ngày17/5/1982 quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng thì ông N không được khen thưởng. Việc giải quyết khiếu nại đối với ông Lê Công N, trước đây UBND thành phố H đã ban hành Quyết định 891/QĐ-UBND ngày12/02/2006 với nội dung bác đơn khiếu nại của ông Lê Công N nhưng ông N không khiếu nại hay khởi kiện. Đến năm 2015, ông mới thực hiện việc khiếu nại lại đến UBND thành phố H.
Lý do ông Lê Công N không được khen thưởng: Ông Lê Công N đã có 2 lần chiêu hồi, trong quá trình chiêu hồi ông N đã có hành vi miệt thị cách mạng, đã khai báo thiệt hại cho cách mạng, có hành vi chỉ điểm bắt cơ sở cách mạng vào năm 1970, tham gia Đảng dân chủ và đã man khai thành tích của ông Lê Văn N - Du kích xã C đã hy sinh là người được Tuyên phong danh hiệu vẻ vang Dũng sỹ diệt Mỹ ngày 20/5/1967.
UBND thành phố H xét thấy ông Lê Công N là người có công nhưng cũng có tội, có công trước tội sau nên không đủ điều kiện để xét khen thưởng. Do đó, việc khởi kiện của ông Lê Công N là không có cơ sở, đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện của ông Lê Công N.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND xã C - ông Lê T trình bày:
Đối với hồ sơ đề nghị khen thưởng của ông Lê Công N: Năm 1997, Hội đồng xét khen thưởng đã họp đợt cuối cùng để xét hồ sơ đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến chống Mỹ, trong đó có xét hồ sơ đối với trường hợp ông Lê Công N. Tuy nhiên, trong hồ sơ thì ông N không kê khai là ông có chiêu hồi. Nếu ông chiêu hồi theo sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thì ông phải kê khai để Hội đồng xét khen thưởng xã C xem xét và ông N cũng không kê khai về thành tích Dũng sỹ diệt Mỹ. Do đó, việc ông N cho rằng ông được tuyên danh hiệu vẻ vang Dũng sỹ diệt Mỹ ngày 20/5/1967 là không phù họp. Hồ sơ kê khai đề nghị xét khen thưởng của ông N cung cấp để xét khen thưởng đến năm 2006 cũng không có tài liệu, chứng cứ gì mới.
Năm 2006, UBND thị xã H ban hành Quyết định 891/QĐ-UBND ngày12/02/2006 giải quyết khiếu nại đối với ông Lê Công N với nội dung không chấp nhận đơn khiếu nại nhưng ông không có khiếu nại hay ý kiến gì. Đến năm 2016, ông mới khởi kiện tại Tòa án. Do đó, việc khởi kiện của ông Lê Công N là không có cơ sở. Đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Người làm chứng:
1. Ông Trương Minh C trình bày trong Bản tự khai ngày 16/9/2016 như sau: Từ năm 1966-1975 ông là Chánh Văn phòng Ban an ninh thị xã H, phụ trách công tác nội ô, chuyên tổ chức cơ sở điệp báo phục vụ cho cách mạng. Ông biết ông Lê Công N có thành tích kháng chiến như sau:
Từ năm 1966-1968 là cơ sở cho đồng chí Đặng C - Trưởng ban binh vận thị xã H. Trong lúc làm cơ sở cho binh vận, anh N gan dạ trong lòng địch, đánh mìn và diệt nhiều tên địch. Sau năm 1968 anh Đặng C giao cơ sở anh Lê Công N cho đồng chí Phạm T - cán bộ nội ô của Ban an ninh Hội An. Trong lúc làm nội gián cho đồng chí Phạm Văn T, anh N cũng lập nên nhiều thành tích xứng đáng. Các thành tích của ông N đã được đồng chí Đặng C và Phạm T xác nhận. ông N là cơ sở có nhiều thành tích đối với cách mạng.
2. Ông Nguyễn Hải S trình bày trong Biên bản lấy lời khai ngày 16/9/2016 như sau: Năm 1967 ông làm công tác an ninh thị xã H. Ông làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trong trại giam nên biết được ông Lê Công N là người được chuyển lêntrại giam để học tập, cải tạo. Vào khoảng cuối năm 1967 thì đây là chuyến công tác cuối cùng của ông N, trong lúc bom nổ thì ông N tách đoàn bỏ về mà không có lý do. Năm 1968, Ban an ninh thị xã H họp kiểm tra thì ông được biết ông N được chuyển lên trại giam là để tạo hình thức đánh lạc hướng, đưa ông N về lại địa phương hoạt động. Sau đó, ông giao lại cho Ban ninh và không có thông tin gì về ông N.
3. Ông Phạm Quốc T trình bày trong Biên bản lấy lời khai ngày 16/9/2016 và khai tại phiên tòa như sau: Từ năm 1965 đến nửa năm 1965, ông là chỉ huy đơn vị R20 của ông Lê Công N. Vào ngày 30/7/1965, ông cùng ông Lê Công N tham gia trận đánh tập kích sân bay Đà Nẵng. ông N làm nhiệm vụ chuyển đạn và tham gia hoàn thành nhiệm vụ. Đến cuối tháng 10/1965, ông cùng ông N đánh trận Gò Rận, Hòa Vang. ông N làm nhiệm vụ xạ thủ đại liên, chi viện bộ binh và đã hoàn thành nhiệm vụ. Từ năm 1966 về sau, ông N về địa phương hoạt động nên ông không có thông tin về ông N.
4. Ông Lương Thanh G trình bày trong Biên bản lấy lời khai ngày 16/9/2016 như sau: Năm 1975, ông ra tiếp quản Cù Lao Chàm thì được biết ông Lê Công N đang làm Y tá tại Cù Lao Chàm. Sau năm 1975, ông N trở về địa phương tham gia phong trào, ông còn ở lại Cù Lao Chàm nên không biết thông tin gì về ông N.
5. Ông Nguyễn Văn K trình bày trong Biên bản lấy lời khai ngày 16/9/2016 và khai tại phiên tòa như sau: Từ năm 1966 đến năm 1975 ông là Đội trưởng Du kích xã C, ông với ông Lê Công N là người cùng sống tại địa phương. Năm 1966, ông biết ông N là du kích xã C, làm Y tá nên thường xuyên giúp đỡ du kích bị thương. Cuối năm 1966, ông N đi qua vùng địch nên mất tin tức. Ông được biết ông N là cơ sở mật vùng địch, do đồng chí Đặng C chỉ đạo.
6. Bà Lê Thị Ngưu trình bày trong Biên bản lấy lời khai ngày 16/9/2016 và khai tại phiên tòa như sau: Từ năm 1966-1975, bà hoạt động cách mạng tại địa phương. Ông Lê Công N là người đưa thuốc men, tiền lựu đạn cho bà để đưa về cho cách mạng. Bà chỉ nhận từ ông N một lần và bà không biết rõ việc ông N tham gia hoạt động cách mạng.
7. Ông Trần Văn C trình bày trong Biên bản lấy lời khai ngày 16/9/2016 và khai tại phiên tòa như sau: Từ năm 1964-1967, ông là giao liên thị xã H. Ông Lê Công N lúc bây giờ làm Y tá xã C. Ông được biết ông Lê Công N có vận chuyển thuốc men về cho các đồng chí ở cơ sở được 04 lần. Việc tham gia hoạt động và thành tích trong cách mạng của ông N thì ông không biết.
8. Bà Ngô Thị C trình bày tại phiên tòa như sau: Ngày 9/2/1967 buổi sángsớm bà cùng ông N chạy vào vùng địch lúc này bà đang có thai, bà không khai báo nhưng ông N đi khai báo. Bà chỉ biết ông N có tham gia 2 trận đánh, trận thứ nhất đánh vào trại tuần gian thám báo và nhà Bùi Quang Soạn đêm 26/7/1967 và trận thứ 2 đánh tại Miếu Ông Cọp, bà không biết trận đánh ngày 01/5/1967 như ông N khai. Khi ông N đi đêm 26/6/1967 thì khoảng hơn 2 tháng sau ông N về bà có nói ông N sao không ở lại, về sợ bị bắt và ông N đi khai báo. Ngoài ra ông N có cung cấp tin tức, thuốc men, đạn, lương thực cho cách mạng qua mẹ bà là Nguyễn Thị B. Bà không biết được có việc tổ chức cho ông N giả đi chiêu hồi.
9. Bà Phùng Thị Quy trình bày trong Biên bản lấy lời khai ngày 16/9/2016 và khai tại phiên tòa như sau: Từ năm 1966-1976, bà hoạt động cơ sở cách mạng tại địa phương. Ông Lê Công N làm nghề Y tá và sống cùng địa phương với bà. Quá trình tham gia hoạt động cách mạng của ông Lê Công N thì bà không biết.
10. Ông Lê Văn T trình bày trong Biên bản lấy lời khai ngày 16/9/2016 như sau: Từ năm 1966-1975, ông tham gia cách mạng tại địa phương, ông Lê Công N là Y tá xã C. Ông được biết ông Lê Công N làm cơ sở binh vận đô thị do đồng chí Đặng C tổ chức và sau đó là đồng chí Lê Long đưa ông Lê Công N vào hoạt động bên trong của Ban an ninh đô thị. Năm 1971, trong trận đánh trước 30 Tết, ông được nghe cơ sở báo ông N đánh thành công thuốc nổ tại vùng 3, Cẩm Hà (Miếu Ông Cọp).
11. Bà Lê Thị D trình bày trong Biên bản lấy lời khai ngày 16/9/2016 và khai tại phiên tòa như sau: Từ năm 1966-1975, bà tham gia cách mạng tại địa phương được biết ông Lê Công N làm Y tá tại xã C. Quá trình tham gia cách mạng và thành tích của ông N thì bà không có thông tin. Năm 1974- 1975 sau khi bà ở tù về bà có nghe ông N chiêu hồi.
12. Bà Quảng Thị X trình bày tại phiên tòa như sau: Từ năm 1966 đến năm1975, bà tham gia cách mạng tại địa phương. Khi bị địch bắt, đang bị đánh đập thì bà có nghe giọng ông Lê Công N nói: “Con đó ở C T”. Bà nghe giọng và nghĩ đó là ông N. Việc tham gia cách mạng cũng như thành tích của ông N thì bà không biết.
* Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 30/2017/HC-ST ngày 03/5/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định:
Căn cứ khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 193 Luật Tố tụng hành chính 2015; khoản 2 Điều 34 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.
Bác yêu cầu khởi kiện của ông Lê Công N về việc yêu cầu Tòa án: HủyCông văn số 4538/UBND ngày 16/12/2015 và Thông báo số 378/TB-UBNDngày 20/6/2016 của UBND thành phố H; Bác yêu cầu khởi kiện về việc buộc UBND thành phố H lập thủ tục hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước khen thưởng cho ông vì đã có thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 15/5/2017, người khởi kiện ông Lê Công N kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm ông Huỳnh Tấn Vỹ đại diện theo ủy quyền của ông Lê Công N giữ nguyên kháng cáo đối với toàn bộ Bản án hành chính sơ thẩm số 30/2017/HC-ST ngày 03/5/2017 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam. Yêu cầu hủy công văn số số 4538/UBND ngày 16/12/2015 và Thông báo số 378/UBND ngày 20/6/2016 của UBND thành phố H, tỉnh Quảng Nam và buộc UBND thành phố H lập thủ tục hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước khen thưởng cho ông Lê Công N vì ông N đã có thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tại đơn trình bày ngày 26/7/2017 và tại phiên tòa phúc thẩm, ông Lê Công N trình bày bổ sung hình thức khen thưởng ông yêu cầu được tặng thưởng là Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của UBND thành phố H trình bày như sau:
Áp dụng Nghị quyết 47-NQ/HĐNN7 ngày 29/9/1981 của Hội đồng Nhànước ban hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ; Thông tư số 39-BT ngày 21/4/1982 của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thi hành Điều lệ khen thưởng và Hướng dẫn số 109/VHC ngày 17/5/1982 của Viện huân chương quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng thì ông N không được khen thưởng.
Lý do ông Lê Công N không được khen thưởng: Ông Lê Công N đã có 2 lần chiêu hồi, trong quá trình chiêu hồi ông N đã có hành vi miệt thị cách mạng, đã khai báo thiệt hại cho cách mạng, có hành vi chỉ điểm bắt cơ sở cách mạng vào năm 1970, tham gia Đảng dân chủ và đã man khai thành tích của ông Lê Văn Nở- Du kích xã C đã hy sinh là người được Tuyên phong danh hiệu vẻ vang Dũng sỹ diệt Mỹ ngày 20/5/1967.UBND thành phố H xét thấy ông Lê Công N là người có công nhưng cũng có tội, có công trước tội sau nên không đủ điều kiện để xét khen thưởng. Do đó, việc khởi kiện của ông Lê Công N là không có cơ sở, đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện của ông Lê Công N.
Đại diện UBND xã C trình bày: Đối với hồ sơ đề nghị khen thưởng của ông Lê Công N: Năm 1997, Hội đồng xét khen thưởng đã họp đợt cuối cùng để xét hồ sơ đề nghị khen thưởng thành tích kháng chiến chống Mỹ, trong đó có xét hồ sơ đối với trường hợp ông Lê Công N. Tuy nhiên, trong hồ sơ thì ông N không kê khai là ông có chiêu hồi. Nếu ông chiêu hồi theo sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước thì ông phải kê khai để Hội đồng xét khen thưởng xã C xem xét và ông N cũng không kê khai về thành tích Dũng sỹ diệt Mỹ. Do đó, việc ông N cho rằng ông được tuyên danh hiệu vẻ vang Dũng sỹ diệt Mỹ ngày 20/5/1967 là không phù hợp. Hồ sơ kê khai đề nghị xét khen thưởng của ông N cung cấp để xét khen thưởng đến năm 2006 cũng không có tài liệu, chứng cứ gì mới.
Năm 2006, UBND thị xã H ban hành Quyết định 891/QĐ-UBND ngày12/02/2006 giải quyết khiếu nại đối với ông Lê Công N với nội dung không chấp nhận đơn khiếu nại lý do ông đã chiêu hồi địch, nói xấu cách mạng và mạo nhận danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ của liệt sĩ Lê Văn N nhưng ông không có khiếu nại hay ý kiến gì. Đến năm 2016, ông mới khởi kiện tại Tòa án. Do đó, việc khởi kiện của ông Lê Công N là không có cơ sở. Đề nghị Tòa án xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Ý kiến của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa như sau:
Về tố tụng: Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm HĐXX, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện và tuân thủ đúng các quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Về nội dung: Sau khi đánh giá, phân tích nội dung vụ kiện, Kiểm sát viên nhận thấy các văn bản hành chính số 4538/UBND ngày 16/12/2015 và Thông báo số 378/UBND ngày 20/6/2016 của UBND thành phố H, tỉnh Quảng Nam ban hành là không đúng thẩm quyền luật định. Về nội dung có nhiều mâu thuẫn như chưa làm rõ Liệt sỹ Lê N hay Liệt sỹ Lê Văn N nhưng UBND thành phố H kết luận ông Lê Công N mạo nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ là không đúng. Việc thu thập, xác minh, thẩm định hồ sơ đối với ông Lê Công N cũng còn một số thiếu sót chưa đầy đủ, khách quan. Do vậy, Kiểm sát viên đề nghị HĐXX phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của người khởi kiện ông Lê Công N. Sửa bản án sơ thẩm, hủy các văn bản hành chính nêu trên của UBND thành phố H.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra, lời trình bày của các đương sự, kết quả tranh tụng và ý kiến của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Xem xét về đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính giữa ông Lê Công N với UBND thành phố H. Hội đồng xét xử nhận thấy: Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định:
“1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
2. Quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Đối chiếu hình thức và nội dung cũng như trình tự, thẩm quyền ban hành các văn bản số 4538/UBND ngày 16/12/2015 và Thông báo số 378/UBND ngày20/6/2016 của UBND thành phố H, tỉnh Quảng Nam xét thấy đây là các văn bản do UBND thành phố H là cơ quan hành chính (cấp huyện) ban hành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Các công văn trên có nội dung làm hạn chế, chấm dứt va ảnh hưởng đến quyền và lợi ích trong lĩnh vực thi đua khen thưởng của người khởi kiện. Do vậy, cấp sơ thẩm xác định 02 công văn 4538/UBND ngày 16/12/2015 và Thông báo số 378/UBND ngày 20/6/2016 của UBND thành phố H ban hành là các quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính là có căn cứ.
Căn cứ Điều 32 Bộ luật tố tụng hành chính 2015 thẩm quyền giải quyết, xét xử vụ án của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam là đúng pháp luật.
Xem xét về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành đối với 02 văn bản hành chính là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính này Hội đồng xét xử nhận thấy: Về phạm vi điều chỉnh và cơ sở pháp lý để ban hành 02 văn bản có yếu tố quyết định trong lĩnh vực thi đua khen thưởng về việc: “Tổng kết kết thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước” của Hội đồng nhà nước Nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Ban hành kèm Nghị quyết số 47/NQ/HDDNN7 ngày 29 tháng 9 năm 1981; Thông tư 39/BT ngày 21/4/1982 và hướng dẫn số 109/VHD ngày17/5/1982 của Viện Huân chương hướng dẫn Điều lệ khen thưởng nên trên. Nhậnthấy:
Tại Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích khánh chiến chống Mỹ cứu nước quy định:
“Điều 9:Xét và đề nghị khen thưởng.
Trong phạm vi trách nhiệm của mình, thủ trưởng các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các đơn vị cơ sở có nhiệm vụ chỉ đạo và thực hiện việc xét khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước theo các quy định trong Điều lệ này.
Các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương xét và đề nghị khen thưởng cho cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân thuộc địa phương mình quản lý…”
“Điều 10: Cơ quan quyết định khen thưởng.
Việc tặng thưởng các Huân chương kháng chiến do Hội đồng Nhà nước quyết định…”
Tại khoản 2 và khoản 5 mục D Thông tư 39/BT ngày 21/4/1982 quy định:
“2. Thủ trưởng các Bộ, các cơ quan, đoàn thể trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương có trách nhiệm thực hiện việc xét và đề nghị khen thưởng theo điều 9 của điều lệ đã quy định và được uỷ nhiệm thẩm xét lần cuối cùng các đề nghị thưởng từ huân chương Kháng Chiến hạng ba trở xuống…
Dẫn chiếu các quy định của Luật thi đua khen thưởng số 16/VBHN-VPQH ngày 13/12/2013”.
Tại điều 32 quy định: “Huân chương để tặng cho tập thể có nhiều thành tích; tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công trạng, lập được thành tích hoặc có quá trình cống hiến trong cơ quan, tổ chức, đoàn thể”.
Điều 77 quy định: “Chủ tịch nước quyết định tặng huân chương, huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng nhà nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước.”
Tại khoản 2, khoản 5 Điều 83 quy định: “2. … Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương...”
5. Cơ quan chức năng về thi đua, khen thưởng tiếp nhận, xem xét, thẩm định hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền quyết định việc khen thưởng.”
Tại khoản 3 Điều 84 quy định: “3. Trường hợp đề nghị tặng huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, “Cờ thi đua của Chính phủ”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức ở trung ương có liên quan hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Tại khoản 5 Điều 91a quy định: “5. Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấpvà Hội đồng thi đua, khen thưởng tại cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tham mưu, tư vấn cho cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về công tác thi đua, khen thưởng”.
Trên cơ sở các quy định pháp luật về lĩnh vực thi đua khen thưởng nêu trên, qua xem xét yêu cầu của đối tượng đề nghị khen thưởng đối với những danh hiệu là Huân, Huy chương các loại đều thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND đồng thời là chủ tịch HĐTĐ cấp tỉnh trở lên xét, thẩm định hồ sơ và đề nghị. Do vậy chủ tịch UBND cấp tỉnh mới là người có thẩm quyền trả lời cho đối tượng yêu cầu được khen thưởng những danh hiệu ở cấp Nhà nước.
Việc UBND thành phố H ban hành văn bản (có yếu tố quyết định, kết luận) trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng mà đặc biệt đối với danh hiệu Huân, Huy chương thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước ký là không đúng thẩm quyền hành chính, trái với các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thi đua khen thưởng.
Trong trường hợp này, UBND thành phố H và Hội đồng thi đua cấp thành phố H tiếp nhận hồ sơ, tham mưu, báo cáo cho Hội đồng thi đua và chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam để chủ tịch UBND tỉnh và Hội đồng thi đua cấp tỉnh thẩm định hồ sơ, xem xét đề nghị hay không đề nghị lên cấp có thẩm quyền quyết định. Trường hợp UBND thành phố H có căn cứ cho rằng hồ sơ khai chưa đúng, không đúng, còn thiếu.v.v. thì chỉ có thể yêu cầu người báo cáo thành tích khen thưởng bổ sung, lập lại hồ sơ. Trường hợp quan điểm của Hội đồng thi đua và Chủ tịch UBND thành phố H không đồng ý với danh hiệu đề nghị của người báo cáo thành tích khen thưởng thì cũng chỉ báo cáo lên Hội đồng thi đua của cấp tỉnh để xem xét, thẩm định hồ sơ và trả lời cho người báo cáo đề nghị khen thưởng mới đúng thẩm quyền do pháp luật về thi đua khen thưởng trước đây cũng như hiện nay quy định.
Xem xét về nội dung khởi kiện Hội đồng xét xử nhận thấy:
Theo các tài liệu, lời khai của ông Lê Công N thì trước năm 1975 ông còn có tên là Lê Văn Nở nhưng quá trình xem xét vụ việc cũng như giải quyết khiếu nại của UBND xã C, UBND thành phố H chưa có sự xác minh làm rõ sự khác nhau giữa hai người có tên Lê N liệt sĩ xã T và Lê Văn N (tức Lê Công N) thôn 3 xã C Hai người này đều có tham gia lực lượng du kích xã C. Đồng thời theo các tài liệu lưu trữ do ông N thu thập từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cung cấp cho Tòa án thì chỉ có liệt sĩ Lê N chứ không có Liệt sỹ Lê Văn N, thế nhưng UBND và Hội đồng thi đua các cấp kết luận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ là của “Liệt sĩ Lê Văn N” là không đúng. Những đặc điểm về gia đình, tên tuổi, thời gian tham gia, ai là người chỉ huy? Trận đánh xảy ra đêm 20/5/1967 là kết quả do chiến công của ai? Vì sao ông Lê Công N giữ giấy Dũng sĩ diệtMỹ? đều chưa được làm rõ, nhưng UBND xã C cũng như UBND thành phố H có nhiều văn bản xác định ông Lê Công N mạo nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” của Liệt sĩ Lê Nở là chưa chính xác.
Đối với việc tham gia cách mạng ông Lê Công N trình bày đã tham gia từ năm 1964 đến năm 1973. Trong giai đoạn này ông Lê Công N khai có 02 lần chiêu hồi địch, lần 1 ngày 19/202/1967, lần 2 ngày 22/9/1967 nhưng có sự chỉ đạo của ông Đặng C để làm nội tuyến hoạt động cho cách mạng, sau thời điểm này ông cũng tham gia dẫn đường thám báo, trừ việt gian cũng như tham gia đánh diệt Mỹ và đều có xác nhận của những người phụ trách cơ sở trực tiếp như các ông Đặng C, Phạm Văn T ngoài ra có nhiều người khác xác nhận kết quả thành tích tham gia cách mạng của ông N.
Tại phiên tòa phúc thẩm hầu hết những người làm chứng có mặt (15/16 người) đều khai ông Lê Công N có nhiều công lao, thành tích trong hoạt động Cách mạng, chưa gây phương hại gì cho Cách mạng và đề nghị xem xét khen thưởng cho ông N. Riêng bà Quảng Thị X khai khi bà bị địch bắt đang bị tra tấn thì có nghe ông Lê Công N nói chuyện về bà Xinh nên bà nghĩ đó là ông N. Những nội dung này cần phải được thẩm định rõ.
Trong quá trình thẩm định hồ sơ thi đua khen thưởng cũng như giải quyết khiếu nại UBND xã C, cũng như UBND thành phố H và Hội đồng thi đua của 02 cấp chưa tổ chức xác minh làm rõ và đối chứng giữa những người khai có mâu thuẫn. Việc chiêu hồi là phải khai báo, nhưng nội dung khai báo, hậu quả của việc khai báo có hại gì cho Cách mạng hay không? Thì UBND thành phố H chưa xác minh làm rõ hậu quả như thế nào? Nhưng lại đưa ra kết luận ông Lê Công N đã đầu hàng địch để xác định “có sai lầm nghiêm trọng” là chưa xác đáng.
Theo ông Lê Công N khai và tài liệu có trong hồ sơ vụ án năm 1974 ông có tham gia Đảng dân chủ nhưng sau khi viết, nộp bản tự khai thì ông bỏ đi ra Cù Lao Chàm. Nội dung này cũng cần xác minh rõ ông có thực sự tham gia và hoạt động trong Đảng này không? Làm những công việc gì trong Đảng dân chủ thì mới kết luân được.
Tại công văn 378/TB UBND ngày 20/6/2016 của Chủ tịch UBND thànhphố H đã trả lời ông Lê Công N có dẫn chiếu quyết định số 891/QĐ UBND ngày12/2/2006 của Chủ tịch UBND thị xã H trước đây. Hội đồng xét xử xét thấy: Cơ sở để ban hành quyết định 891/QĐ UBND nói trên đã căn cứ vào Báo cáo số04/BCTĐKT ngày 05/1/2006 của cơ quan Thanh tra nhà nước thị xã H, nhưng tại phần kết luận và kiến nghị trong Báo cáo đã kiến nghị UBND thị xã tổ chức cuộc họp có các thành phần “Thường trực Thị ủy, HĐND, thanh tra HĐND phòng nội vụ, Lao động thương binh xã hội, ban tổ chức, UBKT của thị xã và UBND xã Cđể thẩm định, xem xét kết luận vầ thành tích của ông Lê Công N”. Ngày19/1/2006 (theo ngày của QĐ 891 xác định, tại bút lục số 241) thể hiện là “Biên bản họp xét” không có tiêu đề, tiêu ngữ, thời gian, địa điểm, thành phần tham dự họp không đầy đủ, những nhân chứng được mời không có tên, tuổi, địa chỉ và xác định rõ trong biên bản. Lời phát biểu trong biên bản không rõ ai là nhân chứng, ai là hội đồng thẩm định. Lời khai mâu thuẫn với các xác nhận trước đó và không có thời gian kết thúc biên bản. Chủ tịch UBND thị xã H chủ trì cuộc họp nhưng không ký vào biên bản, thành phần dự họp và ký biên bản không đủ, gồm 09 người tham dự (chưa tính nhân chứng) có 07 chữ ký nhưng 06 người có ghi tên. Đặc biệt những người đại diện lãnh đạo tham gia họp chỉ có 04 người ký biên bản, nhưng Chủ tịch UBND thị xã H đã căn cứ biên bản này để ban hành Quyết định 891/QĐ UBND ngày 12/2/2006, đến nay lại viện dẫn nội dung quyết định đó để đưa vào văn bản số 378/TB-UBND ngày 20/6/2016 là không phù hợp và thiếu căn cứ.
Qua những phân tích nêu trên Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: Đối với trường hợp khởi kiện vụ án hành chính của ông Lê Công N. Trong phạm vi thẩm quyền của Tòa án chỉ xem xét kiểm tra, đánh giá tính hợp Hiến, hợp pháp cũng như nội dung các văn bản do UBND thành phố H ban hành nhưng đã bị khởi kiện. Cụ thể tại văn bản hành chính số 4538/UBND ngày 16/12/2015 và Thông báo số 378/UBND ngày 20/6/2016 của UBND thành phố H, tỉnh Quảng Nam ban hành đều không đúng thẩm quyền do pháp luật quy định, về nội dung có nhiều thiếu sót, chưa chính xác nên Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của người khởi kiện ông Lê Công N, hủy các văn bản văn bản hành chính số 4538/UBND ngày 16/12/2015 và Thông báo số 378/UBND ngày 20/6/2016 của UBND thành phố H, tỉnh Quảng Nam.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghịHội đồng xét xử không xem xét.
Về án phí hành chính sơ thẩm, phúc thẩm: Do chấp nhận yêu cầu khởi kiện và kháng cáo nên ông Lê Công N không phải chịu án phí hành chính sơ thẩm và án phí hành chính phúc thẩm.
Buộc UBND thành phố H phải chịu án phí hành chính sơ thẩm và án phí hành chính phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ nêu trên.
Căn cứ Khoản 2 Điều 241 Luật tố tụng hành chính năm 2015.
QUYẾT ĐỊNH
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của người khởi kiện ông Lê Công N. Sửa bản án hành chính sơ thẩm số 30/2017/HC-ST ngày 03/5/2017của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam.
- Áp dụng khoản 6 Điều 11; Điều 15 Bộ luật dân sự năm 2015.
- Áp dụng: Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Ban hành kèm Nghị quyết số 47/NQ/HDDNN7 ngày 29 tháng 9 năm1981 của Hội đồng Nhà nước; Thông tư 39/BT ngày 21/4/1982 Hội đồng Bộtrưởng và Hướng dẫn số 109/VHD ngày 17/5/1982 của Viện Huân Chương hướng dẫn Điều lệ khen thưởng; Luật Thi đua và Khen thưởng năm 2013.
- Xử hủy văn bản hành chính số 4538/UBND ngày 16/12/2015 và Thôngbáo số 378/UBND ngày 20/6/2016 của UBND thành phố H, tỉnh Quảng Nam.
- UBND thành phố H, UBND xã C và HĐTĐ-KT tương ứng có trách nhiệm xem xét thẩm định, xác minh về hồ sơ đề nghị khen thưởng của ông Lê Công N để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
2. Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Trả lại 200.000 đồng án phí hành chính sơ thẩm và 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm theo biên lai số 000490 ngày 15/5/2017 cho ông Lê Công N.
Buộc UBND thành phố H chịu 200.000đ án phí hành chính sơ thẩm và300.000đ án phí hành chính phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 144/2017/HCPT ngày 08/09/2017 về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng
Số hiệu: | 144/2017/HCPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 08/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về