TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
BẢN ÁN 14/2020/HS-PT NGÀY 02/03/2020 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 02 tháng 03 năm 2020 tại phòng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 09/2019/TLPT-HS ngày 12 tháng 12 năm 2019 đối với bị cáo Giàng A C do có kháng cáo của bị cáo Giàng A C đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2019/HS-ST ngày 04/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên.
Bị cáo có kháng cáo: Họ và tên: Giàng A C (Tên gọi khác: Giàng A C1) sinh năm 1964, tại huyện S, tỉnh L; Nơi cư trú: Bản N1, xã N2, huyện N, tỉnh Điện Biên; Nghề nghiệp: Làm nương; Trình độ học vấn: Không; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Giàng Tả D (Đã chết) và bà Vàng Thị S (Đã chết); Bị cáo có vợ là Tỉnh Thị S1 (sinh năm 1964) và 06 người con; Tiền án: 01 tiền án; Tiền sự: Không; Nhân thân: Ngày 16/11/2017 bị Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên xử phạt 15 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” tại bản án số: 13/2017/HSST, đến ngày 24/9/2018 bị cáo chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Bị cáo bị Cơ quan điều tra Công an huyện N ra Quyết định khởi tố bị can và ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 27/03/2019 đến ngày xét xử. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
Bị hại: Thào A S3, sinh năm 1977, địa chỉ Bản N3, xã N4, huyện N - Điện Biên. Vắng mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Giàng Thị S4, sinh năm 1991, địa chỉ: Bản N1, xã N2, huyện N, tỉnh Điện Biên. Vắng mặt.
Người làm chứng:
1 1. Ông Sùng A D, sinh năm 1984.
2. Ông Sùng A C3, sinh năm 1996.
3. Ông Vàng A S4; Sinh năm 1978.
Cùng trú tại: Bản N1, xã N2, huyện N, tỉnh Điện Biên.
Tại phiên tòa những người làm chứng vắng mặt.
Người bào chữa cho bị cáo Giàng A C: Ông Lê Đình V - Luật sư Công ty Luật TNHH TGS. Địa chỉ: Số 05, ngách 24, ngõ 1, đường Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Có mặt.
Người phiên dịch tiếng Mông cho bị cáo Giàng A C: Anh Sùng A C5, sinh năm 2000. Địa chỉ: Tổ dân phố X, phường Y, thành phố Z, tỉnh Điện Biên. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 24/11/2018, Thào A S3 một mình đi xe máy từ nhà ở bản N3, xã N4, huyện N lên khu vực xã N2, huyện N để tìm mua trâu. Tối cùng ngày Thào A S3 đi qua nhà Giàng Thị S4, trú tại bản Bản N1, xã N2, huyện N, tỉnh Điện Biên,. Do trời tối S3đã vào nhà S4 xin ngủ nhờ, được S4 đồng ý. S4 lấy cơm cho S3 ăn xong rồi trải chiếu ra giữa nhà cho S3 ngủ.
Đến khoảng 23 giờ 30 phút ngày 24/11/2018 Thào A S3 đang ngủ dưới nền nhà thì có Giàng A C1 trú tại bản N1, xã N2, huyện N, tỉnh Điện Biên là anh trai ruột của của Giàng Thị S3 vào nhà và hỏi S3 là người đàn ông này từ đâu đến, S4 trả lời người đàn ông đó đi mua trâu xin ngủ nhờ. C1 hỏi Thào A S3 từ đâu đến, sao lại vào nhà S4 trong lúc chồng S4 đang đi chấp hành án phạt tù không ở nhà. S3 trả lời đi tìm mua trâu do trời tối qua hỏi biết chồng S4 cùng họ Thào nên xin ngủ nhờ qua đêm. Sau đó Giàng A C1 gọi điện cho Vàng A S5, Sùng A D1, Sùng A D cùng trú tại bản N1, xã N2, huyện N, tỉnh Điện Biên đến nhà S3. Khoảng 05 phút sau có Vàng A S5, Sùng A D2 và Sùng A D đến nhà S3. Khi vào trong nhà Vàng A S5 hỏi Thào A S3, có phải anh S3 không nhỉ, S3 trả lời đúng rồi. S5 nói sao lúc chiều S5 gọi điện bảo S3 lên nhà S4, sao giờ lại ở nhà Giàng Thị S4, như thế người ta sẽ nghĩ không tốt. S3 trả lời khi S3 đi qua nhà S4, hỏi biết chồng S4 cùng họ Thào nên xin ngủ nhờ. Sau đó Giàng A C1 bảo S3 đưa giấy chứng minh nhân dân cho C1 giữ lại khi nào chồng S3 đi chấp hành án phạt tù về để giải quyết, S3 không đồng ý, S3 bảo chứng minh nhân dân còn phải đi tìm mua trâu. C1 nói Thào A S3 đến nhà Giàng Thị S4 ngủ mà chồng S4 không ở nhà là vi phạm pháp luật, không tôn trọng gia đình C1. Nếu S3 không đưa chứng minh nhân dân thì phải nộp tiền phạt. Giàng A C1 đe dọa Thào A S3, nếu S3 không nộp tiền phạt thì đưa S3 xuống Ủy ban nhân dân xã N2 giải quyết xử lý theo quy định của pháp luật. S3 trả lời có gì thì giải quyết tại chỗ, nếu nộp tiền thì nộp bao nhiêu. C1 bảo S3 nộp mười triệu đồng, S3 bảo không vi phạm gì S3 chỉ nhất trí nộp 7.000.000 đồng, C1 không đồng ý, C1 gọi điện cho Giàng A C bảo lên nhà Giàng Thị S4giải quyết việc phát hiện Thào A S3 ngủ trong nhà S4 mà chồng S4 đang đi chấp hành án phạt tù.
Khoảng 00 giờ 30 phút ngày 25/11/2018 Giàng A C và Sùng A C3 đi xe máy đến nhà S4. Khi Giàng A C và Sùng A C1 đến nhà S4, Thào A S3 chắp 2 tay lạy quỳ gối xin Giàng A C thông cảm cho, C bảo để C hút thuốc lào có gì nói sau. C hút thuốc lào xong C chửi S3, nói S3 là loại chuyên đi lừa gái đi sang Trung Quốc bán nên vợ con C mới đi Trung Quốc hết, phải phạt S3 10.000.000 đồng mới được. S3 bảo biết là ngủ trong nhà S4 mà chồng S4 không ở nhà là sai, xin tha cho S3. C bảo không tha được phải nộp 10.000.000 đồng cho C, nếu không nộp sẽ đưa S3 xuống Ủy ban nhân dân xã N giải quyết để S3 đi tù, nhưng S3 không đồng ý. Giàng A C, Giàng A C1 đi ra ngoài, Sùng A D cũng đi theo, một lúc sau D vào nhà trước. C1 và C vào trong nhà thì C1 bảo S3 phải nộp 8.000.000 đồng, S3 không đồng ý. S3 nói S3 không vi phạm gì chỉ nhất trí nộp 7.000.000 đồng. Vàng A S5 và Sùng A D1 đi ra ngoài. Sùng A D đứng dậy lấy một đoạn dây thừng treo ở trên cột nhà, C1 cũng đứng dậy lấy một đoạn dây thừng ở trên mấy bao thóc trong nhà S4. C1 và D ném 02 đoạn dây thừng ra trước mặt S3. D quát mắng S3 cứng đầu quá nói thế nào cũng không nộp tiền, lấy dây thừng buộc trói S3 lên sà nhà trước rồi trói S3 lên sà nhà sau rồi đánh kiểu gì cũng ra tiền. Thào A S3 sợ bị đánh nên đồng ý nộp 8.000.000 đồng cho D, C1 và C. S3 hỏi số tiền nộp phạt sẽ đưa cho ai, C1 bảo số tiền nộp phạt sẽ đưa cho C vì C là bố đẻ của S4 để cất giữ sau này S6 chồng S3 về sẽ đưa lại cho S6. Sùng A D và Vàng A S2 vào trong nhà, do không có ai biết chữ nên C1, C và S3 nhờ Sùng A C2 viết hộ biên bản hòa giải, C2 viết xong biên bản thì C, C1, S3 cùng ký vào biên bản, ký xong S3 đã nộp 8.000.000 đồng cho Giàng A C, rồi mọi người đi về nhà, còn Thào A S3 đi về nhà Vàng A S2.
Giàng A C về đến nhà thì Sùng A C1 điều khiển xe máy chở Giàng A C đến nhà của C1. Khi đến nhà C1, C2 đứng ở ngoài đợi, C1 và C2 vào trong nhà, C lấy 1.300.000 đồng đưa cho C1 bảo C1 đi mua thức ăn mời D, D1, S2 đến nhà C1 ăn cơm và bồi dưỡng cho D, D1, S2 mỗi người 50.000 đồng, rồi C và C1 đi về nhà. Chiều tối ngày 25/11/2018 Giàng A C1 đi mua thức ăn về nấu cơm mời D, D1, S2 nhưng cả ba người không nhận tiền của C1. Đến sáng ngày 26/11/2018 C1 đi sang nhà C, nói cho C biết việc hôm trước C1 đưa cho D1, D, S2 mỗi người 50.000 đồng nhưng D, D1, S2 không nhận. C1 bảo C lấy thêm tiền để mua thức ăn và sẽ đưa cho D, D1, S2 mỗi người 300.000 đồng. Rồi C lấy thêm 1.000.000 đồng đưa cho C1. C1 đi mua thức ăn về nấu và mời D1, D, S2 đến nhà C1 ăn sáng. Trong bữa cơm C1 đưa cho D, D1, S2 mỗi người 300.000 đồng. D có hỏi C1 là tiền C1 đưa là tiền của C1 hay là tiền do Thào A S3 nộp phạt, C1bảo là tiền cá nhân của C1, S2 nói để sau này chồng S4 đi tù về có cảm ơn thì cảm ơn sau. C1 nói do C1 nhờ chứ không phải là chồng S4 nhờ nên D, D1, S2 cứ nhận đi và cả ba người đã nhận tiền của C1 đưa.
Ngày 24/01/2019 Thào A S3 đã đến Công an huyện N trình báo sự việc Thào A S3 bị 03 đối tượng Giàng A C1, Giàng A C và Sùng A D cưỡng đoạt số tiền 8.000.000 đồng (Tám triệu đồng) vào ngày 24/11/2018. Tại Bản án số 50/2019/HS-ST ngày 04/11/2019, Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên đã quyết định:
- Tuyên bố bị cáo Giàng A C (Tên gọi khác: Giàng A C1) phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
- Áp dụng khoản 1 Điều 170; Điều 17; Điều 38; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 và Điều 58 Bộ luât Hình sự, xử phạt bị cáo Giàng A C 12 (Mười hai) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày vào trại chấp hành án.
Ngoài ra cấp sơ thẩm còn tuyên về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo Giàng A C1 và Sùng A D, nhưng các bị cáo này không kháng cáo và không bị kháng nghị.
Bản án còn tuyên về phần xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo của người tham gia tố tụng.
Ngày 04/11/2019, bị cáo Giàng A C kháng cáo với nội dung cho rằng Bản án hình sự sơ thẩm ngày 04/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên là không khách quan và đúng pháp luật, không đảm bảo được các quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo theo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại toàn bộ bản án sơ thẩm theo thủ tục xét xử phúc thẩm, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Giàng A C thay đổi nội dung đơn kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét cho bị cáo được hưởng án treo để bị cáo được cải tạo tại địa phương, có điều kiện trực tiếp nuôi dạy con cái.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên tham gia phiên tòa phúc thẩm: Về hình thức đơn kháng cáo của bị cáo làm trong hạn luật định được coi là hợp lệ. Về nội dung kháng cáo, bị cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại toàn bộ vụ án theo thủ tục phúc thẩm, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo C thừa nhận hành vi phạm tội của bị cáo như nội dung bản cáo trạng đã truy tố, bị cáo xin thay đổi nội dung kháng cáo và xin được hưởng án treo. Việc bị cáo xin hưởng án treo là không có căn cứ theo quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo thì bị cáo Giàng A C phạm tội trong trường hợp tái phạm nên không đủ điều kiện được hưởng án treo. Bị cáo Giàng A C bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” là đúng người đúng tội đúng quy định của pháp luật. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng Hình sự không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2019/HS - ST ngày 04/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên.
Quan điểm của người bào chữa cho bị cáo Giàng A C: Tại phiên tòa phúc thẩm, người bào chữa đồng tình với quan điểm truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện N và Tòa án nhân dân huyện N về tội danh và điều luật áp dụng nhưng chưa hoàn toàn đồng tình với với mức hình phạt đối với bị cáo Giàng A C là 12 tháng tù. Người bào chữa cho rằng bị cáo Giàng A C là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế, bị cáo phạm tội do lạc hậu. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo; Áp dụng điểm b, m, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo và xử phạt bị cáo từ 4 đến 5 tháng tù; Miễn án phí Hình sự phúc thẩm cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hình thức đơn kháng cáo: Bị cáo làm đơn kháng cáo đề ngày 04/11/2019, theo quy định tại Điều 331 và Điều 333 của Bộ luật Tố tụng Hình sự là hợp pháp. Hội đồng xét xử chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo để xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét nội dung kháng của bị cáo Giàng A C về việc xem xét lại toàn bộ quyết định của Bản án sơ thẩm số 50/2019/HS - ST ngày 04/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Trong khoảng thời gian từ 23 giờ ngày 24/11/2018 đến 00 giờ 30 ngày 25/11/2018, tại bản N1, xã N2, huyện N, tỉnh Điện Biên Giàng A C1, Sùng A D và Giàng A C đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực để cưỡng đoạt tài sản là số tiền 8.000.000đ (Tám triệu đồng) của bị hại Thào A S3 vì cho rằng S3 một mình đến ngủ đêm nhà chị Giàng Thị S4 trong lúc chồng chị S4 đang đi chấp hành án phạt tù không ở nhà. Do bị hại S3 đi tìm mua trâu, trời tối qua hỏi thăm biết chồng S4 cùng họ Thào nên xin ngủ nhờ qua đêm và được chị S4 đồng ý. Nhưng các bị cáo Giàng A C1, Sùng A D và Giàng A C không đồng ý lý do đó, Giàng A C1 bảo S3 đưa giấy chứng minh nhân dân cho C1 giữ lại khi nào chồng S4 đi chấp hành án phạt tù về để giải quyết. S3 không đồng ý, S3 bảo chứng minh nhân dân còn phải đi tìm mua trâu. C1 nói Thào A S3 đến nhà Giàng Thị S4 ngủ mà chồng S4 không ở nhà là vi phạm pháp luật, không tôn trọng gia đình C1. Nếu S3 không đưa chứng minh nhân dân thì phải nộp tiền phạt. S3 trả lời có gì thì giải quyết tại chỗ, nếu nộp tiền thì nộp bao nhiêu. C1 bảo S3 nộp 10.000.000 triệu đồng, S3 bảo không vi phạm gì S3 chỉ nhất trí nộp 7.000.000 đồng, C1 không đồng ý, C1 gọi điện cho Giàng A C (bố của Giàng Thị S3). Khoảng 00 giờ 30 phút ngày 25/11/2018 Giàng A Cvà Sùng A C2 đi xe máy đến nhà S3, C chửi S3, bắt S3 phải nộp 10.000.000 đồng. Do C1, D dọa sẽ trói S3 bằng dây thừng treo ở trên cột nhà, S3 sợ bị đánh nên đồng ý nộp 8.000.000 đồng cho D, C1 và C.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Giàng A C đã thừa nhận hành vi phạm tội như đã nêu trên, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của các bị cáo khác, lời khai của bị hại, lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và những người làm chứng trong vụ án, nên có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Giàng A C đã phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự như Bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật. Đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên tham gia phiên tòa là có căn cứ chấp nhận. Cần giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2019/HS - ST ngày 04/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên đối với bị cáo Giàng A C.
Xét đề nghị của người bào chữa cho bị cáo về việc áp dụng thêm điểm m khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự để bị cáo được hưởng án treo hoặc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, xử phạt bị cáo từ 4 đến 5 tháng tù. Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ theo quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo thì bị cáo Giàng A C phạm tội trong trường hợp tái phạm nên không đủ điều kiện được hưởng án treo. Bị cáo phạm tội với lỗi cố ý, cưỡng đoạt số tiền 8.000.000 đồng của bị hại để phục vụ cho nhu cầu cá nhân nên không coi là bị cáo phạm tội do lạc hậu, do đó việc người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm m khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là không có căn cứ và không được chấp nhận. Tại phiên tòa phúc thẩm, người bào chữa và bị cáo Giàng A C không xuất trình thêm được các tài liệu, chứng cứ mới nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
[3] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện N, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân nhân huyện N, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án nhân dân huyện N trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra truy tố và tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[4] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[5] Về án phí phúc thẩm: Áp dụng khoản 2 Điều 135, Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm nhưng do bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nên cần miễn án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Giàng A C (tên gọi khác: Giàng A C1), giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2019/HS - ST ngày 04/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên đối với bị cáo Giàng A C, cụ thể như sau:
1.1 Về tội danh: Căn cứ khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự, tuyên bố bị cáo Giàng A C (tên gọi khác: Giàng A C1) phạm tội: “Cưỡng đoạt tài sản”.
1.2 Về hình phạt: Áp dụng khoản 1 Điều 170; Điều 17, Điều 38, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 và Điều 58 Bộ luât Hình sự, xử phạt bị cáo Giàng A C (tên gọi khác: Giàng A C1) 12 (Mười hai) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo vào trại chấp hành án.
2. Về án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng Điều 135, 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, miễn án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo Giàng A C.
3. Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 50/2019/HS - ST ngày 04/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Điện Biên không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (02/3/2020).
Bản án 14/2020/HS-PT ngày 02/03/2020 về tội cưỡng đoạt tài sản
Số hiệu: | 14/2020/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Điện Biên |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 02/03/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về