Bản án 14/2019/HS-ST ngày 04/09/2019 về tội bắt giữ người trái pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CAM LÂM, TỈNH KHÁNH HÒA

BẢN ÁN 14/2019/HS-ST NGÀY 04/09/2019 VỀ TỘI BẮT GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày 04 tháng 9 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 11/2019/TLST-HS ngày 16 tháng 5 năm 2019 đối với các bị cáo:

1. Đỗ Văn T, sinh năm 1982; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: thôn Đ, xã V, huyện V, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hóa (học vấn): 06/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông (không rõ) con bà Đỗ Thị H - sinh năm: 1948; vợ Đỗ Thị T1 - sinh năm 1982 (đã ly hôn); vợ kế Nguyễn Thị Phương T2 - sinh năm 1979; con: 02 con (lớn 11 tuổi, nhỏ 06 tuổi); tiền án, tiền sự: không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

2. Nguyễn Đình T3 (Tên gọi khác: R), sinh năm: 1996; Nơi ĐKNKTT: Thôn p, xã I, huyện C, tỉnh Gia Lai; Chỗ ở hiện nay: Thôn Đ, xã V, huyện V, tỉnh Bình Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Thiên chúa; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Học vấn: Không biết chữ; Cha: Nguyễn Đình K, sinh năm 1974; Mẹ: Trần Thị H1, sinh năm 1974;Vợ, con: Chưa; Tiền án: Ngày 06/8/2015 bị Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai xử phạt 09 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và ngày 21/12/2015 bị Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Gia Lai xử phạt 09 tháng tù về tội “Trốn khỏi nơi giam” (tổng hợp hình phạt chung của 02 bản án là 18 tháng tù). Chấp hành xong hình phạt tù ngày 22/9/2016; Tiền sự: Chưa; Bị can bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

3. Huỳnh Việt P, sinh năm: 1995; Nơi ĐKNKTT: Thôn 4, xã D, huyện Đ, tỉnh Kon Tum; Chỗ ở hiện nay: Thôn Đ, xã V, huyện V, tỉnh Bình Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Học vấn: 11/12 Cha: Huỳnh Văn B, sinh năm 1953; Mẹ: Võ Thị P1, sinh năm 1960; Vợ: Phan Thị Như Q, sinh năm 1995 (đang ly thân); Con: 01 con (03 tuổi); Tiền án, tiền sự: Chưa; Bị can bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

4. Nguyên Thị B1, sinh năm: 1993; Nơi ĐKNKTT: Tổ dân phố B, phường N, thị xã N, tỉnh Khánh Hòa; Chỗ ở hiện nay: Thôn Đ, xã V, huyện V, tỉnh Bình Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh;Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Nội trợ; Học vấn: 02/12; Cha: Nguyễn Q1, sinh năm 1967; Mẹ: Huỳnh Thị M, sinh năm 1972; Chồng: Không có; Con: 02 con (lớn 06 tuổi, nhỏ 03 tuổi); Tiền án, tiền sự: Chưa; Bị can bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

- Bị hại: Lê Thị Mỹ T4 (tên gọi khác B), sinh năm 2002; nơi cư trú: thôn C, xã C, huyện C, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.

- Đại diện hợp pháp của bị hại Lê Thị Mỹ T4: ông Lê Tấn Đ, sinh năm 1980 và bà Phạm Thị Đ1, sinh năm 1979. Bà Đ1 có mặt (ông Đ ủy quyền cho bà Đ1),

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại Lê Thị Mỹ T4: ông Lê Thanh S - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: ông Đặng Thành L, sinh năm 2000 - Vắng mặt.

- Người làm chứng:

1. Nguyễn Thị Phương T5, sinh năm 1979 - Vắng mặt.

2. Nguyễn Văn T6, sinh năm 1984 - Vắng mặt.

3. Nguyễn Thị Kim T7, sinh năm 1996 - Vắng mặt.

4. La Tấn H2, sinh năm 2000 - Vắng mặt.

5. Nguyễn Thị A, sinh năm 1973 - Vắng mặt.

6. Hà Xuân V, sinh năm 1996 - Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào tháng 3/2017, Lê Thị Mỹ T4 (sinh vào khoảng thời gian từ ngày 30/11/2001 đến ngày 31/5/2002) đến làm nhân viên tại quán Karaoke ở địa bàn thôn Đ, xã V, huyện V, tỉnh Bình Định do vợ chồng Đỗ Văn T, Nguyễn Thị Phương T2 quản lý. Trong quá trình làm việc tại đây, T4 có vay của T số tiền 80.000.000 đồng. Tháng 5/2018, T4 bỏ về quê và vào làm việc tại quán Karaoke 179 thuộc thị trấn C, huyện C mà không nói cho T biết.

Đến tháng 8/2018, T4 nhắn tin liên lạc với Nguyễn Thị B1 (là nhân viên, đang làm việc cho T) để hỏi thăm nhưng sợ B1 kể lại với T biết chỗ ở của mình nên T4 nói dối là đang làm ở thành phố Hồ Chí Minh và rủ B1 vào làm cùng. Sau khi liên lạc với T4, B1 kể lại sự việc trên cho T5 nghe và T5 nói lại cho T biết. Do bực tức việc T4 còn nợ tiền mà bỏ đi không nói nên T rủ Nguyễn Thị B1 đi vào thành phố Hồ Chí Minh tìm T4 đê làm rõ sự việc. Nghe T gợi ý thì B1 đồng ý.

Khoảng 17 giờ ngày 20/8/2018, T rủ thêm Nguyễn Đình T3, Huỳnh Việt P đi cùng và thuê xe ô tô (loại 07 chỗ, hiệu KIA) biển số 77A - 043.72 của Nguyễn Văn T8 chở mọi người xuất phát từ nhà T đi vào thành phố Hồ Chí Minh. Khi ô tô chạy đến gần khu vực ngã ba Thành thuộc huyện D, tỉnh Khánh Hòa, T nói T8 dừng xe lại để đón thêm T9 (chưa xác định được nhân thân lai lịch). Khoảng 12 giờ ngày 21/8/2018, khi vào đến thành phố B, tỉnh Đồng Nai, xe dừng lại nghỉ ngơi và ăn uống. Trong lúc T8 điều khiển xe đi công việc thì T nói B1 gọi điện thoại liên lạc với T4 thì được biết T4 đang ở thị trấn C, huyện C nên T nói cho T3, P, T9 biết là mình và B1 đi tìm T4 và bảo T8 điều khiển xe ô tô quay lại địa phận huyện C.

Khoảng 02 giờ ngày 22/8/2018, khi xe ô tô chạy đến đoạn Quốc lộ 1A gần khách sạn “Sơn Hiển” thuộc thôn B, xã c, huyện C thì T nói T8 dừng xe lại để B1, T3, p và T9 xuống. Khi mọi người xuống xe thì B1 gọi điện cho T4 ra đón, đồng thời bảo T đi chỗ khác để T4 không phát hiện. Toại bảo T8 điều khiển xe ô tô đến khu vực ngã tư gần đó đứng đợi.

Nhận được điện thoại của B1, T4 nhờ bạn trai là La Tấn H2 điều khiển xe mô tô chở T4 đi đón B1. Khi đến nơi, T4 vừa xuống xe thì T3 chạy đến dùng tay phải kẹp cổ T4 lại, T4 giằng co làm H2 cùng xe mô tô ngã xuống đường. H2 đứng dậy dùng tay phải đấm một cái vào người T3 để giải vây cho T4 thì P chạy đến va vào người H2, làm H2 vấp ngã, sau đó đứng dậy bỏ chạy. Sau khi giữ được T4, T3 gọi điện báo cho T biết. T bảo T6 điều khiển xe ô tô quay lại. Khi ô tô đến nơi, T3 bảo T4 lên xe ô tô để chở đi. Khoảng 09 giờ cùng ngày thì tất cả về đến nhà T ở Bình Định.

Ngày 22/8/2018, bà Phạm Thị Đ1 (mẹ ruột T4) đã làm đơn trình báo sự việc cho Cơ quan CSĐT Công an huyện C. Tại Cơ quan CSĐT, Đỗ Văn T, Nguyễn Đình T3, Huỳnh Việt P và Nguyễn Thị B1 đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Tại bản Cáo trạng số 10/CT-VKSCL ngày 15/5/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã truy tố các bị cáo Đỗ Văn T, Nguyễn Đình T3, Huỳnh Việt P và Nguyễn Thị B1 đã phạm tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” quy định tại Điều 157 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

Tại phiên tòa:

Xét vai trò của từng bị cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Cam Lâm đề nghị Hội đồng xét xử xem xét:

Đối với bị cáo Nguyên Đình T3: áp dụng điểm e khoản 2 Điều 157; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, điểm h Điều 52 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức án 2 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù.

Đối với bị cáo Huỳnh Việt P: áp dụng điểm e khoản 2 Điều 157; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù.

Đối với bị cáo Đỗ Văn T: áp dụng điểm e khoản 2 Điều 157; điểm b, s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Đối với bị cáo Nguyên Thị B1: áp dụng điểm e khoản 2 Điều 157; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

- Về vật chứng: Không có

Các bị cáo khai nhận hành vi vi phạm tội đúng như nội dung bản cáo trạng đã truy tố và xin giảm nhẹ hình phạt.

- Người bị hại và đại diện người bị hại đã thừa nhận bị cáo Đỗ Văn T đã tự nguyện xóa khoản nợ 80.000.000 đồng mà bị hại Lê Thị Mỹ T4 đã vay trước đó đồng thời đã hỗ trợ bồi thường thêm cho T4 số tiền là 13.500.000 đồng và không yêu cầu gì thêm về phần bồi thường và có ý kiến xin xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Một số người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, Tòa án đã triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa, xét thấy đã có lời khai của họ tại Cơ quan điều tra có trong hồ sơ vụ án, việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng gì đến việc giải quyết vụ án nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 292, 293 Bộ luật tố tụng hình sự vẫn tiến hành xét xử vụ án.

[2] Tại phiên tòa, các bị cáo Đỗ Văn T, Nguyễn Đình T3, Huỳnh Việt P, Nguyên Thị B1 đã khai nhận hành vi phạm tội, lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai người bị hại, người làm chứng và các chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa, Hội đồng xét xử xét thấy có đủ căn cứ để kết luận: Khoảng 02 giờ ngày 22/8/2018, tại khu vực Quốc Lộ 1A thuộc thôn B, xã C, huyện C; Đỗ Văn T, Nguyên Đình T3, Huỳnh Việt P, Nguyên Thị B1 và 01 đối tượng tên T9 (chưa rõ nhân thân lai lịch) đã có hành vi bắt giữ Lê Thị Mỹ T4 (sinh vào khoảng thời gian từ ngày 30/11/2001 đến ngày 31/5/2002) đưa lên xe ô tô chở về thôn Đ, xã V, huyện V, tỉnh Bình Định.

Hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Xét hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ, đồng thời gây mất trật tự trị an ở địa phương nên cần có mức hình phạt nghiêm khắc nhằm giáo dục các bị cáo và phòng ngừa tội phạm chung trong xã hội. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo thành khẩn khai báo, nhận tội, vụ án xảy ra cũng có một phần lỗi của người bị hại nên cần xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo một phần hình phạt để bị cáo thấy được chính sách nhân đạo khoan hồng của Nhà nước mà an tâm cải tạo thành người có ích cho xã hội.

Xét nhân thân, vai trò, hành vi, mức độ phạm tội của từng bị cáo:

Đối với bị cáo Nguyên Đình T3: là đồng phạm trong vụ án với vai trò là người thực hành tích cực, có hành vi kẹp cổ bị hại, gọi điện thoại báo cho T và bảo bị hại lên xe ô tô để chở đi, đã thành khẩn khai báo, nhận tội, bị cáo có một tiền án chưa được xóa án tích mà còn phạm tội mới nên cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian mới đủ tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.

Đối với bị cáo Huỳnh Việt P: là đồng phạm trong vụ án với vai trò là người thực hành tích cực sau bị cáo T3, bị cáo có hành vi làm va vào người H2 để phục vụ cho việc bắt giữ bị hại, tuy nhiên xét bị cáo thành khẩn khai báo, nhận tội, có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, lần đầu phạm tội được bị hại và đại diện gia đình bị hại xin xem xét giảm nhẹ nên không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi xã hội cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo và răn đe chung.

Đối với bị cáo Đỗ Văn T: là đồng phạm trong vụ án với vai trò là người xúi giục, tuy nhiên xét bị cáo thành khẩn khai báo, nhận tội, có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, sau khi vụ án xảy ra bị cáo đã chủ động xóa nợ cho bị hại và chủ động bồi thường thêm, được bị hại và đại diện gia đình bị hại có đơn bãi nại và xin xem xét giảm nhẹ, bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn có xác nhận của chính quyền địa phương nên không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi xã hội cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo và răn đe chung.

Đối với bị cáo Nguyên Thị B1: là đồng phạm trong vụ án với vai trò là người giúp sức, tuy nhiên xét bị cáo thành khẩn khai báo, nhận tội, có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, được bị hại và đại diện gia đình bị hại xin xem xét giảm nhẹ nên không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi xã hội cũng đủ tác dụng giáo dục bị cáo và răn đe chung.

[3] Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Tại phiên tòa, người bị hại và đại diện người bị hại đã thừa nhận bị cáo Đỗ Văn T đã tự nguyện xóa khoản nợ 80.000.000 đồng mà bị hại Lê Thị Mỹ T4 đã vay trước đó đồng thời đã hỗ trợ bồi thường thêm cho T4 số tiền là 13.500.000 đồng và không yêu cầu gì thêm về phần bồi thường nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[4] Về xử lý vật chứng vụ án: Không

[5] Tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên: Ông Đỗ Văn Khánh, Trần Trung Dũng - Điều tra viên thuộc Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Cam Lâm, đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

[6] Tính hợp hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Kiểm sát viên: Ông Trần Danh Cảnh đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1-Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 157; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, điểm h Điều 52 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đối với bị cáo Nguyên Đình Trung:

Xử phạt bị cáo Nguyên Đình T3 02 (Hai) năm 6 (Sáu) tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 157; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ Luật hình sự năm 2015 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa án nhân dân Tối cao về án treo đối với bị cáo Huỳnh Việt P:

Xử phạt bị cáo Huỳnh Việt p 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng kể từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo cho UBND xã D, huyện Đ, tỉnh Kon Tum giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo qui định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ 2 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 157; điểm s, b khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ Luật hình sự năm 2015 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa án nhân dân Tối cao về án treo đối với bị cáo Đỗ Văn T:

Xử phạt bị cáo Đỗ Văn T 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng kể từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo cho UBND xã Đ, huyện V, tỉnh Bình Định giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo qui định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ 2 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 157; điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ Luật hình sự năm 2015 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa án nhân dân Tối cao về án treo đối với bị cáo Nguyên Thị B1:

Xử phạt bị cáo Nguyên Thị B1: 02 (Hai) năm 6 (Sáu) tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng kể từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo cho UBND phường N, thị xã N, tỉnh Khánh Hòa giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo qui định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ 2 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

2- Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Người bị hại và đại diện hợp pháp của người bị hại đã thừa nhận bị cáo Đỗ Văn T đã tự nguyện xóa khoản nợ 80.000.000 đồng mà bị hại Lê Thị Mỹ T4 đã vay trước đó đồng thời đã hỗ trợ bồi thường thêm cho T4 số tiền là 13.500.000 đồng và không yêu cầu gì thêm về phần bồi thường nên Hội đồng xét xử không xem xét.

3- Về xử lý vật chứng vụ án: Không

4- Về án phí: Căn cứ Điều 23, 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội buộc các bị cáo Đỗ Văn T, Nguyễn Đình T3, Huỳnh Việt P, Nguyên Thị B1 mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

5- Về quyền kháng cáo: Các bị cáo Đỗ Văn T, Nguyễn Đình T3, Huỳnh Việt p, Nguyễn Thị B1, người bị hại Lê Thị Mỹ T4, đại diện hợp pháp cho bị hại bà Phạm Thị Đ1 có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Đặng Thành L, đại diện hợp pháp cho bị hại ông Lê Tấn Đ vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

342
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 14/2019/HS-ST ngày 04/09/2019 về tội bắt giữ người trái pháp luật

Số hiệu:14/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Cam Lâm - Khánh Hoà
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 04/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về