Bản án 14/2018/HSST ngày 19/07/2018 về tội trộm cắp tài sản và cướp giật tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TUY PHƯỚC, TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 14/2018/HSST NGÀY 19/07/2018 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN VÀ CƯỚP GIẬT TÀI SẢN

Ngày 19 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 13/2018/TLST-HS ngày 02 tháng 5 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 1002/2018/QĐXXST-HS ngày 12 tháng 6 năm 2018 đối với bị cáo:

Trương Hoài P, sinh năm 1980, tại xã P, huyện T, tỉnh Bình Định; Nơi cư trú: Thôn P, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: Phụ hồ; trình độ học vấn: 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trương Ngọc A và bà Nguyễn Thị L (chết); có vợ nhưng đã ly hôn và có 01 con; tiền sự: Không; tiền án: Ngày 23/5/2016, bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xử phạt 06 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”, ngày 28/12/2016 chấp hành xong hình phạt; ngày 14/9/2017, bị Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước xử phạt 09 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản”, trong thời gian chờ chấp hành án thì tiếp tục phạm tội; bị bắt tạm giữ sau đó tạm giam từ ngày 05 tháng 10 năm 2017; có mặt.

- Bị hại:

1. Chị Đặng Thị Ngọc H, sinh năm 1990; địa chỉ: Thôn P, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định; có đơn xin xét xử vắng mặt.

2. Bà Nguyễn Thị Ngọc N, sinh năm 1949; địa chỉ: Thôn P, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định; có mặt.

3. Bà Võ Thị H. sinh năm 1967; địa chỉ: Xóm 1A, Thôn P, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định; vắng mặt.

4. Chị Lê Thị L, sinh năm 1985; địa chỉ: Thôn P, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định; có mặt.

5. Anh Ngô Anh Q, sinh nhày 14 tháng 3 năm 2000; địa chỉ: Xóm 1B, Thôn P, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định; có mặt.

6. Chị Lưu Thị L1, sinh năm 1989; địa chỉ: Thôn L, xã P1, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; vắng mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: NLQ, sinh năm 1991; địa chỉ: Khu vực H, phường N, thị xã A, tỉnh Bình Định; vắng mặt.

- Người làm chứng:

1. NLC1, sinh năm 1999; địa chỉ: Thôn Lg, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định; vắng mặt.

2. NLC2, sinh năm 1993; địa chỉ: Thôn P, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định; vắng mặt.

3. NLC3, sinh năm 1991; địa chỉ: Thôn L, xã P1, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; vắng mặt.

4. NLC4, sinh năm 1999; địa chỉ: Thôn T, xã P1, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; vắng mặt.

5. NLC5, sinh năm 1997; địa chỉ: Thôn L, xã P1, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; vắng mặt.

6. NLC6, sinh năm 1987; địa chỉ: Thôn N, xã P1, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; vắng mặt.

7. NLC7, sinh ngày 11 tháng 3 năm 2000; địa chỉ: Thôn K, xã P, huyện T, tỉnh Bình Định; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Từ tháng 5 đến tháng 9 năm 2017, bị cáo Trương Hoài P đã thực hiện 05 vụ trộm cắp tài sản, cụ thể:

Vụ thứ 01: Vào khoảng 03h ngày 01 tháng 5 năm 2017, Trương Hoài P đi bộ đến nhà bà Võ Thị H, sinh năm 1967 ở Thôn P, xã P, huyện T rồi đi ra sau nhà thì phát hiện cửa sau không khóa nên P lẻn vào phòng ngủ của bà H lấy trộm 02 điện thoại di động cùng nhãn hiệu Samsung Galaxy grand Prime R530, màu trắng ở trên bàn gỗ và 1.300.000 đồng để trong túi áo khoác nữ treo ở tay nắm cửa tủ gỗ. Sau khi ra khỏi nhà bà H, bị cáo P thấy 01 chiếc điện thoại bị đứng màn hình nên đã vứt tại kênh mương gần nhà bà H, Cơ quan điều tra đã tiến hành truy tìm nhưng không thu hồi được; còn 01 điện thoại di động bị cáo đem bán tại cửa hàng điện thoại di động Thành Sơn thuộc xã P1, huyện Tuy Phước được số tiền 600.000 đồng; Cơ quan điều tra đã tiến hành làm việc với anh D là chủ của hàng điện thoại di dộng Thành Sơn nhưng không xác định được việc mua bán điện thoại giữa anh Sơn và bị cáo P. Số tiền trộm cắp và tiền bán điện thoại có được, bị cáo đã tiêu xài cá nhân hết. Theo kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tuy Phước: 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung Galaxy Grand Prime R530, màu trắng có giá trị thành tiền là 700.000 đồng; 01 điện thoại còn lại cùng nhãn hiệu, màu trắng có giá trị thành tiền là 500.000 đồng. Tổng giá trị tài sản mà Trương Hoài P trộm cắp tại nhà bà Võ Thị H là 2.500.000 đồng.

Vụ thứ 2: Khoảng 01 giờ ngày 17 tháng 9 năm 2017, bị cáo P đi bộ đến nhà chị Lê Thị L ở cùng quê để trộm cắp tài sản. Bị cáo vào nhà lấy trộm trên bàn học sinh 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo F3 Plus, màu vàng, có ốp lưng bằng cao su mềm màu đỏ; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 5S, màu vàng; 01 máy tính bảng nhãn hiệu Mobell Tab8, màu bạc và 01 túi xách nữ bằng da, màu nâu. Sau khi trộm cắp, P đem chiếc điện thoại Iphone 5S màu vàng đến cửa hàng điện thoại nằm trên đường Hùng Vương, phường Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn bán với giá 500.000 đồng. Sau đó vài ngày, bị cáo lấy máy tính bảng ra sử dụng nhưng không dùng được nên đã vứt phía sau trường THCS số 1 Phước Sơn, còn chiếc túi xách nữ bằng da, màu nâu bị cáo P vứt phía sau Quỹ tín dụng nhân dân xã Phước Sơn. Cơ quan điều tra đã tiến hành dẫn giải P đến những khu vực để truy tìm vật chứng nhưng chỉ phát hiện và thu giữ 01 máy tính bảng nhãn hiệu Mobell tab8, màu bạc bị vỡ thành nhiều mảnh, không còn khả năng sử dụng trong bụi dứa tại khu đất trống phía sau trường THCS số 1 Phước Sơn. Đối với cửa hàng mà P đã bán điện thoại di động nằm trên đường Hùng Vương, thành phố Quy Nhơn thì không xác định được nên Cơ quan điều tra không thu hồi được điện thoại Iphone 5S nêu trên; riêng điện thoại di động Oppo F3 plus P đã giao nộp cho Cơ quan điều tra. Theo kết luận định giá của Hôi đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tuy Phước: 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo F3Plus có giá trị thành tiền là 8.200.000 đồng; 01 ốp lưng điện thoại di động Oppo F3Plus có giá trị thành tiền là 30.000 đồng; 01 máy tính bảng nhãn hiệu Mobell Tab8 có giá trị thành tiền là 800.000 đồng; 01 túi xách bằng da, loại nữ, màu nâu có giá trị thành tiền là 50.000 đồng; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 5S, màu vàng đã mua và sử dụng từ tháng 7 năm 2015 có giá trị thành tiền là 2.500.000 đồng. Số tiền 500.000 đồng bán điện thoại Iphone 5S đã tiêu xài hết. Tổng giá trị tài sản mà P trộm cắp của bà L là 11.580.000 đồng.

Vụ thứ 3: Vào khoảng 02h ngày 21 tháng 9 năm 2017, bị cáo P đi bộ đến nhà anh Ngô Anh Q ở Thôn P, xã P, huyện T rồi đi vào đường hẻm bên cạnh nhà, đến cửa sổ phòng anh Q, bị cáo thò tay qua cửa sổ lấy 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung Galaxy J7 Prime, màu đen của anh Q đang sạc pin. Sau đó, P đi ra phía sau nhà rồi xuống nhà bếp, lấy trong túi quần dài của anh Q treo trên móc số tiền 300.000 đồng. Sau khi trộm cắp, bị cáo P lấy điện thoại ra sử dụng, cạy mở màn hình làm điện thoại bị hỏng nên bị cáo P đã vứt tại khu đất trống phía sau Công ty TNHH Đầu tư, xây dựng, Thương mại và Dịch vụ Yến Tùng, Cơ quan điều tra đã tiến hành truy tìm vật chứng và thu giữ được điện thoại nhưng đã bị vỡ thành 02 mảnh, không còn khả năng sử dụng. Theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tuy Phước thì 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung galaxy J7 Prime có giá trị thành tiền là 4.000.000 đồng. Riêng số tiền 300.000 đồng trộm cắp được bị cáo P đã tiêu xài hết. Tổng giá trị tài sản mà bị cáo P đã Trộm cắp của anh Q là 4.300.000 đồng.

Vụ thứ 4: Vào khoảng 02h ngày 25 tháng 9 năm 2017, P đi ngang qua nhà chị Lưu Thị L1 ở thôn Liêm Thuận, xã P1, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. P đột nhập vào nhà, đến khoảng 4h cùng ngày, P lẻn vào phòng chị L1 lấy trộm 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo R7sf màu vàng để trên giường. Đến ngày 26 tháng 9 năm 2017, P đem chiếc điện thoại trên sử dụng và thấy trong đó có nhiều đoạn video clip quay lại cảnh quan hệ tình dục của chị L1 và NLC6, là người yêu của chị L1 nên P đã nảy sinh ý định đòi tiền chuộc của chị L1. Sau đó, P đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội Facebook của chị L1 còn lưu trong điện thoại và nhắn tin cho 05 người bạn của chị L1 nếu muốn chuộc lại điện thoại và không bị đăng tải những đoạn video clip nhạy cảm của mình lên mạng thì phải đưa cho P số tiền là 5.000.000 đồng; kèm theo đó, khi nhắn tin cho những người này thì P có gửi một đoạn video clip hoặc hình ảnh kèm theo, nhưng không thành. Sau đó, P xóa hết dữ liệu trong điện thoại chị L1 và đem chiếc điện thoại trên cho chị Bùi Thị Thanh Mừng còn thẻ nhớ thì P vứt tại nhà. Theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tuy Phước thì 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo R7 sf có giá trị thành tiền là 3.500.000 đồng. Riêng chiếc thẻ nhớ điện thoại thì bị cáo đã tự tìm để giao nộp cơ quan điều tra nhưng không tìm thấy và không xác định được ở đâu.

Vụ thứ 5: Vào khoảng 02h ngày 28 tháng 9 năm 2017, bị cáo P đi bộ đến nghĩa trang xã P, huyện T trèo qua hàng rào vào nhà bà Nguyễn Thị Ngọc N và lẻn vào nhà bà N lấy trộm 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung Galaxy J7 màu vàng và 01 điện thoại di động nhãn hiệu FPT S456 màu trắng để trên giường của bà N. Trong quá trình điều tra, P đã giao nộp hai chiếc điện thoại trên tại Cơ quan điều tra. Theo kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Tuy Phước: 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung Galaxy J7 có giá trị thành tiền là 2.500.000 đồng, và 01 điện thoại di động nhãn hiệu FPT S456, màu trắng có giá trị thành tiền là 500.000 đồng. Tổng giá trị tài sản mà P đã trộm cắp của bà N là 3.000.000 đồng.

Sau khi lấy trộm hai chiếc điện thoại của bà N, P ra phòng khách thấy chị Đặng Thị Ngọc H là con của bà N đang nằm ngủ có đeo 01 sợi dây chuyền vàng trên cổ nên P lén lút tháo sợi dây chuyền của chị H nhưng chị H phát hiện và nắm lại đầu sợi dây, bị cáo tiếp tục giật sợi dây chuyền và bỏ chạy. Sau đó, P đem bán sợi dây chuyền vàng trên tại hiệu Kim Thành thuộc thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, trọng lượng là 02 chỉ với số tiền là 4.600.000 đồng. Số tiền bán được P đã tiêu xài hết. Theo kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Tuy Phước thì 01 sợi dây chuyền vàng 18k, trọng lượng 02 chỉ, có dạng hình đốt trúc, bị dẹp ở 2 đầu tại thời điểm bị xâm hại có giá trị thành tiền là 4.700.000 đồng.

Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phước đã thu hồi được các vật chứng liên quan đến vụ án và trả lại cho các bị hại gồm:

Trả cho bà Lê Thị Lộc 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo F3 Plus màu vàng, 01 máy tính bảng nhãn hiệu Mobell Tab 8, màu bạc, đã bị vỡ thành nhiều mảnh, không còn khả năng sử dụng;

Trả lại cho anh Ngô Anh Q 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung Galaxy J7 Prime màu đen, đã bị vỡ thành hai mảnh, không còn khả năng sử dụng;

Trả lại cho bà Nguyễn Thị Ngọc N 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung Galaxy J7 màu vàng, có hai vết nứt trên màn hình và 01 điện thoại di động nhãn hiệu FPT S456 màu trắng.

Trả lại cho chị Lưu Thị L1 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo R7sf màu vàng.

Trong quá trình điều tra, bà Lê Thị Lộc khai ngoài số tài sản mà P khai nhận thì bà còn mất một số tài sản sau: 01 sợi dây chuyền vàng 18k, có dạng xoắn bông mai, trọng lượng 2,2 chỉ; 01 chiếc lách tay vàng 18k, hình tròn, trên bề mặt có đính 04 hạt, có trọng lượng 2,3 chỉ; 01 chiếc nhẫn vàng 18k, loại nhẫn trơn, trọng lượng 04 phân 04 li; 01 đôi bông tai vàng 18k, có họa tiết hình chữ “ X”, trọng lượng 07 phân 07 li; số tiền mặt 560.000 đồng (năm trăm sáu mươi nghìn đồng); 01 điện thoại di động nhãn hiệu Sony E4, màu đen; 01 cục sạc dự phòng nhãn hiệu LG, màu bạc, dung lượng 10mAh. Xét thấy, việc mất trộm tại nhà chị L xảy ra vào ngày 17 tháng 9 năm 2017 nhưng đến ngày 19 tháng 9 năm 2017 chị L phát hiện P đem chiếc điện thoại Oppo F3 Plus giống điện thoại của mình đi bán thì chị L mới báo cáo Cơ quan điều tra; hơn nữa, chị L cũng không có hóa đơn, chứng từ để xác định nguồn gốc tài sản nên không có căn cứ xác định P đã trộm cắp số tài sản nói trên.

Mặc dù bị cáo P có hành vi đăng tải hình ảnh và những đoạn video clip nhạy cảm của chị Lưu Thị L1 lên mạng xã hội mục đích là uy hiếp tinh thần để chị L1 lo sợ phải đưa cho P số tiền là 5.000.000 đồng và chị L1 khai có tâm trạng lo lắng; tuy nhiên việc uy hiếp tinh thần của bị can P xảy ra trong thời gian ngắn thì tài khoản Facebook “Mẫu đơn tiên tử” của chị L1 bị khóa nên P chưa gây thiệt hại về mặt danh dự, uy tín của chủ tài sản. Theo lời khai của chị L1 thì chị có nhờ bạn là Phan Thanh Ngân đem dây chuyền của mình đi cầm cố được 2.800.000 đồng nhưng chưa đưa cho P mà tiêu xài hết. Hơn nữa, quá trình điều tra chị L1 đã có đơn bãi nại không yêu cầu xử lý đối với P về hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng tải những đoạn video clip nhạy cảm của chị lên mạng xã hội. Do vậy, hành vi của Trương Hoài P chưa đến mức phải xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.

Đối với chị Bùi Thị Thanh Mừng, khi P cho chị chiếc điện thoại di động mà P lấy trộm của chị L1 thì P nói là điện thoại cũ do P mua lại, chị Mừng không biết chiếc điện thoại di dộng trên là do P trộm cắp mà có nên Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với chị Mừng về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Đối với ông Dương Đức Sơn và ông Nguyễn Hạc trình bày không xác định được là có mua tài sản gì từ P hay không nên Cơ quan điều tra không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Sơn và ông Hạc về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Về phần dân sự: Bà Võ Thị H yêu cầu Trương Hoài P bồi thường thiệt hại số tiền 5.300.000 đồng; chị L yêu cầu P bồi thường toàn bộ số tài sản mà chị L khai báo; anh Q yêu cầu P bồi thường số tiền 300.000 đồng và 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung Galaxy J7 Prime; chị L1 và NLC6 không yêu cầu gì; chị H yêu cầu P bồi thường thiệt hại về sợi dây chuyền mà P cướp giật của chị.

Tại Cơ quan điều tra, bị cáo khai nhận tội. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo, nhân chứng khai như đã khai tại Cơ quan điều tra. Chị L, anh Q yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại như tại cơ quan điều tra. Tại cơ quan điều tra, bà H và chị H yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại cho mình.

Tại cáo trạng số 12/CT-VKS ngày 27 tháng 4 năm 2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định truy tố bị cáo Trương Hoài P về tội trộm cắp tài sản và cướp giật tài sản theo khoản 1 Điều 136, khoản 1 Điều 138 của Bộ luật hình sự năm 1999. Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định phân tích lời khai nhận tội của bị cáo tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai của bị hại, nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, có đủ cơ sở xác định bị cáo Trương Hoài P phạm tội trộm cắp tài sản và cướp giật tài sản, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 136, khoản 1 Điều 138, điển p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo P từ 18 đến 24 tháng tù đối với tội trộm cắp tài sản, từ 24 đến 30 tháng tù về tội cướp giật tài sản. Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chị Lê Thị L, chị Đặng Thị Ngọc H, anh Ngô Anh Q, bà Võ Thị H. Đối với bà Nguyễn Thị Ngọc N và chị Lưu Thị L1 đã nhận lại tài sản và không có yêu cầu gì nên không xem xét.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo xin Tòa án cho bị cáo cơ hội cuối cùng để bị cáo sớm về nuôi con và khắc phục hậu quả cho người bị hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Tuy Phước, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phước và Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo P và bị hại không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Xét lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người bị hại là, lợi dụng sơ hở của các bị hại, bị cáo đã thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản gồm: Vụ thứ nhất vào khoảng 03 giờ ngày 01 tháng 5 năm 2017, bị cáo trộm của bà Võ Thị H 01 điện thoại di động cùng nhãn hiệu Samsung Galaxy grand Prime R530 có giá trị thành tiền là 700.000 đồng, 01 điện thoại di động cùng nhãn hiệu Samsung Galaxy grand Prime R530 có giá trị thành tiền là 500.000 đồng và 1.300.000 đồng tiền mặt. Vụ thứ hai khoảng 01 giờ ngày 17 tháng 9 năm 2017, bị cáo trộm của chị Lê Thị L 01 di động điện thoại nhãn hiệu Oppo F3Plus có giá trị thành tiền là 8.200.000 đồng; 01 ốp lưng điện thoại di động Oppo F3Plus có giá trị thành tiền là 30.000 đồng; 01 máy tính bảng nhãn hiệu Mobell Tab8 có giá trị thành tiền là 800.000 đồng; 01 túi xách bằng da, loại nữ, màu nâu có giá trị thành tiền là 50.000 đồng; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 5S, màu vàng đã mua và sử dụng từ tháng 7 tháng 2015 có giá trị thành tiền là 2.500.000 đồng. Vụ thứ 3 vào khoảng 02 giờ ngày 21 tháng 9 năm 2017, bị cáo trộm của anh Ngô Anh Q 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung galaxy J7 Prime có giá trị thành tiền là 4.000.000 đồng và 300.000 đồng tiền mặt. Vụ thứ 4 vào khoảng 02 giờ ngày 25 tháng 9 năm 2017, bị cáo trộm của chị Lưu Thị L1 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo R7 sf có giá trị thành tiền là 3.500.000 đồng. Vụ thứ 5 vào khoảng 02 giờ ngày 28 tháng 9 năm 2017, bị cáo trộm của bà Nguyễn Thị Ngọc N 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung Galaxy J7 có giá trị thành tiền là 2.500.000 đồng và 01 điện thoại di động nhãn hiệu FPT S456, màu trắng có giá trị thành tiền là 500.000 đồng. Tổng giá trị tài sản bị cáo trộm cắp của các bị hại là 24.880.000 đồng. Hành vi này đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của các bị hại là khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ. Tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có khả năng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hậu quả của hành vi đó sẽ xâm phạm đến tài sản của người khác. Nhận thức được vậy, nhưng vì lười lao động lại muốn có tiền để phục vụ nhu cầu bản thân nên bị cáo vẫn thực hiện hành vi phạm tội nên hành vi của bị cáo đã phạm vào tội trộm cắp tài sản.

[3] Sau khi lấy trộm hai chiếc điện thoại của bà N, bị cáo P ra phòng khách thấy chị Đặng Thị Ngọc H là con của bà N đang nằm ngủ có đeo 01 sợi dây chuyền vàng trên cổ nên P lén lút tháo sợi dây chuyền của chị H nhưng chị H phát hiện và nắm lại được đầu sợi dây chuyền. Bị cáo tiếp tục giật sợi dây chuyền và bỏ chạy. Mặc dù hành vi ban đầu của bị cáo P là trộm cắp sợi dây chuyền của chị H nhưng khi chị H phát hiện chụp lại được thì với ý thức chiếm đoạt cho được sợi dây chuyền, bị cáo tiếp tục giật sợi dây chuyền từ tay chị H và bỏ chạy. Theo kết luận định giá tài sản, sợi giây chuyền của chị H có giá trị thành tiền là 4.700.000 đồng. Như vậy hành vi của bị cáo đã phạm vào tội cướp giật tài sản.

[4] Căn cứ Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/QH13 thì hành vi của Trương Hoài P xảy ra trước 00 giờ ngày 01 tháng 01 năm 2018 (thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành) nhưng tội trộm cắp tài sản và cướp giật tại sản qui định tại khoản 1 Điều 138, khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999 có mức hình phạt tương ứng so với mức hình phạt quy định các tội danh tương ứng của Bộ luật Hình sự năm 2015. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phước truy tố bị cáo P theo khoản 1 Điều 138, khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[5] Bị cáo Trương Hoài P đã từng bị kết án 06 tháng tù về tội trộm cắp tài sản theo Bản án hình sự phúc thẩm số 73/2016/HSST ngày 23 tháng 5 năm 2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định. Bị cáo chấp hành xong bản án vào ngày 28 tháng 12 năm 2016, bị cáo chưa được xóa án tích nhưng 05 lần trộm cắp tài sản của các bị hại nên hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần và tái phạm theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Tuy ngày 14 tháng 9 năm 2017, bị cáo P bị Tòa án nhân dân huyện Tuy Phước xử phạt 09 tháng tù nhưng bản án chưa có hiệu lực thì bị cáo tiếp tục phạm tội nên không được xem là tái phạm nguy hiểm. Lẽ ra sau khi bị xét xử vào ngày 14 tháng 9 năm 2017 bị cáo phải biết ăn năn hối cải, nhưng rõ ràng bị cáo hoàn toàn không có ý định sửa chữa, khắc phục sai phạm trước mà ngược lại còn tiếp tục phạm tội sau, thể hiện tính chất nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng hơn của tội phạm. Cho nên cần phải xử phạt nghiêm lần phạm tội này, đồng thời tổng hợp với hình phạt chưa chấp hành của bản án trước, buộc bị cáo cách ly khỏi xã hội để có thời gian cải tạo, giáo dục bị cáo thành công dân có ích và phòng ngừa chung trong xã hội.

Tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình, đây là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự, nên có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

[6] Đối với hành vi đăng tải hình ảnh và những đoạn video clip nhạy cảm của chị Lưu Thị L1 lên mạng xã hội để uy hiếp tinh thần của chị L1, buộc chị đưa cho bị cáo 5.000.000 đồng. Tuy nhiên, việc uy hiếp tinh thần của bị cáo P xảy ra trong thời gian ngắn, chưa gây thiệt hại về mặt danh dự, uy tín cửa chủ tài sản và chị L1 đã có đơn bãi nại không yêu ầu xử lý đối với P về hành vi sử dụng mạng xã hội để đăng tải những đoạn video clip nhạy cảm của chị lên mạng xã hội. Do vậy, hành vi của Trương Hoài P chưa đến mức phải xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản nên Viện kiểm sát không truy tố hành vi phạm tội của bị cáo là có căn cứ.

[7] Đối với chị Bùi Thị Thanh Mừng, khi bị cáo P cho chị chiếc điện thoại di động mà bị cáo trộm của chị L1, chị Mừng không biết chiếc điện thoại di dộng trên là do P trộm cắp mà có nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với chị Mừng về tội “ Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ. Đối với ông Dương Đức S và ông Nguyễn H trình bày không xác định được là có mua tài sản gì từ bị cáo P hay không nên Cơ quan điều tra không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Sơn và ông Hạc về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là đúng quy định pháp luật.

[8] Trong quá trình điều tra, chị Lê Thị L khai ngoài số tài sản mà P khai nhận thì chị còn mất 01 sợi dây chuyền vàng 18k trọng lượng 2,2 chỉ; 01 chiếc lách tay vàng 18k trọng lượng 2,3 chỉ; 01 chiếc nhẫn vàng 18k trọng lượng 04 phân 04 li; 01 đôi bông tai vàng 18k trọng lượng 07 phân 07 li; số tiền mặt 560.000 đồng; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Sony E4; 01 cục sạc dự phòng nhãn hiệu LG. Xét thấy, việc mất trộm tại nhà chị L xảy ra vào ngày 17/9/2017 nhưng đến ngày 19/9/2017 chị L phát hiện P đem chiếc điện thoại Oppo F3 Plus giống điện thoại của mình đi bán thì chị L mới báo cáo Cơ quan điều tra; hơn nữa, chị L cũng không có hóa đơn, chứng từ để xác định nguồn gốc tài sản nên không có căn cứ xác định P đã trộm cắp số tài sản nói trên.

[9] Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Điều của Bộ luật hình sự năm 1999, Điều 589 Bộ luật dân sự, Hội đồng xem xét giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo như sau:

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà Võ Thị H: Bà H yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại với số tiền 5.300.000 đồng. Tuy nhiên theo kết luận định giá tài sản thì 02 chiếc điện thoại bị cáo trộm của bà H có giá trị thành tiền là 1.200.000 đồng và 1.300.000 đồng tiền mặt, tổng giá trị thiệt hại của bà H là 2.500.000 đồng nên chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của bà H, buộc bị cáo bồi thường cho bà H số tiền 2.500.000 đồng do tài sản bị xâm phạm.

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của chị Lê Thị L: Chị Lê Thị L yêu cầu bị cáo bồi thưởng toàn bộ thiệt hại mà chị khai báo gồm: 01 sợi dây chuyền vàng 18k trọng lượng 2,2 chỉ; 01 chiếc lách tay vàng 18k trọng lượng 2,3 chỉ; 01 chiếc nhẫn vàng 18k trọng lượng 04 phân 04 li; 01 đôi bông tai vàng 18k trọng lượng 07 phân 07 li; số tiền mặt 560.000 đồng; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Sony E4; 01 cục sạc dự phòng nhãn hiệu LG, 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo F3 Plus; ốp lưng bằng cao su mềm; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 5S; 01 máy tính bảng nhãn hiệu Mobell Tab8, màu bạc và 01 túi xách nữ. Quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra đã trả cho chị L 01 điện thoại di động nhãn hiệu Oppo F3 Plus, 01 máy tính bảng nhãn hiệu Mobell Tab 8 nhưng không còn khả năng sử dụng sau khi bị cáo trộm cắp. Xét thấy theo như phân tích tại mục [2], bị cáo chỉ trộm của chị L 01 di động điện thoại nhãn hiệu Oppo F3Plus có giá trị thành tiền là 8.200.000 đồng; 01 ốp lưng điện thoại di động Oppo F3Plus có giá trị thành tiền là 30.000 đồng; 01 máy tính bảng nhãn hiệu Mobell Tab8 có giá trị thành tiền là 800.000 đồng; 01 túi xách bằng da, loại nữ, màu nâu có giá trị thành tiền là 50.000 đồng; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 5S, màu vàng đã mua và sử dụng từ tháng 7 năm 2015 có giá trị thành tiền là 2.500.000 đồng. Tổng giá trị trộm cắp của chị L là 11.580.000 đồng nên chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của chị L, buộc bị cáo bồi thường cho chị L số tiền 11.580.000 đồng do tài sản bị xâm phạm.

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của anh Ngô Anh Q yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền 300.000 đồng và 01 điện thoại di động nhãn hiệu Samsung Galaxy J7 Prime. Tuy cơ quan cảnh sát điều tra đã trả lại điện thoại cho anh Q nhưng tài sản không còn khả năng sử dụng nên cần buộc bị cáo bồi thường cho anh Q số tiền 4.300.000 đồng trong đó bao gồm 4.000.000 đồng giá trị thành tiền của chiếc điện thoại và 300.000 đồng tiền mặt bị cáo đã trộm của anh Q.

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của của chị Đặng Thị Ngọc H yêu cầu bồi thường sợi dây chuyền bị bị cáo cướp giật cần buộc bị cáo bồi thường cho chị H giá trị tài sản theo giá tại kết luận định giá là 4.700.000 đồng.

Chị Lưu Thị L1, bà Nguyễn Thị Ngọc N không yêu cầu bồi thường nên Hội đồng xét xử không xét.

[10] Về vật chứng: Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định xử lý vật chứng trả tất cả các vật chứng cho các bị hại nên không còn để xét.

[11] Những chứng cứ mà Kiểm sát viên dùng để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo đã được cơ quan điều tra thu thập theo đúng thủ tục, trình tự mà Bộ luật tố tụng hình sự quy định; các tình tiết giảm nhẹ và mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử.

[12] Về án phí: Theo quy định tại Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 23, 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về án phí và lệ phí Tòa án bị cáo Trương Hoài P phải chịu 200.000 đ tiền án phí hình sự sơ thẩm và 18.380.000 đồng x 5% = 919.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 136, khoản 1 Điều 138, Điều 42, điểm p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48, điểm a khoản 1 Điều 50, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 1999; khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 589 của Bộ luật dân sự; Điều 23 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Tuyên bố bị cáo Trương Hoài P phạm tội “Trộm cắp tài sản” và “Cướp giật tài sản”.

Xử phạt bị cáo Trương Hoài P 18 tháng (mười tám tháng) tù về tội trộm cắp tài sản; 18 tháng (mười tám tháng) tù về tội cướp giật tài sản. Tổng hợp với hình phạt 09 tháng tù chưa chấp hành tại Bản án số 33/2017/HSPT ngày 14 tháng 9 năm 2017 của TAND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 03 năm 09 tháng (ba năm chín tháng) tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị tạm giữ là ngày 05 tháng 10 năm 2017.

Buộc bị cáo Trương Hoài P bồi thường cho bà Võ Thị H 2.500.000 đồng (hai triệu năm trăm nghìn đồng).

Buộc bị cáo Trương Hoài P bồi thường cho chị Lê Thị L số tiền 11.580.000 đồng (Mười một triệu năm trăm tám mươi nghìn đồng).

Buộc bị cáo Trương Hoài P bồi thường cho anh Ngô Anh Q số tiền 4.300.000 đồng (bốn triệu ba trăm nghìn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền gốc còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự.

Áp dụng Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 23, 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về án phí và lệ phí Tòa án: Buộc bị cáo Trương Hoài P phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm và 919.000 đồng (Chín trăm mười chín nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án ,quyền yêu cầu thi hành án,tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

438
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 14/2018/HSST ngày 19/07/2018 về tội trộm cắp tài sản và cướp giật tài sản

Số hiệu:14/2018/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tuy Phước - Bình Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về