TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 139/2018/DS-PT NGÀY 26/10/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 26 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số: 100/2018/TLPT-DS ngày 16/8/2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Do bản án dân sự sơ thẩm số: 12/2018/DSST ngày 04/07/2018 của Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar bị kháng cáo, kháng nghị. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 152/2018/QĐ-PT ngày 04/10/2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 159/2018/QĐ-PT ngày 17/10/2018, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Thùy T, sinh năm 1971; Trú tại: Số X, Buôn S xã C, huyện C, tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).
2. Bị đơn: Ông Trịnh Văn S, sinh năm 1962 và bà Võ Thị Kim L, sinh năm 1972; Trú tại: Số O, Thôn Z, thị trấn E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk (Đều có mặt).
- Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Nguyễn Thị Ánh N, sinh năm 1957; Trú tại: Số O, Thôn Z, thị trấn E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk (Vắng mặt).
3. Người làm chứng: Bà Hoàng Thị H, sinh năm 1981; địa chỉ: Đường N, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).
4. Người kháng cáo: Ông Trịnh Văn S, bà Võ Thị Kim L là bị đơn trong vụ án.
5. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư M’gar kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thùy T trình bày:
Bà và vợ chồng ông Trịnh Văn S, bà Võ Thị Kim L có mối quan hệ quen biết ngoài xã hội. Trước đây bà cũng đã nhiều lần cho vợ chồng ông S vay tiền nhưng đều trả đầy đủ, cho nên trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến đầu năm 2018 bà tiếp tục cho vợ chồng ông S vay tổng số tiền là 1.721.990.000 đồng; cụ thể các khoản vay như sau:
- Ngày 02/9/2017 ông S vay 15.000.000 đồng;
- Ngày 06/12/2017 ông S, bà L vay 275.000.000 đồng;
- Ngày 10/12/2017 ông S vay 10.000.000 đồng;
- Ngày 11/12/2017 ông S, bà L vay 650.000.000 đồng;
- Ngày 18/12/2017 ông S, bà L vay 347.000.000 đồng;
- Ngày 30/12/2017 ông S, bà L vay 410.000.000 đồng;
- Ngày 10/01/2018 ông S, bà L vay 14.990.000 đồng.
Đối với các khoản vay vào ngày 02/9/2017, 10/12/2017 thì chỉ có một mình ông S vay, khi vay tiền ông S viết giấy vay và ký xác nhận. Khoản vay ngày 10/01/2018 thì có cả vợ chồng ông S, bà L vay, tuy nhiên chỉ có mình ông S là người viết giấy vay, còn bà L là người trực tiếp nhận tiền.
Đối với khoản vay vào các ngày 06, 11, 18, 30/12/2017 thì cả hai vợ chồng ông S, bà L đến nhà vay tiền, bà L là người viết giấy vay và ký xác nhận, ông S có đi cùng bà L nhưng không ký giấy vay. Vì do tin tưởng nên bà đã không yêu cầu ông S cùng ký giấy vay.
Khi vay thì hai bên thỏa thuận miệng lãi suất 2.000đồng/1 triệu/1 ngày, thời hạn vay là 01 tháng kể từ ngày vay. Mục đích vay thì ông S, bà L cho biết là vay để cho người khác vay lại để đáo hạn Ngân hàng, lấy khoản tiền dư chênh lệch chi tiêu chung trong gia đình và trả nợ lãi Ngân hàng.
Tính đến thời điểm này ông S, bà L đã trả được tổng cộng 115.000.000 đồng tiền lãi, cụ thể là trả 100.000.000 đồng vào ngày 23/3/2018 (do ông S trả) và 15.000.000 đồng vào ngày 31/3/2018 (do bà L trả); tuy nhiên hai bên chưa thỏa thuận trả lãi cho khoản nào. Khi vay thì ông S, bà L không thế chấp tài sản gì. Đến hạn trả nợ nhưng ông S, bà L cố tình lẫn tránh không chịu trả nợ, do đó, bà khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc vợ chồng ông S, bà L có nghĩa vụ trả cho bà số tiền 1.721.990.000 đồng tiền gốc và tiền lãi suất theo quy định của pháp luật.
Quá trình tham gia tố tụng bị đơn bà Võ Thị Kim L trình bày:
Vợ chồng bà với bà Nguyễn Thị Thùy T có quan hệ quen biết từ lâu nên trong khoảng thời gian năm 2017 và 2018 bà có vay của bà T 04 lần với tổng số tiền 1.682.000.000 đồng, cụ thể:
- Ngày 06/12/2017 vay số tiền 275.000.000 đồng;
- Ngày 11/12/2017 vay số tiền 650.000.000 đồng;
- Ngày 18/12/2017 vay số tiền 347.000.000 đồng;
- Ngày 30/12/2017 vay số tiền 410.000.000 đồng.
Những lần vay trên thì chỉ có mình bà đến nhà bà T vay tiền, khi vay có viết giấy vay tiền và ký nhận, hai bên có thỏa thuận miệng lãi suất 2.000đồng/1 triệu/ 1 ngày, thời hạn trả trong vòng 01 tháng kể từ ngày vay, mục đích vay là để cho người khác vay lại để kiếm tiền lãi chênh lệch (2.500đ/ 1 triệu/ 1 ngày), cụ thể bà đã cho ông Y D, ông A, bà H’K, bà Triệu Thị N vay lại, số tiền lãi chênh lệch thu được bà dùng để chi tiêu sinh hoạt cho cả gia đình. Khi vay tiền của bà T thì bà không thế chấp tài sản gì và chỉ có một mình bà đứng ra vay và ký xác nhận, không liên quan đến ông S (là chồng bà). Quá trình thực hiện nghĩa vụ trả nợ bà đã trả cho bà T tổng số tiền 115.000.000 đồng tiền gốc; bà T khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà trả 1.721.990.000 đồng thì bà không đồng ý, bởi lẽ đối với khoản vay 39.990.000 đồng vào các ngày 02/9/2017, 10/12/2017, 10/01/2018 thì ông S là người vay, mục đích ông S vay số tiền này để làm gì thì bà không biết, còn bà xác định bà chỉ còn nợ của bà T số tiền 1.567.000.000 đồng.
Quá trình tham gia tố tụng bị đơn ông Trịnh Văn S trình bày: Ông thống nhất với ý kiến bà L; ông xác định ông chỉ vay của bà T 39.990.000 đồng vào các ngày 02/9/2017, 10/12/2017, 10/01/2018, mục đích vay là để tiêu xài cá nhân; khi vay hai bên thỏa thuận lãi suất là 2.000đ/1 triệu/ 1 ngày, thời hạn trả thì không thỏa thuận với nhau. Đối với khoản vay còn lại mà bà L vay thì ông không biết và bà L cũng không nói cho ông biết, do đó ông không liên quan gì đến khoản vay mà bà L đã vay của bà T. Nay bà T khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông trả số tiền 1.721.990.000 đồng tiền gốc thì ông không đồng ý, ông chỉ chấp nhận trả khoản vay 39.990.000 đồng mà ông đã vay của bà T.
Theo lời khai của người làm chứng bà Hoàng Thị H trình bày: Bà là người làm công trong gia đình bà T, công việc của bà là bán hàng và đi thu hồi nợ giúp bà T. Vào ngày 31/3/2018 bà T có nhờ bà xuống nhà ông S, bà L để lấy tiền lãi giúp bà T nên sau đó bà đã đến lấy 15.000.000 đồng tiền lãi cho bà T, ngoài ra bà không biết gì khác.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018/DSST ngày 04/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar đã quyết định:
- Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 144, Điều 147, khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Áp dụng Điều 280; Điều 463; Điều 466; Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
- Áp dụng Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình.
- Áp dụng khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về việc mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thùy T.
Buộc bà Võ Thị Kim L và ông Trịnh Văn S phải trả cho bà Nguyễn Thị Thùy T số tiền là 1.876.347.500 đồng (Trong đó nợ gốc là 1.721.990.000đ, nợ lãi là 154.357.500 đồng).
Áp dụng khoản 2 Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015 tính lãi suất trong giai đoạn Thi hành án khi người được thi hành án có đơn yêu cầu.
Về án phí dân sự sơ thẩm:
- Hoàn trả lại cho bà Nguyễn Thị Thùy T khoản tiền tạm ứng án phí đã nộp là 37.570.000 đồng theo biên lai thu số AA/2017/0002127 ngày 13/4/2018 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Đắk Lắk
- Bà Võ Thị Kim L, ông Trịnh Văn S phải chịu 68.290.500 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo, về trình tự thủ tục thi hành án dân sự cho các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 09/7/2018 bị đơn ông Trịnh Văn S, bà Võ Thị Kim L kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 19/7/2018 Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư M’gar kháng nghị bản án sơ thẩm số 12/2018/DSST ngày 04/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk có ý kiến như sau:
- Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án.
- Về nội dung:
Đối với khoản vay ngày 02/9/2017, 10/12/2017, 10/01/2018 ông S viết giấy vay bà T tổng số tiền 39.990.000đ thì ông S thừa nhận một mình ông vay và ký vào giấy vay, mục đích vay là để tiêu dùng cá nhân, bà L không biết khoảng vay trên; nhưng cấp sơ thẩm buộc ông S, bà L phải liên đới trả số tiền trên cho bà T là không đúng.
Đối với các khoản vay vào ngày 06, 11, 18, 30/12/2017: Bà T cho rằng các khoản vay trên là ông S bà L vay để cho người khác vay lại nhằm mục đích đáo hạn Ngân hàng. Bà L thừa nhận các khoản vay này mục đích cho người khác vay lại kiếm tiền lãi chênh lệch, số tiền thu được để chi tiêu sinh hoạt cá nhân. Bà L xác định chỉ một mình bà vay của bà T, ông S không biết và ông S cũng xác định là không biết khoản vay trên. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định khoản tiền lời có được từ việc dùng để chi tiêu sinh hoạt trong cuộc sống gia đình nên buộc ông S bà L có trách nhiệm liên đới trả khoản vay trên là chưa đủ căn cứ. Bởi lẽ: Tòa cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, chưa làm rõ số tiền bà L vay của bà T cho người khác vay lại hiện bà đã lấy lại chưa, có lấy tiền lãi từ việc vay để chi tiêu vào sinh hoạt gia đình không? Chi tiêu những gì? Nguồn thu nhập của gia đình từ đâu? Bà L có làm nghề cho vay hoặc đáo hạn không.
Về số tiền 115.000.000 đồng bà L đã trả thì bà T cho rằng ông S, bà L trả số tiền trên là trả tiền lãi suất, tuy nhiên bà L cho rằng đây là số tiền bà trả tiền gốc nên bà T mới ghi tờ giấy riêng. Khi trả hai bên có ghi giấy trả tiền, nhưng không ghi rõ trả tiền lãi hay tiền gốc. Do đó, Tòa cấp sơ thẩm xác định số tiền 115.000.000 đồng bà L đã trả tiền lãi là chưa đủ căn cứ.
Về biện pháp khẩn cấp tạm thời: Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tuy nhiên không nêu rõ trong Bản án là vi phạm điểm c khoản 2 Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Đồng thời, Quyết định trên gây khó khăn cho công tác thi hành án vì ông S bà L thế chấp tài sản trên tại Ngân hàng TMCP Q trong thời hạn 05 năm; mặt khác Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các tài sản đang thế chấp là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng và không đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng là vi phạm khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Từ những phân tích trên, xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá chứng cứ chưa khách quan, toàn diện và chính xác. Xác định thiếu người tham gia tố tụng, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các đương sự. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Mgar – Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của ông Trịnh Văn S, bà Võ Thị Kim L được nộp trong thời hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên hợp lệ và đã được Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm là phù hợp.
[2] Về nội dung:
[2.1] Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thùy T cho rằng bà đã cho vợ chồng ông Trịnh Văn S, bà Võ Thị Kim L vay 07 lần với tổng số tiền 1.721.990.000 đồng. Trong đó một mình ông S đi vay 02 lần với tổng số tiền 25.000.000 đồng, vợ chồng ông S cùng vay 05 lần với tổng số tiền 1.696.990.000 đồng. Đối với bị đơn bà Võ Thị Kim L cho rằng một mình bà vay tổng số tiền 1.682.000.000 đồng vào các ngày 06, 11, 18, 30/12/2017 và ký tên xác nhận, không liên quan đến chồng bà, còn khoản vay còn lại là khoản vay riêng của ông S, bà không được biết và ông S cũng không mang tiền về để phục vụ gia đình. Bị đơn ông Trịnh Văn S thì không thừa nhận khoản vay 1.682.000.000 đồng mà bà L đã vay của bà T, việc vay mượn giữa bà L với bà T thì ông không được biết, ông cũng không ký xác nhận vào các khoản vay trên; đối với khoản vay 39.990.000 đồng vào các ngày 02/9/2017, 10/12/2017, 10/01/2018 thì ông thừa nhận là ông vay của bà T để tiêu xài cá nhân, do đó không liên quan đến vợ ông là bà L, việc ông có trả tiền nợ cho bà T là do bà L nhờ trả dùm chứ ông không liên quan.
Xét thấy: Tại giấy viết tay do nguyên đơn cung cấp thể hiện các khoản vay vào các ngày 06/12/2017, 11/12/2017, 18/12/2017, 30/12/2017 có nội dung là “Vợ chồng LS vay tiền”, người viết nội dung và ký xác nhận đối với các khoản vay trên là do bà L viết và ký xác nhận, còn các khoản vay còn lại do một mình ông S vay thì ghi nội dung “Anh SL mượn…”. Hơn nữa, mục đích vay các khoản tiền trên bà L đều thừa nhận là cho người khác vay lại để kiếm tiền lãi chênh lệch, bà cũng thừa nhận tiền lãi chênh lệch kiếm được đều nhằm chi tiêu cho cuộc sống chung của gia đình bà, điều đó thể hiện việc vay tiền không vì mục đích chi tiêu riêng cho bản thân bà L, rõ ràng ông S cũng được hưởng lợi đối với số tiền này. Hơn nữa tại phiên tòa phúc thẩm, ông S thừa nhận đã có lần trả cho bà T hơn 100.000.000đồng. Do vậy, việc ông S cho rằng ông không biết số tiền bà L vay của bà T là không có căn cứ. Ngoài ra, việc vay tiền giữa các bên trước đây cũng đã diễn ra rất nhiều lần và vợ chồng ông S cùng vay và cùng trả đầy đủ cho bà T, còn 07 đợt vay tiền lần này ông S, bà L thay nhau đi vay của bà T một cách liên tục, điều đó chứng tỏ việc vay mượn giữa ông S bà L là có sự đồng thuận giữa các bên với nhau. Vì vậy, cấp sơ thẩm buộc cả hai vợ chồng ông S, bà L phải liên đới trả khoản nợ trên là có căn cứ.
Tuy nhiên đối với số tiền 39.990.000 đồng mà ông S vay của bà T vào các ngày 02/9/2017, 10/12/2017, 10/01/2018 thì bà T cho rằng các khoản vay vào ngày 02/9/2017, 10/12/2017 chỉ có ông S là người trực tiếp đến vay, còn khoản vay vào ngày 10/01/2018 thì vợ chồng ông S đến vay chung, nhưng khoản vay nêu trên ông S là người viết và ký xác nhận, ông S cũng thừa nhận vay với mục đích để tiêu xài cá nhân. Như vậy, việc vay mượn trên của ông S không nhằm vào mục đích chung cho gia đình và bà L cũng không thừa nhận, do đó đây là khoản tiền vay riêng của ông S. Nhưng cấp sơ thẩm buộc bà L phải liên đới trả số tiền 39.990.000 đồng tiền gốc và tiền lãi phát sinh là không phù hợp, cần sửa bản án sơ thẩm buộc ông S phải trả cho bà T số tiền 39.990.000 đồng tiền gốc và tiền lãi phát sinh theo quy định.
Đối với số tiền 115.000.000 đồng bà L đã trả vào các ngày 23/3/2018, 31/3/2018 thì bà T cho rằng đây là số tiền mà ông S bà L trả tiền lãi suất, tuy nhiên tại giấy viết tay ghi các khoản vay mượn có ghi “23/3/2018 T xuống lấy 100.000.000 đồng; 31/3/2018 H xuống lấy 15.000.000 đồng”, đây là khoản tiền được bà T ghi mục riêng, không nằm trong các khoản mà bà L, ông S đã vay. Đồng thời, khi nhận tiền bà T, bà H có viết tờ giấy riêng về việc nhận số tiền 100.000.000 đồng “là tiền nợ” và 15.000.000 đồng; mặc dù hai nội dung trên không thể hiện đây là số tiền mà bà L, ông S trả lãi hay trả gốc nhưng việc viết giấy tờ riêng như vậy là để cho ông S, bà L có cơ sở về việc đã trả cho bà T tổng số tiền 115.000.000 đồng và đồng nghĩa với việc bà T đã thừa nhận số tiền trên ông S, bà L đã trả tiền gốc, bà T cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh về việc ông S, bà L trả số tiền trên là tiền lãi. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm nhận định số tiền trên bà L ông S đã trả tiền lãi là không có căn cứ.
[2.2] Về lãi suất:
Nguyên đơn, bị đơn không có kháng cáo về lãi suất, tuy nhiên việc buộc bà L phải liên đới chịu lãi suất đối với số tiền 39.990.000 đồng mà ông S đã vay của bà T là không đúng, cần sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc ông S phải chịu 5.965.481 đồng tiền lãi phát sinh đối với số tiền 39.990.000 đồng cho các khoản vay vào ngày 02/9/2017, 10/12/2017, 10/01/2018 (Lãi suất được tính theo như Bản án sơ thẩm đã nhận định); bà L không phải liên đới chịu số tiền lãi phát sinh nêu trên.
Đối với các khoản vay vào các ngày 06/12/2017, 11/12/2017, 18/12/2017, 30/12/2017 thì lãi suất được tính theo như Bản án sơ thẩm đã nhận định. Tổng số tiền lãi suất phát sinh đối với các khoản vay trên buộc ông S bà L phải trả là 263.391.988 đồng.
[3] Về biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Ngày 11/05/2018 nguyên đơn có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác minh, thu thập thông tin tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện C và xác định các tài sản của bị đơn đang được thế chấp tại Ngân hàng Q, các tài sản cụ thể như sau:
- Thửa đất số 73, tờ bản đồ số 01, diện tích 1700m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W 837497 cấp ngày 25/12/2002, đất tại thị trấn E;
- Thửa đất số 103, tờ bản đồ số 02, diện tích 6970m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 666704 cấp ngày 01/02/2018, đất tại xã C;
- Thửa đất số 101, tờ bản đồ số 02, diện tích 2060 m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 666703 cấp ngày 01/02/2018, đất tại xã C;
- Thửa đất số 104, tờ bản đồ số 02, diện tích 5000m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG 874962 cấp ngày 03/10/2006 đất tại xã C.
Qua xem xét đơn yêu cầu của nguyên đơn và các thông tin thu thập được thì cấp sơ thẩm đã Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 13/2018/QĐ- BPKCTT; xét thấy: Bị đơn ông Trịnh Văn S, bà Võ Thị Kim L xác lập Hợp đồng vay vốn Ngân hàng TMCP Q vào ngày 20/03/2017 và khi vay bị đơn ông S, bà L có thế chấp các tài sản nêu trên, do đó việc vay mượn giữa ông S, bà L với bà T là phát sinh sau khi ông S, bà L thế chấp tài sản tại Ngân hàng. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm ban hành Quyết định khẩn cấp tạm thời với nội dung cấm vợ chồng ông S, bà L thực hiện hành vi giao dịch dân sự đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W 837497 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 666704 sau khi được xóa thế chấp là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng; vì thế Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là có cơ sở. Mặt khác, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã tiến hành lấy lời khai của đại diện Ngân hàng Q thì Ngân hàng không có ý kiến gì và cho rằng không liên quan nên không tham gia trong vụ án. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 13/2018/QĐ- BPKCTT là có căn cứ và bị đơn cũng không có khiếu nại gì trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm không nhận định trong Bản án là vi phạm điểm c khoản 2 Điều 266 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Nhưng đối với vi phạm trên thì có thể khắc phục được, do đó Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
Từ phân tích nhận định trên, cần chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bị đơn và một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Mgar, sửa một phần bản án sơ thẩm số 12/2018/DSST ngày 04/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện Cư Mgar theo hướng: Buộc ông Trịnh Văn S, bà Võ Thị Kim L phải có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị Thùy T số tiền gốc 1.567.000.000 đồng (đã được khấu trừ số tiền 115.000.000 đồng mà ông S, bà L đã trả cho bà T) và 263.391.988 đồng tiền lãi suất phát sinh. Buộc ông Trịnh Văn S phải trả cho bà Nguyễn Thị Thùy T số tiền gốc 39.990.000 đồng và tiền lãi 5.965.481 đồng.
[3] - Về án phí dân sự sơ thẩm: Do chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Bị đơn ông Trịnh Văn S, bà Võ Thị Kim L phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền 1.830.391.988 đồng (trong đó nợ gốc 1.567.000.000 đồng và nợ lãi 263.391.988 đồng), cụ thể: 36.000.000đ + 3%x(1.830.391.988đ – 800.000.000đ) = 66.911.759,64 đồng (làm tròn: 66.911.760 đồng)
Bị đơn ông Trịnh Văn S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền 45.955.481 đồng (trong đó: nợ gốc 39.990.000 đồng, nợ lãi 5.965.481 đồng), cụ thể: 5% x 45.955.481 đ = 2.297.774,05 đồng (làm tròn: 2.297.774 đồng)
- Về án phí dân sự phúc thẩm: Do được chấp nhận một phần kháng cáo nên bị đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghịcó hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Áp dụng Điều 280; Điều 463; Điều 466; Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình; Điều 26; Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về việc mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[1] Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn ông Trịnh Văn S, bà Võ Thị Kim L và một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk.
- Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 12/2018/DSST ngày 04/7/2018 của Tòa án nhân dân huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.
[2] Tuyên xử:
[2.1] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thùy T.
Buộc ông Trịnh Văn S, bà Võ Thị Kim L phải có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị Thùy T số tiền gốc 1.567.000.000 đồng (đã được khấu trừ số tiền 115.000.000 đồng mà bà L đã trả cho bà T) và 263.391.988 đồng tiền lãi suất phát sinh.
Buộc ông Trịnh Văn S phải trả cho bà Nguyễn Thị Thùy T số tiền gốc 39.990.000 đồng và tiền lãi 5.965.481 đồng, bà L không có nghĩa vụ liên đới trả cho bà T đối với số tiền 39.990.000 đồng.
Áp dụng khoản 2 Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015 để tính lãi suất trong giai đoạn thi hành án khi người được thi hành án có đơn yêu cầu.
[2.2] Về án phí:
- Án phí dân sự sơ thẩm: Do chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nên nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Bị đơn ông Trịnh Văn S, bà Võ Thị Kim L phải chịu 66.911.760 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền 1.830.391.988 đồng (trong đó nợ gốc 1.567.000.000 đồng và nợ lãi 263.391.988 đồng).
Bị đơn ông Trịnh Văn S phải chịu 2.297.774 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với số tiền 45.955.481 đồng (trong đó: nợ gốc 39.990.000 đồng, nợ lãi 5.965.481 đồng).
- Án phí dân sự phúc thẩm: Do được chấp nhận một phần kháng cáo nên bị đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
[3] Về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Tiếp tục áp dụng BPKCTT số 13/2018/QĐ-BPKCTT ngày 28/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện Cư Mgar.
[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[5] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30Luật thi hành án dân sự”.
Bản án 139/2018/DS-PT ngày 26/10/2018 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 139/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 26/10/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về