Bản án 132/2018/DS-PT ngày 06/04/2018 yêu cầu bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 132/2018/DS-PT NGÀY 06/04/2018 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGƯỜI LÀM CÔNG GÂY RA

Ngày 06 thang 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 39/2018/TLPT-DS ngày 08 tháng 02 năm 2018 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 150/2017/DS-ST ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 58/2018/QĐPT-DS ngày 22 tháng 02 năm 2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn : Doanh nghiệp tư nhân Lộc D.

Người đại diện hợp pháp: bà Văn Thị Công D, sinh năm 1956 – Chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc D.

Địa chỉ: Khu phố 1, thị trấn G, huyện G, tỉnh Bến Tre.

Người đại diện hợp pháp của bà D: bà Phạm Thị Ngọc T, sinh năm 1976. Địa chỉ: số 499, H, phường 14, quận 5, Thành phố H (Theo văn bản ủy quyền đề ngày 24/11/2016).

Bị đơn : Bà Võ Thị N , sinh năm 1984 .

Địa chỉ: ấp 5, xã B, huyện G, tỉnh Bến Tre.

Người đại diện hợp pháp của bà N: bà Đinh Thị Bé M, sinh năm 1972. Địa chỉ: số 65B7, khu phố 4, phường P, thành phố B, tỉnh Bến Tre (Theo văn bản ủy quyền đề ngày 08/3/2018).

Các đương sự có mặt tại phiên tòa.

Người kháng cáo: bà Văn Thị Công D.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền của nguyên đơn Văn Thị Công D là bà Phạm Thị Ngọc T trình bày:

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Lộc D thành lập năm 2008, do bà Văn Thị Công D làm chủ doanh nghiệp. Từ ngày 01/01/2009, DNTN có ký hợp đồng lao động với bà Võ Thị N, loại hợp đồng lao động 01 năm, công việc bà N phải làm là Kế toán doanh nghiệp từ năm 2009 đến năm 2016, mỗi năm doanh nghiệp đều ký lại hợp đồng với bà N với nội dung trên. Trong quá trình bà N làm kế toán cho doanh nghiệp Lộc D, mọi hoạt động thu thập xử lý các chứng từ trong giao dịch mua bán, thanh toán để ghi chép sổ sách kế toán kinh doanh của doanh nghiệp như: Lập báo cáo, tờ khai thuế, quyết toán thuế đều do bà N thực hiện.

Ngày 28/12/2015, Chi cục thuế huyện G đã ra quyết định xử phạt về thuế đối với DNTN Lộc D. Cụ thể, qua các biên bản kiểm tra doanh thu, chi phí sản xuất kinh doanh và tình hình kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại DNTN Lộc D, cơ quan quản lý thuế đã xác định sai phạm trong các năm 2012, 2013, 2014 trong lĩnh vực thuế, kế toán mà bà N đã thay mặt DNTN Lộc D khai báo.

Ngày 18/5/2016, đội quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế của Chi cục thuế huyện G đã có biên bản làm việc yêu cầu DNTN Lộc D thực hiện việc nộp các khoản sau:

- Thuế GTGT: 1.860.945.143 đồng.

- Phạt khai sai: 324.683.671 đồng.

- Tiền chậm nộp khai sai: 13.474.372 đồng.

- Phạt chậm nộp: 941.679.986 đồng.

Nay DNTN Lộc D yêu cầu bà N có trách nhiệm bồi thường số tiền 2.274.139.415 đồng do trong thời gian bà N làm kế toán tại DNTN Lộc D đã thực hiện sai nghiệp vụ kế toán dẫn đến DNTN Lộc D bị truy thu thuế và bị phạt thuế như trên.

Trong quá trình giải quyết vụ kiện, nguyên đơn có yêu cầu khởi kiện bổ sung yêu cầu bà tiếp tục bồi thường 294.774.269 đồng.

Tại phiên toà bà T trình bày: bà D có yêu cầu xin rút lại yêu cầu khởi kiện bổ sung ngày 25/8/2017 đối với số tiền yêu cầu bà N bồi thường là 294.774.269 đồng. Ngoài ra, căn cứ vào số tiền thực tế DNTN bị phạt thuế là 1.174.442.449 đồng nên bà D có thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện so với trước đây. Hiện tại bà D chỉ yêu cầu bà bồi thường số tiền là 1.174.442.449 đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ kiện, người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn trình bày:

Từ năm 2009 bà Võ Thị N làm kế toán cho DNTN Lộc D. Nhưng đến năm 2012, giữa bà Nga và DNTN Lộc D mới ký hợp đồng lao động với nội dung: Bà N làm công việc kế toán cho doanh nghiệp, nhiệm vụ của bà N là làm báo cáo thuế cho doanh nghiệp, tổng hợp các chứng từ. Bà N không có thu tiền hay nộp tiền giao dịch tại ngân hàng. Việc DNTN Lộc D bị truy thu thuế và phạt thuế là do doanh nghiệp tự gây ra nên phải tự chịu trách nhiệm. Do đó, bà N không đồng ý với yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn.

Do hòa giải không thành, Tòa án nhân dân huyện G đã đưa vụ án ra xét xử. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 150/2017/DS-ST ngày 22 tháng 12 năm 2017 đã tuyên như sau:

Căn cứ vào các Điều 584, 600 của Bộ luật Dân sự; khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 147, khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Doanh nghiệp tư nhân Lộc D do bà Văn Thị Công D làm chủ doanh nghiệp đối với bị đơn bà Võ Thị N về việc tranh chấp: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra”.

Đình chỉ yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn đối với số tiền 294.774.269đ (Hai  trăm chín mươi bốn triệu bảy trăm bảy mươi bốn nghìn hai trăm sáu chín đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 27/12/2017, bà Văn Thị Công D có đơn kháng cáo một phần bản án dân sự sơ thẩm, bà yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm buộc bà Võ Thị N phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp với số tiền là 1.174.442.449đ (Một tỷ một trăm bảy mươi bốn triệu bốn trăm bốn mươi hai ngàn bốn trăm bốn mươi chín đồng).

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phạm Thị Ngọc T là người đại diện theo ủy quyền của bà Văn Thị Công D - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc D rút một phần nội dung kháng cáo của bà D, xin rút yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại số tiền 714.442.449 đồng, chỉ kháng cáo yêu cầu bà Võ Thị N bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp số tiền là 460.000.000đồng (bao gồm tiền phạt chậm nộp, phạt do khai sai).

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bà Võ Thị N không đồng ý kháng cáo của bà Văn Thị Công D - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc D. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo nguyên đơn, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 150/22017/DS-ST ngày 22/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện G.

Quan điểm Viện Kiểm sát:

Về tố tụng: Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tuyên xử theo hướng: Đình chỉ xét xử phúc thẩm phần rút yêu cầu của phía nguyên đơn đối với số tiền yêu cầu bị đơn bồi thường là 714.442.449 đồng; không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn về yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại với số tiền còn lại là 460.000.000 đồng.

Qua nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự, căn cứ vào kết quả tranh tụng. Xét kháng cáo của bà Văn Thị Công D - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc D và đề nghị của Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Phía nguyên đơn là Doanh nghiệp tư nhân Lộc D do bà Văn Thị Công D làm chủ Doanh nghiệp cho rằng: Từ ngày 01/02/2012 đến ngày 31/12/2014 phía bị đơn là bà Võ Thị N làm Kế toán của Doanh nghiệp tư nhân Lộc D, bà N có nhiệm vụ thực hiện việc thu, chi, ghi chép sổ sách, hoá đơn lập chứng từ, báo cáo nộp thuế cho doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bà N để xảy ra sai phạm gây thiệt hại cho Doanh nghiệp với tổng số tiền là 2.568.912.684 đồng. Tại phiên toà sơ thẩm bà T đại diện theo uỷ quyền của bà D chỉ yêu cầu bà N bồi thường tiền phạt vi phạm số tiền là 1.174.442.449 đồng.

[2] Phía bị đơn cho rằng khi ký kết hợp đồng làm việc cho Doanh nghiệp tư nhân Lộc D thì nhiệm vụ của bà N là tổng hợp chứng từ và báo cáo thuế cho doanh nghiệp, bà N không vi phạm theo lời trình bày của nguyên đơn nên không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn.

[3] Xét kháng cáo của bà Văn Thị Lộc D: bà cho rằng theo Công văn 598/CCT-KTT của Chi cục thuế huyện G xác định rõ số thuế giá trị gia tăng khai sai bị truy thu là 1.174.442.449 đồng, vì trong thời gian làm kế toán cho Doanh nghiệp, bà N đã thực hiện không đúng công việc của Kế toán để xảy ra việc DNTN Lộc D bị xử phạt thuế. Tuy nhiên căn cứ vào bản Hợp đồng lao động giữa Doanh nghiệp và bà N được lập ngày 01/01/2009 thì không thể hiện điều khoản cụ thể để ràng buộc trách nhiệm bồi thường của bà N. Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cũng thừa nhận việc Doanh nghiệp bị phạt truy thu thuế cũng do một phần lỗi của Doanh nghiệp nên đã rút một phần yêu cầu khởi kiện, đồng thời tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu kháng cáo, chỉ yêu cầu bà N bồi thường cho Doanh nghiệp với số tiền là 460.000.000đồng.

Tại khoản 3 Điều 55 Luật Kế toán năm 2003 có quy định: “Cá nhân hành nghề Kế toán phải có chứng chỉ hành nghề kế toán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định tại Điều 57 của Luật này và phải có đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán”. Điều 57 Luật Kế toán năm 2003 có quy định về chứng chỉ hành nghề kế toán như sau: “Công dân Việt Nam được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây: Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Luật này; Có chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính, kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán từ năm năm trở lên; đạt kỳ thi tuyển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức”. Tuy nhiên, phía bị đơn cho rằng khi DNTN Lộc D ký kết hợp đồng lao động với bà N thì bà N chỉ có trình độ sơ cấp nên không đủ điều kiện hành nghề kế toán theo quy định nêu trên.

Mặt khác, việc DNTN Lộc D bị xử phạt vi phạm hành chính qua việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế là do doanh nghiệp đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về lĩnh vực thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm tổ chức hoạt hoạt động và kiểm soát bộ máy kế toán, thường xuyên sử dụng thông tin kế toán phục vụ công tác quản trị doanh nghiệp. Nếu DNTN Lộc D không bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về lĩnh vực thuế thì bà N cũng không có hưởng lợi từ các khoản trên.

[4] Tại phiên toà phúc thẩm phía nguyên đơn tự nguyện rút một phần kháng cáo, rút yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại đối với số tiền 714.442.449 đồng, chỉ kháng cáo yêu cầu phía bị đơn bồi thường thiệt hại số tiền còn lại là 460.000.000 đồng, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm, đình chỉ xét xử phúc thẩm về yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với số tiền 714.442.449 đồng. Xét kháng cáo về yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với số tiền còn lại 460.000.000 đồng thấy rằng: việc DNTN Lộc D bị truy thu thuế và phạt thuế là do doanh nghiệp tự gây ra, không phải do lỗi của bà Nga, nên doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm. Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bà Văn Thị Công D - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc D đối với bà Võ Thị N là có căn cứ. Bà D kháng cáo nhưng không có chứng cứ gì để chứng minh tại phiên tòa phúc thẩm, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà D.

[5] Tại thời điểm xét xử sơ thẩm thì bà Văn Thị Công D 61 tuổi (bà D sinh năm 1956) thuộc diện người cao tuổi nên được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng để miễn án phí mà buộc bà D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 47.233.273 đồng (Bốn mươi bảy triệu hai trăm ba mươi ba nghìn hai trăm bảy mươi ba đồng) là không phù hợp. Vì vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa phần án phí dân sự sơ thẩm cho phù hợp.

[6] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận, nên bà Văn Thị Công D - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc D phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000đ (Ba trăm ngàn đồng). Vì bà D thuộc diện người cao tuổi như nêu trên, nên được miễn án phí phúc thẩm.

Đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 150/2017/DS-ST ngày 22/12/2017 của Tòa án nhân dân huyện G.

Chấp nhận xin rút một phần kháng cáo của bà Văn Thị Công D - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc D (về yêu cầu bà Võ Thị N bồi thường thiệt hại số tiền 714.442.449 đồng). Đình chỉ xét xử phúc thẩm yêu cầu khởi kiện của bà Văn Thị Công D - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc D đối với bà Võ Thị N về phần rút yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại số tiền là 714.442.449đ (Bảy trăm mười bốn triệu bốn trăm bốn mươi hai ngàn bốn trăm bốn mươi chín đồng).

Không chấp nhận kháng cáo phần còn lại của bà Văn Thị Công D - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc D (về yêu cầu bà Võ Thị N bồi thường thiệt hại số tiền là 460.000.000 đồng).

Căn cứ vào các Điều 584, 600 của Bộ luật Dân sự; khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 147, khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết 326/2016 UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên xử:

1. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện bổ sung của bà Văn Thị Công D - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc D đối với bà Võ Thị N về phần rút yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền là 294.774.269 đồng (Hai trăm chín mươi bốn triệu bảy trăm bảy mươi bốn nghìn hai trăm sáu chín đồng).

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Văn Thị Công D - Chủ Doanh nghiệp tư nhân Lộc D yêu cầu bà Võ Thị N bồi thường thiệt hại số tiền là 460.000.000đ (Bốn trăm sáu mươi triệu đồng).

3. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Văn Thị Công D được miễn án phí.

Bà Văn Thị Công D - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc D được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 33.741.500 đồng (Ba mươi ba triệu bảy trăm bốn mươi mốt nghìn năm trăm đồng) theo biên lai số 0016871 ngày 02/11/2016 và 7.370.000 đồng (Bảy triệu ba trăm bảy mươi nghìn đồng) theo biên lai số 0011974 ngày 28/8/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G.

4. Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Văn Thị Công D được miễn án phí.

Bà Văn Thị Công D - Chủ doanh nghiệp tư nhân Lộc D được hoàn trả lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000đ (Ba trăm ngàn đồng) theo biên lai thu số 0013816 ngày 27/12/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G.

Trường hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2170
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 132/2018/DS-PT ngày 06/04/2018 yêu cầu bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra

Số hiệu:132/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bến Tre
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 06/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về