Bản án 13/2020/DS-PT ngày 04/06/2020 về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 13/2020/DS-PT NGÀY 04/06/2020 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong ngày 04 tháng 6 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 06/2020/TLPT-DS ngày 13 tháng 01 năm 2020 về việc “Tranh chấp đòi quyền sử dụng đất”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 17/2019/DS-ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 18/2020/QĐPT-DS ngày 09 tháng 3 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Phạm Văn H – sinh năm 1947

2. Bị đơn: Ông Phạm Văn H1 – sinh năm 1960

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Lê Thị N – sinh năm 1955 3.2. Bà Hoàng Thị H2 – sinh năm 1962 Đều trú tại: Thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình (Ông H, bà N có mặt; ông H1, bà H2 vắng mặt và từ chối nhận toàn bộ các văn bản của Tòa án).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

* Nguyên đơn – ông Phạm Văn H trình bày:

Theo bản đồ 299, tờ bản đồ số 5, ông H được quyền sử dụng thửa đất số 309, diện tích 605m2 đất, ông H1 là em ruột ông được sử dụng thửa giáp ranh có số thửa 308, diện tích 475m2. Nguồn gốc hai thửa đất là do bố mẹ ông chia cho hai anh em ông trước khi đo đạc bản bồ 299. Giữa hai thửa đất không có mô mốc, ranh giới. Vợ chồng ông đã xây dựng nhà ở ổn định từ năm 1984. Năm 1991, khi ông H1 xây nhà, vợ chồng ông đồng ý cho vợ chồng ông H1 một phần đất để ông H1 xây nhà, nhưng không nói rõ cho bao nhiêu, không đo đạc, không lập biên bản tặng cho. Ông H1 đã xây nhà, làm sân, mở ngõ đi như hiện nay. Khoảng năm 2000, ông H1 xây thêm nhà máy xát. Năm 2017, ông H1 làm lại sân, lợp mái tôn nhưng không cơi nới, thay đổi diện tích sân, nhà. Năm 2006, khi cán bộ đo đạc đề nghị ông ký xác nhận vào biên bản xác nhận mô mốc, ranh giới của bản đồ đo đạc năm 2006, ông không ký nhận vì diện tích đất của gia đình ông chỉ còn 438,3m2, thiếu 166,7m2. Nguyên nhân gia đình ông thiếu đất là do gia đình ông H1 đã lấn chiếm và chỉ sai mô mốc, ranh giới giữa hai gia đình. Ông đã nói rõ việc gia đình ông thiếu đất cho cán bộ đo đạc năm 2006 nhưng không làm đơn đề nghị giải quyết tranh chấp. Khoảng năm 2017, giữa hai gia đình xảy ra tranh chấp, ông đã gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã Thái Thịnh đề nghị giải quyết. Trong khi đang tranh chấp, ông H1 cố ý xây dựng một bức tường trên đất tranh chấp. Ủy ban nhân dân xã đã nhiều lần hòa giải nhưng không thành nên ông mới khởi kiện tại Tòa án đề nghị Tòa án giải quyết buộc gia đình ông H1 phải trả cho gia đình ông 166,7m2 và buộc ông H1 phải tháo dỡ các tài sản xây dựng trên đất tranh chấp. Sau khi Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ lần thứ hai, ông H xác định trong 166,7m2 đất gia đình ông bị thiếu, có 28,5m2 không phải do gia đình ông H1 lấn chiếm và 11,6m2 gia đình ông đã cho ông H1 xây nhà năm 1991. Do đó, ông H thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu ông H1 phải trả lại gia đình ông diện tích 126,6m2 đất vườn và buộc ông H1 phải tháo dỡ các tài sản xây dựng trên đất tranh chấp gồm tường bao, 01 phần sân, 01 phần mái tôn và 01 phần nhà máy xát.

* Bị đơn – ông Phạm Văn H1 trình bày:

Ông H dựa vào bản đồ 299 và dựng hình thửa đất của vợ chồng ông H năm 1997 để đòi đất của vợ chồng ông là không có căn cứ. Vì bản đồ 299 và dựng hình năm 1997 đều không có chữ ký giáp ranh, không thể hiện rõ số đo, đo bằng dây kéo tay nên số liệu không chính xác. Ngay tại dựng hình thửa đất của ông H năm 1997 có 5 cạnh nhưng chỉ có số đo 4 cạnh. Đối với diện tích đất tranh chấp giữa vợ chồng ông và vợ chồng ông H đã được vợ chồng ông xây nhà, tạo dựng khuôn viên sử dụng ổn định từ năm 1991 đến nay. Vợ chồng ông H không có ý kiến tranh chấp gì và ông H cũng thừa nhận khi vợ chồng ông xây nhà đã đồng ý cho đất nhưng hai bên không nói cho nhau bao nhiêu mét, không lập biên bản tặng cho. Trước khi xảy ra tranh chấp (năm 2017), vợ chồng ông H chỉ sử dụng khoảng 25m2 để nuôi gà, phần còn lại vợ chồng ông sử dụng làm vườn, máy xay xát từ khoảng năm 2000. Khi ông xây nhà mẹ ông còn sống, các anh em đều thống nhất không ai có ý kiến tranh chấp gì. Tòa án hai lần xem xét thẩm định tại chỗ, ông đều chứng kiến nhưng không đồng ý với việc thẩm định, ông chỉ chấp nhận ranh giới đất của hai gia đình như hiện nay. Ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông H và đề nghị giữ nguyên hiện trạng đất như hiện nay.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – bà Lê Thị N trình bày: Bà là vợ ông H, bà đồng ý với lời trình bày và quan điểm của ông H1, không trình bày bổ sung.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – bà Hoàng Thị H2 trình bày: Bà là vợ ông H1, bà đồng ý với lời trình bày và quan điểm của ông H1, không trình bày bổ sung.

* Cơ quan quản lý đất đai các cấp cung cấp:

- Về diện tích đất: Theo bản đồ 299, ông H được quyền sử dụng thửa đất số 309, tờ bản đồ số 5, diện tích 605m2 và theo bản đồ đo đạc năm 2006, là thửa đất số 407, tờ bản đồ 07 diện tích đất là 438,3m2, giảm 166,7m2. Theo bản đồ 299, ông H1 được quyền sử dụng thửa đất số 233 diện tích 475m2 và thửa số 307 diện tích 475m2 (tổng diện tích là 950m2). Theo đo đạc năm 2006, thì thửa 233 tách thành 03 gồm: thửa 408 có diện tích 514m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm; thửa 396 có diện tích 149,6m2 đất vườn đều đứng tên chủ sử dụng ông Phạm Văn H1 và 01 thửa số 395 mang tên từ đường họ Phạm có diện tích 116m2; còn thửa 307 đổi thành thửa 409 diện tích 378,1m2 đất ao. Tổng diện tích của ông H1 đang sử dụng là 1.157,9m2, dư 207,9m2 - Tại Ủy ban nhân dân xã không có tài liệu, chứng cứ thể hiện có việc chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho quyền sử dụng đất liên quan đến hai thửa đất tranh chấp của gia đình ông H1 và ông H. Phần đường thôn và ngõ đi giáp với hai thửa đất không mở rộng. Theo bản đồ 299 thửa đất mang tên ông H1 còn cách thửa đất ao và thửa đất mang tên ông H mới đến đường thôn, nhưng đến hiện nay phần đất ông H1 sử dụng đã giáp trực tiếp với đường thôn. Về loại đất tranh chấp: hạn mức cấp đất ở tại xã Thái Thịnh là 400m2, không xác định cụ thể vị trí nào là đất ở, vị trí nào là đất vườn. Khi thực hiện quyết định 652 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, gia đình ông H đã được tính 400m2 đất ở trong tổng diện tích 438m2.

Theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản ngày 07/6/2019 xác định: Giá đất ở là 1.000.000 đồng/m2 và giá đất trồng cây lâu năm là 45.000 đồng đồng/m2.

Bản án số 17/2019/DS-ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Toà án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình xử:

Căn cứ Điều 170, Điều 203 của Luật Đất đai năm 2013; Điều 175; Điều 176 Bộ luật dân sự; khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 39; Điều 147, Điều 157, Điều 165, Điều 166, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sựNghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về án phí và lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn H, buộc ông Phạm Văn H1, bà Hoàng Thị H2 phải trả ông Phạm Văn H, bà Lê Thị N 105,5m2 đất vườn được quy ra thành tiền là 4.747.500 đồng (bốn triệu bảy trăm bốn mươi bảy nghìn năm trăm đồng). Ông H1, bà H2 được quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất tranh chấp 126,6m2. Ranh giới quyền sử dụng đất giữa gia đình ông H và gia đình ông H1 được xác định theo hiện trạng sử dụng đất (có sơ đồ kèm theo) và bản đồ đo đạc năm 2006.

Ngoài ra án còn tuyên về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, chi phí định giá tài sản, việc thi hành án dân sự, án phí và quyền kháng cáo của đương sự. Ngày 24 tháng 12 năm 2019, ông Phạm Văn H kháng cáo đối với bản án sơ thẩm, với lý do ông H không đồng ý nhận thanh toán bằng giá trị tài sản mà ông yêu cầu ông H1 phải trả lại quyền sử dụng 126,6m2 đất.

Tại phiên tòa, ông Phạm Văn H thay đổi một phần yêu cầu kháng cáo: Ông H xác định diện tích ông Phạm Văn H1 lấn chiếm là 105,5m2 như bản án sơ thẩm đã tuyên, ông H chấp nhận việc đã cho ông H1 11,6m2 để xây nhà và 21,2m2 để làm sân vào năm 1991 nên phần diện tích đất này ông H1 được quyền sử dụng. Sau khi Tòa án về xem xét thẩm định ngày 22/5/2020, ông H đề nghị Tòa án buộc ông Phạm Văn H1 phải trả lại cho ông phần đất lấn chiếm phía trước giáp đường thôn có diện tích là 80,8m2, còn phần đất vườn phía sau là 24,7m2 ông đồng ý giao cho ông H1 sử dụng và ông H1 phải thanh toán giá trị cho ông H theo giá đất vườn đã định giá.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phát biểu ý kiến: Trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, những người tiến hành tố tụng và nguyên đơn đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, xử chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Văn H. Sửa bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, cụ thể: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn H, buộc ông Phạm Văn H1 phải trả lại cho ông Phạm Văn H 80,8m2 đất tại vị trí lấn chiếm thứ nhất giáp đường thôn. Giao cho ông H1, bà H2 được quyền sử dụng 24,7m2 đất tại vị trí lấn chiếm thứ hai phía sau nhà ông H và buộc ông H1, bà H2 phải thanh toán giá trị tài sản cho ông Phạm Văn H, bà Lê Thị N.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của ông Phạm Văn H nộp trong thời hạn luật định là kháng cáo hợp pháp nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn H thì thấy: Diện tích đất của ông Phạm Văn H1 hiện đang quản lý, sử dụng là 1.157,9m2, tăng thêm 207,9m2 so với diện tích đất theo bản đồ 299 chỉ có 950m2. Nguyên nhân diện tích đất của ông H1 tăng lên được xác định là một phần lấn sang đất nhà ông Phạm Văn H và một phần lấn sang đất ao của chính ông H1, bởi: thực tế diện tích đất ao của ông H1 cũng giảm, theo bản đồ 299 diện tích ao là 475m2, đo đạc năm 2006 diện tích đất ao còn 378m2, giảm 97m2. Mặt khác, theo đo đạc năm 2006 thì thửa 408 không đúng kích thước, ranh giới như thửa 233 bản đồ 299, bởi thửa 233 do ông H1 sử dụng còn cách đất ao thuộc thửa 307 của ông H1 và cách thửa 309 đất của ông H mới đến trục đường thôn nhưng hiện tại thì thửa 408 đo đạc năm 2006 của ông H1 đang sử dụng đã giáp với trục đường thôn nên có căn cứ xác định ông H1 đã lấn chiếm đất của ông H. Việc ông H yêu cầu ông H1 phải trả lại ông 126,6m2 đất vườn, trong đó có phần diện tích 21,2m2 đất ông H1 đã làm sân từ năm 1991 là không có căn cứ, bởi năm 1991, ông H1 xây nhà đã sang xin ông H một phần đất để xây nhà, ông H đồng ý nhưng không xác định được là cho bao nhiêu, nhưng khi xem xét thẩm định thì xác định ông H1 đã xây nhà trên 11,6m2 đất và làm sân trên 21,2m2 của ông H từ năm 1991. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông H đã cho ông H1 32,8m2 đất để xây nhà, làm sân là đúng. Tại phiên tòa phúc thẩm ông H đồng ý đã cho ông H1 phần diện tích đất 21,2m2 để làm sân và 11,6m2 để làm nhà, nên ông H thay đổi yêu cầu kháng cáo, xác định ông H1, bà H2 đã lấn chiếm 105,5m2 đất vườn của gia đình ông. Đồng thời, ông H, bà N đề nghị Tòa án buộc ông H1, bà H2 trả lại cho ông bà phần diện tích đất lấn chiếm phía trước nhà giáp với đường thôn có diện tích là 80,8m2, còn vị trí đất lấn chiếm phía sau nhà có diện tích 24,7m2 ông H đồng ý giao cho ông H1 sử dụng và yêu cầu thanh toán bằng giá trị. Đây là sự tự nguyện của ông H, bà N nên Hội đồng xét xử chấp nhận sự tự nguyện này.

[3] Xét yêu cầu của ông Phạm Văn H về việc buộc ông H1 phải trả lại 80,8m2 đất thì thấy: đây là phần diện tích đất được xác định thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông H, bà N. Ông H có nhu cầu sử dụng diện tích đất này, bởi thửa đất cũng liền thửa với thửa đất ông H đang sinh sống, ông H không đồng ý giao diện tích đất này cho ông H1, bà H2 sử dụng để tránh việc nếu giao cho ông H1, bà H2 sử dụng đất thì ông H1, bà H2 sẽ xây dựng nhà cửa trên diện tích đất đó làm ảnh hưởng đến cảnh quan, lối đi phía trước nhà ông H. Việc ông H1 phải trả lại đất cho ông H không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của ông H1. Do vậy, cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn H, buộc ông Phạm Văn H1 phải trả lại cho ông H, bà N một phần diện tích đất đã lấn chiếm như yêu cầu ông H là phù hợp. Đối với diện tích 24,7m2 đất lấn chiếm phía sau vườn, ông H, bà N đồng ý giao cho ông H1, bà H2 được quyền sử dụng nên buộc ông H1, bà H2 phải thanh toán giá trị của diện tích đất này cho ông H, bà N theo giá đất vườn đã định giá.

[4] Đối với các tài sản do ông H1 xây dựng trên diện tích đất tranh chấp, khi xem xét, thẩm định lại thì trên vị trí đất tranh chấp thứ nhất giáp với mặt đường thôn có diện tích 80,8m2 có: 01 một nhà máy xát, phần nhà máy xát xây trên đất lấn chiếm có diện tích 1,5m2, bên trong có đặt máy xát; có cây hoa màu là cây ngô ngắn ngày, 01 cây mít nhỏ, 01 cây na nhỏ và tường rào. Đối với nhà máy xát đã hết khấu hao không còn giá trị nên buộc ông H1 phải tháo dỡ phần nhà máy xát xây trên đất lấn chiếm và di chuyển máy xát đi nơi khác để trả lại phần diện tích đất lấn chiếm cho ông H; đối với cây cối hoa màu ông H1 trồng sau khi Tòa án cấp sơ thẩm xét xử khi đất đang có tranh chấp thì buộc ông H1 phải thu dỡ toàn bộ hoa màu, cây cối để trả lại đất cho ông H. Đối với đoạn tường xây gạch chỉ giáp đất nhà ông H đã hết khấu hao, không còn giá trị nên buộc ông H1 phải tháo dỡ bức tường này; đối với bức tường dậu xây gạch nung, chưa trát xây năm 2018 có giá trị là 4.140.000 đồng, tuy nhiên ông H1 xây khi hai bên gia đình đang xảy ra tranh chấp, ông H không có nhu cầu sử dụng bức tường này và cũng không có khả năng thanh toán giá trị của bức tường nên buộc ông H1, bà H2 phải tháo dỡ bức tường này trả lại phần diện tích đất cho ông H. Trên vị trí đất tranh chấp thứ hai giáp với phần nhà ông H1 và giáp phần sân nhà ông H có diện tích 24,7m2 có các tài sản: 05 khóm chuối, 02 cây mít, 02 cây cau do ông H1 trồng, tuy nhiên phần diện tích đất này ông H đồng ý giao cho ông H1 sử dụng nên không đặt ra giải quyết đối với các tài sản này.

[5] Về án phí: Yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn H được chấp nhận nên ông H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự;

1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Phạm Văn H. Sửa một phần bản án sơ thẩm số 17/2019/DS–ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cụ thể:

1.1. Căn cứ Điều 170, Điều 203 của Luật Đất đai; Điều 175; Điều 176 Bộ luật dân sự; khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 39; Điều 147, Điều 157, Điều 165, Điều 166, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.

1.2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn H:

1.2.1. Buộc ông Phạm Văn H1 và bà Hoàng Thị H2 phải trả lại cho ông Phạm Văn H, bà Lê Thị N 80,8m2 đất, có tứ cận: phía đông dài 13,3m giáp thửa 407; phía tây dài: 10,9m giáp thửa 408; phía nam dài 8,1m giáp đường thôn; phía bắc dài 4,7m giáp phần sân nhà ông H1 thuộc thửa 408 (theo sơ đồ hiện trạng).

1.2.2. Giao cho ông Phạm Văn H1 và bà Hoàng Thị H2 được quyền sử dụng 24,7m2 đã lấn chiếm của ông H, có tứ cận: phía đông dài 1,9m + 0,8m giáp thửa 407 và thửa 397; phía tây dài 3,5m giáp thửa 408; phía nam dài 7,9m giáp thửa 407 và phía bắc dài 8,1m giáp thửa 408 (theo sơ đồ hiện trạng). Ông H1 và bà H2 phải thanh toán cho ông H và bà N giá trị của 24,7m2 đất x 45.000 đồng/1m2 = 1.111.500 đồng.

1.2.3. Ông Phạm Văn H1 và bà Hoàng Thị H2 được quyền sử dụng 32,8m2 đất đã xây nhà, làm sân, có tứ cận: phía đông dài 3,5m + 1,2m + 6,7m giáp thửa 407; phía tây dài 0,9m + 4,8m + 5,8m giáp thửa đất 408; phía nam dài 2,3m + 2,5m giáp phần đất trả lại cho ông H, bà N; phía bắc dài 1,3m giáp thửa 408.

1.2.4. Buộc ông Phạm Văn H1 và bà Hoàng Thị H2 phải tháo dỡ các tài sản trên diện tích 80,8m2 đất lấn chiếm, gồm: 01 phần nhà máy xát, có kích thước các cạnh: 0,7m x 1,5m x 0,9m x 1,5m (theo sơ đồ hiện trạng); 01 bức tường dậu xây gạch chỉ, có kích thước 4,4m x 1,5m x 0,11m; 01 bức tường dậu xây gạch không nung chưa trát, có chiều dài 19m, cao 0,8m, dày 110cm và móng sâu 0,3m, dày 0,22m; buộc ông H1, bà H2 phải di chuyển máy xay xát ra khỏi vị trí đất lấn chiếm và thu dỡ toàn bộ cây cối, hoa màu (cây ngô).

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

2. Về án phí: Ông Phạm Văn H không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 04/6/2020. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

329
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 13/2020/DS-PT ngày 04/06/2020 về tranh chấp đòi quyền sử dụng đất

Số hiệu:13/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:04/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về