Bản án 13/2019/DS-ST ngày 14/06/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN H, TỈNH ĐỒNG THÁP

BẢN ÁN 13/2019/DS-ST NGÀY 14/06/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM

Trong các ngày 12 và 14 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Đồng Tháp xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 97/2018/TLST-DS ngày 07 tháng 6 năm 2018, tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 36/2019/QĐXXST-DS ngày 17 tháng 5 năm 2019 giữa các đương sự:

Nguyên đơn:

Bà Dương Thị B, sinh năm 1965;

Ông Lê Văn H, sinh năm 1962.

Cùng địa chỉ cư trú: ấp A, xã B, huyện H, tỉnh Đồng Tháp.

Bị đơn:

Bà Lê Thị Tuyết T, sinh năm 1975;

Ông Lê Thành (tên gọi khác C), sinh năm 1970.

Cùng địa chỉ cư trú: ấp A, xã B, huyện H, tỉnh Đồng Tháp.

Người làm chứng:

1. Chị Lê Thị Thùy D, sinh năm 1987;

2. Anh Lê H Đ, sinh năm 1986;

3. Ông Bùi Văn E, sinh năm 1956;

4. Ong Nguyễn Văn G, sinh năm 1962;

5. Anh Lê Trung H, sinh năm 1976;

Cùng địa chỉ cư trú: ấp A, xã B, huyện H, tỉnh Đồng Tháp.

7. Anh Phạm Văn K, sinh năm 1976.

Địa chỉ cư trú: khóm L, phường A, thị xã H, tỉnh Đồng Tháp.

(Bà B, ông H, ông P, bà T, chị D, anh Đ có mặt tại phiên tòa, ông G, anh K, ông E, anh H vắng mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 05/6/2018, bản tự khai, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn bà Dương Thị B trình bày: vào ngày 30/12/2016, bà bị bà Lê Thị Tuyết T dùng mũ bảo hiểm đánh nhiều cái vào phần đầu của bà, tuy không chảy máu nhung làm bà say sẩm, chóng mặt, nôn ói và phần đầu nơi bị đánh sưng nhiều nên phải đi nhập viện điều trị tại bệnh viện đa khoa Đồng Tháp. Nay bà yêu cầu bà Lê Thị Tuyết T phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm các khoản tiền sau: Tiền toa vé thuốc: 2.711.000 đồng; Tiền ăn: 06 ngày x 60.000 đồng/ngày = 360.000 đồng; Tiền ngày công lao động: 06 ngày x 200.000 đồng = 1.200.000 đồng; Tiền thuê xe đưa đi nhập viện, xuất viện và một lần tái khám: 2.200.000 đồng; Tổng cộng: 6.471.000 đồng (Sáu triệu bốn trăm bảy mươi mốt nghìn đồng); Đối với yêu cầu về tổn thất tinh thần và tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh bà, bà không yêu cầu bà T bồi thường cho bà.

Theo đơn khởi kiện ngày 05/6/2018, bản tự khai, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Lê Văn H trình bày: vào thời gian khoảng 15 giờ, ngày tháng không nhớ, chỉ nhớ khoảng 2015 -2016 ông nghe kể lại sự việc vợ ông ăn bún riêu nhưng không ăn được rau muống nên vợ ông bỏ xuống đất cặp ghế vợ ông đang ngồi, bà T thấy và cự cãi với vợ và con ông, bà T đòi nhét rau muống vào miệng vợ ông nên con ông tên D kêu bà T nhét thì hai bên lớn tiếng cãi nhau, sau đó bên gia đình của bà T tràn ra tiệm thuốc của D con ông, số người tràn ra gồm: Ông P, bà T, G con ông P, N con ông P, V chồng sắp cưới của G, H là em rể của P. Khi sự việc bắt đầu ông ở quán cà phê N, khi nghe hai bên cãi nhau to tiếng ông đi về tới tiệm thuốc của D và ông lấy cây quay mái che tiệm thuốc của D để đánh lại những người bên gia đình ông P, sau khi ông lấy được cây quay mái che thì bị ông P đánh một cái vào mắt trái của ông làm ông bị té xuống đất, những người khác đánh nhau ông không chứng kiến nên không biết ai đánh ai. Khi ông ngồi dậy thì thấy V đè đánh Đ con ông dưới đất bên cửa nhà ông, ông cầm cây quay mái che sang đánh V vì ông bênh con, khi đến thì ông đánh nhưng không đánh trúng V vì cây kẹt màng che nhà của ông nên ông lo gở cây thì bị ông P đánh bằng gạch ống trúng ngay đỉnh đầu một cái làm gạch bị bể, ông bị té nằm xuống đất thì bị ông p đạp vào bên hông trái của ông hai cái, ông quay lên nhìn thì thấy ông P, sau đó vợ ông qua kè ông vào nhà nên ông không còn chứng kiến được gì khác. Ngoài ông P đánh ông thì không có ai khác đánh ông. Sau khi bị ông P đánh ông bị thương trên đầu làm chảy máu đầu, máu chảy ít, ngoài ra đầu ông không còn bị thương tích gì khác. Ngoài đầu ông bị thương tích thì mắt trái ông cũng bị bầm nâu, không có chảy máu. Phần hông trái của ông bị ông P đạp nhưng không có gây thương tích. Khoảng 5-6 tháng sau khi sự việc xảy ra ông không thấy đường do trước đây khoảng 9-10 năm ông có điều trị mắt trái với bệnh đục thủy tinh thể tại Trung tâm mắt thành phố Hồ Chí Minh, khi bị ông P đánh làm mắt ông bị tuộc kính không còn thấy đường, ông có lên Trung tâm mắt thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Tổng cộng chi phí điều trị mắt khoảng 15.000.000 đồng, ông không yêu cầu ông P phải bồi thường cho ông. Đối với vết thương trên đầu thì ông đến Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp nhập viện điều trị từ ngày 30/12/2016 đến ngày 09/01/2017 xuất viện. Nay ông yêu cầu ông Lê Thành P bồi thường thiệt hại cho ông gồm các khoản: Tiền thuốc 4.070.000 đồng, tiền ăn 660.000 đồng, tiền ngày công lao động 11 ngày x 200.000 đồng/ ngày = 2.200.000 đồng, tiền thuê xe đi và về của nhập viện và xuất viện và một lần đi và về của tái khám là 2.200.000 đồng. Tổng cộng ông yêu cầu ông Lê Thành P có trách nhiệm bồi thường cho ông số tiền 9.130.000 đồng, về tổn thất tinh thần, ông không yêu cầu ông P phải có trách nhiệm bồi thường, về tiền mất thu nhập của người nuôi ông trong thời gian điều trị, ông không yêu cầu bồi thường.

Bị đơn bà Lê Thị Tuyết T trình bày: vào khoảng 15 giờ ngày 30/12/2016, bà và bà B có cãi nhau và dẫn đến xô xát, lúc này có chồng và con bà B cùng đánh bà, lúc bà ngã nằm dưới đất thì nhặt được cái mũ bảo hiểm, bà cầm lên quơ đại vì muốn tự vệ và không biết có trúng ai không, cũng không biết có trúng bà B không. Nay bà B yêu cầu bà bồi thường tiền thuốc, tiền ăn, tiền xe đi khám chữa bệnh tổng cộng là 6.471.000 đồng, bà không đồng ý toàn bộ yêu cầu của bà B vì bà cũng là người bị đánh và có thương tích, bà nghĩ chỉ cần uống thuốc vài ngày là khỏi nên không cần phải nhập viện.

Bị đơn ông Lê Thành P trình bày: Năm 2017, gia đình ông có xảy ra cãi vả với gia đình ông Lê Văn H, có xô xát đánh nhau, ông có đánh với anh Đ con ông H và anh C cháu ông H, không có xô xát đánh nhau với ông H. Nay ông H yêu cầu ông bồi thường thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm, ông không đồng ý vì ông không gây ra thương tích cho ông H, ông cũng không biết vì sao ông H bị thương tích và không biết ai gây ra thương tích cho ông H. Trước đây Công an huyện Hồng Ngự có mời ông đến làm việc nhưng không có đủ chứng cứ xử lý ông.

Tại biên bản lấy lời khai của người làm chứng, người làm chứng, Phạm Văn K, trình bày: vào ngày 30 tháng 12 năm 2016 anh có chở gia đình ông H gồm ông H, bà B và chị D đến Bệnh viện Hữu Nghị (Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp), theo sự yêu cầu của gia đình ông H có nhân viên y tế đi theo để theo dõi sức khỏe các thành viên gia đình ông H trên đường đi nên anh có nhờ nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện đa khoa thị xã H, không nhớ chính xác là ai đi chung lúc đó. Chi phí thuê xe anh là 1.000.000 đồng (Gồm cả tiền qua phà 10 Đẩu) và chi phí cho nhân viên y tế là 100.000 đồng. Do đó anh có nhận tiền của gia đình ông H 1.100.000 đồng và có làm biên nhận cho ông H. Ngày 09 tháng 01 năm 2017 gia đình ông H có gọi xe anh chạy xuống Bệnh viện Hữu Nghị để chở gia đình ông H về nhà với chi phí thuê xe 1.000.000 đồng và anh có viết biên nhận cho ông H. Sau lại anh có chở gia đình ông H đi tái khám nhưng không nhớ chính xác gồm những ai và cũng không nhớ chở bao nhiêu lần. Chỉ nhớ mỗi lần chở đi và về của tái khám là 1.000.000 đồng vì chỉ chờ tái khám khoảng 2 giờ nên không tính thêm tiền.

Tại biên bản lấy lời khai của người làm chứng, người làm chứng, Bùi Văn E, trình bày: Khoảng 1-2 giờ trưa ngày, tháng ông không nhớ, chỉ nhớ năm 2016. Khi ông đang ngồi quán uống cà phê tại quán N, cách vị trí đánh nhau khoảng 08m, khi nghe um sùm thì ông nhìn lại thấy ông p (C) và ông H đang đánh nhau, bà T và bà B cũng đang đánh nhau. Nguyên nhân đánh nhau thì ông nghe nói lại bà B ăn bún nhưng không ăn rau muống nên bỏ xuống không có làm trúng bà T và xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Khi đánh nhau ông thấy trực tiếp ông P đánh ông H bằng gạch và đánh trúng vào đầu ông H, chỉ đánh một cái làm ông H té xuống đất và ông thấy bà T đánh bà B bằng mũ bảo hiểm nhung không biết mấy cái. Sau khi đánh xong, mọi người đã tan ra ông H vào nhà và ông lại thăm ông H thì ông thấy ông H bị sưng 1 chỗ phía sau đầu, không chảy máu, ngoài ra không còn vết thương nào khác. Bà B có bị thương hay không ông không biết. Trong lúc đánh nhau có rất đông người xem nhưng không biết chính xác là ai.

Tại biên bản lấy lời khai của người làm chứng, người làm chứng, Nguyễn Văn G, trình bày: Ông có dòng họ với hai bên gia đình ông H và ông P (Ông H là anh vợ còn ông P là cháu vợ ông). Khi sự việc xảy ra ông nghe la um sùm thì ông đi lại thấy vợ chồng P đang đánh ông H, ông H không có đánh lại. Khi ông đến nơi thì ông la ông P đứng kế bên để vợ P đánh ông H bằng mũ bảo hiểm một cái thì ông la và vợ chồng ông P bỏ về nhà. Khi vợ chồng P đi thì ông kè ông H vào nhà, vào nhà xong ông ra thấy D và Bà B nằm ngoài đường nhưng không biết ai đánh, ông la tất cả tan ra không còn đánh nhau. Ông không biết thương tích ông H và bà B thế nào.

Tại biên bản lấy lời khai của người làm chứng, người làm chứng, Lê Trung H, trình bày: Anh không có quan hệ dòng họ với hai bên, chỉ quen biết chòm xóm. Khi sự việc xảy ra anh chỉ thấy như sau: Khi hay tin đánh nhau, anh đang ở sân bóng, khi anh đến nơi thấy D và G đang nắm đầu nhau nằm dưới đất nên anh lại gỡ tay hai bên và hai bên buông tay ra rồi ai cũng về nhà không còn đánh nhau. Việc ông H và ông P có đánh nhau hay không anh không trực tiếp thấy nên không biết.

Tại biên bản lấy lời khai của người làm chứng, người làm chứng, Lê Thị Thùy D, trình bày: Chị là con gái ông H và bà B và cũng là người bị hại trong vụ án hình sự do Lê Thị Tuyết G gây ra. Khi Tòa án hai cấp xét xử đã buộc Tuyết G phải có trách nhiệm bồi thường cho chị tổng cộng 6.550.000 đồng gồm các khoản: Tiền điều trị là 2.442.000 đồng, tiền tái khám 248.000 đồng, tiền ăn 06 ngày 360.000 đồng, tiền ngày công lao động 1.800.000 đồng, tiền bảng hiệu cửa tiệm 1.000.000 đồng, tiền thuê xe đi nhập viện và về 1.000.000 đồng (Quận đi nhập viện gồm ba chị là ông H, mẹ chị là bà B và chị), khi về chỉ có chị không có ai khác vì chị được xuất viện sớm hơn và về bằng xe buýt. Ngoài ra không còn chi phí nào khác. Việc ba mẹ chị bị ai đánh thì chị không biết vì chị đánh nhau với bà T và Tuyết G nên không thấy bên cha mẹ chị. Sau khi không còn đánh nhau ba chị bị chảy máu đầu, sưng đầu, mắt bầm tím, chóng mặt và buồn nôn, vết thương trên đầu ba chị không to nên không cần phải khâu chỉ. Mẹ chị bị chóng mặt, nhức đầu, muốn buồn nôn, đầu bị sưng không chảy máu, ngoài ra không còn vết thương nào khác.

Theo tờ tường trình ngày 02/9/2018, người làm chứng Lê H Đ trình bày: Ngày 30/12/2016, anh đi làm về thấy mẹ anh và em anh cự cãi với mẹ con của bà T. Anh qua can ngăn và có lời qua tiếng lại, khi đó ông P, anh V và anh H ùa ra muốn đánh mẹ và em của anh, bên gia đình ông P ép mẹ anh, em anh và anh vào nhà, lúc đó ba anh tên H về thấy và có lời qua tiếng lại, sau đó đánh nhau. Ông P đánh ba anh, ba anh chạy về nhà và ông P chạy theo đánh ba anh trước cửa nhà ông X, ba anh bị té nằm xuống đất, ông P dùng chân đạp lên vùng ngực và bụng ba anh, tay đánh vào phần đầu và mặt ba anh liên tiếp nhiều lần. Khi ông G đến can ngăn thì ông P mới dừng tay. Dưới nơi ba anh bị đánh gạch vỡ thành nhiều mãnh. Ba anh bị thương nhiều nơi trên đầu, mặt, bụng và ngực của ba anh. Anh tiếp tục chạy lại can ngăn ông P và anh H cùng con ông P đánh anh trước nhà anh H, ông P dùng chân đạp vào mặt em anh, H dùng đá đập vào đầu em anh nhưng anh can ngăn kịp, anh H1 lại can ngăn nên em anh và anh tiếp tục lại chỗ mẹ anh bị bà T dùng tay nắm đầu, tay còn lại T dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu mẹ anh nhiều lần, anh đến đẩy T ra và đưa mẹ anh về nhà. Trên đường đưa mẹ anh về nhà thì V cầm dao chạy ra chém anh nhưng ông G đã can ngăn và gia đình anh đã báo Công an xã B. Trong thời gian chờ Công an đến làm việc anh thấy phía trên nhà anh, ngay nhà ông P1 sửa xe có một đống gạch tàu để đó rất giống với số gạch vỡ chỗ ba anh bị ông P đánh, sau đó Công an đến làm việc.

Ý kiến của Viện kiểm sát: Từ khi thụ lý đến khi xét xử vụ án Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đều chấp hành đúng quy định của pháp luật, về nội dung vụ án: Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn Dương Thị B buộc bà Lê Thị Tuyết T có nghĩa vụ bồi thường các khoản gồm: Tiền toa vé thuốc hợp lý 1.842.659 đông, tiền ăn trong thời gian điều trị vết thương 360.000 đồng, tiền mất thu nhập (tiền công lao động) 600.000 đồng, tiền thuê xe đi nhập viện, xuất viện về và một lần đi và về tái khám 1.050.000 đồng. Tổng cộng bà Lê Thị Tuyết T có nghĩa vụ bồi thường cho bà Dương Thị B số tiền 3.853.000 đồng. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Lê Văn H về việc yêu cầu bị đơn Lê Thành P bồi thường số tiền 9.130.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa:

[1] Về áp dụng pháp luật tố tụng: Đây là vụ án “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm” theo quy định tại khoản 6 Điều 26, Điều 35, Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Đồng Tháp.

[2] Người làm chứng Bùi Văn E, Nguyễn Văn G, Lê Trung H, Phạm Văn K vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất nhưng đã có lời khai trong hồ sơ vụ án nên Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 229 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Về nội dung vụ án:

3.1 Bà Dương Thị B yêu cầu bà Lê Thị Tuyết T có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bà gồm các khoản: Tiền toa vé thuốc: 2.711.000 đồng; Tiền ăn: 360.000 đồng; Tiền ngày công lao động: 1.200.000 đồng; Tiền xe đưa đi nhập viện, xuất viện và tái khám: 2.200.000 đồng; Tổng cộng: 6.471.000 đồng (Sáu triệu bốn trăm bảy mươi mốt nghìn đồng); Đối với yêu cầu về tổn thất tinh thần và tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh cho bà B, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bà B không yêu cầu bà T bồi thường. Bà Dương Thị B trình bày thương tích do bà Lê Thị Tuyết T gây ra cho bà là có cơ sở để xem xét vì thương tích của bà B là có thật và việc bà B điều trị vết thương cũng thực tế, điều này thể hiện bằng tất cả toa vé thuốc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp do bà B cung cấp. Trong quá trình làm việc và tại phiên tòa, bà T có thừa nhận hành vi dùng mũ bảo hiểm để đánh lại nhiều lần nhằm phòng thân nhưng bà T không thừa nhận đánh trúng bà B, mặt khác bà T đã bị Công an huyện H xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh nhau với người khác và bà T không khiếu nại quyết định xử phạt của Công an huyện H, nghĩa là bà T thừa nhận hành vi đánh nhau với người khác. Tại phiên tòa, bà T thừa nhận khi bà T cầm trên tay mũ bảo hiểm để đánh lại phòng thân thì gần vị trí bà T có bà B, ông H và ông H không thừa nhận bà T đánh trúng ông. Ngay từ đầu thì bà T và bà B đã mâu thuẫn gay gắt với nhau làm dẫn đến đánh nhau nên việc bà T nhằm vào bà B để đánh là có cơ sở. Từ các cơ sở vừa thể hiện đã có đủ chứng cứ chứng minh bà T gây thương tích cho bà B với tỷ lệ là 00% (Theo bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 25/TgT-TTPY ngày 16 tháng 02 năm 2017), tuy không đủ điều kiện để khởi tố vụ án hình sự, nhưng cơ thể bà B có thương tích là sự thật và được Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp điều trị nên trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại cho bà B thì bà T phải có trách nhiệm bồi thường là phù hợp.

3.1.1 Xét về tiền toa vé thuốc: Bà B yêu cầu bà T bồi thường tiền toa vé thuốc 2.711.000 đồng chưa phù hợp vì theo tất cả các giấy tờ liên quan đến tiền toa vé thuốc điều trị cho bà B trong hồ sơ vụ án chỉ là 1.842.659 đồng nên chấp nhận một phần yêu cầu của bà B là phù hợp.

3.1.2 Xét tiền ăn trong quá trình điều trị bệnh của bà B: Bà B nằm viện 06 ngày và yêu cầu trả tiền ăn mỗi ngày 60.000 đồng là phù hợp vì: Thời gian nằm viện của bà B 06 ngày được chứng minh bằng giấy ra viện ngày 04 tháng 01 năm 2017 với chi phí cho một ngày ăn 60.000 đồng là phù hợp nên chấp nhận, buộc bà T có nghĩa vụ trả tiền ăn cho bà B trong thời gian điều trị vết thương là 360.000 đồng.

3.1.3 Xét tiền công lao động của bà Dương Thị B: Bà B yêu cầu bồi thường một ngày công lao động là 200.000 đồng là chưa phù hợp vì theo biên bản lấy lời khai đương sự ngày 25 tháng 7 năm 2018 thì bà B trình bày chỉ làm nội trợ, không làm gì ra tiền nên chỉ chấp nhận tiền ngày công lao động bình quân của người lao động tại địa phương 100.000 đồng/ngày là hợp lý nên chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của bà B, buộc bà Lê Thị Tuyết T có nghĩa vụ bồi thường cho bà Dương Thị B tiền công lao động 600.000 đồng. Đối với tiền công lao động cho người nuôi bà B trong quá trình điều trị, tại phiên tòa bà B không yêu cầu nên không đặt ra giải quyết.

3.1.4 Xét tiền xe đưa đi nhập viện và về: Theo lời trình bày của bà B ngày đi nhập viện là có cả bà B, ông H và chị D. Bà B khai đi bằng xe do anh K điều khiển và trả tiền thuê xe cho anh K là 1.100.000 đồng và được anh K làm biên nhận ngày 30/12/2016 (Bút lục số 94). Tuy nhiên tại biên bản lấy lời khai của người làm chứng Lê Thị Thùy D ngày 04/3/2019 (Bút lục số 348) thì chị D đã trình bày khi giải quyết vụ án hình sự cố ý gây thương tích đối với bị cáo Lê Thị Tuyết G đã được Tòa án hai cấp xét xử buộc Lê Thị Tuyết G bồi thường thiệt hại cho chị D 6.550.000 đồng, trong đó có phần tiền xe đi nhập viện và về 1.000.000 đồng và tại phiên tòa chị D trình bày bị cáo G đã bồi thường cho chị xong. Khi xuất viện thì chị D xuất viện trước ba mẹ chị nên chị về bằng xe buýt. Do đó tiền thuê xe đi nhập viện đã được bị cáo Tuyết G thanh toán cho chị D 1.000.000 đồng, còn lại 100.000 đồng là chi phí thuê xe đi nhập viện của ông H và bà B nên chỉ chấp nhận chi phí thuê xe đi nhập viện của bà B là 50.000 đồng là phù hợp. Ngày 04 tháng 01 năm 2017 bà B thừa nhận khi xuất viện chỉ có bà và ông H với chi phí thuê xe do anh K điều khiển 1.000.000 đồng và được anh K làm biên nhận có nhận 1.000.000 đồng phù hợp với lời trình bày của anh K nên chấp nhận yêu cầu của bà B về tiền thuê xe xuất viện về nhà là 500.000 đồng. Tổng cộng chi phí thuê xe đi nhập viện và xuất viện về nhà của bà B là 550.000 đồng là phù hợp. Ngoài ra bà B đi tái khám chung với ông H được một lần với chi phí thuê xe là 1.000.000 đồng phù hợp với lời khai của anh K nên chấp nhận. Về chi phí giám định tỷ lệ thương tật, tại phiên tòa bà B không yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì vậy, tổng cộng các chi phí thuê xe đi nhập viện, xuất viện về và một lần tái khám của bà B là 1.050.000 đồng. Do đó, chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của bà B buộc bà T có nghĩa vụ bồi thường chi phí thuê xe cho bà B 1.050.000 đồng.

3.1.5 Xét tiền tổn thất tinh thần cho bà B: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bà B không yêu cầu bà T bồi thường nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét giải quyết.

3.2 Ông Lê Văn H yêu cầu ông Lê Thành P bồi thường thiệt hại cho ông gồm các khoản: Tiền thuốc 4.070.000 đồng, tiền ăn 660.000 đồng, tiền ngày công lao động 2.200.000 đồng, tiền thuê xe đi và về của nhập viện, xuất viện và một lần đi và về của tái khám là 2.200.000 đồng. Tổng cộng ông yêu cầu ông Lê Thành P có trách nhiệm bồi thường cho ông số tiền 9.130.000 đồng. Về tiền mất thu nhập của người nuôi ông trong thời gian nằm viện và tiền tổn thất tinh thần, ông không yêu cầu ông P phải có trách nhiệm bồi thường.

Xét yêu cầu của ông Lê Văn H: Ông H cho ràng ông P là người gây thương tích cho ông, ngoài ông P không có ai khác gây thương tích cho ông và được ông E, ông G, anh Cường và ông Y trực tiếp chứng kiến, ngoài ra không có ai khác trực tiếp chứng kiến ông P gây thương tích cho ông. Tuy nhiên, ông G, anh Cường và ông Y không ai khai nhận có trực tiếp chứng kiến việc ông P đánh ông H như ông H trình bày. Riêng ông E khai nhận trực tiếp thấy ông P dùng gạch ống đánh vào vùng đầu ông H nhưng lời khai của ông E lại có sự mâu thuẫn với lời trình bày của ông H về thương tích và vị trí của vết thương. Ông E khai sau khi sự việc xảy ra ông có lại để xem ông H thương tích thế nào thì ông E khai thương tích của ông H là: “...H bị sưng một chỗ phía sau đầu, không chảy máu, ngoài ra không còn vết thương nào khác...” theo biên bản lấy lời khai người làm chứng ngày 04 tháng 3 năm 2019, ông H lại khai: “...ông P dùng gạch ống đánh lên đỉnh đầu tôi một cái làm tôi té xuống đất. Sau khi bị ông P đánh thì đầu tôi bị rách da đầu, có chảy máu nhưng ít máu vì da đầu tôi bị dập, sưng nhiều...”. Tại phiên tòa, ông H khai không trực tiếp thấy ông P đánh ông mà ông H trình bày ông P đứng phía sau lưng ông H đánh một cái bằng gạch ống làm gạch bị bể và ông H té xuống đất mới quan sát thấy ông P đạp vào vùng hông trái của ông. Theo sức khỏe của ông P với viên gạch ống đập vào đầu ông H làm viên gạch vỡ thành nhiều mảnh nhỏ thì thương tích của ông H không chỉ 1% như kết quả giám định mà phải nhiều hơn nữa. Nên lời khai của ông H và các người làm chứng có sự mâu thuẫn và điều này thể hiện lời trình bày của ông E trực tiếp thấy ông P đánh ông H có phần kém thuyết phục. Mặt khác, có rất đông người chứng kiến hai bên đánh nhau nhưng không có ai trình bày trực tiếp thấy ông P đánh ông H bằng gạch như ông H trình bày, đồng thời, anh Đ trình bày có chạy theo để ngăn cản ông P đánh ba anh nhưng chính anh Đ vẫn không trực tiếp chứng kiến ông P đánh ba anh bằng gạch. Khi Tòa án đối chất thì sự trình bày của ông H và chị D cũng có sự mâu thuẫn về vết thương của ông H. Công an huyện H có văn bản cung cấp thông tin cho Tòa án số: 79/CSĐT ngày 14/12/2018 với nội dung không cơ sở xử lý hình sự đối với ông P, ông P không thừa nhận hành vi gây thương tích cho ông H. Ông H có khai dùng cây quay mái che để đánh V đang đánh nhau với anh Đ con ông H và cây quay mái che có mắc vào màng che nhà của ông nên khả năng làm ông H té và bị thương tích cũng có thể xảy ra hoặc trong lúc các bên đánh nhau có rất nhiều người không phải riêng ông P với ông H đánh nhau. Tại phiên tòa, ông P trình bày ông chưa lần nào đánh nhau với ông H mà ngay từ đầu ông P đã đánh nhau với anh Đ con ông H, sau lại ông P bị anh C là cháu ông H đánh ông P nên ông C và anh H1 em rể ông P đuổi theo đánh anh C là sự thật và được chứng minh bàng lời khai của anh Đ và anh C nên chưa đủ chứng cứ chứng minh ông P gây thương tích cho ông H. Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ chứng minh ông P trực tiếp gây thương tích cho ông H nên không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của ông H.

[4] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát: Phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.

[5] Về án phí: Cần áp dụng điểm d Khoản 1 Điều 12; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Do yêu cầu khởi kiện của bà B được Tòa án chấp nhận một phần nên bà T phải chịu án phí dân sơ thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Áp dụng khoản 6 Điều 26, Điều 35, khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147; Điều 229; Khoản 2 Điều 482 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Áp dụng các Điều 584, 585, 586; 588, 590 Bộ luật dân sự năm 2015;

- Áp dụng Điều 12 và Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Dương Thị B.

2. Buộc bà Lê Thị Tuyết T có nghĩa vụ bồi thường cho bà Dương Thị B các khoản hợp lý gồm: Tiền toa vé thuốc hợp lý 1.842.659 đồng, tiền ăn trong thời gian điều trị vết thương 360.000 đồng, tiền mất thu nhập (tiền công lao động) 600.000 đồng, tiền thuê xe đi nhập viện, xuất viện về và một lần đi và về của tái khám 1.050.000 đồng. Tổng cộng bà Lê Thị Tuyết T có nghĩa vụ bồi thường cho bà Dương Thị B số tiền 3.852.659 đồng, làm tròn 3.853.000 đồng (Ba triệu tám trăm năm mươi ba nghìn đồng).

3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn H về việc yêu cầu bị đơn Lê Thành P bồi thường số tiền 9.130.000 đồng.

4. Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

5. Về án phí:

5.1 Bà Dương Thị B không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

5.2 Bà Lê Thị Tuyết T phải chịu 192.000đồng (Một trăm chín mươi hai nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

5.3 Ông Lê Văn H không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

5.4 Ông Lê Thành P không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

6. Về hướng dẫn thi hành án dân sự: Quyết định này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

7. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

320
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 13/2019/DS-ST ngày 14/06/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do sức khỏe bị xâm phạm

Số hiệu:13/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tân Hồng - Đồng Tháp
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 14/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về