Bản án 131/2019/HSST ngày 25/11/2019 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN THANH KHÊ, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 131/2019/HSST NGÀY 25/11/2019 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM, PHỤ GIA THỰC PHẨM

Ngày 25/11/2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 134/2019/TLST-HS ngày 06/11/2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 134/2019/QĐXXST-HS ngày 12/11/2019 đối với các bị cáo:

1. O, tên gọi khác: không, sinh ngày 10/10/1985 tại Quảng Trị; Nơi cư trú: Số K02/25 đường Đ, phường H, quận K, thành phố Đà Nẵng; Nghề nghiệp: Lao động phổ thông; Trình độ văn hóa: 9/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông B và bà S.

Có chồng là V, sinh năm 1983, có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2009, con nhỏ nhất sinh năm 2013;

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 23/5/2019, có mặt tại phiên tòa.

2. V, tên gọi khác: S, sinh ngày 15/6/1983 tại Thừa Thiên Huế; Nơi cư trú: Số K02/25 đường Đ, tổ 37 phường H, quận K, thành phố Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng; Nghề nghiệp: Lái xe; Trình độ văn hóa: 5/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông V1 và bà T.

Có vợ là O, sinh năm 1985, có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2009, con nhỏ nhất sinh năm 2013;

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo đang chấp hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Tòa án nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, có mặt tại phiên tòa.

3. L, tên gọi khác: không, sinh ngày 10/8/1995 tại Đà Nẵng; Nơi cư trú: Tổ 37 phường H, quận K, thành phố Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng; Nghề nghiệp: Lái xe; Trình độ văn hóa: 8/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông V1 và bà T. Gia đình có 02 anh em, bị cáo là con thứ hai.

Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo đang chấp hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Tòa án nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, có mặt tại phiên tòa.

* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Bà T, sinh năm 1964. Địa chỉ: Số K02/27 đường Đ, phường H, quận K, thành phố Đà Nẵng. Có mặt.

2. Ông V1, sinh năm 1962. Địa chỉ: Số K02/27 đường Đ, phường H, quận K, thành phố Đà Nẵng. Có mặt.

3. Bà N, sinh năm 1979. Địa chỉ: Số K143/2 đường S, phường B, quận C, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt.

4. Ông T1, sinh năm 1966. Địa chỉ: Số K294 đường K, thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

 Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Tháng 4/2018, thông qua mạng Internet, O biết được cách làm hạt nêm, bột ngọt giả các nhãn hiệu nổi tiếng nên O bắt đầu sản xuất, buôn bán hàng giả là hạt nêm Knorr, bột ngọt Aone, bột ngọt Ajinomoto các loại tại địa chỉ số K02/27 đường Đ, phường H, quận K, thành phố Đà Nẵng. O liên lạc mua bao bì giả hạt nêm Knorr, bột ngọt Aone và bột ngọt Ajinomoto của một người tên “Hiếu” (không rõ lai lịch); mua 01 máy ép nhiệt; 02 cái cân; 01 ly nhựa; 01 thau nhựa (không rõ lai lịch người bán). Sau đó, O mua hạt nêm Bếp Việt với giá 465.000đ/1 bao (loại 20kg/bao), bột ngọt “Con tôm” với giá 865.000đ/1 bao (loại 25kg/bao) của chị N đổ vào thau rồi dùng ly xúc vào bao bì giả, cân đúng trọng lượng ghi trên bao bì và dùng máy ép nhiệt dập kín miệng bao để tạo ra sản phẩm hạt nêm Knorr, bột ngọt Aone, bột ngọt Ajinomoto giả. Toàn bộ việc sản xuất hạt nêm, bột ngọt giả do O trực tiếp thực hiện tại tầng 2 nhà số K02/27 đường Đ, thành phố Đà Nẵng. Với mỗi bao hạt nêm Bếp Việt hoặc bột ngọt “Con tôm” đem tiêu thụ hết thì O thu lợi khoảng 70.000đ.

Quá trình O sản xuất, buôn bán hạt nêm Knorr, bột ngọt Aone, bột ngọt Ajinomoto giả, V (chồng của O) và L (em chồng của O) giúp sức cho O, cụ thể: Vác nguyên liệu lên tầng 2 nhà số K02/27 đường Đ, thành phố Đà Nẵng cho O để sản xuất; xếp các gói bột ngọt, hạt nêm thành phẩm do O sản xuất vào bao tải hoặc thùng cacton và đi giao hàng thành phẩm cho tạp hóa T. Đến 09 giờ ngày 09/01/2019, Công an thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công an phường H phát hiện, bắt quả tang. Thu giữ:

- 335 gói thành phẩm hạt nêm Knorr các loại (tên đầy đủ: Hạt nêm Knorr Thịt thăn xương ống & Tủy – Bổ sung Vitamin A, một sản phẩm của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam) gồm: 102 gói loại 55g/gói, 136 gói loại 175g/gói, 30 gói loại 400g/gói, 47 gói loại 900g/gói, 20 gói loại 1,8kg/gói.

- 846 gói thành phẩm bột ngọt A-One các loại (một sản phẩm của Công ty TNHH Saigon Ve Wong) gồm: 495 gói loại 453,6g/gói, 351 gói loại 100g/gói.

- 25 gói thành phẩm bột ngọt Ajinomoto (một sản phẩm của Công ty Ajinomoto Việt Nam) loại 1kg/gói.

- 05 bao hạt nêm nhãn hiệu Bếp Việt loại 20kg/bao.

- 04 bao bột ngọt nhãn hiệu Trung Quốc, có in hình 02 con tôm màu đỏ, loại 25kg/bao.

- 01 máy ép nhiệt bao bì; 02 cái cân; 01 ly nhựa; 01 thau nhựa.

* Tiến hành kiểm tra cửa hàng tạp hóa T (nơi O tiêu thụ hạt nêm Knorr, bột ngọt Aone, bột ngọt Ajinomoto giả) tại số K269/01 đường K, phường C, quận C, thành phố Đà Nẵng do ông T1 làm chủ phát hiện thu giữ:

- 134 gói bột ngọt A-One các loại, gồm: 90 gói loại 100g/gói, 44 gói loại 453,6g/gói.

- 08 gói hạt nêm Knorr các loại, gồm: 04 gói loại 900g/gói, 03 gói loại 400g/gói, 01 gói loại 175g/gói.

* Tại bản kết luận giám định số 09/GĐ-TL ngày 22/02/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Đà Nẵng xác định:

Toàn bộ các mẫu cần giám định (vỏ bao bì hạt nêm Knorr, bột ngọt A-one, bột ngọt Ajinomoto tạm giữ của O) không do cùng một bản in in ra so với các mẫu so sánh (bao bì hạt nêm Knorr, bột ngọt Aone, bột ngọt Ajinomoto chính hiệu).

* Tại chứng thư giám định của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 (QUATEST2) xác định:

- Về mẫu bột ngọt Ajinomoto loại 1kg/gói: Toàn bộ các chỉ tiêu chất lượng đều phù hợp với Giấy tiếp nhận Bản công bố hợp quy số 23989/2014/ATTP- TNCB ngày 04/12/2014 của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế.

- Về mẫu bột ngọt A-one loại 100g/gói và 453,6g/gói: Toàn bộ các chỉ tiêu chất lượng đều phù hợp với Bản tự công bố sản phẩm số 03/TCCB-SVW/2018 ngày 28/5/2018 của Công ty TNHH Saigon Ve Wong.

Theo quy đinh tại Mục 6 ban hành kèm Thông tư số 05/2018/TT-BYT ngày 05/4/2018 của Bộ Y Tế thì bột ngọt A-One và bột ngọt Ajinomoto là “Phụ gia thực phẩm”. Mặc dù qua giám định, bao bì các mẫu bột ngọt do O sản xuất nêu trên là giả nhưng căn cứ chứng thư giám định trên thì các chỉ tiêu chất lượng của các mẫu bột ngọt này đều phù hợp theo tiêu chuẩn. Vì vậy, hành vi này của O là vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 13, 14 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ. Căn cứ Bảng giá do Công ty TNHH Saigon Ve Wong, Công ty Ajinomoto Việt Nam niêm yết và số lượng thành phẩm bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto do O sản xuất bị tạm giữ, xác định:

Giá trị bột ngọt A-One giả các loại tương đương hàng thật cùng loại là: 15.723.439đ.

Giá trị bột ngọt Ajinomoto giả các loại tương đương hàng thật cùng loại là: 1.500.000đ.

Tổng cộng, giá trị bột ngọt giả tương đương hàng thật cùng loại là: 17.223.439đ.

- Về mẫu hạt nêm Knorr:

+ Mẫu hạt nêm Knorr loại 55g/gói và 400g/gói: Có 04/25 chỉ tiêu (gồm: hàm lượng đạm, hàm lượng Carbohydrate, hàm lượng đường, hàm lượng Vitamin A) không phù hợp với Bản xác nhận Công bố phù hợp với quy định An toàn thực phẩm số 35738/2016/ATTP-XNCB ngày 21/12/2016 của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế.

+ Mẫu hạt nêm Knorr loại 175g/gói, 900g/gói và 1,8kg/gói: Có 05/25 chỉ tiêu (gồm: hàm lượng đạm, hàm lượng Carbohydrate, hàm lượng muối (NaCl), hàm lượng đường, hàm lượng Vitamin A) không phù hợp với Bản xác nhận Công bố phù hợp với quy định quy An toàn thực phẩm số 35738/2016/ATTP-XNCB ngày 21/12/2016 của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế.

Tất cả các mẫu Knorr thu được tại cơ sở của O đều không phát hiện Vitamin A, hàm lượng đạm 6,06 – 6,32; trong khi tiêu chuẩn công bố Vitamin A là 0,81- 2,43 (0% so với 70% theo quy định), đạm là ≥ 13 (46,6-48,4% so với 70% theo quy định). Như vậy, Knorr thu được tại cơ sở của O là “Thực phẩm giả” theo điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ (được sửa đổi bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ).

- Căn cứ bảng giá do Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam niêm yết và số lượng thành phẩm hạt nêm Knorr do O sản xuất bị tạm giữ, giá trị sản phẩm hạt nêm Knorr giả tương đương hàng thật cùng loại là: 9.668.000đ.

Ngoài ra, O khai: Từ tháng 4/2018 đến trước ngày bị bắt quả tang, O đã sử dụng 60 bao hạt nêm Bếp Việt (loại 20kg/bao) để sản xuất hạt nêm Knorr giả các loại (tương đương 1.200kg hạt nêm Knorr giả) và đã tiêu thụ hết. Áp giá trị 01 gói hạt nêm Knorr giả loại 1,8kg có giá 112.000đ/gói thì lô hàng 1.200kg hạt nêm Knorr giả sản xuất có giá trị tương đương với hàng thật là 74.666.000đ.

Tổng cộng, O đã sản xuất và bán số lượng hạt nêm Knorr giả các loại có giá trị tương đương hàng thật cùng loại là 74.666.000đ + 9.668.000đ = 84.334.000đ. Tổng số tiền O thu lợi bất chính là: 60 bao x 70.000đ = 4.200.000đ.

* Vật chứng thu giữ do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng chuyển đến bao gồm: - 16 thùng cacton và bao tải màu trắng, bên trong là thành phẩm các loại bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto, hạt nêm Knorr, bên ngoài được niêm phong lại, có chữ ký của O, K và T2.

- 02 thùng cacton bên trong là thành phẩm bột ngọt A-One và hạt nêm Knorr các loại, có chữ ký của T2, T1.

- 04 bao bột ngọt nhãn hiệu Trung Quốc, có in hình 02 con tôm màu đỏ, loại 25kg/bao.

- 05 bao hạt nêm nhãn hiệu Bếp Việt loại 20kg/bao.

- 01 máy ép nhiệt bao bì; 02 cái cân; 01 ly nhựa; 01 thau nhựa.

Số tang vật thu giữ nêu trên hiện đang lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Bản Cáo trạng số 139/CT-VKS ngày 05/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đã truy tố các bị cáo O, V và L về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố Nhà nước tại phiên tòa trình bày luận tội giữ nguyên Cáo trạng truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng:

- Khoản 1 Điều 193, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo O từ 24 tháng tù đến 30 tháng tù.

- Khoản 1 Điều 193, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo V từ 24 tháng tù đến 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

- Khoản 1 Điều 193, điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51, khoản 3 Điều 54, Điều 36 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo L từ 24 tháng đến 30 tháng cải tạo không giam giữ.

Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xử lý vật chứng của vụ án, cụ thể: Tuyên tịch thu tiêu hủy các loại hàng giả thu giữ được và tịch thu nộp ngân sách nhà nước 01 máy ép nhiệt bao bì và 02 cái cân. Buộc bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính 4.200.000đ.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày như sau:

- Ông V1 và bà T trình bày: Ông V1 bà T có cho con trai là V và con dâu là O mượn 01 gian nhà tại số K02/25 đường Đ để làm nơi ở. Trong quá trình bị cáo O làm giả các loại thực phẩm, vợ chồng ông bà có biết và can ngăn nhưng do cả gia đình cũng sử dụng các loại thực phẩm đó nên không nghĩ hành vi của O là vi phạm pháp luật và bị xử lý bằng hình phạt. Gia đình không hiểu quy định của pháp luật nên xảy ra sự việc hôm nay.

- Bà N trình bày: Bà N có bán cho O bột ngọt hiệu Con Tôm và hạt nêm hiệu Bếp Việt. Bà N không biết O sử dụng để sản xuất đóng gói hàng giả. Sản phẩm bột ngọt Con Tôm và hạt nêm Bếp Việt được phép bán ngoài thị trường để sử dụng làm thực phẩm chế biến các món ăn. - Ông T1 trình bày: Ông là chủ đại lý tạp hóa tại Kiệt 294 K, Đà Nẵng. Trong thời gian kinh doanh ông T1 có mua một số sản phẩm bột ngọt và hạt nêm của bà O nhưng ông T1 không biết đó là hàng giả vì sản phẩm có nhãn mác là bột ngọt Aone, Ajinomoto và hạt nêm Knorr.

Các bị cáo nói lời sau cùng: Xin được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình, xã hội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

 Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thu thập đúng trình tự quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê, Điều tra viên cũng như Kiểm sát viên đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật quy định. Các hành vi, quyết đinh tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố là hợp pháp được xem xét để làm cơ sở giải quyết vụ án.

[2] Tại phiên toà hôm nay, các bị cáo O, V và L đã khai nhận toàn bộ sự việc sản xuất, buôn bán mặt hàng giả là bột ngọt Ajinomoto, bột ngọt A - One và hạt nêm Knorr xãy ra tại K02/25 đường Đ, phường H, quận K, thành phố Đà Nẵng. Lời khai nhận của các bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập có trong hồ sơ vụ án. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để xác định: Trong thời gian từ tháng 8.2014 đến ngày 09.01.2019, các bị cáo đã thực hiện hành vi sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và thu lợi bất chính số tiền 4.200.000đ. Hành vi của các bị cáo đã phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” quy định tại Điều 193 của Bộ luật hình sự.

Các bị cáo có đầy đủ năng lực hành vi và nhận thức được rằng việc sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh hợp pháp của các tổ chức kinh tế, xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý kinh tế, mà cụ thể là trật tự quản lý việc sản xuất buôn bán hàng hóa, chống hàng giả của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng do không có ý thức chấp hành pháp luật, muốn có tiền nhanh mà không phải lao động nhiều nên bị cáo O đã cố ý thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong khoảng thời gian từ tháng 4.2018 đến ngày 09.01.2019, bị cáo O đã mua các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm khác gồm hạt nêm Bếp Việt, bột ngọt Con Tôm về sản xuất thành những mặt hàng thương hiệu bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto và hạt nêm Knorr của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam và bán ra thị trường lấy tiền chênh lệch, thu lợi bất chính. Theo quy định của Nhà nước thì bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto là phụ gia thực phẩm còn hạt nêm Knorr là thực phẩm. Qua công tác Giám định của Cơ quan chuyên môn đã xác định toàn bộ các sản phẩm thu giữ về bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto do bị cáo O sản xuất thì các chỉ tiêu chất lượng đều phù hợp theo tiêu chuẩn, chỉ giả về bao bì nhãn mác nên căn cứ Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính Phủ, hành vi của bị cáo O chỉ xử lý hành chính và Công an quận Thanh Khê đang kiến nghị cấp có thẩm quyền làm các thủ tục để xử lý hành chính đối với bị cáo, Hội đồng xét xử không xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto.

Đối với hành vi sản xuất, buôn bán hạt nêm Knorr, Hội đồng xét xử xét thấy, tất cả các mẫu Knorr thu được tại cơ sở của O đều không phát hiện Vitamin A, hàm lượng đạm 6,06 – 6,32; trong khi tiêu chuẩn công bố Vitamin A là 0,81-2,43 (0% so với 70% theo quy định), đạm là ≥ 13 (46,6-48,4% so với 70% theo quy định). Như vậy, Knorr thu được tại cơ sở của O là “Thực phẩm giả” theo điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ (được sửa đổi bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ). Như vậy, với hành vi này, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự cùng các đồng phạm về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”, tội phạm và hình phạt quy định tại khoản 1 điều 193 Bộ luật hình sự.

[3] Cân nhắc vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án đồng phạm này, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Bị cáo O là người thực hành, người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Bị cáo là người liên hệ với chủ đại lý thực phẩm N để mua bột ngọt Con Tôm và hạt nêm Bếp Việt rồi trực tiếp đóng bao bì, hoàn thành sản phẩm và trực tiếp liên hệ các cửa hàng tạp hóa để bán hàng. Chỉ vì lợi ích trước mắt mà bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội. Trong việc sản xuất, buôn bán này, bị cáo thu lợi khoảng 4.200.000đ. Với vai trò cũng như tính chất mức độ của hành vi phạm tội, Hội đồng xét xử thấy cần thiết xử phạt bị cáo mức hình phạt tương xứng, cần cách ly bị cáo một thời gian để giáo dục ý thức pháp luật cho bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.

Trong vụ án đồng phạm này, bị cáo V, là chồng bị cáo O và bị cáo L, em ruột của bị cáo V tham gia với vai trò là người giúp sức. Hai bị cáo biết O sản xuất buôn bán hàng giả nhưng vẫn giúp O một số công việc đơn giản, cụ thể là thỉnh thoảng giúp O khuân vác nguyên liệu lên tầng 2 và đi giao hàng tại các quầy tạp hóa. Tuy vai trò giúp sức không tích cực nhưng hai bị cáo cùng phải chịu trách nhiệm hình sự với bị cáo O về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”, Hội đồng xét xử cũng xem xét hình phạt tương xứng với vai trò và tính chất của hành vi mà các bị cáo đã thực hiện.

[4] Tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, thực sự ăn năn hối cải về hành vi của mình, gia đình các bị cáo có người thân có công với cách mạng được Nhà nước công nhận Liệt sỹ và tặng thưởng Huân, Huy chương. Bị cáo O và bị cáo V là vợ chồng, hiện nay đang nuôi 03 con còn nhỏ, bị cáo O đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính 4.200.000đ nên các bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

[4.1] Hội đồng xét xử xét thấy, bị cáo V tham gia trong vụ án này với vai trò là người giúp sức, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nơi cư trú rõ ràng. Hiện nay, vợ bị cáo là O đang bị tạm giam trong vụ án này trong lúc vợ chồng có 03 con còn nhỏ, bị cáo là lao động chính trong gia đình để nuôi dạy các con chưa thành niên nên Hội đồng xét xử áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo và giao bị cáo về chính quyền địa phương nơi bị cáo cư trú cũng có tác dụng giáo dục đối với bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội.

[4.2] Bị cáo L có nghề chính là lái xe, không hưởng lợi từ việc phạm tội, không thường xuyên giúp sức cho bị cáo O, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và là người giúp sức trong vụ án đồng phạm có vai trò không đáng kể nên Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 54 Bộ luật hình sự để quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn hình phạt của điều luật quy định, căn cứ Điều 36 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo hình phạt cải tạo không giam giữ cũng có tác dụng giáo dục đối với bị cáo.

Do bị cáo thu nhập không ổn định nên Hội đồng xét xử miễn khấu trừ thu nhập đối với bị cáo.

[5] Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo O thu lợi bất chính số tiền 4.200.000đ nên Hội đồng xét xử buộc bị cáo nộp lại số tiền này để nộp ngân sách nhà nước. Bị cáo đã nộp tại biên lai thu số 7273 ngày 25.11.2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

[6] Về xử lý vật chứng:

Các vật chứng vụ án gồm:

- 16 thùng cacton và bao tải màu trắng, bên trong là thành phẩm các loại bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto, hạt nêm Knorr, bên ngoài được niêm phong lại, có chữ ký của O, K và T2; 02 thùng cacton bên trong là thành phẩm bột ngọt A-One và hạt nêm Knorr các loại, có chữ ký của T2, T1; 04 bao bột ngọt nhãn hiệu Trung Quốc, có in hình 02 con tôm màu đỏ, loại 25kg/bao; 05 bao hạt nêm nhãn hiệu Bếp Việt loại 20kg/bao và 01 ly nhựa; 01 thau nhựa. Là những vật không cón giá trị sử dụng nên Hội đồng xét xử căn cứ Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự để tuyên tịch thu tiêu hủy.

- 01 máy ép nhiệt bao bì; 02 cái cân, là công cụ phạm tội nên Hội đồng xét xử tuyên tịch thu nộp ngân sách nhà nước.

[7] Về án phí hình sự sơ thẩm: Mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

 Tuyên bố Các bị cáo O, V và L phạm tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm".

1. Căn cứ: Khoản 1 Điều 193; Điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

- Xử phạt: Bị cáo O 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 23.5.2019.

2. Căn cứ: Khoản 1 Điều 193; Điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự.

- Xử phạt: Bị cáo V 24 (Hai mươi bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 48 (Bốn mươi tám) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo V về UBND phường H, quận K, thành phố Đà Nẵng để theo dõi, giám sát trong thời gian thử thách.

Nếu bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ hai lần trở lên thì Tòa án có thể buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Bị cáo tiếp tục chấp hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến khi có Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Căn cứ: Khoản 1 Điều 193; Điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Khoản 3 Điều 54; Điều 36 Bộ luật hình sự. 

- Xử phạt Bị cáo L 24 (Hai mươi bốn) tháng cải tạo không giam giữ. Thời gian chấp hành hình phạt tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục bị cáo nhận được Quyết định Thi hành án và bản sao bản án.

Giao bị cáo L về UBND phường H, quận K, thành phố Đà Nẵng để giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành án.

Bị cáo được miễn khấu trừ thu nhập trong thời gian chấp hành án và phải thực hiện những nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hánh án hình sự.

Bị cáo tiếp tục chấp hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến khi có Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo O phải nộp lại số tiền 4.200.000đ để nộp ngân sách nhà nước. Bị cáo đã nộp tại biên lai thu số 7273 ngày 25.11.2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

5. Về xử lý vật chứng: Căn cứ Điều 46 Bộ luật hình sự; khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.

* Tuyên tịch thu tiêu hủy: - 16 thùng cacton và bao tải màu trắng, bên trong là thành phẩm các loại bột ngọt A-One, bột ngọt Ajinomoto, hạt nêm Knorr, bên ngoài được niêm phong lại, có chữ ký của O, K và T2.

- 02 thùng cacton bên trong là thành phẩm bột ngọt A-One và hạt nêm Knorr các loại, có chữ ký của T2, T1.

- 04 bao bột ngọt nhãn hiệu Trung Quốc, có in hình 02 con tôm màu đỏ, loại 25kg/bao.

- 05 bao hạt nêm nhãn hiệu Bếp Việt loại 20kg/bao.

- 01 ly nhựa; 01 thau nhựa.

* Tuyên tịch thu nộp ngân sách nhà nước:

- 01 máy ép nhiệt bao bì; 02 cái cân và số tiền 4.200.000đ;

Các vật chứng và số tiền 4.200.000đ hiện đang được tạm giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 21.11.2019 và biên lai thu tiền số 7273 ngày 25.11.2019.

6. Về án phí hình sự sơ thẩm: Các bị cáo O, V và L, mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ.

Án xử công khai, những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Những người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

439
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 131/2019/HSST ngày 25/11/2019 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Số hiệu:131/2019/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Thanh Khê - Đà Nẵng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về