Bản án 131/2018/DS-PT ngày 11/07/2018 về đòi bồi thường thiệt hại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN NHÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 131/2018/DS-PT NGÀY 11/07/2018 VỀ ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Ngày 11 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 54/2018/TLPT-DS ngày 12 tháng 4 năm 2018 về việc "Đòi bồi thường thiệt hại về tài sản". Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 54/2017/DS-ST ngày 29/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa ra vụ án xét xử số: 107/2018/QĐ-PT, ngày 19 tháng 6 năm 2018 giữa các đương sự.

- Nguyên đơn: 1. Ông Nguyễn Văn K, sinh năm 1977 (Có mặt).

Địa chỉ: Ấp P, xã V, huyện G, tỉnh Kiên Giang

2. Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1986 (Có mặt).

Địa chỉ: Ấp V, xã T, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

- Bị đơn: 1. Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1972 (Có mặt).

2. Ông Phan Văn T, sinh năm 1985 (Có mặt).

Cùng địa chỉ: Ấp V, xã T, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

- Người kháng cáo: Bị đơn ông Phan Văn T và ông Nguyễn Văn L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Nguyễn Văn K trình bày: Ông có diện tích đất lúa là 5.200m2 , giáp ranh với đất của ông Nguyễn Văn L và ông Phan Văn T. Vào tháng 02/2016 ông L và ông T tự ý đào vuông tôm, bờ bao không đảm bảo nên để nước mặn rò rỉ qua phần đất của ông và nhiều người khác làm nhiễm mặn. Do đó, 2.000m2 diện tích lúa của ông bị chết nên ông phải xạ lại lần hai, thời điểm được hơn hai tháng thì lúa không phát triển, cây lúa chết dần, phần còn sống thì không trổ bông, cây trổ bông thì bị lép lửng, tổng thiệt hại là 70% diện tích lúa tức khoảng 1.960kg và giá thời điểm đó là 5.000 đồng/1kg. Ông K yêu cầu ông L và ông T phải bồi thường cho ông số tiền 9.800.000 đồng. Trong đó, ông K yêu cầu ông T bồi thường số tiền 6.534.000 đồng và ông L số tiền là 3.266.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm ông K xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện, ông chỉ yêu cầu ông L bồi thường số tiền 1.300.000 đồng vì đất ông L tiếp giáp ít hơn, ông T bồi thường số tiền 3.600.000 đồng.

Nguyên đơn ông Nguyễn Văn Đ trình bày: Ông có diện tích đất trồng lúa là 11.700m2 giáp với đất của ông L, ông T. Khi ông L và ông T nuôi tôm do bờ bao không đảm bảo nên nước bên vuông tôm của ông L rò rỉ trực tiếp qua, còn của ông T thì rò rỉ qua đất ông K rồi từ đất nhà ông K mới ngấm sang đất nhà ông làm 3.000m2 lúa của ông chết phải xạ lại lần hai, lúa không phát triển, cây lúa chết dần, phần còn sống thì không trổ bông, cây trổ bông thì bị lép lửng nên tổng thiệt hại hết 50% diện tích lúa tương đương 3.147kg và giá thời điểm đó là 5.000 đồng/1kg nên ông yêu cầu ông T và ông L bồi thường cho ông số tiền là 15.736.500 đồng. Trong đó, ông L phải bồi thường 11.896.500 đồng, ông T bồi thường 3.840.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm ông Đ xin rút lại một phần yêu cầu khởi kiện đối với ông L, chỉ yêu cầu ông L bồi thường số tiền 10.000.000 đồng và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện đối với ông T.

Bị đơn ông Nguyễn Văn L và ông Phan Văn T trình bày: Do điều kiện ở địa phương làm lúa không trúng mùa nên chúng tôi tự ý chuyển sang nuôi tôm mà không có quy hoạch của địa phương. Ông L thừa nhận nước mặn vuông tôm có rỉ qua đất của ông K, ông Đ một ít. Còn ông T chỉ thừa nhận nước mặn vuông tôm của ông chỉ rỉ qua đất của ông K mà không rỉ qua đất của ông Đ. Do nước mặn chỉ rỉ qua một ít nên không làm ảnh hưởng đến lúa của ông K, ông Đ mà nguyên nhân lúa của ông K, ông Đ chết và mất mùa là do dịch bệnh, sâu rầy, canh tác, gieo sạ không đúng kỹ thuật, nhiễm phèn, do ông K và ông Đ tự ý đưa nước mặn lên cho vịt ăn đồng nên ruộng mới nhiễm mặn. Chỉ có đất của ông K giáp đất với ông L, ông T còn đất của ông Đ không giáp đất của ông T vì cách mẫu đất của ông K nên việc đất của ông Đ bị thiệt hại không có liên quan gì đối với ông T. Ngoài ra, ông L còn trình bày thêm đất của ông giáp ranh với đất của ông Th nhưng đất của ông Th hoàn toàn không có bị thiệt hại. Do đó, ông L và ông T không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của ông K và ông Đ.

Người làm chứng ông Bùi Văn Th 1, ông Đoàn Quốc K, ông Nguyễn Văn Tr trình bày: Đất của các ông không có giáp ranh với đất của ông L, ông T, ông K, ông Đ vì cách mẫu. Ông L, ông T tự ý nuôi tôm vì đất không nằm trong khu quy hoạch nuôi tôm của địa phương là không đúng. Đồng thời, khi ông L và ông T tự ý nuôi tôm nhưng bờ bao của ông L, ông T không đảm bảo kỹ thuận nên nước mặn rò rỉ qua đất của những người giáp ranh trong đó có đất của ông K, ông Đ và gây ra thiệt hại, mất mùa là đúng.

Người làm chứng ông Nguyễn Văn Th trình bày: Ông có đất giáp ranh với đất ông L. Đồng thời, khi ông L, ông T tự ý nuôi tôm nhưng bờ bao của hộ ông L, ông T không đảm bảo kỹ thuật làm nước mặn rò rỉ qua đất của những phần đất giáp ranh trong đó có đất của ông K, ông Đ và gây ra thiệt hại, mất mùa là đúng. Đất của ông cũng có bị thiệt hại nhưng không nhiều như ông K và ông Đ nên ông không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Người làm chứng ông Nguyễn Thanh L, ông Huỳnh Văn Ẩ, ông Phạm Văn M trình bày: Các ông hiện đang công tác tại ấp V, xã T, huyện G, tỉnh Kiên Giang. Về việc ông T và ông L nuôi tôm là tự phát chứ không có nằm trong khu quy hoạch nuôi tôm của địa phương. Mặt khác, khi ông T và ông L tự phát nuôi tôm thì không có báo cho các ông và ban lãnh đạo ấp biết. Đồng thời, khi biết ông T và ông L tự phát nuôi tôm thì các ông có đến lập biên bản xử lý, đến khi xảy ra tranh chấp thì các ông có phối hợp với tổ kỹ thuật xã xuống đo độ mặn và xác định thiệt hại. Các ông xác định lúa của ông K và ông Đ bị thiệt hại là do ông T và ông L tự ý nuôi tôm nên nước mặn rò rỉ qua mới thiệt hại như vậy. Khi ông K và ông Đ thu hoạch lúa có báo chính quyền lãnh đạo ấp là lúa thu hoạch 03 bao/ 1 công tầm 3m nhưng các ông không có đến hiện trạng lập biên bản. Về sản xuất lúa từ khâu chuẩn bị cho đến khi thu hoạch thì chi phí 1 công tầm 3m là 2.000.000 đồng, còn ngày công lao động là 120.000 đồng/ngày/người và giá lúa tại thời điểm vụ hè thu năm 2016 là 4.500 đồng đến 5.000 đồng/kg.

Người làm chứng ông Nguyễn Văn  trình bày: Khu vực đất của ông và ông K, ông Đ, ông T, ông L không thuộc quy hoạch nuôi tôm nên việc ông T và ông L chuyển đổi nuôi tôm là tự phát. Đồng thời, khi ông T, ông L tự phát nuôi tôm thì ông có báo xã thì xã thông báo nếu ai nuôi tôm không đảm bảo cho những hộ kế cận nếu thiệt hại thì phải bồi thường nên khi ông T, ông L nuôi tôm làm cho nước mặn rò rỉ qua đất của ông K, ông Đ nhưng thiệt hại không đáng kể. Còn lúa của ông K, ông Đ thu hoạch vụ hè thu năm 2016 bao nhiêu bao một công thì ông không biết. Về sản xuất lúa từ khâu chuẩn bị xạ cho đến khi thu hoạch thì chi phí 1 công tầm 3m là 2.000.000 đồng, còn ngày công lao động là 120.000 đồng/ngày/người và giá lúa tại thời điểm vụ hè thu năm 2016 là 4.500 đồng đến 4.600 đồng/kg.

Người làm chứng ông Trần Văn B trình bày: Ông L và ông T có tự phát nuôi tôm là đúng còn thiệt hại cho những hộ xung quanh như thế nào ông không biết và ông K, ông Đ thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2016 bao nhiêu bao tôi không để ý nên ông không biết cụ thể như thế nào. Về sản xuất lúa từ khâu chuẩn bị xạ cho đến khi thu hoạch thì chi phí 1 công tầm 3m là 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, còn ngày công lao động là 120.000 đồng/ngày/người và giá lúa tại thời điểm vụ hè thu năm 2016 là 4.500 đồng đến 4.600 đồng/kg.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 54/2017/DS-ST ngày 29/11/2017 Tòa án nhândân huyện G, tỉnh Kiên Giang  quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn K và ông Nguyễn Văn Đ đối với ông Phan Văn T và ông Nguyễn Văn L. Buộc ông Nguyễn Văn L và ông Phan Văn T phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho ông Nguyễn Văn K số tiền 4.900.000 đồng( trong đó ông T bồi thường số tiền 3.600.000đ và ông L bồi thường số tiền 1.300.000đ); Buộc ông L phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho ông Nguyễn Văn Đ số tiền là 10.000.000 đồng.

2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn K và ông Nguyễn Văn Đ đối với ông Phan Văn T và ông Nguyễn Văn L.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, lãi suất chậm trả và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 11 tháng 12 năm 2017, ông Nguyễn Văn L và ông Phan Văn T kháng cáo với nội dung: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm:

- Xem xét lại toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 54/2017/DS-ST ngày 29/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện G theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn K và ông Nguyễn Văn Đ.

- Yêu cầu cấp phúc thẩm làm rõ lúa bị nhiễm mặn ở mức 2/1000 có gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của giống lúa RVT hay không? Trường hợp thiệt hại thì yêu cầu định giá mức độ thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến:

Về việc tuân thep pháp luật tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Thư ký và các đương sự từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm nghị án đã thực hiện và chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của ông Phan Văn T và ông Nguyễn Văn L, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 54/2017/DS-ST ngày 29/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, nguyên đơn, bị đơn và người tham gia tố tụng khác, xét thấy:

[1] Xét về lỗi: Khu vực đất của ông K, ông Đ, ông L và ông T không nằm trong khu Nhà nước quy hoạch nuôi tôm mà là đất sản xuất lúa 2 vụ/năm, nhưng vào tháng 02/2016 ông L, ông T tự ý lên vuông nuôi tôm và bờ bao không đảm kỹ thuật nên khi cho nước mặn vào trong vuông tôm thì nước rò rỉ qua đất của nhiều hộ có đất kế cận, trong đó có ông K và ông Đ bị nhiễm mặn. Từ đó, làm lúa của ông K, ông Đ và những hộ xung quanh bị thiệt hại nhưng lúa của ông K, ông Đ bị thiệt hại nhiều hơn. Cụ thể ông K thiệt hại là 70% diện tích lúa còn ông Đ là 50%. Đồng thời, phải xạ lại lần 02 nhưng thời gian được hơn 2 tháng thì lúa không phát triển, cây lúa chết dần, phần còn sống thì không trổ bông, cây trổ bông thì bị lép lửng nên khi thu hoạch không đạt năng suất mà chỉ có 3 bao/công tầm 3 mét. Việc lúa của ông K, ông Đ bị thiệt hại hoàn toàn do lỗi của ông L, ông T gây nên. Do đó, ông L, ông T phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông K, ông Đ.

[2] Xét về mức độ thiệt hại: Lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm phải thu thập chứng cứ diện tích đất của ông K và ông Đ bị thiệt hại, đồng thời có văn bản hỏi cơ quan chuyên môn ở địa phương để xác định thu hoạch bình quân tại địa phương, giá lúa cũng như chi phí canh tác tác lúa để làm cơ sở giải quyết vụ án nhưng cấp sơ thẩm không thực hiện là có sai sót cần rút kinh nghiệm. Mặc dù, Tòa án cấp sơ thẩm có sai sót trong việc thu thập chứng cứ, tuy nhiên tại phiên tòa các đương sự đều xác định được diện tích đất bị thiệt hại, chi phí sản xuất, giá lúa tại thời điểm thiệt hại và năng suất bình quân trong vùng, đối chiếu với cách tính thiệt hại của cấp sơ thẩm là có căn cứ, cụ thể:

Thiệt hại của ông Đ 9 công x chi phí 2.000.000 đồng/ công = 18.000.000 đồng, khấu trừ thu hoạch thực tế của ông Đ là 5.076.000 đồng (1.080kg lúa x 4.700.000đ/kg = 5.076.000 đồng), như vậy thiệt hại của ông Đ là: 18.000.000 đồng - 5.076.000 đồng = 12.924.000 đồng.

Thiệt hại của ông K 4 công x chi phí 2.000.000 đồng/ công = 8.000.000 đồng, khấu trừ thu hoạch thực tế của ông K là 2.256.000 đồng ( 480kg x 4.700 đồng/kg = 2.256.000 đồng), như vậy thiệt hại của ông K là: 8.000.000 đồng – 2.256.000 đồng = 5.744.000 đồng.

Vậy yêu cầu của ông K, ông Đ thấp hơn nhiều so với thiệt hại thực tế xảy ra nên cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc ông Phan Văn T, ông Nguyễn Văn L phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho ông Nguyễn Văn K số tiền là 4.900.000 đồng (trong đó ông L là 1.300.000 đồng và ông T là 3.600.000 đồng), và ông Nguyễn Văn L phải bồi thường thiệt hại tài sản cho ông Nguyễn Văn Đ số tiền là 10.000.000đ (mười triệu đồng) là có cơ sở.

[3] Xét kháng cáo của ông L và ông T cho rằng về nguyên nhân lúa của ông K, ông Đ bị thiệt hại do dịch bệnh, sâu rầy, canh tác, gieo sạ không đúng kỹ thuật, nhiễm phèn và do bán đồng cho vịt ăn nên ruộng mới nhiễm mặn chứ không phải do bị nước mặn từ vuông tôm của hai ông rò rỉ qua là không phù hợp với thực tế và không phù hợp với lời trình của người làm chứng là ông Th, ông L, ông M, ông Ẩ, ông K và ông T1. Bởi vì, ông Th, ông L, ông M, ông Ẩ, ông K và ông T1 xác định thời điểm xảy ra thiệt hại lúa của ông K, ông Đ ở địa phương không có dịch bệnh, sâu rầy, có bị phèn nhưng xử lý được nên lúa phát triển bình thường. Đồng thời, tại công văn số 07/CV-UBND ngày 26/9/2017 của Ủy ban nhân dân xã T cũng như lời trình bày của ông Nguyễn Mạnh Tr (tổ kỹ thuật xã T) xác định ông L, ông T nuôi tôm ngoài quy hoạch của Nhà nước, tại thời điểm vụ hè thu năm 2016 ở địa phương và khu vực đất của ông K, ông Đ không có bị dịch bệnh hay sâu rầy như ông L và ông T trình bày. Do đó, cấp sơ thẩm buộc ông T và ông L phải bồi thường thiệt hại cho ông K, ông Đ là phù hợp theo quy định của pháp luật.

[4] Từ những phân tích đánh giá trên, sau khi thảo luận, nghị án Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông T và ông L, chấp nhận toàn bộ đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, tuyên giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 54/2017/DS- ST, ngày 29/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

[5] Về án phí

Án phí dân sự sơ thẩm là: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Án phí dân sự phúc thẩm: Ông T và ông L kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí phúc thẩm nhưng được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông Nguyễn Văn L và ông Phan Văn T. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 54/2017/DS-ST, ngày 29/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 11, Điều 584 và Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Nguyễn Văn K và ông Nguyễn Văn Đ đối với bị đơn là ông Phan Văn T và ông Nguyễn Văn L.

Buộc ông Nguyễn Văn L và ông Phan Văn T bồi thường thiệt hại về tài sản cho ông Nguyễn Văn K số tiền 4.900.000đ (Bốn triệu chín trăm nghìn đồng) (trong đó ông T bồi thường số tiền là 3.600.000 đồng và ông L bồi thường số tiền là 1.300.000 đồng).

Buộc ông Nguyễn Văn L bồi thường thiệt hại về tài sản cho ông Nguyễn Văn Đ số tiền là 10.000.000đ (Mười triệu đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của ông Nguyễn Văn K, ông Nguyễn Văn Đ cho đến khi thi hành xong số tiền nêu trên, hàng tháng ông Nguyễn Văn L, ông Phan Văn T còn phải chịu khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015, tương ứng với số tiền về thời gian chậm thi hành án.

2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn K đối với ông Nguyễn Văn L và ông Phan Văn T; Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đ đối với ông Nguyễn Văn L và toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Đ đối với ông Phan Văn T.

3. Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Nguyễn Văn L phải nộp, cụ thể:

Về yêu cầu của ông Nguyễn Văn Đ đối với ông Nguyễn Văn L là: 10.000.000 đồng x 5% = 500.000 đồng và yêu cầu của ông Nguyễn Văn K đối với ông Nguyễn Văn L là 1.300.000 đồng = 300.000 đồng. Tổng công hai khoản ông Nguyễn Văn L phải nộp là 800.000 đồng (Tám trăm nghìn đồng).

Ông Phan Văn T phải nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng).

Ông Nguyễn Văn K được nhận lại số tiền tạm ứng án phí mà ông đã nộp là 245.000 đồng (Hai trăm bốn mươi lăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0001385 ngày 07/11/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Ông Nguyễn Văn Đ được nhận lại số tiền tạm ứng án phí mà ông đã nộp là 393.000 đồng (Ba trăm chín mươi ba nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0001386 ngày 07/11/2016 của Chi cục thi hành án dân sự huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Án phí dân sự phúc thẩm:

Buộc ông Nguyễn Văn L phải nộp số tiền 300.000 đồng nhưng được khấu trừ vàosố tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0000178 ngày 11/12/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Buộc ông Phan Văn T phải nộp số tiền 300.000 đồng nhưng được khấu trừ vàosố tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu tiền số 0000179 ngày 11/12/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (Ngày 11/7/2018).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

919
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 131/2018/DS-PT ngày 11/07/2018 về đòi bồi thường thiệt hại tài sản

Số hiệu:131/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 11/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về