Bản án 122/2017/HS-ST ngày 11/07/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CÀ MAU, TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 122/2017/HS-ST NGÀY 11/07/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 11 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Cà Mau, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 127/2017/TLST-HS, ngày 09 tháng 6 năm 2017 đối với bị cáo:

Họ và tên: Lê Hoàng G (G Đen) – sinh năm: 1991 (có mặt). Đăng ký nhân khẩu thường trú: Ấp S, xã B, thành phố C, tỉnh Cà Mau. Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam;

Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ học vấn: 5/12; Con ông: Lê Văn T; Con bà: Trần Thị Mỹ C; Vợ: Bùi Tuyết S (đã ly hôn); Con: 01 người;

Tiền sự: không;

Tiền án: 01 lần, tại bản án số: 127/2014/HSPT ngày 04/8/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xử phạt Lê Hoàng G 03 năm tù về tội “Cướp giật tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự, chấp hành xong hình phạt tù ngày 03/11/2016.

Bắt tạm giữ ngày: 15/02/2017 và chuyển tạm giam cho đến nay.

Người bị hại: Anh Phan Minh S (Q) – sinh năm: 1990 (có mặt). Địa chỉ: Số 41A, K, khóm 7, phường N, thành phố Y, tỉnh Cà Mau.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ngô Văn Th, sinh năm: 1998 (vắng mặt). Địa chỉ: Ấp S, xã B, thành phố C, tỉnh Cà Mau.

Dương Thanh H, sinh năm: 1992, (vắng mặt).

Địa chỉ: Số 117C, Trương Phùng X, khóm 2, phường B, thành phố C, tỉnh Cà Mau. Cao Văn K, sinh năm: 1985, (vắng mặt).

Địa chỉ: Khóm 7, phường M, thành phố C, tỉnh Cà Mau.

NHẬN THẤY

Bị cáo Lê Hoàng G bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cà Mau truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Khoảng 19 giờ ngày 10/02/2017, Lê Hoàng G, Ngô Văn Th, Vũ Tấn T, Dương Thanh H, Phạm Thùy D cùng ngồi chung bàn nhậu tại quán Hội Ngộ Quán thuộc ấp Đ, xã B, thành phố Cà Mau; phía bàn nhậu bên cạnh của G có Phan Minh S, Cao Văn K, Lê Sơn T, Nguyễn Hoàng L, Lê Tuấn A và H cùng ngồi nhậu. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, K và H kêu Taxi về trước, do bỏ quên điện thoại tại bàn nhậu nên K quay lại lấy điện thoại. Sau khi lấy điện thoại xong, S dìu K ra ngoài do K say rượu. Khi đi ngang bàn nhậu của G thì tay K quơ đụng vào người của H. Lúc này, H đi theo K, G thấy vậy cũng đi theo H. H hỏi “Hai thằng đụng tao rồi bỏ đi hả gì”? S trả lời “Anh ngồi bàn nào cho em xin lỗi”, G nói “Không xin lỗi gì hết” thì G và H đánh K và S bằng tay. Ngô Văn Th nhìn thấy đánh nhau nên từ trong quán chạy ra dùng nón bảo hiểm đánh K và S. Trong lúc đánh nhau, G lấy dao thái lan gây thương tích cho S ở bàn tay. Sau khi gây thương tích cho S, G bỏ dao tại hiện trường và bỏ trốn. Đến ngày 15/02/2017, G đến Công an thành phố Cà Mau đầu thú. Sau khi bị thương tích, S được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ khâu nối và điều trị vết thương từ ngày 11/02/2017 đến ngày 17/02/2017 xuất viện.

Quá trình điều trị, gia đình của G đã bồi thường, khắc phục hậu quả cho S được 6.000.000đ. Nay S yêu cầu bị cáo tiếp tục bồi thường các chi phí điều trị 20.000.000đ,tiền nối gân tay về sau 20.000.000đ, tiền mất sức lao động trong 10 tháng là 60.000.000đ. Tổng các khoản S yêu cầu bị cáo bồi thường 100.000.000đ.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 77/TgT.17 ngày 21/02/2017 của Trung tâm pháp y Thành phố Hồ Chí Minh đối với thương tích của Phan Minh S như sau:

1. Dấu hiệu chính qua giám định:

- Đa vết thương tại bàn tay phải gây đứt gân duỗi ngón III, IV, đứt động mạch gian ngón III, IV, mẻ chỏm xương bàn ngón III (ảnh 1), đã được điều trị nối vi phẫu động mạch, nối gân, khâu các vết thương, nẹp bột, hiện còn:

+ Sẹo tại mu gốc các ngón III, IV, V kích thước 7,2 x 0,1cm (ảnh 2).

+ Sẹo tại lòng bàn tay kích thước 13,5 x 0,15cm (ảnh 3.1) và 4,5 x 0,1cm (ảnh 

3.2)

+ Tê nhiều các ngón III, IV, V do có tổn thương nhánh cảm giác của thần kinh giữa và trụ chi phối các ngón III, IV và ngón IV, V.

+ Hạn chế cử động các ngón tay do thương tích còn mới.

2. Theo Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế quy định tỉ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần:

Tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 26%.

3. Kết luận khác: Các thương tích do vật sắc, vật sắc nhọn gây ra.

Tại cáo trạng số: 122/KSĐT-TA ngày 09 tháng 6 năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cà Mau đã truy tố Lê Hoàng G về tội "Cố ý gây thương tích" theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, Vị kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cà Mau giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử vẫn giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo Lê Hoàng G theo cáo trạng số: 122/KSĐT-TA ngày 09/6/2017 và đề nghị:

Tuyên bố bị cáo Lê Hoàng G phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng Điều 104 khoản 2; Điều 46 khoản 1 điểm b, p; Điều 46 khoản 2; Điều48 khoản 1 điểm g của Bộ luật hình sự: Xử phạt Lê Hoàng G từ 03 năm đến 03 năm 06 tháng tù.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bị hại,

XÉT THẤY

Tại phiên toà, bị cáo G khai nhận: Khi H bị người thanh niên quơ tay trúng thì H khều và nháy mắt với bị cáo đi ra ngoài, sau đó đánh nhau. Trong lúc đánh nhau, có người đánh bị cáo từ phía sau té xuống nên bị cáo tức giận, nhìn thấy con dao của khách đang móc trên xe trong bọc trái cây đâm trúng S một nhát vào tay gây thương tích với tỷ lệ 26%. Sau đó, bị cáo vứt bỏ con dao tại hiện trường rồi bỏ trốn, đến ngày 15/02/2017 ra đầu thú.

Lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người bị hại, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản hỏi cung bị cáo, phù hợp lời khai những người có mặt tại hiện trường, kết luận điều tra, kết luận giám định pháp y về thương tích của S, cũng như các tài liệu, chứng cứ khác thu thập được trong quá trình diễn biến của vụ án. Hành vi của bị cáo là dùng dao, loại dao thái lan sắc, nhọn để gây thương tích cho S, bị cáo thừa hiểu khi dùng loại dao này đâm vào người bị hại sẽ gây thương tích nghiêm trọng, có thể nguy hiểm đến tính mạng của anh S nhưng bị cáo vẫn cố tình thực hiện tội phạm hoàn thành nên hành vi của bị cáo là cố ý và cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự đã quy định. Căn cứ hậu quả thực tế và kết luận giám định pháp y thể hiện: bị cáo đâm anh S bị thương ở tay phải với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 26%; hung khí bị cáo dùng để gây thương tích cho anh S là loại dao thái lan sắc, nhọn được xem là hung khí nguy hiểm; động cơ bị cáo đâm anh S chỉ vì anh K quơ tay trúng tên H nên cho rằng anh K khiêu khích rồi tức giận vô cớ, trong lúc đánh nhau bị cáo dùng dao thái lan đâm anh S là người kè anh K ra ngoài gây thương tích nên Viện kiểm sát truy tố bị cáo theo điểm a là dùng hung khí nguy hiểm, điểm i là có tính chất côn đồ là hoàn toàn có căn cứ pháp luật. Thương tích của anh S nằm trong giới hạn từ 11% đến 30% đồng thời hành vi của bị cáo thực hiện thuộc các điểm a, điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự nên bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự là đúng tội, đúng pháp luật.

Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến sức khoẻ của anh S một cách trái pháp luật, với lỗi cố ý trực tiếp. Bản thân bị cáo biết rõ việc dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người khác là vi phạm pháp luật, có thể dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vì sự tức giận vô cớ mà bị cáo dùng dao đâm anh S, theo giấy chứng nhận thương tích thể hiện đứt lìa các ngón III, IV, V của bàn tay phải. Điều đó chứng tỏ bị cáo bất chấp luật pháp, xem thường sức khoẻ của người khác. Do đó, bị cáo phải gánh chịu hậu quả do chính hành vi mình đã gây ra. Có thể bị cáo không có mục đích mong muốn tước đoạt sinh mạng của người bị hại nhưng bị cáo để mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế hậu quả thương tích anh S được Cơ quan giám định kết luận ở mức 26%, công cụ thực hiện tội phạm là thuộc loại hung khí nguy hiểm.

Với những tình tiết và yếu tố nêu trên, đủ cơ sở kết luận bị cáo đã phạm tội "Cố ý gây thương tích" theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự đúng như Viện kiểm sát đã truy tố.

Hành vi của bị cáo không những đã xâm phạm đến sức khoẻ của anh S mà còn gây mất an ninh trật tự tại địa phương, gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân. Ngoài ra, ngày 04/8/2014 bị cáo bị Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xử phạt 03 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”. Do đó, lần phạm tội này của bị cáo được xem là tái phạm theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

Vì vậy, cần áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi của bị cáo, cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ sức giáo dục và cho bị cáo có thời gian suy ngẫm, cải sửa lỗi lầm của mình đồng thời cũng nhằm bảo đảm tính răn đe, trừng trị của pháp luật và phòng ngừa chung trong xã hội.

Tuy nhiên, xét quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo đã thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn, hối cải; sau khi gây thương tích cho bị hại, bị cáo đã tác động gia đình nộp tiền để khắc phục một phần hậu quả cho người bị hại; sau khi phạm tội, bị cáo ra đầu thú. Do vậy, Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ này đối với bị cáo là phù hợp.

Đối với Ngô Văn Th và Dương Thanh H tuy có tham gia đánh anh K và anh S nhưng việc đánh nhau bằng tay, không gây thương tích cho S và K. Mặt khác, việc bị cáo dùng dao đâm anh S gây thương tích thì H và Th không biết, đồng thời anh K có đơn không yêu cầu xử lý hình sự đối với H và Th, nên ngày 12/5/2017, Công an thành phố Cà Mau đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với H và Th là phù hợp.

Đối với tang vật của vụ án là con dao thái cán màu vàng, lưỡi màu trắng, dài 10cm mà bị cáo dùng để gây thương tích cho anh S, 01 đôi dép màu đen, 01 nón kết màu trắng. Xét thấy không có giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy là phù hợp.

Về trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra và tại phiên toà, người bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường tất cả các chi phí khám, điều trị, tái khám, phẩu thuật, ăn uống, tiền xe là 20.000.000đ, tiền mất sức lao động trong 10 tháng, mỗi tháng 6.000.000đ, tổng cộng 80.000.000đ, được đối trừ khoản tiền gia đình bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả 6.000.000đ. Căn cứ Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 07 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì các khoản chi phí do người bị hại yêu cầu bồi thường là hợp lý, đồng thời phía bị cáo cũng đồng ý bồi thường. Xét thấy, sự tự nguyện thỏa thuận giữa bị cáo và người bị hại trên tinh thần tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật nên được chấp nhận. Riêng khoản tiền chi phí tái khám, nối gân, ghép gân phát sinh về sau, nếu có căn cứ thì người bị hại có quyền yêu cầu bị cáo bồi thường trong một vụ án khác.

Bị cáo phải có nghĩa vụ nộp án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm cógiá ngạch theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Lê Hoàng G (G Đen) phạm tội "Cố ý gây thương tích".

- Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự:

+ Xử phạt bị cáo Lê Hoàng G 03 năm 06 tháng tù. Thời hạn tù được tính kể từ ngày 15/02/2017.

2. Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 584, 590 Bộ luật dân sự; căn cứ Điều 28, 76 Bộ luật tố tụng hình sự:

Chấp nhận sự tự nguyện thỏa thuận giữa bị cáo và người bị hại, theo đó bị cáo Lê Hoàng G có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí cho anh Phan Minh S (Q) tổng số tiền 74.000.000đ.

Kể từ ngày anh S có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị cáo không tự nguyện thi hành xong khoản tiền bồi thường thì hàng tháng phải chịu thêm khoản lãi phát sinh theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật dân sự 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

3. Áp dụng điểm a, c, f, g khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Buộc bị cáo phải chịu 200.000đ án phí sơ thẩm hình sự (chưa nộp). Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, buộc bị cáo phải chịu 3.700.000đ (chưa nộp).

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự cóquyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bị cáo, người bị hại có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

244
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 122/2017/HS-ST ngày 11/07/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:122/2017/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Cà Mau - Cà Mau
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 11/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về