TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 12/2021/HS-PT NGÀY 21/01/2021 VỀ TỘI HỦY HOẠI TÀI SẢN
Ngày 21 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 91/2020/TLPT-HS ngày 05 tháng 11 năm 2020 do có kháng cáo của bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C, Nghiêm Văn P và bị hại Nghiêm Văn T6 đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 28/2020/HS-ST ngày 24/09/2020 của Tòa án nhân dân huyện VB, thành phố Hải Phòng.
Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:
1. Phạm Văn N, sinh năm 1982 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn Kim N, xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn Đ và bà Nguyễn Thị T; có vợ là Nguyễn Thị T1 và 02 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị bắt tạm giam từ ngày 18-4-2020 đến ngày 15-7-2020 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn Bảo lĩnh đến nay; có mặt.
2. Bùi Văn B, sinh năm 1976 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn Kim N, xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Văn X (Đã chết) và bà Nguyễn Thị Đ1; có vợ là Nguyễn Thị T và 04 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28-4-2020 đến nay; có mặt.
3. Nghiêm Văn P, sinh năm 1972 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn Kim N, xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nghiêm Xuân P1 và bà Vũ Thị S; có vợ là Nguyễn Thị T và 03 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28-4-2020 đến nay; có mặt.
4. Phạm Văn C, sinh năm 1971 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn Kim N, xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn H1 và bà Nghiêm Thị N; có vợ là Bùi Thị V và 03 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28-4- 2020 đến nay; có mặt.
5. Bùi Đức D, sinh năm 1972 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn Kim N, xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 02/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Đức T2 (Đã chết) và bà Trần Thị M1; có vợ là Nguyễn Thị Vin và 02 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28-4-2020 đến nay; có mặt.
6. Bùi Văn Đức, sinh năm 1992 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn Kim N, xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bùi Văn Vinh và bà Hoàng Thị Nga; có vợ là Vi Thị H3 và 01 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28-4-2020 đến nay; có mặt.
7. Nghiêm Văn T4, sinh năm 1980 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn Kim N, xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nghiêm Văn P2 (đã chết) và bà Nguyễn Thị B1 (Đã chết); có vợ là Nguyễn Thị P3 và 02 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28-4-2020 đến nay; có mặt.
8. Phạm Văn H4, sinh năm 1974 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn Kim N, xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 3/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn H1 và bà Nghiêm Thị N; có vợ là Vũ Thị Thương và 04 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 28-4-2020 đến nay; có mặt.
9. Phạm Văn C, sinh năm 1987 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn 7, xã Giang Biên, huyện VB, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn C2 và bà Ngô Thị P3; có vợ là Lâm Thị P4 và 02 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 08-5- 2020 đến nay; có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C, Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4, Phạm Văn H4: Ông Trịnh Văn N1 và bà Nguyễn Thị H5 – Luật sư Công ty Luật TNHH Sunrie Việt Nam và Cộng sự thuộc Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng. Ông Nam có mặt, bà Hoa vắng mặt.
Bị hại kháng cáo: Ông Nghiêm Văn T6, nơi cư trú: Thôn Kim N, xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại: Bà Trịnh Thị D3 – Luật sư Văn phòng luật sư Vũ Tùng thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng và ông Phạm Ngọc Hải – Luật sư Công ty Luật hợp danh V.I.P chi nhánh thành phố Hải Phòng. Đều vắng mặt, bà Dương có đơn xin xét xử vắng mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Hoàng Thị X, địa chỉ: Thôn Kim N, xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng. Có mặt.
- Ủy ban nhân dân dân xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng. Người đại diện theo pháp luật: Ông Vũ Trọng Quảng - Chủ tịch UBND xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt do Tòa án không triệu tập.
Người làm chứng:
Ông Phạm Văn Đ; ông Nghiêm Văn Động; ông Nghiêm Văn C4; ông Phạm Văn T5; ông Nghiêm Văn T6; ông Nguyễn Hồng N6; ông Nghiêm Văn T7; ông Vũ Quang T8; ông Nguyễn Văn T9; ông Nguyễn Văn T10; ông Cao Văn U; ông Phạm Văn B5; ông Nguyễn Văn Ê; anh Bùi Quang T11; bà Lương Thị T12; ông Nghiêm Văn H7; ông Nguyễn Xuân Q; ông Phạm Thu B6; ông Phạm Hùng V1; ông Đặng Văn Ư; ông Nghiêm Xuân H7; ông Lương Văn N1; bà Vũ Thị X; ông Trần Văn C6; ông Lương Văn H8; ông Phạm Văn T12; bà Nguyễn Thị T13; bà Hoàng Thị Đ3; ông Nghiêm Minh T13; ông Nguyễn Xuân C; ông Phạm Văn V2; ông Nghiêm Văn H9; anh Trịnh Đức T14; anh Lương Văn T15; ông Phạm Văn H1; đều vắng mặt do Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 08-3-2018, Ủy ban nhân dân xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng (sau đây gọi tắt là UBND xã VA) ký hợp đồng số 01/HĐTĐ cho ông Nghiêm Văn T6, sinh năm 1965 ở thôn Kim N, xã VA, huyện VB thuê thầu đất nông nghiệp (đất công ích 5%), tổng diện tích thuê thầu là 5.300 m² thuộc xứ đồng chiều bãi xóm Kiến Thiết, thôn Kim N, xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng, thời hạn thuê là 05 năm kể từ ngày 08-3-2018 đến ngày 08-3-2023, sản lượng phải trả là 50kg thóc tẻ/360 m²/vụ; mục đích sử dụng đất thuê để dùng vào sản xuất nông nghiệp (cấy lúa và trồng cây ngắn ngày theo mùa, vụ). Sau khi được UBND xã VA giao đất, ông Tuề đã tiến hành đào đắp bờ dài 194 m, rộng 08 m, cao 1,5m, cải tạo đất để tiến hành trồng trọt kết hợp nuôi trồng thủy sản (nuôi con rươi). Đến ngày 11-3-2018, nhân dân xóm Kiến Thiết, thôn Kim N, xã VA đã có đơn kiến nghị UBND xã VA cho rằng việc UBND xã VA giao thầu 5.300 m² đất cho ông Tuề là trái quy định của pháp luật. UBND xã VA đã tiến hành làm việc với nhân dân xóm Kiến Thiết, thôn Kim N về diện tích đất bãi xóm Kiến Thiết, xã VA trong đó có 5.300 m² đất đã cho ông Tuề thuê. Tại các buổi làm việc, UBND xã VA đã yêu cầu ông Nguyễn Xuân Quang, sinh năm 1960 ở thôn Kim N, xã VA, huyện VB là Phó Trưởng thôn phụ trách xóm Kiến Thiết, thôn Kim N, xã VA không được tổ chức đo giao diện tích đất trên khi chưa có sự chỉ đạo của UBND xã VA và kết luận của Thanh tra huyện VB, thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, ngày 27-7-2018, nhân dân xóm Kiến Thiết có sự tham gia của ông Nguyễn Xuân Quang đã tự ý chia diện tích 10.600 m² đất (trong đó có 5.300 m² đất UBND xã VA đã ký hợp đồng cho ông Nghiêm Văn T6 thuê) cho các khẩu trong thôn, mỗi khẩu được 22 m² đất.
Ngày 28-7-2018, Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P, Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4 và Phạm Văn H4 ở xóm Kiến Thiết, thôn Kim N, xã VA đã thuê lại ruộng của 427 khẩu trong thôn được chia ruộng trong 10.600 m² đất trên trong thời hạn 08 năm với số tiền thuê trong 04 năm đầu là 1.000.000 đồng/01 sào, 04 năm sau là 2.000.000 đồng/01 sào.
Ngày 05-8-2018, Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P, Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4 và Phạm Văn H4 (là những người trong số các khẩu được chia đất trên) đã thuê Phạm Văn C, sinh năm 1987 ở thôn 7, xã Giang Biên, huyện VB lái máy xúc để hủy hoại 194m bờ bao mà ông Nghiêm Văn T6 đã xây, đắp trên diện tích 5.300 m² đã thuê của UBND xã VA. Trong quá trình hủy hoại bờ bao, UBND xã VA đã nhiều lần cử cán bộ xuống hiện trường yêu cầu nhóm người trên dừng lại, lập biên bản đình chỉ và bản thân ông Nghiêm Văn T6 cũng trực tiếp ngăn cản nhưng các đối tượng này vẫn tiếp tục thực hiện, hủy hoại toàn bộ 194m bờ bao trên. Sau đó, nhân dân xóm Kiến Thiết gửi đơn đến Ủy ban nhân dân huyện VB cho rằng UBND xã VA giao đất cho ông Tuề là trái quy định của pháp luật. Ông Nghiêm Văn T6 gửi đơn tố cáo 08 đối tượng tại thôn Kim N, xã VA có hành vi hủy hoại tài sản của ông.
Căn cứ vào đơn kiến nghị, tố cáo của các bên, ngày 18-5-2018 Ủy ban nhân dân huyện VB đã ban hành Quyết định số 1256/QĐ-UBND và ngày 13-8-2018 ban hành Quyết định số 2752/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác rà soát, xác minh nội dung kiến nghị của công dân xóm Kiến Thiết, thôn Kim N, xã VA. Ngày 28-9-2018, Ủy ban nhân dân huyện VB đã ban hành Kết luận số 2060/KL-UBND về nội dung kiến nghị của công dân xóm Kiến Thiết, thôn Kim N, xã VA. Xét thấy hành vi của một số công dân xóm Kiến Thiết, thôn Kim N, xã VA có dấu hiệu của tội phạm. Ngày 05-10-2018, Ủy ban nhân dân huyện VB ban hành Công văn số 2112/UBND-TTr giao cho Thanh tra huyện VB chuyển hồ sơ vụ việc trên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện VB xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại bản Kết luận định giá tài sản số 121 ngày 28-12-2018 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự huyện VB kết luận về trị giá tài sản thiệt hại trên diện tích 5300m² mà ông Tuề đã thuê của Ủy ban nhân dân xã VA như sau: “Tiền chi mua phân gà của ông Đặng Văn Ưu 500 bao x 20.000đ = 10.000.000đ. Tiền thuê (khoán trắng) máy xúc của ông Nghiêm Văn C4: 45.000.000đ (ông Cường cho lại ông Tuề 2.000.000đ) còn lại 43.000.000đ. Chi tiền công cải tạo: 29 công x 250.000đ/1công=7.250.000đ. Tiền thuê ông Bùi Đức D cày bừa (khoán trắng): 1.000.000đ. Tiền thuê ông Phạm Hùng Văn chở phân gà: 03 chuyến x 400.000đ/1 chuyến = 1.200.000đ. Tổng số tiền thiệt hại là 62.450.000 đồng (Sáu mươi hai triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng)”.
Ngày 12-8-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện VB có Công văn đề nghị Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự huyện VB xác định rõ trị giá 194m bờ bao mà ông Tuề đã xây, đắp bị hủy hoại. Đến ngày 12-11-2019, Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự huyện VB có Công văn số 24 trả lời: “Căn cứ vào tài liệu do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện VB cung cấp thì ông Nghiêm Văn T6 đã thuê ông Nghiêm Văn C4 dùng máy xúc để đắp bờ bao dài 194m với số tiền đã trả cho ông Cường là 43.000.000 đồng, như vậy trị giá bờ bao của ông Tuề chính là số tiền ông Tuề đã thuê ông Cường dùng máy xúc để đắp lên là 43.000.000 đồng”.
Ngày 10-7-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện VB ra Quyết định trưng cầu giám định đoạn video lưu trong USB do ông Tuề giao nộp. Tại bản Kết luận giám định số 110/KLGĐ ngày 28/7/2019 của phòng Kỹ thuật hình sự Công an thành phố Hải Phòng kết luận: 02 tập tin video có phần mở rộng MOV (trong đó 01 tập tin có dung lượng 1,92 GB và 01 tập tin có dung lượng 950MB) được lưu trong USB nhãn hiệu Kingston, màu đỏ 8GB đã qua sử dụng (Ký hiệu: A) không bị cắt ghép, sửa chữa; trích xuất một số hình ảnh nghi liên quan đến vụ án được lập thành bản ảnh kèm theo.
Ngày 04-12-2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện VB ra Quyết định trưng cầu giám định hình ảnh các đối tượng có trong video do ông Tuề cung cấp. Tại bản Kết luận giám định số 7277/C09-P6 ngày 17/01/2020 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Trong video có xuất hiện hình ảnh của Nghiêm Văn T4, Bùi Đức D, Phạm Văn N, Phạm Văn H4, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn P, Bùi Văn B, Phạm Văn C; không có cơ sở để xác định Phạm Văn C, sinh năm 1987 trong mẫu so sánh với mẫu giám định.
Ngày 20-01-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện VB ra Quyết định trưng cầu giám định bổ sung gửi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an yêu cầu giám định đoạn video gửi giám định có cắt ghép, chỉnh sửa không, trích xuất hình ảnh có liên quan đến vụ hủy hoại tài sản của ông Nghiêm Văn T6, trích xuất chân dung các đối tượng theo kết luận số 7277/C09-P6 ngày 17/01/2020. Tại bản Kết luận giám định số 505/C09-P6 ngày 22/01/2020 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Không phát hiện dấu hiệu cắt ghép, chỉnh sửa trong các tệp video gửi giám định, đã trích xuất các hình ảnh có liên quan đến vụ hủy hoại tài sản của ông Nghiêm Văn T6, đã trích xuất chân dung các đối tượng theo kết luận số 7277/C09-P6 ngày 17/01/2020 trong Phụ lục gồm 09 trang và 01 đĩa CD.
Bản Cáo trạng số 28/CT-VKS ngày 18 tháng 8 năm 2020 Viện kiểm sát nhân dân huyện VB đã truy tố Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P, Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4, Phạm Văn H4 và Phạm Văn C (sinh năm 1987) về tội Hủy hoại tài sản, theo quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P, Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4, Phạm Văn H4 và Phạm Văn C (sinh năm 1987) đều khai nhận và khẳng định: Vào ngày 05-8-2018 đã hủy hoại 194m bờ bao tại khu vực bãi triều thôn Kim N, xã VA của ông Nghiêm Văn T6 đã thuê của UBND xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng. Về dân sự: Các bị cáo đồng ý và đã giao nộp tại Cơ quan điều tra số tiền theo Kết luận định giá là 62.450.000 đồng là số tiền bồi thường thiệt hại cho ông Tuề. Đối với các khoản yêu cầu bồi thường thiệt hại khác, các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Bị hại - ông Nghiêm Văn T6 đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giá trị bờ bao mà các bị cáo đã hủy hoại của ông theo kết quả định giá tài sản là 62.450.000 đồng, nên các bị cáo phải bị truy tố và xét xử theo khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự; đồng thời xử lý nghiêm các bị cáo theo quy định của pháp luật, xem xét việc các bị cáo phạm tội có tổ chức. Về vấn đề dân sự: Ông Nghiêm Văn T6 và vợ là bà Hoàng Thị X yêu cầu các bị cáo phải bồi thường thiệt hại giá trị bờ bao mà Hội đồng định giá đã xác định là 62.450.000 đồng và bồi thường khoản thiệt hại mà gia đình ông không được thu nhập từ con rươi, con cáy do các bị cáo quản lý, sử dụng trái phép diện tích đất ông đã thuê của UBND xã VA từ năm 2018 đến đầu năm 2020, cụ thể: Năm 2018, thu hoạch con cáy (thời gian từ tháng 4 đến tháng 9) là: 32.400.000 đồng, thu hoạch con rươi (từ tháng 9 đến tháng 12) là: 35.000.000 đồng; Năm 2019 thu hoạch con cáy là: 43.200.000 đồng, thu hoạch con rươi là: 134.400.000 đồng; Năm 2020 thu hoạch con cáy là: 43.200.000 đồng; Công nộp đơn khiếu nại 100 ngày x 150.000 đồng/ngày = 15.000.000 đồng; tổng là 303.200.000 đồng (Ba trăm linh ba triệu, hai trăm nghìn đồng).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án - Ủy ban nhân dân xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng đề nghị các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P, Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4 và Phạm Văn H4 phải trả lại diện tích 10.600 m2 đất tại khu vực bãi triều thôn Kim N xã VA mà các bị cáo đã thuê của nhân dân xóm Kiến Thiết (trong đó có 5.300 m2 UBND xã VA đã cho ông Tuề thuê) để UBND xã VA quản lý và giải quyết theo quy định pháp luật đất đai. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt nghiêm đối với các bị cáo, để đảm bảo an toàn trật tự xã hội.
Tại Bản án sơ thẩm số 28/2020/HS-ST ngày 24/9/2020, Tòa án nhân dân huyện VB, thành phố Hải Phòng đã:
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáoPhạm Văn N 15 (Mươi lăm) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản” (Trừ cho Phạm Văn N 02 tháng 27 ngày đã bị tạm giam, từ ngày 18-4-2020 đến ngày 15-7-2020). Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Bùi Văn B 15 (Mười lăm) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Phạm Văn C (sinh năm 1971) 12 (Mười hai) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Nghiêm Văn P 12 (Mười hai) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Bùi Đức D 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại tài sản”.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Bùi Văn Đức 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại tài sản”.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b,i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Phạm Văn H4 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại tài sản”.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Nghiêm Văn T4 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại tài sản”.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáoPhạm Văn C (sinh năm 1987) 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại tài sản”.
Về thiệt hại dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật Hình sự; Điều 13, Điều 584, Điều 585, Điều 587, Điều 589 Bộ luật Dân sự; buộc các bị cáo Phạm Văn N; Phạm Văn C (sinh năm 1971), Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn P, Phạm Văn H4, Nghiêm Văn T4, Bùi Văn B, Bùi Đức D phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho ông Nghiêm Văn T6 và bà Hoàng Thị X số tiền là 61.490.000 đồng, chia phần mỗi bị cáo phải bồi thường 7.686.000 đồng (Bảy triệu sáu trăm tám mươi sáu nghìn đồng). Không chấp nhận yêu cầu của ông Nghiêm Văn T6, bà Hoàng Thị X về việc buộc các bị cáo phải bồi thườngsố tiền là: 241.710.000 đồng (Hai trăm bốn mươi mốt triệu, bảy trăm mười nghìn đồng).
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ nộp án phí, xử lý vật chứng và quyền kháng cáo Bản án.
Sau khi xét xử sơ thẩm, các Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P đều kháng cáo xin hưởng án treo. Bị hại Nghiêm Văn T6 kháng cáo đề nghị xét xử toàn bộ các bị cáo theo khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự, tăng hình phạt và mức bồi thường thiệt hại đối với các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P, cụ thể yêu cầu các bị cáo bồi thưởng tổng số tiền 303.200.000 đồng. Kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C, Nghiêm Văn P và bị hại trong thời hạn luật định nên được xem xét, giải quyết.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo khai nhận như nội dung Bản cáo trạng và Bản án hình sự sơ thẩm. Các bị cáo đã tự nguyện trả lại diện tích đất đang tranh chấp chấp giữa thôn Kim N, xã VA, huyện VB cho UBND xã VA, huyện VB. Bị hại giữ nguyên nội dung kháng cáo.
* Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên thể hiện như sau:
- Về tội danh: Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng và các tài liệu chứng cứ khác nên Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Hủy hoại tài sản” theo khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự là đúng quy định. Chính vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị hại xét xử các bị cáo về tội “Hủy hoại tài sản” theo khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự.
- Về hình phạt: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá đầy đủ hành vi phạm tội, tính chất vụ án, nhân thân, các giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử phạt: Bị cáo Phạm Văn N và Bùi Văn B mỗi bị cáo 15 tháng tù, bị cáo Phạm Văn C (sinh năm 1971) và Nghiêm Văn P mỗi bị cáo 12 tháng tù; bị cáo Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4, Phạm Văn H4 và Phạm Văn C (sinh năm 1987) mỗi bị cáo 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo là phù hợp, thỏa đáng. Do vậy, không chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt đối với các bị cáo nêu trên của bị hại.
Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C và Nghiêm Văn P đã bồi thường thêm cho bị hại mỗi bị cáo số tiền 7.686.000 đồng. Các bị cáo đều đã có đơn trả lại diện tích đất tranh chấp cho UBND xã VA, huyện VB. UBND xã VA, huyện VB có ý kiến: Nếu các bị cáo nhận thức và trả lại diện tích đất tranh chấp cho co UBND xã thì UBND xã không có ý kiến gì về việc các bị cáo được cải tạo ngoài xã hội. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, bị cáo Nghiêm Văn P còn được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971) và Nghiêm Văn P: Sửa bản án sơ thẩm và cho các bị cáo được hưởng án treo.
- Về bồi thường dân sự: Bản án sơ thẩm buộc các bị cáo Phạm Văn N; Phạm Văn C (sinh năm 1971), Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn P, Phạm Văn H4, Nghiêm Văn T4, Bùi Văn B, Bùi Đức D phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho ông Nghiêm Văn T6 và bà Hoàng Thị X số tiền là 61.490.000 đồng, chia phần mỗi bị cáo phải bồi thường 7.686.000 đồng (Bảy triệu sáu trăm tám mươi sáu nghìn đồng). Không chấp nhận yêu cầu của ông Nghiêm Văn T6, bà Hoàng Thị X về việc buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền là: 241.710.000 đồng (Hai trăm bốn mươi mốt triệu, bảy trăm mười nghìn đồng). Tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo Phạm Văn N; Phạm Văn C (sinh năm 1971), Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn P, Phạm Văn H4, Nghiêm Văn T4, Bùi Văn B, Bùi Đức D phải liên đới bồi thường cho bị hại số tiền là 61.490.000 đồng là đúng quy định của pháp luật. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị hại về việc tăng mức bồi thường thiệt hại.
Quan điểm của luật sư bào chữa cho các bị cáo Phạm Văn N; Phạm Văn C (sinh năm 1971), Bùi Văn Đức, Phạm Văn H4, Nghiêm Văn T4, Bùi Văn B, Bùi Đức D:
Các bị cáo phạm tội do xuất phát từ việc nhận thức pháp luật kém. Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo đã nhận thấy hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đã tự nguyện trả lại diện tích đất đang tranh chấp cho UBND xã VA, bồi thường thiệt hại cho bị hại. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Hoàn cảnh các bị cáo khó khăn, gia đình còn cha mẹ già, con nhỏ nên đề nghị Hội đồng xét xử cho các bị cáo được cải tạo ngoài xã hội.
Quan điểm của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại:
Bản án sơ thẩm của TAND huyện VB vẫn chưa làm rõ và đánh giá đúng toàn bộ tính chất của hành vi hạm tội mà các bị cáo đã thực hiện. Do đó hình phạt trong bản án sơ thẩm chưa tương xứng, phù hợp với hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra, trách nhiệm dân sự các bị cáo phải trả cho bị hại là không tương xứng với giá trị tài sản của ông Tuề đã bị hủy hoại, cụ thể:
Các bị cáo có hàn vi bàn bạc, liên kết chặt chẽ và thống nhất trong việc hủy hoại tài sản của ông Tuề nên các bị cáo phải bị xét xử theo điểm a khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự: Phạm tội có tổ chức. Ngoài ra, kết luận định giá không thể hiện đúng giá trị tài sản bị hủy hoại của ông Tuề.
Bản án sơ thẩm kết luận tài sản bị hủy hoại là phần bờ ao dài 194 m do gia đìnhông Tuề tạo lập, trị giá 43.000.000 đồng. Việc xác định thiệt hại như vậy là chưa hợp lý bởi lẽ: Tài sản bị hủy hoại không chỉ có phần bờ bao mà còn bao gồm tất cả phần diện tích nuôi trồng rươi.
Hành vi của các bị cáo là cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo thực hiện tội phạm hủy hoại tài sản có tổ chức nên các bị cáo phải bị xét xử theo khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự. Do đó, các bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự: Phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
- Về tố tụng: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại xin vắng mặt tại phiên tòa do có công tác khác và có gửi bài bảo vệ, do đó Hội đồng xét xử căn cứ vào Điểm b Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự xét xử vụ án theo thủ tục chung.
- Về nội dung:
[1] Xét kháng cáo của bị hại về tình tiết định khung hình phạt: Bị hại đề nghị xét xử các bị cáo theo khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự: Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm Văn N; Phạm Văn C (sinh năm 1971), Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn P, Phạm Văn H4, Nghiêm Văn T4, Bùi Văn B, Bùi Đức D và Phạm Văn C (sinh năm 1987) đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, phù hợp với lời khai của bị hại, những người làm chứng, kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, thể hiện:
[1.1] Ngày 05-8-2018, Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P, Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4 và Phạm Văn H4 đã thuê Phạm Văn C lái máy xúc để phá hủy toàn bộ 194m bờ bao mà ông Nghiêm Văn T6 đã xây, đắp trên diện tích 5.300 m² tại xứ đồng chiều bãi xóm Kiến Thiết, thôn Kim N, xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng đã thuê của UBND xã VA. Trong quá trình phá hủy bờ bao, UBND xã VA đã nhiều lần cử cán bộ xuống hiện trường yêu cầu nhóm người trên dừng lại, lập biên bản đình chỉ và bản thân ông Nghiêm Văn T6 cũng trực tiếp ngăn cản nhưng các bị cáo vẫn tiếp tục thực hiện hành vi phá hủy toàn bộ 194m bờ bao trên.
[1.2] Căn cứ Biên bản định giá tài sản, Công văn trả lời số 24/CV ngày 12- 11-2019 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện VB, xác định giá trị bờ bao dài 194m của ông Tuề là số tiền ông Tuề đã thuê ông Nghiêm Văn C4 dùng máy xúc để đắp lên là 43.000.000 đồng. Các thiệt hại khác gồm tiền mua phân gà, công cải tạo, công cày bừa, công vận chuyển phân gà, có giá trị 19.450.000 đồng là những chi phí đầu tư trong quá trình canh tác, cải tạo đất bãi không mất đi giá trị sử dụng nên không bị hủy hoại. Chính vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P, Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4, Phạm Văn H4 và Phạm Văn C (sinh năm 1987) về tội “Hủy hoại tài sản” theo khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị hại đề nghị xét xử các bị cáo theo khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự.
[2] Xét kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P và kháng cáo tăng hình phạt đối với các bị cáo nêu trên của bị hại ông Nghiêm Văn T6: Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng vai trò tính chất, mức độ hành vi, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, cụ thể:
[2.1] Về vai trò: Đây là vụ án đồng phạm, giữa các bị cáo không có sự bàn bạc, phân công cụ thể, không có sự cấu kết chặt chẽ nên đây là vụ án c ó tính chất đồng phạm giản đơn. Việc bị hại và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại đề nghị xem xét các bị cáo phạm tội có tổ chức là không có căn cứ. Trong vụ án này, Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P, Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4 và Phạm Văn H4 là những người thuê Phạm Văn C (sinh năm 1987) lái máy xúc để san, phá bờ bao của ông Tuề. Mặc dù bị hại và chính quyền địa phương đã nhiều lần ngăn cản nhưng các bị cáo vẫn thực hiện hành vi của mình. Quá trình thực hiện, Phạm Văn N, Phạm Văn C, Nghiêm Văn P, Bùi Văn B giữ vai trò chính là người trực tiếp tìm thuê máy xúc, tiếp đó là các bị cáo Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4, sau cùng là Phạm Văn C (sinh năm 1987). Do đó các bị cáo N, P, C (sinh năm 1971), B phải chịu hình phạt cao hơn các bị cáo khác.
[2.2] Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P, Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4, Phạm Văn H4 và Phạm Văn C (sinh năm 1987) không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại cho rằng: Hành vi của các bị cáo là cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy: Khi bắt đầu thực hiện hành vi phá bờ bao của gia đình ông Tuề đã có sự ngăn cản của chính quyền địa phương và gia đình ông Tuề nhưng các bị cáo vẫn thực hiện việc phá bỏ. Chính vì các bị cáo cố ý thực hiện việc phá bỏ bờ bao nên các bị cáo mới phạm tội “Hủy hoại tài sản”. Trường hợp các bị cáo không tiếp tục thực hiện thì không phạm tội “Hủy hoại tài sản” nên không chấp nhận quan điểm này của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp của bị hại.
[2.3] Các bị cáo bị xét xử theo khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự, nhân thân chưa có tiền án tiền sự nên các bị cáo đều thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Chính vì vậy, không chấp nhận quan điểm của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại cho rằng các bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này. Sau khi phạm tội đã tự nguyện nộp tiền bồi thường thiệt hại để khắc phục hậu quả. Bị cáo Phạm Văn C (sinh năm 1987) tự nguyện nộp số tiền thu lợi bất chính là 13.000.000 đồng. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đều khai báo thành khẩn. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà các bị cáo được hưởng theo quy định tại điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Nghiêm Văn P có thời gian tham gia quân đội nhân dân Việt Nam, có bố đẻ là ông Nghiêm Xuân P1 là thương binh hạng ¾ được tặng thưởng Huân chương C sỹ giải phóng. Các bị cáo Phạm Văn C (sinh năm 1971) và Pham Văn Hào có bố đẻ là ông Phạm Văn H1 được tặng thưởng Huân chương kháng C hạng Nhì. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự mà các bị cáo P, C (sinh năm 1971), Hào được hưởng. Tuy nhiên cũng cần xem xét thái độ, ý thức chấp hành pháp luật của các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C (sinh năm 1971), Nghiêm Văn P, Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4 và Phạm Văn H4 bởi sau khi thực hiện hành vi phạm tội, UBND xã VA đã ra Thông báo yêu cầu các bị cáo phải trả lại diện tích đất đã canh tác sử dụng trái phép tại khu vực bãi chiều để UBND xã VA quản lý.
Chính quyền địa phương đã nhiều lần triệu tập các bị cáo đến làm việc nhưng các bị cáo đều không chấp hành và không thực hiện theo thông báo của UBND xã VA.
[2.4] Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Văn N và Bùi Văn B mỗi bị cáo 15 tháng tù, bị cáo Phạm Văn C (sinh năm 1971) và Nghiêm Văn P mỗi bị cáo 12 tháng tù; bị cáo Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4, Phạm Văn H4 và Phạm Văn C (sinh năm 1987) mỗi bị cáo 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treolà phù hợp, thỏa đáng. Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C và Nghiêm Văn P đã bồi thường thêm cho bị hại mỗi bị cáo số tiền 7.686.000 đồng. Các bị cáo đều đã có đơn trả lại diện tích đất tranh chấp cho UBND xã VA, huyện VB. UBND xã VA, huyện VB có ý kiến: Nếu các bị cáo nhận thức và trả lại diện tích đất tranh chấp cho co UBND xã thì UBND xã không có ý kiến gì về việc các bị cáo được cải tạo ngoài xã hội. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, bị cáo Nghiêm Văn P còn được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt, đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.
[2.5] Xét thấy, tại Kết luận về nội dung kiến nghị của công dân xóm Kiến Thiết, thôn Kim N, xã VA của Ủy ban nhân dân huyện VB (BL 959) thể hiện: Yêu cầu UBND xã VA nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc quản lý đất bãi thôn Kim N, việc triển khai thực hiện kế hoạch, phương án giao khoán diện tích đất bãi cho các hộ nhân dân thôn Kim N nói chung và cơ sở xóm Kiến Thiết nói riêng, việc chưa thông báo công khai, rộng rãi với nhân dân xóm Kiến Thiết trước khi ký hợp đồng và giao đất thầu khoán 5.300 m2 cho ông Nghiêm Văn T6, chưa thực hiện việc khảo sát đo đạc, giao đủ diện tích khoán cho các hộ xóm Kiến Thiết theo kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 25/3/2015, Phương án số 01/PA-UBND ngày 25/4/2015 đã ban hành trước đó, dẫn đến việc cán bộ và nhân dân xóm Kiến Thiết hiểu lầm cho rằng UBND xã đã giao diện tích 68.846m2 trong đó có 10.600m2 cho xóm Kiến Thiết nay lại giao 5.300m2 đất cho ông Nghiêm Văn T6 thuê thầu là giao vào diện tích đã giao cho xóm, từ đó viết đơn khiến nghị gửi UBND huyện”. Xuất phát từ nguyên nhân nêu trên dẫn đến các bị cáo nhận thức không đúng và đã hành vi phạm tội.
[2.6] Trong vụ án này riêng có bị cáo Nghiêm Văn P được bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên khoan hồng cho bị cáo được cải tạo ngoài xã hội. Tuy nhiên, vai trò của bị cáo Nghiêm Văn P cơ bản ngang với vai trò của các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C nên để đảm bảo tính công bằng của pháp luật cần cho các bị cáo còn lại được cải tạo ngoài xã hội như bị cáo Nghiêm Văn P.
[2.7] Ngoài ra, các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C, Nghiêm Văn P đều có tình tiết giảm nhẹ hình phạt mới tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, các bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình, thể hiện thái độ ăn năn hối cải thông qua việc tự nguyện trả lại diện tích đất đang tranh chấp cho UBND xã VA. Để đảm bảo tình hình ổn định trật tự của địa phương, tạo điều kiện cho các bị cáo được trở thành người công dân có ích cho xã hội nên cần áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự cho các bị cáo được hưởng án treo, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
[3] Xét kháng cáo tăng bồi thường thiệt hại của bị hại: Số tiền ông Nghiêm Văn T6 yêu cầu các bị cáo phải bồi thường là 303.200.000 đồng (Ba trăm linh ba triệu, hai trăm nghìn đồng), cụ thể:
[3.1] Thứ nhất: Giá trị bờ bao mà Hội đồng định giá đã xác định là 62.450.000 đồng, bao gồm tiền thuê máy xúc của ông Nghiêm Văn C4 để đắp bờ bao là 43.000.000 đồng; chi phí đầu tư trên đất gồm: Phân gà: 10.000.000 đồng; công cải tạo: 7.250.000 đồng; công cày bừa: 1.000.000 đồng; công vận chuyển phân gà: 1.200.000 đồng.
[3.2] Đối với yêu cầu này, các bị cáo đã tự nguyện bồi thường 62.450.000 đồng (Sáu mươi hai triệu, bốn trăm năm mươi nghìn đồng), gồm giá trị bờ bao là 43.000.000 đồng và 19.450.000 đồng là chi phí đầu tư trên đất nên chấp nhận việc bồi thường này của các bị cáo.
[3.3] Thứ hai: Khoản thiệt hại mà gia đình ông không được thu nhập từ con rươi, con cáy do các bị cáo quản lý, sử dụng trái phép diện tích đất ông đã thuê của UBND xã VA từ năm 2018 đến đầu năm 2020 tổng cộng là 288.200.000 đồng, cụ thể: Năm 2018, thu hoạch con cáy (thời gian từ tháng 4 đến tháng 9) là: 32.400.000 đồng, thu hoạch con rươi (từ tháng 9 đến tháng 12) là: 35.000.000 đồng; Năm 2019 thu hoạch con cáy là: 43.200.000 đồng, thu hoạch con rươi là: 134.400.000 đồng; Năm 2020 thu hoạch con cáy là: 43.200.000 đồng. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, ngoài đơn đề nghị yêu cầu bồi thường và Giấy xác nhận thu mua rươi của bà Lương Thị Thuyên có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã Giang Biên ngày 09-9-2020 cùng các tài liệu trong hồ sơ vụ án, ông Nghiêm Văn T6 không cung cấp được tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh về thiệt hại dân sự. Tuy nhiên, các bị cáo xác định số tiền thiệt hại từ con rươi không được thu hoạch sẽ bán được là 61.490.000 đồng. Do đó, chỉ xác định được thiệt hại từ việc bán rươi là 61.490.000 đồng. Do các bị cáo N, B, C (sinh năm 1971), P, D, Đức, Thao và Hào là những người canh tác thu hoạch rươi trên diện tích 10.600 m2 (trong đó có 5.300m2 ông Tuề đã thuê của UBND xã VA) nên các bị cáo này phải có trách nhiệm liên đới bồi thường tiếp cho ông Tuề, bà Xoan, chia theo phần các bị cáo Phạm Văn N; Phạm Văn C (sinh năm 1971), Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn P, Phạm Văn H4, Nghiêm Văn T4, Bùi Văn B, Bùi Đức D, mỗi bị cáo phải bồi thường cho ông Tuề, bà Xoan là 7.686.250 đồng; làm tròn số là 7.686.000 đồng (Bảy triệu, sáu trăm tám mưới sáu nghìn đồng).
[3.4] Công nộp đơn khiếu nại 100 ngày x 150.000 đồng/ngày = 15.000.000 đồng. Đối với khoản thiệt hại này ông Tuề yêu cầu các bị cáo phải bồi thường không có căn cứ nên không được chấp nhận.
[3.5] Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, các bị cáo Phạm Văn N; Phạm Văn C (sinh năm 1971), Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn P, Phạm Văn H4, Nghiêm Văn T4, Bùi Văn B, Bùi Đức D đã bồi thường đủ cho bị hại số tiền: 61.490.000 đồng, cụ thể: Bị cáo Nghiêm Văn P đã bồi thường trực tiếp cho bị hại số tiền 7.686.000 đồng (theo Giấy biên nhận của bị hại đề ngày 10 tháng 10 năm 2020), các bị cáo Phạm Văn N; Phạm Văn C (sinh năm 1971), Bùi Văn Đức, Phạm Văn H4, Nghiêm Văn T4, Bùi Văn B, Bùi Đức D đã bồi thường cho bị hại số tiền 53.803.750 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện VB.
[3.6] Trong vụ án này, tài sản bị thiệt hại được xác định là tài sản chung của vợ chồng ông Nghiêm Văn T6 và bà Hoàng Thị X nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định chỉ có ông Tuề là bị hại, bà Hoàng Thị X là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là chưa đúng, mà cần xác định ông Tuề và bà Xoan đều là bị hại. Tuy nhiên, đây là tài sản chung của vợ chồng ông Tuề đã có đơn kháng cáo liên quan đến hình phạt, bồi thường thiệt hại nên quyền lợi của ông Tuề, bà Xoan không bị xâm hại. Tuy nhiên, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với Tòa án cấp sơ thẩm trong việc xác định người tham gia tố tụng.
[4] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C, Nghiêm Văn P, không chấp nhận kháng cáo của bị hại và chấp nhận lời đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm: Sửa bản án sơ thẩm, giữ nguyên mức hình phạt đối với các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C, Nghiêm Văn P nhưng cho các bị cáo được hưởng án treo, không chấp nhận kháng cáo của bị hại về tình tiết định khung hình phạt, hình phạt và bồi thường thiệt hại.
[5] Tại Bản án hình sự sơ thẩm của cấp sơ thẩm thể hiện: “Về vật chứng: Căn cứ Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự: Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền là 13.000.000 đồng (Mười ba triệu đồng). Trả lại cho ông Nghiêm Văn T6 số tiền 62.450.000 đồng (Sáu mươi hai triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng)”. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định số tiền 13.000.000 đồng bị cáo Phạm Văn C (sinh năm 1987) nộp lại và số tiền 62.450.000 đồng mà các bị cáo nộp tiền bồi thường cho bị hại là vật chứng của vụ án là không đúng. Số tiền 13.000.000 đồng là số tiền thu lợi bất chính nên cần phải ghi riêng ở phần “Đối với tiền thu lợi bất chính” để xử lý. Đối với số tiền 62.450.000 đồng cần phải được xử lý tại phần bồi thường dân sự là trả lại cho ông Nghiêm Văn T6 và bà Hoàng Thị X. Do bị hại kháng cáo về phần dân sự nên để đảm bảo cho việc thi hành bản án nên Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm liên quan đến việc xử lý số tiền 62.450.000 sẽ được ghi nhận vào mục bồi thường thiệt hại dân sự. Còn số tiền 13.000.000 đồng do không có kháng cáo, kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật, do vậy Hội đồng xét xử rút kinh nghiệm đối với Tòa án cấp sơ thẩm.
[6] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.
[7] Về án phí: Do kháng cáo của các bị cáo được chấp nhận nên các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Đối với kháng cáo về phần hình sự và dân sự của bị hại không được chấp nhận nhưng đây là vụ án không phải khởi tố theo yêu cầu của bị hại nên bị hại Nghiêm Văn T6 và bà Hoàng Thị X phải nộp án phí dân sự sơ thẩm về phần yêu cầu bồi thường không được chấp nhận và ông Nghiêm Văn T6 phải án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự: Sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C, Nghiêm Văn P, không chấp nhận kháng cáo của bị hại.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Văn N 15 (Mươi lăm) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách án treo là 30 tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Bùi Văn B 15 (Mươi lăm) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách án treo là 30 tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Phạm Văn C (sinh năm 1971) 12 (Mười hai) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách án treo là 24 tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Nghiêm Văn P 12 (Mười hai) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản” nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách án treo là 24 tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Bùi Đức D 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại tài sản”. Thời gian thử thách là 18 (mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Bùi Văn Đức 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại tài sản”. Thời gian thử thách án treo là 18 (Mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b,i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Phạm Văn H4 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại tài sản”. Thời gian thử thách án treo là 18 (Mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Nghiêm Văn T4 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại tài sản”. Thời gian thử thách án treo là 18 (Mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao các bị cáo Phạm Văn N, Bùi Văn B, Phạm Văn C, Nghiêm Văn P, Bùi Đức D, Bùi Văn Đức, Nghiêm Văn T4, Phạm Văn H4 cho Ủy ban nhân dân xã VA, huyện VB, thành phố Hải Phòng giám sát giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo.
- Căn cứ khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 của Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáoPhạm Văn C (sinh năm 1987) 09 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Hủy hoại tài sản”. Thời gian thử thách án treo là 18 (Mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Phạm Văn C cho Ủy ban nhân dân xã Giang Biên, huyện VB, thành phố Hải Phòng giám sát giáo dục trong thời gian chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo.
Trong trường hợp người được hưởng án treo, thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
2. Về bồi thường thiệt hại dân sự: Ông Nghiêm Văn T6 và bà Hoàng Thị X được nhận lại số tiền 62.450.000 đồng (Sáu mươi hai triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng) (Theo Biên lai thu tiền số AA/2010/8174 ngày 19/8/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện VB) và số tiền 53.803.750 đồng (Năm mươi ba triệu tám trăm linh ba nghìn B trăm năm mươi đồng) (Theo Biên lai thu tiền số AA/2010/8193 ngày 19/01/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện VB).
3. Về án phí: Căn cứ Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự, căn cứ Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án:
Ông Nghiêm Văn T6 và Hoàng Thị X phải chịu 12.085.500 đồng (Mười hai triệu không trăm tám mươi lăm nghìn năm trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Ông Nghiêm Văn T6 phải nộp 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.
4. Các quyết định khác của Bản án số 28/2020/HS-ST ngày 24/9/2020 của Toà án nhân dân huyện VB, thành phố Hải Phòng có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 12/2021/HS-PT ngày 21/01/2021 về tội hủy hoại tài sản
Số hiệu: | 12/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 21/01/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về