Bản án 12/2019/HNGĐ-PT ngày 28/03/2019 về tranh chấp quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 12/2019/HNGĐ-PT NGÀY 28/03/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN CHĂM SÓC, NUÔI DƯỠNG CHA

Trong ngày 27 và 28 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 06/2019/TLPT-HNGĐ ngày 08 tháng 01 năm 2019 về việc “Tranh chấp quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha”.

Do bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số: 275/2018/HNGĐ-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 02/2018/QĐ-PT ngày 11 tháng 02 năm 2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Nguyễn Văn S, sinh năm 1977

Địa chỉ: Ấp Lung C, xã Định T, huyện Đông H, tỉnh Bạc Liêu.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh S: Luật sư Trịnh Thanh L - Văn phòng Luật sư Trịnh Thanh L thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau.

- Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Q, sinh năm 1962

Địa chỉ: Ấp T, xã Tân Đ, huyện Đ, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện hợp pháp của ông Q: Chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1974.

Địa chỉ: Khóm 5, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Cà Mau (Văn bản ủy quyền ngày 25/02/2019).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Trần Mỹ L, sinh năm 1958;

2. Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1979;

Cùng địa chỉ: Ấp Lung C, xã Định T, huyện Đông H, tỉnh Bạc Liêu.

3. Bà Đoàn Thị U, sinh năm 1963.

Địa chỉ: Ấp T, xã Tân Đ, huyện Đ, tỉnh Cà Mau.

- Người kháng cáo: Anh Nguyễn Văn S – Nguyên đơn.

Tất cả các đương sự có mặt, riêng anh T vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Nguyên đơn ông Nguyễn Văn S trình bày:

Anh là con ruột của ông Nguyễn Văn P. Do quá trình chung sống với mẹ anh là bà Trần Mỹ L, cha anh bị bệnh tâm thần nên cha mẹ phải sống ly thân. Khi lớn lên anh biết được cha anh do chú ruột là ông Nguyễn Văn Q nuôi dưỡng nên năm 2003, 2005 đến rước về nuôi dưỡng mỗi lần khoảng 5-6 tháng thì bị gia đình ông Q tổ chức bắt lại. Sau đó ông P ở với ông Q cho đến nay, hiện tại ông P đang bị bệnh thần kinh, sức khỏe yếu nên anh yêu cầu ông Q giao ông P lại cho anh trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.

- Đại diện theo ủy quyền của ông Q chị Nguyễn Thị T trình bày:

Ông Nguyễn Văn P bị bệnh thần kinh hơn 40 năm nay và từ trước đến nay do vợ chồng ông Q và mẹ ông Q nuôi dưỡng. Khi mẹ ông Q chết thì ông Q tiếp tục nuôi dưỡng ông P chu đáo cho đến nay. Hiện nay ông P được Nhà nước trợ cấp hàng tháng các chế độ thương binh, chất độc hóa học và trợ cấp người nuôi dưỡng hơn tổng cộng là 8.441.000 đồng. Từ khi anh S biết được ông P được trợ cấp số tiền lớn như vậy hàng tháng nên đến năm 2015 anh S kiện ông Q yêu cầu giao ông P cho anh nuôi dưỡng chứ thật sự anh S không thương ông P. Và thực tế nhiều năm nay anh S và mẹ anh S không đến trông nom, nuôi dưỡng ông P. Do đó ông Q không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của anh S. Trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu của anh S thì vợ chồng ông yêu cầu anh S trợ cấp trong thời gian vợ chồng ông nuôi dưỡng ông P mỗi tháng 1.515.000 đồng từ năm 1995 đến năm 2014 là 20 năm với số tiền 363.000.000 đồng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Đoàn Thị U trình bày:

Từ năm 1992 đến nay vợ chồng bà là người trực tiếp nuôi dưỡng ông P, đến năm 2015 thì ông P mới được nhà nước trợ cấp tiền. Khi mẹ chồng bà chết thì có căn dặn vợ chồng bà phải nuôi dưỡng ông P nên vợ chồng bà yêu cầu được tiếp tục nuôi dưỡng ông P đến khi ông P chết. Còn yêu cầu phản tố của ông Q bà đồng ý.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Mỹ L trình bày:

Bà với ông P chung sống với nhau đầu năm 1976, không đăng ký kết hôn, đến năm 1978 do ông P đánh đập bà nên bà về ở với mẹ của của bà cho đến nay. Bà với ông P có hai người con là Nguyễn Văn S và Nguyễn Văn T. Bà và các con vẫn tới lui thăm ông P, năm 2003 mẹ con bà rước ông P về nuôi khoảng 5 - 6 tháng thì người nhà ông Q lên bắt ông P về đến nay nên từ đó mẹ con bà mới ít tới lui thăm ông P.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Văn T trình bày:

Anh là con ruột của ông Nguyễn Văn P với bà Trần Mỹ L. Anh thống nhất với yêu cầu của anh S về việc yêu cầu ông Q giao ông P lại cho anh S nuôi dưỡng, anh không có tranh chấp với anh S việc nuôi dưỡng cha.

Tại bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số: 275/2018/DS-ST ngày 30/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ quyết định:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 71 Luật hôn nhân gia đình; khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

Bác yêu cầu của anh Nguyễn Văn S về việc yêu cầu ông Nguyễn Văn Q và bà Đoàn Thị U giao ông Nguyễn Văn P cho anh chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án, án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 13/12/2018 anh Nguyễn Văn S có đơn kháng cáo với nội dung yêu cầu sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh.

Tại phiên tòa:

Anh S giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và kháng cáo. Anh S mong muốn được nuôi cha. Trước đây cha anh ở với bà nội, khi bà qua đời, lúc này anh S trưởng thành nên cách nay khoảng 15 năm, từ năm 2003 anh đã đưa cha về nhà nuôi, do ông Q xin đưa ông P về để dự lễ và sau đó viện các lý do không cho anh đón ông P và cũng từ năm 2003 đến nay anh liên tục yêu cầu được nuôi cha và được thân tộc đồng ý nhưng ông Q không đồng ý. Anh S chỉ muốn sống gần cha để có điều kiện chăm sóc, anh đồng ý giao toàn bộ các chế độ tiền lương của ông P để cho ông Q nhận.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh S: Yêu cầu chấp nhận nội dung khởi kiện và nội dung kháng cáo của anh S.

Bị đơn, bà U trình bày: Khi mẹ chồng bà là cụ Lê Thị T qua đời có ủy quyền lại đất vuông cho vợ chồng bà, hiện tại ông Q đứng tên quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản, cho nên vợ chồng bà nuôi ông P theo lời căn dặn của cụ T. Ngoài ra, vợ chồng bà cũng có tình thương với ông P vì nhiều năm qua sống cùng nhau. Bà không đồng ý giao ông P cho anh S.

Đại diện Viện kiểm sát nhân tỉnh Cà Mau phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử tiến hành đúng theo quy định của pháp luật tố tụng và các đương sự cũng chấp hành đúng với quyền và nghĩa vụ của các đương sự được pháp luật quy định.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, được xem xét tại phiên tòa;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Xét yêu cầu kháng cáo: Anh S yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng cha ruột là ông Nguyễn Văn P. Qua xem xét toàn bộ những chứng cứ, nhận thấy: Ông P và bà Trần Mỹ L chung sống với nhau từ năm 1976, theo như bà L trình bày do bị ông P đánh đập nên bà bỏ về nhà cha mẹ ruột sinh sống từ năm 1978 cho đến nay. Đối với ông P bị bệnh, hạn chế khả năng nhận thức, các sinh hoạt cá nhân không tự chủ được mà phải nhờ người thân giúp đỡ. Từ sau khi bà L không chung sống với ông P thì ông P ở cùng với mẹ ruột là cụ Lê Thị T và vợ chồng ông Nguyễn Văn Q, bà Đoàn Thị U (ông Q em ruột ông P). Năm 1995, cụ T qua đời có để lại quyền sử dụng đất cho ông Q quản lý để nuôi dưỡng ông P. Thời gian qua vợ chồng ông Q nuôi dưỡng, chăm sóc ông P, nay ông Q yêu cầu được tiếp tục nuôi dưỡng, yêu cầu này là chính đáng và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu như để cho vợ chồng ông Q tiếp tục chăm sóc ông P thì sẽ không được thuận tiện, vì hiện tại gia đình ông Q chỉ có vợ chồng ông Q sống cùng nhà với ông P (được Ủy ban nhân dân xã xác nhận gia đình ông Q có 05 người nhưng 03 người con, có 02 người lập gia đình ở riêng khác xã, 01 người con có vợ đi làm ở Bình Dương khoảng 10 năm nay), vợ chồng ông Q cũng lớn tuổi cho nên việc chăm sóc ông P sẽ gặp không ít khó khăn, vất vả. Trong khi đó ông P có hai người con ruột, cấp sơ thẩm xác minh về điều kiện kinh tế, về phẩm chất đạo đức của anh S thì đảm bảo mọi điều kiện nuôi cha; bà L và ông P tuy không sống cùng nhau nhưng bà vẫn không lập gia đình mà mấy mươi năm qua một mình nuôi hai con, hiện bà ở chung với anh S. Xét về tình và lý thì anh S là con ruột trực tiếp nuôi, chăm sóc cho ông P là phù hợp với đạo lý và phù hợp với quy định pháp luật, vì sức khỏe của ông P ngày giảm sút thì cần phải có sự chăm sóc đặc biệt của con cái phù hợp với nội dung tại Công văn số 99/LĐTB-XH ngày 15/7/2018 của Phòng lao động Thương binh xã hội huyện Đ là: “Hiện nay ông P thường xuyên bị bệnh tật, không tự chăm sóc được, cuộc sống ông P hiện nay cần có người kế cận chăm sóc hàng ngày, việc yêu cầu chăm sóc cha của ông S là chính đáng”. Cấp sơ thẩm áp dụng pháp luật khoản 2 Điều 71 của Luật hôn nhân và gia đình để xét xử nhưng lại không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Theo khoản 2 Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình quy định:“Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật...”; biên bản họp thân tộc ngày 30/3/2018 có đại diện chính quyền ấp T tham dự thể hiện nội dung đồng ý để anh S nuôi ông P. Đối với anh S có đầy đủ điều kiện nuôi cha và theo như anh S trình bày thì từ năm 2003 anh S đã đưa ông P về nhà nuôi nhưng sau đó ông Q xin rước về với lý do để ông P dự lễ và sau đó hứa hẹn không giao lại ông P cho anh S, và từ đó đến nay anh S đã gửi đơn yêu cầu để được nuôi cha đến chính quyền ấp nhưng không được chấp nhận, đến năm 2015 tiếp tục yêu cầu để được nuôi cha và năm 2016 hồ sơ được chuyển đến Tòa án huyện. Như vậy, khi anh S trưởng thành từ những năm 2003 cho đến nay anh S đã liên tục yêu cầu được nuôi cha. Việc ông Q cho rằng anh S vì tiền lương của ông P mới yêu cầu là không có căn cứ, bởi vì tại phiên tòa phúc thẩm anh S đồng ý để lại các chế độ tiền lương của ông P cho ông Q nhận đến khi ông P qua đời. Ngoài ra, tại cấp sơ thẩm ông Q, bà U có đơn yêu cầu phản tố có nội dung: ..Tôi thấy mệt mỏi, công sức đã cạn kiệt, đất đai không còn chỉ vì lo trị bệnh cho ông P. Theo quy định pháp luật nếu giao ông P cho S nuôi thì đồng ý. Nhưng anh S phải giao cho vợ chồng ông số tiền 363.600.000 đồng. Qua yêu cầu này chứng tỏ vợ chồng ông Q cũng đã mệt mỏi về việc nuôi ông P nhưng vì tình thương và cũng có thực hiện theo lời căn dặn của cụ T. Hội đồng xét xử ghi nhận tình thương, trách nhiệm của vợ chồng ông Q về việc chăm sóc, nuôi dưỡng ông P. Nhưng nếu giao ông P cho con ruột nuôi dưỡng thì cũng đảm bảo được tình thương, trách nhiệm và đúng với quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho anh em của anh S có được thời gian sống gần bên cha ruột của mình. Vì vậy, yêu cầu được trực tiếp nuôi cha của anh S được chấp nhận.

[2]. Từ những phân tích trên, chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của anh S, sửa bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số: 275/2018/HNGĐ-ST ngày 30/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Cà Mau.

[3]. Đối với yêu cầu phản tố: Bị đơn yêu cầu nguyên đơn phải giao số tiền 363.600.000 đồng. Cấp sơ thẩm không đặt ra xem xét, đương sự không kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn không đặt ra yêu cầu này, nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[4]. Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau: Đề nghị không chấp nhận kháng cáo, nhưng Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn như những căn cứ đã phân tích ở trên.

[5]. Ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn được chấp nhận.

[6]. Về án phí Án phí sơ thẩm: Do sửa bản án nên sửa về án phí sơ thẩm. Anh S không phải chịu án phí sơ thẩm, đã nộp tạm ứng án phí 300.000 đồng được nhận lại.

Vợ chồng ông Q, bà U phải chịu án phí sơ thẩm 300.000 đồng; đã nộp tiền tạm ứng phí 9.090.000 đồng, đối trừ 300.000 đồng, được nhận lại 8.790.000 đồng.

Án phí phúc thẩm: Anh S không phải chịu, đã nộp tạm ứng 300.000 đồng được nhận lại toàn bộ.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận toàn bộ nội dung kháng cáo của anh Nguyễn Văn S.

Sửa bản án sơ thẩm số: 275/2018/HNGĐ-ST ngày 30-11-2018 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Cà Mau.

Tuyên xử:

1.Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh Nguyễn Văn S về tranh chấp quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha.

Buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn Q, bà Đoàn Thị U giao ông Nguyễn Văn P là cha ruột của anh S cho anh S có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng.

2. Về chi phí trưng cầu giám định: Anh Nguyễn Văn S chịu 2.100.000 đồng, đã nộp đủ.

3. Về án phí:

- Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Q, bà U phải chịu 300.000 đồng, đã nộp tạm ứng án phí 9.090.000 đồng tại Biên lai thu tiền số 0010437 ngày 28/9/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ được đối trừ và được nhận lại 8.790.000 đồng.

- Án phí sơ thẩm và phúc thẩm anh S không phải chịu. Đã nộp tạm ứng 300.000 đồng tại Biên lai thu tiền số 0009962 ngày 31/5/2018 và 300.000 đồng tại Biên lai thu tiền số 0008832 ngày 13/12/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Cà Mau được nhận lại.

Các quyết định khác của án sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1218
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 12/2019/HNGĐ-PT ngày 28/03/2019 về tranh chấp quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha

Số hiệu:12/2019/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Cà Mau
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 28/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về