Bản án 12/2019/DS-ST ngày 19/11/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NGHĨA HÀNH, TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 12/2019/DS-ST NGÀY 19/11/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Trong các ngày 14 và ngày 19 tháng 11 năm 2019, tại phòng xử án Tòa án nhân dân huyện R, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 04/2019/TLST-DS ngày 25 tháng 3 năm 2019 về việc: “Tranh chấp về thừa kế tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 13/2019/QĐXXST-DS ngày 22/10/2019 của Toà án nhân dân huyện R, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Ngô Văn C, sinh năm: 1966.

Địa chỉ: Thôn Q, xã E, huyện R, tỉnh Quảng Ngãi.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Ông Nguyễn Đăng Phan - Luật sư, Văn phòng luật sư Nguyễn Đăng Phan, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ngãi.

2. Bị đơn: ông Ngô Ngọc H, sinh năm: 1969

Địa chỉ: Thôn Q, xã E, huyện R, tỉnh Quảng Ngãi

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1 Vợ và các con của ông Ngô T, gồm:

Anh Ngô Hoài T1, sinh năm: 1982;

Chị Ngô Thị Huyền T2, sinh năm: 1987. Anh Ngô Quốc T3, sinh năm: 1991.

Chị Ngô Thị Ngọc T4, sinh năm: 1992 Bà Đoàn Thị L, sinh năm 1952.

Đều có địa chỉ: Khu 24, thôn Y, xã U, huyện I, tỉnh Quảng Ngãi.

3.2. Ông: Ngô Văn V, sinh năm: 1954

3.3. Bà Ngô Thị N, sinh năm: 1965

3.4. Bà Mai Thị C1, sinh năm: 1964

3.5. Bà Trần Thị Kim C2, sinh năm: 1969

Đều có địa chỉ: Thôn Q, xã E, huyện R, tỉnh Quảng Ngãi.

3.6. Bà Ngô Thị M, sinh năm: 1958

3.7. Anh Trịnh Ngọc H1, sinh năm: 1983.

3.8. Chị Cao Thị Kiều L1, sinh năm 1990

Đều có địa chỉ: Thôn Z, xã U, huyện I, tỉnh Quảng Ngãi.

3.9. Ông Ngô Đình T5, sinh năm: 1969.

Địa chỉ: Thôn X, xã A, huyện S, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông C, ông H, ông V, ông Phan, ông T5, bà N, bà C1, bà M, chị T4, anh T1, anh T3: có mặt tại phiên tòa.

Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà L, bà Chi, anh H1, chị L1, chị T2: vắng mặt và có văn bản đề nghị xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

*Theo đơn khởi kiện, các bản tự khai, phiên hòa giải và tại phiên tòa nguyên đơn ông Ngô Văn C trình bày:

Cha ông là cụ Ngô A1 (chết năm 1995), mẹ ông là cụ Bùi Thị T6 (chết năm 2012) có 07 người con gồm: Ngô T (chết năm 2006, chết trước bà T6),Ngô Văn V, Ngô Thị M, Ngô Thị N, Ngô Văn C, Ngô Đình T5 và Ngô Ngọc H.Ngoài ra không có con nuôi, con riêng.

Nguồn gốc di sản: Trước năm 1975 cha mẹ có tạo lập được một mảnh vườn tại thửa đất cát, tờ bản đồ xóm thuộc thôn Q, xã E, huyện R. Cha mẹ đã sinh sống và làm ăn trên thửa đất trên. Đến năm 2001 được UBND huyện R cấp giấy chứng nhận quyền sử đất số 01476 với diện tích là 950m2 thửa đất cát, tờ bản đồ xóm tại xã E, huyện R, tỉnh Quảng Ngãi. Cha chết năm 1995 không để lại di chúc. Lúc mẹ còn sống vào tháng 02/2012 có họp gia đình chia mảnh vườn ra làm 03 phần cho vợ chồng ông C 01 phần, Ngô Ngọc H 01 phần và 01 phần để cho mẹ. Phần đất của mẹ giao cho vợ chồng Ngô Văn C, M Thị C1 được quyền quản lý, sử dụng để nuôi mẹ đến cuối đời. Năm 2012 khi mẹ đau nặng cần tiền để lo thuốc thang nên anh C đã bán phần đất của mẹ giao cho anh để lấy tiền lo thuốc thang cho mẹ. Bán cho cháu ruột là Trịnh Ngọc H1 với số tiền là 65.000.000 đồng. Hiện trên phần đất chia cho anh C thì anh C đã làm nhà, phần đất cho anh H thì vợ chồng anh H đã làm nhà. Phần đất anh C bán cho cháu H1 thì cháu H1 đã đổ đất nâng nền và làm chuồng bò. Vì anh H và anh V, chị N không đồng ý cho cháu H1 làm nhà trên đất đã mua nên có tranh chấp. Gia đình đã hòa giải nhưng không đạt được ý muốn nên anh C gởi đơn đến Tòa án để yêu cầu chia thừa kế là quyền sử dụng đất của cha mẹ để lại theo pháp luật. Anh C yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất cho 07 người con. Trong đó có 03 anh chị em là vợ và các con ông Ngô T, chị M, và anh T5 đồng ý để lại phần thừa kế được hưởng cho anh. Vậy tổng cộng anh nhận 04 phần. Và anh C yêu cầu cấn trừ chi phí anh nuôi dưỡng mẹ, thuốc thang đau ốm và mai tang phí cho mẹ vào di sản thừa kế. Tổng cộng chi phí anh C yêu cầu là 113.000.000 đồng. Anh yêu cầu được nhận bằng đất.

Tại phiên tòa anh C thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, anh C thay đổi yêu cầu về phần chi phí thuốc men, mai táng. Anh C chỉ yêu cầu cấn trừ vào di sản thừa kế trước khi chia thừa kế với chi phí là 41.000.000 đồng và anh yêu cầu chia và nhận bằng hiện vật là bằng một kỷ phần thừa kế.

Về số tiền 65.000.000 đồng anh nhận tiền bán đất của Trịnh Ngọc H1, tài sản của anh H1, chị L1 trên đất ông C và anh H1 đã thỏa thuận và giải quyết xong nên không yêu cầu Tòa án giải quyết.

*Bản tự khai ngày 09/4/2019, các biên bản lấy lời khai của đương sự, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa bị đơn anh Ngô Ngọc H trình bày:

Về quan hệ huyết thống, nguồn gốc đất anh thống nhất như lời trình bày của anh Ngô Văn C.

Lúc mẹ còn sống có phân chia đất làm 03 phần gồm: cho vợ chồng anh C 01 phần, anh H một phần còn mẹ một phần. Phần của mẹ, mẹ ở cùng với vợ chồng anh C nên giao lại cho vợ chồng anh C quản lý, sử dụng để nuôi mẹ đến cuối đời. Nhưng anh C đã tự ý bán đất của mẹ nên anh và các anh em không đồng ý. Hiện tại trên phần đất mẹ cho vợ chồng anh đã làm nhà và làm chuồng bò, chuồng heo nhưng đất vẫn đứng tên mẹ chứ anh chưa tách sổ. Lúc mẹ còn sống thì ở chung với vợ chồng anh C do vợ chồng anh C chăm sóc, khi mẹ chết thì vợ chồng anh C lo chi phí Nay anh C có yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật thì anh đồng ý. Nếu chia trúng vào đất của anh đang quản lý thì anh sẽ tự thỏa thuận với các anh em chứ không yêu cầu giải quyết về tài sản trên đất.

Về phần chi phí nuôi mẹ và mai táng anh H không đồng ý. Vì mẹ anh ngã bệnh đau vào tháng 10/2011 nhưng mẹ có bảo hiểm nên tiền thuốc không bao nhiêu. Chi phí anh C đưa ra là không đúng.

Tại phiên tòa: anh H không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của anh C và anh không nhận phần thừa kế được chia.

*Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

-Bản tự khai ngày 04/5/2019 và tại phiên tòa anh Ngô Hoài T1 trình bày: anh là con của ông Ngô T, ông Ngô T chết năm 2006. Nay chú C có yêu cầu chia thừa kế thì phần thừa kế thế vị được hưởng của bà nội và phần thừa kế của ba được hưởng của ông nội anh đồng ý để lại cho chú Ngô Văn C trọn quyền sử dụng và định đoạt.

-Bản tự khai ngày 18/7/2019 Chị Ngô Thị Huyền T2 trình bày: chị là con của ông Ngô T, ông Ngô T chết năm 2006. Nay chú C có yêu cầu chia thừa kế thì phần thừa kế thế vị được hưởng của bà nội và phần thừa kế của ba được hưởng của ông nội mà chị được chia chị đồng ý để lại cho chú Ngô Văn C trọn quyền sử dụng và định đoạt.

-Bản tự khai ngày04/5/2019 và tại phiên tòa anh Ngô Quốc T3 trình bày: anh là con của ông Ngô T, ông Ngô T chết năm 2006. Nay chú C có yêu cầu chia thừa kế thì phần thừa kế thế vị được hưởng của bà nội và phần thừa kế của ba được hưởng của ông nội mà anh được chia anh đồng ý để lại cho chú Ngô Văn C trọn quyền sử dụng và định đoạt. -Bản tự khai ngày 17/7/2019 và tại phiên tòa chị Ngô Thị Ngọc T4 trình bày: chị là con của ông Ngô T, ông Ngô T chết năm 2006. Nay chú C có yêu cầu chia thừa kế thì phần thừa kế thế vị được hưởng của bà nội và phần thừa kế của ba được hưởng của ông nội mà chị được chia chị đồng ý để lại cho chú Ngô Văn C trọn quyền sử dụng và định đoạt.

-Bản tự khai ngày 3/5/2019 bà Đoàn Thị L trình bày: Bà là vợ ông Ngô T. Phần thừa kế của ông Ngô T được hưởng của ông Ngô A1 mà bà được chia bà đồng ý để lại cho em Ngô Văn C trọn quyền quản lý, sử dụng và định đoạt.

-Các biên bản lấy lời khai của đương sự, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án ông Ngô Văn V trình bày:

Ông thống nhất về quan hệ huyết thống, nguồn gốc di sản như ông C, ông H trình bày. Ông đồng ý chia thừa kế theo pháp luật, nếu chia phần thừa kế ông được hưởng ông nhận và để lại làm nhà thờ. Phần chi phí cho mẹ ông C yêu cầu ông V không đồng ý.

Tại phiên tòa ông V trình bày: không đồng ý với yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn, đất của cha mẹ thì cứ để cho cha mẹ chứ không có chia, ông không nhận phần thừa kế được chia.

-Biên bản lấy lời khai ngày 8/5/2019, ngày 26/9/2019 và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án bà Ngô Thị N trình bày: Bà thống nhất về quan hệ huyết thống, nguồn gốc di sản như lời trình bày của ông C, ông H, ông V…, nếu chia thừa kế theo pháp luật thì bà không nhận, bà để lại để làm nhà thờ. Về chi phí lo cho mẹ mà ông C yêu cầu bà không đồng ý. Tại phiên tòa bà N trình bày: đất của cha mẹ thì cứ để cho cha mẹ chứ không được chia. Bà không đồng ý với yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn, bà không nhận phần thừa kế được chia.

-Tại bản tự khai ngày 04/5/2019, các tài liệu có trong hồ sơ và tại phiên tòa bà Ngô Thị M trình bày:

Bà thống nhất về quan hệ huyết thống, nguồn gốc di sản như lời trình bày của các ông, bà trên. Khi mẹ còn sống thì ở chung với vợ chồng Ngô Văn C, vợ chồng C lo toàn bộ cho mẹ. Đến khi mẹ đau ốm nằm một chỗ thì vợ chồng Ngô Văn C cũng là người trực tiếp chăm sóc và lo mọi chi phí. Khi mẹ qua đời thì cũng do Ngô Văn C lo toàn bộ chi phí. Vì vậy bà đồng ý với yêu cầu chia thừa kế của anh Ngô Văn C và yêu cầu chi phí cho mẹ là 41.000.000 đồng. Nếu chia thừa kế theo pháp luật thì thừa kế bà được hưởng bà tự nguyện để lại cho Ngô Văn C nhận.

-Bản tự khai ngày 4/5/2019, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa ông Ngô Đình T5 trình bày:

Ông thống nhất về quan hệ huyết thống, nguồn gốc di sản, công chăm sóc mẹ như anh C và các an hem trình bày. Ông thống nhất với yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn. Nếu chia thừa kế thì phần thừa kế ông T5 được hưởng ông tự nguyện để lại cho anh Ngô Văn C nhận và trọn quyền sử dụng, định đoạt.

-Bản tự khai ngày 06/5/2019 bà Trần Thị Kim C2 (vợ ông H) trình bày: Năm 1998 vợ chồng bà đã làm nhà tạm trên đất của cha mẹ ông H. Đến năm 2009 thì làm lại nhà. Năm 2012 khi mẹ còn sống thì có cho bằng miệng, chưa có sổ đỏ. Đất và nhà vẫn nằm trong thửa đất đứng tên mẹ. Hiện nay trên đất chia thừa kế vợ chồng bà C2 đang trực tiếp sử dụng 432,05m2, có làm một ngôi nhà cấp 4 và các công trình phụ: chuồng trâu, chuồng bò và trồng một số cây cau. Tổng giá trị tài sản nhà và công trình phụ là 200.000.000đ (hai trăm triệu đồng). Khi chia thừa kế nếu đụng vào nhà thì sẽ tự thỏa thuận giải quyết với nhau chứ không yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản.

-Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa bà M Thị C1 (vợ ông Ngô Văn C trình bày): bà là vợ ông Ngô Văn C. Về nguồn gốc di sản bà thống nhất với lời trình bày của của ông C. Năm 2001 UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Bùi Thị T6, lúc này hộ bà Bùi Thị T6 có 03 nhân khẩu đó là Bùi Thị T6, Ngô Văn C và M Thị C1. Vì lúc đó vợ chồng bà ở chung với mẹ nên có trong khẩu của mẹ chứ nguồn gốc đất là do cha mẹ chồng bà là ông Ngô A1 và Bùi Thị T6 tạo lập.

Hiện nay trên đất chia thừa kế vợ chồng bà đang trực tiếp quản lý và sử dụng 843,73m2; vợ chồng bà đã xây nhà cấp 4 và trồng một số cây cau. Bà không có yêu cầu giải quyết về tài sản trên đất. Bà thống nhất với yêu cầu chia thừa kế của ông Ngô Văn C.

-Bản tự khai ngày 05/4/2019 anh Trịnh Ngọc H1 trình bày: Năm 2012 vợ chồng anh có mua một diện tích đất của cậu Ngô Văn C với số tiền là 65.000.000 đồng, chỉ viết giấy bằng tay chứ chưa có làm thủ tục chuyển nhượng. Trên phần đất này anh đã đổ đất để nâng nền và có làm chuồng bò. Anh mong muốn xem xét để vợ chồng anh được sinh sống trên mảnh đất nói trên. Bản trình bày ngày 5/9/2019 anh Trịnh Ngọc H1, chị Cao Thị Kiều L1 trình bày: anh chị là co cháu của cậu C và những người cùng thừa kế. Do đó để giữ tình cảm với nhau anh chị không làm đơn khởi kiện, không yêu cầu Tòa án giải quyết trong vụ án này.Anh chị chỉ trình bày để cho các cậu mợ và Tòa án biết. Đề nghị Tòa án giải quyết vắng mặt trong các buổi làm việc và xét xử.

*Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Chia thừa kế thành 8 kỷ phần, ông C được nhận 05 kỷ phần.

*Trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, thu thập chứng cứ lấy lời khai của những chủ sử dụng đất liền kề, làm việc với UBND xã E, UBND huyện R về nguồn gốc và sự biến động diện tích của thửa đất cát, tờ bản đồ xóm thuộc Thôn Q, xã E, huyện R, tỉnh Quảng Ngãi.

i diện Viện kiểm sát nhân dân huyện R tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 5 Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 150, Điều 262 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 611, 613, 614, 615, 623, 649, 650, 651, 652, 658 và 660 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26, khoản 7 Điều 27 của Nghị quyết số: 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án đề nghị HĐXX tuyên xử:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Về án phí DSST: Các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với gí trị di sản thừa kế mình được hưởng theo quy định của pháp luật; về chi phí tố tụng khác: các đương sự phải chịu tương ứng với phần tài sản được nhận theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên toà và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền: Ông C yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất do cha mẹ để lại. Do đó HĐXX xác định quan hệ pháp luật giải quyết: “Tranh chấp về thừa kế tài sản” theo quy định tại khoản 5 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Di sản ông C yêu cầu chia thừa kế là quyền sử dụng đất tại thôn Q, xã E, huyện R, tỉnh Quảng Ngãi, nên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện R theo quy định tại Điều 35 và Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2]Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị Kim C2, bà Đoàn Thị L, anh Trịnh Ngọc H1, chị Cao Thị Kiều L1, chị Ngô Thị Huyền T2 có văn bản đề nghị giải quyết, xét xử vắng mặt nên Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự.

[3] Về thời hiệu yêu cầu chia thừa kế: Ông A1 chết năm 1995, bà T6 chết năm 2012 đều không để lại di chúc. Ngày 19/3/2019 ông Ngô Văn C khởi kiện yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật là còn thời hiệu theo quy định tại Điều 623 Bộ luât dân sự năm 2015.

[4] Về hàng và diện thừa kế: Các đương sự thống nhất ông Ngô A1, bà Bùi Thị T6 có 07 người con gồm: Ngô T (chết năm 2006, chết trước bà T6),Ngô Văn V, Ngô Thị M, Ngô Thị N, Ngô Văn C, Ngô Đình T5 và Ngô Ngọc H. Như vậy hàng thừa thừa kế thứ nhất của ông A1, bà T6 theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự gồm: Ông T, ông V, bà N, bà M, ông C, ông T5, ông H.

Vì ông T chết năm 2006 chết trước bà T6 nên theo quy định tại Điều 652 các con của ông Ngô T là: Ngô Hoài T1, Ngô Quốc T3, Ngô Thị Ngọc T4, Ngô Thị Huyền T2 được thừa kế thế vị.

Đối với phần tài sản của ông Ngô T được hưởng của ông Ngô A1 nếu chia thì những người được hưởng thừa kế của ông Ngô T gồm các con: Ngô Hoài T1, Ngô Quốc T3, Ngô Thị Ngọc T4, Ngô Thị Huyền T2 và bà Đoàn Thị L (vợ) được hưởng.

[5] Về di sản thừa kế:

Các đương sự đều thừa nhận và thống nhất thửa đất cát, tờ bản đồ xóm, thuộc thôn Q, xã E, huyện R có nguồn gốc là của ông Ngô A1, bà Bùi Thị T6 tạo lập trước năm 1975. Trong quá trình quản lý sử dụng, sau khi mở đường theo bản đồ chỉnh lý cấp giấy năm 1999 thửa đất được chia thành 02 thửa. Năm 2001 bà Bùi Thị T6 kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND huyện R đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Bùi Thị T6, với diện tích là 950m2. Qua xem xét tại chỗ và đo đạc thực tế thửa đất có diện tích là 1.632,63m2.

Tòa án đã tiến hành làm việc với UBND xã E, UBND huyện R về biến động của thửa đất. Về diện tích thửa đất theo giấy chứng nhận là 950m2, nhưng đo đạc thực tế là 1632,63m2 UBND huyện có ý kiến: Toàn bộ diện tích đất trên có nguồn gốc của bà T6, ông A1 sử dụng ổn định không có tranh chấp. Về ranh giới, giới cận của thửa đất không có sự thay đổi so với hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu; diện tích đất tăng không phải do nhận chuyển nhượng hay tặng cho mà là do có sự sai số trong các lần đo đạc. Vì vậy căn cứ vào khoản 5 Điều 98 của Luật đất đai thì đối với phần diện tích tăng mà không có sự thay đổi về ranh giới, người sử dụng đất sử dụng ổn định mà được UBND xã xác nhận không có tranh chấp. Trong trường hợp của hộ bà Bùi Thị T6 thì diện tích đất tăng sẽ được UBND huyện R cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất.

Ông Ngô A1 chết năm 1995 không có để lại di chúc và tài sản của ông A1 chưa được chia.

Vào tháng 02/2012 khi bà T6 còn sống, lúc này bà T6 đau nằm một chỗ đã họp gia đình và có viết thanh biên bản chia thửa đất trên ra làm 03 phần: cho Ngô Văn C, M Thị C1 01 phần với chiều ngang 07m, chiều dài…; cho Ngô Ngọc H 01 phần sát đường chiều ngang 07m, chiều dài…; còn lại phần cha mẹ, nhưng hiện nay mẹ còn tại thế mẹ hưởng mảnh vườn còn lại, mảnh vườn còn lại của mẹ hiện nay mẹ đau yếu nằm một chỗ được vợ chồng Ngô Văn C, M Thị C1 nuôi dưỡng hàng ngày nên sẽ giao cho vợ chồng C C1 có quyền sử dụng để nuôi mẹ già trọn đời. Văn bản này ông Ngô Ngọc H khai không biết và không ký tên.

Xét thấy thửa đất cát, tờ bản đồ xóm, thuộc thôn Q, xã E, huyện R là tài sản chung của ông A1 và bà T6. Ông A1 chết năm 1995 không để lại di chúc. Phần tài sản của ông A1 chưa được chia theo quy định của pháp luật. Do vậy biên bản ngày 20/2/2012 không có hiệu lực pháp luật. Bà T6 chết tháng vào tháng 12/2012 cũng không để lại di chúc và tài sản của bà T6 cũng chưa chia..

Do vậy có cơ sở xác định toàn bộ diện tích 1.632,63m2 (Trong dó có: 300m 2 đất ở và 1.332,63m2 đất trồng cây hang năm khác) của thửa đất cát, tờ bản đồ xóm, địa chỉ thửa đất: thôn Q, xã E, huyện R, tỉnh Quảng Ngãi là di sản của ông Ngô A1, bà Bùi Thị T6 chết để lại, chưa chia và tiến hành chia thừa kế theo pháp luật.

Theo kết quả định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản thì đất ở có giá là 600.000 đ/m2, đất trồng cây hàng năm khác có giá là 50.000đ/m2. Tổng giá trị tài sản là [(600.000đ x 300m2) + (50.000đ x 1.332,63m2)] = (180.000.000đ + 66.631.500đ) = 246.631.500 đồng (Hai trăm bốn mươi sáu triệu sáu trăm ba mươi mốt nghìn năm trăm đồng).

[6] Chia thừa kế: Phần di sản thừa kế của ông Ngô A1, bà Bùi Thị T6 vẫn còn hiệu lực và chưa chia nên tiến hành chia thừa kế theo pháp luật và chia một lần.

Ông Ngô Văn C yêu cầu khấu trừ nghĩa về tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế là 41.000.000 đồng vào di sản thừa kế trước khi chia và ông yêu cầu chia bằng hiện vật là bằng 01 kỷ phần thừa kế.

Xét thấy, chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng, chi phí thuốc men và bồi dưỡng cho người bệnh… là những chi phí hợp lý được quy định tại Điều 615, 658 của Bộ luật dân sự nên Hội đồng xét xử xem xét. Ông C yêu cầu được tính bằng 01 kỷ phần. Hội đồng xét xử thấy số tiền 41.000.000 đồng có cơ sở chấp nhận và hơn 01 kỷ phần. Nhưng ông C tự nguyện và chỉ yêu cầu chia bằng 01 kỷ phần nên Hội đồng xét xử ghi nhận.

Do vậy, diện tích 1.632.63m2 được chia thành 08 kỷ phần. Cụ thể: 1.632,63m2 : 8 = 204,078 m2.Trong đó có 37,5m2 đất ở nông thôn và 166,578m2 đất trồng cây hàng năm khác. Thành tiền một kỷ phần là: [(37,5m2 x 600.000đ) +(166,578m2 x 50.000đ)] = (22.500.000đ +8.329.000đ) = 30.829.000đ (Ba mươi triệu tám trăm hai mươi chín nghìn đồng).

Ông V, bà N, ông H, ông T5, bà M mỗi người hưởng 01 kỷ phần; vợ và các con ông Ngô T gồm bà L, anh T3, anh T1, chị T4, chị T2 hưởng 01 kỷ phần; ông C hưởng 02 kỷ phần (01 kỷ phần thừa kế và 01 kỷ phần được thanh toán về các khoản chi phí liên quan đến thừa kế).

Vì ông T5, bà M, vợ và các con ông Ngô T có ý kiến để lại phần thừa kế được hưởng cho ông Ngô Văn C và ông Ngô Văn C đồng ý nhận nên ghi nhận. Ông C được nhận tổng cộng 05 kỷ phần. Tổng cộng ông C được nhận: 204,078m2 x 5 = 1.020,39m2. (Trong đó có 187,5m2 đất ở nông thôn và 832,89m2 đất trồng cây hàng năm khác). Thành tiền: [(187,5m2 x 600.000đ) + (832,89m2 x 50.000đ)] = (112.500.000đ + 41.644.500đ) = 154.144.500đ (Một trăm năm mươi bốn triệu bốn trăm bốn mươi bốn nghìn năm trăm đồng).

Ông Ngô Văn V, bà Ngô Thị N, ông Ngô Ngọc H mỗi người được nhận 01 kỷ phần là 204,078m2. Trong đó có 37,5m2 đất ở nông thôn và 166,578m2 đất trồng cây hàng năm khác. Thành tiền một kỷ phần là: [(37,5m2 x 600.000đ) +(166,578m2 x 50.000đ)] = (22.500.000đ +8.329.000đ) = 30.825.000đ (Ba mươi triệu tám trăm hai mươi chin nghìn đồng).

Các đương sự đều thừa nhận đất chia thừa kế hiện nay do vợ chồng ông Ngô Văn C, vợ chồng ông Ngô Ngọc H là những người đang trực tiếp quản lý và sử dụng. Có tường rào cụ thể rõ ràng.

Phần diện tích đất được ký hiệu là A (diện tích 356,85m2) và C (diện tích 843,73m2) theo bản vẽ ngày 27/6/2019 do vợ chồng ông Ngô Văn C trực tiếp quản lý, sử dụng. Trên phần đất được ký hiệu là C vợ chồng ông C đã xây nhà, và trồng một số cây cau. Trên phần đất dược ký hiệu là A vợ chồng ông C cho Trịnh Ngọc H1 làm tạm quán sửa xe và ông C trồng một số cây cau, cây chuối. Về tài sản trên đất các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Phần diện tích đất được ký hiệu là B, diện tích 432,5m2(theo bản vẽ ngày 27/6/2019) do ông Ngô Ngọc H đang trực tiếp quản lý và sử dụng. Trên diện tích đất này vợ chồng ông Ngô Ngọc H đã làm nhà và một số công trình phụ và trồng một số cây cau. Về tài sản trên đất các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Do đó chia thừa kế cụ thể như sau:

Chia cho ông C bằng hiện vật là đất là một phần diện tích đất ở phía Nam thửa đất cát, tờ bản đồ xóm, được ký hiệu là C có diện tích 843,73m2 (trong đó có: 155m2 đất ở nông thôn và 688,73m đất trồng cây hang năm khác). Có giới cận: Phía Đông giáp đường bê tông, phía Tây giáp đường bê tông, phía Nam giáp đất ông Phạm Đình V1, phía Bắc giáp đất chia cho ông Ngô Ngọc H. Và 152,85m2 (trong đó có 32,5m2 đất ở và 120,35m2 đất trồng cây hang năm khác) được ký hiệu là A2 trong phần diện tích đất được ký hiệu là A. Đất có tứ cận: Phía Đông giáp đất của ông Trần Xuân T7, phía Bắc giáp đất chia cho bà N, phía Tây giáp đường bê tông, phía Nam giáp đất ông T7. Kỷ phần thừa kế theo pháp luật của ông Ngô Ngọc H là 204,078m2, ông Ngô Văn V là 204,078m2. Hiện nay ông H đang quản lý và sử dụng ổn định, đã xây dựng nhà và các công trình phụ, có tường rào rõ ràng trên diện tích đất là 432,5m2. Do đó cần tiếp tục chia cho ông H bằng hiện vật là 02 kỷ phần đất với diện tích 408, 156m2 (trong đó có 75m2 đất ở nông thôn và 333,156m2 đất trồng cây hàng năm khác). Buộc ông H phải có nghĩa vụ thanh toán lại cho ông Ngô Văn V giá trị bằng tiền của một kỷ phần mà ông V được hưởng là 30.829.000đồng (Ba mươi triệu tám trăm hai mươi chín nghìn đồng). Tuy nhiên, ông H đang quản lý và sử dụng ổn định, đã xây dựng nhà và các công trình phụ, có tường rào rõ ràng trên diện tích đất là 432,5m2, ông C có ý kiến giao cho ông H phần đất đang sử dụng để giữ nguyên hiện trạng nên giao cho ông H diện tích 432,5m2 (lớn hơn kỷ phần được nhận là 24,344m2). Do vậy chia cho ông H phần diện tích đất nằm ở phía Bắc của thửa đất cát được ký hiệu là B với diện tích là 432,5m2. Đất có tứ cận: phía Nam giáp phần đất chia cho ông Ngô Văn C, phía Bắc giáp đất của bà Võ Thị H2( nay ông Lê N1 đang sử dụng), phía Đông giáp đường bê tông, phía Tây giáp đường bê tông.

Ông C không yêu cầu ông H phải thanh toán lại giá trị phần diện tích đất chênh lệch so với kỷ phần được hưởng nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Chia cho bà Ngô Thị N bằng hiện vật một kỷ phần là 204,078m2 đất (trong đó có 37,5m2 đất ở nông thôn và 166,578m2 đất trồng cây hang năm khác) phần đất được ký hiệu là A1 nằm trong phần đất đất được ký hiệu là A theo bản vẽ phân chia. Đất có tứ cận: Phía Nam giáp đất chia cho ông Ngô Văn C, phía Đông giáp đất ông Trần Xuân T7, phía Bắc giáp đất ruộng, phía Tây giáp đường bê tông.

(Phần đất chia cho các đương sự quản lý sử dụng có sơ đồ kèm theo và là một bộ phận không tách rời của bản án).

[7] Về yêu cầu thanh toán về các khoản chi phí liên quan đến thừa kế bao gồm:

chi phí bồi dưỡng ăn uống cho người bệnh (bà T6), chi phí ma chay, xây mộ… Trong đơn khởi kiện bổ sung ông C yêu cầu là 113.000.000 đồng. Tại phiên tòa ông C thay đổi một phần yêu cầu, ông C chỉ yêu cầu 41.000.000 đồng và yêu cầu nhận bằng hiện vật và nhận bằng 01 kỷ phần thừa kế.

Xét thấy các đương sự đều thừa nhận bà Bùi Thị T6 sống chung với vợ chồng anh C từ năn 1998 cho đến khi chết. Tháng 11/2011 bà T6 bị tai biếng và bị tiểu đường nằm một chỗ do anh C chăm sóc và lo chi phí thuốc men, ăn uống. Khi bà T6 chết anh C là người lo mọi chi phí cho việc mai táng. Mặc dù anh C không có hóa đơn chứng từ về thuốc và ăn uống của bà T6 nhưng mức 2.000.000 đồng/tháng là mức bình quân và phù hợp với thực tế nên cần chấp nhận. Thời gian từ tháng 11/2011 đến tháng 11/2012 là 12 tháng x 2.000đ/tháng = 24.000.000 đồng; tiền mai táng là 9.000.000 đồng; tiền xây mộ là 8.000.000 đồng. Tổng cộng là 41.000.000 đồng là có cơ sở nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Ông C thay đổi 01 phần yêu cầu khởi kiện về chi phí do người chết đê lại. Xét thấy việc thay đổi yêu cầu của nguyên đơn không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện theo quy định tại điều 244 của Bộ luật TTDS nên HĐXX chấp nhận việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông C tự nguyện nhận bằng 01 kỷ phần thừa kế và nhận bằng hiện vật. Số tiền 41.000.000 đồng là lớn hơn 01 kỷ phần, tuy nhiện ông C tự nguyện chỉ nhận bằng 01 kỷ phần nên HĐXX ghi nhận. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Tòa án đã giải thích pháp luật nhưng các đương sự không yêu cầu Tòa án tính công và chi phí tôn tạo, bảo quản tài sản tranh chấp nên HĐXX không xem xét giải quyết.

[8] Về tài sản trên đất: các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản trên đất nên HĐXX không xem xét giải quyết.

[9]Về việc chuyển nhượng đất giữa ông Ngô Văn C và anh Trịnh Ngọc H1 là không đúng với quy định của pháp luật đất đai. Ông C trình bày đã thanh toán xong chi phí cho Trịnh Ngọc H1. Anh H1, chị L1 cũng không yêu cầu Tòa án giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

[10] Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản theo quy định tại Điều 156, Điều 165 của Bộ luật tố tụng dân sự: tổng các chi phí tố tụng là 12.000.000 đồng. Ông C đã nộp tạm ứng và đã chi phí xong.

Các đương sự phải chịu chi phí tương ứng với phần mình được nhận.

Ông C phải chịu 5/8 phần là 7.500.000 đồng Bà N, ông V, ông H mỗi người phải chịu là 1.500.000 đồng.

Do đó: ông V, ông H, bà N mỗi người phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho ông Ngô Văn C số tiền 1.500.000 đồng.

[11] Về án phí dân sự sơ thẩm: Các đương sự phải chịu án phí tương ứng với phần tài sản mình được nhận theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 26, khoản 7 Điều 27 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

Cụ thể: Ông C phải chịu án phí đối với 05 kỷ phần được nhận là 1.020,39m2. (Trong đó có 187,5m2 đất ở nông thôn và 832,89m2 đất trồng cây hàng năm khác). Thành tiền: [(187,5m2 x 600.000đ) + (832,89m2 x 50.000đ)] = (112.500.000đ + 41.644.500đ) = 154.144.500đ x 05% = 7.707.000đồng (làm tròn số).

Ông Ngô Văn V, bà Ngô Thị N, ông Ngô Ngọc H mỗi người phải chịu án đối với 01 kỷ phần được nhận là 204,078 m2. Trong đó có 37,5m2 đất ở nông thôn và 166,5m2 đất trồng cây hang năm khác. Thành tiền: [(37,5m2 x 600.000đ) +(166,578m2 x 50.000đ)] = (22.500.000đ +8.329.000đ) = 30.829.000đ x 05% = 1.541.000 đ (làm tròn số).

[12] Đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện R là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử và phù hợp với quy định của pháp luật nên được chấp nhận.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 5 Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 150, Điều 244, Điều 262 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 611, 612, 613, 614, 615, 623, 649, 650, 651, 652, 658 và 660 của Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26, khoản 7 Điều 27 của Nghị quyết số: 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

1.Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của ông Ngô Văn C.

2. Xác định di sản thừa kế của cụ Ngô A1, cụ Bùi Thị T6 được chia theo pháp luật là 1.632,63m2 đất tại thửa đất cát, tờ bản đồ xóm tại thôn Q, xã E, huyện R, tỉnh Quảng Ngãi.

3. Hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của cụ Ngô A1, cụ Bùi Thị T6 theo Điều 651 Bộ luật dân sự gồm: Ông T, ông V, bà N, bà M, ông C, ông T5, ông H. Vì ông T chết năm 2006 chết trước bà T6 nên theo quy định tại Điều 652 các con của ông Ngô T là: Ngô Hoài T1, Ngô Quốc T3, Ngô Thị Ngọc T4, Ngô Thị Huyền T2 được thừa kế thế vị.

Đối với phần tài sản của ông Ngô T được hưởng của ông Ngô A1 thì những người được hưởng thừa kế của ông Ngô T gồm các con: Ngô Hoài T1, Ngô Quốc T3, Ngô Thị Ngọc T4, Ngô Thị Huyền T2 và bà Đoàn Thị L (vợ) được hưởng.

4. Di sản của cụ Ngô A1, cụ Bùi Thị T6 được chia làm 08 kỷ phần, mỗi kỷ phần là 204,078m2 đất (trong đó có 37,5m2 đất ở nông thôn và 166,578m2 đất trồng cây hàng năm khác), trị giá là 30.829.000đ (Ba mươi triệu tám trăm hai mươi chin nghìn đồng).

Ông V, bà M, bà N, ông T5, ông H, mỗi người nhận một kỷ phần.

Vợ và các con ông Ngô Ngô T nhận 01 kỷ phần.

Ông Ngô Văn C nhận 02 kỷ phần( 01 kỷ phần thừa kế và 01 kỷ phần về nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế) 5. Ghi nhận sự tự nguyện của ông T5, bà M, vợ và các con ông Ngô T về việc giao kỷ phần được hưởng cho ông Ngô Văn C nhận.

6. Giao phần đất ở phía nam thửa đất cát, tờ bản đồ xóm được ký hiệu là C diện tích 843,73m2 (trong đó có: 155m2 đất ở nông thôn và 688,73m đất trồng cây hàng năm khác). Có giới cận: Phía Đông giáp đường bê tông, phía Tây giáp đường bê tông, phía Nam giáp đất ông Phạm Đình V1, phía Bắc giáp đất chia cho ông Ngô Ngọc H. Và 152,85m2 (trong đó có 32,5m2 đất ở và 120,35m2 đất trồng cây hàng năm khác) được ký hiệu là A2 nằm trong phần đất được ký hiệu là A. Đất có tứ cận: Phía Đông giáp đất của ông Trần Xuân T7, phía Bắc giáp đất chia cho bà N, phía Tây giáp đường bê tông, phía Nam giáp đất ông T7.

7. Giao phần đất ở phía Bắc của thửa đất cát được ký hiệu là B với diện tích là 432,5m2 (Trong đó có 75m2 đất ở nông thôn và 357,5m2 đất trồng cây hang năm khác). Đất có tứ cận: phía Nam giáp phần đất chia cho ông Ngô Văn C, phía Bắc giáp đất của bà Võ Thị H2( nay ông Lê N1 đang sử dụng), phía Đông giáp đường bê tông, phía Tây giáp đường bê tông.

8. Buộc ông Ngô Ngọc H phải thanh toán lại giá trị bằng tiền 01 kỷ phần cho ông Ngô Văn V là 30.825.000 đồng (Ba mươi triệu tám trăm hai mươi lăm nghìn đồng) 9. Giao phần đất phần đất được ký hiệu là A1 nằm trong phần đất đất được ký hiệu là A theo bản vẽ phân chia cho bà Ngô Thị N có diện tích là 204,078m2 đất (trong đó có 37,5m2 đất ở nông thôn và 166,5m2 đất trồng cây hàng năm khác). Đất có tứ cận: Phía Nam giáp đất chia cho ông Ngô Văn C, phía Đông giáp đất ông Trần Xuân T7, phía Bắc giáp đất ruộng, phía Tây giáp đường bê tông.

10. Ông H không phải thanh toán giá trị chênh lệch đối với diện tích đất được chia nhiều hơn kỷ phần được hưởng do ông C không có yêu cầu.

11. Về các tài sản trên đất: các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản trên đất nên Hội đồng xét xử không xem xét.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, các đương sự có trách nhiệm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục điều chỉnh đăng ký kê khai quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

(Phần đất chia cho các đương sự quản lý sử dụng có sơ đồ kèm theo và là một bộ phận không tách rời của bản án). 12. Về chi phí tố tụng, tổng cộng là 12.000.000 đ, ông C phải chịu 7.500.000đ (Bảy triệu năm trăm nghìn đồng), ông V, ông H, bà N mỗi người phải chịu 1.500.000đ (Một triệu năm trăm nghìn đồng).

Ông C đã nộp số tiền trên và đã chi phí xong nên ông V, ông H, bà N mỗi người phải có trách nhiệm hoàn trả cho ông C số tiền 1.500.000 đồng.

13. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Ngô Văn C phải chịu 7.707.000đ (Bảy triệu bảy trăm lẻ bảy nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm. Nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông C đã nộp là 3.503.000đ theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí số 0004338 ngày 21/3/2019 và số 0004359 ngày 27/8/2019. Ông C còn phải nộp 4.204.000đ (Bốn triệu hai trăm lẻ bốn nghìn đồng).

Ông Ngô Văn V phải chịu 1.541.000đ (Một triệu năm trăm bốn mươi mốt nghìn đồng).

Ông Ngô Ngọc H phải chịu 1.541.000đ (Một triệu năm trăm bốn mươi mốt nghìn đồng).

Bà Ngô Thị N phải chịu 1.541.000đ (Một triệu năm trăm bốn mươi mốt nghìn đồng).

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất qui định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

385
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 12/2019/DS-ST ngày 19/11/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:12/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Nghĩa Hành - Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về