Bản án 112/2018/HS-ST ngày 13/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THUỶ NGUYÊN, THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 112/2018/HS-ST NGÀY 13/11/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 13 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Thuỷ Nguyên thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 93/2018/TLST-HS ngày 25 tháng 9 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 113 ngày 30 tháng 10 năm 2018 đối với các bị cáo:

1. Phạm Như Đ sinh ngày 27 tháng 11 năm 1989 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn 10, xã C, huyện T, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Không; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Hồng K và bà Trần Thị H; có vợ và 01 con, tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Bản án số 58 ngày 05/4/2013 của Tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên xử phạt 03 năm tù giam về tội về tội “Giao cấu đối với trẻ em”, (đã xóa án tích). Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 10/7/2018. Có mặt.

2. Nguyễn Văn Q sinh ngày 15 tháng 7 năm 1990 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn N, xã K, huyện T, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Không; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn L và bà Đỗ Thị X; chưa có vợ con. Tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 10/7/2018. Có mặt.

3. Nguyễn Thế A sinh ngày 19 tháng 8 năm 1996 tại Hải Phòng. Nơi cư trú: Thôn 9, xã C huyện T, thành phố Hải Phòng; nghề nghiệp: Không; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn D và bà Hoàng Thị P; chưa có vợ con. Tiền án, tiền sự: không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 10/7/2018. Có mặt.

- Bị hại: A Nguyễn Văn C sinh năm 1980; địa chỉ: Thôn C, xã L, huyện T, thành phố Hải Phòng. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 14 giờ 40 ngày 05/01/2018, Nguyễn Văn C, sinh năm 1980, ở xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cùng với Hoàng Văn Đ, sinh năm 1992 ở xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng; Đỗ Tiến M, sinh năm 1992 ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đến quán Karaoke Sông Móc ở thôn Phúc Nam, xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng để hát. Khi đến quán, Đ gọi điện rủ Vi Thị C, sinh năm 1999, ở thôn Bản Na, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đến hát và nhờ C gọi thêm 03 nhân viên nữ đến hát cùng. C nói lại với Khổng Thị Quỳnh N, sinh năm 1995, ở xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng (là người quản lý C) có khách cần nhân viên nữ phục vụ hát karaoke. N bảo C cùng với Đinh Thị Bảo C, sinh ngày 21/12/2000, ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng; Nguyễn Thị T, sinh năm 1999, ở thôn Lôi Trì, xã Hồng Khê, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương; Lê Thị Quỳnh N, sinh năm 1999, ở số 17, ngõ 88, đường Đinh Văn Tả, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương đến hát cùng nhóm Đ. Trong quá trình hát, C trêu ghẹo dùng micro gõ vào đầu gối của T nên T bỏ ra ngoài. Bảo C gọi điện thông báo cho N biết việc T vừa bị khách trêu ghẹo.

Khoảng 10 phút sau, Nguyễn Thế H, sinh năm 1998 ở thôn 6, xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng điều khiển xe mô tô BKS 15G1-101.79 chở N (đang mang thai tháng thứ 9) đến quán Karaoke Sông Móc. Tại đây, giữa N với C và Đ xảy ra mâu thuẫn cãi chửi nhau. C dùng chân đạp một cái vào bụng N. Thấy vậy, H xông đến dùng tay đấm vào mặt C. C, B C, T, N, N ôm giữ Đ thì Đ dùng tay đấm vào mặt, người N, túm tóc kéo đẩy N ngã xuống sân. Thấy vậy, một số nhân viên quán Sông Móc đã đưa N vào trong phòng nghỉ. H chạy vào nhà bà Đỗ Thị C, sinh năm 1955 ở cách quán Sông Móc khoảng 100m lấy 01 con dao (bằng kim loại màu đen dài 35 cm, bản rộng 05 cm, đầu bằng) ra đánh nhau nhưng thấy nhóm C đông người nên H bỏ chạy. H gọi điện báo cho Phạm Như Đ (là chồng của N) biết việc N bị đánh ở quán Sông Móc. Khi đó, Đ đang ngồi chơi cùng Nguyễn Thế A, Nguyễn Văn Q và 02 thanh niên tên H, Đ “con” (hiện chưa xác định được nhân thân lai lịch). Đ nói cho mọi người biết vợ mình vừa bị đánh và điều khiển xe mô tô chở Q; Thế A chở Hoàng, Đ “con” đến quán Karaoke Sông Móc. Tại đây, Đ, Q, Thế A chạy vào trong quán tìm người đã đánh Ninh. Q đến khu vực quầy thu ngân của quán lấy 03 con dao, dạng dao gọt hoa quả dài 15 – 20 cm, bản rộng 02 cm, cán bằng nhựa. Q đưa cho Phạm Như Đ và Thế A mỗi người 01 con dao, mục đích tìm người đã đánh Ninh để đánh nhau. Đ tiếp tục chạy ra vườn lấy thêm 01 con dao phay dài 30 cm, bản rộng 05 cm, đầu bằng, lưỡi sắc.

Khi Q cùng Thế A cầm dao chạy ra cổng thì gặp C đang cầm điếu cày bằng tre đi đến. Thế A xông đến dùng tay trái ôm ghì cổ C ấn xuống đất, tay phải cầm cán dao đâm về phía lưng C. Q cũng cầm dao đâm về phía C thì bị C nắm vào tay dao của Q, cả hai giằng co làm phần cán dao bị tuột ra. Q dùng phần lưỡi dao đâm, chém nhiều nhát vào vùng đầu của C làm C bị thương chảy máu. Trong lúc giằng co đánh nhau, Q và Thế A bị rơi mất dao. C bỏ chạy thì Q, Thế A cùng với thanh niên tên H tiếp tục xông đến dùng tay chân đấm, đá Đ. Cùng lúc đó, Nguyễn Phú G (sinh năm 1992, ở số 170 H, thị trấn N, huyện T, là bạn C) đi xe máy đến, thấy C Đ bị đánh nên G xông vào cùng với C, M đuổi đánh Thế A và Q. Thế A chạy vào trong quán lấy 01 chiếc chày dùng để đập đá lạnh bằng kim loại, dài 20 cm, đầu vuông, phần cán tròn chạy ra cùng Đ tay trái cầm dao nhọn dài 15 – 20 cm, tay phải cầm dao phay lưỡi sắc, Q cầm thắt lưng bằng da có khóa bằng kim loại đuổi dồn đánh C. Đ dùng dao phay chém vào vai, tay C nhiều nhát. C dùng điếu cày đánh lại Đ. Q dùng dây thắt lưng vụt nhiều nhát vào người C, Thế A cầm chày đập vào người, tay C. Thấy C bị thương chảy nhiều máu nên nhóm Đ, Q, Thế A không đánh nữa mà quay lại quán đưa N đến Bệnh viện phụ sản Hải Phòng. Nguyễn Văn C và Hoàng Văn Đ được bạn đưa đi bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh điều trị, đến ngày 09/01/2018 thì ra viện.

Tại các bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 12 và số 28 ngày 12/02/2018 của Trung tâm pháp y Hải Phòng kết luận: Nguyễn Văn C có các thương tích: Vết thương vùng đỉnh đầu dài 4,5cm; vùng chẩm dài 04cm; vết thương đỉnh vành tai trái dài 04cm; vết thương đầu ngoài xương đòn trái dài 2,5cm; hõm nách phải dài 04cm; vết thương mặt ngoài 1/3 trên cánh tay phải dài 2,5cm; mặt trước ngoài 1/3 trên cẳng tay phải dài 09cm; mu bàn tay phải dài 01cm; vết thương gốc ngón I mặt sau bàn tay trái dài 07cm; vết xây xước da mặt sau 1/3 dưới cẳng tay phải và các vết bầm tím mặt sau cánh tay phải, lưng phải. Các vết thương vùng đầu không tổn thương nội sọ, không tổn thương xương hộp sọ. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do vết thương vùng đỉnh đầu, vùng chẩm và vết thương đỉnh vành tai trái gây nên là 07%; tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do vết thương vùng đầu ngoài xương đòn trái và hõm nách phải gây nên là 03%; tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do các vết thương vùng cánh, cẳng tay, bàn tay phải và ngón 1 bàn tay trái gây nên là 17%. Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do các thương tích trên gây nên là 25%. Các thương tích trên có đặc điểm do vật sắc tác động trực tiếp gây nên.

Hoàng Văn Đ có các thương tích: Vết thương gò má phải kích thước 02x0.2cm; bầm tím mi dưới mắt phải kích thước 1.5x 01cm; vết thương mặt trước ngoài đốt hai ngón I bàn tay phải; mặt sau cẳng tay trái có 03 vết thương nông không khâu, đang bong vảy; sưng nề nhẹ mắt cá ngoài chân trái. Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của vết thương nhỏ ngoài gò má phải không ảnh hưởng đến thẩm mỹ là 02%; của vết thương nhỏ ngón I tay phải là 02%; của 03 vết thương nhỏ cẳng tay trái là 01%. Các vùng sưng tím sẽ khỏi hoàn toàn không để lại dấu vết và di chứng làm căn cứ đánh giá tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể. Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do các thương tích trên gây nên là 05%. Các vết thương rách da có đặc điểm do vật sắc hoặc tương đối sắc tác động trực tiếp gây nên. Các vùng sưng tím do vật tày tác động trực tiếp gây nên.

Ngày 12/5/2018, Đ có đơn đề nghị không khởi tố đối với các đối tượng đã gây thương tích cho mình và không yêu cầu bồi thường.

Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 31 ngày 09/02/2018 của Trung tâm pháp y Hải Phòng kết luận: Khổng Thị Quỳnh N có thai tháng thứ 9, bị sang chấn vào vùng bụng gây dọa đẻ non. Đến thời điểm khám giám định thai nhi vẫn đang phát triển bình thường. Các thương tích của nạn nhân không có dấu vết để lại và chỉ gây dọa đẻ non, đã được điều trị ổn định nên không có tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể. Hiện tại, N đã sinh con vào ngày 06/2/2018, cháu bé phát triển bình thường. Ninh không yêu cầu bồi thường dân sự và không có yêu cầu đề nghị gì khác.

Tại bản cáo trạng số 106/CT-VKS ngày 21 tháng 9 năm 2018 Viện kiểm sát nhân dân huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng đã truy tố Phạm Như Đ, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Thế A về tội "Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự.

Về vấn đề dân sự: Phạm Như Đ, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Thế A đã bồi thường cho Nguyễn Văn C đầy đủ. Anh C không còn yêu cầu đề nghị gì khác và có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Đ, Q, Thế A.

Các đồ vật, tài sản của quán Karaoke Sông Móc bị mất gồm: 01 con dao phay; 03 con dao gọt hoa quả, 01 điếu cày và 01 chày đập đá lạnh bằng kim loại, do giá trị tài sản nhỏ nên chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1977 (là chủ quán Karaoke Sông Móc) không yêu cầu định giá tài sản và không yêu cầu bồi thường.

Đối với Nguyễn Văn C, Hoàng Văn Đ, Nguyễn Phú G, Đỗ Tiến M, Nguyễn Thế H có hành vi tham gia xô xát đánh nhau nhưng không gây thương tích nên Cơ quan Công an đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với C, Đ, G, M, H.

Đối với các đối tượng tên H, Đ “con” và các thanh niên khác tham gia đánh nhau ngày 05/01/2018 ở quán Karaoke Sông Móc, hiện chưa xác định được nhân thân lai lịch nên Cơ quan điều tra tách ra điều tra làm rõ xử lý sau.

Đối với chiếc xe mô tô BKS 15G1-101.79 do H sử dụng. Quá trình điều tra xác định chủ sở hữu hợp pháp là anh Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1997, ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Anh Đ cho H mượn nhưng không biết việc H sử dụng xe tham gia đánh nhau nên Cơ quan điều tra đã trả lại chiếc xe trên cho anh Đ sử dụng.

Đối với chiếc xe mô tô BKS 15 B1-689.04 của Nguyễn Văn C. Kết quả giám định số máy của xe mô tô trên bị đóng lại, không xác định được số máy nguyên thủy; BKS 15 B1-689.04 là đăng ký của một xe mô tô khác nên Cơ quan điều tra tách ra xử lý sau.

Đối với 01 điếu cày tạm giữ ở quán Karaoke Sông Móc. Quá trình điều tra xác định chiếc điếu cày này không sử dụng vào việc đánh nhau nên Cơ quan điều tra đã trả lại chủ sở hữu hợp pháp là chị Nguyễn Thị H; 01 con dao bằng kim loại màu đen dài 35cm; bản rộng 5.5cm, đầu bằng, lưỡi sắc do Nguyễn Thế H lấy ở nhà bà Đỗ Thị C. Cơ quan điều tra đã trả lại bà C. Bà C không có yêu cầu đề nghị gì khác.

- Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên toà: Giữ nguyên quan điểm truy tố và điều luật áp dụng như nội dung bản cáo trạng và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo Phạm Như Đ, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Thế A đồng phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Đề nghị Hội đồng xét xử:

- Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm b, s, e khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Phạm Như Đ từ 27 đến 30 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

- Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 17; Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự xử phạt các bị cáo Nguyễn Văn Q, Nguyễn Thế A từ 24 đến 27 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách đối với hai bị cáo.

Về dân sự: Người bị hại đã nhận bồi thường đầy đủ và không có yêu cầu nào khác nên đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét.

Các bị cáo phải chịu án phí theo quy định.

- Ý kiến của bị cáo Phạm Như Đ, Nguyễn Văn Q và Nguyễn Thế A: Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội và tội danh như Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên đã truy tố là đúng; các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Thủy Nguyên, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là hợp pháp.

[2] Về tội danh và điều luật Viện kiểm sát nhân dân huyện Thủy Nguyên truy tố đối với các bị cáo: Tại phiên tòa các bị cáo khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội của mình, lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại, phù hợp với lời khai của người làm chứng, vật chứng thu giữ được cùng với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra và công bố công khai tại phiên tòa đã có đủ cơ sở xác định: Do mâu thuẫn trong quá trình hát tại quán Karaoke Sông Móc nên Nguyễn Văn C và Hoàng Văn Đ có hành vi dùng tay, chân đánh Khổng Thị Quỳnh N là vợ của Phạm Như Đ. Khi biết tin N bị đánh, Phạm Như Đ, Nguyễn Thế A và Nguyễn Văn Q đến quán Sông Móc. Tại đây, các bị cáo đã có hành vi dùng dao, chầy đập đá bằng kim loại, dây thắt lưng đánh A Nguyễn Văn C làm anh C bị tổn thương cơ thể là 25 %. Các bị cáo nhận thức được hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của người khác là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội. Do đó hành vi của các bị cáo Phạm Như Đ, Nguyễn Thế A và Nguyễn Văn Q phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “ Cố ý gây thương tích” theo quy định Điều 134 Bộ luật Hình sự.

[3] Về tình tiết định khung hình phạt: Các bị cáo Phạm Như Đ, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Thế A có hành vi dùng dao nhọn, chầy đập đá bằng kim loại, dây thắt lưng là hung khí nguy hiểm đánh gây thương tích cho người bị hại là anh Nguyễn Văn C, do vậy hành vi phạm tội của các bị cáo đã vi phạm tình tiết định khung là “dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Do thương tích các bị cáo gây ra làm người bị hại giảm 25% sức khỏe, vì vậy bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự như kết luận của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ, đúng pháp luật.

[4] Về tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với các bị cáo:

- Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo phạm tội không vi phạm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự

- Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Sau khi phạm tội, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo đều thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo đã bồi thường đầy đủ cho người bị hại và người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Bị cáo Phạm Như Đ và Nguyễn Thế A có thời gian tham gia Q đội, bị cáo Nguyễn Văn Q có bác ruột là liệt sĩ đồng thời bị cáo Q, Thế A còn có đơn bảo lãnh của gia đình có xác nhận của chính quyền địa phương. Đây là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cần xem xét áp dụng cho cả ba bị cáo. Ngoài ra do người bị hại có hành vi trái pháp luật đánh vợ của bị cáo Phạm Như Đ là chị Khổng Thị Quỳnh N đang mang thai tháng thứ 9 trước nên bị cáo Đ còn được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ “phạm tội trong trường hợp bị kích động vê tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra” quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Xét hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự xã hội nên cần thiết phải có hình phạt nghiêm khắc tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và nhân thân các bị cáo.

Đây là vụ án có đồng phạm nên cần phân hóa vai trò của từng bị cáo để có mức án phù hợp: Bị cáo Phạm Như Đ là người đề xuất với Nguyễn Văn Q và Nguyễn Thế A việc đi đến quán karaoke Sông Móc đồng thời là người thực hành tích cực, các thương tích của người bị hại phần lớn là do bị cáo gây ra. Nhân thân bị cáo có 01 tiền án mặc dù đã xóa án tích nhưng cũng không coi là bị cáo có nhân thân tốt. Do vậy bị cáo Đ có vai trò chính và phải chịu mức án cao nhất trong vụ án đồng thời phải cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian mới đủ tác dụng giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.

Bị cáo Nguyễn Văn Q và Nguyễn Thế A phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức và là người thực hành tích cực trong việc hỗ trợ bị cáo Đ gây thương tích cho người bị hại là A Nguyễn Văn C. Tuy nhiên cũng xét nhân thân các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, sau khi phạm tội đã ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, đã tự nguyện bồi thường cho người bị hại và người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Q, Thế A. Bị cáo Thế A có thời gian tham gia Q đội, bị cáo Q có bác ruột là liệt sĩ, hiện tại các bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, có đơn xin bảo lãnh của gia đình có xác nhận của chính quyền địa phương đề nghị Tòa án xem xét. Do đó xử các bị cáo Nguyễn Văn Q, Nguyễn Thế A thấp hơn mức án của bị cáo Phạm Như Đ và áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự khoan hồng cho hai bị cáo, cho hai bị cáo Q, Thế A được cải tạo ngoài xã hội cũng đủ tác dụng giáo dục các bị cáo, phòng ngừa chung đồng thời cũng thể hiện được sự tri ân của chính sách pháp luật của Nhà nước ta đối với người có công với cách mạng.

[5]. Về dân sự: Người bị hại là anh Nguyễn Văn C vắng mặt tại phiên tòa nhưng đã có lời khai có trong hồ sơ thể hiện người bị hại đã được Phạm Như Đ, Nguyễn Văn Q và Nguyễn Thế A bồi thường đầy đủ, không có yêu cầu nào khác nên hội đồng xét xử không xem xét.

[6]. Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s, e khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Phạm Như Đ 27 (hai mươi bẩy) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích.”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo Phạm Như Đ không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm bị cáo đi chấp hành án phạt tù.

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Q 24 (hai mươi bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích”, thời gian thử thách là 48 tháng tính từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo Nguyễn Văn Q cho Ủy ban nhân dân xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo Nguyễn Văn Q thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Thế A 24 (hai mươi bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích”, thời gian thử thách là 48 tháng tính từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo Nguyễn Thế A cho Ủy ban nhân dân xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo Nguyễn Thế A thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Về án phí: Áp dụng Điều 135 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Các bị cáo Phạm Như Đ, Nguyễn Văn Q, Nguyễn Thế A mỗi bị cáo phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Về quyền kháng cáo bản án: Các bị cáo có mặt tại phiên toà có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người bị hại vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

293
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 112/2018/HS-ST ngày 13/11/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:112/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thuỷ Nguyên - Hải Phòng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 13/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về