Bản án 103/2020/HS-ST ngày 18/11/2020 về tội gây rối trật tự công cộng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUỲNH PHỤ, TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 103/2020/HS-ST NGÀY 18/11/2020 VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Ngày 18 tháng 11 năm 2020, tại Hội trường Nhà văn hóa xã Q, huyện Q, tỉnh Thái Bình, Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Phụ xét xử sơ thẩm lưu động công khai vụ án hình sự thụ lý số 104/2020/TLST-HS ngày 27 tháng 10 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 103/2020/QĐXXST-HS ngày 05 tháng 11 năm 2020 đối với bị cáo:

Phm Văn B, sinh ngày 10/02/1976 tại huyện Q, tỉnh Thái Bình Nơi cư trú: thôn Ph, xã Q, huyện Q, tỉnh Thái Bình; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 5/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Phạm Tuấn Đ, sinh năm 1948 và bà: Vũ Thị Th, sinh năm 1955; vợ: Nguyễn Thị L, sinh năm 1978; có 03 con: Lớn sinh năm 1999, nhỏ nhất sinh năm 2010; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Bản án hình sự sơ thẩm số 22/2010/HSST ngày 06/5/2010 của Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, xử phạt 02 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, theo khoản 1 Điều 194 Bộ luật Hình sự 1999. Chấp hành xong toàn bộ bản án ngày 01/1 2/2011; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 16/9/2020.

(Có mặt tại phiên toà).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1978 Trú tại: thôn Ph, xã Q, huyện Q, tỉnh Thái Bình.

(Có mặt tại phiên tòa).

- Những người làm chứng:

+ Cháu Phạm Hoàng Ng, sinh ngày 29/9/2010 Người đại diện là: Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1978 (mẹ đẻ)

+ Cháu Phạm Anh Th, sinh ngày 03/4/2005 Người đại diện là: Chị Nguyễn Thị V, sinh năm 1984 (mẹ đẻ)

+ Chị Nguyễn Thị C, sinh năm 1980

+ Chị Nguyễn Thị V, sinh năm 1984

+ Ông Nguyễn Trọng D, sinh năm 1948 Đều trú tại: thôn Ph, xã Q, huyện Q, tỉnh Thái Bình;

(Cháu Ng có đơn xin xét xử vắng mặt; cháu Th, chị V, chị C, ông D vắng mặt tại phiên toà).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 11/2018, khi làm mộc tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Phạm Văn B được người bạn làm cùng nghề tên Nguyên ở huyện H cho một bệ pháo nổ (loại pháo hoa tự chế) khoảng 36 quả, chung 01 ngòi nổ; mỗi quả pháo có đặc điểm hình trụ, dài 15cm, đường kính 02cm, quấn sát nhau trên mặt mảnh bìa cát tông hình tròn, đường kính khoảng 20cm, về để đốt. Tuy nhiên, trước việc tuyên truyền và xử lý nghiêm của chính quyền đối với những hành vi vi phạm về pháo B đã dùng túi nilong gói hộp pháo giấu trên gác xếp tầng 2 của gia đình. Đến ngày 7/8/2020, B cầm bệ pháo xuống tầng 1 để dưới gầm giường ngủ của vợ chồng. Khoảng 19 giờ 40 phút ngày 08/8/2020, ăn cơm, uống rượu xong, B vào phòng ngủ tìm bật lửa hút thuốc. Khi cúi người nhặt chiếc bật lửa rơi trong gầm giường thấy bệ pháo B đã cầm ra phòng khách, tháo lớp nilong bên ngoài ra. Lúc này, cháu Phạm Hoàng Ng là con trai của B đang ngồi xem ti vi nhìn thấy nên hỏi:“Bố ơi cái gì thế?”. B đáp: “Pháo”. Do đã sử dụng rượu và nghĩ hôm sau là kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng nên B đã nảy sinh ý định đốt bệ pháo. B bê bệ pháo ra đường thôn Ph, xã Q đặt trên mặt đường (vạch gờ giảm tốc thứ 2), cách cổng nhà 09m, cách tâm ngã ba giao nhau giữa đường đi vào thôn Ph với đường ĐT455 khoảng 10m. Cháu Ng thấy B đốt pháo nên cũng đi theo. B ngồi xuống, dùng chiếc bật lửa ga màu đỏ đốt cháy ngòi pháo rồi đứng dậy đi về cổng nhà xem. Bệ pháo phát nổ liên tiếp khoảng 12 quả (mỗi quả pháo khi nổ ngoài phát ra âm thanh còn tạo ra ánh sáng ở độ cao khoảng 30m). Nghe có tiếng pháo nổ ông Nguyễn Trọng D, chị Nguyễn Thị C, chị Nguyễn Thị V ở gần nhà B chạy ra; một số phương tiện tham gia giao thông đi tới đã phải dừng lại. Bệ pháo phát nổ được 12 giây thì không nổ nữa. B đi lại thấy bệ pháo còn bốc khói nên đã bảo Cháu Ng vào nhà lấy cho 01 gáo nước ra đổ vào bệ pháo, dặn Cháu Ng mang đi vứt rồi đi vào nhà. Do tò mò, Cháu Ng vào nhà lấy chiếc bật lửa ra đốt bệ pháo nhưng không nổ sau đó cầm ra cầu đá cách nhà B khoảng 50m, ném xuống bờ ao nhà ông Đặng Văn Tỵ ở cùng thôn.

Nhận được tin báo của Công an xã Q, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, truy tìm, quản lý, niêm phong 12 vỏ pháo bằng giấy, hình trụ, màu nâu, dài 15cm, đường kính 02cm (08 vỏ pháo nguyên vẹn; 02 vỏ pháo bị ẩm ướt; 02 vỏ pháo bị gãy thành 04 đoạn) dưới bờ ao nhà ông Đặng Văn Tỵ.

Quản lý của Phạm Văn B 01 gáo múc nước bằng nhựa màu xanh; 01 chiếc bật lửa ga (đánh đá) màu đỏ.

Tại bản Kết luận giám định số 5480/C09-P2 ngày 31/8/2020 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: “Mẫu vật gửi giám định (12 vật hình trụ, vỏ giấy màu nâu) là vỏ của các ống pháo đã qua sử dụng. Mẫu vật này khi chưa sử dụng là pháo có đầy đủ đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và khi bị kích thích hoặc đốt có gây tiếng nổ)”. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hay khiếu nại gì về kết luận giám định trên.

Cáo trạng số 109/CT-VKSQP ngày 26/10/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã truy tố Phạm Văn B về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, Phạm Văn B khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo như đã nêu trong bản Cáo trạng. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - chị Nguyễn Thị L giữ nguyên lời khai đã khai tại giai đoạn điều tra.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vẫn giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo Phạm Văn B và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”. Đề nghị áp dụng khoản 1 Điều 318; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 50; Điều 38 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo mức án từ 09 tháng đến 12 tháng tù. Ngoài ra, còn đề nghị về xử lý vật chứng và nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Trong phần tranh luận bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tranh luận với nhau và với Kiểm sát viên. Bị cáo nói lời sau cùng đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về quyết định, hành vi tố tụng: Quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳnh phụ, tỉnh Thái Bình, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và những người làm chứng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo: Xét thấy, lời khai nhận tội của bị cáo Phạm Văn B tại phiên tòa phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra có trong hồ sơ vụ án (bút lục số: 110-136); phù hợp với bản tự khai và biên bản ghi lời khai của cháu Phạm Hoàng Ng (bút lục số: 137 - 143); cháu Phạm Anh Th (bút lục số: 149 - 154); chị Nguyễn Thị C (bút lục số: 145 - 148); chị Nguyễn Thị V (bút lục số: 163 - 166), ông Nguyễn Trọng D (bút lục số: 159 - 162), chị Nguyễn Thị L (bút lục số: 155 - 158). Ngoài ra hành vi phạm tội của bị cáo còn được chứng minh bằng các tài liệu, chứng cứ sau: Sơ đồ và biên bản khám nghiệm hiện trường do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình lập hồi 20 giờ 30 phút ngày 08/8/2020 tại đường thôn Ph, xã Q, huyện Q, tỉnh Thái Bình (bút lục số: 11 - 14); biên bản truy tìm vật chứng, biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu, biên bản niêm phong đồ vật, tài liệu do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình lập hồi 20 giờ 30 phút, 21 giờ, 21 giờ 30 phút ngày 08/8/2020 và 09 giờ 30 phút ngày 21/8/2020 (bút lục số: 15 - 18; 24); biên bản xác minh và trích lục bản đồ địa chính do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình lập hồi 09 giờ ngày 14/9/2020 tại Uỷ ban nhân dân xã Q, huyện Q, tỉnh Thái Bình (bút lục số: 47 - 48); bản Kết luận giám định số 5480/C09-P2 ngày 31/8/2020 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an (bút lục số: 21); biên bản trích xuất và giao nhận dữ liệu điện tử do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳnh Phụ lập hồi 09 giờ 10 phút ngày 21/8/2020 tại Ủy ban nhân dân xã Q, huyện Quỳnh Phụ (bút lục số: 24); Bản kết luận giám định số 07/KLGĐ-PC09 ngày 14/10/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Bình về việc không phát hiện thấy dấu hiệu cắt ghép, chỉnh sửa nội dung tập tin video quản lý của chị Nguyễn Thị V (bút lục số: 26) cùng các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Từ những chứng cứ nêu trên, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ để kết luận: Khoảng 19 giờ 45 phút ngày 08/8/2020, tại đường thôn Ph, xã Q, huyện Q, tỉnh Thái Bình, Phạm Văn B đã có hành vi đốt 01 bệ pháo nổ (loại pháo hoa) gây mất trật tự trị an và hoạt động bình thường ở nơi có đông dân cư sinh sống. Hành vi của bị cáo đã phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” với tình tiết định khung quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự như Viện kiểm sát nhân dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đã truy tố là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Điu 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm”.

[3] Về tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bởi hành vi đó đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an, an toàn xã hội và nếp sống văn minh tại địa phương, gây tâm lý bất bình trong quần chúng nhân dân trên địa bàn nơi xảy ra vụ án.

Nhiều năm trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta đã ra sức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc Nghị định số 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Bị cáo có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức rất rõ việc Nhà nước cấm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo, thuốc pháo song vì động cơ cá nhân, bị cáo bất chấp pháp luật, ngang nhiên đốt pháo ở nơi công cộng, gây cản trở hoạt động giao thông bình thường nên cần phải xử phạt thật nghiêm.

[4] Xét về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử xét thấy:

Về nhân thân: Năm 2010, bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Phụ xử phạt 02 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, mặc dù bị cáo đã thi hành xong và đủ điều kiện được xóa án tích song đây cũng là một trong những căn cứ để Hội đồng xét xử xem xét, quyết định mức hình phạt đối với bị cáo ở lần phạm tội này.

Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào.

Về tình tiết giảm nhẹ: Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, bản thân bị cáo có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, bố đẻ là người có công được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự.

[5] Từ những nhận định nêu trên, đối chiếu với các quy định của pháp luật và xét đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ, Hội đồng xét xử thấy cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội trong một thời gian nhất định mới có tác dụng răn đe, cải tạo, giáo dục bị cáo nói riêng và đấu tranh, phòng ngừa tội phạm chung như mức án mà Viện kiểm sát đề nghị là phù hợp.

[6] Về xử lý vật chứng: 12 vỏ pháo đã qua sử dụng, sau khi giám định Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã xử lý theo quy định nên không đặt ra giải quyết.

Đối với: 01 chiếc gáo nhựa màu xanh; 01 bật lửa ga (đánh đá) màu đỏ (đều đã cũ) bị cáo dùng vào việc phạm tội. Đây là các dụng cụ sinh hoạt trong gia đình bị cáo song chị Luyến (vợ bị cáo) không đề nghị nhận lại, mặt khác giá trị sử dụng thấp nên cần áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự tịch thu tiêu hủy là phù hợp.

[7] Về nguồn gốc bệ pháo, bị cáo Phạm Văn B khai là của một người bạn tên Ng ở huyện H cho vào khoảng tháng 11/2018 khi cùng làm mộc ở Quảng Ninh nhưng không biết họ tên, địa chỉ cụ thể và không liên lạc được nên Cơ quan điều tra không có đủ căn cứ điều tra, xử lý.

[8] Đối với chị Nguyễn Thị L (vợ bị cáo), không biết việc bị cáo mang pháo về nhà cất giấu, không biết hành vi đốt pháo của bị cáo tối ngày 08/8/2020 nên Cơ quan điều tra không xử lý đối với chị Luyến là có cơ sở.

[9] Cháu Phạm Hoàng Ng (con bị cáo) do tò mò đã đốt bệ pháo nhưng không phát nổ sau đó còn mang bệ pháo ném xuống ao nhà ông Đặng Văn T. Xét thấy, Cháu Ng tuổi còn nhỏ, chưa có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nên cơ quan Cảnh sát điều tra đã không xử lý là đúng pháp luật.

[10] Về án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo Phạm Văn B phải chịu án phí hình sự sơ thẩm. Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Phạm Văn B phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

2. Hình phạt: Áp dụng khoản 1 Điều 318; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 50 và Điều 38 Bộ luật Hình sự:

Xử phạt bị cáo Phạm Văn B 09 (chín) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự; khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự:

Tịch thu tiêu hủy: 01 chiếc gáo nhựa màu xanh; 01 bật lửa ga (đánh đá) màu đỏ (đều đã cũ).

(Các vật chứng trên đang được Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình quản lý theo Biên bản về việc giao nhận vật chứng, tài sản số 13 ngày 28/10/2020 giữa Công an huyện Quỳnh Phụ và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quỳnh Phụ).

4. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 1 Điều 21, điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Bị cáo Phạm Văn B phải nộp số tiền 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

5. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (18/11/2020).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

282
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 103/2020/HS-ST ngày 18/11/2020 về tội gây rối trật tự công cộng

Số hiệu:103/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 18/11/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về