Bản án 1020/2019/LĐ-PT ngày 13/11/2019 về tranh chấp đòi tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 1020/2019/LĐ-PT NGÀY 13/11/2019 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TIỀN LƯƠNG DO ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Trong các ngày 17/10/2019 và ngày 13/11/2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số số 59/2018/TLPT-LĐ ngày 30/10/2018 về “Tranh chấp về đòi tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

Do bản án lao động sơ thẩm số 11/2018/LĐ-ST ngày 20/09/2018 và Quyết định sửa chữa, bổ sung số 80/2019/QĐ-SCBSBA ngày 21/9/2018 của Tòa án nhân dân Quận S bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 4005/2019/QĐPT-LĐ ngày 04/9/2019, Quyết định hoãn phiên tòa số 7813/2019/QĐ-PT ngày 30/9/2019 và Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 8940/2019/QĐPT-LĐ ngày 17/10/2019, giữa các đương sự:

­ Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1981 Địa chỉ: 231 Đường A, Phường B, Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh.

Địa chỉ liên hệ: Phòng số 10, Tầng 14, Lô B1 Chung cư C, Đường D, phường E, quận F, Thành phố Hồ Chí Minh.

­ Bị đơn: Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại V Trụ sở: Tầng 1, Tòa nhà G, 117-119 Đường H, Phường I, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp: Ông Trương Chiến L, sinh năm 1978; địa chỉ liên lạc: 425A Đường A, Phường B, Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh; là người đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 26/12/2016).

­ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Hộ kinh doanh cá thể T Địa chỉ: 437B Đường A, Phường B, Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1981; chức danh: chủ hộ kinh doanh; là người đại diện theo pháp luật.

­ Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Nguyễn Văn T và bị đơn Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại V.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện, nguyên đơn - ông Nguyễn Văn T trình bày:

Vào ngày 02/01/2005 ông T ký hợp đồng lao động với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V (viết tắt là Công ty); theo hợp đồng lao động thì mỗi tháng tiền lương mà công ty phải trả cho ông là 40.000.000đồng, tiền phụ cấp mỗi tháng 2.000.000đồng, trong đó tiền ăn trưa là 1.500.000đồng và tiền chuyên cần 500.000đồng. Từ khi vào làm việc ngày 02/01/2005 cho đến tháng 6/2015 công ty vẫn chưa trả tiền lương và phụ cấp cho ông. Ngày 10/3/2015 ông T có lập thư đề nghị trả lương và phụ cấp gửi đến Giám đốc công ty là ông Phan Minh C đã được Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng xác nhận có giao thư cho Công ty, nhưng Công ty vẫn không có ý kiến phản hồi. Ngày 04/6/2015 Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Quận S có tổ chức buổi hòa giải nhưng không có người của Công ty đến tham gia. Nay ông yêu cầu Công ty trả số tiền lương cụ thể như sau:

- Tiền lương từ ngày 02/01/2005 đến ngày 30/6/2015 tổng thời gian là 125 tháng, mỗi tháng 40.000.000đồng bằng 5.000.000.000đồng;

- Tiền phụ cấp mỗi tháng 2.000.000đồng, trong đó tiền cơm 1.500.000đồng, tiền chuyên cần 500.000đồng tổng thời gian 125 tháng bằng 250.000.000đồng.

Tổng cộng tiền lương và phụ cấp là : 5.250.000.000đồng.

Tại đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ông T trình bày ý kiến bổ sung như sau: Theo hợp đồng kinh tế về phân phối sản phẩm sữa với Công ty, theo đó Công ty có hỗ trợ cho ông 04 chiếc xe tải biển kiểm soát (51C-39082, 54Z- 0942, 51C-02327, 51C-00880), để cơ sở T sử dụng. Vì vậy giữa ông T và Công ty có thỏa thuận về khoản lương lao động theo chức vụ làm giám đốc kinh doanh tạm thời không nhận và đưa vào công nợ của Công ty với cơ sở T. Đến năm 2013, do Công ty có ý định thâu tóm thị phần kinh doanh của cơ sở T nên việc phân phối sữa qua đại lý của ông bị Công ty chấm dứt. Phần công nợ giữa Công ty với cơ sở T đã giải quyết xong. Năm 2014 Công ty thu hồi lại bốn chiếc xe tải như đã mô tả trên. Đối với tiền lương ông cho rằng từ năm 2005 đến nay vẫn chưa được công ty trả nên yêu cầu Công ty trả lại tổng số tiền lương đến ngày có quyết định cho thôi việc với tổng số tiền là 5.250.000.000đồng. Đối với khoản tiền mua bán hàng hóa theo yêu cầu phản tố của Công ty thì ông T không chấp nhận.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông T trình bày: Ông T xác nhận hợp đồng đề ngày 10/3/2006 là do ông ký tên nên không yêu cầu giám định chữ ký. Ông ký tên trong hợp đồng ngày 10/3/2006 là nhằm mục đích đóng tiền bảo hiểm xã hội, nên ông yêu cầu không tính mức lương và phụ cấp tại hợp đồng này, mà yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét tính mức lương và phụ cấp theo hợp đồng ký kết ngày 02/01/2005. Về khoản tiền theo yêu cầu phản tố của Công ty thì ông thừa nhận có ký tên vào các phiếu xuất kho do Công ty giao nộp cho Tòa án, nhưng ông ký nhận với tư cách là vị trí người đại diện chủ hộ kinh doanh cá thể T, không phải ký với vị trí nhân viên Công ty nên yêu cầu không giải quyết trong vụ án này. Còn số tiền 2 tỷ đồng ông T nhận của Công ty là tạm ứng lương và ông đã sử dụng trả tiền mua bốn chiếc xe ô tô tải nhưng do Công ty đứng tên nên Công ty đã lấy lại bốn chiếc xe coi, như Công ty chưa trả tiền lương cho ông T trong 10 năm.

* Trong đơn yêu cầu phản tố đề ngày 05/01/2016 cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo pháp luật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V - ông Phan Minh C và người đại diện theo ủy quyền ông Trương Chiến L trình bày:

Từ tháng 3/2005, ông Nguyễn Văn T là nhân viên kinh doanh các sản phẩm sữa bột của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại V (viết tắt là Công ty). Ông T làm việc được một thời gian đến ngày 10/3/2006 thì chính thức ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Theo nội dung hợp đồng thì mức lương là 630.000đồng/tháng, phụ cấp 480.000đồng/tháng, tổng cộng là 1.110.000đồng/tháng. Công ty có đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho ông T đầy đủ theo mức lương đã được ghi nhận trong sổ bảo hiểm xã hội. Cách thức trả lương là bằng tiền mặt trả vào ngày 30 hàng tháng, do Công ty gia đình không có bảng lương nên khi trả lương Công ty trả cho ông T bằng tiền mặt mà không ký nhận vào bảng lương hàng tháng. Từ khi ông T vào làm việc cho đến khi nghỉ việc Công ty đã trả lương hàng tháng đầy đủ cho ông T, nên ông T khởi kiện yêu cầu Công ty để đòi tiền lương là công ty không chấp nhận.

Trong thời gian từ ngày 20/02/2014 đến ngày 10/12/2014, với vị trí là nhân viên tiếp thị, Công ty đã giao nhiều đợt hàng hóa cho ông T để mang đi tiếp thị và bán hàng lưu động. Mỗi lần nhận hàng ông T đều có ký nhận vào phiếu xuất kho với vị trí là nhân viên của Công ty. Cuối năm 2014 ông T tự bỏ việc tại Công ty không có lý do và điều chuyển bốn chiếc xe ô tô tải của Công ty đi không báo cáo với Công ty, nên Công ty có nhờ Công an truy tìm và đã thu hồi lại đủ bốn chiếc xe như đã nêu trên. Công ty có mời ông T về để giải quyết công nợ do bán hàng chưa trả nhưng ông T cố tình không đến nên Công ty có lập biên bản xử lý kỷ luật vắng mặt ông T đồng thời ra quyết định buộc bồi thường tài sản do vi phạm trách nhiệm vật chất. Sau khi kiểm tra cân đối các phiếu xuất kho thì ông T còn nợ Công ty tổng số tiền bán hàng chưa thanh toán là 5.180.304.500đồng, kèm theo bảng kê chi tiết.

Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của Công ty ông Trương Chiến L có ý kiến không chấp nhận yêu cầu của ông T về đòi tiền lương theo hợp đồng ngày 02/01/2005, còn tiền lương quy định tại hợp đồng ngày 10/3/2006 yêu cầu Hội đồng xét xử giải quyết theo pháp luật. Đồng thời giữ nguyên yêu cầu phản tố đòi ông T bồi thường cho Công ty số tiền là 5.180.304.500đồng.

Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Tại Quyết định số 06/2017/QĐ-ADBPKCTT ngày 26/5/2017, Tòa án nhân dân Quận S đã quyết định trích một phần tiền lương theo mức lương cơ sở tối thiểu vùng I năm 2014 là 2.700.000đồng để tạm ứng cho ông T mười tháng lương bằng 27.000.000đồng. Trong qúa trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, ông T thừa nhận đã nhận đủ sồ tiền 27.000.000đồng do Chi cục Thi hành án dân sự Quận S chi trả theo quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

* Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận S phát biểu ý kiến về tố tụng và đề nghị giải quyết vụ án như sau:

Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về địa vị tố tụng, đề nghị Hội đồng xét xử vẫn giữ nguyên địa vị tố tụng của các đương sự theo thông báo thụ lý vụ án để giải quyết theo thủ tục chung.

Đối với tư cách đại diện theo ủy quyền của ông Vương Công D và ông Lê Hữu V với nguyên đơn ông Nguyễn Văn T: Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa ông T yêu cầu hủy ủy quyền đối với ông D và ông V, nên đề nghị Hội đồng xét xử không đưa hai ông D và V vào tham gia tố tụng.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn về đòi tiền lương trong hợp đồng đề ngày 02/01/2005 và buộc Công ty phải trả tiền lương cho ông T từ ngày 01/3/2005 đến thời điểm Công ty ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 24/4/2015 theo mức lương thỏa thuận tại hợp đồng đề ngày 10/3/2006 được điều chỉnh từng giai đoạn theo mức tại sổ bảo hiểm xã hội. Về trách nhiệm vật chất, buộc ông T phải bồi thường cho Công ty số tiền 5.180.304.500đồng.

* Tại bản án lao động sơ thẩm số 11/2018/LĐ-ST ngày 20/9/2018 của Tòa án nhân dân Quận S đã quyết định:

Căn cứ vào các Điều 32, 35, 39, 92, 93, 94, 95, 147, 200, 202, 227, 233, 235, 244, 264, 266, 267, 273, 280 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn cứ vào Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội ban hành kèm theo danh mục về án phí, lệ phí Tòa án.

Căn cứ các Điều 36, 90, 130, 201 của Bộ luật Lao động năm 2012.

Căn cứ vào Điều 26 Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V đối với ông Nguyễn Văn T về bồi thường thiệt hại do vi phạm trách nhiệm vật chất;

Buộc ông Nguyễn Văn T phải có nghĩa vụ trả lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V tổng số tiền là 5.180.304.500đồng (năm tỷ một trăm tám mươi triệu ba trăm lẻ bốn nghìn năm trăm đồng).

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V về Hợp đồng lao động đề ngày 02/01/2005. Công nhận Hợp đồng lao động đề ngày 10/3/2006 giữa ông Nguyễn Văn T và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V là hợp pháp. Quan hệ tiền lương giữa ông T và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V được xác lập theo nội dung Hợp đồng đề ngày 10/3/2006, thời gian trả lương được tính từ ngày 01/3/2005 đến ngày 30/4/2015, theo từng thời điểm lương ghi nhận tại hợp đồng lao động và sổ bảo hiệm xã hội do Cơ quan bảo hiểm xã hội Quận S cấp cho ông T số 0205078566 ngày 11/4/2005;

Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V phải có nghĩa vụ trả lại cho ông Nguyễn Văn T tổng số tiền lương là: 379.602.938đồng (ba trăm bảy mươi chín triệu sáu trăm lẻ hai nghìn chín trăm ba mươi tám đồng).

3. Hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 06/2017/QĐ-ADBPKCTT ngày 26/5/2017 của Tòa án nhân dân Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh;

Ông Nguyễn Văn T phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V số tiền 27.000.000đồng (hai mươi bảy triệu đồng), do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

4. Sau khi bù trừ nghĩa vụ giữa các bên, thì ông Nguyễn Văn T phải có nghĩa vụ trả lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V tổng số tiền là 4.773.701.062 đồng (bốn tỷ bảy trăm bảy mươi ba triệu bảy trăm lẻ một nghìn không trăm sáu mươi hai đồng), sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

5. Về án phí:

Miễn án phí lao động sơ thẩm đối với ông Nguyễn Văn T.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 11.388.088đồng (mười một triệu ba trăm tám mươi tám nghìn không trăm tám mươi tám đồng), được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 23.600.000đồng, theo biên thu tiền số 0003019 ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chi cục thi hành án dân sự Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V được nhận lại số tiền là 12.211.912đồng (mười hai triệu hai trăm mười một nghìn chín trăm mười hai đồng).

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo và biện pháp chế tài đối với người không tự nguyện thi hành án.

* Ngày 28/9/2018 ông Nguyễn Văn T nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với nội dung không đồng ý bản án tòa xử theo mức lương đóng bảo hiểm xã hội với việc chi trả lương tổng cộng 379.602.938đ vì bảng lương theo hợp đồng lao động công ty thỏa thuận là 42.000.000đ/tháng. Hủy phần bản án xử theo yêu cầu phản tố của bị đơn vì đây là tranh chấp tiền lương còn nợ tiền mua bán giữa công ty với ông là thỏa thuận mua bán dân sự nên yêu cầu sửa toàn bộ bản án sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và bác toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn.

* Ngày 02/10/2018 Công ty TNHH Sản xuất Thương mại V nộp đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, công ty không đồng ý trả tổng số tiền lương cho ông T là 379.602.938đ vì cho đã thanh toán đủ lương, ông T đã thừa nhận tại biên bản đối chất, làm việc ngay tại phiên tòa.

* Tại phiên tòa phúc thẩm:

­ Nguyên đơn - ông Nguyễn Văn T trình bày:

Ông không đồng ý trả bồi thường trách nhiệm vật chất vì Công ty đòi không có cơ sở. Về phần tiền lương ông đòi Công ty trả 10 năm tiền lương theo mức lương đã ký hợp đồng lao động ngày 02/01/2005. Ông có ứng trước 2 tỷ đồng tiền lương để mua 04 xe tải chở hàng của Công ty đi bán nhưng để Công ty đứng tên sở hữu các xe này, việc ứng 2 tỷ đồng không có giấy tờ ghi nhận. Năm 2015 Công ty thu hồi lại 04 xe tải này nên coi như 2 tỷ đồng ứng trước không tính, nên Công ty phải trả đủ tiền lương cho ông trong 10 năm .

­ Bị đơn do ông Trương Chiến L đại diện trình bày:

Công ty đã trả đủ tiền lương hàng tháng cho ông T nhưng do Công ty nhỏ hoạt động như gia đình, không cho ký trực tiếp bảng lương nên nay không có để cung cấp. Tại phiên tòa phúc thẩm Công ty đồng ý rút đơn kháng cáo và đồng ý trả đủ tiền lương cho ông T như án sơ thẩm đã xử. Còn về yêu cầu phản tố của Công ty, do ông T khi nhận hàng sữa đi bán đều có ký nhận trên phiếu xuất kho, khi nào ông T đưa về Công ty tiền bán hàng hoặc hàng không bán được phù hợp với số lượng ghi trên phiếu xuất kho thì Công ty sẽ đưa lại bản chính phiếu xuất kho đó cho ông T giữ. Những phiếu xuất kho hiện Công ty còn giữ chính là nợ của ông T đối với Công ty, ông T đã nhận hàng nhưng chưa đem tiền về thanh toán cho Công ty nên phải bồi thường theo trách nhiệm vật chất cho Công ty.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu:

Về thủ tục tố tụng: Hội đồng xét xử đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Về yêu cầu kháng cáo của Công ty, tại phiên tòa Công ty đã rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo về thanh toán lương 10 năm cho ông T, Công ty đồng ý thanh toán lương như án sơ thẩm đã tuyên xử. Đề nghị đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Công ty. Mặc dù ông T không rút kháng cáo ở phần này, ông yêu cầu xử mức tiền lương như hợp đồng ngày 02/01/2005 nhưng xét thấy không có cơ sở vì hợp đồng giả tạo nên không chấp nhận yêu cầu của ông T.

Về yêu cầu kháng cáo của ông T không chấp nhận việc đòi thanh toán tiền hàng theo yêu cầu phản tố của công ty: Căn cứ các phiếu xuất kho từ ngày 20/2/2014 đến ngày 20/12/2014 do Công ty liệt kê ông T thừa nhận chữ ký nhưng không chứng minh được đã thanh toán tiền cho Công ty, Công ty chưa nhận tiền bán hàng từ ông T nên ông T phải thanh toán đủ, vì vậy đề nghị chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty.

Do án sơ thẩm tính toán sai khấu trừ giữa tiền lương, tiền bồi thường và tiền lương ứng trước 27.000.000đồng đã thi hành theo quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên cần tính lại cho đúng.

Đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về hình thức: Đơn kháng cáo của ông Nguyễn Văn T và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại V (gọi tắt là Công ty) nộp trong hạn luật định thực hiện theo đúng quy định tại Điều 272, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và nộp tạm ứng án phí đúng thời hạn quy định của luật nên đơn kháng cáo được chấp nhận hợp lệ [2] Về nội dung: Xét yêu cầu kháng cáo của ông T không đồng ý bồi thường trách nhiệm vật chất cho Công ty như án sơ thẩm tuyên xử đó là yêu cầu phản tố của Công ty đòi ông T bồi thường thiệt hại:

Người đại diện theo ủy quyền của Công ty ông Trương Chiến L cho rằng từ ngày 20/02/2014 đến ngày 10/12/2014, với tư cách là nhân viên tiếp thị của Công ty, ông T đã nhận hàng hóa sản phẩm sữa của Công ty để tiếp thị bán lưu động. Tổng số hàng ông T nhận thể hiện tại Bản kê phiếu xuất kho lập ngày 25/8/2015, với tổng số tiền nợ chưa thanh toán là 5.180.304.500đồng. Nay yêu cầu ông T phải bồi thường lại cho Công ty số tiền như đã nêu trên.

Ông T thừa nhận tại các phiếu xuất kho theo bản kê của Công ty là do ông ký tên nhận hàng, nhưng không nhận với vị trí là nhân viên tiếp thị của Công ty mà nhận với vị trí là Chủ hộ kinh doanh cá thể T, đồng thời ông cho rằng số hàng trên nhân viên cơ sở T bán và đã trả tiền từng đợt dứt điểm nên không chấp nhận yêu cầu của Công ty về việc bồi thường số tiền 5.180.304.500đồng.

Hi đồng xét xử sơ thẩm đã nhận định: Tại đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ông T tự khai có nội dung: “Năm 2013 do Công ty có ý định thâu tóm thị phần kinh doanh của cơ sở T, nên việc phân phối sữa qua đại lý của tôi bị Công ty chấm dứt, năm 2014 Công ty thu hồi bốn chiếc xe ô tô tải…”. Biên bản lấy lời khai ngày 12/3/2018, Biên bản đối chất ngày 23/4/2018, Biên bản kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và Biên bản hòa giải ngày 10/7/2018, ông T trình bày: “Tôi thừa nhận có ký tên vào các phiếu xuất kho, mục đích bảo lãnh cho nhân viên cơ sở Thuận Thông trực tiếp nhận hàng đi tiếp thị và bán hàng lưu động. Nhân viên cơ sở Thuận Thông sau khi bán hàng về, đã thanh toán tiền đầy đủ cho Công ty V, nên đã được Công ty V xuất hóa đơn VAT giao cho khách hàng”. Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của Công ty ông Trương Chiến L xuất trình các tài liệu gồm: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 41F8021555 đăng ký lần đầu ngày 24/01/2014, thay đổi lần 1 ngày 30/10/2017 của Phòng Kinh tế Quận S cấp cho bà Huỳnh Thị Nguyệt T đại diện chủ hộ kinh doanh T; Giấy xác nhận số 47/KT-GXN ngày 24/01/2014 của Phòng kinh tế có nội dung Phòng Kinh tế đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể T do ông T đại diện chủ hộ; Thông báo số 87/TB-CAQ6 ngày 08/8/2018 của Công an Quận S về việc không khởi tố vụ án hình sự đối với đối với bà Huỳnh Thị Nguyệt T theo yêu cầu của ông T liên quan đến việc đăng ký hộ kinh doanh T; Biên bản cuộc họp của Công ty về việc xử lý đối với ông T do vi phạm trách nhiệm vật chất đề ngày 10/02/2015 và Quyết định thu hồi tài sản của công ty số 01/2015/QĐ-TS ngày 20/3/2015 của Công ty đối với ông T. Ngoài ra ông T còn xuất trình Thông báo ngày 17/01/2015 của Công ty đối với các khách hàng do ông T bán hàng còn nợ tiền không được thanh toán lại cho ông T với lý do đang tranh chấp về tài chính.

Các tài liệu, chứng cứ do ông L và ông T xuất trình tại phiên tòa đều có nội dung thể hiện Hộ kinh doanh cá thể T do bà Huỳnh Thị Nguyệt T đứng tên đại diện chủ hộ đã được đăng ký hợp pháp tại Phòng Kinh tế Quận S từ ngày 24/01/2014, và cũng từ thời gian này hộ kinh doanh cá thể T do ông T đại diện chủ hộ kinh doanh đã chấm dứt hoạt động.

Theo các phiếu xuất kho do ông L xuất trình tại phiên tòa mà ông T đã thừa nhận có ký tên nhận hàng kèm theo bản kê của Công ty, thì thời điểm Công ty giao hàng cho ông T chở đi bán tiếp thị là từ ngày 20/02/2014 đến ngày 10/12/2014. Thời điểm này Hộ kinh doanh cá thể T do ông T đại diện chủ hộ không còn hoạt động, nên việc ông T ký tên nhận hàng trong các phiếu xuất kho của Công ty là ký với vị trí là nhân viên tiếp thị của Công ty, số hàng mà Công ty giao cho ông vận chuyển đi bán lưu động do ông T không nộp tiền trả công ty và không cung cấp tên người mua hàng nên công ty chưa xuất hóa đơn tên khách hàng và có thu thuế giá trị gia tăng nên yêu cầu này của ông T là vô lý đòi cung cấp hóa đơn trong khi chưa nộp tiền về công ty.

Về trình tự thủ tục xử lý kỷ luật do vi phạm về trách nhiệm vật chất. Tại phiên tòa, ông L cho rằng khoảng đầu năm 2014, ông T nghỉ làm việc tại Công ty đồng thời cất giấu bốn chiếc xe tải mà Công ty mua giao cho ông quản lý sử dụng chở hàng đi bán tiếp thị nên ngày 10/02/2015 tại biên bản họp xử lý việc chiếm đoạt tiền hàng và tài sản, Công ty yêu cầu ông T hoàn trả tài sản và tiền hàng cho công ty, ông T có mặt họp nhưng đã bỏ về không ký biên bản. Ngày 12/3/2015 Công ty mời họp xử lý thu hồi xe và tiền hàng nhưng ông T không đến. Ngày 20/3/2015 Công ty ra Quyết định thu hồi tài sản và sau đó có đơn gửi đến công an nhờ thu hồi giúp 04 chiếc xe. Công ty nhờ Công an hỗ trợ và đã thu hồi được bốn chiếc xe này theo biên bản làm việc ngày 25/3/2015. Như vậy Công ty đã chứng minh được lỗi của người lao động, có lập biên bản xử lý bồi thường thiệt hại trách nhiệm vật chất, có mặt người lao động nhưng ông T không ký biên bản mà bỏ về. Biên bản thiếu đại diện công đoàn nhưng do công ty nhỏ không có lập tổ chức công đoàn tại cơ sở.

Ông T thừa nhận các phiếu xuất kho từ ngày 20/02/2014 đến ngày 10/12/2014 là ông nhận hàng và là chữ ký của ông. Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, ông T không chứng minh được việc đã trả tiền nợ bán hàng dứt điểm cho Công ty. Theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật lao động thì trong trường hợp người lao động làm mất tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc trong trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.

Sau khi xem xét, đánh giá chứng cứ Hội đồng xét xử sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của Công ty về việc buộc ông T phải chịu trách nhiệm vật chất bồi thường thiệt hại số tiền 5.180.304.500đồng cho Công ty là có căn cứ phù hợp pháp luật nên chấp nhận là đúng cho nên phần này Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định giữ nguyên như án sơ thẩm đã tuyên xử.

[3] Xét yêu cầu của ông Nguyễn Văn T về đòi tiền lương do ông T nghỉ việc:

Tại đơn khởi kiện ông T cho rằng, ông vào làm việc tại Công ty trước 07 ngày, vào ngày 02/01/2005 thì chính thức ký hợp đồng lao động. Nay yêu cầu công ty trả lương và phụ cấp cho ông với số tiền 42.000.000đồng/tháng, thời gian làm việc được tính từ thời điểm ký hợp đồng lao động ngày 02/01/2005 tạm tính đến 30/6/2018 là 5.250.000.000đồng. Tại phiên tòa, ông T thừa nhận có ký tên trong Hợp đồng lao động đề ngày 10/3/2006 nên không yêu cầu giám định chữ ký, nhưng ông cho rằng ký hợp đồng lao động này là nhằm mục đích để đóng tiền bảo hiểm xã hội, còn mức lương được tính theo thỏa thuận tại Hợp đồng lao động ngày 02/01/2005.

Người đại diện theo ủy quyền của Công ty là ông Trương Chiến L cho rằng, Hợp đồng lao động đề ngày 02/01/2005 là giả tạo, nên không chấp nhận yêu cầu của ông T về đòi tiền lương và phụ cấp tại hợp đồng này. Theo ông L thì cho ông T thực tế làm việc tại Công ty từ đầu tháng 3/2005 đến ngày 10/3/2006 chính thức ký kết hợp đồng lao động.

Như Hội đồng xét xử sơ thẩm đã nhận định, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

Chng cứ do các bên giao nộp và do Tòa án thu thập thể hiện, Giấy chứng minh nhân dân của ông T đăng ký lần đầu số 211863377 cấp ngày 03/4/2003 tại Công an tỉnh Bình Định, đăng ký lại lần thứ hai số 025229375 cấp ngày 16/3/2010 tại Công an Thành phố Hồ Chí Minh; nhưng trong hợp đồng đề ngày 02/01/2005 ông T ghi thông tin chứng minh nhân dân cấp năm 2010. Tại kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an Thành phố Hồ Chí Minh số 540/KLGD-TT ngày 10/5/2016 và kết luận giám định số 742/KLGĐ-TT ngày 08/9/2017 đã kết luận “Không đủ cơ sở kết luận chữ ký tên Phan Minh C trên tài liệu cần giám định ký hiệu A (đã nêu tại mục 2.1) so với chữ ký đứng tên Phan Minh C trên các tài liệu mẫu ký hiệu từ M1 đến M33 (đã nêu tại mục 2.2) có phải do cùng một người ký ra hay không”. Tại Công văn số 97/LĐTBXH ngày 01/3/2016 của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Quận S thể hiện Hợp đồng lao động ghi ngày 02/01/2005 giữa Công ty và ông T không được đăng ký tại Phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội Quận S.

Sau khi xem xét, đánh giá chứng cứ Hội đồng xét xử xét thấy, Hợp đồng đề ngày 02/01/2005 mà ông T cung cấp cho Tòa án có vi phạm về hình thức và nội dung như: Hợp đồng là dạng tự đánh máy tờ rời nhưng không ký trang và đóng dấu giáp lai, về nội dung thì tại thời điểm ký kết hợp đồng năm 2005, nhưng ông T lại ghi thông tin về chứng minh nhân dân cấp năm 2010. Mặt khác, kết luận giám định không có cơ sở khẳng định chữ ký của ông C trong hợp đồng lao động ngày 02/01/2005. Tại phiên tòa, ông T không trả lời được những mâu thuẫn của Hợp đồng lập ngày 02/01/2005 về hình thức và nội dung như đã nêu trên, và cho rằng khi đang làm việc tại Công ty lúc đó có nhu cầu về vốn kinh doanh và có liên hệ với Ngân hàng để vay tiền, do không chứng minh được thu nhập nên có nhờ ông C xác nhận ký lại Hợp đồng đề ngày 02/01/2005 để vay tiền nên ghi nhầm số chứng minh nhân dân, ông T không xuất trình được hợp đồng lao động ký kết lần đầu. Như vậy, ông T đã có sự gian dối trong việc cung cấp chứng cứ. Hội đồng xét xử có cơ sở khẳng định Hợp đồng đề ngày 02/01/2005 do ông T giao nộp là không hợp pháp nên không chấp nhận yêu cầu của ông T về đòi tiền lương theo hợp đồng lao động này.

Xét ý kiến trình bày của ông L về hợp đồng lao động ngày 10/3/2006 và các tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập đã được thẩm tra tại phiên tòa thể hiện Bảng kê tiền lương và các khoản thu nhập khác năm 2005 của Công ty ngày 31/12/2005 nộp tại Chi cục thuế có ghi “Tổng thu nhập lương và phụ cấp năm 2005 là 10.800.000đồng”. Sổ bảo hiểm xã hội số 0205078566 ngày 11/4/2005 do Cơ quan Bảo hiểm xã hội Quận S cấp cho ông T do Công ty giao nộp thể hiện; ông T là nhân viên tiếp thị, lương cơ bản từ tháng 3/2005 đến tháng 6/2006 là 600.000đồng/tháng, từ tháng 7/2006 đến tháng 12/2008 là 1.800.000đồng/tháng, từ tháng 01/2009 đến tháng 12/2009 là 2.000.000đồng/tháng, từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2010 là 2.450.000đồng/tháng, từ tháng 01/2011 đến tháng 09/2011 là 3.356.500đồng/tháng, từ tháng 10/2011 đến tháng 12/2012 là 4.967.620đồng/tháng, từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2012 là 4.967.620đồng/tháng, từ tháng 01/2013 đến tháng 4/2015 là 5.836.954đồng/tháng.

Tại phiên tòa, ông T thừa nhận chữ ký trong Hợp đồng đề ngày 10/3/2006 do Công ty giao nộp có trong hồ sơ vụ án là do ông trực tiếp ký và cho rằng việc ký tên trong hợp đồng này là nhằm mục đích ký để đóng tiền bảo hiểm xã hội. Lời thừa nhận của ông T là phù hợp với ý kiến trình bày của ông L tại phiên tòa. Như vậy, Hợp đồng ngày 10/3/2006 là hợp pháp nên được chấp nhận làm cơ sở để xác định tính lương cho ông T hàng tháng theo vị trí làm việc là nhân viên tiếp thị của Công ty.

Ông T không đồng ý tính lương theo hợp đồng ngày 10/3/2006. Công ty thì khẳng định hợp đồng ngày 10/3/2006 là hợp pháp và thời gian làm việc của ông T được tính từ ngày 01/3/2005, nhưng Công ty không chứng minh được việc đã trả lương cho ông T hàng tháng. Ông L đại diện công ty đồng ý vấn đề chi trả lương do Hội đồng xét xử quyết định theo quy định của pháp luật cho nên Hội đồng xét xử sơ thẩm quyết định buộc công ty phải tiếp tục chi trả lương cho ông T theo thỏa thuận tại hợp đồng ngày 10/3/2006, với mức lương theo từng thời điểm được thể hiện tại Sổ bảo hiểm xã hội do Cơ quan bảo hiểm xã hội Quận S cấp cho ông T từ 01/3/2005 đến tháng 31/4/2015.

Án sơ thẩm đã tính tiền lương của ông T như sau:

Từ tháng 3/2005 đến tháng 6/2006: 1.100.000đ x 15 tháng = 16.650.000đ Từ tháng 7/2006 đến tháng 12/2008: 1.800.000đ x 29 tháng = 52.200.000đ Từ tháng 1/2009 đến tháng 12/2009: 2.000.000đ x 12 tháng = 24.000.000đ Từ tháng 1/2010 đến tháng 12/2010: 2.450.000đ x 12 tháng = 29.400.000đ Từ tháng 1/2011 đến tháng 9/2011: 3.356.500đ x 09 tháng = 30.208.500đ Từ tháng 10/2011 đến tháng 12/2012 : 4.967.620đ x 14 tháng = 69.546.680đ Từ tháng 1/2013 đến tháng 4/2015 : 5..836.954đ x 27 tháng = 157.597.758đ Tổng cộng lương của ông T từ ngày 01/3/2005 đến ngày 30/4/2015 trong 10 năm là 379.602.938đ.

Tại phiên tòa phúc thẩm ông L đại diện cho công ty đồng ý rút đơn kháng cáo và thanh toán 10 năm tiền lương cho ông T như án sơ thẩm đã tuyên xử là 379.602.938 đồng nên được Hội đồng xét xử chấp nhận việc rút đơn kháng cáo của công ty, Hội đồng xét xử sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm phần kháng cáo Công ty đã rút.

Ông T không đồng ý trả lương theo mức lương như sổ bảo hiểm xã hội ghi nhận nhưng do hợp đồng lao động ngày 02/01/2005 của ông xuất trình không hợp pháp nên không chấp nhận.

Như vậy Hội đồng xét xử quyết định giữ nguyên phần tiền lương 10 năm như án sơ thẩm đã xử do công ty đồng ý rút kháng cáo phần này.

Ông T đã nhận được 27.000.000đ do công ty trả trước phần tiền lương theo quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 06/2017/QĐ- ADBPKCTT ngày 26/5/2017 của Tòa án nhân dân Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh nên số tiền này phải được trừ lại trong lúc thi hành án.

[4] Án sơ thẩm tính sai sau khi cấn trừ số tiền ông T trả cho Công ty là 5.180.304.500đồng. Công ty thanh toán lương cho ông T 379.602.938đ, ông T phải trả lại công ty số tiền 27.000.000đ trả lương thanh toán trước theo quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên số tiền ông T phải trả cho công ty là 4.827.701.562đ chứ không phải 4.773.701.062đ như án sơ thẩm tính nên cần phải sửa lại phần này cho đúng vì sơ thẩm tính toán sai.

[5.180.304.500đ – (379.602.938đ – 27.000.000đ)] = 4.827.701.562đ.

Về án phí lao động sơ thẩm: giữ nguyên như án sơ thẩm đã xử là công ty phải nộp 11.388.088đ (379.602.938 đồng x 3% = 11.388.088đ).

Về án phí lao động phúc thẩm: do sửa án sơ thẩm nên công ty không phải chịu án phí, hoàn lại tạm ứng án phí đã nộp.

Ông T được miễn nộp án phí sơ thẩm và phúc thẩm.

Các phần khác của án sơ thẩm đã tuyên các bên không kháng cáo nên đã phát sinh hiệu lực pháp luật như: đương sự không yêu cầu tính lãi suất của khoản tiền lương hoặc tiền bồi thường do vi phạm trách nhiệm vật chất kể cả tính lãi trong giai đoạn thi hành án.

các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

­ Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự.

­ Căn cứ các Điều 36, 90, 130, 201 của Bộ luật Lao động năm 2012.

­ Căn cứ vào Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội ban hành kèm theo danh mục về án phí, lệ phí Tòa án.

­ Căn cứ vào Điều 26 Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn - ông Nguyễn Văn T Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V.

Sửa một phần bản án sơ thẩm.

1. Chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V đối với ông Nguyễn Văn T về bồi thường thiệt hại do vi phạm trách nhiệm vật chất;

Buộc ông Nguyễn Văn T phải có nghĩa vụ trả lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V tổng số tiền là 5.180.304.500đồng (Năm tỷ một trăm tám mươi triệu ba trăm lẻ bốn ngàn năm trăm đồng).

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V về việc đòi tiền lương theo Hợp đồng lao động đề ngày 02/01/2005.

Công nhận Hợp đồng lao động đề ngày 10/3/2006 giữa ông Nguyễn Văn T và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V là hợp pháp. Quan hệ tiền lương giữa ông Nguyễn Văn T và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V được xác lập theo nội dung Hợp đồng đề ngày 10/3/2006, thời gian trả lương được tính từ ngày 01/3/2005 đến ngày 30/4/2015 .

Buộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V trả tổng số tiền lương cho ông Nguyễn Văn T là 379.602.938đ (Ba trăm bảy mươi chín triệu sáu trăm lẻ hai ngàn chín trăm ba mươi tám đồng).

3. Hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 06/2017/QĐ-ADBPKCTT ngày 26/5/2017 của Tòa án nhân dân Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh;

Ông Nguyễn Văn T phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V số tiền 27.000.000đ (Hai mươi bảy triệu đồng), do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

4. Sau khi bù trừ nghĩa vụ giữa các bên, thì ông Nguyễn Văn T phải có nghĩa vụ trả lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V số tiền là 4.827.701.562đ (Bốn tỷ tám trăm hai mươi bảy triệu bảy trăm lẻ một ngàn năm trăm sáu mươi hai đồng), trả ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

5. Về án phí lao động sơ thẩm:

Miễn án phí lao động sơ thẩm đối với ông Nguyễn Văn T.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 11.388.088đ (Mười một triệu ba trăm tám mươi tám ngàn không trăm tám mươi tám đồng), được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 23.600.000đ (hai mươi ba triệu sáu trăm ngàn đồng), theo biên lai thu tiền số 0003019 ngày 16/3/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh. Hoàn lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V số tiền là 12.211.912đ (Mười hai triệu hai trăm mười một ngàn chín trăm mười hai đồng).

6. Về án phí lao động phúc thẩm:

Ông Nguyễn Văn T được miễn nộp án phí phúc thẩm.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại V không phải chịu án phí phúc thẩm, được hoàn lại số tiền 300.000đ (Ba trăm ngàn đồng) đã nộp theo biên lai thu số 0010360 ngày 11/10/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh.

7. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 9 và 26 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

677
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 1020/2019/LĐ-PT ngày 13/11/2019 về tranh chấp đòi tiền lương do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Số hiệu:1020/2019/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 13/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về