Bản án 09/2019/HS-ST ngày 23/09/2019 về tội vô ý làm chết người

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MÈO VẠC, TỈNH HÀ GIANG

BẢN ÁN 09/2019/HS-ST NGÀY 23/09/2019 VỀ TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI

Ngày 23/9/2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 08/2019/TLST-HS ngày 16 tháng 8 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 08/2019/QĐXXST-HS ngày 09 tháng 9 năm 2019 đối với các bị cáo:

1. Già Thị M;(tên gọi khác: Không có tên gọi khác); Sinh năm: 1993, Nơi sinh: huyện M, tỉnh Hà Giang; Nơi cư trú: Thôn K, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang; Dân tộc: Hmông; Giới tính: Nữ; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 9/12; Nghề nghiệp: Làm nương; Con ông: Già Mí H, sinh năm 1968 và bà: Ly Thị M, sinh năm 1969; Chồng: Vàng Mí N, sinh năm: 1990; con: Có 02 người con, con lớn nhất sinh năm 2012, con nhỏ nhất sinh năm 2013; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú tại thôn K, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang. Có mặt.

2. Vừ Thị C; (tên gọi khác: Không có tên gọi khác); Sinh năm: 1953, Nơi sinh: huyện M, tỉnh Hà Giang; Nơi cư trú: Thôn K, xã K, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; Dân tộc: Hmông; Giới tính: Nữ; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 0/12; Nghề nghiệp: Làm nương; Con ông: Vừ Sính L (đã chết) và bà: Giàng Thị S (đã chết); Chồng: Vàng Pá L, (đã chết); con: Có 05 người con, con lớn nhất sinh năm 1972, con nhỏ nhất sinh năm 1990; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú tại thôn K, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang; Có mặt.

Người bào chữa cho các bị cáo Già Thị M, Vừ Thị C: bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Trợ giúp viên pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Giang; Có mặt.

Người đại diện hợp pháp của người bị hại Sùng Nỏ X: bà Vừ Thị M, trú tại Thôn L, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang; Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại Sùng Nỏ X: Ông Cao Xuân Bé – Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Giang; Có mặt.

Người tham gia tố tụng khác:

- Người làm chứng:

Anh Vàng Mí L, sinh năm: 1993; Trú tại: Thôn S, xã L, huyện M, tỉnh Hà Giang; Vắng mặt.

Anh Vàng Mí S, sinh năm: 1995; Trú tại: Thôn S, xã L, huyện M, tỉnh Hà Giang; Vắng mặt.

Anh Giàng Mí V, sinh năm: 1986; Trú tại: Thôn S, xã L, huyện M, tỉnh Hà Giang; Có mặt.

Anh Vừ Mí L, sinh năm: 1990; Trú tại: Thôn S, xã L, huyện M, tỉnh Hà Giang; Vắng mặt.

Anh Vàng Mí P, sinh năm: 1999; Trú tại: Thôn S, xã L, huyện M, tỉnh Hà Giang; Có mặt.

Anh Vàng Mí N, sinh năm: 1990; Trú tại: Thôn K, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang; Có mặt.

Anh Và Mí X, sinh năm: 2000; Trú tại: Thôn H, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang; Vắng mặt.

Anh Lầu Mí M, sinh năm: 2003; Trú tại: Thôn H, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang; Vắng mặt.

Anh Sùng Mí P, sinh năm: 1999; Trú tại: Thôn L, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang; Vắng mặt.

Anh Lầu Mí N, sinh năm: 1970; Trú tại: Thôn L, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang; Có mặt.

Chị Sùng Thị M, sinh năm: 1964; Trú tại: Thôn L, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang; Có mặt.

Chị Vàng Thị P, sinh năm: 1974; Trú tại: Thôn X, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang; Vắng mặt.

- Người phiên dịch tiếng Mông: Ông Lương Văn Chân; sinh năm 1974; Trú tại: Tổ 2 thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vàng Mí L cùng với Lầu Mí N, Sùng Nỏ X, Sùng Mí P, Vừ Mí L, Vàng Mí S, Lầu Mí M, Và Mí X, Giàng Mí V cùng là công nhân đang thi công công trình đường đi bộ từ mê cung đá xuống khu vực miếu ông, miếu bà thuộc địa phận thôn K, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang.

Khoảng 16 giờ, ngày 08/4/2019, Vàng Mí L đi đến nhà vợ chồng Già Thị M, anh Vàng Mí N để mua rượu về lán công trình cho công nhân uống. Khi đến nơi, L thấy Vàng Mí N và Già Thị M đang nằm ngủ trên ghế tại bàn uống nước của gia đình. L bảo M bán cho L 05 lít rượu. Lúc này, M tỉnh dậy và đi lấy can rượu của gia đình loại can 05 lít, nhưng bên trong can chỉ còn khoảng 04 lít rượu để bán cho L, khi L cầm lấy can rượu và uống thử thì thấy rượu có nồng độ cao nên bảo M pha thêm ít nước vào cho đủ can 05 lít và để giảm bớt nồng độ rượu. Lúc này, M lấy chiếc ấm đun nước của gia đình được đặt trên bàn ăn cơm của gia đình, thấy bên trong ấm có sẵn ít nước nên M chắt hết số nước trong ấm được khoảng hai chén vào can nhưng can rượu vẫn chưa đầy, M lại đặt ấm xuống bàn và đi đến bếp lấy một ca nước lã trong can đựng nước dùng sinh hoạt hằng ngày của gia đình để ở gần đó đem về pha thêm vào để đầy can rượu. Sau đó, M đưa can rượu cho L nhưng L nói với M là cho để nhờ can rượu ở đây, một lúc sau sẽ quay lại lấy. Khoảng 10 phút sau, L quay lại nhà M, thấy bà Vừ Thị C, là mẹ chồng của M đang ở nhà, L lấy can rượu rồi ra về. Đến khoảng 17 giờ 20 phút, thì bà Vừ Thị C nhớ ra là đi cất nước lá ngón bà đun sáng nay để trong ấm đặt trên bàn ăn của gia đình để chữa dịch bệnh cho đàn gà. Khi bà C đến chiếc bàn gỗ, nhấc chiếc ấm lên thấy nhẹ nên mở nắp ấm nhìn vào bên trong thì thấy nước không còn mà chỉ còn lá ngón với hạt tiêu rừng. Lúc đó bà C nghĩ rằng con hoặc cháu mình đã đổ nước lá ngón đi rồi nên mới hỏi “số nước thuốc trong ấm đi đâu hết rồi”, lúc này M tỉnh giấc nghe được câu hỏi của bà C, M hỏi lại “ nước thuốc gì trong ấm”, bà C trả lời “số nước trong ấm là số nước đun lá ngón với hạt tiêu rừng để chữa bệnh cho gà”. M trả lời “con không biết nên vừa đổ nước trong ấm pha vào can rượu bán cho L rồi”. Thấy M nói vậy, thì Vừ Thị C nói tiếp: “ sáng nay đã pha nước thuốc đó với gạo cho gà ăn rồi nhưng gà không bị làm sao, chắc đun chín với hạt tiêu rừng rồi thì gà ăn không chết thì người chắc cũng không sao”, khi nghe thấy Vừ Thị C nói vậy thì M nghĩ là người uống phải chắc cũng không sao nên đi ngủ tiếp, còn Vừ Thị C vì cũng nghĩ rằng nước lá ngón đun sôi, chín rồi và đã pha vào gạo cho gà ăn sáng nay không chết thì người uống rượu pha nước lá ngón này chắc cũng không sao nên bà C đem đổ số lá ngón trong ấm đi và rửa sạch ấm, rồi tiếp tục làm việc nhà.

Đối với Vàng Mí L, sau khi lấy được rượu của Già Thị M bán cho, L đem can rượu về lán công trình cất. Đến khoảng 17giờ 30 phút, công nhân làm đường cho L đi làm về, L bảo mọi người là vừa mua được rượu để trong lán, ai uống thì uống, còn L đi nấu cơm. Lúc này có tất cả 08 công nhân gồm Lầu Mí N, Sùng Nỏ X, Sùng Mí P, Vừ Mí L, Vàng Mí S, Lầu Mí M, Và Mí X, Giàng Mí V lấy can rượu L vừa mang về ra uống. Mọi người uống được khoảng hơn 01 lít rượu thì đều có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, những người uống rượu tại lán đều có biểu hiện bị ngộ độc, ông Sùng Nỏ X phải đưa đi cấp cứu tại trạm y tế xã K, thấy vậy L cầm can rượu đến nhà M hỏi, thì biết được M đã pha nhầm nước lá ngón vào can rượu bán cho L. Lúc này, L cùng Vàng Mí N (chồng của M) đưa mọi người đi cấp cứu tại Trạm y tế xã K, đồng thời gọi điện thông báo cho những người đã uống rượu tại lán của L đi ra Trạm y tế xã K để cấp cứu, sau đó đưa ra Bệnh viện đa khoa huyện M điều trị. Trong số những người uống rượu, có ông Sùng Nỏ X, sinh năm 1958, trú tại thôn L, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang, bị ngộ độc nặng nên đến 21 giờ cùng ngày đã tử vong tại trạm y tế xã K.

Ngày 09/4/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 07/QĐ-CSĐT, yêu cầu giám định xác định nguyên nhân chết của ông Sùng Nỏ X. Ngày 11/4/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định trưng cầu giám định số 08,09/QĐ- CSĐT yêu cầu giám định vi thể đối với các mẫu cần giám định và độc chất, nồng độ cồn trong các mẫu đã thu được qua khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi.

Tại Bản kết luận giám định hóa pháp số 207/182/233-234-235/19/HP, ngày 22/4/2019, của Viện pháp y Quốc gia, kết luận: “Trong mẫu máu của nạn nhân Sùng Nỏ X có tìm thấy Ethanol với hàm lượng 35,03mg/100ml; Trong mẫu phủ tạng, máu của nạn nhân Sùng Nỏ X và các mẫu tang vật ký hiệu M1, M2, M6 có tìm thấy alcaloid của cây lá ngón và không tìm thấy các chất độc khác nêu trên; Trong các mẫu tang vật ký hiệu M3,M4, M5 không tìm thấy alcaloid của cây lá ngón và các chất độc khác nêu trên”.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về mô bệnh học số 58/19/MBH, ngày 09/5/2019 của Viện pháp y Quốc gia ra kết luận về mô bệnh học của ông Sùng Nỏ X: “Tim: phù, sung huyết xem kẽ với thiếu máu; Phổi: phù, sung huyết, chảy máu, biểu mô phế quản bong tróc, vách phế nang rách, đứt; Dạ dày: phù, sung huyết;

Gan: Sung huyết”.

Tại Bản kết luận giám định pháp y tử thi số 166/PC09-KLPY, ngày 15/5/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hà Giang, kết luận: “Nguyên nhân chết của ông Sùng Nỏ X: trúng độc Alcaloid của cây lá ngón, trên người có nồng độ cồn trong máu; Vi thể: tim phù, sung huyết xen kẽ với thiếu máu; phổi phù, xung huyết, chảy máu, biểu mô phế quản bong tróc, vách phế nang rách đứt, dạ dày phù, xung huyết; gan xung huyết; Độc chất và nồng độ cồn: Trong mẫu phủ tạng và máu của ông Sùng Nỏ X có tìm thấy Alcaloid của cây lá ngón; trong mẫu máu của ông Sùng Nỏ X có tìm thấy Ethanol với hàm lượng 35,03 mg/100ml máu”.

Ngày 19/6/2019, cơ quan CSĐT Công an huyện Mèo Vạc đã tiến hành xác định quãng đường, thời gian đi từ nhà của bị can Già Thị M đến khu vực lán công trình nơi có công nhân uống rượu bị ngộ độc. Xác định được, độ dài khoảng cách từ nhà của Già Thị M đến lán công nhân là 1,4km; thời gian Già Thị M đi bộ từ nhà của Già Thị M đến lán công nhân là 31 phút.

Vật chứng: Trong giai đoạn điều tra, cơ quan CSĐT Công an huyện Mèo Vạc đã thu giữ 01 (một) ấm nhôm bám muội đen, đường kính đáy 26cm, cao 39cm; 01 (một) chậu kim loại màu xám; 01(một) túi nilon niêm phong mã số NS1A 051243, đựng 01 can nhựa màu trắng, nắp màu xanh, dung tích 05 lít.

Trách nhiệm dân sự: Sau khi sự việc xảy ra, các bị cáo Già Thị M, Vừ Thị C đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, chi phí mai táng cho gia đình bị hại Sùng Nỏ X số tiền 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng).

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại không có ý kiến hay khiếu nại gì về các kết luận giám định pháp y tử thi số 166/PC09-KLPY, ngày 15/5/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hà Giang; giám định pháp y về mô bệnh học số 58/19/MBH, ngày 09/5/2019 của Viện pháp y Quốc gia ra kết luận về mô bệnh học của ông Sùng Nỏ X; giám định hóa pháp số 207/182/233-234-235/19/HP, ngày 22/4/2019, của Viện pháp y Quốc gia.

Tại Cáo trạng số 09/CT - VKSMV ngày 16 tháng 8 năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện Mèo Vạc truy tố các bị cáo Già Thị M, Vừ Thị C về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Tại phiên tòa, trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Mèo Vạc giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 128; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, điều 65 Bộ luật Hình sự; đề nghị xử phạt bị cáo Già Thị M mức án từ 18 đến 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách từ 36 tháng đến 48 tháng; đề nghị Áp dụng khoản 1 Điều 128; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); xử phạt bị cáo Vừ Thị C mức án từ 24 đến 36 tháng cải tạo không giam giữ; Đề nghị xem xét buộc các bị cáo phải trách nhiệm liên đới bồi thường cho gia đình người bị hại theo quy định của pháp luật.

Xử lý vật chứng: Đề nghị tịch thu tiêu hủy 01 (một) ấm nhôm bám muội đen, đường kính đáy 26cm, cao 39cm; 01 (một) chậu kim loại màu xám; 01(một) túi nilon niêm phong mã số NS1A 051243, đựng 01 can nhựa màu trắng, nắp màu xanh, dung tích 05 lít.

Tại phiên toà, các bị cáo Già Thị M, Vừ Thị C đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và thừa nhận những lời khai tại cơ quan điều tra là do các bị cáo tự nguyện khai nhận, cũng như toàn bộ nội dung bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mèo Vạc đã mô tả về hành vi tội phạm vô ý làm chết người là hoàn toàn đúng sự thật, các bị cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.

- Tại phiên toà: Người bào chữa cho các bị cáo Già Thị M, Vừ Thị C, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền: Đồng tình với quan điểm của đại diện viện kiểm sát về tội danh, điều luật áp dụng, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Sau khi phân tích tính chất vụ án, điều kiện hoàn cảnh phạm tội, đặc điểm nhân thân của các bị cáo, quá trình điều tra và tại phiên toà, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo là người có trình độ học vấn thấp, là người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế - xã hôi đặc biệt khó khăn nên nhận thức pháp luật hạn chế, bị cáo Vừ Thị C còn là người tuổi đã cao, các bị cáo đã tích cực vay mượn để bồi thường cho thân nhân người bị hại. Do đó các bị cáo đều có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); Với các tình tiết giảm nhẹ này. Căn cứ các tình tiết đã phân tích nêu trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 điều 128, điểm b, s khoản 1, khoản 2 điều 51, điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), xử phạt bị cáo Già Thị M 12 đến 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách từ 24 đến 30 tháng; Áp dụng khoản 1 điều 128, điểm b, s khoản 1, khoản 2 điều 51, điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), xử phạt bị cáo Vừ Thị C 18 đến 24 tháng cải tạo không giam giữ. Về dân sự, do các bị cáo và người đại diện của người bị hại không tự thỏa thuận, thống nhất được mức bồi thường, do vậy đề nghị HĐXX xem xét mức bồi thường hợp lý, có xem xét đến hoàn cảnh gia đình của hai bị cáo để buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho người đại diện của người bị hại theo quy định của pháp luật. Đề nghị miễn án phí hình sự và án phí dân sự có giá ngạch cho các bị cáo Già Thị M, Vừ Thị C, do các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng có điều kiện, kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Tại phiên toà: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người bị hại, ông Cao Xuân Bé, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Giang: Đồng tình với quan điểm của đại diện viện kiểm sát về tội danh, điều luật áp dụng, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đề nghị HĐXX xem xét buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường về tổn thất tinh thần, tính mạng bị xâm hại theo yêu cầu của người đại diện hợp pháp là 60.000.000đồng, các bị cáo đã bồi thường được 30.000.000đồng, còn phải liên đới bồi thường phần còn lại là 30.000.000đồng.

Các bị cáo Già Thị M, Vừ Thị C nói lời sau cùng, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Mèo Vạc, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Mèo Vạc, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về chứng cứ xác định có tội: Bị cáo Vừ Thị C đun nước lá ngón cùng với hạt tiêu rừng để trên bàn uống nước gia đình mục đích là để chữa bệnh dịch cho gà ốm nhưng không thông báo cho ai biết. Do bị cáo Già Thị M không biết trong ấm nước đó là nước đun cây lá ngón nên sau khi anh Vàng Mí L đến mua rượu và yêu cầu chị bổ sung thêm nước vào can rượu để giảm nồng độ của rượu, bị cáo M đã đổ nước đun lá ngón trong ấm cho anh L mang về cho công nhân của anh L uống. Hậu quả, sau khi các công nhân uống rượu anh L mua của bị cáo Già Thị M bán cho, các công nhân có uống rượu đều bị ngộ độc, cùng có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt. Trong số có Sùng Nỏ X (sinh năm 1958, trú tại thôn L, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang) bị ngộ độc nặng, đến 21 giờ cùng ngày đã tử vong tại trạm y tế xã K.

Theo kết luận giám định pháp y tử thi số 166/PC09-KLPY, ngày 15/5/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hà Giang, kết luận: “Nguyên nhân chết của ông Sùng Nỏ X: trúng độc Alcaloid của cây lá ngón, trên người có nồng độ cồn trong máu; Vi thể: tim phù, sung huyết xem kẽ với thiếu máu; phổi phù, xung huyết, chảy máu, biểu mô phế quản bong tróc, vách phế nang rách đứt, dạ dày phù, xung huyết; gan xung huyết; Độc chất và nồng độ cồn: Trong mẫu phủ tạng và máu của ông Sùng Nỏ X có tìm thấy Alcaloid của cây lá ngón; trong mẫu máu của ông Sùng Nỏ X có tìm thấy Ethanol với hàm lượng 35,03 mg/100ml máu”.

Từ các phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận các bị cáo Già Thị M, Vừ Thị C đã phạm tội “Vô ý làm chết người”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017). Tại khoản 1 điều này quy định: “Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Hành vi của bị cáo Vừ Thị C đun nước lá ngón với hạt tiêu rừng để trong ấm sau đó bị cáo Già Thị M không biết đã rót vào trộn vào can rượu bán cho Vàng Mí L, các hành vi này được chính các bị cáo thừa nhận. Về chủ quan các bị cáo không nhận thức được hành vi đun nước lá ngón để trong ấm nước uống gia đình có thể làm cho những người trong gia đình và người khác có thể uống phải bị ngộ độc. Việc Sùng Nỏ X uống rượu có pha nước lá ngón của các bị cáo dẫn đến chết khi đi cấp cứu đã đủ yếu tố cấu thành tội vô ý làm chết người quy định tại khoản1 Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Các bị cáo đã quá chủ quan và nghĩ rằng “nước lá ngón đã đun chín đã cho gà ăn không chết thì người uống cũng không sao”. Từ nhận thức chủ quan này mà sau khi phát hiện đổ nhầm nước đun lá ngón vào can rượu bán cho anh Vàng Mí L, các bị cáo đã không thông báo cho Vàng Mí L, dẫn đến hậu quả đáng tiếc là ông Sùng Nỏ X uống phải và bị ngộ độc nặng dẫn đến tử vong.

Cáo trạng số 09/CT - KSMV ngày 16 tháng 8 năm2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Mèo Vạc và luận tội của Kiểm sát viên truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, nên được chấp nhận.

[3] Xét về tính chất, mức độ của hành vi: Tội phạm do các bị cáo thực hiện là nghiêm trọng đã xâm phạm đến tính mạng của người khác. Các bị cáo là người có năng lực trách nhiệm hình sự, tuy nhiên bị cáo C không thấy trước được hành vi đun nước lá ngón để trong ấm rồi dẫn đến bị cáo M rót pha vào can rượu bán cho anh L; mặt khác, sau khi phát hiện, các bị cáo đều chủ quan, tin rằng nước đun lá ngón đã được đun chín, gà đã ăn không chết thì người uống phải cũng không chết. Mặc dù hậu quả xảy ra nằm ngoài ý muốn của các bị cáo. Tuy nhiên, hậu quả đã xảy ra, do vậy các bị cáo Già Thị M, Vừ Thị C đều phải chịu trách nhiệm hình sự và cần xử phạt các bị cáo mức án tương xứng với tính chất, mức độ hành vi đã thực hiện, có xét đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhân thân của bị cáo để quyết định mức hình phạt tương xứng.

[4] Xét về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo đều không có.

[5] Xét về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo: Tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo là người có trình độ học vấn thấp, là người dân tộc thiểu số sống ở có vùng kinh tế - xã hôi đặc biệt khó khăn nên nhận thức pháp luật hạn chế, bị cáo Vừ Thị C còn là người già yếu; Các bị cáo đã khắc phục bồi thường một phần thiệt hại, tổn thất cho gia đình người bị hại. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

[6] Về nhân thân: Các bị cáo là người lao động làm nương có nhân thân tốt thể hiện chưa có tiền án, tiền sự.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Các bị cáo đã liên đới bồi thường cho gia đình người bị hại 30.000.000đồng chi phí mai táng, tổn thất tinh thần cho gia đình người bị hại. Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị hại yêu cầu các bị cáo bồi thường thêm số tiền tổn thất tinh thần, tính mạng bị xâm hại là 30.000.000đồng. Hội đồng xét xử sẽ xem xét mức đề nghị bồi thường này dựa trên quy định của pháp luật và chi phí thực tế của gia đình bị hại để quyết định mức bồi thường cụ thể để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.

[8] Về hướng xử lý vật chứng: Xét thấy 01 (một) ấm bằng nhôm bám muội đen, đường kính đáy 26cm, cao 39cm; 01 (một) chậu kim loại màu xám;01 (một) túi nilon niêm phong mã số NS1A 051243, đựng 01 can nhựa màu trắng, nắp màu xanh, dung tích 05 lít là vật chứng trong vụ án không còn giá trị sử dụng cần tịch thu tiêu hủy.

[9] Xét các bị cáo là người lao động, có nhân thân tốt có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, các bị cáo có quan hệ là con dâu mẹ chồng trong cùng gia đình, cùng là lao động chính trong gia đình, bị cáo Vừ Thị C đã 66 tuổi nhưng do lao động vất vả nên đã già yếu. Trong thời gian bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, các bị cáo luôn chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương, các bị cáo đều có nơi cư trú rõ ràng. Xét thấy, không cần cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian, tạo điều kiện cho bị cáo tự cải tạo dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương nơi cơ trú cũng đủ sức giáo dục các bị cáo và có tác dụng đấu tranh phòng ngừa chung. Xét thấy, việc cho bị cáo M hưởng án treo, bị cáo C hình phạt cải tạo không giam giữ cũng không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, do vậy HĐXX xem xét áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo đối với bị cáo Già Thị M; HĐXX sẽ xem xét áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo Vừ Thị C.

[10] Nếu hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với bị cáo Vừ Thị C, HĐXX sẽ xem xét miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo, và Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng do bị cáo C tuổi đã cao, già yếu, gia đình thuộc diện khó khăn, là người lao động làm nương, thu nhập không ổn định.

[11] Xét mức hình phạt như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và của người bào chữa cho các bị cáo là phù hợp, tương xứng với mức độ hành vi phạm tội của bị cáo nên HĐXX sẽ xem xét.

[12]. Xét quan điểm bảo của Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Hà Giang, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, thấy rằng yêu cầu đề nghị buộc các bị cáo phải bồi thường thêm số tiền 30.000.000đồng là có cơ sở để xem xét, HĐXX sẽ quyết định mức bồi thường để yêu cầu các bị cáo phải liên đới bồi thường cho gia đình người bị hại dựa trên chi phí thực tế và theo quy định của pháp luật.

[13]. Về án phí: Xét thấy các bị cáo là người dân tộc thiểu số sống ở vùng có kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nên HĐXX sẽ xem xét việc miễn án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự có giá ngạch cho các bị cáo theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố các bị cáo Già Thị M, Vừ Thị C phạm tội “Vô ý làm chết người”.

Áp dụng khoản 1 Điều 128; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

-Xử phạt bị cáo Già Thị M 18 (Mười tám) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 36 (Ba mươi sáu)tháng, tính từ ngày tuyên án(Ngày 23/9/2019). Giao bị cáo Già Thị M cho Ủy ban nhân dân xã K giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

- Trong Trường hợp người đang chấp hành thời gian thử thách thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

- Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Áp dụng khoản 1 Điều 128; điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

- Xử phạt bị cáo Vừ Thị C 24 (Hai mươi tư) tháng cải tạo không giam giữ. Giao bị cáo Vừ Thị C cho Ủy ban nhân dân xã K giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được Quyết định thi hành án và bản sao bản án.

- Miễn khấu trừ thu nhập đối với bị cáo Vừ Thị C trong thời gian cải tạo không giam giữ.

- Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với bị cáo Vừ Thị C.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng điều 584, 587, 591 Bộ luật dân sự: Buộc các bị cáo Già Thị M, Vừ Thị C phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho đại diện hợp pháp của gia đình người bị hại là chị Vừ Thị M với tổng số tiền là: 55.000.000đồng(Năm mươi lăm triệu đồng), các bị cáo đã liên đới bồi thường được số tiền là 30.000.000đồng(Ba mươi triệu đồng), bị cáo Già Thị M và Vừ Thị C còn phải tiếp tục liên đới bồi thường số tiền còn lại là 25.000.000đồng(Hai mươi lăm triệu đồng);

Trong đó, trách nhiệm liên đới bồi thường của từng bị cáo cụ thể như sau:

Bị cáo Già Thị M có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền là 15.000.000đồng(Mười lăm triệu đồng); bị cáo Vừ Thị C có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 10.000.000đồng(Mười triệu đồng) cho người đại diện của gia đình người bị hại là chị Vừ Thị M, sinh năm 1961, trú tại: thôn L, xã K, huyện M, tỉnh Hà Giang;

3. Về vật chứng:

Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự 2015(sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Tịch thu tiêu hủy 01 (một) ấm nhôm bám muội đen, đường kính đáy 26cm, cao 39cm; 01(một) chậu kim loại màu xám; 01(một) túi nilon niêm phong mã số NS1A 051243, đựng 01 can nhựa màu trắng, nắp màu xanh, dung tích 05 lít.

(Tình trạng vật chứng như biên bản bàn giao ngày 16/8/2019 giữa cơ quan CSĐT Công an huyện Mèo Vạc và Chi cục Thi hành án dân huyện Mèo Vạc).

4. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, điểm đ khoản 1 điều 12, khoản 6 điều 15 Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch cho các bị cáo Già Thị M, Vừ Thị C.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Án xử công khai, có mặt các bị cáo, có mặt người đại diện hợp pháp của người bị hại, các bị cáo và người đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

277
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 09/2019/HS-ST ngày 23/09/2019 về tội vô ý làm chết người

Số hiệu:09/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mèo Vạc - Hà Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về