Bản án 09/2019/DS-ST ngày 02/04/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN U MINH, TỈNH CÀ MAU

BẢN ÁN 09/2019/DS-ST NGÀY 02/04/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Ngày 02 tháng 4 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện U Minh, tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 96/2018/TLST-DS ngày 01 tháng 8 năm 2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 07/2019/QĐXXST-DS ngày 22 tháng 01 năm 2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần T.

Đa chỉ: Số 7, Đ, phường 2, thành phố C, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị Việt A là Tổng giám đốc.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Anh Lê Anh K, sinh năm 1980, chức vụ: Cửa hàng trưởng Cửa hàng C - Theo văn bản ủy quyền số 03/2019/UQ-TNCM ngày 07 tháng 01 năm 2019 của bà Nguyễn Thị Việt A (có mặt).

- Bị đơn:

1. Ông T - Chủ Doanh nghiệp tư nhân T (vắng mặt).

Đa chỉ: Ấp T, xã T, huyện C, tỉnh Cà Mau.

2. Anh Nguyễn Văn C, sinh năm 1989 (vắng mặt).

Đa chỉ: Ấp M, xã M, huyện C, tỉnh An Giang.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Huỳnh Văn H, sinh năm 1971 (có mặt).

Đa chỉ: Ấp 13, xã K, huyện M, tỉnh Cà Mau.

2. Công ty bảo hiểm B – Chi nhánh C.

Đa chỉ: Số 89 L, phường 6, thành phố C, tỉnh Cà Mau.

Người đại diện theo pháp luật: Anh Lê Hoàng P, sinh năm 1971 là Giám đốc Công ty bảo hiểm B - chi nhánh C.

Người đại diện hợp pháp: Ông Hứa Trung N, sinh năm 1966 - chức vụ: Trưởng phòng nghiệp vụ Công ty bảo hiểm B chi nhánh C - Theo văn bản ủy quyền số 01/UQ-BVCM ngày 04 tháng 01 năm 2019 của anh Lê Hoàng P (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 12-7-2018 cũng như tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 27-6-2017, tại đoạn sông Đ thuộc ấp 8, xã K, huyện M, tỉnh Cà Mau xảy ra vụ va chạm giao thông giữa phương tiện CM-001.. thuộc sở hữu của Công ty T, do anh Huỳnh Văn H (nhân viên của công ty) điều khiển đi hướng xã K về huyện T, tỉnh Cà Mau với phương tiện CM-24…thuộc sở hữu của DNTN T, do anh Nguyễn Văn C (chủ DNTN T thuê) điều khiển phương tiện đi theo hướng ngược lại. Vụ va chạm làm phương tiện CM-001.. bị chìm và hư hỏng nặng.

Khi vụ tai nạn xảy ra, đại diện DNTN T có gặp và làm việc với đại diện Công ty Cổ phần T thống nhất phương án giao cho Công ty tự sửa chữa phương tiện và sau đó chủ DNTN T sẽ hoàn trả chi phí lại. Sau khi sửa chữa xong, chủ DNTN T không đồng ý thanh toán chi phí 31.502.751 đồng cho Công ty Cổ phần T. Vụ việc đã được Công an huyện M, tỉnh Cà Mau giải quyết nhưng các bên không thỏa thuận được. Nay Công ty Cổ phần T yêu cầu ông T - chủ DNTN T và anh Nguyễn Văn C là tài công của DNTN T bồi thường cho Công ty chi phí sửa chữa phương tiện với số tiền là 31.502.751 đồng.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Anh Huỳnh Văn H trình bày: Anh xác định lỗi là do anh C điều khiển phương tiện lấn tuyến nên vi phạm.

Đi diện Công ty bảo hiểm B – chi nhánh C trình bày: Hin nay Công ty bảo hiểm đã chi sửa chữa phương tiện khoảng 22.000.000 đồng. Công ty bảo hiểm không yêu cầu gì trong vụ án này. Sau khi tòa giải quyết vụ án, có phát sinh trách nhiệm bồi thường của người thứ ba thì Công ty bảo hiểm tự thỏa thuận với Công ty Cổ phần T.

Theo biên bản hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 27-6-2017 của Công an huyện M, thể hiện: Nguyên nhân xảy ra va chạm là do người điều khiển hai phương tiện tham gia giao thông không chấp hành nghiêm túc tránh vượt nhau khi đi ngược chiều. Va chạm xảy ra lúc trời tối, dòng chảy của nước theo hướng từ Tây sang Đông, thủy triều không lớn, đoạn sông thẳng có chiều rộng là 92m, chiều sâu 03m, không ảnh hưởng cho hai phương tiện tránh nhau khi đối hướng hoặc cùng hướng. Vị trí hiện trường sau khi va chạm: Khoảng cách từ mũi Sà lan CM-24… đến bờ Bắc là 45m và đến bờ Nam là 38,5m; khoảng cách tâm lái tàu Sà lan đến bờ Nam là 38,5m và phương tiện CM-001.. là 163,5m. Khoảng cách từ tâm lái tàu CM-001.. đến bờ Nam là 26m, từ mũi tàu đến bờ Nam là 27m. Dấu vết phương tiện: Mạn phải có vết bể 3,2m x 0,45m; mạn trái có vết bể 3,1m x 0,30m toàn bộ ca bin giật nghiêng sang phải.

Trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết vụ án đã tống đạt các văn bản tố tụng cho các bị đơn là ông T – chủ DNTN T và anh C đúng theo quy định pháp luật nhưng các bị đơn không có văn bản thể hiện ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và cũng không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Ông T – chủ DNTN T và anh Nguyễn Văn C đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên tòa sơ thẩm nhưng vẫn vắng mặt không có lý do nên xem như từ bỏ quyền của mình tại phiên tòa. Vì vậy, Tòa án căn cứ khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự tiến hành xét xử vắng mặt ông T và anh C.

[2] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án: Quan hệ pháp luật phát sinh tranh chấp giữa các bên đương sự được xác định là tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 584 của Bộ luật dân sự. Vụ việc xảy ra trong phạm vi địa phận của huyện M, tỉnh Cà Mau nên căn cứ khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm d khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

[3] Căn cứ vào các biên bản vụ tai nạn giao thông đường thủy, thể hiện: Khoảng 19 giờ ngày 27-6-2017, tại đoạn sông Đ thuộc ấp 8, xã K, huyện M, tỉnh Cà Mau xảy ra vụ va chạm giữa phương tiện CM-001.., do anh Huỳnh Văn H điều khiển với phương tiện CM-24…, do anh Nguyễn Văn C điều khiển phương tiện, làm phương tiện CM-001.. bị chìm và hư hỏng nặng là thực tế có xảy ra.

[4] Xét nội dung vụ án: Căn cứ vào biên bản hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 27-6-2017 của Công an huyện M, thể hiện: Anh C điều khiển Sà lan CM-24… có trọng tải, động cơ công suất lớn di chuyển xuôi theo dòng nước, giữa dòng sông; anh Huỳnh Văn H điều khiển phương tiện có trọng tải, động cơ công suất nhỏ hơn di chuyển theo chiều ngược lại. Về tiêu chuẩn kỹ thuật, các phương tiện đều tuân thủ theo quy định pháp luật và các bên đều có đủ giấy phép điều khiển các phương tiện nêu trên. Xét lỗi xảy ra va chạm, anh H là người điều khiển phương tiện có động cơ công suất nhỏ hơn phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ công suất lớn hơn. Cụ thể: tại điểm a, b khoản 1 Điều 39 Luật giao thông đường thủy nội địa, quy định: “Khi hai phương tiện đi đối hướng nhau có nguy cơ va chạm, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ, tránh và nhường đường theo nguyên tắc sau đây: a) Phương tiện đi ngược nước phải tránh và nhường đường cho phương tiện đi xuôi nước. Trường hợp nước đứng, phương tiện nào phát tín hiệu xin đường trước thì phương tiện kia phải tránh và nhường đường; b) Phương tiện thô sơ phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ, phương tiện có động cơ công suất nhỏ hơn phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ công suất lớn hơn, phương tiện đi một mình phải tránh và nhường đường cho đoàn lai”.

[5] Đối với đề nghị của anh K và anh H về việc yêu cầu khám nghiệm lại hiện trường là không có căn cứ chấp nhận. Bởi lẽ, vụ va chạm xảy ra từ ngày 27- 6-2017 đến nay đã qua thời gian dài, hiện trạng không còn như lúc xảy ra nên không thể xác định lại hiện trạng. Ngoài ra, đại diện cho nguyên đơn và anh H cho rằng: Khi hai phương tiện xảy ra va chạm, ông T có đến thỏa thuận với đại diện Công ty Cổ phần T về việc chịu toàn bộ chi phí sửa chữa nhưng không cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh và đây không làm căn cứ xác định lỗi trong vụ xảy ra va chạm để làm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

[6] Như đã phân tích, nguyên nhân lỗi gây ra vụ va chạm là do anh Huỳnh Văn H không chấp hành đúng quy định theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 39 Luật giao thông đường thủy nội địa. Vì vậy, Công ty cổ phần T yêu cầu ông T – chủ DNTN T và anh Nguyễn Văn C cùng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại tổng số tiền 31.502.751 đồng là không có căn cứ chấp nhận.

[7] Tuy nhiên, tại biên bản giải quyết ngày 07-8-2017 và 21-9-2017 tại Công an huyện M: Đại diện DNTN T đồng ý hỗ trợ số tiền 15.000.000 đồng sửa chữa phương tiện và máy trên phương tiện CM-00158. Trong quá trình tòa án giải quyết, ông T – chủ DNTN T không có văn bản thay đổi mức hỗ trợ nêu trên nên cần ghi nhận sự tự nguyện về việc hỗ trợ cho phía nguyên đơn số tiền nêu trên.

[8] Công ty Cổ phần T tham gia hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm B – chi nhánh C. Khi phương tiện của Công ty Cổ phần T xảy ra tai nạn đã phát sinh quan hệ bảo hiểm theo hợp đồng các bên ký kết nhưng công ty bảo hiểm không yêu cầu trong vụ án nên Tòa án không đặt ra xem xét.

[9] Về án phí dân sự sơ thẩm: Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí tòa án, nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch 5% tương ứng với số tiền theo yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Cụ thể: 31.502.751 đồng x 5% = 1.575.000 đồng (Một triệu năm trăm bảy mươi lăm nghìn đồng).

[10] Do Tòa án ghi nhận sự tự nguyện hỗ trợ của ông T – chủ DNTN T trước khi xét xử nên chủ DNTN T không phải chịu án phí.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm d khoản 1 Điều 40, khoản 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự;

Áp dụng Điều 584 Bộ luật dân sự; điểm a, b khoản 1 Điều 39 Luật giao thông đường thủy nội địa.

Áp dụng khoản 3 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Tuyên xử:

- Bác toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần T về việc yêu cầu ông T – chủ DNTN T và anh Nguyễn Văn C bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 31.502.751 đồng (Ba mươi mốt triệu năm trăm lẻ hai nghìn bảy trăm năm mươi mốt đồng).

- Ghi nhận sự tự nguyện của ông T – chủ DNTN T hỗ trợ cho Công ty Cổ phần T số tiền 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng).

Đi với khoản tiền phải thanh toán. Kể từ ngày Công ty Cổ phần T có đơn yêu cầu thi hành án đến khi thi hành xong, ông T – chủ DNTN T phải trả thêm khoản lãi phát sinh theo mức lãi suất 10%/năm tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

- Án phí dân sự sơ thẩm: Công ty Cổ phần T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch 1.575.000 đồng (Một triệu năm trăm bảy mươi lăm nghìn đồng), đã dự nộp 763.000 đồng tại biên lai số 0012123 ngày 27 tháng 7 năm 2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đối trừ còn phải tiếp tục nộp 812.000 đồng (Tám trăm mười hai nghìn đồng).

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Công ty Cổ phần T, công ty bảo hiểm B – chi nhánh C, anh Huỳnh Văn H có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Ông T – chủ DNTN T và anh Nguyễn Văn C có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày niêm yết công khai bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

970
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 09/2019/DS-ST ngày 02/04/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản

Số hiệu:09/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện U Minh - Cà Mau
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 02/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về