Bản án 09/2018/HNGĐ-PT ngày 19/03/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, tranh chấp cấp dưỡng nuôi con

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

BẢN ÁN 09/2018/HNGĐ-PT NGÀY 19/03/2018 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN, TRANH CHẤP CẤP DƯỠNG NUÔI CON 

Ngày 19 tháng 3 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số  40/2017/TLPT-HNGĐ ngày 14/11/2017, về việc: “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”, “Tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 83/2017/HNGĐ-ST ngày 26/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 32/2018/QĐ-PT ngày 12 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận; Quyết định hoãn phiên tòa số 24/2018/QĐ-PT ngày 05/02/2018; Quyết định hoãn phiên tòa số 30/2018/QĐ-PT ngày 02/3/2018, giữa các đương sự:

-Nguyên đơn: Chị Trần Thị H, sinh năm 1984.

Địa chỉ: Tổ 3, Thôn 3, xã ĐK, huyện ĐL, tỉnh Bình Thuận.

-Bị đơn: Anh Trương Công C, sinh năm 1973.

Địa chỉ: Tổ 3, Thôn 3, xã ĐK, huyện ĐL, tỉnh Bình Thuận.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn:

Ông Nguyễn Song P, sinh năm 1965. Theo Giấy ủy quyền lập ngày 30/9/2017, Ủy ban nhân dân xã ĐK, huyện ĐL, tỉnh Bình Thuận chứng thực ngày 02/10/2017.

Địa chỉ: Tổ 2, Thôn 2, xã ĐK, huyện ĐL, tỉnh Bình Thuận.

-Người kháng cáo: Bị đơn anh Trương Công C.

Có mặt chị Trần Thị H, anh Trương Công C, ông Nguyễn Song P.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo hồ sơ án sơ thẩm:

Trong đơn khởi kiện ngày 04/4/2017, bản khai và lời khai của nguyên đơn chị Trần Thị H khai:

Vào ngày 17/12/2012 chị và anh Trương Công C ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 147/2012/QĐST-HNGĐ của Tòa án nhân dân huyện ĐL, tỉnh Bình Thuận. Theo nội dung quyết định thì anh C được quyền trực tiếp nuôi 02 con: Trương Công Huy H, sinh ngày 01/9/2002 và Trương Công Hoàng H, sinh ngày 17/4/2006. Trong quyết định này thì chị không phải cấp dưỡng nuôi con, nhưng chị vẫn gửi vật chất cho con mà anh C không nhận và gửi trả về cho chị. Sau khi ly hôn xong thì toàn bộ tài sản của anh chị gồm (02 lô đất thổ cư, diện tích đất rẫy khoảng hơn 13.000m2 trồng cây chuối và cây điều, khoảng hơn 5000m2 trồng cây điều), tất cả các tài sản này anh C đều trực tiếp quản lý và lấy lợi tức để nuôi con. Trong quá trình cháu H và cháu Hở chung với anh và vợ mới của anh C thì vợ chồng anh chị đã ngược đãi 02 cháu. Vì vậy cháu H về ở với chị từ ngày 17/9/2016, còn cháu H về ở với chị từ ngày 25/3/2017. Nay chị yêu cầu anh C giao 02 cháu cho chị là người trực tiếp nuôi dưỡng. Chị yêu cầu anh C phải cấp dưỡng nuôi mỗi con là 800.000đồng/tháng.

Bị đơn anh Trương Công C khai: Ngày 17/12/2012 anh và chị H  đã ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 147/2012/QĐST-HNGĐ của Tòa án nhân dân huyện ĐL, tỉnh Bình Thuận. Theo nội dung quyết định thì anh C được quyền trực tiếp nuôi 02 con: Trương Công Huy H, sinh ngày 01/9/2002 và Trương Công Hoàng H, sinh ngày 17/4/2006. Sau khi ly hôn anh cưới vợ vào năm 2013 (không đăng ký kết hôn) và anh cũng là người nuôi các con cho đến khi các con về ở cùng chị H. Trong thời gian anh nuôi các con thì chị H chỉ có một lần gửi quần áo cho các con, còn không gửi bất kể thứ gì khác để anh nuôi các con. Còn việc chị H khai sau khi ly hôn thì anh là người trực tiếp quản lý các tài sản chung của vợ chồng là hoàn toàn đúng. Nay các con có nguyện vọng về ở với chị H, chị H cũng mong muốn nuôi các con. Vì vậy anh đồng ý giao các con cho chị trực tiếp nuôi.

Về cấp dưỡng nuôi con: Khi ly hôn thì anh không hề yêu cầu chị H phải cấp dưỡng nuôi con, nhưng anh vẫn nuôi dạy con tốt và cho các cháu ăn học. Nay chị H yêu cầu nuôi các con thì anh không đồng ý cấp dưỡng nuôi con theo yêu cầu của chị H.

Ngày 26/9/2017 Tòa án nhân dân huyện ĐL đưa vụ án ra xét xử tại bản án số 83/2017/HNGĐ-ST, Quyết định:

Căn cứ Khoản 3, 5 Điều 28; Khoản 5 Điều 147, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự 2015; Áp dụng Khoản 2, Điều 81, Khoản 2 Điều 82, Điều 107, 108, 110, 116,117 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 26 Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14  về án phí, lệ phí Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30/12/2016.

Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của chị Trần Thị H:

1. Về con chung:

Công nhận sự thỏa thuận của Trần Thị H và anh Trương Công C:

Giao cho chị Trần Thị H được quyền trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục 02 con Trương Công Huy H, sinh ngày 01/9/2002 và Trương Công Hoàng H, sinh ngày 17/4/2006. Anh C có quyền thăm nom các con.

2. Về cấp dưỡng nuôi con: Buộc anh Trương Công C phải cấp dưỡng nuôi 02 con Trương Công Huy H, sinh ngày 01/9/2002 và Trương Công Hoàng H, sinh ngày 17/4/2006, mỗi tháng là 800.000 đồng/con/tháng (02 Con x 800.000đồng/tháng/con = 1.600.000đồng/tháng), kể từ tháng 9/2017 cho đến khi các con tròn đủ 18 tuổi.

Chị Trần Thị H có quyền yêu cầu thi hành án ngay sau khi xét xử sơ thẩm đối với số tiền anh Trương Công C phải cấp dưỡng nuôi hai con. Anh Trương Công C có nghĩa vụ thi hành ngay số tiền Tòa án buộc phải cấp dưỡng nuôi 02 con theo đơn yêu cầu của chị Trần Thị H.

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm, nghĩa vụ chậm thi hành án, thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ngày 30/9/2017 bị đơn anh Trương Công C có đơn kháng cáo không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét công nuôi dưỡng 02 con lúc còn nhỏ, mẹ bỏ đi bị đơn phải tự tay nuôi 02 con đến lớn; xét hoàn cảnh của bị đơn không nhà, không cửa, không ruộng, không vườn, làm thuê, làm mướn, bữa có, bữa không nên không thể cấp dưỡng nuôi con với mức 800.000đồng/tháng/01 con.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Anh Trương Công C và người đại diện theo ủy quyền của bị đơn anh Trương Công C vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét công nuôi dưỡng 02 con lúc còn nhỏ, mẹ bỏ đi bị đơn phải tự tay nuôi 02 con đến lớn; xét hoàn cảnh của bị đơn không nhà, không cửa, không ruộng, không vườn, làm thuê, làm mướn, bữa có, bữa không nên không thể cấp dưỡng nuôi con với mức 800.000đồng/tháng/01 con.

Nguyên đơn chị Trần Thị H không đồng ý theo yêu cầu kháng cáo của bị  đơn anh Trương Công C.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.

Về nội dung: Kháng cáo của bị đơn là không có căn cứ để chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu nội dung đơn kháng cáo của bị đơn và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa; nghe đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của anh Trương Công C, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, yêu cầu bị đơn cấp dưỡng nuôi con. Bị đơn có địa chỉ tại huyện ĐL, tỉnh Bình Thuận. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp: Tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con là đúng quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện ĐL quy định tại Khoản 3, 5 Điều 28; Khoản 1 Điều 35; Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2] Xét kháng cáo của anh Trương Công C yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét công nuôi dưỡng 02 con lúc còn nhỏ, mẹ bỏ đi bị đơn phải tự tay nuôi 02 con đến lớn; xét hoàn cảnh của bị đơn không nhà, không cửa, không ruộng, không vườn, làm thuê, làm mướn, bữa có, bữa không nên không thể cấp dưỡng nuôi con với mức 800.000đồng/tháng/01 con.

Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm anh Trương Công C đều thỏa thuận giao các con chung cho chị Trần Thị H trực tiếp nuôi dưỡng nhưng anh không đồng ý cấp dưỡng nuôi con theo yêu cầu của chị Trần Thị H cũng như bản án sơ thẩm quyết định, vì anh cho rằng trước đây anh ly hôn với chị Trần Thị H anh không yêu cầu chị phải cấp dưỡng nuôi con, anh đã có công nuôi dưỡng 02 con lúc còn nhỏ cho đến lớn; hoàn cảnh của anh không nhà, không cửa, không ruộng, không vườn, làm thuê, làm mướn, bữa có, bữa không nên nay chị H thay đổi nuôi con anh không đồng ý cấp dưỡng. Thấy rằng lời khai này của anh là không phù hợp với các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, bởi các lẽ sau:

Khoản 2, Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”.

Khoản 1, Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; … theo quy định của Luật này. ”

Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Từ những quy định của Luật Hôn nhân và gia đình trích dẫn trên, cho thấy việc không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con của anh Trương Công C đối với chị Trần Thị H là quyền tự định đoạt của anh Trương Công C khi ly hôn với chị Trần Thị H. Nay chị Trần Thị H là người trực tiếp nuôi dưỡng con và yêu cầu anh Trương Công C cấp dưỡng nuôi con là quyền của chị Trần Thị H và đúng với quy định của pháp luật.

[3] Về mức cấp dưỡng: Chị Trần Thị H yêu cầu anh Trương Công C phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con là 800.000đồng/tháng/con. Hội đồng xét xử thấy rằng mức yêu cầu cấp dưỡng này là hoàn toàn phù hợp với đời sống và nhu cầu sinh hoạt thiết yếu tại địa phương nên chấp nhận.

Anh Trương Công C hiện nay là người có sức khỏe, có công việc và thu nhập. Mặt khác, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 81/2017/HNGĐ-ST ngày 22/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận thì anh Trương Công C được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà nên nội dung đơn kháng cáo mà anh Trương Công C nêu ra là không nhà, không cửa, không ruộng, không vườn, làm thuê, làm mướn, làm ăn bữa có, bữa không để từ chối nghĩa vụ nuôi con mình là trái quy định của pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Do đó, anh Trương Công C phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi 02 con theo mức yêu cầu của chị Trần Thị H là hoàn toàn phù  hợp với các quy định của pháp luật.

Từ những phân tích nêu trên thấy rằng bản án sơ thẩm do Tòa án nhân dân huyện Đức Linh đã tuyên là đúng pháp luật. Kháng cáo của anh Trương Công C không có căn cứ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình nên không chấp nhận.

[4] Về án phí phúc thẩm: Kháng cáo của anh Trương Công C không được Tòa án chấp nhận nên anh phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn anh Trương Công C, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 83/2017/HNGĐ-ST ngày 26/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện ĐL, tỉnh Bình Thuận.

Căn cứ vào:

- Khoản 3, 5 Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015; Khoản 2 Điều 81, Khoản 2 Điều 82, Điều 107, 108, 110, 116, 117 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

- Điều 26 Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Chấp nhận đơn khởi kiện của chị Trần Thị H:

1. Về con chung: Công nhận sự thỏa thuận của Trần Thị H và anh Trương Công C như sau: Giao cho chị Trần Thị H được quyền trực tiếp nuôi 02 con Trương Công Huy H, sinh ngày 01/9/2002 và Trương Công Hoàng H, sinh ngày 17/4/2006.

Anh Trương Công C có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được quyền cản trở.

2. Về cấp dưỡng nuôi con: Buộc anh Trương Công C phải cấp dưỡng nuôi 02 con: Trương Công Huy H, sinh ngày 01/9/2002 và Trương Công Hoàng H, sinh ngày 17/4/2006 mỗi tháng là 800.000đồng/con/tháng (02 con x 800.000đồng/tháng/con = 1.600.000đồng/tháng/02 con), kể từ tháng 9/2017 cho đến khi các con trưởng thành, lao động tự túc được hoặc có tài sản để nuôi mình.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của bên được thi hành án, nếu bên phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền nêu trên thì phải chịu khoản tiền lãi theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian và số tiền chậm thi hành.

3. Về án phí phúc thẩm:

Anh Trương Công C phải chịu 300.000đồng án phí dân sự phúc thẩm được trừ 300.000đồng tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0017914 ngày 10/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện ĐL, tỉnh Bình Thuận. Đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của bản án dân sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 19/3/2018).

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

681
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 09/2018/HNGĐ-PT ngày 19/03/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, tranh chấp cấp dưỡng nuôi con

Số hiệu:09/2018/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Thuận
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 19/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về