Bản án 08/2020/HS-PT ngày 14/02/2020 về tội cố ý gây thương tích

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 08/2020/HS-PT NGÀY 14/02/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 14 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 10/2019/TLPT-HS ngày 23 tháng 12 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 08/2020/QĐXXPT-HS ngày 03 tháng 02 năm 2020 đối với bị cáo Trần Anh Th, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2019/HS-ST ngày 15/11/2019 của Toà án nhân dân huyện Vụ Bản.

- Bị cáo kháng cáo: Trần Anh Th, sinh năm 1995; nơi sinh, ĐKHKTT và cư trú: Xóm R, xã L, huyện V, tỉnh Nam Định; nghề nghiệp: Tự do; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn D (tức H) và bà Trần Thị S; bị cáo chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 04-9-2012, bị Tòa án nhân dân thành phố Nam Định xử phạt 06 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Trộm cắp tài sản”; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

- Bị hại: Anh Trần Trung K; sinh năm 1977; cư trú tại: Xóm R, xã L, huyện V, tỉnh Nam Định.

- Người làm chứng:

1. Chị Đàm Thị Th1; sinh năm 1978;

2. Anh Cao Mạnh C; sinh năm 1970;

3. Anh Trần Hữu Ch; sinh năm 1963;

4. Chị Trần Minh Th3; sinh năm 1986;

Đều cư trú tại: Thôn R, xã L, huyện V, tỉnh Nam Định.

Tại phiên toà có mặt bị cáo, vắng mặt bị hại và những người làm chứng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do nghi ngờ Trần Anh Th trộm cắp gà, mèo của gia đình mình, nên chiều ngày 02-6-2019, anh Trần Trung K đã gọi điện cho Th đến nhà để nói chuyện. Khoảng 18 giờ 25 phút cùng ngày, Th điều khiển xe máy điện chở sau là anh Cao Mạnh C đến nhà anh K (Anh C là chú rể của Th). Khi đến, Th đỗ xe ven đường, rút chìa khóa xe cầm ở tay rồi vào nhà anh K ngồi ở bàn phía ngoài. Lúc này, anh K có hỏi Th: “Thằng đứng cạnh mày là thằng nào”, rồi K nói tiếp: “Đây tao có hết trong cam rồi”. Ý anh K là có hình ảnh trong camera về việc Th cùng với một người khác trộm cắp tài sản của nhà anh K. Th nói: “Ông cứ mở ra xem”. Hai bên lời qua tiếng lại, anh K chạy vào trong buồng lấy hai con dao phay, mỗi tay cầm một con dao chạy ra ngoài vừa đuổi vừa đẩy anh Trần Hữu Ch (là anh trai anh K) và anh C (là chú rể của Th) ra ngoài quấn xích cổng lại. Thấy vậy, chị Đàm Thị Th1 (Là vợ anh K) lao vào ôm anh K, anh Ch và anh C cũng mở xích cổng xông vào can ngăn, nên anh K đã vứt hai con dao xuống đất. Chị Th1 mang dao cất đi. K tiếp tục cầm ấm pha chè giơ ngang về phía Th nói: “Mày đến đây mà láo tao đập chết”, Th nói “Tôi thách ông đấy”. Anh K chạy đến dùng tay phải đấm một phát từ trên xuống dưới trúng vào phần mũi, mồm của Th làm chảy máu, mọi người can ngăn, anh K vẫn tiếp tục xông vào định đánh tiếp thì Th đứng dậy, sẵn trong tay đang cầm chùm chìa khóa xe máy điện bị cáo nắm tay giơ lên đập ngang một nhát từ phải qua trái trúng vào phần thái dương trái của anh K, làm đầu nhọn kim loại của chiếc chìa khóa xe máy điện cắm vào phần thái dương trái của anh K. Chị Đàm Thị Th1 hô lên: “Chìa khóa cắm vào đầu anh K rồi kìa”. Thấy vậy, Th vội đưa tay phải rút chìa khóa từ thái dương anh K ra, bỏ đi ra ngoài rồi về, còn anh K được người nhà đưa ra trạm y tế xã Liên Bảo sơ cứu rồi chuyển ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu. Sau đó chuyển lên bệnh viện Việt Đức, Hà Nội để điều trị Thương tích.

Tại bản kết luận giám định pháp y về Thương số 138/19/TgT ngày 29-7-2019 của Trung tâm pháp y - Sở y tế tỉnh Nam Định đã kết luận:

1. Dấu hiệu tổn Thương chính qua giám định và nghiên cứu hồ sơ, đối chiếu với Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12-6-2014 của Bộ Y tế:

- 01 sẹo vết Thương phần mềm kích Thước nhỏ và 01 sẹo mổ kích Thước trung bình: 02% (Bảng 1, chương 9, phần 1, mục 1).

- Vỡ xương thái dương chiều dài 3cm: 8% (Bảng 1, chương 2, phần I, mục 2.1).

- Tụ máu ngoài màng cứng cùng thái dương đã điều trị không để lại di chứng:

21% (Bảng 1, chương 2, phần III, mục 6).

- Ổ chảy máu và đụng dập nhu mô não thùy dương trái đã điều trị không để lại di chứng: 31% (Bảng 1, chương 2, phần III, mục 1).

- Chảy máu khoang dưới nhện cùng liềm đại não, lều tiểu não: 16% (Bảng 1, chương 2, phần III, mục 8).

2. Tỷ lệ tổn Thương cơ thể do Thương tích gây nên hiện tại là 59%.

3. Cơ chế hình thành vết Thương: Do vật cứng có đầu nhọn tác động gây Thương tích.

Ngày 19-8-2019, bị cáo Trần Anh Th đã tự nguyện bồi thường cho anh Trần Trung K số tiền 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng). Anh K đã nhận đủ số tiền trên và không yêu cầu Th phải bồi Thường thêm.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2020/HS-ST ngày 15/11/2019 của Toà án nhân dân huyện Vụ Bản đã quyết định:

Căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 134; các điểm b, e, s khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS),

1. Tuyên bố bị cáo Trần Anh Th phạm tội “Cố ý gây Thương tích”;

2. Xử phạt bị cáo Trần Anh Th 30 (Ba mươi) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án.

Ngoài ra Bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 25/11/2019 bị cáo Trần Anh Th có đơn kháng cáo với nội dung: Người bị hại cũng có một phần lỗi là đấm vào mũi, mồm của bị cáo còn định xông vào đánh tiếp đã khiến bị cáo không kìm chế được bản thân có hành vi đánh trả lại gây thương tích cho bị hại, bị cáo đã nhận ra lỗi lầm của mình vô cùng ăn năn hối hận, hoàn cảnh gia đình bị cáo gặp rất nhiều khó khăn, bố mẹ thường xuyên đau ốm phải đi điều trị tại bệnh viện, bị cáo là lao động chính, đề nghị xem xét cho bị cáo được cải tạo tại địa phương để có điều kiện lao động duy trì cuộc sống, chăm sóc bố mẹ.

Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Trần Anh Th giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và trình bày: Hoàn cảnh gia đình bị cáo hiện rất khó khăn, đề nghị xem xét cho bị cáo được cải tạo tại địa phương để có điều kiện chăm lo cho gia đình.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định phát biểu quan điểm: Đơn kháng cáo của bị cáo hợp lệ, được xem xét theo trình tự phúc thẩm. Về nội dung: Mức hình phạt cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo là phù hợp, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về phần thủ tục: Đơn kháng cáo của bị cáo làm trong thời hạn luật định, được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Do nghi ngờ Th trộm cắp gà của gia đình mình, ngày 02-6-2019 anh K đã nhắn tin, gọi điện gọi Th đến nhà, tại nhà ở của anh Trần Trung K, anh K thì cho rằng Th đã trộm cắp tài sản của gia đình anh K, còn Th khẳng định là không có việc đó. Hai bên lời qua tiếng lại, anh K chạy vào trong buồng lấy hai con dao phay, mỗi tay cầm một con dao chạy ra ngoài mục đích doạ Th, được mọi người can ngăn, anh K đã vứt hai con dao xuống đất. Anh K có nói: “Mày đến đây mà láo tao đập chết”, Th trả lời “Tôi thách ông đấy”. Bực tức vì bị thách thức, anh K chạy đến dùng tay phải đấm một phát từ trên xuống dưới trúng vào phần mũi, mồm của Th làm chảy máu và định đánh tiếp thì Th đứng dậy, sẵn trong tay đang cầm chùm chìa khóa xe máy điện bị cáo giơ lên đập ngang một nhát từ phải qua trái trúng vào phần thái dương trái của anh K, làm đầu nhọn kim loại của chiếc chìa khóa xe máy điện cắm vào phần thái dương trái của anh K gây thương tích ở vùng thái dương trái cho anh K, với tỷ lệ thương tật là 59%. Như vậy, hành vi dùng chìa khoá xe máy điện là công cụ phương tiện nguy hiểm đánh gây thương tích cho anh K của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 của BLHS. Nên cấp sơ thẩm đã xét xử Trần Anh Th về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm c khoản 3 Điều 134 của BLHS là có cơ sở.

[3] Trong quá trình điều tra, truy tố cũng như tại phiên toà bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; tự nguyện bồi thường thiệt hại cho người bị hại và với diễn biến của vụ án xác định bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân. Bà nội của bị cáo là người có công với cách mạng, cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại các điểm b, e và s khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51 của BLHS là có căn cứ.

[4] Xét yêu cầu kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo thấy rằng: Tại cấp phúc thẩm bị cáo xuất trình thêm chứng cứ thể hiện hoàn cảnh gia đình bị cáo gặp khó khăn, bố mẹ thường xuyên đau ốm phải đi điều trị tại bệnh viện, bị cáo là lao động chính và về nguyên nhân sự việc, ban đầu hoàn toàn do lỗi của người bị hại, mặc dù không có căn cứ gì nhưng cố tình gọi bị cáo đến nhà, trước mặt nhiều người nói bị cáo trộm cắp tài sản ít nhiều làm mất danh dự của bị cáo, sau đó còn mang dao ra đe doạ, đuổi những người can ngăn ra ngoài, sau khi đấm vào mũi mồm bị cáo đến mức chảy máu vẫn định đánh tiếp là hành vi trái pháp luật tăng dần và ở mức độ được coi là tương đối nghiêm trọng, đã xâm phạm đến danh dự, sức khoẻ của bị cáo, tuy chưa đến mức bị xử lý hình sự, nhưng cũng đã bị Công an huyện Vụ Bản xử lý hành chính, phạt tiền 2.500.000đ. Tại BL 36 thể hiện người bị hại đã có đơn xin giảm nhẹ việc xử lý cho bị cáo, nhưng những tình tiết này chưa được cấp sơ thẩm xem xét, do đó cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ “Người bị hại cũng có lỗi” và “Người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo” quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS. Như vậy, bị cáo có 3 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS và có tới 4 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS. Nhân thân của bị cáo: Năm 2012 bị cáo bị xét xử về tội trộm cắp tài sản với mức hình phạt 6 tháng cải tạo không giam giữ đã được xoá án theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trong vụ án đó hành vi của các bị cáo chỉ là bột phát do nhìn thấy người bị hại sơ suất không đóng cốp xe máy, bị cáo là người dưới 18 tuổi và giữ vai trò thứ yếu trong vụ án, thuộc trường hợp được coi là không có án tích theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 107 BLHS “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội ít nghiêm trọng”, nên bị cáo không bị coi là có nhân thân xấu. Bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, đối chiếu với hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, bị cáo có đủ điều kiện miễn chấp hành hình phạt tù, nên cần chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, tạo điều kiện cho bị cáo vừa cải tạo vừa chăm lo cho gia đình, thể hiện bản chất nhân đạo, khoan hồng của pháp luật.

[5] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[6] Do sửa án sơ thẩm, nên người kháng cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng Hình sự, Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trần Anh Th, sửa bản án sơ thẩm, Căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 134; các điểm b, e, s khoản 1 Điều 51; khoản 2 Điều 51; Điều 54, Điều 65 của BLHS; khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ- HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao,

1. Tuyên bố bị cáo Trần Anh Th phạm tội “Cố ý gây Thương tích”;

2. Xử phạt: Bị cáo Trần Anh Th 30 (Ba mươi) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 (sáu mươi) tháng. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (14/02/2020);

Giao bị cáo Trần Anh Th cho Ủy ban nhân dân xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách;

Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo qui định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án Hình sự. Trong thời gian thử thách, nếu bị cáo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên, thì Toà án có thể quyết định buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo;

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị;

3. Án phí: Căn cứ điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án thì người bị thi hành án có quyền tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án, thời hiệu thi hành án thực hiện theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

277
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2020/HS-PT ngày 14/02/2020 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:08/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nam Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về