Bản án 08/2018/HS-ST ngày 21/03/2018 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NGỌC HỒI, TỈNH KON TUM 

BẢN ÁN 08/2018/HS-ST NGÀY 21/03/2018 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT THUỘC DANH MỤC LOÀI NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM ĐƯỢC ƯU TIÊN BẢO VỆ

Ngày 21/3/2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 07/2018/TLST-HS ngày 12/02/2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 07/2018/QĐXXST - HS ngày 07 tháng 3 năm 2018 đối với bị cáo:

Võ Văn L; Tên gọi khác; Không; Sinh ngày 30/11/1992 tại Nghệ An; Nơi đăng ký HKTT: Thôn T, xã T, huyện Y, tỉnh N; Chỗ ở: Không ổn định; Nghề nghiệp; Tự do; Trình độ học vấn: 9/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo; Không; Côn ông Võ Thanh L; Sinh năm 1967; Con bà Tăng Thị B; Sinh năm 1969; có vợ Trần Thị H, sinh 1997 và 01 con, sinh năm 2017; tất cả đang sinh sống tại Tân T, huyện Y, tỉnh N. Tiền án, tiền sự: không; Nhân thân: tốt; Bị cáo bị bắt bị tạm giữ từ ngày 02/11/2017 đến ngày 11/11/2017 được áp dụng biện pháp cho bảo lĩnh cho đến nay có mặt tại phiên tòa.

- Người làm chứng:

1. Anh Nguyễn Ngọc T; trú tại: Số nhà 25, đường Hoàng Thị L, thị trấn P, huyện N, tỉnh K. (Xin xét xử vắng mặt).

2. Anh Trần Ngọc S; trú tại: tổ dân phố 2, thị trấn P, huyện N, tỉnh K.( Xin xét xử vắng mặt)

3. Anh Nguyễn Thanh H; trú tại: tổ dân phố 2, thị trấn P, huyện N, tỉnh K.( Vắng không lý do)

4. Anh Dương B; trú tại 538/8 đường N, phường T, thành phố K, tỉnh K.( Vắng không lý do).

5. Anh Bùi Quyết T; trú tại: tổ dân phố 2, thị trấn P, huyện N, tỉnh K. ( Xin xét xử vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án như sau:

Võ Văn L thường xuyên sang tỉnh Atupư (Lào) làm thuê từ năm 2013 đến nay chủ yếu là buôn bán xoong nồi. Khi đi làm ăn tại lào L biết một số người dân ở huyện Mường Cầu, tỉnh Atupư có bán động vật hoang dã, quý, hiếm nên nảy sinh ý định mua về Việt Nam bán lại kiếm lời. Đến giữa tháng 10/2017 L mua được 02 (hai) con Tê tê với giá 300.000 kip/con và 09 (chín) con Rùa với giá 20.000 kip/con (“Kip” là tên gọi tiền tệ của nước Lào) của một số người dân Lào (không rõ nhân thân, lai lịch). Trong thời gian này, L có việc gia đình nên quay về Việt Nam nên gửi toàn bộ số động vật trên cho người bạn tên là Hùng (chưa rõ họ tên, địa chỉ cụ thể) trông coi, cất giữ. Đến ngày 31/10/2017, L đón xe khách đi từ tỉnh Nghệ An đến huyện Ngọc Hồi, Kon Tum. Trên đường đi, L gọi điện thoại cho Hùng nói “gửi cho L số hàng bữa trước về với, hộ chiếu tao bị ướt đang làm lại không qua được”, Hùng đồng ý và gửi xe Dũng Vi về Việt Nam. Khoảng 07 giờ 00 phút ngày 01/11/2017 L thuê phòng nghỉ tại phòng số 503, khách sạn Gia Khang (thuộc Tổ dân phố 2, TT P, huyện N). Sau đó, L đón xe ôm đi vào khu vực Cửa khẩu quốc tế Bờ Y để đợi nhận số động vật hoang dã trên. Đến khoảng 10 giờ 00 phút cùng ngày, L nhìn thấy xe khách Dũng Vi đang lưu thông trên đường Quốc lộ 40 thì vẫy tay dừng xe lại và nói với tài xế là cho em lấy đồ gửi từ Lào về, thì tài xế lấy hai cái ba lô đưa cho L. Sau đó, L bắt xe ôm đi về phòng 503, khách sạn Gia Khang rồi mở balo ra có 02 (hai) con tê tê và 09 (chín) con rùa, L thả những cá thể động vật này vào trong nhà vệ sinh, xối nước lên người các con vật rồi đóng cửa lại. Đến khoảng 18 giờ 30 phút L đi bộ ra khu vực gần chợ Ngọc Hồi để mua đồ ăn tối thì gặp một người bạn tên Bùi Quyết T đã lâu không gặp nên T rủ L về phòng trọ của mình nhậu với bạn là Nguyễn Ngọc T và một người bạn nữa của T. Đến khoảng 22 giờ 15 phút, L nhờ Th chở về khách sạn ngủ. Sau đó Th cùng đi lên phòng 503, khách sạn Gia Khang với L, đến khoảng 22 giờ 30 phút thì bị Công an huyện Ngọc Hồi đến kiểm tra phát hiện và lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, thu giữ toàn bộ tang vật gồm 02 (hai) con tê tê và 09 (chín) con rùa còn sống; 01 điện thoại di động hiệu Sam sung, chứng minh nhân dân mang tên Võ Văn L và 2.400.000 đồng tiền Việt Nam (hai triệu bốn trăm ngàn đồng).

Bản cáo trạng số: 05/CT-VKS-HS ngày 09/02/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum truy tố bị can Võ Văn L về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” quy định tại khoản 1 Điều 190 Bộ luật hình sự 1999.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đề nghị Hội đồng xét xử. Áp dụng khoản 1 Điều 190; Điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 31. BLHS năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, thì hành vi phạm tội của bị cáo L quy định tại khoản 1 Điều 244 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có khung hình phạt cao hơn so với khung hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 190 của Bộ luật hình sự 1999, đề nghị Hội đồng xem xét áp dụng có lợi cho bị cáo, tuyên phạt bị cáo Võ Văn L từ 24 tháng, đến 30 tháng cải tạo không giam giữ về tội Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

- Về vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 41 BLHS; Điều 106 BLTTHS 2015, tuyên tịch thu sung ngân sách Nhà nước 01 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu samsung của bị cáo ;Trả lại cho bị cáo 01 chứng minh nhân dân mang tên Võ Văn L.

- Về án phí: Áp dụng Điều 136 BLTTHS và Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.

Ý kiến của bị cáo Võ Văn L: Nhất trí như nội dung bản cáo trạng và lời luận tội của Viện kiểm sát nhân dân huyện huyện Ngọc Hồi, không đề nghị gì thêm.

Lời nói sau cùng của bị cáo, bị cáo đã biết được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, bị cáo còn con nhỏ mới sinh, là lao động chính trong gia đình mong Hội đồng xét xử cho bị cáo hưởng mức án thấp nhất để sớm về hòa nhập cùng cộng đồng và sớm về với gia đình.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng: Cơ quan điều tra Công an huyện Ngọc Hồi, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo; những người tham gia tố tụng trong vụ án không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi cấu thành tội phạm: Quá trình xét hỏi công khai tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Võ Văn L đã khai nhận rõ toàn bộ hành vi phạm tội của mình.Qua lời khai của bị cáo phù hợp với biên bản phạm tội quả tang, lời khai của những người làm chứng và các tình tiết khách quan đã được cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Hồi thu thập có tại hồ sơ vụ án, đúng với hành vi phạm tội của bị cáo đã được mô tả tại bản cáo trạng số: 05/CT-VKS-HS ngày 09/02/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Hồi thể hiện: Bị cáo L thường xuyên đi lại buôn bán, làm thuê bên nước Lào, nên có biết được một số người dân Lào săn bắt được những loài động vật hoang dã, quý hiếm liền nảy sinh ý định mua về Việt Nam mục đích bán kiếm lời. Giữa tháng 10 năm 2017 L mua được 02 con tê tê và 09 con rùa ở tỉnh Atupư và có gửi lại số động vật trên cho một người bạn tên Hùng (chưa rõ nhân thân, lai lịch) cất giữ, còn L quay về nhà ở Nghệ An. Đến ngày 31/10/2017 Linh từ Nghệ An vào huyện Ngọc Hồi, trên đường đi L gọi cho Hùng nhờ gửi về giúp, Hùng nói gửi xe khách Dũng Vi về Việt Nam. Khi số động vật trên về tới Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y L bắt xe ôm vào đón xe Dũng Vi và lấy được hai ba lô đựng số động vật đó và bắt xe ôm quay ngược lại khách sạn Gia Khang thuê phòng số 503 để ở, L thả số động vật đó vào nhà vệ sinh đóng cửa lại, đi qua nhà bạn nhậu. Đến 22 giờ 30 phút quay thì bị lực lượng Công an đến kiểm tra, lập biên bản phạm tội quả tang và thu giữ toàn bộ tang vật để xử lý theo pháp luật.

Tại bản kết luận giám định động vật của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện hàm lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận 02 (hai) cá thể động vật là loài Tê tê Java thuộc phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; 09 (chín) cá thể động vật là loài Rùa đất Sêpôn, là loài động vật hoang dã thông thường. Tại bản kết luận về việc định giá tài sản tố tụng hình sự của Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự Uỷ ban nhân dân huyện Ngọc Hồi kết luận 09 (chín) cá thể động vật loài Rùa Sê pôn có tổng giá trị 1.732.500 (Một triệu bảy trăm ba mươi hai ngàn năm trăm đồng).

Xét hành vi trên của bị cáo Võ Văn L là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo đã phạm vào tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến môi trường sinh thái, cảnh quan và xâm phạm vào loài vật giữ vai trò quyết định trong việc duy trì sự cân bằng của các loài khác trong quần xã có tính đại diện hay tính độc đáo của khu vực địa lý tự nhiên.

Số lượng cá thể động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là 02 Tê tê Java. Tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ và theo tinh thần của Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08 tháng 3 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao thì số lượng hai cá thể động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị cáo xâm phạm thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy có đủ cơ sở pháp lý kết luận hành vi của bị cáo Võ văn L phạm tội "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ" được quy định tại khoản 1 của Điều 190 Bộ luật hình sự năm 1999 như kết luận của Viện kiểm sát là có căn cứ đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đánh giá tính chất vụ án là ít nghiêm trọng, nên cần phải xử phạt bị cáo một mức án nghiêm minh tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.

[3] Về tình tiết định khung hình phạt: Hành vi của bị cáo không vi phạm các tình tiết định khung tăng nặng khác nên chỉ xét xử ở khoản 1 Điều 190 bộ luật hình sự năm 1999.

[4] Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với bị cáo: Sau khi phạm tội, cũng như tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã tỏ ra ăn năn hối cải, day dứt, hối hận và muốn sửa chữa những sai lầm mình đã gây ra, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, là lao động chính trong gia đình, động vật là hai cá thể tê tê bị cáo mua vẫn còn sống nên vẫn được bảo tồn. Đây là các tình tiết giảm nhẹ một phần hình phạt quy định tại điểm h, p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, để giảm một phần hình phạt cho bị cáo khi lượng hình. Hội đồng xét xử thấy không cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội cũng tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung, để từ đó bị cáo thấy được tính nghiêm minh của pháp luật và lượng khoan hồng của nhà nước ta mà tích cực cải tạo trở thành người có ích cho xã hội. Bị cáo có nơi thường trú rõ ràng nên áp dụng Điều 31 BLHS đối với các bị cáo.

Căn cứ vào Nghị quyết số 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017của Quốc hội, khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự số: 100/2015/QH13, thì hành vi phạm tội của bị cáo L quy định tại khoản 1 Điều 244 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017có khung hình phạt cao hơn so với khung hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 190 của Bộ luật hình sự 1999. Nên khi quyết định hình phạt cho bị cáo, Hội đồng xét xử xem xét áp dụng khoản 1 Điều 190 của Bộ luật hình sự 1999, để xét xử đảm bảo chính sách về hình sự đối với bị cáo, đồng thời có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

Theo khoản 3 Điều 190 BLHS năm 1999 quy định bị cáo còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm, bị cáo có thể bị khấu trừ một phần thu nhập từ 5% đến 20% để sung quỹ Nhà nước. Song xét điều kiện hoàn cảnh của bị cáo khó khăn, thu nhập chính từ việc làm nghề tự do. Bị cáo không có khả năng thi hành, nên Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung và khấu trừ thu nhập đối với bị cáo là có cơ sở.

Đối với hành vi nuôi, nhốt 09 (chín) cá thể động vật là loài Rùa Sê pôn có tên khoa học là Cyclemys oldhamii của Linh, qua giám định xác định là loài động vật hoang dã thông thường, định giá tài sản có tổng giá trị 1.732.500 đồng (một triệu bảy trăm ba mươi hai ngàn năm trăm đồng), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ngọc Hồi đã áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với Võ Văn L về hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng theo đúng quy định tại Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ là đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong vụ án còn có:

Nguyễn Ngọc Th, trong quá trình bắt người phạm tội quả tang thì Th cũng có mặt trong phòng trọ số 503 khách sạn Gia Khang cùng với L. Nhưng Th chỉ là bạn cho L đi nhờ xe từ phòng trọ mình về khách sạn, không biết được việc mua bán, nuôi, nhốt số động vật hoang dã (là tê tê và rùa) trong nhà vệ sinh của L, sau khi lên đến phòng mới biết. Nên không xử lý Th về hành vi nuôi, nhốt động vật hoang dã, qúy, hiếm được ưu tiên bảo vệ cùng với L.

Đối với Bùi Quyết T là bạn ngày trước từng đi làm thuê bên Lào có quen với L nên đã rủ L về nhà nhậu cùng, trong quá trình nhậu và nói chuyện L không hề đề cập đến các cá thể động vật hoang dã, quý, hiếm đang được nhốt tại phòng khách sạn L thuê trọ nên T không thể biết được về hành vi mua, nhốt động vật hoang dã của L.

Đối với đối tượng tên Hùng đã nhận cất giữ và gửi số động vật hoang dã trên cho L thì trong quá trình điều tra L không biết chính xác họ tên, nơi cư trú của đối tượng, L quen Hùng do trong quá trình làm ăn bên Lào biết được, chỉ biết số điện thoại, và sau khi gọi điện nhờ Hùng gửi số cá thể động vật về Việt Nam sợ bị lộ nên đã xóa toàn bộ cuộc gọi, tin nhắn. Nên không thể xác định được nhân thân, lai lịch của đối tượng.

Đối với Dương B là tài xế xe khách Dũng Vi, đã vận chuyển số cá thể động vật hoang dã, quý, hiếm mà L mua được từ Lào về Việt Nam. Nhưng khi đi gửi hàng và nhận hàng thì số lượng khách đông nên Dương B không thể nhận diện được H và L, cũng như không biết nhân thân, lai lịch. Mặt khác, số cá thể đựng trong ba lô được bọc bằng dây dù và băng keo, cố định tứ chi không thể cử động, phía trên còn xếp thêm nhiều bộ quần áo nên Dương B cũng không thể biết được trong ba lô chứa gì, qua trạm kiểm tra ở cửa khẩu Quốc tế Bờ Y cũng không phát hiện được vi phạm. Nên không xử lý hình sự đối với B là đúng quy định.

Hai cá thể tê tê bị cáo khai mua của của một số người dân Lào (không rõ nhân thân, lai lịch). Quá trình điều tra Công an huyện Ngọc Hồi đã điều tra, xác minh nhưng không làm rõ được đối tượng. Hội đồng xét xử không xem xét.

[4]. Về tang vật vụ án: Quá trình điều tra cơ quan Công an huyện Ngọc Hồi đã thu giữ các tang vật sau:

- 01 (một) chứng minh nhân dân số 186908283 mang tên Võ Văn L là giấy tờ tùy thân của bị cáo, không liên quan đến vụ án trả lại cho bị cáo.

- 01 (một) điện thoại di động hiệu Sam sung Galaxy J7 Prime, màu trắng. Hội đồng xét xử xét thấy đây là dụng cụ bị cáo dùng để liên lạc cho việc phạm tội cần tịch sung ngân sách Nhà nước.

- Số tiền 2.400.000 đồng tiền Việt Nam (hai triệu bốn trăm ngàn đồng) đã thu giữ khi bắt bị cáo. Quá trình điều tra xác định số tiền là tài sản của bị cáo và không liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo nên Cơ quan điều tra đã trả lại cho bị cáo L. Hội đồng xét xử chấp nhận.

[5] Về án phí: Bị cáo phải chịu tiền án phí HS-ST theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 190; Điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 31 Bộ luật hình sự  năm 1999.

1. Tuyên bố bị cáo: Võ Văn L phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo quy định tại khoản 1 Điều 190 của Bộ luật hình sự 1999.

Xử phạt: Bị cáo Võ Văn L 24 (Hai bốn) tháng cải tạo không giam giữ, được trừ đi thời gian tạm giữ từ ngày 02/11/2017 đến ngày 11/11/2017 là 09 ngày (cứ một ngày tạm giữ, tạm giam bằng 3 ngày cải tạo không giam giữ, 09 ngày × 03 ngày = 27 ngày). Thời gian chấp hành án còn lại là 23 (hai mươi ba) tháng 03 (ba) ngày.

Giao bị Võ Văn L về cho UBND xã T, huyện Y, tỉnh N, giám sát giáo dục các bị cáo trong thời gian cải tạo không giam giữ. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với UBND xã T, huyện Y,tỉnh N, giám sát giáo dục bị cáo.

2. Về tang vật vụ án: Căn cứ điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 41 BLHS 1999; Điều 106 BLTTHS 2015:

- Tuyên tịch thu sung ngân sách Nhà nước 01 (một) điện thoại di động hiệu Sam sung Galaxy J7 Prime, màu trắng.

- Trả lại cho Võ Văn L: 01 (một) chứng minh nhân dân số 186908283 mang tên Võ Văn L.

Theo biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan Cảnh sát thi hành án Công an huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum và Chi cục thi hành án dân sự huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vào ngày 26/02/2018.

3. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội ngày 30/12/2016 và kèm theo danh mục mức án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Võ Văn L phải chịu 200.000đ tiền án phí hình sự sơ thẩm.

4. Về quyền kháng cáo đối với bản án: Căn cứ Điều 331, 333 Bộ luật Tố tụng hình sự trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (21/3/2018). Bị cáo có quyền làm đơn kháng cáo để xin xét xử lại theo trình tự phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

656
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2018/HS-ST ngày 21/03/2018 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Số hiệu:08/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ngọc Hồi - Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về