Bản án 07/2018/HS-ST ngày 14/03/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 07/2018/HS-ST NGÀY 14/03/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Trong ngày 14 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh KonTum mở phiên toà xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý 58/HSST ngày 01/12/2017.Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 125/2018/QĐXX-HS ngày 28 tháng 02 năm 2018 đối với bị cáo: Đỗ Thị T , sinh ngày 15 tháng 8 năm 1976, tại tỉnh Q.

Nơi ĐKTT: Thôn Y, xã Ya, huyện S, tỉnh Kon Tum; nghề nghiệp: Buôn bán; trình độ văn hóa 8/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Đỗ H (sinh năm 1935, đã chết) và bà Võ Thị P(sinh năm 1945); chồng: Nguyễn Ngọc H(Sinh năm 1975, đã chết) con: Bị cáo có 02 người con, lớn nhất sinh năm 1995, nhỏ nhất sinh năm 2001; nhân thân: Bị cáo là con thứ 6 trong gia đình có 10 chị em, chị lớn nhất sinh năm 1964; tiền án, tiền sự: không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 01/9/2017 đến nay có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị T:

1.Ông Phan Kế H – Luật sư công ty luật H, thuộc đòan Luật sư thành phố H.

Địa chỉ: Tầng 8, tòa nhà C, số 299 đường C, Phường D, Quận C, thành phố H (Có mặt).

2. Ông Vũ Viết T - Luật sư công ty luật H, thuộc đoàn luật sư thành phố H.

Địa chỉ: Tầng 8, tòa nhà C, số 299 đường C, Phường D, Quận C, thành phố H (Có mặt).

Người bị hại:

1. Bà Lê Thị B; sinh năm 1952.

Địa chỉ:  Thôn N, xã S, huyện S, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

2. Bà Nguyễn Thị B1; sinh năm 1969.

Địa chỉ: Thôn 2, thị trấn S, huyện S, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

Người Làm chứng:

1. Chị Lê Thị H; sinh năm 1975.

Địa chỉ: Thôn 4, thị trấn S, huyện S, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

2. Anh Đỗ Ngọc T; sinh năm 1984

Địa chỉ: Thôn 5, thị trấn S, huyện S, tỉnh Kon Tum (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trong khoảng thời gian từ tháng 8/2016 đến ngày 09/9/2016, mặc dù biết mình không còn khả năng trả nợ, nhưng vì cần tiền để trả nợ cho các khoản vay trước đây, nên Đỗ Thị T đã đưa ra thông tin không đúng sự thật là “vay tiền để đảo vốn ngân hàng” làm cho bà Lê Thị B và bà Nguyễn Thị B1 tin tưởng cho vay rồi chiếm đoạt với tổng số tiền là tổng số tiền là 1.060.000.000đ (một tỷ không trăm sáu mươi triệu đồng), cụ thể như sau:

1. Đối với khoản vay của bà Lê Thị B:

Do cần tiền để trả nợ, nên vào ngày 30/8/2016 qua sự giới thiệu của bà Lê Thị H (trú tại thôn 4, thị trấn S, huyện S), Đỗ Thị T đã gặp bà Lê Thị B (trú tại thôn Nhân Đ, xã S, huyện S) đưa ra thông tin gian dối là vay tiền để “đảo vốn ngân hàng” làm  cho bà B đã tin tưởng cho T vay 200.000.000 đồng, ngày 31/8/2016 bà B đã chuyển tiền vào tài khoản của T tại ngân hàng nông nghiệp huyện Sa Thầy. Hai bên thỏa thuận bằng miệng (không viết giấy) vay tiền không tính lãi, thời hạn vay đến ngày 05/9/2016. Sau khi nhận được tiền vay, T đã dùng số tiền này để trả nợ cho bà Lê Thị Hồng T. Khi đến hạn bà B nhiều lần yêu cầu Thanh trả nợ nhưng đến ngày 09/9/2016 T mới trả được cho bà B số tiền 80.000.000 đồng, số tiền còn lại T hẹn đến ngày 12/9/2016 sẽ trả đủ, nhưng thực tế Thanh đã không còn khả năng trả nợ nữa nên ngày 13/9/2016 T đã đi khỏi địa phương nơi thường trú. Đến cuối năm 2016, T trả cho bà B thêm 30.000.000 đồng nữa. Số tiền còn lại đến nay T chưa trả cho bà Bờ là 90.000.000 đồng.

2. Đối với khoản vay của bà Nguyễn Thị B1:

Trong thời gian từ 18/8/2016 đến ngày 09/9/2016, Đỗ Thị T đã 03 lần gặp bà Nguyễn Thị B1 (trú tại thôn 2, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) đưa ra thông tin gian dối vay tiền để làm dịch vụ“đảo vốn ngân hàng cho người khác” làm cho bà B1 đã tin tưởng cho T vay 03 lần với tổng số tiền là 860.000.000 đồng (ngày 18/8/2016 vay 510.000.000 đồng; ngày 19/8/2016 vay 200.000.000 đồng; ngày 09/9/2016 vay 150.000.000 đồng), hai bên viết giấy vay mượn và thỏa thuận lãi suất là 3%/01 tháng. Sau khi nhận được tiền vay của bà B1, T dùng số tiền này để trả nợ cho các khoản vay trước đó của mình (cụ thể đã trả cho bà Lê Thị B 80.000.000 đồng; bà Nguyễn Thị T 200.000.000 đồng; bà Lê Thị Hồng T 500.000.000 đồng; bà Huỳnh Thị H 70.000.000 đồng). Khi đến hạn trả nợ bà B1 đã yêu cầu trả nợ nhiều lần nhưng T chỉ hứa hẹn mà không trả. Đến ngày 13/9/2016, do không còn khả năng trả nợ nữa nên T đã đi khỏi địa phương nơi thường trú. Trước khi đi, T đã viết lại 01 giấy sang nhượng đất với nội dung “do điều kiện khó khăn nên thay đổi nơi sinh sống để làm ăn, T sang nhượng cho bà B 02 thửa đất theo giấy chứng nhận QSDĐ số BN 361713 và BA237096”, nhưng thực tế 02 thửa đất trên T đã thế chấp tại Ngân hàng để vay tiền. Sau đó, T nhờ em trai là Đỗ Ngọc T gửi giấy sang nhượng cho bà B1 rồi đi khỏi địa phương nhằm trốn tránh việc trả nợ.

Quá trình điều tra, ban đầu Đỗ Thị T khai nhận hành vi phạm tội của mình là đưa ra thông tin gian dối“làm dịch vụ đảo vốn ngân hàng cho người khác” để được bà B1 tin tưởng cho vay, rồi chiếm đoạt số tiền 860.000.000 đồng, nhưng sau đó bị can thay đổi lời khai cho rằng khi hỏi vay tiền bà B1, bị can không đưa ra thông tin gì mà chỉ thỏa thuận lãi suất, thời hạn vay nên bà B1 đã cho vay mà không hỏi gì về mục đích vay tiền. Khi làm việc với Cơ quan điều tra trước đây, T đã khai như thế là do lúc đó phải chịu áp lực lớn của các chủ nợ. Tuy nhiên, với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án như: Lời khai ban đầu của bị can hoàn toàn phù hợp với lời khai người bị hại bà Nguyễn Thị B1 và thực tế khi vay được tiền bà B1, bị can T đã đem số tiền này trả nợ cho các khoản vay của người khác trước đó, nên có đủ cơ sở để khẳng định khi hỏi vay tiền của bà Nguyễn Thị B1, Đỗ Thị T đã đưa ra thông tin gian dối “làm dịch vụ đảo vốn ngân hàng cho người khác” để bà B1 tin tưởng cho bị can vay tiền, rồi chiếm đoạt.

Tại bản kết luận giám định số 13/GĐTP/2017, ngày 04/4/2017 của phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Kon Tum giám định đối với mẫu chữ viết, chữ ký của Đỗ Thị T trong các giấy vay mượn tiền do bà B cung cấp kết luận: Chữ viết chữ ký đứng tên Đỗ Thị T trên các tài liệu cần giám định với chữ viết, chữ ký của Đỗ Thị T trên các tài liệu mẫu so sánh là do cùng một người viết và ký ra

Vật chứng vụ án: Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã tạm giữ

- 01 Điện thoại di động, nhãn hiệu X phone màu đen đã qua sử dụng và 01 thẻ sim(Không kiểm tra chất lượng máy bên trong).

-  Một thẻ ATM của Ngân Hàng ACB mang tên Đỗ Thị T.

-  01 quyển sổ tạm trú mang tên Đỗ Thị T.

Tại bản cáo trạng số: 39/KSĐT –TA ngày 30 tháng 11 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum đã truy tố bị cáo Đỗ Thị T ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum để xét xử về tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa hôm nay, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, khoản 4, Điều 139; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm b,p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị T từ: 12 (Mười hai) đến 14 (Mười bốn) năm tù về tội:“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Đỗ Thị T phải bồi thường cho người bị hại bà Nguyễn Thị B số tiền 860.000.000đ (Tám trăm sáu mươi triệu đồng).

Về vật chứng vụ án: Trả lại cho bị cáo Đỗ Thị T: 01 Điện thoại di động, nhãn hiệu X phone màu đen đã qua sử dụng và 01 thẻ sim(Không kiểm tra chất lượng máy bên trong); 01 Một thẻ ATM của Ngân Hàng ACB mang tên Đỗ Thị T; 01 quyển sổ tạm trú mang tên Đỗ Thị T.

Về án phí: Bị cáo Đỗ Thị T phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm.

Ý kiến của luật sư bào chữa cho bị cáo: Việc bị cáo Đỗ Thị T vay tiền bà Lê Thị B và bà Nguyễn Thị B1 là quan hệ dân sự, trong qua trình điều tra cơ quan điều tra chưa làm rõ được hành vi gian dối và ý thức chiếm đoạt của bị cáo. Về hành vi gian dối đối với 02 khoản vay: Theo cáo trạng cho rằng bị cáo vay vốn để đảo nợ Ngân hàng. Tuy nhiên chưa làm rõ được vì bị cáo cũng không thừa nhận, trong giai đoạn điều tra Cơ quan điều tra chưa làm rõ việc khi vay tiền bị cáo đưa ra thông tin gian dối để các bị hại cho bị cáo vay tiền, trong khi đó giữa bị cáo và bà B1 đã có rất nhiều lần có quan hệ vay mượn dân sự. Như vậy, việc làm ăn giữa bị cáo và bà B1 đã có từ lâu nhưng Cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ. Về ý thức chiếm đoạt: Bị cáo đã nhiều lần muốn trả nợ, hơn nữa hai bên không thỏa thuận về thời hạn trả nợ. Vì vậy, không có đủ cơ sở cho rằng bị cáo có hành vi chiếm đoạt, đối với bà B11 bị cáo đã nhiều lần trả nợ và tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã trả nợ xong. Vì vậy, cần làm rõ một số tình tiết liên quan đến việc bị cáo đưa ra thông tin để vay tiền bà B, làm rõ quan hệ làm ăn giữa bị cáo và bà B1 vì trước đó giữa bị cáo và bà B1 đã nhiều lần có quan hệ làm ăn với nhau, việc bị cáo bỏ trốn khỏi địa phương không phải là dấu hiệu của tội lừa đảo. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung về việc bà B1 cho bị cáo T mượn tiền để bị cáo làm ăn và chị B1 lấy lãi đối với số tiền cho bị cáo vay.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án và căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[ 1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Kon Tum, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Bị cáo, người bào chữa cho bị cáo, Người bị hại không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2]. Nội dung vụ án:

Về hành vi phạm tội của bị cáo thấy rằng: Trên cơ sở giấy vay tiền và đơn tố cáo của người bị hại thể hiện: vào các ngày 18/8/2016; ngày 19/8/2016 ngày 09/9/2016; ngày 31/8/2016 bị cáo có viết giấy vay bà Lê Thị B và bà Nguyễn Thị B1 với tổng số tiền là 1.060.000.000đ (một tỷ không trăm sáu mươi triệu đồng). Tại phiên tòa hôm nay bị cáo thừa nhận khi vay tiền của bà B và bà B bị cáo đều đưa ra thông tin không đúng sự thật, đó là để “Đảo vốn Ngân Hàng” và „„Làm ăn kinh doanh” để bà B và bà B1 tin tưởng cho bị cáo vay tiền, nhưng thực tế bị cáo không còn tài sản, không có khả năng trả nợ cho người khác mà trước đó đã vay mượn. Khi bị đòi nợ, bị cáo đưa ra thông tin gian dối để nhằm có tiền trả cho người khác. Khi nhận tiền của bà B và bà B1 bị cáo đã không sử dụng số tiền này vào việc đảo vốn Ngân Hàng và làm ăn như lời bị cáo khai, mà bị cáođã dùng số tiền này để trả nợ cho những người khác. Khi bà B và bà B1 đòi tiền, để tránh áp lực bị cáo đã bỏ đi khỏi địa phương.

Từ những lời khai nhận của bị cáo thấy rằng: Bản thân bị cáo không có tiền để trả nợ cho nhiều người, tài sản của bị cáo không còn gì và bị cáo cũng không còn làm ăn kinh doanh, do bị nhiều người đòi nợ tiền nên bị cáo đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của người khác để trả nợ, bằng hình thức vay mượn tiền của người này để trả nợ cho người khác, chính vì vậy bị cáo đã gặp bà B và bà B1 để đưa ra thông tin gian dối là “Đảo nợ ngân hàng” “cần vốn làm ăn”để bà B và bà B1 tin tưởng giao tài sản cho bị cáo. Khi nhận tiền của bà B và bà B1 bị cáo đã dùng số tiền trên để trả nợ cho những người khác đang đòi nợ bị cáo. Khi các bị hại yêu cầu bị cáo trả nợ, bị cáo đã không thực hiện việc trả nợ mà còn tiếp tục đưa ra thông tin gian dối “Đang chờ Ngân hàng giải ngân” và bỏ trốn khỏi địa phương. Sau đó các bị hại đã làm đơn tố cáo đến Cơ quan Công an điều tra. Tại Cơ quan Điều tra bị cáo cũng thừa nhận bị cáo có đưa ra thông tin gian dối để các bị hại tin tưởng giao tài sản cho bị cáo và bị cáo đã trả nợ các khoản cá nhân chứ không sử dụng vào mục đích kinh doanh, làm ăn, khi đến hạn trả nợ như thoả thuận, bà B và bà B1 đòi tiền, bị cáo đã bỏ đi khỏi địa phương mà không thông báo cho các bị hại và chính quyền địa phương biết.

Với những căn cứ nêu trên có đủ cơ sở khẳng định bị cáo đã có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Do đó, Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ.

[3]. Tại phiên tòa hôm nay Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng: Việc bị cáo Đỗ Thị T vay tiền bà Lê Thị B và bà Nguyễn Thị B1 là quan hệ dân sự, trong qua trình điều tra Cơ quan Điều tra chưa làm rõ được hành vi gian dối và ý thức chiếm đoạt của bị cáo.

Về hành vi gian dối đối với 02 khoản vay: Theo cáo trạng cho rằng bị cáo vay vốn để đảo nợ Ngân hàng. Tuy nhiên, chưa làm rõ được vì bị cáo cũng không thừa nhận. Trong giai đoạn điều tra Cơ quan Điều tra chưa làm rõ việc khi vay tiền bị cáo đưa ra thông tin gian dối để các bị hại cho bị cáo vay tiền, trong khi đó giữa bị cáo và bà B1 đã có rất nhiều lần có quan hệ vay mượn dân sự. Như vậy, việc làm ăn giữa bị cáo và bà B1 đã có từ lâu nhưng Cơ quan điều tra cũng chưa làm rõ.

Về ý thức chiếm đoạt: Đối với bà B bị cáo đã nhiều lần trả nợ và tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã trả nợ xong. Đối với bà B1, bị cáo đã nhiều lần muốn trả nợ, hơn nữa hai bên không thỏa thuận về thời hạn trả nợ. Do đó, không có đủ cơ sở cho rằng bị cáo có hành vi chiếm đoạt. Vì vậy, cần làm rõ một số tình tiết liên quan đến việc bị cáo đưa ra thông tin để vay tiền bà B1, làm rõ quan hệ làm ăn giữa bị cáo và bà B1, vì trước đó giữa bị cáo và bà B1 đã nhiều lần có quan hệ làm ăn với nhau. Việc bị cáo bỏ trốn khỏi địa phương không phải là dấu hiệu của tội lừa đảo. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

[4]. Qua ý kiến của Luật sư HĐXX thấy rằng: Tại phiên tòa hôm nay cũng như tất cả các lời khai của bị cáo có tại hồ sơ vụ án, bị cáo đều thừa nhận do nợ nhiều người nhưng không có khả năng trả nợ, nên khi bị các chủ nợ đòi tiền, bị cáo đã vay tiền của bà B và đưa ra thông tin là „„Để đảo vốn Ngân Hàng”. Khi vay tiền của bà B1 thì bị cáo đưa ra thông tin vay tiền “Để làm ăn”, những thông tin này là gian dối, không có thật, vì mục đích bị cáo vay tiền để trả nợ chứ không phải bị cáo sử dụng vào mục đích như bị cáo đưa ra, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại. Như vậy, hành vi gian dối đã được làm rõ và bị cáo cũng thừa nhận.

Về yếu tố chiếm đoạt: Khi đưa ra thông tin gian dối và được bà B và bà B1 đưa tiền, bị cáo đã sử dụng vào mục đích trả nợ cá nhân, khi bà B1 và bà B đòi tiền bị cáo tiếp tục đưa ra thông tin gian dối là “đang chờ Ngân hàng giải ngân” và bỏ đi khỏi địa phương.

Đối với hành vi chiếm đoạt của bà B: Sau khi vay số tiền 200.000.000đ, đến ngày 09/9/2016 bị cáo đã trả 80.000.000đ, số tiền còn lại là 120.000.000đ bị cáo không trả, đây là số tiền được xác định là tiền chiếm đoạt. Khi những người bị hại làm đơn tố cáo đến Cơ quan Công an, sau đó bị cáo có trả cho bà B số tiền 30.000.000đ và tại phiên toà hôm nay bị cáo trả cho bà B số tiền 90.000.000đ đây chỉ là hình thức khắc phục hậu quả.

Đối với hành vi chiếm đoạt của bà B1: Bị cáo cho rằng nhiều lần bị cáo có thiện chí trả nợ cho bà B 1nhưng bà B1 không nhận tiền. Về nội dung này, trong hồ sơ vụ án không có bất kỳ một tài liệu nào thể hiện việc bị cáo đã gặp bà B1 để trả nợ. Tại phiên tòa hôm nay, bà B1 khẳng định chưa lần nào bị cáo gặp bà để trả tiền. Đối với ý kiến của Luật sư cho rằng trước đó giữa bà B1 và bị cáo có quan hệ làm ăn, nhiều lần bị cáo vay tiền của bà B1 đã trả lãi cao nên yêu cầu làm rõ. Xét thấy, nội dung này không cần phải làm rõ, bởi lẽ những giao dịch làm ăn trước đây giữa bị cáo và bà B1 đã chấm dứt, các bên đều thừa nhận chỉ còn 03 khoản vay vào các ngày 18/8/2016; ngày 19/8/2016 và ngày 9/9/2016 và ba khoản vay này bị cáo chưa trả lãi cho bà B1 và không liên quan gì đến việc làm ăn trước đó, trong 03 khoản vay này bị cáo đã đưa thông tin gian dối để bà Bích cho bị cáo vay tiền, sau khi vay tiền bị cáo đã chiếm đoạt không trả cho bà B1. Như vậy, không thể cho rằng giữa bà B1 và bị cáo là quan hệ làm ăn đơn thuần và là quan hệ dân sự được.

Từ những phân tích trên thấy rằng: Không có căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung theo yêu cầu của Luật sư.

[5]. Xét thấy Hành vi trên của bị cáo Đỗ Thị T có đủ yếu tố cấu thành tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 của Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum đã truy tố bị cáo Đỗ Thị T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS năm 1999 là có cơ sở, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không oan.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xác định số tiền bị cáo chiếm đoạt của bà B là 120.000.000đ, chiếm đoạt của bà B1 là 860.000.000đ.

[6]. Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo: Xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo không còn tài sản, không có khả năng trả nợ, khi bị các chủ nợ đòi tiền lẽ ra bị cáo phải nói rõ với các chủ nợ về tình trạng khó khăn và tìm phương án làm ăn chính đáng để trả nợ, nhưng bị cáo lại dùng thủ đoạn đưa ra các thông tin gian dối để vay và chiếm đoạt tiền của các bị hại. Sau khi chiếm đoạt tiền của các bị hại, bị cáo đã trốn khỏi địa phương, gây mất ổn định về trật tự tại địa phương, tạo tâm lí bất an, lo lắng không những đối với những người bị hại mà cho cả những người đã có quan hệ giao dịch mà bị cáo nợ tiền từ trước. Hành vi của bị cáo thể hiện ý thức coi thường pháp luật, đã cố ý xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn huyện Sa Thầy.

[7]. Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo đã chiếm đoạt của bà B1 03 lần với tổng số tiền 860.000.000đ, chiếm đoạt của bà B số tiền 120.000.000đ. Hành vi trên của bị cáo thuộc trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự. Với hành vi phạm tội của bị cáo, HĐXX thấy cần phải xử bị cáo một mức án nghiêm khắc và cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định, có như vậy mới đủ tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng tài sản của người khác cũng như giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm nói chung.

[8]. Về tình tiết giảm nhẹ thấy rằng: Sau khi các bị hại làm đơn tố cáo đến cơ quan công an, được người nhà thông báo, bị cáo đã về lại địa phương và đến Cơ quan Điều tra đầu thú để khai báo về hành vi phạm tội của mình. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã thành khẩn khai báo về quá trình giao dịch vay mượn tiền. Tuy về nhận thức bị cáo cho rằng việc vay mượn tiền của bị cáo chỉ là quan hệ dân sự, nhưng xét thấy bị cáo cũng đã khai rõ về hành vi phạm tội, đã khắc phục toàn bộ thiệt hại gây ra đối với khoản nợ của bà B. Tại phiên tòa bà B đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do đo, Hội đồng xét xử áp dụng điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46 BLHS để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Đồng thời xét thấy, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bị cáo cũng đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, và mong muốn được trả nợ cho những người bị hại. Do đó, HĐXX xem xét áp dụng Điều 47 BLHS để xử bị cáo mức án dưới khung hình phạt bị truy tố, để bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật mà tích cực cải tạo sớm trở về đoàn tụ với gia đình và xã hội.

[9]. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra còn xác định Đỗ Thị Th có quan hệ giao dịch vay mượn với nhiều người khác như: Đỗ Thị Mỹ L, Phạm Thị L, Nguyễn Thị T (cùng trú tại thôn 1, thị trấn S, huyện S), Nguyễn Thị Thanh H (trú tại thôn 2, thị trấn S, huyện S), Lê Thị H (trú tại thôn 4, thị trấn Sa T, huyện S), Nguyễn Thị Thu T (trú tại thôn 5, thị trấn S, huyện S), Phạm Thị M (trú tại làng R, xã Y, huyện S), Nguyễn Thị K (trú tại thôn S, xã S, huyện S), Nguyễn Thị Thu Á (trú tại làng T, xã Y, huyện S), Lê Danh B, Phạm Thị X, Bùi Đức S, Phạm Ngọc Đ (cùng trú tại thôn Y, xã Y, huyện S), Lê Thị Hồng Th (trú tại 123 T, TP. K). Sau khi Đỗ Thị T đi khỏi địa phương những người này đã gửi đơn tố cáo Thanh đến Cơ quan điều tra. Tuy nhiên quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã làm rõ các giao dịch giữa Đỗ Thị T và những người này là quan hệ vay mượn dân sự, nên không xem xét trách nhiệm hình sự của Đỗ Thị T trong vụ án này. HĐXX xét thấy là phù hợp.

[10] Về trách nhiệm dân sự: Đối với số tiền chiếm đoạt của bà B là 120.000.000đ bị cáo đã khắc phục xong, bà B không có yêu cầu thêm gì nên bị cáo không phải bồi thường thêm về trách nhiệm dân sự cho bà B nữa. Đối với số tiền 860.000.000đ bị cáo chiếm đoạt của bà B1. Tại phiên tòa bà B1 yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền bị cáo đã chiếm đoạt. HĐXX xét thấy yêu cầu của bà B1 là chính đáng. Do đó, buộc bị cáo Th phải có trách nhiệm bồi thường cho bà Nguyễn Thị B1 số tiền 860.000.000đ (Tám trăm sáu mươi triệu đồng) .

[11]. Về tang vật vụ án: Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã tạm giữ:

- 01 Điện thoại di động, nhãn hiệu X phone màu đen đã qua sử dụng và 01 thẻ sim(Không kiểm tra chất lượng máy bên trong).

-  Một thẻ ATM của Ngân Hàng ACB mang tên Đỗ Thị T.

-  01 quyển sổ tạm trú mang tên Đỗ Thị T.

Xét thấy đây là các vậy chứng do bị cáo giao nộp cho cơ quan Điều tra, không liên quan đến quá trình phạm tội của bị cáo, do đó cần trả lại cho bị cáo Thanh là phù hợp.

[12].Về án phí : Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với số tiền 860.000.000đ. Do vậy, bị cáo phải chịu số tiền 37.800.000đồng (Ba mươi bảy triệu tám trăm nghìn đồng) án phí dân sự có giá ngạch.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Đỗ Thị T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

- Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; Điều 33; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm b, p khoản 1, Khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Xử phạt: Bị cáo Đỗ Thị T 09 (Chín) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (01/9/2017).

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009;  Điều 584, 585, 586, 589 Bộ luật dân sự năm 2015.

Buộc bị cáo Đỗ  Thị T phải bồi thường cho Bà Nguyễn Thị B1  số tiền 860.000.000đ (Tám trăm sáu mươi triệu đồng).

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, người phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi suất phát sinh trên số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Vật chứng vụ án: Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015.

Trả lại cho bị cáo Đỗ Thị T: 01(Một) Điện thoại di động, nhãn hiệu X phone màu đen đã qua sử dụng và 01 thẻ sim, không kiểm tra chất lượng máy bên trong01(Một) quyển sổ tạm trú đứng tên Đỗ Thị T; 01 (Một) thẻ ATM của Ngân hàng ACB đứng tên Đỗ Thị T

(Theo biên bản giao, nhận vật chứng ngày 13 tháng 3 năm 2018 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kon Tum với Cục thi hành án dân sự tỉnh kon Tum).

Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Điều 21; Khoản 1 Điều 23; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí tòa án.

Buộc bị cáo Đỗ Thị T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với số tiền 860.000.000đ . Do vậy, bị cáo phải chịu số tiền 37.800.000đồng (Ba mươi bảy triệu tám trăm nghìn đồng) án phí dân sự có giá ngạch.

Căn cứ Điều 331; Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (14/3/2018) bị cáo, những người bị hại có quyền kháng cáo bản án này để xin xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

269
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 07/2018/HS-ST ngày 14/03/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:07/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kon Tum
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về