Bản án 06/2020/KDTM-PT ngày 22/05/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 

BN ÁN 06/2020/KDTM-PT NGÀY 22/05/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Ngày 22 tháng 5 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 08/2020/TLPT - KDTM ngày 07 tháng 02 năm 2020 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”;

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2019/KDTM-ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Toà án nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 39/2020/QĐ - PT ngày 07 tháng 4 năm 2020; Quyết định hoãn phiên tòa số 18/2020/QĐ - PT ngày 04 tháng 5 năm 2020 và Thông báo thay đổi thời gian mở phiên tòa số 36/TB-TA ngày 08 tháng 5 năm 2020 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B - Trụ sở: Phòng 1601-1602, tầng A tòa nhà C số 17 đường L, phường B, quận A, thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Phúc T - Địa chỉ: P.605, chung cư số 01 đường L, phường H, quận H, thành phố Đà Nẵng. (Có mặt).

- Bị đơn: Công ty TNHH K - Trụ sở: Số 351 đường B, phường H, quận T, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo ủy quyền: ông Trần Văn H - Địa chỉ: Tổ 166 phường A, quận T, thành phố Đà Nẵng. (Có mặt).

- Người kháng cáo: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm thì nội dung vụ án như sau:

* Tại đơn khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà, đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn trình bày:

Ngày 08/9/2018, Công ty cổ phần đầu tư thương mại B (sau đây gọi là Công ty B) có mua bán bông sợi với Công ty TNHH K (sau đây gọi là Công ty K) theo Hợp đồng mua bán hàng hóa số 080918/BVS-KL với tổng giá trị là 2.725.030.000đ. Theo hợp đồng, Công ty B sẽ cung cấp cho Công ty K 50.000kg sợi polyester, chỉ số 30/1 với giá tiền là 49.954 đ/kg, tổng giá trị đã bao gồm thuế VAT là 2.725.030.000 đồng theo quy cách và chất lượng được sản xuất từ sơ Formosa theo tiêu chuẩn của Công ty B.

Công ty B đã giao hàng cho Công ty K tổng cộng hai đợt có hóa đơn, phiếu nhập kho, xuất kho của hai bên gồm:

- Phiếu nhập kho của Công ty B ngày 26/9/2018 và ngày 03/10/2018 vận chuyển theo phương thức vận tải đường biển;

- Phiếu nhập kho theo chỉ định của Công ty K: Đường số 3, KCN H, thành phố Đà Nẵng;

- Hóa đơn VAT số 0000017 ngày 01/10/2018 trị giá: 1.418.493.657đ;

- Hóa đơn VAT số 0000025 ngày 05/10/2018 trị giá: 1.314.274.884đ;

Tổng giá trị thực tế là: 2.732.768.541đ (Hai tỷ bảy trăm ba mươi hai triệu bảy trăm sáu mươi tám nghìn năm trăm bốn mươi mốt đồng).

Công ty K đã thanh toán cho Công ty B số tiền 700.00.000đ. Theo thỏa thuận tại Hợp đồng, Công ty K phải thanh toán cho Công ty B số tiền còn lại là 2.032.768.541đ chậm nhất là ngày 11/10/2018. Tuy nhiên, đến ngày 22/11/2018, Công ty K vẫn không thanh toán số tiền còn nợ cho Công ty B. Đồng thời gửi văn bản phản ánh về chất lượng sản phẩm kém và yêu cầu được trả lại toàn bộ số hàng mà Công ty K đã nhận, yêu cầu Công ty B hoàn trả lại số tiền 700.000.000đ đã nhận trước đó.

Theo thỏa thuận về thời hạn khiếu nại về chất lượng sản phẩm theo hợp đồng hai bên ký kết thì thời hạn Công ty K khiếu nại đã hết, tuy nhiên vì uy tín của Công ty B cũng như để chia sẻ khó khăn trong khi thị trường bông sợi đang giảm mạnh, Công ty B đã nhận lại một phần lượng hàng và tìm nguồn hàng bán giúp Công ty K là 13.014,73kg tương đương 709.310.594đ.

Tuy nhiên, Công ty K vẫn không đồng ý với phương án trên, yêu cầu được hoàn trả toàn bộ số hàng cho Công ty B và yêu cầu Công ty B hoàn trả số tiền 700.000.000đ mà Công ty K đã thanh toán.

Từ đó đến nay, Công ty B đã nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở việc trả nợ nhưng Công ty K vẫn không trả nợ.

Nay, để đảm bảo quyền lợi của mình, Công ty CP đầu tư thương mại B khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty TNHH K phải trả cho Công ty CP đầu tư thương mại B số tiền hàng còn nợ là: 1.323.457.947đ (Một tỷ ba trăm hai mươi ba triệu bốn trăm năm mươi bảy nghìn chín trăm bốn mươi bảy đồng) và tiền lãi phát sinh cho đến khi Công ty TNHH K thanh toán xong hết nợ.

* Tại đơn trình bày, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên toà, đại diện ủy quyền của bị đơn trình bày:

Tôi thống nhất với lời trình bày của đại diện Công ty B về thời gian nội dung của Hợp đồng mua bán hàng hóa số 080918/BVS-KL ngày 08/9/2018 đối với hàng hóa là sợi Polyester chỉ số 30/1 dùng cho dệt thoi với số lượng 50.000kg đơn giá là 49.546đ/1kg (chưa bao gồm VAT). Tổng giá trị của hợp đồng nói trên đã bao gồm VAT là 2.725.030.000đ. Trước khi ký kết hợp đồng này, nhân viên bán hàng của Công ty B chào hàng chúng tôi sản phẩm này là sợi formosa của Nhà máy Dệt T sản xuất, do vậy chúng tôi mới đồng ý ký kết hợp đồng. Để thực hiện hợp đồng Công ty K chúng tôi đã chuyển cho Công ty B số tiền 700.000.000đ, Công ty B tiến hành giao hàng cho Công ty K cụ thể:

- Ngày 27/9/2018, Công ty B giao hàng cho Công ty K số lượng hàng hóa tương đương 1.418.493.657đ, khi nhận hàng phía Công ty K kiểm tra hàng hóa phát hiện thấy hàng hóa không có nhãn mác Nhà máy Dệt T như nhân viên bán hàng đã chào hàng và cam kết. Khi cho dệt thử 300m vải đầu tiên của lô hàng, sau đó tiến hành nhộm thì thấy sợi rất xấu, xổ lông nhiều, đứt nối nếp nhiều, bằng mắt thường nhận thấy sợi không đạt tiêu chuẩn. Khi phát hiện như vậy, phía Công ty K liền nhắn tin báo tình hình lô hàng cho Khánh N là nhân viên bán hàng trực tiếp biết để có cách xử lý đồng thời yêu cầu Công ty B dừng ngay việc giao hàng tiếp cho Công ty K, thì Khánh N bảo đã xuất hàng đi rồi.

- Ngày 08/10/2018, Công ty B giao tiếp lô hàng thứ 2 của hợp đồng trị giá 1.314.274.884đ. Sau khi nhận lô hàng, Công ty K đã cho dệt thử, mắc hồ 01 lần nữa, nhưng hàng không sản xuất được, quá nhiều lỗi và xổ lông nhiều hơn,….

Sau khi Công ty K đã hết sức cố gắng xử lý lô hàng, tuy nhiên không thể sản xuất được, ngày 17/10/2018, Công ty K chúng tôi gửi mẫu vải đã sản xuất từ sợi của Công ty B đã bán cho chúng tôi cho Công ty B biết thông qua nhân viên bán hàng là Khánh N. Đồng thời Công ty K chúng tôi cho tiến hành test sợi và có biên bản giám định gửi kèm. Tuy nhiên chúng tôi không nhận được sự hợp tác và hổ trợ từ phía Công ty B.

Tiếp đến, vào các ngày 22/11/2018 chúng tôi đã gửi 02 biên bản về việc sợi không đạt chất lượng cho Công ty B và ngày 21/12/2018 Công ty K chúng tôi gửi biên bản yêu cầu thu hồi sợi đồng thời đề nghị hoàn trả tiền lại cho chúng tôi.

Sau khi nhận được các văn bản nói trên, phía Công ty B tiến hành cho thu hồi hàng hóa cụ thể:

- Ngày 04/01/2019 thu hồi với khối lượng 13.014,73kg trị giá 709.310.594đ.

- Ngày 12/01/2019 Công ty B phát văn bản thu hàng đợt 2 với khối lượng 49.546kg trị giá 1.907.521.000đ (thu hồi toàn bộ lô hàng đã chuyển cho Công ty K).

Sau khi nhận được biên bản thu hồi hàng, ngày 14/01/2019, Công ty K chúng tôi tiến hành cho đối chiếu công nợ, đồng thời yêu cầu phía Công ty B chuyển trả lại cho Công ty K chúng tôi số tiền 591.042.500đ thì phía Công ty K chúng tôi mới đồng ý ký các chứng từ để Công ty B nhận hàng về. Tuy nhiên phía Công ty B không chịu hợp tác để giải quyết mà ngược lại ngày 26/3/2019 phía Công ty B thông báo là Công ty K chúng tôi hiện nay còn nợ Công ty B số tiền 2.032.768.541đ và ra thông báo khởi kiện Công ty K ra tòa án để yêu cầu trả nợ số tiền này.

Ngày 30/3/2019 Công ty K chúng tôi có văn bản gửi Công ty B yêu cầu xử lý lô hàng, tuy nhiên Công ty B vẫn không chịu hợp tác với Công ty K chúng tôi mà khởi kiện chúng tôi ra Tòa án nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng để yêu cầu Công ty K trả 1.323.457.947đ.

Do đó, về yêu cầu khởi kiện của Công ty B buộc Công ty K thanh toán số tiền hàng còn nợ thì tôi không đồng ý. Đại diện bị đơn, tôi đề nghị Công ty K cấn trừ số lượng sợi tương ứng số tiền 700.000.000đ mà Công ty K đã chuyển cho Công ty B, đồng thời, Công ty B tiến hành thu hồi số lượng sợi còn lại.

Với nội dung vụ án như trên, tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 21/2019/KDTM - ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Toà án nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng đã quyết định:

Căn cứ khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35, điểm b khoản 1 Điều 39, Điều 147, 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 39, 40 và 51 của Luật thương mại;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/20016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Toà án.

Xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về "Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa" của Công ty cổ phần đầu tư thương mại B đối với Công ty TNHH K.

2. Về án phí: Buộc Công ty cổ phần đầu tư thương mại B phải chịu 51.703.738 (Năm mươi mốt triệu bảy trăm lẻ ba nghìn bảy trăm ba mươi tám đồng) án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm nhưng được khấu trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp 25.851.869đ theo biên lai thu số 0004968 ngày 23/7/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Công ty cổ phần đầu tư thương mại B tiếp tục nộp số tiền án phí còn lại là 25.851.869đ.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của đương sự và quyền yêu cầu thi hành bản án có hiệu lực pháp luật.

* Sau khi xét xử sơ thẩm, trong thời hạn luật định Công ty cổ phần đầu tư thương mại B có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, Công ty cổ phần đầu tư thương mại B đề nghị Tòa án cấp phúc xét xử buộc Công ty TNHH K phải trả cho Công ty cổ phần đầu tư thương mại B số tiền 1.323.457.974đ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty B rút yêu cầu tính lãi chậm trả và chỉ yêu cầu Công ty K phải trả cho Công ty B số tiền là 1.323.457.974đ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Xét nội dung kháng cáo của Công ty cổ phần đầu tư thương mại B, HĐXX nhận định:

[1] Ngày 08/9/2018 giữa Công ty cổ phần đầu tư thương mại B (Gọi tắt là Công ty B) và Công ty TNHH K có ký kết Hợp đồng mua bán hàng hóa số 080918/BSV-KL. Theo hợp đồng đã ký kết thì Công ty B có bán cho Công ty TNHH K 50.000kg sợi với số tiền là 2.725.030.000đ, địa điểm giao hàng tại Kho của Công ty TNHH K. Sau khi ký kết hợp đồng Công ty TNHH K đã ứng trước cho Công ty B số tiền 700.000.000đ.

[2] Thực hiện hợp đồng số: 080918/BSV-KL ngày 08/9/2018 Công ty B đã cung ứng hai lần với tổng khối lượng là: 50.141,99kg tương đương số tiền 2.732.768.541đồng, cụ thể: Phiếu nhập kho NPL số NMS004/10 ngày 03/10/2018; Hóa đơn VAT số 0000017 ngày 01/10/2018 trị giá: 1.418.493.657đ và Phiếu nhập kho NPL số NMS004/10 ngày 08/10/2018; Hóa đơn VAT số 0000025 ngày 05/10/2018 trị giá: 1.314.274.884đ, các bên đã xác nhận thỏa thuận về giá và khối lượng sản phẩm.

[3] Tại mục 5.2 Điều 5 của Hợp đồng có thỏa thuận “Trường hợp xảy ra khiếu nại về chất lượng hàng hóa mà hai bên không xác định được là lỗi kỹ thuật, hai bên thống nhất lựa chọn bên thứ ba là Viện dệt/Intertek/ hoặc Trung tâm giám định chất lượng tương đương thực hiện giám định và căn cứ vào kết quả giám định này để giải quyết”, nhưng sau khi nhận hàng và đưa vào sản xuất Công ty K căn cứ báo cáo về chất lượng sợi PE30 K của Xưởng nhuộm Chuẩn bị thuộc Công ty TNHH MTV Dệt vải quốc tế P nhận xét chất lượng sợi không đạt, để cho rằng chất lượng hàng hóa không đảm bảo và khiếu nại chất lượng hàng hóa là không đúng thỏa thuận trong hợp đồng.

[4] Theo quy định tại điểm 2.2 Điều 2 Hợp đồng mua bán hàng hóa số 080918/BSV-KL ngày 08/9/2018 thì nếu có vấn đề về chất lượng Công ty K để nguyên hàng và thông báo bằng văn bản cho Công ty B biết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận hàng.

[5] Theo quy định tại điểm 5.1 Điều 5 Hợp đồng mua bán hàng hóa số 080918/BSV-KL ngày 08/9/2018 thì Công ty K có quyền khiếu nại về chất lượng sản phẩm bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng, theo từng đợt giao hàng, tuy nhiên, qua các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì Công ty TNHH K nhận hàng đợt 1 vào ngày 03/10/2018 và nhận hàng đợt 2 vào ngày 08/10/2018 nhưng ngày 22/11/2018 mới có văn bản số 01/TT về việc trả lại lô sợi do sợi không đảm bảo chất lượng là quá thời hạn khiếu nại về chất lượng hàng hóa đã thỏa thuận tại hợp đồng.

[6] Công ty TNHH K cho rằng sau khi nhận lô hàng thứ nhất vào ngày 03/10/2018 thì ngày đến ngày 05/10/2018 người đại diện của Công ty K đã phản ánh chất lượng về chất lượng sản phẩm bằng tin nhắn văn bản đến cho Khánh N - là nhân viên kinh doanh của Công ty B, mặc dù việc phản ánh không được thể hiện bằng văn bản nhưng Công ty B cũng đã thu hồi 13.014,73kg sợi (theo Biên bản thu và trả hàng đợt I do các bên ký kết ngày 04/01/2019) và gửi văn bản thu hồi và trả hàng đợt II với mục đích thu hồi số lượng sợi còn lại đã thể hiện việc Công ty B xác nhận sản phẩm bị lỗi là có thật. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết cũng như tại phiên tòa thì đại diện Công ty B khẳng định Khánh N không phải là nhân viên của Công ty B và cho rằng vì hỗ trợ lẫn nhau nên có nhận lại của Công ty K 13.014,73kg sợi. HĐXX xét thấy Hợp đồng số 080918/BSV-KL ngày 08/9/2018 được ký kết giữa Công ty B với Công ty K, lẽ ra khi khiếu nại về chất lượng hàng hóa Công ty K phải có văn bản và gửi cho Công ty B, nhưng lại trao đổi bằng tin nhắn với Khánh N là không đúng với thỏa thuận tại điểm 2.2 Điều 2 và tại điểm 5.1 Điều 5 của Hợp đồng mà hai bên đã ký kết.

[7] Ngoài ra, Công ty K cũng không đưa ra được chứng cứ để chứng minh Khánh Nhật là nhân viên của Công ty B và cũng không biết địa chỉ hiện nay của Khánh N. Tại trang Zalo mà Khánh N đã trao đổi với Công ty K có tên là “N nhà máy sợi T” cũng như tại tin nhắn mà Khánh N gửi cho Công ty K có nội dung “… em sẽ thay mặt Nhà máy sợi T bù lỗ cho c về tiền cá nhân…” (BL 94), HĐXX xét thấy Khánh N không phải là người được Công ty B giao thẩm quyền tiếp nhận khiếu nại. Do vậy, trao đổi qua tin nhắn giữa Công ty K và Khánh N không phải là kiếu nại về chất lượng hàng hóa.

[8] Theo quy định tại khoản 3.1 Điều 3 của Hợp đồng thì Công ty K sẽ thanh toán 100% số tiền hàng sau 3 ngày kể từ ngày nhận hàng, tuy nhiên Công ty K nhận hàng đợt 2 vào ngày 05/10/2018 nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán số tiền còn lại là vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên cần buộc Công ty K phải trả cho Công ty B số tiền mua hàng còn lại là phù hợp.

[9] Đối với yêu cầu tính lãi chậm trả: Tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của Công ty B rút yêu cầu tính lãi chậm trả và chỉ yêu cầu Công ty K trả số tiền mua bán hàng là 1.323.457.974đ, HĐXX xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm không xác định số tiền lãi cụ thể để yêu cầu nguyên đơn nộp tiền tạm ứng án phí đối với số tiền lãi là có sai sót. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn rút yêu cầu đối với phần lãi suất nên HĐXX đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện về tiền lãi.

[10] Từ những nhận định trên, HĐXX xét thấy yêu cầu của Công ty B và buộc Công ty K phải trả cho Công ty B số tiền mua hàng là 1.323.457.974đ là có cơ sở nên cần được chấp nhận và sửa Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 21/2019/KDTM - ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Toà án nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng như đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.

[11] Về án phí:

[11.1] Về án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm: Do chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty B nên Công ty K phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 36.000.000đ + (523.457.947đ x 3%) = 51.703.738đ.

[11.2] Về án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm: Do chấp nhận kháng cáo nên Công ty B không phải chịu án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 2 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Căn cứ các điều 292 và 297 của Luật thương mại;

- Căn cứ khoản 2 điều 26 và khoản 1 điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần đầu tư B. Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/KDTM - ST ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Toà án nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Tuyên xử:

1. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần đầu tư thương mại B đối với Công ty TNHH K về yêu cầu tính lãi suất chậm trả.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần đầu tư thương mại B đối với Công ty TNHH K.

Buộc Công ty TNHH K phải trả cho Công ty cổ phần đầu tư B số tiền mua hàng là 1.323.457.974đ (Một tỷ ba trăm hai mươi ba triệu bốn trăm năm mươi bảy nghìn chin trăm bảy mươi bốn đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Về án phí:

[3.1] Về án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm: Án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm Công ty TNHH K phải chịu là 51.703.738đ.

Công ty cổ phần đầu tư B không phải chịu án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm, hoàn trả cho Công ty cổ phần đầu tư B số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 25.851.869đ theo biên lai thu số 0004968 ngày 23/7/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

[3.2] Về án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty cổ phần đầu tư B không phải chịu án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Hoàn trả cho Công ty cổ phần đầu tư B số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 3.000.000đ theo biên lai thu số 0001626 ngày 17/12/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hánh án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1793
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2020/KDTM-PT ngày 22/05/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:06/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 22/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về