TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THANH HÀ, TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 06/2020/DS-ST NGÀY 07/09/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 07 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Thanh Hà xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 09/2020/TLST-DS ngày 13/5/2020 về việc tranh chấp thừa kế tài sản, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 07/2020/QĐST-DS ngày 17/8/2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1964; có mặt Địa chỉ: Xóm C, xã D, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Viết Đ, sinh năm 1970; có mặt Địa chỉ: Xóm Đ, thôn Y, xã H, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
- Bà Nguyễn Thị H1, sinh năm 1950; địa chỉ: Thôn V, xã M, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; vắng mặt - Bà Nguyễn Thị T1, sinh năm 1958; có mặt
- Bà Nguyễn Thị S1, sinh năm 1965; vắng mặt Đều có địa chỉ tại: Xóm S, xã L, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình.
- Bà Nguyễn Thị H2, sinh năm 1964; địa chỉ: Thôn T, xã M, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; có mặt
- Ông Nguyễn Tiến Đ1, sinh năm 1954; địa chỉ: Số nhà n, tổ 6, phường Q, Thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La; vắng mặt
+ Người đại diện theo ủy quyền của bà H1, bà T1, bà S1, bà H2, ông Đ1: Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1964; địa chỉ: Xóm C, xã D, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng; có mặt
- Ông Nguyễn Viết L1, sinh năm 1956; có mặt
- Bà Nguyễn Thị T2, sinh năm 1972 (vợ ông Đ); vắng mặt - Anh Nguyễn Tuấn A, sinh năm 1995 (con ông Đ); vắng mặt
- Anh Nguyễn Viết T3, sinh năm 1998 (con ông Đ); vắng mặt Đều có địa chỉ tại: Xóm Đ, thôn Y, xã H, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
+ Người đại diện theo ủy quyền của ông L1, bà T2, anh T3, anh Tuấn A: Ông Nguyễn Viết Đ, sinh năm 1970; Địa chỉ: Xóm Đ, thôn Y, xã H, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; có mặt 4. Người làm chứng.
- Ông Lê Xuân N2, sinh năm 1951.
- Ông Lê Đình L2, sinh năm 1952.
- Ông Hoàng Văn Đ2, sinh năm 1973.
- Ông Nguyễn Viết K2, sinh năm 1954.
- Bà Lê Thị Thanh, sinh năm 1958.
Đều có địa chỉ tại: Thôn Y, xã H, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
- Ông Nguyễn Xuân X2, sinh năm 1965.
Địa chỉ: Thôn A, xã H, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
(Tại phiên tòa những người làm chứng đều vắng mặt nhưng trước đó đã đề nghị xét xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện và lời khai của nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án:
Cụ Nguyễn Viết L4 kết hôn với cụ Nguyễn Thị N4 trước năm 1951 và sinh được 08 người con chung gồm: Bà Nguyễn Thị H1, ông Nguyễn Tiến Đ1, ông Nguyễn Viết L1, bà Nguyễn Thị T1, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị H2, bà Nguyễn Thị S1, ông Nguyễn Viết Đ. Ngoài ra hai cụ không có con riêng, con nuôi nào khác. Cụ L4 chết ngày 28/11/2003, cụ N4 chết ngày 21/2/2018. Khi chết hai cụ không để lại di chúc nào, cũng không để lại nghĩa vụ gì về tài sản. Di sản mà hai cụ để lại có quyền sử dụng đất tại thửa 572, 573 thuộc tờ bản đồ số 13 ở thôn Y, xã H, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; hiện đất này do vợ chồng ông Đ đang quản lý. Nguồn gốc đất là do cha ông để lại cho hai cụ L4, N4. Thời kỳ 299, cụ L4 đã đại diện đứng tên trong sổ sách theo dõi quản lý đất. Tuy nhiên đến nay đất này vẫn chưa có GCNQSD đất vì gia đình chưa làm hồ sơ đề nghị cấp. Trên đất có 01 nhà cấp bốn do hai cụ xây, còn lại toàn bộ các công trình khác và cây cối trên đất là của vợ chồng ông Đ. Con cái không ai có công sức tôn tạo vượt lập đất, không ai phải bỏ tiền nuôi hai cụ. Nay anh em không tự thỏa thuận được việc phân chia nhà đất mà bố mẹ để lại nên bà khởi kiện đề nghị Tòa án chia thừa kế theo pháp luật đối với nhà đất nêu trên. Bà, bà T1, bà H1, bà H2, bà S1 xin được chia chung khoảng 144m2 đất tại vị trí có nhà cấp bốn mà bố mẹ để lại để chị em bà xây nhà thờ được thuận lợi. Nếu ông Đ không đồng ý với phương án chia như vậy thì đề nghị Tòa án chia thừa kế theo quy định pháp luật. Bà và ông Đ1, bà T1, bà H1, bà H2, bà S1 không ai đề nghị gì về công sức. Bà tự nguyện chịu chi phí thẩm định định giá, không đề nghị Tòa án xem xét.
Năm 1993 khi nhà nước thực hiện chính sách chia đất nông nghiệp , bà không nắm rõ thửa đất nêu trên có diện tích đất nào bị xác định là đất vườn thừa trừ tiêu chuẩn đất nông nghiệp ngoài đồng của ai không, nội dung này đề nghị Tòa án xác minh giúp bà. Tại thời điểm chia ruộng, hộ cụ L4 chỉ có 03 nhân khẩu là cụ L4, cụ N4, ông Đ.
* Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn trình bày:
Về thời gian chết và con của cụ L4 và cụ N4, nhân khẩu được chia ruộng thời kỳ năm 1993, lý do đất tranh chấp chưa được cấp sổ đỏ bị đơn trình bày như ý kiến nguyên đơn nêu trên. Khi chết hai cụ không để lại di chúc nào, cũng không để lại nghĩa vụ gì về tài sản. Khi già yếu, hai cụ chủ yếu sống cùng vợ chồng ông. Nhưng vì hai cụ có tiền tiết kiệm nên vợ chồng ông chỉ bỏ công phục vụ chăm sóc cho hai cụ, con cái không ai phải bỏ tiền nuôi bố mẹ. Đất tranh chấp có nguồn gốc do ông cha để lại cho cụ L4, cụ N4 nên từ thời kỳ 299 đã đứng tên cụ L4. Tuy nhiên khi còn sống, khoảng năm 2000 hai cụ đã tuyên bố miệng cho ông và ông L1 toàn bộ đất này (anh em tự chia nhau mỗi người ½ đất). Vì không muốn anh em ở quá gần nhau dễ nảy sinh mâu thuẫn, nên ông và ông L1 đã thống nhất thỏa thuận ông đưa 3 triệu đồng cho ông L1 để ông L1 mua đất khác ở (ông L1 mua đất của ông L2 ở cùng thôn). Vợ chồng ông đã tôn tạo vượt lập đất rất nhiều. Toàn bộ công trình, tài sản và cây cối trên đất tranh chấp đều là của vợ chồng ông; trong đó nhà mái bằng vợ chồng ông làm móng từ năm 2001, đến năm 2005 thì xây tiếp và hoàn thiện; còn nhà cấp bốn xây từ năm 2002; công trình phụ khép kín gắn liền với nhà mái bằng được làm từ năm 2008. Khi vợ chồng ông làm các công trình này, đều được sự đồng ý của bố, mẹ. Và bố mẹ phải cho vợ chồng ông đất thì vợ chồng ông mới xây dựng. Do đó ông không đồng ý chia thừa kế vì đất là của vợ chồng ông. Vợ chồng ông không yêu cầu ai phải thanh toán công sức tôn tạo vượt lập đất, không yêu cầu xem xét công sức chăm sóc, trông nom bố mẹ khi về già.
Tại thửa đất tranh chấp, có đất trừ tiêu chuẩn đất nông nghiệp ngoài đồng của ông, cụ N4, cụ L4 nhưng trừ mỗi người bao nhiêu thì ông không nhớ rõ.
Nếu buộc phải chia thừa kế, phần di sản mà ông được nhận ông tự nguyện nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng ông.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ông Đ1, bà T1, bà H1, bà H2, bà S1 ủy quyền cho bà L trình bày như ý kiến nguyên đơn nêu trên. Ông bà không đề nghị ai phải trả công sức gì trong vụ án này. Ngoài ra ông Đ1 còn ý kiến tự nguyện cho bà L, bà T1, bà H1, bà H2, bà S1 phần di sản mà ông được nhận trong vụ án này.
- Ông L1 trình bày nhà cấp bốn trên đất tranh chấp được xây khi hai cụ L4, cụ N4 còn sống, nguồn tiền xây ông không nắm được là của ai, chỉ biết khi xây xong cả hai cụ và vợ chồng ông Đ đều ở chung nhà đó. Còn các công trình, tài sản khác trên đất là của vợ chồng ông Đ, trong đó nhà mái bằng được xây sau nhà cấp bốn mấy năm. Các nội dung khác ông L1 trình bày như bị đơn đã trình bày. Ông không đồng ý chia di sản thừa kế, lý do có việc hai cụ cho đất và có việc đổi đất giữa ông và ông Đ như ông Đ đã trình bày. Ông từ chối nhận di sản và không đề nghị thanh toán công sức gì trong vụ án này.
- Bà T2, anh T3, anh Tuấn A ủy quyền cho ông Đ trình bày như ý kiến bị đơn nêu trên.
* Theo yêu cầu của đương sự, Tòa án đã thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, kết quả xác định như sau:
- Thửa đất 572, 573 có tổng diện tích là 737m2 đất, trong đó hiện trạng đất ao có 278m2. Giá đất ao là 75.000đ/1m2; giá đất ở là 1.000.000đ/1m2.
- Trên đất có những tài sản sau:
+ Cây trên đất gồm: Cau, mít, vải, khế, xoài, hồng xiêm, na, nhãn, bơ, dừa, đu đủ, gấc và một số cây tạp, cây gia vị khác. Tổng trị giá cây trên đất là 19.562.000đ + Công trình trên đất gồm: 01 nhà cấp bốn, 01 nhà mái bằng gắn liền công trình phụ khép kín, 01 lán tạm xây ba banh, 01 nhà tắm cũ, 01 giếng nước cũ, sân bê tông, lán tôn, 01 cây hương, tường bao và tường be, cổng (gồm 01 cổng chính và 01 cổng phụ). Tổng trị giá công trình trên đất là 395.877.000đ.
Tại thời điểm định giá, xác định công san lấp= 147.000đ/1m3 (đã bao gồm nguyên vật liệu, các loại phí, công san lấp).
Tại phiên tòa sơ thẩm:
- Nguyên đơn, bị đơn trình bày và cơ bản giữ nguyên quan điểm như đã nêu trên. Ông L1 ý kiến giữ nguyên lời khai trước đây đã khai và nhất trí ý kiến của bị đơn đã trình bày. Bà H2, bà T nhất trí ý kiến của bà L và không trình bày bổ sung thêm nội dung gì mới. Ngoài ra ông Đ xác định theo trí nhớ của ông thì cụ L4 chết vào ngày 04/11/2003 âm lịch và cụ N4 chết vào ngày 06/01/2018 âm lịch. Ông không đồng ý chia di sản thừa kế vì toàn bộ đất và công trình trên đất tranh chấp là của vợ chồng ông, nên ông từ chối nêu quan điểm về công sức. Nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ông không cần ai thanh toán tiền gì cho vợ chồng ông với điều kiện các đương sự xây trả sang đất khác cho vợ chồng ông các công trình mà vợ chồng ông đã xây trên đất tranh chấp. Anh T2, anh Tuấn A đang sống trên đất tranh chấp cùng vợ chồng ông và cũng có công chăm sóc hai cụ, tuy nhiên mọi công sức của hai con ông đề nghị tính hết vào công sức của vợ chồng ông.
- Đại diện VKSND huyện Thanh Hà phát biểu ý kiến: Việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử (viết tắt: HĐXX) và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về quan điểm giải quyết vụ án, đề nghị HĐXX áp dụng Điều 609, 611, 612, 623, 649, 650, 651, 660, khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015. Khoản 5 Điều 26, Điều 35; Điều 147, Điều 227, 229 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 103 Luật đất đai năm 2013; Luật phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bà Nguyễn Thị L. Xác định diện tích đất trừ tiêu chuẩn đất nông nghiệp ngoài đồng của ông Nguyễn Viết Đ tại thửa đất tranh chấp không thuộc di sản của cụ L4, cụ N4. Đề nghị áng trích công sức cho vợ chồng ông Đ, bà T2. Xác nhận di sản của cụ L4, cụ N4 còn lại để phân chia là nhà cấp bốn và quyền sử dụng đất sau khi đã trừ đi diện tích đất trừ tiêu chuẩn đất nông nghiệp ngoài đồng của ông Đ và áng trích công sức cho vợ chồng ông Đ. Giao cho bà H1, ông Đ1, bà T1, bà L, bà H2, bà S1, ông Đ được hưởng thừa kế bằng hiện vật nhưng đảm bảo để ông Đ được giao phần đất trên có nhà mái bằng và công trình khép kín của vợ chồng ông. Đương sự nào được nhận di sản nhiều hơn giá trị kỷ phần di sản mà mình được hưởng thì có trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch tài sản cho đương sự khác. Chấp nhận sự tự nguyện của ông Đ nhập toàn bộ tài sản được chia trong vụ án này vào tài sản chung vợ chồng. Chấp nhận sự tự nguyện của ông Đ1 cho bà H1, bà T1, bà L, bà H2, bà S1 di sản của mình được nhận trong vụ án này. Bà H1, bà T1, bà L, bà H2, bà S1 phải trả cho vợ chồng ông Đ giá trị tài sản của vợ chồng ông Đ trên phần đất mà mình được chia. Về án phí: Đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về tố tụng: Tại phiên tòa bà T2, anh T3, anh Tuấn A vắng mặt và trước đó đã có đơn xin xử vắng mặt, đồng thời ủy quyền cho ông Đ đại diện tham gia tố tụng. Ông Đ1, bà H1, bà S1 vắng mặt nhưng trước đó đã có đơn xin xử vắng mặt, đồng thời ủy quyền cho bà L đại diện tham gia tố tụng. Những người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ. Do vậy Tòa án xét xử vắng mặt bà T2, anh T3, anh Tuấn A, ông Đ1, bà S1, bà H1 và những người làm chứng theo Điều 227, Điều 229 Bộ luật tố tụng dân sự.
[2]. Về quan hệ tranh chấp: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ L4, cụ N4 theo pháp luật, do vậy quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp chia thừa kế theo pháp luật.
[3] Về hàng thừa kế:
Bố mẹ cụ L4, cụ N4 đều chết trước cụ L4 và cụ N4. Cụ L4 và cụ N4 có 08 người con là bà Nguyễn Thị H1, ông Nguyễn Tiến Đ1, ông Nguyễn Viết L1, bà Nguyễn Thị T1, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị H2, bà Nguyễn Thị S1, ông Nguyễn Viết Đ. Tuy thời điểm mở thừa kế của hai cụ là khác nhau, nhưng ngoài các con này, hai cụ không có con riêng, con nuôi nào khác , nên Tòa án xác định chung hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của hai cụ gồm 08 người con nêu trên. Xét trong quá trình giải quyết vụ án, ông Lâm tự nguyện từ chối nhận di sản, nên được Tòa án chấp nhận. Vì vậy hàng thừa kế thứ nhất của cụ L4, cụ N4 chỉ còn lại 07 người gồm bà H1, ông Đ1, bà T1, bà L, bà H2, bà S1, ông Đ được phân chia di sản thừa kế nếu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận.
[4] Về xác định di sản thừa kế.
* Đối với quyền sử dụng đất tranh chấp:
Hiện đất tranh chấp chưa được cấp GCNQSD đất. Tuy nhiên, theo cung cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đất này đủ điều kiện được cấp GCNQSD đất. Lý do chưa cấp GCNQSD đất là vì gia đình cụ L4 chưa làm hồ sơ đề nghị cấp GCNQSD đất theo quy định pháp luật . Nên Tòa án xác định quyền sử dụng đất này thuộc đối tượng xem xét phân chia thừa kế theo quy định pháp luật.
Đối với đất vườn ao thừa trừ tiêu chuẩn đất nông nghiệp ngoài đồng: Các đương sự đều thống nhất xác định tại thời điểm nhà nước chia đất nông nghiệp năm 1993, hộ cụ L4 chỉ có 03 nhân khẩu gồm cụ L4, cụ N4 và anh Đ. Lời khai này của các đương sự phù hợp với lời khai của người làm chứng là ông Lê Xuân N2 - Nguyên trưởng xóm Đ, thôn Y. Cũng theo ông N2 cung cấp: Ông là người trực tiếp tham gia ban chia ruộng năm 1993. Thời gian đó, tại xóm Đ, thôn Tiền Y, xã H, mỗi gia đình chỉ được công nhận 300m2 đất ở, còn lại vườn, ao thừa đều được trừ vào tiêu chuẩn đất nông nghiệp ngoài đồng của hộ gia đình. Cung cấp này của ông N2 phù hợp với biên bản giao đất nông nghiệp của hộ cụ L4, phù hợp với nội dung xác minh về tiêu chuẩn đất nông nghiệp được giao trên mỗi nhân khẩu. Do đó xác định diện tích đất trừ vào tiêu chuẩn đất nông nghiệp ngoài đồng của anh Đ tại thửa đất đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng hợp pháp của anh Đ, không phải là di sản chia thừa kế.
Căn cứ vào lời khai của các đương sự và kết quả xác minh t ại địa phương, có đủ cơ sở xác định: Đất tranh chấp có nguồn gốc do cha ông để lại cho vợ chồng cụ L4, cụ N4. Thời kỳ 299, đất này gồm 02 thửa, đó là thửa 572 diện tích 275m2 ao, và thửa 573 diện tích 362m2 đất thổ cư, đều thuộc tờ bản đồ số 13 ở thôn Y, xã H, Thanh Hà, Hải Dương, do cụ L4 đại diện đứng tên. Tài liệu đo đạc năm 1997, đất tranh chấp có tổng diện tích 737m2, trong đó thửa 231 diện tích 280m2 ao, thửa 239 diện tích 457m2 đất thổ cư, do cụ L4 đại diện đứng tên. Theo tài liệu đo kiểm tra hiện trạng sử dụng năm 2007 thì đất tranh chấp thuộc thửa 56, tờ bản đồ số 33 đứng tên anh Đ là người sử dụng. Xét thấy tài liệu đo đạc năm 1997 là một trong những căn cứ pháp lý để cấp quyền sử dụng đất cho công dân, còn bản đồ đo đạc năm 2007 chỉ kiểm tra hiện trạng sử dụng chứ không phải là tài liệu xác định quyền sử dụng đất của ai. Nên việc ông Đ đứng tên thửa đất tại bản đồ đo đạc năm 2007 chưa phải là căn cứ để xác định quyền sử dụng đất đó là tài sản của vợ chồng ông Đ.
Ông Đ, ông 1 cho rằng khi còn sống hai cụ đã cho ông L1 và vợ chồng ông Đ đất này. Xem xét ý kiến này của phía bị đơn, Hội đồng xét xử thấy rằng: Ngoài lời khai của ông L1, ông Đ, không có tài liệu chứng cứ nào khác chứng minh lời khai của ông Đ, ông L1 là đúng, trong khi phía nguyên đơn không đồng ý nội dung này. Ông Lê Đình L2 là người bán đất cho ông L1 vào năm 2003, nhưng lời khai của ông L2 thể hiện không nắm được nội dung hai cụ tuyên bố cho ai đất, cũng không nắm được có hay không việc thỏa thuận đổi đất giữa ông Đ và ông L1. Tại UBND xã H không lưu giữ tài liệu nào thể hiện việc cụ L4, cụ N4 tặng cho ai đất. Ông Đ còn cho rằng hai cụ có cho vợ chồng ông đất thì vợ chồng ông mới xây nhà, tôn tạo vượ t lập đất. Hội đồng xét xử thấy lý do này mà ông Đ đưa ra là chưa đủ thuyết phục bởi trên thực tế nhiều trường hợp một người có thể xây nhà trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người khác dưới các hình thức khác nhau như mượn hay thuê đất,...Theo quy định pháp luật việc tặng cho quyền sử dụng đất phải thể hiện bằng văn bản, còn điều kiện để áp dụng án lệ 03/2016 thì đất đó phải được cấp GCNQSD đất đứng tên vợ chồng người con. Trong vụ án này, cụ L4, cụ N4 không có văn bản tặng cho và đất cũng chưa được cấp sổ đỏ đứng tên vợ chồng ông Đ. Mặt khác, như ông Đ đã trình bày hai cụ chủ yếu sống trên đất tranh chấp cùng vợ chồng ông, trong khi hiện trạng toàn bộ thửa đất thể hiện không có tường rào mốc giới xác định phần đất nào là của hai cụ ở, phần đất nào hai cụ đã cho vợ chồng ông Đ. Ngoài ra, việc tôn tạo vượt lập đất cũng không phải là căn cứ để xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp. Từ những lập luận nêu trên, Hội đồng xét xử thấy không có căn cứ chấp nhận ý kiến của phía bị đơn, đồng nghĩa với việc Tòa án xác định quyền sử dụng đất tại thửa 572, 573 (gọi theo bản đồ 299) là di sản của cụ L4 và cụ N4 để lại (sau khi trừ diện tích đất trừ tiêu chuẩn đất nông nghiệp ngoài đồng của ông Đ ).
Theo kết quả thẩm định, đất tranh chấp có tổng diện tích 737m2. Kết quả xác minh tại địa phương thể hiện có sự chênh lệch về diện tích đất qua các thời kỳ là do sai số đo đạc, gia đình cụ L4 sử dụng đất ổn định, không lấn chiếm đất của ai nên Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào diện tích đo thẩm định để phân chia thừa kế cho các đương sự. Theo đó, tại thửa đất này, diện tích đất trừ tiêu chuẩn đất nông nghiệp ngoài đồng của ông Đ, cụ L4, cụ N4 được xác định = (737m2 - 300m2) : 3= 145,6m2 (đã được làm tròn số). Nên di sản quyền sử dụng đất mà cụ L4, cụ N4 để lại tại thửa 572, 573 = 737m2 - 145,6m2= 591,4m2. Do thửa 572 nguồn gốc 299 là ao, hiện trạng cũng là ao nên được xác định theo giá đất ao mà Hội đồng định giá đã định giá = 75.000đ/1m2. Chia đều đất ao cho cụ L4, cụ N4, ông Đ thì diện tích đất ao của vợ chồng cụ L4 để lại = 185,3m2 (đã làm tròn số), và diện tích đất ao nằm trong diện tích trừ đất nông nghiệp ngoài đồng của ông Đ = 92,7m2 (đã làm tròn số). Diện tích đất còn lại vì thời kỳ 299 xác định là đất thổ cư nên theo Điều 103 của Luật đất đai năm 2013, Hội đồng xét xử xác định là đất ở và tính theo giá mà Hội đồng định giá đã xác định là 1.000.000đ/1m2. Vì vậy, trị giá di sản quyền sử dụng đất mà cụ L4, cụ N4 để lại = 419.997.500đ (trong đó đất ao là 185,3m2 trị giá 13.897.500đ và đất ở là 406,1m2 trị giá 406.100.000đ ).
* Đối với tài sản trên đất:
- Đối với nhà cấp bốn: Căn cứ theo dòng chữ khắc trên mái nhà cấp bốn và căn cứ vào lời khai của các đương sự, người làm chứng là ông Nguyễn Viết K2, ông Hoàng Văn Đ2, có đủ căn cứ xác định nhà cấp bốn được xây từ năm 2002 khi hai cụ còn sống. Sau khi xây xong hai cụ tiếp tục sống tại ngôi nhà này. Ông Đ xác định nhà cấp bốn do vợ chồng ông xây nhưng ngoài lời khai của mình, vợ chồng ông Đ không có tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh, trong khi phía nguyên đơn phủ nhận nội dung này. Mặt khác, bản thân ông Đ xác định hai cụ có nhiều tiền tiết kiệm; còn người làm chứng là ông Hoàng Văn Đ2 trình bày có nghe hai cụ nói chuyện nhà cấp bốn là do hai cụ xây. Vì vậy có căn cứ để xác định nhà cấp bốn trị giá 69.094.000đ là di sản mà cụ L2, cụ N2 để lại.
- Đối với nhà mái bằng và các công trình phụ khác cũng như toàn bộ cây cối trên đất tranh chấp, các đương sự đều thống nhất xác định là của vợ chồng ông Đ, nên các đương sự có nghĩa vụ trả giá trị tài sản trên đất cho ông Đ, bà T2 nếu được hưởng phần đất mà có những tài sản của vợ chồng ông Đ.
[5] Về phân chia thừa kế 5.1. Về công sức trông nom, chăm sóc hai cụ; công sức trông nom, quản lý di sản và tôn tạo vượt lập đất.
Bà L, bà H1, ông Đ1, bà T1, bà S1, bà H2, ông L1 không yêu cầu ai phải trả công sức gì trong vụ án này. Xét đây là ý chí tự nguyện của đương sự, được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Đ vì cho rằng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tranh chấp là của vợ chồng mình nên không yêu cầu gì về công sức. Tuy nhiên, như đã nhận định ở trên, có đủ căn cứ xác định nhà cấp bốn và quyền sử dụng đất tranh chấp (sau khi trừ đi diện tích đất trừ tiêu chuẩn đất nông nghiệp ngoài đồng của ông Đ) là di sản mà cụ L4, cụ N4 để lại. Vì vậy để giải quyết vụ án một cách toàn diện, khách quan, cần xem xét công sức cho vợ chồng con cái ông Đ theo quy định pháp luật. Cụ thể như sau:
+ Đối với công sức trông nom, chăm sóc cụ L4, cụ N4 khi già yếu: Các đương sự đều thống nhất xác định, hai cụ chủ yếu ở với vợ chồng ông Đ. Xét thấy tuy vợ chồng ông Đ không phải bỏ tiền nuôi các cụ, nhưng do hai cụ sống cùng đất với vợ chồng ông Đ nên vợ chồng con cái ông Đ ít nhiều sẽ có công chăm sóc, phục vụ hai cụ khi già yếu. Vì vậy cần xem xét hợp lý về công sức này cho ông Đ và bà T2, anh T3, anh Tuấn A.
+ Đối với công sức trông nom quản lý di sản và công sức tôn tạo vượt lập đất: Khi hai cụ còn sống, các con khác của cụ N4, cụ L4 đều lập gia đình và ra ở riêng từ lâu, chỉ duy nhất có ông Đ vẫn ở đất này từ bé, đến khi lập gia đình vợ chồng ông Đ tiếp tục chung sống cùng cụ L4, cụ N4 trên đất này và cùng các cụ quản lý nhà đất. Sau khi cả hai cụ chết, vợ chồng ông Đ cùng các con ông Đ là anh T3, anh Tuấn A (tính từ khi anh T3, anh Tuấn A thành niên) tiếp tục quản lý, trông coi di sản của hai cụ. Vì vậy, cần xem xét cho ông Đ, bà T2, anh T3, anh Tuấn A công sức này một cách thỏa đáng.
Ông Đ cho rằng vợ chồng ông đã tôn tạo vượt lập đất. Xét thấy, thực trạng hiện nay nền nhà mái bằng của vợ chồng ông Đ cao hơn nhiều so với đường và sân, mặt khác người làm chứng là ông Nguyễn Viết K2 là hàng xóm của gia đình ông Đ xác định có nhìn thấy vợ chồng ông Đ chở đất tôn cao vườn để trồng cây. Ông Đ tuy không xác định được cụ thể m3 đất đã san lấp, nhưng Hội đồng xét xử thấy cần xem xét hợp lý cho vợ chồng ông Đ công sức tôn tạo vượt lập đất.
Anh T3, anh Tuấn A đều ủy quyền cho ông Đ quyết định mọi vấn đề liên quan tới quyền lợi của các anh. Tại phiên tòa, ông Đ đề nghị mọi công sức của anh T3 và anh Tuấn A tính hết vào công sức của vợ chồng ông. Xét đây là ý chí tự nguyện của đương sự, được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Căn cứ vào việc đánh giá công sức như đã nêu trên, căn cứ vào giá trị thực tế của di sản, HĐXX quyết định áng trích từ di sản thừa kế của cụ L4, cụ N4 giá trị 02 suất thừa kế nếu chia theo pháp luật để thanh toán công sức cho ông Đ và bà T2 (ông Đ, bà T2 mỗi người được tính công sức= giá trị 01 suất thừa kế).
[5.2] Chia di sản của cụ L4, cụ N4:
Tổng di sản mà cụ N4, cụ L4 để lại trị giá là 489.091.500đ. Sau khi áng trích trả công sức chung cho vợ chồng ông Đ và bà T2 trị giá là 139.740.428đ, di sản của cụ L4, cụ N4 còn lại để chia= 349.351.072đ, nên bà L, bà H1, ông Đ1, bà T1, bà S1, bà H2, ông Đ mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế trị giá= 49.907.296đ.
Ông Đ1 tự nguyện cho bà L, bà H1, bà T1, bà S1, bà H2 phần di sản mà ông được nhận trong vụ án này; ngoài ra bà L, bà H1, bà T1, bà S1, bà H2 đều xin lấy hiện vật là quyền sử dụng đất và đề nghị chia chung cho các bà một mảnh đất mà không tách bạch ranh giới. Xét đây là ý chí tự nguyện của các đương sự, không trái đạo đức, không vi phạm pháp luật, cần được chấp nhận.
Căn cứ vào vị trí, hình thể thửa đất tranh chấp, Tòa án thấy có thể giao hiện vật là quyền sử dụng đất cho các bên đương sự và ưu tiên giao cho ông Đ phần đất trên có nhà mái bằng cùng công trình phụ khép kín của vợ chồng ông Đ để đảm bảo sự ổn định cuộc sống của đương sự. Đương sự nào được nhận giá trị đất nhiều hơn giá trị di sản mà mình được hưởng thì có trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch tài sản cho đương sự khác. Ông Đ tự nguyện nhập toàn bộ tài sản được chia trong vụ án này vào tài sản chung vợ chồng, được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Về sử dụng tên gọi thửa đất trong quyết định của bản án: Theo bản đồ đo đạc năm 1997 thì thửa đất 572, tờ bản đồ số 13 (theo tài liệu 299) được đổi tên thành thửa 231, tờ bản đồ số 23; còn thửa 573 tờ bản đồ số 13 (theo tài liệu 299) được đổi tên thành thửa 239, tờ bản đồ số 23. Theo cung cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản đồ 1997 là một trong những căn cứ pháp lý để cấp GCNQSD đất cho công dân. Để thuận lợi cho các đương sự làm thủ tục cấp GCNQSD đất khi bản án có hiệu lực, trong phần quyết định của bản án này sẽ ghi tên thửa đất tranh chấp theo tài liệu đo đạc năm 1997 là thửa 231 và 239, tờ bản đồ số 23.
[6] Về chi phí thẩm định, định giá tài sản:
Bà L là người yêu cầu thẩm định, định giá và đã tạm ứng nộp đủ chi phí này. Tuy nhiên bà L tự nguyện chịu cả chi phí thẩm định, định giá, không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết về chi phí này. Xét đây là ý chí tự nguyện của nguyên đơn, được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[7] Về án phí: Bà H1, bà T1, ông Đ1 tính đến thời điểm thụ lý, xét xử vụ án đều trên 60 tuổi nên là người cao tuổi theo quy định pháp luật và thuộc trường hợp được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Bà L, ông Đ, bà S1, bà H2 phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng Điều 609, 611, 612, 623, 649, 650, 651, 660, khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015. Khoản 5 Điều 26, Điều 35; Điều 147 , Điều 227, 229, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 103 Luật đất đai năm 2013; Luật phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị L.
1. Xác định diện tích 145,6m2 đất trừ tiêu chuẩn đất nông nghiệp ngoài đồng của ông Nguyễn Viết Đ trị giá 59.852.500đ (trong đó có 92,7m2 đất ao và 52,9m2 đất ở) tại thửa 231, 239, tờ bản đồ số 23 ở thôn Y, xã H, huyện Thanh Hà không thuộc di sản phân chia thừa kế.
2. Áng trích công sức cho vợ chồng ông Nguyễn Viết Đ và bà Nguyễn Thị T2 trị giá 02 suất thừa kế của cụ L4 và cụ N4 = 139.740.428đ.
3. Xác nhận di sản của cụ L4, cụ N4 còn lại để phân chia trị giá 349.351.072đ. Bà L, bà H1, ông Đ1, bà T1, bà S1, bà H2, ông Đ mỗi người được hưởng kỷ phần thừa kế trị giá= 49.907.296đ.
4. Chấp nhận sự tự nguyện của ông Nguyễn Tiến Đ2 cho bà T2, bà L, bà H2, bà S1, bà H1 toàn bộ phần di sản mà mình được hưởng. Chấp nhận sự tự nguyện của ông Đ nhập toàn bộ tài sản mà ông được chia trong vụ án này vào khối tài sản chung của vợ chồng.
5. Phân chia hiện vật:
* Giao cho bà Nguyễn Thị T1, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị H2, bà Nguyễn Thị S1, bà Nguyễn Thị H1 quyền sử dụng 108m2 đất ở theo hình F’GHIJJ’(kích thước các cạnh, tứ cận thửa đất có sơ đồ chi tiết kèm theo) trị giá 108.000.000 đồng tại thửa 239, tờ bản đồ số 23 ở thôn Y, xã H, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Bà L, bà H1, bà T1, bà S1, bà H2 được sở hữu cây cối, công trình trên đất được giao gồm:
+ 01 nhà cấp bốn là di sản của cụ L4, cụ N4 để lại, trị giá 69.094.000đ.
+ Cây cối và công trình do vợ chồng ông Đ, bà T2 tạo dựng gồm: 02 cây nhãn có tổng trị giá= 2.900.000đ; 01 cây cau trị giá= 200.000đ; 01 lán xây ba banh trị giá = 3.483.000đ, 01 nhà tắm trị giá= 5.503.000đ, 01 giếng nước trị giá= 2.756.000đ, trạt bê tông xi măng trên phần đất được giao trị giá= 2.277.500đ; tường be trên phần đất được giao trị giá = 277.000đ. Tổng trị giá tài sản= 17.396.500đ.
Bà L, bà H1, bà T1, bà S1, bà H2 có trách nhiệm thanh toán chung giá trị tài sản trên đất cho vợ chồng ông Đ và bà T2 tổng= 17.396.500đ.
* Giao cho vợ chồng ông Nguyễn Viết Đ và bà Nguyễn Thị T2 629m2 đất theo hình :
FF’J’JKLMNOPQRS (kích thước các cạnh, tứ cận thửa đất có sơ đồ chi tiết kèm theo) trị giá 371.850.000đ tại thửa 231, 239, tờ bản đồ số 23 ở thôn Y, xã H, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương (trong đó đất ao là 278m2 trị giá 20.850.000đ và 351m2 đất ở trị giá là 351.000.000đ). Ông Đ, bà T2 được sở hữu toàn bộ công trình, cây cối trên phần đất được giao.
Ông Đ, bà T2 có trách nhiệm tháo dỡ, di dời cánh cửa tại cổng phụ và lán tôn làm đua sang phần đất giao cho bà L, bà H1, bà T1, bà S1, bà H2 để đảm báo giá trị sử dụng tài sản của các bên.
Ông Nguyễn Viết Đ phải thanh toán chênh lệch giá trị kỷ phần thừa kế cho bà Nguyễn Thị T1, bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị H2, bà Nguyễn Thị S1, bà Nguyễn Thị H1 nhận chung số tiền là 122.349.700đ (đã làm tròn số).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án khoản tiền trên mà người phải thi hành án chậm thi hành thì phải trả lãi suất đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm thi hành được xác định theo khoản 2 Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
6. Về án phí:
Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho bà Nguyễn Thị H1, bà Nguyễn Thị T1, ông Nguyễn Tiến Đ1.
Bà Nguyễn Thị L, bà Nguyễn Thị S1, bà Nguyễn Thị H2 mỗi người phải chịu 2.994.000đ án phí dân sự sơ thẩm. Ông Nguyễn Viết Đ phải chịu 6.488.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm. Bà L được đối trừ với số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 4.000.000đ theo biên lai thu số AA/2018/0001831 ngày 13/5/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thanh Hà, bà L đã thực hiện xong nghĩa vụ về án phí và được hoàn trả số tiền tạm ứng án phí còn thừa là 1.006.000đ.
7. Quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo nội dung có liên quan trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 của Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hánh án dân sự.
Bản án 06/2020/DS-ST ngày 07/09/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 06/2020/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Thanh Hà - Hải Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 07/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về