Bản án 06/2019/KDTM-ST ngày 30/08/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ, TỈNH QUẢNG TRỊ

BẢN ÁN 06/2019/KDTM-ST NGÀY 30/08/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 30 tháng 8 năm 2019, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 15/2019/TLST-KDTM ngày 29 tháng 3 năm 2019 về tranh chấp “Hợp đồng tín dụng” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 11/2019/QĐXXST-KDTM ngày 31 tháng 7 năm 2019; giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng thƣơng mại cổ phần N, địa chỉ: 89 Láng Hạ, quận Đ, thành phố HN. Người đại diện hợp pháp: Lê Đăng H, chức vụ: Cán bộ xử lý nợ, địa chỉ: 112 Phan Chu Trinh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng (Văn bản ủy quyền số 1512/2019/UQ-VPB ngày 06/3/2019); có mặt.

2. Bị đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn E; địa chỉ: Đường Tôn Thất Tùng, khu phố T, Phường H, thành phố ĐH, tỉnh Quảng Trị. Đại diện hợp pháp: Ông Trương Hữu C- Chức vụ: Giám đốc, vắng mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Ông Trương Hữu C; địa chỉ: Thôn M, xã G, huyện GL, tỉnh Quảng Trị; vng mặt.

+ Ông Trương Hữu Đ; địa chỉ: Khu phố T, Phường H, thành phố ĐH, tỉnh Quảng Trị; có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 07 tháng 3 năm 2019, quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn Ngân hàng thương mại cổ phần N (sau đây gọi tắt Ngân hàng) trình bày: Công ty trách nhiệm hữu hạn E (sau đây gọi tắt là B) ký kết với Ngân hàng Hợp đồng tín dụng số 200916-3078660-01-SME ngày 21/9/2016.

Kèm theo khế ước nhận nợ số 210916-3078660-01-SME ngày 21/9/2016 số tiền vay 190.000.000 đồng và khế ước nhận nợ số 260916-3078660-01-SME ngày 26/9/2016 số tiền vay 96.000.000 đồng; thời hạn vay 36 tháng; mục đích sử dụng tiền vay bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh nhôm kính; lãi suất cho vay 22,85%/năm, lãi suất này sẽ được điều chỉnh định kỳ 03 tháng/01 lần, ngày điều chỉnh đầu tiên của số tiền 190.000.000 đồng là ngày 21/12/2016, ngày điều chỉnh đầu tiên của số tiền 96.000.000 đồng là ngày 26/12/2016; trả nợ gốc theo định kỳ 01 tháng/lần vào ngày 10 hàng tháng, kỳ trả nợ gốc đầu tiên ngày 10/10/2016; lãi suất quá hạn bằng 150% trong hạn.

Bảo lãnh cho số tiền vay trên, ngày 21/9/2016 của ông Trương Hữu C ký Hợp đồng bảo lãnh số 200916-3078660-01-SME/HĐBL và ông Trương Hữu Đ (nhân viên B) ký Hợp đồng bảo lãnh số 200916-3078660-02-SME/HĐBL. Bên bảo lãnh đồng ý dùng toàn bộ tài sản của mình bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho bên được bảo lãnh trong việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ được hiểu bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, các khoản phí, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, chi phí xử lý tài sản thế chấp và tất cả các nghĩa vụ khác của bên được bảo lãnh đối với Ngân hàng phát sinh từ Hợp đồng tín dụng số 200916-3078660-01-SME ngày 21/9/2016 và các văn bản, hợp đồng tín dụng khác ký giữa bên được bảo lãnh và bên Ngân hàng bao gồm cả phụ lục, văn bản sửa đổi, bổ sung, các khế ước nhận nợ và các văn bản liên quan khác.

Quá trình thực hiện hợp đồng, B đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng theo quy định tại hợp đồng và các khế ước nhận nợ đã ký kết, nên toàn bộ khoản vay bị chuyển sang nợ quá hạn từ ngày 09/01/2018, tính đến ngày 30/8/2019 B còn nợ Ngân hàng gốc và lãi như sau: Món vay gốc 190.000.000 đồng đã trả được 79.050.000 đồng, còn nợ gốc 110.950.000 đồng, lãi 59.394.714 đồng. Món vay gốc 96.000.000 đồng đã trả 40.050.000 đồng, còn nợ gốc 55.950.000 đồng, lãi 29.934.214 đồng. Tổng gốc và lãi của hai món vay là 256.228.928 đồng, trong đó nợ gốc 166.900.000 đồng, nợ lãi 89.328.928 đồng. Ngân hàng xin rút yêu cầu đối với lãi phạt chậm trả (theo đơn khởi kiện) là 12.691.493 đồng. Nay, Ngân hàng yêu cầu Tòa án giải quyết buộc B có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng số tiền trên và lãi phát sinh từ ngày xét xử cho đến khi trả hết nợ.

Buộc ông Trương Hữu C và ông Trương Hữu Đ có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho B theo các hợp đồng bảo lãnh mà bên bảo lãnh đã ký với Ngân hàng. Trường hợp B không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thanh toán nợ, Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền tiến hành xác minh, kê biên, thu giữ, phát mãi tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của B và tài sản của ông Trương Hữu C, ông Trương Hữu Đ để thu hồi khoản nợ vay.

Quá trình Tòa án thụ lý, giải quyết đã tống đạt, niêm yết văn bản tố tụng hợp lệ cho bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Trương Hữu C nhưng Đ diện hợp pháp của bị đơn, ông C không có ý kiến bằng văn bản và không tham gia tố tụng.

Ý kiến của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trương Hữu Đ trong quá trình tham gia tố tụng và tại phiên tòa: Ông Trương Hữu Đ là thành viên B, ông Trương Hữu C là Giám đốc. Quá trình B hoạt động có vay tiền của Ngân hàng, khi ký hợp đồng tín dụng thì ông C đại diện Công ty ký, còn đối với Hợp đồng bảo lãnh do tin tưởng nhau nên ông Đ ký bảo lãnh, còn số tiền vay ông C xử lý vào việc gì ông Đ không biết. Nay Ngân hàng khởi kiện, ông Đ không có ý kiến gì.

Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Quá trình thụ lý và giải quyết vụ án, Thẩm phán đã thực hiện đảm bảo trình tự về thủ tục tố tụng theo quy định; tại phiên toà Hội đồng xét xử, thư ký thực hiện đúng trình tự; người tham gia tố tụng nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Trương Hữu Đ chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

Đi với việc giải quyết vụ án: Có căn cứ buộc Công ty TNHH E có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng TMCP N tiền gốc 166.900.000 đồng và lãi 89.328.928 đồng.

Buộc Công ty TNHH E tiếp tục trả tiền lãi đối với khoản nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận theo hợp đồng và từng Khế ước nhận nợ cho đến khi trả hết số nợ nêu trên.

Nghĩa vụ bảo lãnh: Trường hợp Công ty TNHH E không trả hoặc trả không đầy đủ số nợ nêu trên thì ông Trương Hữu C và ông Trương Hữu Đ phải thực hiện nghĩa vụ (bảo lãnh) liên đới trả nợ thay cho B đối với số tiền còn nợ cho Ngân hàng theo Hợp đồng tín dụng; khế ước nhận nợ và Hợp đồng bảo lãnh. Trường hợp Công ty và ông C và ông Đ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ nêu trên thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền tiến hành xác minh, kê biên, thu giữ, phát mãi tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông C và ông Đ để thu hồi khoản nợ vay theo thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng, kèm theo khế ước nhận nợ và các Hợp đồng bảo lãnh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án xét xử vắng mặt bị đơn và ông Trương Hữu C.

[2] Về nội dung:

* Xét yêu cầu số tiền gốc 166.900.000 đồng, thấy rằng Hợp đồng tín dụng số 200916-3078660-01-SME ngày 21/9/2016 đã được ký kết giữa ông Trương Hữu C, chức vụ Giám đốc là người Đ diện theo pháp luật của Công ty TNHH E với Ngân hàng, tổng số tiền vay 286.000.000 đồng. Trong đó, số tiền 190.000.000 đồng theo khế ước nhận nợ số 210916-3078660-01-SME ngày 21/9/2016, hàng tháng phải trả gốc 5.270.000 đồng, đã trả được 79.050.000 đồng; đối với số tiền 96.000.000 đồng theo khế ước nhận nợ số 260916-3078660-01-SME ngày 26/9/2016, hàng tháng phải trả gốc 2.670.000 đồng, đã trả được 40.050.000 đồng. Theo kế hoạch trả nợ, bị đơn đã trả được số tiền 119.100.000 đồng. Như vậy, số tiền gốc còn lại theo hợp đồng là 166.900.000 đồng B chưa thanh toán.

* Về tiền lãi: Mặc dù lãi suất ký kết giữa B và Ngân hàng 22,85%/năm là cao so với quy định của Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, tại Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng có quy định tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, do đó lãi suất được điều chỉnh bởi quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Đối với số tiền lãi phạt 12.691.493 đồng, Ngân hàng tự nguyện rút nên được chấp nhận.

Do vậy, yêu cầu của Ngân hàng buộc B trả nợ tiền gốc 166.900.000 đồng và lãi phát sinh 89.328.928 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.

* Xét yêu cầu của Ngân hàng buộc người bảo lãnh là ông Trương Hữu C và ông Trương Hữu Đ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp B không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì thấy: Hợp đồng bảo lãnh số 200916-3078660-01- SME/HĐBL giữa Ngân hàng với ông Trương Hữu C và Hợp đồng bảo lãnh số 200916-3078660-02-SME/HĐBL giữa Ngân hàng và ông Trương Hữu Đ được ký kết gồm: Bên bảo lãnh là ông Trương Hữu C, ông Trương Hữu Đ; bên được bảo lãnh là B và bên nhận bảo lãnh là Ngân hàng. Bên bảo lãnh đồng ý bằng toàn bộ tài sản của mình bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho bên được bảo lãnh trong việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của bên bảo lãnh đối với bên Ngân hàng phát sinh từ Hợp đồng tín dụng số 200916-3078660-01-SME ngày 21/9/2016 và cùng liên đới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Xét Hợp đồng bảo lãnh thể hiện ý chí của ông Trương Hữu C, ông Trương Hữu Đ hoàn toàn tự nguyện, hình thức và nội dung của hợp đồng đúng quy định của pháp luật. Do đó, yêu cầu của Ngân hàng là phù hợp quy định tại Điều 361, 365 và Điều 369 Bộ luật dân sự năm 2005.

Về án phí: Yêu cầu và phần rút yêu cầu của Ngân hàng được chấp nhận nên không phải chịu án phí. B phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trên số tiền 256.228.928 đồng là 12.811.000 đồng (256.228.928 x 5%) theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng; Điều 471, Điều 474; Điều 361, 365 và Điều 369 Bộ luật dân sự năm 2005; điểm a khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015; điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, xử:

* Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng thương mại cổ phần N, buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn E có nghĩa vụ trả số tiền 256.228.928 đồng cho Ngân hàng thương mại cổ phần N, trong đó tiền gốc 166.900.000 đồng và lãi 89.328.928 đồng theo Hợp đồng tín dụng số 200916-3078660-01-SME ngày 21/9/2016 (Kèm theo khế ước nhận nợ số 210916-3078660-01-SME ngày 21/9/2016 và khế ước nhận nợ số 260916-3078660-01-SME ngày 26/9/2016).

Kể từ ngày 31/8/2019, Công ty trách nhiệm hữu hạn E phải tiếp tục trả lãi đối với khoản nợ gốc theo lãi suất đã thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ cho đến khi trả hết nợ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì bên được thi hành án dân sự, bên phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

* Về nghĩa vụ bảo lãnh:

- Trường hợp Công ty TNHH E không trả hoặc trả không đầy đủ số nợ nêu trên thì ông Trương Hữu C và ông Trương Hữu Đ phải thực hiện nghĩa vụ (bảo lãnh) liên đới trả nợ thay cho Công ty TNHH E đối với số tiền còn nợ cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng theo Hợp đồng tín dụng số 200916-3078660- 01-SME ngày 21/9/2016 (Kèm theo khế ước nhận nợ số 210916-3078660-01-SME ngày 21/9/2016 và khế ước nhận nợ số 260916-3078660-01-SME ngày 26/9/2016) và Hợp đồng bảo lãnh số 200916-3078660-01-SME/HĐBL; Hợp đồng bảo lãnh số 200916-3078660-02-SME/HĐBL.

- Trường hợp Công ty TNHH E và ông Trương Hữu C và ông Trương Hữu Đ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ nêu trên thì Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền tiến hành xác minh, kê biên, thu giữ, phát mãi tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của ông Trương Hữu C và ông Trương Hữu Đ để thu hồi khoản nợ vay theo thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng số 200916-3078660-01-SME ngày 21/9/2016 (Kèm theo khế ước nhận nợ số 210916-3078660-01-SME ngày 21/9/2016 và khế ước nhận nợ số 260916-3078660-01-SME ngày 26/9/2016) và Hợp đồng bảo lãnh số 200916-3078660-01-SME/HĐBL và Hợp đồng bảo lãnh số 200916-3078660-02-SME/HĐBL.

2. Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

+ Buộc Công ty TNHH E phải chịu 12.811.000 đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm.

+ Ngân hàng TMCP N không phải chịu án phí, hoàn trả lại cho Ngân hàng TMCP N 6.001.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0009654 ngày 26/3/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kể từ ngày bản án được giao hoặc được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

360
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2019/KDTM-ST ngày 30/08/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:06/2019/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Đông Hà - Quảng Trị
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 30/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về