Bản án 06/2019/HS-ST ngày 28/02/2019 về tội hủy hoại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TAM ĐƯỜNG, TỈNH LAI CHÂU

BẢN ÁN 06/2019/HS-ST NGÀY 28/02/2019 VỀ TỘI HỦY HOẠI TÀI SẢN

Ngày 28 tháng 02 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Lai Châu, Tòa án nhân dân huyện T xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 04/2019/HSST ngày 01 tháng 02 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2019/QĐXXST-HS ngày 15 tháng 02 năm 2019 đối với bị cáo:

Họ và tên: Tao Văn N; Tên gọi khác: Không; sinh năm 1963; tại T, Lai Châu;

Nơi ĐKNKTT: Bản P, xã B, huyện T, tỉnh Lai Châu; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Lự; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: Không biết chữ; Nghề nghiệp: Làm ruộng;

Con ông Tao Văn Đ, đã chết và con bà Lò Thị K, đã chết; Gia đình bị cáo có 04 anh chị em, bị cáo là con thứ ba trong gia đình; Bị cáo có vợ Lò Thị K, sinh năm 1964; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo được áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 19/11/2018, giao bị cáo cho UBND xã B, huyện T, tỉnh Lai Châu quản lý, theo dõi cho đến nay có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo: Ông Lê Văn H – Trợ giúp viên pháp lý – Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Lai Châu. Có mặt.

* Bị hại:

- Ông Lò Văn S, sinh năm 1960

- Ông Lò Văn K, sinh năm 1974

Đều trú tại: bản P1, xã B, huyện T, tỉnh Lai Châu. Đều có mặt.

* Người làm chứng:

- Ông Vàng Văn E, sinh năm 1954; địa chỉ: bản P, xã B, huyện T, tỉnh Lai Châu. Vắng mặt không có lý do.

- Ông Lò Văn X, sinh năm 1969; địa chỉ: bản P1, xã B, huyện T, tỉnh Lai Châu. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Về hành vi phạm tội của bị cáo:

Vào khoảng 11 giờ ngày 04/10/2018, trong lúc Tao Văn N một mình đang trông nom tại lán ruộng, nương của gia đình mình ở khu vực bãi chăn thả gia súc H thì nhìn thấy 07 con dê của gia đình ông Lò Văn S, sinh năm 1960 và ông Lò Văn K, sinh năm 1974 cùng trú tại bản P1, xã B, huyện T, tỉnh Lai Châu nuôi chung nhau tại khu vực bãi chăn thả gia súc H gần với lán ruộng, nương của gia đình nhà mình đang đi theo bờ ruộng lúa của gia đình mình trước cửa lán, cách vị trí của Tao Văn N khoảng 30 mét. Do bực tức đàn dê này nhiều lần vào phá ruộng, nương của gia đình mình nên Tao Văn N nảy sinh ý định giết hại 07 con dê và nhớ trong góc lán của gia đình mình vẫn còn phân đạm (Urê) mua về để bón mạ non từ khoảng tháng 7/2018 vẫn còn thừa. Vì trước đó Tao Văn N có biết dê và các loại gia súc như trâu, bò … ăn, uống phải phân đạm (Urê) sẽ chết nên Nen vào trong lán lấy túi nilon màu trắng đựng phân đạm (Urê) ra ngoài cửa lán, dùng tay phải bốc 03 (ba) nắm phân đạm (Urê) khoảng 100 gram cho vào chiếc xoong (nồi) đường kính 29cm, cao 11cm mà Tao Văn N và gia đình hàng ngày dùng để nấu thức ăn mang ra vòi nước trước cửa lán, lấy khoảng 1/3 xoong (nồi) nước rồi hòa tan phân đạm (Urê) với nước.

Hoà xong N để chiếc xoong (nồi) này ở sân cạnh lán và đi ra nơi đàn dê đang đứng, đuổi 07 con dê đi theo bờ ruộng về sân cạnh lán nơi N đặt xoong (nồi) nước pha phân đạm Urê. Khi đuổi 07 con dê lên chỗ có xoong nước hòa với đạm (Urê), Tao Văn N đi lên trước cửa lán ngồi quan sát thấy cả 07 con dê tập trung thay nhau uống hết sạch nước pha lẫn phân đạm (Urê) ở trong xoong (nồi) được khoảng 5 phút sau cả 07 con dê lăn ra sân, bụng căng chướng rồi chết. Do sợ bị phát hiện nên Nen đã lăn xác 04 con dê (gồm: 01 con dê cái màu lông vàng nặng 33 kg, 01 con dê cái màu lông đen nặng 21 kg của gia đình ông Lò Văn K; 01 con dê cái màu lông đen nặng 24 kg và 01 con dê cái màu lông đen nặng 26 kg của gia đình ông Lò Văn S xuống khe suối gần ao của gia đình mình đang làm dở cách sân lán 45 mét rồi dùng cuốc, xẻng đào hố, cho xác 04 con dê xuống sau đó tiếp tục đào đất ở trong lòng ao và tà ly dương cách vị trí hố chôn xác 04 con dê 12 mét rồi dùng quốc, xẻng xúc đất, đá lên xe rùa chở ra hố chôn xác 04 con dê lấp lại.

Chôn xác 04 con dê xong, Tao Văn N tiếp tục quay về lán của gia đình mình dùng 01 đoạn dây thừng bằng nhựa trắng dài 11,4 mét buộc lần lượt vào cổ 03 con dê còn lại (gồm: 01 con dê cái màu lông đỏ nặng 23 kg của gia đình ôngK; 01 con dê cái màu lông vàng nặng 27 kg và 01 con dê đực màu lông đen nặng11,5 kg của gia đình ông S) kéo lần lượt từng con một ra cách vị trí lán 120 méttập trung tại khu vực cầu tre ở đường mòn đi vào lán của gia đình mình, rồi lănxác cả 03 con dê xuống phía tà luy âm và dùng cuốc cào đất, đá từ tà luy dương xuống vùi lấp xác 03 con dê. Sau khi lấp xong Tao Văn N dùng cành cây phủ lên trên rồi đi về lán nhà mình mang số phân đạm (Urê) còn lại ra dấu vào trong bụi tre cách lán của gia đình đang ở 35 mét.

Đến khoảng 18 giờ, ngày 06/10/2018 ông Lò Văn S đi tìm dê qua đường mòn đi vào lán ruộng, nương của gia đình Tao Văn N thì gửi thấy mùi hôi thối bốc lên, ông S kiểm tra ban đầu phát hiện xác một con dê nên gọi điện cho ông Vàng Văn E, sinh năm 1954 và ông Lò Văn X, sinh năm 1969 cùng trú tại bản P, xã B, huyện T có lán ruộng gần đó đến cùng xem. Vì nghi ngờ Tao Văn N giết đàn dê của gia đình mình và gia đình ông K chôn xác đàn dê ở đây nên ông S và ông X có vào lán của gia đình N để hỏi, thì Tao Văn N thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và sau đó vụ việc được trình báo lên Cơ quan điều tra Công an huyện T. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường vào ngày 06 và 07 tháng 10/2018, Tao Văn N đã tự mình trực tiếp chỉ vị trí chôn lấp xác 07 con dê màmình đã đầu độc và chôn lấp nêu trên.

Tại bản kết luận giám định số 5678/C09 (P4) Viện khoa học hình sự Bộ công an kết luận: - 100g hạt tinh thể tròn màu trắng gửi so sánh là Urê.

- Trong các mẫu thức ăn trong dạ dày ghi thu của các con dê đã chết trong các mẫu ký hiệu M1, M2, M3, D1, D2, D3, D4 gửi giám định đều có tìm thấy Urê (phân đạm).

- Trong các mẫu gan ghi thu của các con dê đã chết trong các mẫu ký hiệuM1, M2, M3, D1, D2, D3, D4 gửi giám định đều không tìm thấy Urê (phân đạm).

- Khi gia súc (trâu, bò, dê …) ăn phải lượng lớn Urê có trong thức ăn hoặc nước uống khi vào dạ dày sẽ bị thủy phân tạo thành lượng lớn amoniac (NH3). 

Hàm lượng amoniac cao sẽ hấp thu vào máu dẫn tới ngộ độc làm tăng pH trongmáu. Sau 30 - 40 phút con vật có hiện tượng trướng hơi, sì bọt mép … gọi là trúng độc Urê, nặng sẽ chết sau 2 đến 3 giờ.

- Urê có liều độc gây chết qua đường tiêu hóa (LD 50) với gia súc (trâu, bò, dê …) là 600 - 1080 mg/kg thể trọng. Với liều độc này một con dê nặng 10 kg khi ăn phải từ 6 -10,8 gam Urê đã có thể gây chết.

Tại bản Kết luận định giá tài sản ngày 08/10/2018 của Hội đồng định giátài sản huyện T tỉnh Lai Châu kết luận: 07 con dê có tổng giá trị 16.665.000 đồng

(Mười sáu triệu sáu trăm sáu mươi lăm nghìn đồng).

Tại hiện trường Cơ quan điều tra và cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy mẫu ở gan và ít thức ăn trong dạ dày của 07 con dê nêu trên cùng 100g hạt tinh thể mầu trắng thu giữ tại bụi tre cạnh lán ruông, nương của gia đình Tao Văn Nvà được niêm phong, bảo quản đúng quy định làm mẫu vật gửi giám định.

Bản cáo trạng số 05/CT - VKS ngày 31/01/2019 của Viện kiểm sát nhândân huyện T đã truy tố Tao Văn N về tội “Hủy hoại tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 178 của Bộ luật hình sự.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hay khiếu nại về kết luận điều tra và bản cáo trạng nêu trên.

Tại phiên tòa, vị đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo về tội danh và đề nghị Hội đồng xét xử: áp dụng khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật hình sự đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Nentừ 18 đến 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Hủy hoại tài sản”. Áp dụng khoản 5Điều 178 Bộ luật hình sự miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền cho bị cáo và xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật. Miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo.

Tại phiên tòa người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xem xét điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo; bị cáo hiện đã già, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn và bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như thật thà khai báo, rất ăn năn hối cải về việc làm của mình, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả bồi thường cho gia đình bị hại; bị hại đều xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng mức hình phạt thấp nhất cho bị cáo.

Bị cáo Tao Văn N không có ý kiến tranh luận đối với quan điểm luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện T.

Tại lời nói sau cùng bị cáo N đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo vì bị cáo đã già, sức khỏe yếu.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện T, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện T, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, ngườitiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội:

Do bực tức nhiều lần bị đàn dê của gia đình ông Lò Văn S và gia đình nhà ông Lò Văn K nuôi chung nhau vào phá hoại ruộng, nương nhà mình. Nên vào khoảng 11 giờ, ngày 04 tháng 10 năm 2018, tại khu vực lán ruộng, nương nhà mình thuộc địa phận bản P, xã B , huyện T, tỉnh Lai Châu, bị cáo Tao Văn N đã có hành vi dùng phân đạm (Urê) pha với nước đầu độc chết 07 con dê, trong đó của gia đình ông Lò Văn K có 03 còn dê gồm: 01 con dê cái màu lông vàng nặng 33 kg, 01 con dê cái màu lông đen nặng 21 kg; 01 con dê cái màu lông đỏ nặng23 kg, tổng trọng lượng 03 con dê là 81 kg có tổng trị giá là 8.100.000 đồng

(Tám triệu một trăm nghìn đồng) và 04 con dê của gia đình ông Lò Văn S gồm:01 con dê cái màu lông vàng nặng 27 kg; 01 con dê đực màu lông đen nặng 11,5 kg; 01 con dê cái màu lông đen nặng 24 kg và 01 con dê cái màu lông đen nặng26 kg, tổng khối lượng 04 con dê là 84,5 kg và có tổng trị giá là 8.565.000 đồng

(Tám triệu năm trăm sáu mươi lăm nghìn đồng). 07 con dê có tổng khối lượng là165,5 kg và tổng trị giá là 16.665.000 đồng (Mười sáu triệu sáu trăm sáu mươi lăm nghìn đồng).

Bị cáo Tao Văn N là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thứcđược việc hủy hoại tài sản của người khác là vi phạm pháp luật. Hành vi đó là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất trật tự trị an trên địa bàn. Ý thức được điều đó nhưng chỉ vì bực tức bị cáo vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội với mục đích hủy hoại 07 con dê. Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định hành vi của bị cáo đã phạm vào tội "Hủy hoại tài sản"theo quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự.Điều 178 Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng ... thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 thàng đến 03 năm:

Vì vậy, quan điểm xử lý trách nhiệm hình sự của vị đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là hoàn toàn có cơ sở, đúng pháp luật.

 [3] Về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo:

Về nhân thân: Theo tài liệu có trong trích lục tiền án, tiền sự (BL 149) doCông an tỉnh Lai Châu cung cấp thì bị cáo Tao Văn N có 02 tiền án: Ngày11/5/1999 bị Công an huyện P, tỉnh Lai Châu bắt về hành vi "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của công dân" theo quy định tại điều 160 Bộ luật hình sự năm 1985; ngày 01/5/1997 Công an huyện P bắt về hành vi "Trộm cắp tài sản" theo Điều 155 Bộ luật hình sự 1985. Tuy nhiên, Công an huyện T đã xác minh nhưng không có tài liệu nào chứng minh bị cáo N đã bị xử lý về hành vi "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của công dân" theo quy định tại điều 160 Bộ luật hình sự năm 1985 và hành vi "Trộm cắp tài sản" theo Điều 155 Bộ luật hình sự 1985. Do vậy, khẳng định bị cáo chưa có tiền án, tiền sự.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo: Trong quá trìnhđiều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, thể hiện ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; bị cáo tự nguyện khắc phục bồi thường cho giađình các bị hại; bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo;những người bị hại đều xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo: Không có.

Trên cơ sở tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Xétthấy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, chỉ cần áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo và giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã giám sát, giáo dục cũng đủ răn đe, giáo dục bị cáo thành công dân có ích cho xã hội.

[4] Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 3 Điều 178 Bộ luật hình sự bị cáo có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền. Tuy nhiên, theo các tài liệu chứng cứ và lời khai của bị cáo tại phiên tòa đều cho thấy gia đình bị cáo thuộc hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định miễn hình phạt bổ sung là phạt tiền và miễn khấu trừ thu nhập cho bị cáo.

[5] Về vật chứng của vụ án: áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự; điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:

Một xe rùa bằng kim loại có tổng chiều dài: 1,30m, chiều cao 0,55m; phần giá đựng có có chiều dài 0,78m, chiều cao: 0,22m, phần rộng nhất: 0,53cm; hai tay cầm đường kính 3cm, phần đầu mỗi tay cầm bọc một miếng nhựa cứng màu đen; bánh xe đường kính 37cm. Xe cũ, đã qua sử dụng; Một chiếc cuốc có cán bằng gỗ dài 1,10m, đường kính 0,06m; lưỡi cuốc làm bằng kim loại dài 25cm, rộng 16cm. Cuốc cũ, đã qua sử dụng; Một đoạn dây thừng màu trắng dài 11,4m, đường kính 01cm, gồm bốn dây nhỏ xoắn vào nhau. Dây cũ, đã qua sử dụng; Một chiếc xẻng có cán xẻng bằng gỗ màu vàng chiều dài 1,19m; đường kính 3,5cm; lưỡi xẻng bằng kim loại màu đen, chiều dài 27cm, chiều rộng 23cm. Xẻng cũ, đã qua sử dụng; Một cái xoong (nồi) bằng kim loại, mặt ngoài màu đen, mặt trong màu trắng, có một quai cầm bị méo, đường kính 29cm, cao 11m. Xoong (nồi) cũ, đã qua sử dụng, bị bóp méo nhiều chỗ. Hội đồng xét xử xét thấy, đây là những vật chứng là phương tiện, công cụ bị cáo dùng vào việc phạm tội nên cần tịch thu, tiêu hủy.

[6] Về trách nhiệm dân sự:

Bị hại là anh Lò Văn S và anh Lò Văn K đã nhận đủ tiền bồi thường nên không đề nghị Tòa án giải quyết, do vậy Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

[7] Về án phí: Bị cáo thuộc hộ nghèo nên miễn án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Tao Văn N phạm tội “Hủy hoại tài sản”

2. Về hình phạt:

Áp dụng khoản 1 Điều 178; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 36 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo 24 (Hai mƣơi bốn) tháng cải tạo không giam giữ. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã B, huyện T, tỉnh Lai Châu giám sát, giáo dục. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày Ủy ban nhân dân xã B, huyện T, tỉnh Lai Châu nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.

3. Về vật chứng của vụ án:

Áp dụng điểm a khoản 1 điều 47 Bộ luật hình sự; điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.

Tịch thu, tiêu hủy: Một xe rùa bằng kim loại có tổng chiều dài: 1,30m, chiều cao 0,55m; phần giá đựng có có chiều dài 0,78m, chiều cao: 0,22m, phần rộng nhất: 0,53cm; hai tay cầm đường kính 3cm, phần đầu mỗi tay cầm bọc một miếng nhựa cứng màu đen; bánh xe đường kính 37cm. Xe cũ, đã qua sử dụng; Một chiếc cuốc có cán bằng gỗ dài 1,10m, đường kính 0,06m; lưỡi cuốc làm bằng kim loại dài 25cm, rộng 16cm. Cuốc cũ, đã qua sử dụng; Một đoạn dây thừng màu trắng dài 11,4m, đường kính 01cm, gồm bốn dây nhỏ xoắn vào nhau. Dây cũ, đã qua sử dụng; Một chiếc xẻng có cán xẻng bằng gỗ màu vàng chiều dài 1,19m; đường kính 3,5cm; lưỡi xẻng bằng kim loại màu đen, chiều dài 27cm, chiều rộng 23cm. Xẻng cũ, đã qua sử dụng; Một cái xoong (nồi) bằng kim loại, mặt ngoài màu đen, mặt trong màu trắng, có một quai cầm bị méo, đường kính 29cm, cao 11m. Xoong (nồi) cũ, đã qua sử dụng, bị bóp méo nhiều chỗ.

(Tình trạng vật chứng theo biên bản giao nhận vật chứng vào hồi 09 giờ 35 phút ngày 01/02/2019 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện T với Chi Cục thi hành án dân sự huyện T).

4. Về án phí: Áp dụng Điều 136; Điều 331, Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12- 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

Bị cáo, bị hại được quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp trên trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

674
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2019/HS-ST ngày 28/02/2019 về tội hủy hoại tài sản

Số hiệu:06/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tam Đường - Lai Châu
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/02/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về