Bản án 06/2019/HNGĐ-PT ngày 25/02/2019 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

BẢN ÁN 06/2019/HNGĐ-PT NGÀY 25/02/2019 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU LY HÔN

Trong các ngày 21, 25 tháng 02 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 56/2018/TLPT-HNGĐ ngày 10 tháng 12 năm 2018 về tranh chấp “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn”.

Do bản án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 95/2018/HNGĐ-ST ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Toà án nhân dân thị xã C, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 361/2018/QĐPT-HNGĐ ngày 11 tháng 12 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Đỗ Xuân T, sinh năm 1976 (có mặt);

Địa chỉ: tập thể H, N, tỉnh Khánh Hòa.

Tạm trú: đường L, khu phố C1, phường A, Quận M1, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị đơn: Chị Võ Thị Phương M, sinh năm 1986 (có mặt);

Địa chỉ: ấp Q, xã N1, thị xã C, tỉnh Tiền Giang.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn Đỗ Xuân T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm, Nguyên đơn anh Đỗ Xuân T trình bày:

Anh và chị M đã ly hôn theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 300/2013/QĐST-HNGĐ ngày 26/11/2013 của Tòa án nhân dân huyện C. Theo như quyết định anh đồng ý giao con chung là Đỗ Xuân T2, sinh ngày 05/8/2011 cho chị Võ Thị Phương M trực tiếp nuôi con. Do lúc đó con anh còn nhỏ, anh không cấp dưỡng. Nhưng thực tế anh vẫn cấp dưỡng nuôi con hàng tháng và mỗi tháng anh đều xuống thăm con. Nhưng kể từ lúc chị M được quyền trực tiếp nuôi con, chị M không chăm sóc tốt cho con, cháu T2 không được ăn uống đúng giờ, cháu T2 bệnh chị M cũng không đưa đến bác sĩ trị bệnh, khi chị M tức giận chuyện gì thường chửi và đánh cháu bằng dây nịt, móc áo, không kiểm soát được hành vi đó dễ dẫn đến việc ảnh hưởng tâm lý cũng như sự phát triển của trẻ. Khi cháu T2 đã 04 tuổi nhưng chị M vẫn không cho cháu đi học, dẫn đến cháu rất ít nói do không có cơ hội học tập với các bạn cùng trang lứa. Ngoài ra chị M không có việc, sống nhờ tiền chu cấp của cha mẹ, do đó không đảm bảo tương lai của cháu T2 cũng như đảm bảo cho bé phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần.

Vì vậy, ngày 01/10/2015 anh đã khởi kiện xin thay đổi người nuôi con sau ly hôn. Tòa án huyện C đã thụ lý giải quyết, lúc đó cháu T2 mới 04 tuổi, chị M có xin anh để trực tiếp được nuôi con và hứa sẽ chăm sóc cháu tốt hơn. Mặt khác, Tòa án cũng khuyên giải anh vì bé còn nhỏ nên để cháu sống với mẹ và cho chị M cơ hội sửa chữa nên năm 2016 tại phiên tòa anh đã rút đơn, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, gần 02 năm nay chị M cũng không có sự thay đổi trong cách nuôi dạy và chăm sóc con chung. Cháu không được dạy dỗ học hành đến nơi đến chốn, phải học lại năm lớp 1, có sự chậm hiểu biết và nhận thức so với các bạn cùng trang lứa. Anh có trao đổi thì chị M bảo là não con có vấn đề chứ không thừa nhận mình không làm tròn trách nhiệm nuôi dạy con. Hiện nay anh có công việc ổn định, mức lương trung bình hàng tháng trên 10.000.000đồng, ngoài ra anh có quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn nhà trên thửa đất 799, tờ bản đồ số 22, diện tích 90m2, tọa lạc đường L, khu phố C1, Quận M1, Thành phố Hồ Chí Minh. Anh hoàn toàn có đủ điều kiện nuôi con và dạy dỗ con chung một cách tốt nhất, đảm bảo cho cháu phát triển đầy đủ về thể chất tinh thần. Nay anh yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, giao cháu Đỗ Xuân T2, sinh ngày 05/8/2011 cho anh trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi cháu đủ tuổi trưởng thành. Anh không yêu cầu chị M cấp dưỡng nuôi con.

Bị đơn Võ Thị Phương M trình bày:

Anh Đỗ Xuân T khởi kiện giành quyền nuôi con là cháu Đỗ Xuân T2, sinh ngày 05/8/2011 với lý do là cháu T2 không được ăn uống đúng giờ, điều này là không có căn cứ vì bé T2 ăn vẫn đủ cử trong ngày, sáng, trưa, chiều, vì cử ăn của bé có chênh lệch trong khung giờ của bữa ăn như sáng từ 6 đến 7 giờ 15 phút; trưa từ 11 đến 12 giờ 30 phút; chiều từ 16 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút. Dù giờ giấc trên không lập lại thường xuyên nhưng vẫn nằm trong khung giờ trên. Khi con bệnh (thường thì bé rất khỏe mạnh chỉ thỉnh thoảng bị cảm sốt, ho chị vẫn đưa bé đi khám bệnh tại các bác sĩ tư). Việc anh T nói chị đánh bé bằng dây nịt, móc áo là khi bé không nghe lời, nghịch phá, ăn chậm, nên chị chỉ dùng để đánh lên bàn hăm dọa, chứ không bao giờ chị đánh trực tiếp lên người bé. Làm mẹ đơn thân nuôi con nhiều điều phải lo lắng cho con, nên việc răn dạy con là điều không tránh khỏi và chị tin biện pháp dùng vật dụng hăm dọa bé hầu như người mẹ nào cũng đều phải sử dụng ít nhất vài lần trong đời bé. Việc đưa bé đến trường trễ theo đơn khởi kiện của anh T vào ngày 01/10/2015 là do bé ở xã, trường không có lớp cho trẻ 4 tuổi, vì khi ly hôn anh T không hỗ trợ phụ cấp nuôi con, một mình chị phải tìm lo công việc, phải chăm sóc con nhỏ nên chị không đủ điều kiện gửi cháu vào nhóm trẻ tư. Đến tháng 6/2016 chị mới cho bé đến trường mầm non 3/2 ở thị xã C thuộc trường chuẩn quốc gia, và có giấy chứng nhận ra trường lớp lá. Năm 2017 cháu vào lớp 1 học được 3 tháng thì nhà trường thông báo kết quả học tập của cháu chậm hơn so với các bé cùng lứa, chị đưa bé đến bệnh viện tâm thần tỉnh thăm khám và kết luận bé bị chứng rối loạn tăng động và chú ý. Bác sĩ kê toa cho bé uống thuốc và tái khám theo định kỳ. Như vậy việc chăm sóc sức khỏe của bé chị đã cố gắng bằng tất cả những gì chị có thể làm cho con mình. Do điều kiện hiện nay chị đủ khả năng nuôi con mặc dù kinh tế còn hơi khó khăn, và môi trường sống của cháu đã quen sống với chị nên chị không đồng ý giao con cho anh T chăm sóc.

Tại Bản án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 95/2018/HNGĐ-ST ngày 27/9/2018 của Tòa án nhân dân thị xã C, tỉnh Tiền Giang.

- Căn cứ các Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; khoản 3 Điều 28, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự;

Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử sụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của anh Đỗ Xuân T.

Về con chung: Giao cho chị Võ Thị Phương M tiếp tục nuôi dưỡng con chung tên Đỗ Xuân T2, sinh ngày 05/8/2011. Chị M không yêu cầu anh T cấp dưỡng nuôi con.

Người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom, chăm sóc con chung không ai được quyền ngăn cản.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 27/9/2018, anh Đỗ Xuân T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh, giao con cho anh trực tiếp nuôi dưỡng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con anh không bị xâm hại.

Tại phiên tòa, nguyên đơn Đỗ Xuân T giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo, bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang phát biểu ý kiến: Hội đồng xét xử tuân thủ đúng quy định pháp luật. Còn về yêu cầu kháng cáo của anh Đỗ Xuân T không có căn cứ bởi vì anh không cung cấp chứng cứ gì mới. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử xét thấy:

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Án sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 28, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thị xã C là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Xét nội dung kháng cáo của anh Đỗ Xuân T yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn thấy rằng:

Anh T và chị M có 01 con chung là Đỗ Xuân T2, sinh ngày 05/8/2011, sau khi anh và chị ly hôn thì chị M là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu T2 từ năm 2013. Anh kháng cáo yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn với lý do: chị M không làm tròn nghĩa vụ chăm sóc nuôi dạy con, khi nóng giận vô cớ đánh đập cháu T2 bằng mọi thứ có trong tay để đánh cháu mà không quan tâm hậu quả như thế nào. Chị M chưa có nghề nghiệp và thu nhập ổn định và phải nhờ trợ cấp từ cha mẹ, không có thời gian chăm sóc, dạy dỗ đưa đón cháu T2 đi học. Vì không gần gũi dạy dỗ nên cháu có dấu hiệu chậm phát triển. Anh có đủ thời gian và vật chất để chăm sóc tốt cho cháu. Anh có việc làm có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng và có chỗ ở ổn định, đủ lo cho cháu phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Chị M tìm mọi cách ngăn cản không cho cháu gặp anh khi anh xuống thăm, chị M chặn số điện thoại không cho anh liên lạc với chị M và các chị của chị M để hỏi thăm tình hình sức khỏe của cháu. Khi anh đến trường đón cháu thì chị M ngăn cản, không cho anh tiếp xúc với cháu, la mắng cháu làm cháu sợ. Khi ly hôn để cháu T2 cho chị M nuôi thì sau đó cháu mới có dấu hiệu của bệnh tự kỷ mà lúc chung sống với anh chị thì cháu T2 không có.

Chị M cho rằng chị đã làm tròn nghĩa vụ chăm sóc con, việc đánh đập cháu là không có, chị chỉ hăm dọa để răn dạy cháu. Chị M có cung cấp xác nhận lương 6,5 triệu đồng/tháng của Công ty TNHH-MTV T1 ngày 16/8/2018 (BL38). Chị có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng cháu. Tuy có khó khăn về kinh tế. Chị vẫn cho cháu uống thuốc và tái khám theo định kỳ. Việc ngăn cản anh T thăm nom chăm sóc con chung là không có, chị sẽ tạo điều kiện cho anh thăm nom chăm sóc con chung.

Mặt khác, cháu T2 đã sống ổn định với chị M từ nhỏ, cháu đang đi học lớp một tại Trường tiểu học Phan Văn K. Để ổn định tâm lý và điều kiện học tập, chữa bệnh cho cháu T2, chị M xin tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc.

Tại phiên tòa anh T trình bày: trong thời gian chị M nuôi cháu không tốt như: ăn uống không đúng giờ, cháu bệnh chị M không đưa đến bác sĩ trị bệnh kịp thời, khi tức giận thường chửi đánh cháu bằng dây nịt, móc áo (đụng thứ gì đánh thứ đó), làm cho cháu hoảng sợ dẫn đến cháu ít n ói (dạy con không đúng cách). Nên ngày 01/10/2015 anh T khởi kiện xin thay đổi việc nuôi con, chị M biết lỗi và xin anh để chị tiếp tục nuôi cháu và hứa sẽ không đánh cháu bừa bãi, chị hứa dạy cháu và chăm sóc cháu tốt hơn và Thẩm phán động viên anh cháu còn nhỏ nên để cho mẹ nuôi nên anh mới rút đơn kiện. Tuy nhiên, đến nay đã gần 03 năm nhưng chị M vẫn không thay đổi cách nuôi dạy và chăm sóc cháu.

Chị M để cháu học lớp một 02 năm, do cháu T2 hoảng sợ trong lúc chị la rầy nên não bộ cháu chậm phát triển so với các bạn cùng trang lứa.

Chị đủ khả năng nuôi cháu mặc dù kinh tế còn hơi khó khăn.

Riêng anh T có đất và nhà riêng tại Quận M1, Thành phố Hồ Chí Minh, có cơ sở may gia công tại nhà, thu nhập mỗi tháng trên 10 triệu đồng có điều kiện chăm sóc và đưa cháu đến bệnh viện để điều trị bệnh cho cháu và đưa đón cháu đi học. Do vậy, nay anh T xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn và không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con.

Trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm, anh T đưa cháu T2 đến Tòa án.

Tòa án tiến hành ghi lời khai cháu T2 thích ở với cha.

Nên yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn của anh T là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận. Ghi nhận việc anh T tự nguyện không yêu cầu chị M cấp dưỡng nuôi cháu T2.

Đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.

[3] Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo của anh Đỗ Xuân T được chấp nhận nên anh T không phải chịu 300.000 đồng tiền án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Căn cứ các Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; khoản 3 Điều 28, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự;

Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/ UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử sụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử: Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn Đỗ Xuân T, sửa bản án số 95/2018/HNGĐ-ST ngày 27/9/2018 của Tòa án nhân dân thị xã C 1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Đỗ Xuân T về việc tranh chấp thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn.

Buộc chị Võ Thị Phương M giao cháu Đỗ Xuân T2 sinh ngày 05/8/2011 cho anh Đỗ Xuân T khi án có hiệu lực pháp luật.

Chị M không phải cấp dưỡng nuôi cháu T2 và được quyền đi lại thăm nom, chăm sóc cháu T2, không ai được quyền ngăn cản.

2. Về án phí sơ thẩm: Anh Đỗ Xuân T chịu 300.000đồng án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm. Anh T đã nộp 300.000đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0001682, ngày 10/7/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã C, tỉnh Tiền Giang, khấu trừ xem như đã nộp xong án phí sơ thẩm.

3. Về án phí phúc thẩm: Anh Đỗ Xuân T không phải chịu 300.000đồng án phí phúc thẩm. Anh T đã nộp 300.000đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0001859, ngày 27/9/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã C, tỉnh Tiền Giang, nên được hoàn lại.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Án tuyên vào lúc 08 giờ 30 phút ngày 25/02/2019 có mặt đủ các đương sự (anh T và chị M).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

680
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 06/2019/HNGĐ-PT ngày 25/02/2019 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Số hiệu:06/2019/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tiền Giang
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 25/02/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về