Bản án 05/2019/HS-ST ngày 25/01/2019 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN GIA LÂM, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 05/2019/HS-ST NGÀY 25/01/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 25 tháng 01 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 168/2018/TLST-HS ngày 05 tháng 12 năm 2018, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 173/2019/QĐXXST-HS ngày 10/01/2019, đối với các bị cáo:

1. LAQ, sinh năm 1982; đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở: Ngõ x, đường Trần Quang Khải, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ văn hoá: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông B và bà T; có vợ là: H và có 02 con, lớn sinh năm 2007, nhỏ sinh năm 2011; tiền sự, tiền án: Không. Bị cáo tại ngoại. “Có mặt”.

Người bào chữa cho bị cáo: Ông H, Luật sư Văn phòng luật sư N thuộc Đoàn luật sư tỉnh Lạng Sơn.

2. NVT, sinh năm 1995; đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở: Thôn Hương Thân, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông B và bà L; tiền sự, tiền án: Không. Bị cáo tại ngoại. “Có mặt”.

Bị hại: Anh S, sinh năm 1976; nơi cư trú: Số x Dốc Lã, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội. “Có mặt”.

Người làm chứng:

1. Anh M, sinh năm 1994; nơi cư trú: Số x, phố Ao Sen, phường Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. “Vắng mặt”.

2. Chị V, sinh năm 1978; nơi cư trú: Thôn lý Nhân, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội. “Vắng mặt”.

3. Chị A, sinh năm 1999; nơi cư trú: xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. “Có mặt”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng 14 giờ ngày 01/1/2018 anh S và anh M, sinh năm 1994, trú tại: Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh đang ngồi ở quán nước ở khu công nghiệp Ninh Hiệp của chị V, sinh năm 1978 trú tại Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội thì có xe ô tô BKS 29 B - 03597 do LAQ là lái xe chở khách dừng xe gần quán nước của chị V. Sau đó Quang xuống xe để đi vệ sinh ở khu vực bờ mương gần đó cách quán nước khoảng 30 m. Thấy vậy, anh M ra nhắc nhở, giữa anh M và Quang xảy ra to tiếng cãi chửi nhau và đánh nhau bằng chân tay không, lúc này NVT đi từ xe ô tô BKS 29 B-03597 đi xuống chỗ Quang và Minh can ngăn, anh S thấy có xô xát cũng đi ra can ngăn thì giữa hai bên tiếp tục xảy ra xô xát đánh nhau bằng chân tay không. Trong lúc đánh nhau, Quang liền lấy 01 con dao (dạng dao bấm) dài 21 cm ở túi quần ra đâm trúng vùng hông bên phải anh S. Bị đâm anh S bỏ chạy về phía quán nước, Quang tiếp tục đuổi theo, anh S chạy gần đến quán nước thì ngã ra sân, trên tay Quang vẫn đang cầm con dao bấm liền dùng dao đâm một phát từ trên xuống dưới trúng bả vai bên phải anh S làm con dao vẫn cắm ở trên vai. Sau đó anh S vùng dậy chạy đến quán nước của chị V thì tiếp tục bị ngã làm con dao ở trên vai rơi xuống nền nhà. Cùng lúc này Tùng và Minh đuổi nhau và chạy về phía trước quán nước, lúc này Tùng đứng gần chỗ anh S liền cầm gạch đập từ trên xuống dưới, anh S giơ tay phải lên đỡ bị đập trúng vào tay. Sau đó Quang và Tùng chạy lên xe đi về, anh S được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108.

Vật chứng thu giữ: 01 dao kim loại (dạng dao bấm) màu đen; 01 viên bê tông cứng có kích thước (15x8x6) cm đa hình dạng; 01 viên gạch có bê tông có kích thước (8,5x8,5x9) cm đa hình dạng.

Tại Kết luận giám định thương tích số 173/TTPY ngày 12/3/2018 của Trung tâm Pháp y – Sở Y tế Hà Nội kết luận: Các sẹo vết thương phần mềm 7%; gãy đầu gần đốt 1 ngón III bàn tay phải 2 %; tràn dịch, tràn khí màng phổi phải số lượng ít 3%. Nhiều khả năng các thương tích do vật có cạnh sắc gây nên. Tỷ lệ tổn hại sức khỏe 12%.

Để làm rõ vết thương tại đốt 1 ngón III bàn tay phải của anh S do vật gì gây nên, Cơ quan CSĐT – Công an huyện Gia Lâm có công văn đề nghị Trung tâm Pháp y Hà Nội phân tích đối với thương tích nêu trên. Ngày 21/6/2018, Trung tâm pháp y – Sở y tế Hà Nội có công văn số 175 trả lời cụ thể về cơ chế hình thành thương tích đối với thương tích tại đốt 1 ngón III bàn tay phải: Căn cứ theo hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108 ghi nhận gãy kín nền đốt 1 ngón III bàn tay phải. Tại thời điểm khám giám định ngày 1/3/2018 không thấy có sẹo vết thương để lại tại đốt 1 ngón III bàn tay phải. Vậy thương tích này của anh S do vật tày gây nên. Cùng ngày 21/6/2018 Trung tâm Pháp y – Sở Y tế Hà Nội đính chính kết luận về cơ chế hình thành thương tích ghi tại bản Kết luận giám định thương tích số 173/TTPY ngày 12/3/3018 “Nhiều khả năng các thương tích do vật có cạnh sắc gây nên” đính chính lại thành “Nhiều khả năng các thương tích do vật tày, vật có cạnh sắc gây nên”.

Tại bản cáo trạng số 160/CT-VKS-GL ngày 30/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm truy tố các bị cáo LAQ và NVT về tội: “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tại phiên toà: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm giữ nguyên Quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt: Bị cáo LAQ từ 24 đến 28 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách từ 48 đến 56 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Xử phạt: Bị cáo NVT từ 24 đến 28 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách từ 48 đến 56 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự tịch thu tiêu hủy: 01 con dao, 01 viên bê tông cứng, 01 viên gạch có bê tông.

Về dân sự: Không phải giải quyết.

Ý kiến của người bị hại: Không yêu cầu bồi thường về dân sự, xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Ý kiến của các bị cáo: Các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội, các bị cáo đã ăn năn, hối cải và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Ý kiến của chị A: Chị có nhìn thấy anh LAQ dùng dao đâm anh S. Không nhìn thấy anh Nguyễn VănTùng dùng gạch đập anh S.

Ý kiến của Luật sư bào chữa cho bị cáo LAQ: Bị cáo LAQ chỉ gây thương tích cho anh S với tỷ lệ tổn thương là 10% còn 2% tổn thương là do người bị hại dùng dao chém xuống bàn gây nên ở bàn tay chứ không phải bị Nguyễn VănTùng dùng gạch đập vào tay anh S. Do đó, bị cáo chỉ phạm tội: “Cố gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự. Căn cứ đơn đề nghị của anh S xin miễn truy tố cho bị cáo LAQ nên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 134, khoản 1 Điều 282, Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự ra Quyết định đình chỉ vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Điều tra Công an huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, bị hại, Luật sư không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi của các bị cáo:

Tại phiên tòa bị cáo LAQ đã khai nhận dùng dao bấm đâm một nhát vào hông phải và một nhát vào bả vai phải anh S (tỷ lệ tổn thương là 10%). Bị cáo NVT thừa nhận hành vi dùng gạch đập trúng vào tay phải anh S (tỷ lệ tổn thương là 2%) lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai người bị hại, lời khai của người làm chứng (chị V và anh M), phù hợp với Kết luận giám định thương tích, vật chứng thu giữ được và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ. Do đó, Hội đồng xét sử có căn cứ kết luận: Khoảng 14 giờ ngày 01/1/2018, tại khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Thành phố Hà Nội, bị cáo LAQ và bị cáo NVT có hành vi dùng hung khí nguy hiểm (dao, gạch) gây thương tích cho anh S tổng tỷ lệ tổn hại sức khỏe 12% nên các bị cáo LAQ và NVT phạm tội “ Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự. Vì vậy, quan điểm của Luật sư cho rằng bị cáo LAQ chỉ gây thương tích cho anh S với tỷ lệ tổn thương là 10% còn 2% tổn thương ở bàn tay phải là do người bị hại tự gây nên chứ không phải là NVT dùng gạch đập vào tay anh S. Do đó, bị cáo LAQ chỉ phạm tội: “Cố gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự là không có căn cứ.

Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm sức khỏe của người khác, ảnh hưởng xấu an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, các bị cáo đều có vai trò thực hành, trong đó bị cáo LAQ thực hiện tích cực hơn bị cáo NVT nên phải chịu hình phạt cao hơn bị cáo T.

Về nhân thân: Các bị cáo chưa có tiền án, tiền sự.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, gây thiệt hại không lớn, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo được quy định tại điểm b, h, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự nên quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo quy định tại Điều 54 Bộ luật hình sự.

Xét các bị cáo lần đầu phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên không cần cách ly xã hội cũng có tác dụng giáo dục, cải tạo.

[3] Về dân sự: Các bị cáo bồi thường cho anh S số tiền 60.000.000 đồng (trong đó LAQ có 50.000.000 đồng; NVT có 10.000.000 đồng), anh S nhận số tiền trên không yêu cầu về dân sự nên không phải giải quyết.

[4] Về xử lý vật chứng: Đối với 01 con dao, 01 viên gạch có dính bê tông liên quan đến việc phạm tội, 01 viên bê tông cứng thu giữ ở hiện trường không còn giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.

[5] Về án phí: Các bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố các bị cáo LAQ và NVT phạm tội: “ Cố ý gây thương tích”.

Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, h, s khoản 1, 2 Điều 51; Điều 38; Điều 17; Điều 54; Điều 58; Điều 65 Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt: Bị cáo LAQ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 36 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo LAQ cho UBND phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Xử phạt: Bị cáo NVT 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 30 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo NVT cho UBND xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự; Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Tịch thu tiêu hủy 01dao kim loại (dạng dao bấm) màu đen, dài 21cm, lưỡi dao dài 9,5cm, bản rộng nhất 2cm, đầu lưỡi dao sắc nhọn có 03 lỗ tròn ở gần phần chuôi dao, chuôi dao dài 11,5cm, bản rộng nhất 3cm; 01 viên bê tông cứng có kích thước (15x8x6) cm đa hình dạng; 01 viên gạch có bê tông có kích thước (8,5x8,5x9) cm đa hình dạng.

Toàn bộ số vật chứng trên thể hiện tại Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản lập ngày 07/12/2018 giữa Công an huyện Gia Lâm và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gia Lâm.

Về án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

Về quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 331, Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Các bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

313
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 05/2019/HS-ST ngày 25/01/2019 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:05/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Gia Lâm - Hà Nội
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về