Bản án 04/2018/HNGĐ-ST ngày 11/05/2018 về tranh chấp thay đổi người nuôi con sau ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TUY ĐỨC, TỈNH ĐẮK NÔNG

BẢN ÁN 04/2018/HNGĐ-ST NGÀY 11/05/2018 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI NUÔI CON SAU LY HÔN

Ngày 11 tháng 05 năm 2018 tại Phòng xét xử của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 79/2017/TLST - DS ngày 07 tháng 7 năm 2017 về việc: “Tranh chấp về thay đổi người nuôi con sau ly hôn” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2018/QĐXXST – DS ngày 12 tháng 4 năm 2018 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Phạm Văn G, sinh năm 1972; địa chỉ: Thôn 5, xã ĐBS, huyện TĐ, tỉnh ĐN - Có mặt tại phiên tòa.

Bị đơn: Bà Đặng Thị N, sinh năm 1973; địa chỉ: Thôn 5, xã ĐBS, huyện TĐ, tỉnh ĐN - Có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện nộp ngày 07 tháng 7 năm 2017, lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn ông Phạm Văn G trình bày:

Vào ngày 29/9/2014 ông G và bà N được Tòa án nhân dân huyện TĐ giải quyết ly hôn bằng quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 39/2014/QĐST-HNGĐ ngày 29/4/2014. Theo quyết định ông G giao con chung là cháu Phạm Hồng M sinh ngày 29/7/2011 cho bà N là người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng đến đủ 18 tuổi, ông G phải cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng là 1.000.000 đồng cho đến khi cháu M đủ 18 tuổi. Sau khi có quyết định ly hôn ông G giao cháu M cho bà N nuôi dưỡng và đưa luôn tiền cấp dưỡng cháu M cho bà N 06 tháng với số tiền 6.000.000 đồng. Bà N nhận tiền và nuôi dưỡng cháu M được 04 tháng thì mang cháu M đến nhà ông Gg trả lại cho ông G và nói “con ông thì ông nuôi” sau đó bỏ đi đâu không rõ. Ông G nhận cháu minh về chăm sóc nuôi dưỡng cho đến ngày 08/06/2017 thì nhận được quyết định Thi hành án chủ động của Chi cục Thi hành án huyện TĐ yêu cầu ông G giao cháu M cho bà N chăm sóc nuôi dưỡng. Không đồng ý với quyết định Thi hành án ông G khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện TĐ giải quyết yêu cầu thay đổi người nuôi con sau ly hôn, giao cháu M lại cho ông G trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng đến đủ 18 tuổi. Ông G không yêu cầu bà N cấp dưỡng nuôi con chung. Ông Gg đưa ra chứng cứ là giấy xác nhận của thôn 5 ĐBS ngày 23/11/2015 về việc bà N không chăm sóc con và bỏ đi khỏi địa phương. Hợp đồng thế chấp tài sản vay ngân hàng Kiên Long chi nhánh Đắk Lak ngày 14/12/2017 để chứng minh điều kiện tài chính của mình.

Trong quá trình giải quyết vụ án bị đơn bà Đặng Thị N trình bày:

Bà N thừa nhận ông G trình bày đúng tuy nhiên bà N không đồng ý với việc ông G nói bà N mang cháu M đến nhà ông G trả lại cho ông G và nói “con ông thì ông nuôi” sau đó bỏ đi đâu không rõ. Bà N mang cháu M đến nhà ông G là để gửi ông G chăm sóc cháu M trong khi bà N đi làm để ổn định cuộc sống sau đó về đón cháu M thì ông G không cho đón, ông G ngăn cản việc bà N thăm nom chăm sóc và đón cháu M về chơi vào cuối mỗi tuần. Bà N cho rằng ông G chăm sóc cháu M không tốt vì ông G đã có gia đình có thêm con riêng của vợ và con chung của ông G, cháu M bị đánh đập, vệ sinh cá nhân không tốt. Bà N đưa ra chứng cứ là có 02 con chung của bà N là người làm chứng; đưa ra chứng cứ là giấy khám sức khỏe của bà N thể hiện sức khỏe bà N tốt, bà N có công việc làm cho thu nhập ổn định.

Tại phiên tòa ông G tranh luận ông G vẫn để bà N đi lại thăm nom chăm sóccháu M nhưng bà N không thăm  nom, chưa một lần thăm nom cháu M. Bà N cho người vào đón cháu M về vào mỗi cuối tuần ông G vẫn đồng ý cho đón tuy nhiên sau nhiều lần đón về bà N không trông nom cháu M để cháu dẫn đến khi trả cháu M về thì cháu bị ốm nhưng bà N không thăm nom ông M phải lo chữa trị cho nên có một số lần bà N cho người đón cháu M ông G thấy sức khỏe cháu M không tốt nên không cho đón vì cháu M có tiền sử viêm phổi từ khi mới sinh chứ ông G không hề ngăn cản. Việc bà N nói cháu M bị đánh đập, vệ sinh cá nhân không tốt là không đúng vì cháu minh ở với ông G từ khi bà N trả về vào đầu năm 2015 đến nay sức khỏe tốt đi học đầy đủ, nay cháu đã học lớp 01 có nhận thức cháu cũng nói cháu không bị ái đánh đập và cháu thích ở với bố. Ông G mặc dù có gia đình mới, có con chung, con riêng tổng cộng 03 con nhưng ông G có nhà ở, có điều kiện kinh tế vợ ông G chỉ ở nhà nội trợ và chăm sóc các con, con chung hiện đi học cả ngày tối về đã có ông G ở nhà ông G chưa hề thấy cháu M bị phân biệt đối xử. Ở nhà ông G các con được đối xử bình đẳng và tốt cả về vật chất lẫn tinh thần. Bà Nn chỉ nói theo ý chí chủ quan không có căn cứ, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng cháu M của bà N không tốt không ổn định vì phải đi làm thuê cả ngày và không có nhà ở ổn định.

Bà N tranh luận thừa nhận cháu M có tiền sử viêm phổi từ khi mới sinh nên dễ bị bệnh, bà N thừa nhận ông G có cho đón cháu M vào mỗi cuối tuần nhưng lúc cho đón lúc không và không nói lý do. Bà N cho rằng vợ ông G chăm sóc cả 03 con nhỏ sẽ không tốt bằng một mình bà N, bà N nghe dư luận nói cháu M bị đánh đập vệ sinh kém, bà N có sức khỏe đi làm thuê cho thu nhập ổn định. Bà N đang ở với con trai lớn và có các con phụ giúp.

Phần tranh luận cháu M trình bày không bị đánh đập, được cả gia đình thương yêu, cháu M có nguyện vọng ở với ông G.

Phần tranh luận những người làm chứng là anh Phạm Văn B và chị Phạm Thị O đều thừa nhận không nghe dư luận, không thấy cháu M bị đánh, thấy cháu M ở với ông G phát triển tốt.

Kết thúc tranh luận nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn không đồng ý với toàn bộ ý kiến của nguyên đơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức phát biểu quan điểm về trình tự thủ tục tố tụng và hướng xử lý vụ án: Thẩm phán chấp hành đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, thiết lập hồ sơ và thu thập chứng cứ đúng trình tự. Hội đồng xét xử đúng thành phần, xét xử đúng nguyên tắc. Căn cứ vào chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện giao con chung cho ông G là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc đến tuổi trưởng thành là có căn cứ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, sau khi nghe đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Đức phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng và thẩm quyền giải quyết: Căn cứ vào đơn khởi kiện Toà án đã triệu tập các đương sự trong vụ án lên, tống đạt các thủ tục tố tụng, công khai chứng cứ và hoà giải giữa các đương sự theo quy định. Đã hooaf giải nhưng không thành nên đưa vụ án ra xét xử. Nguyên đơn, bị đơn cùng địa chỉ tại Thôn 5, xã ĐBS, huyện TĐ, tỉnh ĐN. Vì vậy, tranh chấp này thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 - Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về quan hệ pháp luật và nội dung tranh chấp: Theo đơn khởi kiện ông G và bà N được Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức giải quyết ly hôn bằng quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 39/2014/QĐST- HNGĐ ngày 29/4/2014. Theo quyết định ông G giao con chung là cháu Phạm Hồng M cho bà N là người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng đến đủ 18 tuổi, ông G phải cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng là 1.000.000 đồng cho đến khi cháu M đủ 18 tuổi. Ông G đã giao cháu M cho bà N nuôi dưỡng và đưa luôn tiền cấp dưỡng cháu M 06 tháng cho bà N. Bà N nhận tiền và nuôi dưỡng cháu M được 04 tháng thì mang cháu M đến nhà ông G trả lại cho ông G và ông G nuôi dưỡng cho đến nay. Nay ông G khởi kiện yêu cầu giao cháu M cho ông G trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng đến đủ 18 tuôi không yêu cầu cấp dưỡng nên đây là quan hệ pháp luật là tranh chấp về thay đổi người nuôi con sau ly hôn quy định tại khoản 3 Điều 28 của Bộ luật tố tụng dân sự;

 [3] Về nội chung tranh chấp là quyền nuôi con chung sau ly hôn, ông G và bà N cùng thừa nhận việc ông G đã giao cháu M cho bà N chăm sóc nuôi dưỡng kể từ khi ly hôn theo quyết định của Tòa án. Ông G bà N cùng thừa nhận việc bà N nuôi cháu M được 4 tháng cho đến đầu năm 2015 bà N giao cháu M cho ông G chăm sóc. Ông G cho rằng bà N không nuôi dưỡng cháu M trả lại cho ông G, bà N cho rằng chỉ gửi cháu M cho ông G chăm sóc để đi làm thuê ổn định cuộc sông sau đó về đón cháu M thì ông G ngăn cản không cho đón, không cho thăm nom chăm sóc cháu M vào mỗi cuối tuần.Ông G thừa nhận không cho bà N đón cháu M về chăm sóc nuôi dưỡng vì bà N không phải thích thì nuôi không thích thì thôi và điều kiện nuôi con của bà N không tốt. Ông G thừa nhận có ngăn cản bà N đón cháu M một số lần vì sức khỏe cháu M không tốt. HĐXX nhận thấy quyền và nghĩa vụ thăm nom chăm sóc cháu M là đồng đều giữa ông G và bà N khi bà N bận việc cá nhân hoặc gặp khó khăn thì giao cháu M cho ông G chăm sóc nuôi dưỡng là đúng pháp luật phù hợp thuần phong mỹ tục dân tộc và đảm bảo quyền và lợi ích của con chung.

[4] Về điều kiện nuôi con chung: Ông G đã chăm sóc cháu M từ đầu năm 2015 đến nay Tòa án đã tiến hành xác minh thu thập chứng cứ tại thôn 5, hội phụ nữ thôn 5, xã ĐBS nơi cháu M sinh sống, tại trường tiểu học Lý Tự trọng thuộc thôn 6, xã ĐBS nơi cháu M đi học kết quả không có sự việc, không có dư luận cháu M bị đánh đập ngược đãi. Cháu M đi học đầy đủ có người đưa đón, so với trẻ cùng lớp cháu minh có biểu hiện suy dinh dưỡng thấp còi mức độ nhẹ lý do có tiền sử bệnh phổi từ khi mới sinh điều này ông G bà N cùng xác nhận. Về điều kiện kinh tế ông G giao nộp chứng cứ là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BU 341298 diện tích 14440 m2 trên đất có cây cà phê kinh doanh đã được Ngân hàng định giá trên 400.000.000 đồng và cho ông G thế chấp vay 400.000.000 đồng

. Tòa án đã lấy lời khai bà Vũ Thị L hiện là vợ ông G bà L thừa nhận chăm sóc yêu thương cháu M bình đẳng giữa các con. Việc chăm sóc nuôi dưỡng cháu M chủ yếu do ông G thực hiện hiện, bà L chỉ lo nội chợ và vệ sinh cá nhân còn đưa đón, đạy dỗ chủ yếu do ông Gg thực hiện. Bà L đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông G.

Điều kiện nuôi con chung của bà N trình bày có sức khỏe tốt, công việc làm thuê cho thu nhập ổn định đủ nuôi dưỡng cháu M và có các con phụ giúp bà N có chỗ ở ổn định hiện đang ở với con trai lớn đã có gia đình. Tòa án đã xác minh nơi làm việc của bà N công việc và thời gian làm việc là lao động tự do, làm thì có tiền công, không làm thì không và là lao động phổ thông không có hợp đồng lao động. Tòa án đã lấy lời khai anh B và chị O là con chung của ông G bà N hiện đã có gia đình riêng và đồng ý phụ giúp bà N chăm sóc cháu M.

HĐXX nhận thấy sự việc cháu M đang ở với ông G do ông G chăm sóc nuôi dưỡng hiện nay là tốt, không có sự đánh đập ngược đãi, cháu M phát triển bình thường tuy có chậm hơn trẻ cùng lứa nhưng do tiền sử bệnh viêm phổi từ lúc sinh nên hay bị bệnh phải sử dụng kháng sinh nhiều. Điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc cháu M của ông G đảm bảo hơn, ổn định hơn bà N vì thu nhập từ nương rẫy ổn định, ngoài ra ông G còn buôn bán kiếm thêm thu nhập, không bị phụ thuộc vào công việc. Điều kiện của bà N không đảm bảo bằng ông G vì thu nhập và công việc của bà N không ổn định.

Từ những phân tích trên HĐXX xét thấy cần chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông G, giao cháu M lại cho ông G trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng đến đủ 18 tuổi. Về cấp dưỡng nuôi con ông G không yêu cầu bà N cấp dưỡng nuôi con chung nên không đề cập giải quyết.

[4]Về án phí: Do yêu cầu của ông G được chấp nhận nên bà Đặng Thị N phải chịu toàn bộ án phí thay đổi người nuôi con sau ly hôn sơ thẩm theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; khoản 5 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Về quan hệ thay đổi người nuôi con sau ly hôn : Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn G.

2. Về con chung: giao con chung là cháu Phạm Hồng M sinh ngày29/7/2011 cho ông G là người trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng đến đủ 18 tuổi.

Người không trực tiếp nuôi con chung nhưng có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Vì lợi ích con chung, khi cần thiết các bên có quyền thay đổi việc nuôi con hoặc mức cấp dưỡng nuôi con sau này theo quy định tại Điều83, Điều 84 và Điều 116 của Luật hôn nhân và gia đình. Người không trực tiếp nuôi con chung mà lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung thì người trực tiếp nuôi con chung có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó theo quy định tại Điều 82 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

3. Về án phí: Bà Đặng Thị N phải chịu án phí thay đổi người nuôi con sauly hôn sơ thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) . Trả lại cho ông Phạm Văn G số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0004841 ngày 07 tháng 7 năm 2017 tại Chị cục thi hành án dân sự huyện TĐ, tỉnh ĐN.

5. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

411
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 04/2018/HNGĐ-ST ngày 11/05/2018 về tranh chấp thay đổi người nuôi con sau ly hôn

Số hiệu:04/2018/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tuy Đức - Đăk Nông
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 11/05/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về