TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THÁI THỤY, TỈNH THÁI BÌNH
BẢN ÁN 72/2017/HNGĐ-ST NGÀY 14/09/2017 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN
Ngày 14/9/2017, tại phòng xét xử Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy xét xử sơ thẩm, công khai vụ án thụ lý số 121/2017/TLST- HNGĐ ngày 16 tháng 5 năm 2017 về việc Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 60/2017/QĐST-HNGĐ ngày 16 tháng 8 năm 2017 giữa các đương sự:
1.Nguyên đơn: Anh Vũ Hoài D1, sinh năm 1979; Địa chỉ: Thị trấn D2, huyện T1, tỉnh Thái Bình. Có mặt.
2.Bị đơn: Chị Lưu Thị T2, sinh năm 1989; Địa chỉ: Thôn A, xã T3, huyện T1, tỉnh Thái Bình. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 18/4/2017 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là anh Vũ Hoài D1 trình bày: Trước đây, anh và bị đơn là chị Lưu Thị T2 tự nguyện đăng kết hôn, đã có một con chung là Vũ Hồng P, sinh ngày 22/5/2013. Năm 2015, do vợ chồng mâu thuẫn nên anh chị đã yêu cầu giải quyết ly hôn; khi đó con chung còn nhỏ nên anh chị đã thỏa thuận chị T2 trực tiếp nuôi dưỡng con chung; anh cấp dưỡng nuôi con 600.000đồng/1tháng. Hiện nay, chị T2 đã lấy chồng nên anh yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung. Anh có nguyện vọng trực tiếp nuôi dưỡng con chung, không yêu cầu chị T2 cấp dưỡng.
Trước đây, anh chưa có việc làm nên kinh tế khó khăn, vì thế, anh chưa cấp dưỡng nuôi con được.
Tại bản tự khai ngày 01/6/2017 và trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là chị Lưu Thị T2 trình bày giống nguyên đơn về việc anh chị đã giải quyết ly hôn, việc anh chị có một con chung; năm 2015 khi giải quyết ly hôn, anh chị đã thỏa thuận chị là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung, về việc hiện nay chị mới kết hôn. Chị không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung của anh D1 vì: Hiện nay, tuy chị đã kết hôn nhưng vợ chồng chị sống chung tại xã T3, huyện T1, tỉnh Thái Bình; việc chị đã kết hôn không ảnh hưởng đến việc chị nuôi dưỡng và chăm sóc con chung. Chị là cán bộ thuộc Liên đoàn Lao động huyện, có thu nhập ổn định, có thời gian chăm sóc con, có đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Mặt khác, dù đã thỏa thuận cấp dưỡng nuôi con nhưng từ khi ly hôn đến nay, anh D1 không cấp dưỡng; điều đó thể hiện anh D1 không quan tâm đến con. Vì vậy, chị có nguyện vọng vẫn được trực tiếp nuôi dưỡng con chung, yêu cầu anh D1 cấp dưỡng nuôi con 1.000.000đồng/1tháng.
Tại phiên họp kiểm tra tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, anh D1 yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con và có nguyện vọng được trực tiếp nuôi dưỡng con chung. Chị T2 vẫn có nguyện vọng trực tiếp nuôi con chung. Vì vậy hòa giải không thành, vụ án phải đưa ra xét xử.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Về yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung: Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận các đương sự số 107/2015/QĐST-HNGĐ ngày 21/9/2015; Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 169/2016/QĐST-HNGĐ ngày 28/12/2016, Tòa án nhân dân huyện T1, tỉnh Thái Bình đã công nhận thỏa thuận của các đương sự về nuôi con như sau: Chị T2 trực tiếp nuôi dưỡng con chung Vũ Hồng P, sinh ngày 22/5/2013; anh D1 cấp dưỡng nuôi con chung 600.000đồng/1tháng; thời gian cấp dưỡng từ tháng 10/2015 đến khi con chung thành niên. Anh D1 có quyền đi lại thăm nom, chăm sóc con; được đón con về trực tiếp chăm sóc từ chiều thứ năm đến chiều chủ nhật của tuần thứ nhất, thứ ba hàng tháng. Từ đó đến nay, chị T2 là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung, anh D1 chưa cấp dưỡng nuôi con chung. Nay anh D1 yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung vì lý do chị T2 đã kết hôn với người khác. Anh yêu cầu anh trực tiếp nuôi dưỡng con chung; anh không yêu cầu chị T2 cấp dưỡng nuôi con chung, vì anh có thu nhập ổn định từ 8.000.000đồng/1tháng đến 9.000.000đồng/1tháng. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung được giải quyết khi “… Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Từ khi ly hôn với anh D1 thì chị T2 là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung, vẫn ổn định, đáp ứng được việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Sau khi kết hôn với chồng khác, chị T2 vẫn có đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con và thực tế chị vẫn trực tiếp nuôi dưỡng con chung ổn định. Mặt khác, anh D1 tuy đã thỏa thuận anh cấp dưỡng nuôi con chung 600.000đồng/1tháng nhưng anh không thực hiện việc cấp dưỡng nuôi con chung, chứng tỏ anh D1 vừa thiếu trách nhiệm với con chung, vừa không có ý thức thực hiện những điều anh đã thỏa thuận. Vì vậy, không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung của anh D1 mà cần giao con chung cho chị T2 trực tiếp nuôi dưỡng.
[2]. Về cấp dưỡng nuôi con: Chị T2 yêu cầu anh D1 cấp dưỡng nuôi con chung 1.000.000đồng /1tháng; thời gian cấp dưỡng từ ngày 01/10/2017 đến khi con chung thành niên; anh D1 không đồng ý giao con cho chị T2, cũng không đồng ý về cấp dưỡng. Vì vậy, cần áp dụng Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình xử buộc anh D1 cấp dưỡng nuôi con chung 700.000đồng/1tháng; thời gian cấp dưỡng từ ngày 01 tháng 10 năm 2017 đến khi con chung thành niên.
[3]. Về án phí: Người phải cấp dưỡng là anh D1 phải chịu 300.000,đồng án phí cấp dưỡng nuôi con.
Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào: Điều 82; Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình.
Khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điểm a khoản 1 Điều 24; Điểm a khoản 6 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
1.Tuyên xử: -Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Vũ Hoài D1 về việc thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con chung sau khi ly hôn.
-Giao chị T2 trực tiếp nuôi dưỡng con chung là Vũ Hồng P, sinh ngày 22 tháng 5 năm 2013. Anh D1 cấp dưỡng nuôi con 700.000đồng/1tháng; thời gian cấp dưỡng từ ngày 01 tháng 10 năm 2017 đến khi con chung thành niên.
2. Về án phí: Anh D1 phải nộp toàn bộ 300.000,đồng án phí cấp dưỡng định kỳ; được trừ vào số tiền 300.000,đồng tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai số 0001024 ngày 16 tháng 5 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T3, tỉnh Thái Bình. Anh D1 đã nộp đủ án phí.
3.Về quyền yêu cầu, nghĩa vụ thi hành án và thời hiệu thi hành án:
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
4.Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Bản án 72/2017/HNGĐ-ST ngày 14/09/2017 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Số hiệu: | 72/2017/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Thái Thụy - Thái Bình |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 14/09/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về