Bản án 03/2020/DS-ST ngày 12/08/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MỸ LỘC, TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 03/2020/DS-ST NGÀY 12/08/2020 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN

Ngày 12 tháng 8 năm 2020 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 02/2020/TLST-DS ngày 10 tháng 02 năm 2020 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 03/2020/QĐXX-ST ngày 29 tháng 7 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị B, sinh năm 1957.

Đa chỉ: Thôn B, xã P, huyện L, tỉnh Nam Định.

2. Bị đơn: Ông Trần Trọng H, sinh năm 1949.

Đa chỉ: Số X, tổ Y đường M, phường V, thành phố Đ, tỉnh Nam Định.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Trần Thị L, sinh năm 1946;

Đa chỉ: Số Z, phường T, thành phố Đ, tỉnh Nam Định.

- Bà Trần Thị T, sinh năm 1961;

- Anh Trần Trọng D, sinh năm 1970;

- Anh Trần Trọng D1, sinh năm 1975;

- Bà Bùi Thị S, sinh năm 1947;

- Anh Trần Trọng D2, sinh năm 1971;

- Anh Trần Trọng S1, sinh năm 1979;

Đa chỉ: Thôn B, xã P, huyện L, tỉnh Nam Định.

- Chị Trần Thị S2, sinh năm 1979;

Đa chỉ: Xóm 3, xã T, huyện L, tỉnh Nam Định.

- Bà Trần Thị N, sinh năm 1949;

- Anh Trần Trọng H1, sinh năm 1976;

- Anh Trần Trung T, sinh năm 1980;

Đa chỉ: Tổ 4, phường M, thành phố Đ, tỉnh Nam Định.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Trần Thị T, sinh năm 1961;

Đa chỉ: Thôn B, xã P, huyện L, tỉnh Nam Định là người đại diện theo uỷ quyền của bà Trần Thị L (Văn bản uỷ quyền ngày 20/02/2020).

- Anh Trần Trọng D, sinh năm 1970;

Đa chỉ: Thôn B, xã P, huyện L, tỉnh Nam Định là người đại diện theo uỷ quyền của anh Trần Trọng D1 và chị Trần Thị S2 (Văn bản uỷ quyền ngày 19/4/2020).

- Anh Trần Trọng D2, sinh năm 1971;

Đa chỉ: Thôn B, xã P, huyện L, tỉnh Nam Định là người đại diện theo uỷ quyền của bà Bùi Thị S và anh Trần Trọng S1 (Văn bản uỷ quyền ngày 20/4/2020).

- Anh Trần Trung T, sinh năm 1980;

Đa chỉ: Tổ 4, phường M, thành phố Đ, tỉnh Nam Định là người đại diện theo uỷ quyền của bà Trần Thị N và anh Trần Trọng H1 (Văn bản uỷ quyền ngày 23/4/2020).

Tại phiên toà: Các đương sự có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo và trong quá trình tố tụng tại Toà án, nguyên đơn bà Trần Thị B trình bày:

Bà có bố là cụ Trần Trọng C chết năm 1977, mẹ là cụ Trần Thị C1 chết năm 2015 đều không để lại di chúc. Cụ C và cụ C1 có tất cả 7 người con, ngoài bà ra còn 6 anh chị em khác là các ông, bà: Trần Trọng D3 (chết năm 2000); Trần Thị L, sinh năm 1946; Trần Trọng C2 (chết năm 2014); Trần Trọng H2 (chết năm 2016); Trần Trọng H, sinh năm 1949 và Trần Thị T, sinh năm 1961. Trước đây bố mẹ bà tạo dựng và sinh sống cùng các con trên thửa đất số 229, tờ bản đồ số 7 tại thôn B, xã P. Sau này các anh chị em trong gia đình bà lần lượt trưởng thành lập gia đình riêng và tách ra mỗi người một nơi, bản thân bà không đi xây dựng gia đình nên vẫn ở cùng với bố mẹ.

Năm 2004 thửa đất này được Uỷ ban nhân dân huyện L cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên chủ hộ cụ Trần Thị C (tức C1) với tổng diện tích 1390m2 (trong đó 710m2 vườn; 440m2 ao; 240m2 đt ở). Năm 2007 cụ C1 được Uỷ ban nhân dân huyện L cho phép cắt chuyển nhượng 234m2 đất vườn cho hộ ông Trần Thanh T và thửa đất chỉ còn lại 1156m2. Khi cụ C1 qua đời, trong hộ gia đình cụ C1 chỉ còn mình bà vẫn tiếp tục sinh sống tại căn nhà cấp 4 cũ 3 gian trên thửa đất. Nay bà tuổi đã cao, sống độc thân nhưng anh bà là ông Trần Trọng H về đuổi không cho bà ở và đòi chiếm giữ toàn bộ nhà và đất của bố mẹ để lại. Vì vậy bà đề nghị Toà án giải quyết chia di sản của bố mẹ bà là căn nhà cấp 4 trên thửa đất số 229, tờ bản đồ số 7 xã P, huyện L, tỉnh Nam Định nêu trên cho bà được hưởng thừa kế theo pháp luật. Hiện các anh của bà là ông D3, ông C2, ông H2 đã chết. Ông D3 có vợ là Nguyễn Thị T1 (chết năm 2016), con ông D3 có 4 người là Trần Trọng D, sinh năm 1970; Trần Thị C3 (chết năm 2017); Trần Trọng D1, sinh năm 1975; Trần Thị S2, sinh năm 1979. Ông C2 có vợ là Trần Thị S, sinh năm 1947 và 2 người con là Trần Trọng D2, sinh năm 1971; Trần Trọng S1, sinh năm 1979. Ông H2 có vợ là Trần Thị N, sinh năm 1949 và 2 người con là Trần Trọng H1, sinh năm 1976; Trần Trung T, sinh năm 1980.

Tại lời khai bị đơn ông Trần Trọng H thống nhất về bố mẹ, anh chị em ruột cũng như di sản tranh chấp như nguyên đơn bà Trần Thị B trình bày. Việc bà B khởi kiện yêu cầu phân chia di sản của bố mẹ ông có quan điểm sẽ để nguyên căn nhà cấp 4 kèm theo 350m2 đt để làm nơi thờ tự. Đất còn lại bao nhiêu sẽ chia đều cho 7 anh chị em trong gia đình, mỗi người hưởng một phần.

Lời khai những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Trần Thị L, bà Trần Thị T, anh Trần Trọng D1, anh Trần Trọng D2, anh Trần Trung T cùng thống nhất về quan hệ huyết thống trong gia đình và di sản có tranh chấp như nguyên đơn và bị đơn trình bày. Bà L, bà T có quan điểm đề nghị Toà án chia di sản thừa kế theo pháp luật. Các anh D, D2, T cùng chung quan điểm để lại toàn bộ di sản làm nơi thờ tự chung, nếu không được thì sẽ chia hết cho các đồng thừa kế, phần của ai người đó sử dụng.

Tại phiên toà, các đương sự không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Bà B đề nghị Hội đồng xét xử chia thừa kế thửa đất theo pháp luật, ngôi nhà cũ không tính giá trị nhưng chia cho bà được hưởng phần đất có nhà để tiếp tục ổn định cuộc sống, bản thân bà trước đây có công phụng dưỡng cụ C1 và giữ gìn tôn tạo thửa đất. Ông H có quan điểm không cho bà B ở ngôi nhà vì không bảo quản sạch sẽ nơi thờ tự, việc bà B yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật ông cũng nhất trí và cũng đề nghị được hưởng phần đất có nhà để duy trì việc thờ cúng gia tiên. Bà T có quan điểm đề nghị Toà án chia thừa kế theo pháp luật và có xem xét đến phần công sức của bà B. Anh D, anh D2, anh T cùng chung quan điểm đề nghị Toà án chia cho hưởng phần đất liền với nhau để thuận lợi cho việc sử dụng chung về sau này.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định tham gia phiên toà phát biểu ý kiến: Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết, Toà án đã xác định đúng quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết vụ án; về người tham gia tố tụng, Toà án xác định đủ và đúng tư cách đương sự trong vụ án; quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà tuân thủ đúng trình tự thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự; các đương sự được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ, chấp hành đúng pháp luật; về đường lối giải quyết vụ án, có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, do đó đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị B về việc chia thừa kế di sản của cụ C và cụ C1 theo pháp luật và có xem xét đến phần công sức của bà B bằng 1/2 kỷ phần thừa kế.

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra xem xét và kết quả tranh tụng tại phiên toà, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên toà.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng:

Quan hệ pháp luật tranh chấp: Nguyên đơn bà Trần Thị Bé yêu cầu chia di sản của bố mẹ bà là căn nhà cấp 4 trên thửa đất số 229, tờ bản đồ số 7 xã P, huyện L, tỉnh Nam Định theo pháp luật nên được xác định đây là quan hệ về “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.

Thời hiệu khởi kiện: Di sản yêu cầu chia của người thừa kế là bất động sản, căn cứ Điều 611, 623 của Bộ luật dân sự thì yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nằm trong thời hiệu khởi kiện và được Toà án chấp nhận để xem xét giải quyết.

Thẩm quyền giải quyết: Đối tượng tranh chấp là bất động sản tại xã P, huyện L, tỉnh Nam Định. Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 26; khoản 1 Điều 35; Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự thì Toà án nhân dân huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định thụ lý giải quyết vụ kiện là đúng thẩm quyền.

[2] Về xác định di sản thừa kế: Vợ chồng cụ Trần Trọng C, Trần Thị C1 trước đây tạo dựng và sinh sống cùng 7 người con trên thửa đất số 229, tờ bản đồ số 7 tại thôn B, xã P. Năm 1977 cụ C chết không để lại di chúc, các con của 2 cụ lần lượt trưởng thành lập gia đình riêng và tách ra làm ăn, sinh sống mỗi người một nơi. Riêng bà Trần Thị B không đi xây dựng gia đình nên vẫn ở cùng cụ C1 tại căn nhà cấp 4 có 3 gian trên đất. Năm 2004 thửa đất này được Uỷ ban nhân dân huyện L cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên chủ hộ là cụ Trần Thị C (tức C1) với diện tích 1390m2 (trong đó 710m2 vưn, 440m2 ao và 240m2 đất ở). Năm 2007 cụ C1 được Uỷ ban nhân dân huyện L cho phép cắt chuyển nhượng 234m2 đt vườn cho hộ ông Trần Thanh T. Năm 2015 cụ C1 chết không để lại di chúc, trong hộ gia đình cụ C1 chỉ còn mình bà B là con vẫn tiếp tục sinh sống tại căn nhà cấp 4 trên phần diện tích còn lại của thửa đất cho đến nay. Căn cứ kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản thì các đương sự cùng thống nhất về tài sản trên đất không còn giá trị sử dụng nên không định giá; hiện trạng thửa đất có diện tích 1190.7m2 được Hội đồng định giá tài sản xác định trị giá 1.036.898.400đ (trong đó đất ở 240.0m2 x 1.500.000đ/m2 = 360.000.000đ; đất vườn 528.3m2 x 712.000đ/m2 = 376.149.600đ; đất ao 422.4m2 x 712.000đ/m2 = 300.748.800đ). So với diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì diện tích hiện trạng của thửa đất có chênh lệch tăng lên 34.7m2. Căn cứ khoản 5 Điều 98 Luật đất đai hiện hành thì diện tích thửa đất sẽ được xác định theo số liệu đo đạc thực tế.

Như vậy di sản của cụ Trần Trọng C và Trần Thị C1 được xác định là thửa đất số 229, tờ bản đồ số 7 thuộc thôn B, xã P, huyện L, tỉnh Nam Định có diện tích 1190.7 m2, trị giá 1.036.898.400đ (một tỷ không trăm ba sáu triệu tám trăm chín tám nghìn bốn trăm đồng) hiện bà Trần Thị B đang quản lý, ngoài ra không còn di sản nào khác.

[3] Về việc phát sinh tranh chấp: Do cụ Trần Trọng C và Trần Thị C1 chết để lại di sản không có di chúc, ông Trần Trọng H là 1 trong 7 người con của 2 cụ đòi chiếm hưởng toàn bộ di sản nhưng bà Trần Thị B là em không đồng ý nên dẫn đến tranh chấp. Việc anh em trong gia đình không thoả thuận được với nhau về di sản của bố mẹ nên bà B khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết chia thừa kế theo pháp luật là có cơ sở và được Toà án xem xét chấp nhận.

[4] Về xác định diện hàng thừa kế: Cụ C và cụ C1 có 7 người con gồm các ông, bà: Trần Trọng D3 (chết năm 2000); Trần Thị L, sinh năm 1946; Trần Trọng C2 (chết năm 2014); Trần Trọng H2 (chết năm 2016); Trần Trọng H, sinh năm 1949; Trần Thị B, sinh năm 1957 và Trần Thị T, sinh năm 1961. Ông D3 có vợ là Nguyễn Thị T1 (chết năm 2016) và có 4 người con là Trần Trọng D, sinh năm 1970; Trần Thị C3 (chết năm 2017); Trần Trọng D1, sinh năm 1975; Trần Thị S2, sinh năm 1979. Ông C2 có vợ là Trần Thị S, sinh năm 1947 và 2 người con là Trần Trọng D2, sinh năm 1971; Trần Trọng S1, sinh năm 1979. Ông H2 có vợ là Trần Thị N, sinh năm 1949 và 2 người con là Trần Trọng H1, sinh năm 1976; Trần Trung T, sinh năm 1980 (tình tiết, sự kiện này được các đương sự đều thừa nhận), căn cứ Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự thì đây là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự thì hàng thừa kế thứ nhất của 2 cụ C, C1 sẽ là 7 người con của 2 cụ gồm các ông bà: Trần Trọng D3; Trần Thị L; Trần Trọng C2; Trần Trọng H2; Trần Trọng H; Trần Thị B và Trần Thị T. Tuy nhiên, tại thời điểm mở thừa kế năm 2015 (cụ C1 chết) thì ông D3, ông C2 đã chết trước, khi đó ông D3 có 4 người con là Trần Trọng D; Trần Trọng D1; Trần Thị C3; Trần Thị S2 và ông C2 có 2 người con là Trần Trọng D2; Trần Trọng S1. Căn cứ Điều 652 Bộ luật dân sự thì những người con của ông D3, ông C2 là các cháu cụ C1 sẽ thừa kế thế vị cha, được hưởng phần di sản mà ông D3, ông C2 được hưởng nếu còn sống.

[5] Về việc phân chia di sản: Theo quy định khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau, do đó di sản của 2 cụ C, C1 sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế. Tuy nhiên, khi phân chia Toà án cũng xem xét đến phần công sức của bà B trong việc chăm sóc, phụng dưỡng cụ C1 người để lại di sản cũng như việc duy trì tôn tạo, bảo quản và phát triển tài sản. Căn cứ sơ đồ hiện trạng thì thửa đất tranh chấp có cạnh phía bắc mặt đường liên thôn dài 26,5m, các cạnh còn lại bị bao bọc kín bởi các hộ liền kề. Vì vậy để bảo đảm quyền lợi cho các đương sự về giá trị sử dụng của từng kỷ phần được hưởng, Toà án sẽ chia đều cho mỗi đồng thừa kế một phần đất cùng có chiều rộng mặt đường như nhau. Tuy nhiên, việc phân chia các phần đất đều có chiều rộng mặt đường như nhau thì sẽ có sự chênh lệch nhau về diện tích cũng như giá trị của từng phần đất do thửa đất có hình thể không được như mong muốn. Mặt khác trong thửa đất có đất ở, đất vườn, đất ao ở các vị trí khác nhau (đất ở nằm giữa đất vườn) và giá trị của từng loại đất cũng khác nhau. Do đó sau khi phân chia sẽ phải tính chênh lệch về giá trị tài sản để các đương sự được hưởng có trách nhiệm thanh toán bù trừ cho nhau, cụ thể:

Tha đất số 229 tờ bản đồ số 7 xã P, huyện L, tỉnh Nam Định sẽ được chia thành 7 phần (Thửa phụ) và đánh số thửa phụ từ 229/1 đến 229/7 tính từ tây sang đông. Mỗi phần đều có chiều rộng mặt đường phía bắc 3,77m; phía đông và phía tây cắt thẳng từ bắc về nam đến hết đất như sau:

Phần thứ 1 (Thửa phụ 229/1): Phía bắc mặt đường thôn rộng 3,77m; phía đông cắt thẳng từ bắc về nam đến hết đất; phía tây giáp hộ bà T có diện tích 188.7m2 (trong đó đất vườn 126.6m2 x 712.000đ/m2 = 90.139.000đ; ao 62.1m2 x 712.000đ/m2 = 44.215.000đ) trị giá 134.354.000đ.

Phần thứ 2 (Thửa phụ 229/2): Phía bắc mặt đường thôn rộng 3,77m, phía đông và phía tây cắt thẳng từ bắc về nam đến hết đất có diện tích 130.6m2 (trong đó đất ở 7.9m2 x 1.500.000đ/m2 = 11.850.000đ; vườn 82.9m2 x 712.000đ/m2 = 59.024.000đ; ao 39.8m2 x 712.000đ/m2 = 28.337.000đ) trị giá 99.211.000đ.

Phần thứ 3 (Thửa phụ 229/3): Phía bắc mặt đường thôn rộng 3,77m, phía đông và phía tây cắt thẳng từ bắc về nam đến hết đất có diện tích 130.6m2 (trong đó đất ở 46.3m2 x 1.500.000đ/m2 = 69.450.000đ; vườn 43.2m2 x 712.000đ/m2 = 30.758.000đ; ao 41.1m2 x 712.000đ/m2 = 29.263.000đ) trị giá 129.471.000đ.

Phần thứ 4 (Thửa phụ 229/4): Phía bắc mặt đường thôn rộng 3,77m, phía đông và phía tây cắt thẳng từ bắc về nam đến hết đất có diện tích 130.6m2 (trong đó đất ở 46.4m2 x 1.500.000đ/m2 = 69.600.000đ; vườn 42.0m2 x 712.000đ/m2 = 29.904.000đ; ao 42.2m2 x 712.000đ/m2 = 30.046.000đ) trị giá 129.550.000đ.

Phần thứ 5 (Thửa phụ 229/5): Phía bắc mặt đường thôn rộng 3,77m, phía đông và phía tây cắt thẳng từ bắc về nam đến hết đất có diện tích 131.0m2 (trong đó đất ở 46.4m2 x 1.500.000đ/m2 = 69.600.000đ; vườn 41.0m2 x 712.000đ/m2 = 29.192.000đ; ao 43.6m2 x 712.000đ/m2 = 31.043.000đ) trị giá 129.835.000đ.

Phần thứ 6 (Thửa phụ 229/6): Phía bắc mặt đường thôn rộng 3,77m, phía đông và phía tây cắt thẳng từ bắc về nam đến hết đất có diện tích 131.0m2 (trong đó đất ở 46.5m2 x 1.500.000đ/m2 = 69.750.000đ; vườn 39.7m2 x 712.000đ/m2 = 28.266.400đ, ao 44.8m2 x 712.000đ/m2 = 31.897.600đ) trị giá 129.913.000đ.

Phần thứ 7 (Thửa phụ 299/7): Phía bắc giáp đường thôn rộng 3,77m, phía đông giáp hộ ông Trần Thanh T, phía tây cắt thẳng từ bắc về nam đến hết đất có diện tích 348.2m2 (đất ở 46.5m2 x 1.500.000đ/m2 = 69.750.000đ; vườn 152.9m2 x 712.000đ/m2 = 108.864.800đ; ao 148.8m2 x 712.000đ/m2 = 105.945.600đ) trị giá 284.560.400đ.

Tất cả các phần (Thửa phụ) đất này có kích thước và diện tích được thể hiện theo sơ đồ phân chia.

[6] Về phần được hưởng: Trong 7 phần đất được phân chia thì phần số 7 (229/7) có diện tích lớn hơn nhất đó là do hình thể của thửa đất trước đây bị cắt một phần góc vườn phía đông bắc giáp đường thôn chuyển nhượng cho hộ ông T nên phần vườn, ao ở góc đông nam còn lại đã tạo nên phần đất số 7 này có hình chữ L. Hiện tại trên phần đất được chia này có cắt lại một phần phía đông ngôi nhà cấp 4 bà B đang ở. Bản thân bà B là hộ độc thân, tuổi đã cao nên có phần khó khăn; hơn nữa trước đây bà B ở cùng và có công chăm sóc, phụng dưỡng cụ C1 nhiều hơn các anh chị em khác trong gia đình; ngoài ra bà cũng có công sức trong việc duy trì tôn tạo, bảo quản và phát triển di sản. Vì vậy để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà B, tạo điều kiện cho bà tiếp tục có nhà ở ổn định cuộc sống, Toà án xét thấy cần chia cho bà hưởng phần đất số 7 có diện tích 348.2m2 trị giá 284.560.400đ và không phải thanh toán chênh lệch về giá trị tài sản cho các đồng thừa kế khác là phù hợp. Phần kế tiếp phần số 7 là phần số 6 (229/6) có diện tích 131.0m2 trị giá 129.913.000đ; phần đất này được chia sẽ còn lại một phần phía tây ngôi nhà cấp 4 bà B đang ở mà ông H cũng có nguyện vọng được hưởng để thờ cúng gia tiên, vì vậy nên chia phần đất này cho ông H được hưởng để ông tiếp tục duy trì việc tâm linh của mình theo ý nguyện. Các phần đất còn lại lần lượt sẽ được chia cho bà L hưởng phần số 5 (229/5) có diện tích 131.0m2 trị giá 129.835.000đ; bà T hưởng phần số 4 (229/4) có diện tích 130.6m2 trị giá 129.550.000đ; ông H2 hưởng phần số 3 (229/3) có diện tích 130.6m2 trị giá 129.471.000đ, hiện ông H2 đã chết nên phần này sẽ được giao cho vợ con ông H2 là bà N, anh H1, anh T hưởng chung; anh D2, anh S1 thừa kế thế vị ông C2 hưởng chung phần số 2 (229/2) có diện tích 130.6m2 trị giá 99.211.000đ; anh D, anh D1, chị C3, chị S2 thừa kế thế vị ông D3 hưởng chung phần số 1 (229/1) có diện tích 188.7m2 trị giá 134.354.000đ, hiện chị C3 đã chết và không xác định được địa chỉ của chồng con chị C3 do đó sẽ giao phần này cho anh D, anh D1, chị S2 quản lý, nếu sau này phần đất có phát sinh tranh chấp thì sẽ được giải quyết bằng vụ kiện khác.

[7] Về thanh toán chênh tài sản: Do từng phần đất phân chia cho các đương sự được hưởng có sự chênh lệch nhau về giá trị, vì vậy các đương sự sẽ phải có trách nhiệm thanh toán bù trừ cho nhau về sự chênh lệch này, cụ thể:

Trong 7 phần đất được phân chia thì ngoài phần số 7 (Thửa phụ 229/7) bà B được hưởng không phải thanh toán chênh lệch về giá trị thì 6 phần còn lại có tổng trị giá 752.334.000đ, chia bình quân mỗi kỷ phần được hưởng là 125.389.000đ. Đối chiếu với từng phần thì phần đất số 1 (Thửa phụ 229/1) trị giá 134.354.000đ cao hơn kỷ phần được hưởng 8.965.000đ; phần đất số 2 (Thửa phụ 229/2) trị giá 99.211.000đ thấp hơn kỷ phần được hưởng 26.178.000đ; phần đất số 3 (Thửa phụ 229/3) trị giá 129.471.000đ cao hơn kỷ phần được hưởng 4.082.000đ; phần đất số 4 (Thửa phụ 229/4) trị giá 129.550.000đ cao hơn kỷ phần được hưởng 4.161.000đ; phần đất số 5 (Thửa phụ 229/5) trị giá 129.835.000đ cao hơn kỷ phần được hưởng 4.446.000đ; phần đất số 6 (Thửa phụ 229/6) trị giá 129.913.000đ cao hơn kỷ phần được hưởng 4.524.000đ. Như vậy, tương ứng với từng phần đất các đương sự được chia có trị giá cao hơn kỷ phần được hưởng thì sẽ phải thanh toán phần chênh lệch cao hơn này trả cho đương sự được chia phần đất có trị giá thấp hơn kỷ phần được hưởng.

[8] Về án phí: Bà L, bà B, bà N và ông H là những người cao tuổi nên được miễn án phí; các đương sự khác phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản được hưởng theo quy định của pháp luật.

[9] Về chi phí tố tụng khác: Để giải quyết vụ án, Toà án đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản trong vụ án. Toàn bộ chi phí tố tụng 8.661.000đ được bà T tự nguyện chi phí. Bà T, bà L nộp tạm ứng chi phí tố tụng và đã được bà T đại diện thanh toán xong khoản chi phí này.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 612, 613, 618, 623, 649, 650, 651 và 652 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

1. Về yêu cầu khởi kiện: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị B về việc chia thừa kế di sản của cụ Trần Trọng C và Trần Thị C1 theo pháp luật.

2. Về chia thừa kế: Chia di sản của cụ Trần Trọng C và Trần Thị C1 là thửa đất số 229, tờ bản đồ địa chính số 7 xã P, huyện L, tỉnh Nam Định thành 7 phần (Thửa phụ) theo thứ tự từ 229/1 đến 299/7 tính từ tây sang đông cho các đồng thừa kế được hưởng, cụ thể:

Chia cho anh Trần Trọng D, anh Trần Trọng D1, chị Trần Thị C3, chị Trần Thị S2 hưởng phần đất 229/1 diện tích 188.7m2 (trong đó đất vườn 126.6m2; ao 62.1m2) trị giá 134.354.000đ (một trăm ba tư triệu ba trăm năm tư nghìn đồng); hiện chị C3 đã chết nên giao phần đất này cho anh D, anh D1, chị S2 quản lý.

Chia cho anh Trần Trọng D2, anh Trần Trọng S1 hưởng phần đất 229/2 diện tích 130.6m2 (trong đó đất ở 7.9m2; vườn 82.9m2; ao 39.8m2) trị giá 99.211.000đ (chín chín triệu hai trăm mười một nghìn đồng).

Chia cho ông Trần Trọng H2 hưởng phần đất 229/3 diện tích 130.6m2 (trong đó đất ở 46.3m2; vườn 43.2m2; ao 41.1m2) trị giá 129.471.000đ (một trăm hai chín triệu bốn trăm bảy mốt nghìn đồng); hiện ông H2 đã chết nên giao phần đất này vợ con ông H2 là bà Trần Thị N, anh Trần Trọng H1, anh Trần Trung T được hưởng.

Chia cho bà Trần Thị T hưởng phần đất 229/4 diện tích 130.6m2 (trong đó đất ở 46.4m2; vườn 42.0m2; ao 42.2m2) trị giá 129.550.000đ (một trăm hai chín triệu năm trăm năm mươi nghìn đồng).

Chia cho bà Trần Thị L hưởng phần đất 229/5 diện tích 131.0m2 (trong đó đất ở 46.4m2; vườn 42.0m2; ao 43.6m2) trị giá 130.547.000đ (một trăm ba mươi triệu năm trăm bốn bảy nghìn đồng).

Chia cho ông Trần Trọng H hưởng phần đất 229/6 diện tích 131.0m2 (trong đó đất ở 46.5m2; vườn 39.7m2; ao 44.8m2) trị giá 129.913.000đ (một trăm hai chín triệu chín trăm mười ba nghìn đồng).

Chia cho bà Trần Thị B hưởng phần đất 229/7 diện tích 348.2m2 (trong đó đất ở 46.5m2; vườn 152.9m2; ao 148.8m2) trị giá 284.560.400đ (hai trăm tám tư triệu năm trăm sáu mươi nghìn bốn trăm đồng).

Tất cả các phần (Thửa phụ) đất được chia, kích thước và diện tích cụ thể có sơ đồ phân chia kèm theo.

3. Về thanh toán chênh lệch tài sản: Anh D, anh D1, chị S2 phải trả cho anh D2, anh S1 là 8.965.000đ (tám triệu chín trăm sáu lăm nghìn đồng); bà N, anh H1, anh T phải trả cho anh D2, anh S1 là 4.082.000đ (bốn triệu không trăm tám hai nghìn đồng); bà T phải trả cho anh D2, anh S1 là 4.161.000đ (bốn triệu một trăm sáu mốt nghìn đồng); bà L phải trả cho anh D2, anh S1 là 4.446.000đ (bốn triệu bốn trăm bốn sáu nghìn đồng); ông H phải trả cho anh D2, anh S1 là 4.524.000đ (bốn triệu năm trăm hai tư nghìn đồng).

4. Về án phí dân sự sơ thẩm: Miễn cho bà L, bà B, bà N và ông H; bà T phải chịu 6.269.450đ (sáu triệu hai trăm sáu chín nghìn bốn trăm năm mươi đồng); anh D, anh D1, chị S2 phải chịu 6.269.450đ (sáu triệu hai trăm sáu chín nghìn bốn trăm năm mươi đồng); anh D2, anh S1 phải chịu 6.269.450đ (sáu triệu hai trăm sáu chín nghìn bốn trăm năm mươi đồng); anh H1, anh T phải chịu 4.179.633đ (bốn triệu một trăm bảy chín nghìn sáu trăm ba ba đồng).

5. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

Đi với khoản tiền phải thi hành án trên, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ khi người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành mà người phải thi hành án không nộp thì hàng tháng phải chịu lãi suất theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự, tương ứng với thời gian và số tiền phải thi hành.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

222
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 03/2020/DS-ST ngày 12/08/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản

Số hiệu:03/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mỹ Lộc - Nam Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về